TU QUÁN
Chánh văn nói tiếp như sau:
Sau khi thành tựu chỉ, hãy nên thiền quán bằng suy nghĩ như sau: Tất cả giáo pháp của Phật đều là giáo pháp tuyệt hảo, đều trực tiếp hay gián tiếp làm hiển lộ tánh như và dẫn đường tới tánh như cực kỳ trong sáng. Nếu hiểu được tánh như, sẽ thoát lưới tà kiến, như bóng tối tan khi ánh sáng hiện. Thiền chỉ một chiều không thể thanh tịnh bản giác, cũng không thể xua tan bóng tối của chướng nghiệp. Dùng tuệ để quán tánh như cho đúng cách thì thanh tịnh được bản giác. Phải có tuệ mới chứng được tánh như. Phải có tuệ mới đoạn được chướng nghiệp. Vậy khi thiền chỉ, phải vận dụng tuệ giác để truy tầm tánh như. Không thể với pháp tu chỉ mà thấy đủ. Đoạn trên đây cho thấy tu thiền chỉ một mình không đủ, chúng ta cần phải tu thiền quán. Quán, hay tuệ quán (vipassana), tự nó cũng có nhiều loại, có loại thế gian, có loại xuất thế.
a. Hai loại tuệ quán: thế gian và xuất thế
Tuệ quán thế gian là loại thấy cõi dưới là thô và cõi trên vi tế an lạc. Với loại tuệ quán này, bất kể hành thiền bao lâu, cùng lắm chỉ có thể diệt được tầng phiền não thô lậu của tam thiền vô sắc [vô sở hữu xứ] trở xuống, không thể diệt được vọng tâm thuộc cõi tứ thiền vô sắc [phi tưởng phi phi tưởng xứ, còn gọi là đỉnh luân hồi]. Chỉ có tuệ chứng tánh không, loại tuệ quán xuất thế, chứng tánh không, mới có khả năng tận diệt toàn bộ mọi phiền não.
Muốn được như vậy, trước tiên phải hiểu thế nào là tuệ quán xuất thế. Đây là tuệ quán chứng tánh không, chứng chân thực tại. Vậy chân thực tại là gì? Bốn tông phái Phật giáo đều định nghĩa khác nhau về chân thực tại. Nói tổng quát, chân thực tại có thể được giải thích qua nghĩa vô ngã, ứng vào với con người và đối cảnh bên ngoài: nhân vô ngã và pháp vô ngã. Tuy vậy, hai tông phái dưới của Phật giáo là Tì Bà Sa Luận Bộ và Kinh Lượng Bộ không biết tới pháp vô ngã, chỉ nói đến nhân vô ngã.
b. Tri kiến tánh không
Phật Pháp thường nói đến vô thường, khổ, không, vô ngã, cũng có khi qui nạp lại thành ba, vô thường, khổ, vô ngã, như vậy vô ngã bao gồm cả tánh không. Trong luận Lượng Tập Luận, ngài Nguyệt Xứng nói rằng tuệ chứng vô ngã là con đường giải thoát. Trọn giáo pháp còn lại chỉ là để phát huy và để hội nhập tuệ giác vô ngã này, ý nói rằng tất cả mọi đường tu khác chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không phải thật sự là con đường giải thoát. Ngoài con đường chứng vô ngã này ra, không có con đường nào khác có thể đưa đến tự do chân chính.
Nói về nhân vô ngã và pháp vô ngã, chúng ta cần biết rằng nhân vô ngã cũng có hai mức độ, thô lậu và vi tế. Khi Tì Bà Sa Luận Bộ và Kinh Lượng Bộ nói về nhân vô ngã, đây chỉ là nói đến sự không có một cái tôi độc lập có thực thể. Còn xét theo quan điểm của các tông phái cao hơn, nếu thiền quán về nhân vô ngã mà chỉ chứng được sự không có cái tôi độc lập có thực thể thì dù phá được các tầng phiền não liên quan đến sự chấp vào cái tôi, nhưng vì loại tuệ giác này chỉ chứng được vô ngã của con người, không chứng được vô ngã của sự vật, nên không thể đoạn diệt loại chấp bám liên quan đến thế giới ngoại cảnh. Đương nhiên nói như vậy không có nghĩa là chứng nhân vô ngã thô lậu sẽ không ảnh hưởng gì đến sự chấp bám ngoại cảnh. Lấy ví dụ tràng hạt của tôi đây. Trước khi tràng hạt này thuộc về tôi, nhìn thật là đẹp mắt, nhưng vẫn chỉ là thích vậy thôi. Đến khi mua về, tràng hạt thuộc về mình rồi, tự nhiên trở nên cực kỳ đẹp đẽ, quyến rũ: lòng tham luyến tăng lên gấp bội.
Như vậy đủ thấy nếu chứng được loại nhân vô ngã mà hai tông phái Tì Bà Sa Luận Bộ và Kinh Lượng Bộ nói đến, nhờ không còn bám dính vào chính mình cho nên giảm được phần nào thái độ bám dính vào ngoại cảnh. Tuy vậy, loại tuệ giác chứng nhân vô ngã này chỉ đơn giản ứng vào con người, ứng vào chủ thể, chủ nhân sở hữu, chứ không ứng vào sự vật bên ngoài, vì vậy tuệ giác chứng nhân vô ngã không có khả năng đoạn diệt loại phiền não bám dính vào ngoại cảnh. Bây giờ thử xét về những tông phái Phật giáo tin vào cả hai loại vô ngã, nhân vô ngã và pháp vô ngã: Duy thức tông, và Trung quán tông. Duy thức tông chấp nhận cả hai loại vô ngã, tin rằng ngoại cảnh không hiện hữu một cách độc lập chắc thật, nhưng lại tin vào hiện hữu độc lập và chắc thật của tâm thức. Chính vì Duy thức tông tin rằng tâm thức có tự tánh nên không thể đoạn diệt sự bám dính vào thế giới nội tâm. Suy nghĩ về quan điểm khác nhau của các tông phái này cũng thấy có điều gì thiếu sót trong tri kiến về tánh không nói trên.
Bây giờ xét về tông phái Phật giáo cao nhất, Trung quán tông. Tông phái này tin rằng tất cả mọi sự vật đều không hiện hữu một cách độc lập, chắc thật. Trung quán tông có những bậc đạo sư như ngài Thanh Biện, ngài Jhana Hridaya [hay là Jnana Garbha?, đức Đalai Lama không chắc], hai vị cho rằng mọi sự đều không hiện hữu một cách độc lập, nhưng lại cho rằng thế giới ngoại cảnh có thật. Vì phái Kinh Lượng Bộ cũng cho rằng ngoại cảnh có thật, nên tông phái này được gọi là Kinh Lượng Tự Lập Trung Quán. Ngoài ra Trung Quán còn một phái khác, gồm các đạo sư như ngài Thiện Hải Tịch Hộ, ngài Liên Hoa Giới, ngài Giới Hiền. Ba vị này mặc dù cho rằng mọi sự đều không hiện hữu một cách độc lập, nhưng lại có một điểm giống Duy thức tông, cho rằng ngoại cảnh không có thật. Trường phái này được gọi là Trung Quán Tự Lập Du Già. Ngài Thanh Biện, thuộc trường phái Trung Quán Tự Lập Kinh Lượng, phủ nhận thuyết tất cả chỉ thuần là tâm thức của trường phái Trung Quán Tự Lập Du Già. Nhưng hai trường phái này giống nhau ở điểm cả hai đều chấp nhận sự vật không hiện hữu độc lập, tuy vậy vẫn tin rằng sự vật phải có một mức độ có tự tánh trên lãnh vực qui ước [của tục đế]. Ngoài hai trường phái này ra, Trung quán tông còn một trường phái khác, gồm các đạo sư như ngài Nguyệt Xứng, Phật Hộ, các ngài không những nói rằng mọi sự đều không hiện hữu độc lập [trên phương diện chân đế], mà ngay cả trên phương diện qui ước [của tục đế] cũng hoàn toàn không có tự tánh.
Trích “Giảng về Trình Tự Tu Thiền”, Đạt Lai Lạt Ma.