SỐNG THEO PHÁP
Khoá buối sáng ngày 1/14/2009
HÃY TÌM SỰ NƯƠNG TỰA TRONG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Có một câu chuyện liên quan đến việc tìm sự nương tựa trong chính bản thân mình. Ngày xưa có một người đàn ông là một Lạt Ma giỏi. Ngài làm việc rất chuyên cần, thường xuyên thực hiện những điều thiện lành. Ngài có rất nhiều đệ tử, và nhiều người đã tìm đến để học hỏi Ngài. Tuy vậy, một số nhà sư là bạn của Ngài nói với Ngài rằng: “Những gì ngài đang làm là không tốt. Ngài đang tạo rất nhiều rắc rối cho chính bản thân mình. Giờ đây Ngài có quá nhiều đệ tử và quá nhiều trung tâm [Phật pháp], [cuộc sống của] ngài sẽ bị phiền toái bởi rất nhiều câu hỏi. Mỗi khi họ [đệ tử] gặp rắc rối, họ sẽ mang rắc rối đó đến cho ngài. Ngài sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi trong an bình. Do vậy, thực sự là ngài đang tạo ra một tình trạng rất tồi tệ cho chính bản thân mình.”
Lạt Ma nghĩ hồi lâu, sau đó ngài trả lời, “Nếu điều đó xảy ra thì cũng không hề chi. Tôi có thể lên núi Everest và ở ẩn, và không một ai có thể tìm thấy tôi nữa.” [Tuy nhiên], những người bạn kia lại nói, “Không, không, điều đó không thể làm được. Vì sẽ có những nhà leo núi, và họ sẽ tìm ra ngài thôi. Họ sẽ nói chuyện về một Lạt ma mà họ nhìn thấy [trên núi], và chẳng bao lâu sau thì mọi người sẽ đều biết về điều đó. Tất cả bọn họ rồi sẽ lại lên núi, và lại trở thành phiền toái cho ngài”.
Lạt Ma lại nghĩ, rồi trả lời, “Trong trường hợp như vậy thì tôi có thể lên mặt trăng, và sẽ chẳng có ai tìm thấy tôi cả”. Nhưng những nhà sư kia lại nói: “Không, sẽ vẫn có những người đi lên mặt trăng, như những nhà du hành vũ trụ của Hoa kỳ đã từng thám hiểm ở trên đó. Ngài sẽ lại càng nổi tiếng hơn nếu ngài lên mặt trăng, và thậm chí sẽ càng có nhiều người muốn gặp ngài hơn. Vì vậy, đó không phải là một giải pháp.”
Sau đó, Lạt Ma nghĩ ngợi một lúc rồi nói, “Bây giờ tôi đã tìm ra được một cách: Tôi có thể nói (với họ) rằng “Lạt ma thực sự chính là trái tim của bạn. Xin đừng hỏi tôi bất kỳ câu hỏi nào nữa. Hãy hỏi vị Lạt ma trong chính trái tim mình.”
Chúng ta có thể học những giáo pháp của Đức Phật theo một cách tương tự. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đản sinh và nhập niết bàn vào 2500 trước. Mặc dù sự hiện thân của trí huệ và từ bi không còn tồn tại [với chúng ta] nữa, chúng ta cũng đừng nên lo lắng hay phiền não. Những giáo lý và những việc Đức Phật đã làm để đem lại lợi lạc cho chúng sinh thì vẫn luôn còn lại; cũng như vậy, những người hiểu một cách rốt ráo và thực hành giáo pháp của ngài vẫn còn hiện hữu. Do vậy, ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy sự hiện diện liên tục của những người là hiện thân cho thân, khẩu và ý của Đức Phật.
Tuy nhiên, nếu chỉ lắng nghe giáo lý và tiếp xúc với những người đang trong quá trình hành trì và hoằng pháp thì chưa đủ. Chúng ta cần phải thực hành những giáo lý này cho chính bản thân chúng ta. Chúng ta cần tin tưởng những vị Lạt Ma thực thụ, gần gũi với bạn đạo và áp dụng những giáo lý của Đức Phật [vào cuộc sống]. Nếu một người học và thực hành [Pháp] thì sẽ không có gì khác biệt giữa việc học và thực hành đó với việc được thực sự gặp Phật. Do vậy, nếu chúng ta học Pháp và áp dụng Pháp vào [cuộc sống của] chính bản thân chúng ta thì chúng ta đã tìm được sự bảo hộ đó, sự nương tựa vào chính bản thân mình.
Pháp thoại của Đức Gyalwang Karmapa thứ 17
Người dịch sang tiếng Anh: Ringu Tulku Rinpoche
Địa điểm thuyết pháp: Tergar Monastery, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ Thời gian: 1/12 ~ 1/14, 2009
Diệu Nguyệt chuyển Việt ngữ (5/2010)
http://www.kagyumonlam.org/English/Lectures/20090114_HHK_Teachings_Living_The_Dhar ma.html
Nguồn: vietnalanda.org