Sự khác biệt quan trọng và then chốt nhất giữa Phật giáo và ngoại đạo nằm ở việc Quy y Tam Bảo
Nói chung tri kiến, thực hành và hành vi của các truyền thống phi-Phật giáo (ngoại đạo) và truyền thống Phật giáo đều khác biệt và kết quả thì cũng vậy. Điểm khác biệt chính yếu nằm ở chỗ liệu người ta có quy y Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng hay không. Người quy y thì thuộc về Phật giáo; nếu không thì là ngoại đạo.
Mặc dù các niềm tin phi-Phật giáo cũng tuyên bố vài quan niệm về tính Không, họ không thể giải thích bản tính trống rỗng của mọi hiện tượng dựa trên duyên khởi. Ý tưởng của họ về tính Không chỉ là vài kiểu tính Không đơn giản, không giống như - tính Không bất khả phân với các hiện tượng. Ví dụ, vài vị ngoại đạo cũng chỉ ra rằng điều mà chúng ta thấy bằng mắt và nghe bằng tai đều là hư huyễn. Tuy nhiên, phần lớn các tư tưởng của họ về tính Không chỉ thuần túy là sự không có gì cả, và [cách giải thích] này thì hoàn toàn thờ ơ với [sự hiện hữu của] các hiện tượng. Đây cũng không phải tính Không mà Tổ Long Thọ và những đạo sư đồng quan điểm giảng dạy, cũng không phải là điều được thuyết giảng bởi Tổ Vô Trước (Asanga) và chư vị, bởi tính Không ở đây phải là sự bất khả phân với sự thấu suốt (tánh rõ biết) chói ngời. Tính Không của ngoại đạo nghĩa đơn giản là không-tồn tại (không hiện hữu), chỉ giống như đầu người thì không có sừng, và điều này không phải là ý nghĩa thực sự của tính Không trong Phật giáo. Nhưng tư tưởng về tính Không của ngoại đạo, thật đáng tiếc, chỉ là điều đơn giản như vậy.
Đó là tri kiến chính yếu của các vị ngoại đạo trong thời kỳ của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau đó, khi Hồi giáo tràn khắp Ấn Độ, một số những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất, chẳng hạn Tu viện Nalanda và Vikramasila (Giới Luật Viện) bị phá hủy. Kết quả là, một vài trường phái ngoại đạo bắt đầu chấp nhận những học thuyết Phật giáo nhất định, khiến cho giáo lý ngoại đạo bị trộn lẫn với nhiều giáo lý Phật Đà. Tuy nhiên, cho đến nay, không trường phái nào trong số này có thể chứng ngộ tính Không vượt khỏi quan niệm về “vô-ngã”.
Dẫu sao, sự khác biệt quan trọng và then chốt nhất giữa Phật giáo và ngoại đạo nằm ở việc Quy y Tam Bảo. Do đó, Quy y được xem là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ ai muốn học hỏi Phật giáo. Tuy vậy, việc quy y không bao giờ được ép buộc lên bất cứ ai. Chỉ những người muốn nghiên cứu giáo lý Phật Đà hoặc bắt đầu thực hành Phật giáo mới phải làm theo. Không quy y là duy trì làm người ngoài cuộc, không bước vào con đường giải thoát và không thể được xem là một Phật tử.
Trích “Ba Khác Biệt Cần Biết Để Thực Hành Giáo Pháp Chân Chính”, Khenpo Tsultrim LordoKim Cang Định trích dẫn