Lời Nói Đầu
Nếu chủ nghĩa thần bí được định nghĩa, một cách rộng rãi, là “Chủ nghĩa chủ trương rằng tri thức trực tiếp về "Thượng đế‟ hay chân lý tâm linh có thể đạt được qua trực giác tức thời,” thì Mật giáo Tây Tạng cũng được xem là một hình thức của chủ nghĩa thần bí. Dĩ nhiên, vấn đề ở đây là hiểu các hạn từ “tri thức,” “Thượng đế,” “chân lý tâm linh,” và “trực giác” theo nghĩa nào. Một phân tích cẩn thận về cách dùng những từ ngữ này sẽ lập tức mở ra những khái niệm phức tạp và phân rẽ nằm ở phía sau chúng, và dường như không có sẵn một sự hiểu biết đồng ý chung nào. Bất chấp sự tương tự bề ngoài của nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa thần bí, vẫn có những dị biệt to lớn thực sự hiện hữu giữa những hình thức khác biệt đó. Nhưng để nêu ra những dị biệt một cách chi tiết, cần phải có một kiến thức toàn triệt về tất cả các hệ thống, cùng với kinh nghiệm cá nhân về mỗi hệ thống đó được nhiều nhà huyền học chứng thực. Những đòi hỏi này quả thực quá khó, nếu không nói là không thể đạt được, cho bất cứ cá nhân nào hoàn thành hôm nay. Do đó, mục đích của tác giả không phải là làm một cuộc nghiên cứu có tính cách phê bình Mật giáo Tây Tạng so với những hình thức khác của chủ nghĩa thần bí, mà là để giới thiệu với độc giả phổ thông một số những bản văn quan trọng cho đến bây giờ vẫn chưa khả dụng trong các ngôn ngữ phương Tây.
Một vài lời về giáo pháp căn bản của Mật giáo Tây Tạng và nguyên lý nền tảng nằm bên dưới sự hành trì của nó có thể là hữu dụng. Điều này có thể tóm lược trong những lời sau đây: “Sự huyền diệu của Phật Quả thì phổ hiện, nhưng con đường ngắn nhất để chứng ngộ chân lý này là khám phá nó ở bên trong phức-thể thân-tâm của chính mình.” Bằng những bài luyện tập tâm linh và sự áp dụng những kỹ thuật Mật giáo – như Sáu Yoga chẳng hạn – một người có thể sớm nhận ra rằng thân, tâm, và “thế giới khách quan” tất cả đều là hiện tướng của Phật Quả thần diệu ấy. Sinh tử là Niết bàn, người là “thần,” những đam mê dục vọng “bất tịnh” chính là những biểu hiện của Năm Vị Phật Bản Nhiên, (1) Giác Ngộ hay Giải Thoát đạt được không phải bằng cách nhổ rễ những dục vọng phiền não của con người mà bằng cách đồng nhất chúng với Trí Huệ Siêu Việt. Giáo pháp căn bản của Mật giáo Tây Tạng như thế có thể gọi là giáo pháp thấy phức-thể thân-tâm là tương ứng với, nếu không phải là đồng nhất với, giáo pháp về Phật. Tinh thần và sự hành trì của tất cả các Yoga Mật giáo cũng đều hướng đến sự khai mở nguyên lý căn nguyên này.
Bây giờ chúng ta hãy lấy hai trụ cột của tu tập Mật giáo, Yoga Phát Sinh và Yoga Hoàn Thiện [Thành Tựu] làm minh họa cho giáo pháp này. Trong pháp tu Yoga Phát Sinh, hành giả yoga được dạy quán tưởng và như thế đồng nhất thế giới bên ngoài như là những Mạn đà la; thân của hành giả như là Thân của vị Hộ Phật; hệ thống thần kinh của hành giả như là Ba Kênh Mạch [chính] và các kênh của bốn Xa luân (Cakras); các Giọt Tinh Chất (Bindus) của hành giả như là các phân tiết của các nguyên tố tích cực và tiêu cực; nguyện vọng và năng lực của hành giả như là Trí Tuệ-Khí (Wisdom Prana) và “Ánh Sáng”… Trong phép tu Yoga Hoàn Thiện, trước tiên hành giả được dạy hòa tan Tâm-Khí (2) trong Ánh Sáng Bẩm Sinh – Pháp Thân – cho đến giờ hãy còn ẩn tàng “ở trong” Trung khu Xa luân Tim, và từ đó lại phóng ra Sắc Thân (Rupakaya), và như thế kích hoạt vô số hành động của Phật Quả.
Một lý thuyết quan trọng nằm ngầm bên dưới của sự tu tập các Yoga Tây Tạng gọi là tính “Đồng nhất của Khí và Tâm” (3) cũng nên đề cập ở đây. Mật giáo nhìn thế giới như là sự kết hợp liên tục của tương quan tương phản, những nguyên tố tương khắc và những mối quan hệ tương sinh: bản thể và hiện tượng, tiềm tàng và hiển hiện, lý do và ảnh hưởng, Niết bàn và Luân hồi…
Khí và Tâm. Mỗi cặp nhị nguyên này, dù có tính cách đối chọi bên ngoài, nhưng trong thực tại, lại là một nhất thể không thể phân chia. Nếu một người có thể hiểu và làm chủ trọn vẹn một thành tố của cặp nhị nguyên ấy, một cách tự động, họ có thể hiểu và làm chủ thành tố kia. Như thế, ai nhận ra yếu tánh của tâm như là Trí Huệ Siêu Việt thì đồng thời sẽ nhận ra yếu tánh của Khí như là lực sống vô tận và là hành động của Phật Quả. Không cần thiết phải quảng diễn ở đây tất cả nhiều hình thái của giáo pháp này, nhưng một hình thái có tầm quan trọng nhiều hơn trong những hình thái đó nên được chú ý đến, tức là, “tính chất hỗ tương của tâm và khí.” Điều này có nghĩa là một loại tâm, hay một hoạt động tâm trí nào đó, đều được một khí có tính chất tương ứng, hoặc siêu việt hoặc thế tục, đi kèm một cách không biến đổi. Chẳng hạn, một tâm thái, một cảm giác, hay một ý nghĩ đặc biệt luôn luôn có một khí tương ứng đi kèm và một nhịp điệu phản ảnh trong hiện tượng thở. Như vậy, khi tức giận sinh khởi không những là một ý-nghĩ-tình-cảm bốc lửa mà còn sản xuất những cái “thô” khó nghe, nổi bật của hơi thở. Mặt khác, khi có sự tập trung bình tĩnh vào một vấn đề trí thức, thì ý nghĩ và hơi thở biểu thị một sự bình tĩnh tương tự. Khi tập trung sâu xa, như trong khi nỗ lực giải quyết một vấn đề tế nhị, thì một cách vô thức hơi thở ngưng lại. Khi một người ở trong tâm thái giận dữ, kiêu hãnh, ganh tị, xấu hổ, kiêu căng, yêu đương, ham muốn, v. v…, thì ngay lúc đó có thể cảm thấy tức thời “khí” hay “hơi” này bên trong y. Trong Định (Samadhi) sâu không có niệm tưởng dấy lên, cũng không có hơi thở có thể nhận thức được. Tại giây phút khởi đầu của Giác ngộ, khi ý thức bình thường được chuyển hóa, thì lập tức khí thay đổi vòng quay. Theo đó, mọi tâm thái, tư tưởng, và tình cảm – dù đơn giản, vi tế, hay phức tạp – đều có khí tương ứng hay hỗ tương đi kèm. Ở giai đoạn cao của Thiền, sự tuần hoàn của máu hạ thấp hầu như ngừng lại, hơi thở có thể nhận thức được cũng dừng lại, và hành giả yoga kinh nghiệm sự chiếu sáng ở một độ nào đó trong tâm thái không có ý nghĩ. Lúc ấy không những xảy ra sự thay đổi của ý thức mà còn có sự thay đổi trong sự vận hành sinh lý của thân.
Đặt căn bản trên nguyên lý này, Mật giáo Tây Tạng cống hiến hai con Đường, hay hai loại Yoga, cả hai đều đưa đến cùng một mục đích siêu thế tục. Một được gọi là Con Đường Giải Thoát, hay “Yoga Tâm,” và một là Con Đường Thiện Xảo hay là “Yoga Năng Lượng” [Khí]. Con đường trước giống Phật giáo Thiền (Hán: Ch'an; Nhật: Zen) trong nhiều cách, bởi vì nó nhấn mạnh sự quán sát và tu dưỡng Tâm Bản Nhiên, và chỉ đòi hỏi ở mức tối thiểu những chuẩn bị nghi thức và các yoga. Con đường sau là một loạt những phương pháp tu tập Yoga kịch liệt và phức tạp được biết như là Yoga Phát Sinh và Yoga Hoàn Thiện. Ba trích yếu nói về Đại Thủ Ấn trong phần thứ nhất của tập sách này thuộc về nhóm trước, mà độc giả có thể sớm khám phá thấy nó tương tự với Phật giáo Thiền ở giai đoạn đầu một cách đáng kinh ngạc. Sáu Yoga của Naropa thuộc về nhóm sau – là một tổng hợp của các Yoga Phát Sinh và Hoàn Thiện.
Theo quan điểm Yoga, trong nhóm Sáu Yoga thì các Yoga Nội Nhiệt và Yoga Thân Huyễn là chủ yếu, còn bốn Yoga kia: Yoga Giấc Mộng, Yoga Ánh Sáng, Yoga Cõi Trung Ấm, và Yoga Chuyển Di [thần thức], là các chi nhánh của hai Yoga chính. Tuy nhiên, đối với những ai thích thú nghiên cứu các trạng thái “vô thức” hay “siêu thức,” thì Yoga Giấc Mộng và Yoga Ánh Sáng có thể quan trọng hơn, bởi vì hai Yoga này cung cấp tin tức cốt yếu về chủ đề. Một tóm lược Nhập Môn của Lạt ma Drashi Namjhal – một bản văn đơn giản nhưng rõ ràng – được dịch ở đây để cung cấp cho độc giả một kiến thức phổ thông về Sáu Yoga. Bởi vì vào thời gian này, dịch giả không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các bản văn nguyên tác Tây Tạng, các phần trích yếu và Sáu Yoga của Drashi Namjhal được dịch từ bản Hoa ngữ mà gần đây được các nguồn tài liệu Phật giáo bảo trì ở Hồng Kông và Đài Loan bảo vệ. (4) Tất cả những dấu nhấn giọng của những chữ Tây Tạng và Phạn ngữ (Sanskrit) đã La tinh hóa nên đã được lược bỏ trong bản văn. Nhưng trong các Chú thích và bản Thuật ngữ các dấu nhấn giọng này được giữ lại để dễ nhận diện các thuật ngữ quan trọng. Những định nghĩa và giải thích một số những thuật ngữ thông thường nhất xuất hiện trong bản văn, được cống hiến trong bản Thuật Ngữ để trợ giúp những độc giả mới.
Dịch giả từ chối tất cả mọi trách nhiệm đối với những độc giả nào có thể liều lĩnh thực nghiệm Sáu Yoga này. Chỉ đọc các bản văn này thì không bao giờ có thể thay thế một vị Đạo sư sống thực mà từ ông một người cầu tìm Bồ-đề đầu tiên phải nhận sự khai thị và chỉ dẫn trước khi họ có thể bắt đầu tu tập thực sự. Đối với những học viên nghiêm túc, tập sách này phục vụ không gì khác hơn là một nguồn tài liệu tham khảo, một dấu hiệu chỉ hướng đến đường Đạo.
Dịch giả e rằng những giáo lý quan trọng này bị mất ở đất mẹ của chúng dưới sự bạo ngược của chính trị ngoại xâm, đã phá truyền thống bằng cách tiết lộ ở đây qua lời dịch Anh ngữ những tài liệu đã được “bảo vệ bí mật,” với hy vọng rằng chúng có thể chứng tỏ hữu dụng đối với những người tìm chân lý.
Garma C. C. Chang Madison, Wisconsin Tháng 12, năm 1962________________
Chú Thích: 1. Năm Vị Phật Bản Nhiên: Đại Nhật hay Tỳ-lô-giá-na (Vairochana), Bất Động hay A-Súc-Bệ (Aksobhya), Bảo Sanh (Ratnasam-bhava), Vô Lượng Quang hay A-Di-Đà (Amitābha), Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi). Năm Vị Phật này tiêu biểu cho sự thăng hoa của vô minh, oán giận, kiêu hãnh, ái dục và ganh tị. Năm Vị Phật này cũng bị gọi nhầm là “Năm Vị Thiền Phật” – vì các Ngài xuất hiện ở năm hướng trong một Mạn đà la tượng trưng cho Phật tánh bẩm sinh bên trong.
2. Khí-Tâm (Prāṇa-Mind, T.T.: Rlun.Sems.): Theo Mật giáo Tây Tạng, Khí (Prāṇa) – là cái tác hành, tức năng lực,‒ và Tâm (Mind) – là cái biết, tức là thức,‒ đây là hai hình thái của một thực thể, bất khả phân ly và tương tùy.
3. Những giải thích ở đây là những lời dẫn đã được thay đổi chút ít từ “Yogic Commentary,” (Luận về Yoga) của dịch giả in trong quyển “Tibetan Yoga and Secret Doctrines” của Dr. Evans-Wentz, 2nd edition, Oxford University Press, 1958.
4. Bản dịch tiếng Trung hoa của Mang Kung về Sáu Yoga (Six Yoga) của Drashi Namjhal; của Fa Tsun về Bài Ca Đại Thủ Ấn (The Song of Mahāmudrā); của Garma C. C. Chang về
Lời Nguyện Đại Thủ Ấn (The Vow of Mahāmudrā); và
Những Điều Cốt Yếu của Đại Thủ Ấn (The Essentials of Mahāmudrā) của Lạt-ma Kong Ka, Đạo sư của Garma C. C. Chang.
Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải file PDF: https://lienhoaquang.com/thu-vien_DU-GIA-TAY-TANG-Giao-ly_gqggqgt_xem-PDF_tuequang.html