TIỂU SỬ CỦA CHAMGON KENTING TAI SITUPA
Tai Situpa thứ Mười Hai thuộc dòng tái sinh liên tục được khởi đầu từ thế kỷ XI. Nguồn gốc của các Tai Situpa có thể theo dấu vết của Bồ Tát Di Lặc là một trong những đệ tử chính của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài Di Lặc được tiên đoán sẽ là Đức Phật tương lai, vị Phật thứ Năm trong số 1000 vị Phật xuất hiện trong cõi thế này. Các Tai Situpa còn được coi là một hóa thân quan trọng của Ngài Marpa Lotsawa, đạo sư vĩ đại của Milarepa. Trong bản văn quí báu “Ấn lệnh của Những Lời tiên tri” (tiếng Tạng. Lungten Kagyama) của Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) được đại sư Sangye Lingpa khám phá, trong đó Đức Liên hoa Sanh đã tiên tri rất rõ về tên của tất cả các hóa thân của các Tai Situpa. Những hóa thân Tai Situpa có mối kết nối rất gần gũi với các Đức Karmapa; từ đời này sang đời khác các ngài (Karmapa và Tai Situpa) lần lượt là đạo sư và đệ tử của nhau. Ngài Chokyi Gyalsen (1377 – 1448) là người đầu tiên mang tước hiệu Situpa, nhưng dòng Tai Situpa đặc biệt được khởi đầu với ngài Drogon Raychen (1088 – 1158) là một đệ tử thân cận của Đức Karmapa thứ Nhất.
Khi Pháp vương Gyalwang Karmapa thứ 16 đang ở Bắc Kinh để tham gia một cuộc họp bàn về vấn đề Tây Tạng, Ngài đã có linh kiến của Mahakala liên quan đến sự ra đời của Kenting Tai Situpa thứ 12. Sau đó, Pháp vương Karmapa đã viết một bức thư tiên tri về những dấu hiệu và nơi ra đời của Kenting Tai Situpa thứ 12. Trước khi qua đời, ngài Kenting Tai Situpa thứ 11, Pema Wangchog cũng đã mô tả hoàn cảnh tái sinh của ngài. Điều này đã giúp cho việc tìm ra nhanh chóng Kenting Tai Situpa thứ 12.
Ngài Kenting Tai Situpa, Pema Donyo Nyinje Wangpo sinh vào năm ngựa gỗ (1954) ở khu vực Palyul thuộc tỉnh Derge, Tây Tạng, trong một gia đình nông dân, điều này hoàn toàn trùng khớp với tiên tri của Đức Pháp vương Karmapa thứ 16. Vào ngày ngài sinh ra, những người dân trong vùng đã chứng kiến hai quả cầu mặt trời chiếu sáng trên bầu trời. Tước hiệu Kenting Tai Situpa nghĩa là “bậc thông tuệ, không thể lay chuyển, đại sư, người giữ khẩu truyền”.
Khi mới 18 tháng tuổi ngài được đưa tới tu viện Palpung và được Đức Karmapa thứ 16 tấn phong với sự có mặt của vị đại diện của Đức Dalai Lama, vị Vua của khu vực Derge cùng với đoàn tùy tùng, tất cả các Rinpoche của dòng truyền thừa Kagyu, đại diện của phía Trung quốc. Vào thời gian đó, nhiều tài liệu đã thừa nhận rằng ngài Tai Situpa thứ 12 đã nhận ra chính xác các đệ tử và những người giúp việc đời trước của mình.
Lên năm tuổi, Kenting Tai Situpa đã đến Tsurphu, nơi lần đầu tiên với sự trợ giúp của Sangye Nyenpa Rinpoche thứ 9, ngài thực hiện nghi lễ Red Vajra Crown (nhận Vương miện Vajra đỏ) tại phòng của Pháp vương Karmapa thứ 16. Năm Tai Situpa lên 6 tuổi, theo lời khuyên của Pháp vương, ngài đã rời Tây Tạng đi Bhutan, rồi sau đó ở lại với Pháp vương tại Tu viện Rumtek, Sikkim, Ấn Độ.
Ngài đã nhận tất cả sự trao truyền của dòng truyền thừa từ Pháp vương Karmapa thứ 16. Ngài cũng nhận những chỉ dẫn cốt lõi từ các đại sư Sangye Nyenpa Rinpoche thứ 9, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kalu Rinpoche, và Saljay Rinpoche. Phần lớn các bài giảng về triết học, ngài nhận sự hướng dẫn từ các đại sư Thrangu Rinpoche, Drikung Khenpo Konchok, Khenpo Khedup, và nhiều đại sư khác.
Năm 1974, khi đó ngài 21 tuổi, theo lời mời của Drupon Dechen Rinpoche, Tai Situpa đã đến Ladakh và ở lại đó một năm để truyền dạy Pháp. Năm 1975, theo yêu cầu của những đệ tử Tây Tạng của ngài đang sống ở vùng Bir, phía Bắc Ấn Độ, ngài đã gánh vác trách nhiệm truyền thống của các Tai Situpa thiết lập tu viện SherabLing.
Năm 1980 ngài thực hiện chuyến thăm Châu Âu lần đầu tiên, sau đó ngài đã đi thăm Bắc Mỹ, Đông Nam Á, và châu Âu để giảng dạy về triết học Phật giáo, và thiền theo yêu cầu của các Phật tử, các tổ chức nhân văn thuộc các tôn giáo khác nhau.
Năm 1981 Đạo sư gốc của ngài là Pháp Vương Karmapa thứ 16 qua đời và Pháp vương đã tái sinh vào ngày 25 tháng Sáu năm 1985 trong một gia đình du mục ở phía Đông Tây Tạng. Năm 1992, theo phương pháp truyền thống, Pháp vương Karmapa thứ 17, Ogyen Trinley Dorje đã được nhận ra, theo như bức thư miêu tả của Đức Karmapa thứ 16 trao cho ngài Kenting Tai Situpa. Đức Dalai Lama cũng công nhận vị hóa thân này, không lâu sau đó ngài Kenting Tai Situpa và H.E Goshri Gyaltsab Rinpoche đã trao vương miện cho Pháp vương Karmapa thứ 17 ở tu viện Tsurphu, Tây Tạng. Hiện nay, Kenting Tai Situpa đang trao truyền tất cả dòng truyền thừa Đại Thủ Ấn cho Pháp vương Karmapa thứ Mười Bảy.
Năm 1983, Kenting Tai Situpa thành lập Viện Maitreya (Di Lặc), một diễn đàn không phân biệt tôn giáo để các tôn giáo đối thoại với nhau. Cùng năm đó, ngài cũng được nhận Rinchen Terzod, những Giáo lý Kho Tàng Ẩn chứa của Kho tàng Vĩ đại từ Đại sư Kalu Rinpoche thứ Nhất.
Vào mùa đông năm 1984, lần đầu tiên Rinpoche đã trở lại Tây Tạng. Ngài nhấn mạnh “đó là một hành trình hoàn toàn mang tính chất tôn giáo, chứ không phải chính trị”, "Hành trình này được thực hiện bởi các nhu cầu tâm linh của mọi người”. Ngài được rất nhiều các tu viện thuộc các dòng truyền thừa khác nhau ở Tây Tạng mời để ban cho các giáo lý và các lễ quán đảnh. Một trong số đó là ở tu viện Palpung với sự tham dự của hàng ngàn người.
Năm 1989 ngài dẫn đầu Cuộc Hành hương vì Hòa bình để khuyến khích mọi người tham gia tích cực vào các hoạt động của hòa bình thế giới.
Ngài trở lại Tây Tạng lần thứ hai năm 1991 và làm lễ thọ giới cho hơn 1,200 tăng và ni, và cũng ban nhiều lễ quán đảnh, với sự tham dự của hơn 65 lamas tái sinh, và khoảng hơn 5000 chư tăng đã thọ giới đến từ 92 tu viện, và vô số cư sĩ.
Kenting Tai Situpa còn đi nhiều nơi trên thế giới để giảng Pháp và ban các lễ quán đảnh theo yêu cầu của các trung tâm Phật Pháp. Ngài cũng tổ chức các lớp giảng dạy về Đại Thủ Ấn (Mahamudra) với thời gian dài để giới thiệu những giáo lý thiêng liêng và thâm diệu của dòng truyền thừa Karma Kagyu.
Ngài Kenting Tai Situpa thứ 12 đang nối tiếp truyền thống của dòng truyền thừa thực hành thâm sâu không bị phá vỡ của các Tai Situpa. Ngài là một đại sư nổi tiếng đang đào tạo những thế hệ đạo sư Phật giáo tương lai.
Ở góc độ cá nhân, ngài Tai Situpa thứ 12 còn là một học giả, thi sĩ, nhà họa thư, nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà địa lý phong thủy.
Ghi thay lời giới thiệu. Trích “Lời cầu nguyện đức Kim Cương Trì”, Chamgon Kenting Tai Situpa
Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_LOI-CAU-NGUYEN-DUC_cqkddgt_xem-PDF_tuequang.html