Sáng Chủ Nhật
Kính chào quý vị. Tôi sẽ nói cái gì đây? (cười)
Chúng ta đang tìm kiếm sự tự do giải thoát. Chúng ta đang đi tìm sự giải thoát nào đây? Một cách nào đó, chúng ta cần chiến thắng cái tôi: chấp ngã, tham lam, sân hận, bám víu, giận hờn, nóng nảy, dồn nén, u mê, ái dục...Tôi hy vọng rằng tôi đã nêu ra đầy đủ những vấn đề. Những vấn đề này chúng ta cần phải chinh phục, cần phải nhổ đi tận gốc rễ. Đó là lý do tại sao, trước nhất tôi muốn cống hiến quý vị một câu mật chú, câu mật chú của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật: OM MUNI MUNI MAHAMUNIYE SOHA. “Hãy chiến thắng, hãy chiến thắng tham vọng và bám víu, hãy chiến thắng tất cả những ý niệm nhị nguyên.” Câu mật chú này rất ứng nghiệm và hữu ích.
Từ đáy sâu thẳm của trái tim tôi, câu mật chú này chuyển đến trái tim của quý vị, chúng ta hãy cùng nhau tụng lên, TA YA THA OM MUNI MUNI MAHAMUNIYE SOHA. Trong lúc tụng, hãy nghĩ đến những vấn đề mà tôi vừa nhắc đến, “Đây là những vấn đề của chính tôi. Tôi cần phải chiến thắng chúng, như vậy tôi mới có thể giúp được những người khác.” TA YA THA OM MUNI MUNI MAHAMUNIYE SOHA.
Đồng thời cũng nên nghĩ đến điều đơn giản này: là một con người, tôi phải chịu trách nhiệm về thân, khẩu và ý của tôi. Bên ngoài những công việc thường ngày, ba điều này mới chính là công việc của chúng ta. Phật giáo rất đơn giản, rất thực tế, dậy rằng, là một con người chúng ta phải chịu trách nhiệm về thân, khẩu và ý của chính chúng ta. Ba sự việc này mới thật sự là trách nhiệm của chúng ta. Phật giáo rất đơn giản, rất thực tế, rất rõ ràng. Là một người, chúng ta phải chịu trách nhiệm về thân, khẩu và ý của chúng ta. Nếu chúng ta ý thức được ba vấn đề này thì mọi sự việc sẽ trở nên rất dễ dàng, đơn giản; nếu chúng ta không làm được ba điều này một cách dễ dàng thì tất cả mọi sự việc sẽ trở nên phức tạp, điên loạn và phiền toái.
Bây giờ chúng ta thực tập một hình thức thiền đơn giản với câu mật chú, OM AH HUNG. Ở tại luân xa đỉnh đầu (luân xa 7) trong trung tâm của não bộ, có chủng tử OM mầu trắng; quý vị có thể quán tưởng đến một âm thanh OM. Ở tại cổ họng (luân xa 5) có chủng tử AH nhỏ mầu đỏ. Tại trái tim (luân xa 4) với âm thanh và chủng tử HUNG mầu xanh. Từ ba trung tâm này của tôi, OM mầu trắng, AH mầu đỏ và HUNG mầu xanh đến ba nơi đó của quý vị. Hãy lập lại theo tôi: OM.....và hãy tưởng tượng sự an lạc, nguồn năng lực có tia sáng trắng đang tràn ngập khắp thân thể của quý vị. Rồi, từ nguồn an lạc AH mầu đỏ tại cổ họng tràn lan khắp thân thể của quý vị và thanh tẩy những lời nói không trong sạch, không thanh khiết của quý vị. Hãy lặp lại AH nhiều lần. Rồi, từ trái tim, HUNG nguồn năng lực vô biên, bao la, mầu xanh, tràn đầy niềm an lạc, những tia sáng xanh này tỏa ra khắp thân thể, tràn lan khắp xứ Thụy Điển (Lama đang thuyết pháp ở Thụy Điển –Dg) và toàn vũ trụ. Hãy lặp lại nhiều lần HUNG.....Hãy thành tâm và thật sự tỉnh thức khi đọc tụng HUNG. Chúng ta tụng một âm dài hoặc ngưng lại lấy hơi rồi tiếp tục HUNG......
Người Thụy Điển mời tôi mang ánh sáng của đạo pháp đến cho họ. Quý vị nghĩ rằng đây là một việc tốt lành. Tôi xin kể một câu chuyện. Khi Đạo sư Atisha mang Đạo Phật đến Tây Tạng, một thiền giả Tây Tạng đến chào đón Atisha rồi thưa với ngài rằng, tôi thực hành thiền định rất chuyên chú, siêng năng. Atisha trả lời: “Đó là một hành động xấu, hãy bỏ đi!” Nếu tôi cũng bắt chước Atisha nói với quý vị, “Đừng thiền nữa, thiền là một điều sai lầm!” có lẽ quý vị sẽ giết tôi. Có thể quý vị sẽ nói, “Tôi đến đây để học thiền mà ông lại tuyên bố thiền là một điều xấu.” Thật là quái gở. Thiền giả này nghĩ, “có thể tôi nên dậy người khác thiền.” Nhưng Atisha bảo ông ta, “đó là một điều xấu, hãy bỏ đi!” Thiền giả chẳng hiểu gì, đâm ra nghi ngờ. Ông ta lại nghĩ, “có thể đôi khi mình nên thiền và đôi khi mình nên dạy người khác thiền.” Atisha bảo, “hành động đó cũng xấu, ông nên từ bỏ!” Thiền giả bỏ thiền, rồi hỏi, “tôi nên làm gì bây giờ?” Atisha bảo: “hãy từ bỏ bám chấp vào những điều hài lòng của cuộc đời này, đó là điều ông nên làm.”
Quan niệm này có lý hay không có lý? Nó thật là có ý nghĩa! Vấn đề của chúng ta là gì? Hãy khảo sát ngay bây giờ xem, vấn đề của người Thụy Điển là gì? Tôi chắc chắn rằng hầu hết quý vị đã thiền, nhưng quý vị vẫn có vấn đề là đang tự thương xót mình, đang tự thương thân trách phận. Tôi chắc chắn rằng quý vị đã từng bàn luận về Đạo Pháp, đã nói rất nhiều về Đạo Pháp, Đạo Pháp, Đạo Pháp. Nó có lý do hay là không có lý do?
Chúng ta đã thấy, chúng ta đã hiểu những vấn đề căn bản của con người trong những lời dạy bảo của Đức Phật. Chúng ta nên hiểu rằng chính chúng ta đã sáng tạo ra những vấn đề này; chúng ta đã tự tạo ra vấn đề cho chính chúng ta. Tôi sẽ trình bày nó theo một chiều hướng khác. Bám chấp vào những vui thú của cuộc đời là một vấn đề, bởi vì, như chúng ta đã thấy, tất cả mọi người đều tìm kiếm thú vui. Chúng ta làm tất cả mọi thứ, tất cả mọi việc, tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ ra được – có bạn trai, bạn gái, lấy vợ lấy chồng, có nhà, có điện... vân vân... – bởi vì chúng ta cần thú vui, chúng ta cần sự hài lòng, nên chúng ta cố gắng bằng đủ mọi cách. Nhưng, chúng ta đã không cảm được sự thoải mái ở đây (Lama chỉ vào trái tim) bởi vì chúng ta đang bám chấp.
Ngoài việc cố gắng tìm kiếm những thú vui vật chất càng nhiều càng hay để làm cho chúng ta vui, chúng ta còn thử tìm kiếm một vài tôn giáo khác nữa. Tôn giáo chúng ta đang theo không thỏa mãn chúng ta nên chúng ta bắt đầu đi tìm một tôn giáo khác, “Có thể là Phật giáo Tây Tạng tốt....có thể là Ấn Độ giáo....có thể là Hồi giáo....có thể....” Tất cả những việc kiếm tìm này là để giải quyết những vấn đề, những rắc rối của chúng ta đang có. Chúng ta nghĩ rằng đây là một việc tốt, nhưng Atisha nói, “Anh đã thiền nhưng những vấn đề, những khổ đau của anh vẫn còn đó, không thay đổi, không chuyển hóa.” Chúng ta đã từng tụng kinh, chúng ta đã từng quỳ lạy, chúng ta đã làm đủ mọi nghi lễ, đủ mọi thứ – dạy bảo, thuyết pháp (như tôi đang làm). Diễn giảng, tụng kinh.....nhưng vấn đề vẫn còn đó. Phiền toái, rắc rối vẫn còn y nguyên đó. Đó là lý do tại sao Atisha nói tất cả những sự thực hành tôn giáo này đều xấu và chúng ta nên từ bỏ. Ngài thực sự muốn nói chúng ta nên buông bỏ tất cả những ý nghĩ tiêu cực, những quan niệm làm chúng ta khổ sở, làm chúng ta phải theo đuổi, phải bám chấp vào những thú vui vật chất, do đó chúng ta chỉ để tâm vào những sự việc tìm kiếm hạnh phúc trần gian. Đó là điều chúng ta phải buông bỏ. Rồi ánh sáng của Đạo Pháp sẽ đến.
Ghi thay lời giới thiệu, trích đoạn từ “Ánh Sáng Đạo Pháp”,
Bài giảng của Lama Zopa do Vô Huệ Nguyên dịch.
Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_ANH-SANG-DAO-PHAP_cgkkggt_xem-PDF_tuequang.html