PHÁP, XÁ LỢI VÀ ĐẠO SƯ
Hungkar Dorje Rinpoche
"Pháp kinh điển, Pháp tu chứng là chân thật xá lợi Phật ...
Đó là Vua của xá lợi."
Gửi các bạn đạo,
những ai gắn kết với tôi do duyên nghiệp, lòng tin, nguyện lực,
Năm tháng qua với động cơ trong sáng, bất chấp khó khăn thể chất, tinh thần, phí tổn các bạn đã tới học pháp tôi, giúp đỡ tôi, đem tấm lòng thành đối đãi tôi. Và tôi, với động cơ trong sáng, đã dạy pháp và chăm lo cho các bạn, giữ các bạn trong tâm, cầu nguyện, trì tụng hàng ngày cho các bạn. Cứ như vậy, đã hình thành đoạn đầu và đoạn giữa của kết nối thiện lành giữa các bạn và tôi. Còn đoạn cuối chắc rồi sẽ mười phần tốt đẹp khi cuộc đời các bạn trọn vẹn hài hòa với Pháp.
Đây không phải việc ta làm trái ước muốn, không phải do bị ép, bị lừa gạt mà làm. Đây là việc ta làm tự tâm thành, do duyên nghiệp và nguyện lực. Bởi việc này ta làm tự lòng thành, nên chúng ta đang tu đạo với nguyện ước vị tha, với tình thương.
"Sức mạnh của tập quán, của xu hướng thiện lành
đã đưa tôi đi theo con đường này."
Nghiệp lực đưa tôi sinh ra ở Tây Tạng - xứ tuyết giàu gió lạnh thấu xương và nghèo ôxy, hơi ấm. Tuổi thơ mãi tới khi lên mười tôi chưa hề thấy một cọng rau. Những năm tháng đó thức ăn tôi chỉ là sữa chua mùa hè, bột tsampa mùa đông. Tôi chỉ là cậu bé du mục bình thường lớn lên ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Về môi trường và giáo dục thì từ nhỏ tôi chỉ là một cậu bé chăn gia súc không có chút hiểu biết gì.
Nhưng, uy lực của nghiệp đã đưa tôi thành bông hoa nhỏ trên rặng núi, được hơi ấm của lòng từ nơi các bạn che chở.
Nhờ hoàn cảnh, môi trường sống khi còn nhỏ tôi đã được hưởng thiện duyên toàn hảo cho con đường tu đạo. Bất chấp sóng gió kinh hoàng của thời cuộc, khi còn là cậu bé bản tính tôi đã luôn hướng tới thiện lành và thương yêu. Tôi khát khao hướng tới tâm bồ đề với niềm vui và nguyện ước mãnh liệt, như con thơ khát mẹ. Điều này là do những khuynh hướng nghiệp, những tập quán huân tập từ tiền kiếp - đây là những gì chúng ta đều tin tưởng.
Cuộc sống tuổi thơ tôi thật khó hình dung nổi trừ phi tôi có thể trực tiếp đưa nó ra cho bạn thấy. Thế nhưng, nhờ sức mạnh của nghiệp lực những phẩm tánh tốt lành trong tôi không bị phôi phai, hủy hoại. Sức mạnh của tập quán, của xu hướng thiện lành đã đưa tôi đi theo con đường này. Chúng ta nói đó là nghiệp lực, nhưng trước hết đó là sức mạnh của khuynh hướng, thói quen được huân tập. Với tôi điều này thật rõ ràng. Đây là dấu hiệu trong tiền kiếp tôi đã vun trồng khát ngưỡng đặc biệt đối với Phật Pháp. Chính duyên nghiệp và nguyện lực đã đưa chúng ta hội ngộ.
"Trong khi các bạn xem tôi là một vị thầy đáng theo học đạo
thì cũng có người không thấy tôi đáng để họ theo."
Tôi chỉ là một con người, một bản tánh, một tính cách. Trong khi các bạn xem tôi là một vị thầy đáng theo học đạo thì cũng có người không thấy tôi đáng để họ theo. Tất cả đều do sức mạnh của nghiệp lực, của nguyện lực. Tôi chẳng hay thêm do bạn trân quý tôi, cũng chẳng dở đi vì có người không như vậy. Các bạn không mất mát gì khi theo tôi, những ai theo vị thầy khác cũng chẳng nhờ đó mà được thêm chút gì cả.
Tâm họ đầy phiền não như vẫn vậy xưa nay, nên họ cứ buồn khổ, cứ ganh ghen đố kị v. v. như xưa nay vẫn thế. Cũng vậy, các bạn cũng buồn khổ, cũng ganh ghen đố kị đôi khi. Các bạn cũng không hơn không kém gì họ cả.
"Có những người mang danh là lạt ma, tulku, khenpo
nhưng lại dùng tiền cúng dường để nuôi gia đình họ và những việc tương tự ..."
Còn tôi đi hết nơi này tới nơi khác, quyên góp cúng dường cho tu viện, chùa chiền mình. Các vị lạt ma khác cũng vậy: thu nhận cúng dường cho các tu viện, chùa chiền ... Tôi tiếp tục việc bảo tồn văn hóa, xây trường học, lo thuốc người bệnh, lo cơm áo người nghèo, phát triển giáo dục cộng đồng v. v. và tôi đang làm nhiều hơn những người khác. Đây là sự thật hiển nhiên, không phải những lời ba hoa rỗng tuếch.
Có những người mang danh là lạt ma, tulku, khenpo nhưng lại dùng tiền cúng dường để nuôi gia đình và những việc tương tự. Việc họ làm khiến tôi buồn cười. Tôi nhìn họ và cười giễu khi thấy họ dìu dắt kẻ khác đi trên con đường của sân hận, tham chấp, tự khen mình và chê bai người khác. Mục đích của Giáo pháp là lìa thoát tâm ngã chấp, vị kỉ, vậy tại sao những việc làm hoàn toàn trái với Đạo - tự khen mình và chê người - lại có thể gọi là "tu"?
" ... xá lợi tôi không phải những viên tròn tròn làm từ xương,
đó là diệu Pháp âm tuôn ra từ kho báu ở nơi cổ họng tôi."
Vị thầy nào cũng dạy phải nương tựa một đạo sư, và ai cũng nói cần phải có lòng tin mãnh liệt. Ai cũng biết chuyện bà lão đắc đạo nhờ chiếc răng chó trong "Lời Vàng Thầy Tôi". Nếu các bạn như bà lão nọ, thì tôi sẽ là cái răng chó kia. Giả như chẳng có chút xá lợi nào tuôn ra từ tôi, tức là các bạn đã không được như bà lão nọ. Còn nếu các bạn được như bà lão nọ thì chắc chắn xá lợi sẽ từ tôi mà tuôn ra. Tuy nhiên, xá lợi tôi không phải những viên tròn tròn làm từ xương, đó là Diệu Pháp âm tuôn ra từ kho báu ở nơi cổ họng tôi.
Pháp kinh điển, pháp tu chứng là chân thật xá lợi Phật. Giáo lý tánh Không và Thanh tịnh Quang chính là xá lợi của Pháp thân. Đó là Vua của xá lợi. Khi giáo lý này được trao truyền cho bạn thì việc bạn có thành tựu hay không phụ thuộc vào chính bạn. Đức Phật đã nói: "Phải biết rằng giải thoát phụ thuộc vào các ông." Cũng thế, điều đó phụ thuộc vào nỗ lực và tâm chí thành chí tín của bạn.
"Còn nếu bạn có cái vẻ tu hành tử tế bên ngoài nhưng sâu kín tận bên trong vẫn giữ mối nghi ngờ,
bạn nghĩ tới việc học pháp với một vị thầy khác thay vì Bổn sư của bạn ...
Điều đó có nghĩa là bạn không có lòng tin chân thật."
Nếu lòng tin của bạn vào đạo sư là chân thật không hư dối, thì cái nhìn của bạn dù [thể hiện] ra nơi cửa miệng hay [nằm kín] trong con tim đều giống y như nhau, không khác. Đó chính là đức hạnh - khi cái bạn nói và cái bạn làm là một, không hai. Còn nếu bạn có cái vẻ tu hành tử tế bên ngoài, nhưng sâu kín tận bên trong vẫn giữ mối nghi ngờ bạn nghĩ tới việc học pháp với một vị thầy khác thay vì Bổn sư của bạn, và tự nhủ: "Nếu thầy ta không dạy điều gì đó thì ta có thể học từ một vị thầy khác; cũng có gì khác nhau đâu." Điều đó có nghĩa là bạn không có lòng tin chân thật. Và cho dù bạn có cố hành trì bao nhiêu đi nữa, cũng sẽ không có được mấy lợi lạc. Đó là cách mà mọi thứ nó vận hành.
"Một số lạt ma đã chống lại Bổn sư của mình, đã nổi loạn chống lại Đạo sư của họ, nhưng lại vẫn sắm vai lạt ma quan trọng.
Họ dạy pháp cho những người biết rất ít về pháp, và về những phẩm tánh quan trọng của một đạo sư.
Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thời đại suy đồi."
Thời buổi ngày nay là thời buổi của thịnh vượng [vật chất] cho nên các lạt ma, các tulku, các khenpo cứ nói: "Đừng để đầu óc các con quay cuồng vì của cải vật chất" nhưng đầu óc của họ lại cứ bị quay cuồng bởi những thứ ấy. Tình trạng tệ hại này không chỉ có trong Phật giáo Tây Tạng mà cả trong Phật giáo phía nam, Phật giáo Trung quốc, Phật giáo Việt Nam và Phật giáo phương Tây.
Trong tất cả các truyền thừa đều có những vị tăng, ni tiếp tục kinh doanh kiếm lời sau khi đã thọ giới xuất gia. Họ đã để cho của cải vật chất lôi cuốn. Họ dạy Pháp trong thời buổi mà của cải vật chất được lấy làm nền tảng [cuộc sống] cho nên cũng bình thường thôi nếu họ có dạy Pháp, ban quán đảnh, truyền lung ... mà chẳng hề quan tâm: họ có nắm được nền tảng của pháp đó hay không, họ có được truyền thừa hay không, họ đã tu pháp đó hay chưa, và họ có giữ giới hạnh thanh tịnh đối với Pháp, với Đạo sư hay không.
Một số lạt ma Tây Tạng không những, chính họ, không tu trì một pháp nào cả mà còn tự xưng là đang dạy pháp Dzogchen trong khi không hề biết Dzogchen là gì. Những lạt ma như vậy đã xuất hiện ở Trung quốc và ở những nơi nào đó nữa; và họ cũng đã xuất hiện ở Mỹ. Một số lạt ma chống lại Bổn sư của mình, đã nổi loạn chống lại Đạo sư của họ, nhưng vẫn sắm vai lạt ma quan trọng. Họ dạy Pháp cho những người biết rất ít về Pháp và về những phẩm tánh quan trọng của một bậc Đạo sư. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thời đại suy đồi.
" ... nếu Bổn sư của bạn dạy đi dạy lại mãi về nền tảng căn bản ấy ...
thì đó là dấu hiệu cho thấy tình thương yêu chân thật của Ngài đối với đệ tử."
Trong truyền thống của tôi, một hành giả [phải] nghiêm túc tu qua các giai đoạn thứ lớp của pháp tu dự bị, có lòng tin bất thối chuyển nơi Bổn sư, rồi sau đó [mới được] thọ nhận giáo lý về chân tánh của tâm. Bạn phải biết rằng nếu Bổn sư của bạn đã nghiêm khắc và hết lòng chỉ cho bạn thấy điều này, đã dạy đi dạy lại mãi về nền tảng căn bản ấy, mà không dạy bất cứ một giáo lý thâm diệu nào cả cho tới tận khi điều này đã bén rễ chắc chắn trong tâm của người học đạo - thì đó là dấu hiệu cho thấy tình thương yêu chân thật của Ngài đối với đệ tử.
Ngài Patrul Rinpoche dạy rằng thật là vô nghĩa nếu cứ đòi giáo lý thâm diệu trong khi chưa hề thiết lập được nền tảng cho việc thọ nhận giáo lý đó. Thiếu sự chuẩn bị cần thiết thì việc thọ nhận giáo lý thâm diệu sẽ không đem lại chút lợi lạc nào cả, và chắc chắn sẽ nảy sinh nguy cơ: người thọ nhận giáo lý sẽ hoàn toàn không có đủ khả năng để thâm nhập vào những tầng nghĩa thậm thâm.
Viết bởi Hungkar Dorje Rinpoche tại Hoa Kỳ tháng 12 năm 2013.
Hiếu Thiện (Lotsawa) Việt dịch, 2013.