Ba người trên cây
Tu viện Katok được phương trượng tên là Dampa Deshek thành lập trong thế kỷ 12. Thời đó Dampa Deshek được xem là một vị đại sư nổi tiếng, nhiều người xa gần đều đến khi nghe tin đại sư giảng pháp và cử hành nghi lễ Mật tông.
Trong các dịp đó, đại sư Deshek thường ngồi trên bực của một bao lơn, các vị Lạt-ma cao cấp đứng hai bên tả hữu. Sân tu viện thường đầy chật người nghe, có kẻ phải leo lên nóc nhà, không bao giờ có dư một chỗ đứng.
Lần nọ, khi Dampa Deshek đã bắt đầu cử hành nghi lễ thì có ba vị Tăng khất thực xin vào nghe giảng nhưng không được trật tự viên cho vào vì không có một chỗ nào còn trống, dù là một góc nhỏ xa chính điện nhất. Ba vị đó là những người đi bộ từ vùng núi non hẻo lánh Gayrong đến, áo quần xốc xếch, mình đầy bụi bặm và mệt mỏi. Cả ba đành đi vòng quanh tu viện, cuối cùng họ tìm được một cây cao, từ trên cây nhìn xuống có thể thấy đại sư Deshek, nhưng xa quá nên không nghe được tiếng nào.
Cả ba tìm dây trèo lên cây, ngồi vắt vẻo trên cành để nhìn vào chính điện. Nông dân gần đó thấy ba người hình dạng tả tơi, nhướng cổ ngồi trên cây, họ bảo nhau: “Xem kìa, ba con kên kên trên cây kìa, không biết đi từ đâu xa đến mà không được gì cả.”
Nhưng người nông dân đó đã lầm. Trong khi cử hành nghi lễ, Dampa Deshek có một cảm giác không thể nhầm lẫn rằng có ba người đang theo dõi hình ảnh của mình một cách chăm chú. Ngài liền tập trung năng lực mình lên ba người đó, đám đông không hề hay biết. Và ba vị Tăng khất thực trên cây bỗng hiểu rõ ràng ý nghĩa từng cử chỉ ấn quyết của đại sư mà không cần nghe một tiếng nào.
Cuối nghi lễ thì huệ nhãn của ba vị Tăng được mở, tức là ba vị đã đạt thêm một quả vị nhất định. Vui mừng trước thành quả đó, Dampa Deshek đọc bài kệ:
“Emaho!
Dạng hình sắc thể của các loài
Thật thiên hình vạn trạng và chỉ là ảo ảnh.
Hôm nay, ba con chim lạc bước đến đây
Và trong số những người đạt đạo ngồi quanh,
Họ đã đạt chính giác…
Ngoài đó bên kia vách tường của tu viện,
Ngồi trên đỉnh ngọn cây,
Cổ vươn dài
Emaho!”
Trích “Sư tử tuyết bờm xanh”, Surya Das, Nguyễn Tường Bách chuyển ngữ.