GIỚI THIỆU
Trong Kim cương thừa ta cố gắng để hiểu được rằng, vạn pháp có vẻ như bất tịnh này về thực chất vốn là thanh tịnh từ vô thủy.
Mục đích của Giáo lý Phật Đà là giúp chúng ta giải thoát khỏi mọi ảo tưởng. Điều đó được gọi là Giác ngộ. Giải thoát nghĩa là không chỉ trừ bỏ các dạng ảo tưởng nhất thời, mà còn trừ bỏ tận gốc rễ của mọi ảo tưởng, tận cả những ảo tưởng vi tế nhất. Ngay cả một số điều mà ta coi là thông thái hay trong sáng thì cuối cùng vẫn cần được tịnh hóa.
Đức Phật chỉ dạy vô số phương pháp cho ta áp dụng nhằm loại bỏ ảo tưởng của mình. Theo truyền thống, được coi là có hơn tám vạn bốn ngàn pháp môn. Mỗi pháp trong đó phù hợp với nhu cầu của từng loại chúng sinh, cũng như sự khác biệt về động cơ và quyết tâm của họ. Ví dụ, một số chúng sinh quyết tâm từ bỏ hẳn luân hồi. Đó là mục tiêu chính của họ. Với họ, Đức Phật dạy pháp Tiểu thừa. Một số khác không những quyết tâm từ bỏ luân hồi, mà còn chối bỏ cả việc trụ lại trong niết bàn. Nói cách khác, mục đích của họ là thoát khỏi mọi thái cực, không những cho riêng mình mà còn vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Với họ, Đức Phật dạy pháp Đại thừa. Trong cả hai trường hợp, Phật pháp đều nhằm để giải thoát chúng ta khỏi ảo tưởng.
Thoát khỏi ảo tưởng là điều khó, vì những thói quen của chúng ta đã cắm rễ rất sâu do các hoạt động của chúng ta trong vô số kiếp sống. Có thể nói rằng Phật pháp là hệ thống các phương pháp ta có thể sử dụng để bóc vỏ các khuôn mẫu thói quen này, tựa như bóc các lớp vỏ hành vậy. Thông qua học hỏi và thực hành, ta bắt đầu loại bỏ lớp vỏ này. Mỗi khi bóc được một lớp vỏ, ta phát hiện lớp mới bên trong và nghĩ rằng ta đã đến được lõi. Tuy nhiên, ta sẽ mau chóng nhận thức được rằng đó chỉ là một lớp vỏ mới, rồi ta lại bóc nó đi. Điều nan giải ở đây là ta thường có xu thế bị kẹt lại khi đạt tới các lớp phía trong. Ta không nhận ra ngay rằng đó chỉ là một lớp vỏ cứng đầu và là dạng ảo tưởng vi tế. Đó là lý do vì sao ta cần phải luyện tâm.
Cả Tiểu thừa và Đại thừa đều có hệ thống hoàn thiện trong việc luyện tâm. Trong Tiểu thừa, luyện tâm dựa vào các giới luật về thân, khẩu và ý. Giới luật được dạy kỹ nhờ cấu trúc của tu viện (nhà chùa), khởi đầu bằng xuống tóc, mang y, và cơ bản thoát khỏi cuộc sống thế tục theo đúng nghĩa đen.
Trong hệ thống Đại thừa lại có hai cách tiếp cận, một là tu theo nhân, hai là tu theo quả. Cách thứ hai này được biết tới như Kim Cương thừa. Theo cách tu này, chúng ta luyện tâm không chỉ thông qua sự xả bỏ và bồ đề tâm, mà còn nhờ vào sự chuyển hóa các trải nghiệm tiêu cực thành tri giác thanh tịnh. Đó chính là sự thù thắng của Kim Cương thừa; nó là độc đáo chính nhờ thái độ khác biệt này.
Cái cách tiếp cận của Kim cương thừa với thế gian là hoàn toàn khác biệt. Tiểu thừa thấy thế giới luân hồi này là bất tịnh; họ gọi nó là “Khổ Đế”. Từ đó sẽ đi tới một kết luận logic là cần phải xa lánh và thoát khỏi thế giới này. Đó là thái độ của Tiểu thừa. Trong Đại thừa, luân hồi vẫn được coi là không hoàn thiện, nhưng thay vì cố thoát khỏi nó, mục tiêu lại là thực hành tâm từ bi và bồ đề tâm. Trong Kim cương thừa ta cố gắng để hiểu được rằng, vạn pháp có vẻ như bất tịnh này về thực chất vốn là thanh tịnh từ vô thủy.
Pháp thực hành Ngondro bắt nguồn từ quan điểm của Kim cương thừa. Tiếc thay, khái niệm Ngondro làm cho nhiều người bị nhầm lẫn. Dịch nguyên văn thì nó có nghĩa giống như “pháp tu dự bị”. Từ đó, ta phát sinh ý tưởng rằng nó “không thật quan trọng” hay “không phải là pháp tu chính”. Ta nghĩ rằng nó như cái gì đó cần được làm trước khi ta đi vào “pháp tu thực sự” hay “pháp tu chính”. Điều này thật đáng buồn, vì khi xâm nhập sâu vào pháp ta mới thấy rằng không gì đặc trưng cho Kim cương thừa hơn là pháp hành Ngondro.
Trong phần giảng dưới đây, tôi sẽ tập trung vào những điểm thiết yếu hơn là vào các kỹ thuật thực hành. Sự quán tưởng và những chi tiết đại loại như vậy được trình bày tỷ mỉ trong các tác phẩm như Lời vàng của thầy tôi hay trong bản văn của Jigme Lingpa. Các bạn cũng có thể tham khảo các học viên đang thực hành pháp tu này về cách lễ lạy hay những điều tương tự.
Cấu trúc của Ngondro Pháp tu sơ khởi (hay dự bị) được bắt đầu bằng Quy y và phát Bồ đề tâm, và tiếp theo là ba nội dung đặc trưng của Kim cương thừa. Quy y là bước sơ khởi đầu tiên vì nó làm ta trệch khỏi con đường sai lầm sang con đường đúng đắn. Trên con đường đúng này, ta có hai lựa chọn: Đại thừa và Tiểu thừa. Để khuyến khích đi theo con đường thứ nhất ta phải có bồ đề tâm – một nội dung bao trùm toàn bộ con đường Đại thừa.
Khi ta áp dụng các phương pháp quán tưởng, vật phẩm và thần chú - những điều không có trong các truyền thống Tiểu thừa và Đại thừa, thì đó là thực hành Kim cương thừa. Nó bao gồm thực hành trì tụng thần chú Kim cương Tát đỏa và Cúng dường Mandala với các vật phẩm như sự hỗ trợ đắc lực. Cuối cùng, để tháo dỡ vỏ kén các ảo tưởng bao bọc quanh ta, ta sử dụng một pháp rất siêu việt là guru yoga. Đó là ba pháp căn bản của Kim cương thừa: Kim cương tát đỏa, cúng dường Mandala và Guru yoga. Như vậy, cả ba thừa đều được bao gồm trong Ngondro: quy y là thực hành Tiểu thừa, phát bồ đề tâm là thực hành Đại thừa, và phần còn lại là thực hành Kim cương thừa.
Ngondro không phải là bài tập ‘mẫu giáo’, nó thực sự là pháp hành chính. Như Patrul Rinpoche đã từng nói, “Theo nhiều nghĩa, ngondro còn quan trọng hơn thực hành chính vì nó xếp đặt nên nền tảng”. Được sống cạnh các vị thầy vĩ đại như Đức Dilgo Khyentse Rinpoche và Đức Dudjom Rinpoche, tôi đã thấm thía điều này bằng chính kinh nghiệm của bản thân mình. Nếu như Ngondro chỉ là những thực hành sơ khởi hay dự bị thì ta có thể nghĩ rằng, đương nhiên các vị thầy vĩ đại không cần thực hành chúng. Ví dụ, chắc chắn vị thầy vĩ đại như Dilgo Khyentse Rinpoche không cần phải thực hành ngondro Nyingthig. Nhưng tôi đã tận mắt nhìn thấy điều này; cho đến những ngày cuối cuộc đời mình, các ngài vẫn thực hành ngondro. Chỉ riêng điều đó đã chỉ ra rằng vì sao thực hành ngondro lại cần thiết đến vậy.
Lý thuyết và những hướng dẫn cơ bản Sự phân biệt giữa lý thuyết với những hướng dẫn cơ bản là khá đơn giản. Hãy sử dụng phép so sánh thế này, khi học lái xe ta có cẩm nang sử dụng đi kèm theo xe. Cẩm nang sử dụng này cũng tương tự như các bản văn mật tông và đó là cái ta gọi là lý thuyết. Những bản văn này rất đơn giản, logic và hợp lý. Những hướng dẫn cơ bản, mặt khác, thì lại rất linh hoạt, nhiều khi đầy kịch tính và khắc nghiệt.
Giả sử có năm mươi người muốn học lái xe, mỗi người có đặc điểm riêng về tâm thần và năng lực thể chất. Có thể một số người không có khả năng sử dụng chân phải hoàn hảo, hoặc mắc phải vài dạng bất thường nào đó. Mỗi người có đặc điểm riêng và có sự khác biệt về tinh thần và thể chất. Khi dạy lái xe cho ai đó, thì cẩm nang sử dụng là duy nhất và là tiêu chuẩn. Đối với chiếc xe để học lái thì cũng vậy, tức là mỗi người đều sử dụng cùng một loại vật chất (chiếc xe) như nhau. Một số hướng dẫn cũng là tiêu chuẩn. Ví dụ, ai cũng cần phải biết rằng, chiếc xe sẽ rẽ phải nếu vô lăng được xoay sang phải. Còn những hướng dẫn không tiêu chuẩn thì phụ thuộc vào từng người, ví dụ như thời gian cần phải học. Một số người không quan tâm phải học bao lâu, số khác thì lại cần học cấp tốc.
Đôi khi có người được dạy những điều hoàn toàn không có trong bản văn. Người thầy có thể nói, ‘Hãy uống ly cà phê trước khi lái xe’. Tình thế có thể chỉ đơn giản là bạn chưa tỉnh ngủ. Trong cẩm nang thì không bao giờ ghi “Bạn phải uống ly cà phê trước khi lái xe”. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân nhắc của vị thầy. Đó chính là điều mà ta gọi là những hướng dẫn cơ bản. Những hướng dẫn như vậy rất đa dạng, nhiều sắc màu, không chính thống và đôi khi không logic. Vị thầy thiền, ví dụ, có thể nói “Âm thanh từ tiếng vỗ của một bàn tay là gì?”. Thoáng nhìn thì câu hỏi này thật nực cười, nhưng tùy vào thời điểm, vị trí, và với ai mà phương pháp này được sử dụng, nó có thể có tác dụng rất riêng biệt.
Trong hai loại này (lý thuyết và hướng dẫn - ND), pháp hành Ngondro thuộc về hướng dẫn cơ bản. Điều này có thể làm cho vài người ngạc nhiên; nó không thuộc về lý thuyết. Ví dụ, thực hành lễ lạy và cúng dường mandala là các hướng dẫn cơ bản. Nếu bạn muốn hiểu lý thuyết nền tảng của chúng, bạn phải nghiên cứu Guhyagarbha Tantra hoặc các bản văn tương tự như vậy.
Điều còn quan trọng hơn nữa, là ta phải học cách hiểu lý thuyết cho đúng. Trở lại ví dụ về học lái xe, trong cẩm nang hẳn có ghi về những điều cần chú ý khi lái xe. Chẳng hạn, ở trang đầu: “Chú ý. Không được uống rượu bia khi lái xe, và hãy luôn tỉnh táo”. Lý thuyết thì đại loại như vậy; nó không nói ra hết nhẽ được. Đơn giản là bạn cần phải tỉnh táo khi lái xe. Đó là những gì lý thuyết có thể nói. “Hãy tỉnh táo” là một ý chỉ mở cho rất nhiều cách hiểu khác nhau. Những người khác nhau thì cần tỉnh táo theo những cách khác nhau.
Với cách hiểu này, bạn có thể thấy vì sao một trăm ngàn lễ lạy là đủ có hiệu quả với một số người, nhưng với một số khác thì không. Ví dụ, với Milarepa lễ lạy là không cần thiết, vì ngài đã phải xây dựng một ngôi nhà chín tầng. Vị thầy có thể nói với một vài học trò, “Không cần phải lễ lạy”, vì có thể anh ta đang phải làm việc gì đó khác, như đặt vé máy bay cho thầy chẳng hạn. Nếu không hiểu rõ điều này thì có nguy cơ chấp chặt vào một số thứ như những bắt buộc giáo điều, chẳng hạn như, đã là người theo Mật tông thì phải lễ lạy như người Tây Tạng.
Nói cách khác, bạn có thể phát triển cách nghĩ sai lầm rằng, bất cứ ai lái xe cũng phải uống ly cà phê trước khi lái. Cho nên việc rất quan trọng là phải học cách hiểu đúng ngay từ trang đầu của cẩm nang. Khi ở đó nói hãy tỉnh táo khi lái xe thì với ai đó có nghĩa là, ‘uống ly cà phê’. Có thể với ai đó khác thì uống ly cà phê lại làm cho bị kích động hoặc căng thẳng, một ly cốc tai thì phù hợp hơn… Vậy là xảy ra điều ngược lại hoàn toàn!
Cần nhấn mạnh rằng hướng dẫn cơ bản cũng có nhiều tầng lớp khác nhau. Một số hướng dẫn cơ bản là chung, có tính khái quát như ‘thực hành một trăm ngàn lễ lạy’, và lại có những hướng dẫn chuyên biệt cho riêng những người khác nhau. Trong những giải thích tiếp theo đây, tôi sẽ đề cập đến cả lý thuyết và một số hướng dẫn cơ bản. Đối với lý thuyết, các giải thích sẽ trung thành với bản văn ngondro gốc và với hệ thống Kim cương thừa nói chung. Còn về các hướng dẫn cơ bản, hầu hết tôi sẽ lặp lại những gì tôi nghe được từ các vị thầy của tôi.
Ba hướng dẫn cơ bản Mỗi khi chúng ta bắt đầu thực hành, không nên lao vào thực hành ngay. Thay vào đó, hãy giành chút thời gian để làm ngưng chuỗi ý nghĩ thường nhật của ta. Điều này đặc biệt xác đáng khi bạn là người rất bận và chỉ giành ra năm phút cho thực hành hàng ngày. Ngay cả bình thường thì ta vẫn có dòng ý nghĩ này thường trực. Giả dụ ngay trước khi thực hành, bạn có cuộc cãi vã với vị hôn phu. Đó có lẽ sẽ là nút bấm cho một chuỗi các ý nghĩ mà bạn muốn nói với đối tác của mình. Nếu bạn bắt đầu thực hành ở giữa chuỗi này, sẽ không đi đến đâu cả. Đó là lý do vì sao cần phải dừng lại chuỗi suy nghĩ này trong chốc lát.
Tôi đã được thấy điều này rất rất có ích. Thực ra có vô số phương cách để làm dừng chuỗi ý nghĩ, nhưng với tôi, trước khi thực hành tôi ngồi yên một chút. Mỗi khi có ý nghĩ đến, tôi cố gắng làm ngưng nó bằng cách nuôi dưỡng cảm giác xả bỏ, và tôi lặp lại điều đó thường xuyên. Tôi nghĩ về điều nay tôi đã bốn mươi tuổi ra sao, và giả như tôi có tuổi thọ tám mươi thì tôi chỉ còn có nửa cuộc đời. Tôi nghĩ rằng trong bốn mươi năm ấy tôi sẽ dành cho ngủ tương đương hai mươi năm. Vậy là chỉ có mười hai giờ trong ngày là sống thực sự. Rồi nếu ta định xem một phim mỗi ngày, ăn uống, chuyện gẫu, chắc ta chỉ còn độ năm tiếng mỗi ngày. Trong bốn mươi năm vậy là chỉ còn lại tám năm, và hầu hết thời gian đó ta chìm trong chứng hoang tưởng, bực dọc, và các thứ đại loại như vậy,… Thực sự là có rất ít thời gian để thực hành!
Điều này sẽ cho bạn ý tưởng về cách làm dừng chuỗi suy nghĩ. Đừng thả mình ngay vào thực hành; thay vào đó, hãy quan sát bản thân, quan sát cuộc sống của bạn, và quan sát xem bạn đang làm gì. Nếu bạn thực hành mỗi ngày mười phút thì bạn nên giành ra hai hoặc ba phút để làm dừng các suy nghĩ. Chúng ta làm vậy để chuyển hóa tâm bằng cách khơi dậy cảm giác xả bỏ. Khi ta nghĩ, “Tôi đang chết đây”, “Tôi đang đi dần đến cái chết”, và những ý nghĩ đại loại như vậy, thì điều đó thực sự có hiệu quả.
Một trong số các phương pháp truyền thống được sử dụng để chuyển hóa nhận thức thông thường của ta rất có hiệu quả có tên là ‘hơi thở thải độc’. Sau khi giành vài phút để dừng chuỗi suy nghĩ, hãy ngồi ngay ngắn và hít vào thật mạnh. Sau đó chặn lỗ mũi phải của bạn và thở ra bằng lỗ mũi trái. Khi thở ra, quán tưởng rằng mọi sự bám chấp và đam mê của bạn được đẩy ra ngoài với dạng màu đỏ sậm. Sau đó hít vào qua chính lỗ mũi này, quán tưởng trí tuệ và từ bi của chư Phật, Bồ tát tràn vào cơ thể trong dạng ánh sáng. Sau đó hãy chặn lỗ mũi trái. Khi thở ra quán tưởng mọi sân hận được tống khứ như làn sương sẫm, rồi lại hít vào như trên. Cuối cùng, hít vào và thở ra bằng cả hai lỗ mũi, nghĩ rằng toàn bộ si mê được tống khứ ở dạng khói đen.
Hãy chớ nấn ná quá lâu trong các chi tiết của quán tưởng. Chỉ cần nghĩ rằng bất cứ điều gì bạn đang quán tưởng thì nó cũng đang thực sự xảy ra. Ở điểm này, một hướng dẫn cơ bản tiếp theo nói rằng bạn không nên lan man ở một hình tướng nào đó với các câu nghi vấn về chi tiết của nó. Bạn không nên đặt câu hỏi “Đây là ánh sáng trắng dạng gì?” hay “Đường kính tia sáng là bao?” Toàn bộ mục đích của quán tưởng trong Kim cương thừa là lấp đầy tâm trí thông thường bằng các ý nghĩ phi thường; đó chính là khía cạnh quan trọng đang đề cập ở đây. Nếu bạn tập trung quá kỹ vào một chi tiết là bạn đang mời gọi thêm những rắc rối. Ngay khi bạn thấy tạm hài lòng thì không cần nấn ná gì thêm ở đó nữa, hãy nhanh chóng chuyển sang bước tiếp theo của quán tưởng. Đây là một hướng dẫn cơ bản rất phổ biến.
Bước tiếp theo là cực kỳ quan trọng. Giả sử bạn đang thực hành ở nhà mình, bạn cần triệt để thuyết phục bản thân mình rằng đây không phải là môi trường sinh hoạt bình thường; mà là cõi tịnh. Điều này đặc biệt quan trọng vì Kim cương thừa là con đường chuyển hóa từ cái nhìn bất tịnh sang thanh tịnh.
Khi ta nói ‘cái nhìn bất tịnh’ thì không có nghĩa là có gì đó bẩn thỉu ở đây. Không có gì như vậy cả. Cái nhìn của ta bất tịnh là theo nghĩa chúng ta bị mắc kẹt vào mọi kiểu ý niệm. Ví dụ, ta có thể nghĩ “Một nghìn người thì chắc là không thể chứa hết trong phòng ngủ của mình”, hay “Cái này thì không nên dùng làm phòng ngủ!”. Chúng ta chấp chứa mọi loại phân biệt nhị nguyên như vậy. Chúng ta tưởng tượng rằng cái này cái kia chỉ được dùng với mục đích này hay nọ, hay cái này quá trắng, quá đen, quá nóng, quá lạnh,.v.v…
Tương tự, khi ta nói ‘cõi Phật’, chúng ta không ám chỉ về cái gì đó ta thấy trong một vài phim viễn tưởng, cũng không phải nói về cảnh trời cực lạc thực tế nào đó. Chúng ta nói về cõi bất nhị. Điều này tự nó là khá khó hiểu lúc này.
Cõi bất nhị này xuất hiện như thế nào? Đối với những người mới bắt đầu, vì điều này liên quan tới Ngondro của Longchen Nyingthig, với Đức Liên Hoa Sinh là chủ tể, ta có thể quán bản thân ở trong cõi Núi Màu Đồng. Tất nhiên, không phải là trần và tường nhà được làm bằng đồng. Về cơ bản, những gì chúng ta đang thực hiện ở đây chính là nhằm thoát khỏi cái tri kiến thông thường. Chỉ đơn giản nghĩ ‘Đây không phải là những gì ta thường nghĩ’ là đủ để làm chuyển biến cái tri kiến thông thường. Và đây chính là hướng dẫn cơ bản thứ ba chúng ta sử dụng để bắt đầu thực hành Ngondro.
Lý thuyết quán tưởng Mọi điều bạn nhìn thấy đều chỉ là tri kiến của bản thân bạn,… không phải là cái thực sự tồn tại.
Ý nghĩ, “Điều này không thực sự tồn tại theo cách mà ta nghĩ về nó…” có vẻ như là điều điên rồ nếu theo quan điểm thông thường; nó dường như là phi lý. Thế nhưng, theo cái nhìn từ lý thuyết của Kim cương thừa, nó là đúng vì mọi điều bạn nhìn thấy đều chỉ là sự nhận thức (tri kiến) của bản thân bạn. Nếu có nhiều người cùng nhìn vào một cô gái thì, người này có thể cho rằng “Cô gái này đẹp”, trong khi người khác thì thấy cô gái ấy quá xấu. Những gì họ nhìn thấy thì không phải là cái mà cô ấy là.
Những gì ta thấy thì không phải là cái thực sự tồn tại. Nó chỉ là cái tri kiến của ta. Lý thuyết ở đây là như vậy. Bây giờ, cách duy nhất để thực hành điều này là thông qua sự chuyển biến tri kiến thông thường của ta. Vậy như bạn thấy, lý thuyết và các hướng dẫn luôn luôn khế hợp với nhau và bổ sung cho nhau.
Khi đến đoạn quán tưởng thì dường như có nhiều người gặp phải khó khăn. Một khi bạn bắt đầu hiểu lý thuyết sâu hơn một chút, bạn sẽ trở nên thoải mái với nó. Mục đích chính của quán tưởng là làm tịnh hóa cái nhìn bất tịnh, tri kiến thông tục của ta. Nếu vậy, cái gì là tri kiến thanh tịnh? Nguyên lý tri kiến thanh tịnh không dạy ta cách nhìn mọi sự phải giống như được vẽ trên các thangka Tây Tạng. Đó lại là cách mà nhiều người hiểu về tri kiến thanh tịnh. Điều đó không đúng và cũng không là trọng tâm. Thực tế, nếu bạn cố gắng chuyển biến mọi sự sao cho nó trở thành bản sao của các thangka thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn vì trong tranh họ không nháy mắt hay quay lưng; họ là hình phẳng, đông cứng, còn mây thì không bay! Dù sao, với cá nhân tôi thì các tranh vẽ Tây Tạng không có sự rung động thực tế nào.
Toàn bộ vấn đề ở đây là nhằm phá hủy cái tri kiến bất tịnh. Vậy ta hiểu tri kiến bất tịnh là gì? Tri kiến bất tịnh đơn giản là mọi sự mà ta nhìn thấy, nhận thức và dán nhãn trong mọi thời điểm. Không phải là có điều gì đó sai ở đây và do đó mọi sự là bất tịnh. Trái lại, đó bởi vì là tại mỗi thời điểm, mỗi khi ta nhận thức điều gì thì nó luôn bị lọc qua các cảm xúc của ta, sự tham luyến, đố kỵ, kiêu mạn, si mê và sân hận của ta. Khi chúng ta gặp ai đó, ta có thể nhìn anh ta hay chị ta thông qua bộ lọc bằng cảm xúc đam mê của ta, và do đó ta thấy anh ta hay chị ta là rất hấp dẫn. Khi ta gặp người khác, ta có thể nhìn anh ta hay chị ta qua lăng kính của sự giận giữ, nó sẽ làm cho ta thấy anh ta hay chị ta là xấu xí và đáng ghét. Khi nhận biết người khác qua sự thiếu tự tin của bản thân mình, chúng ta thường phán xét, quy chiếu, so sánh và kết thúc bằng sự cương lại hay kiêu hãnh, tất cả đều xuất phát từ sự vô minh. Sự việc cứ thế tiếp diễn dài dài.
Mọi tri kiến khác nhau mà ta có đều xuất phát từ chính trong tâm ta và đi xuyên qua các cảm xúc như vậy. Điều đó lý giải vì sao mọi điều ta trải qua đều kết thúc bằng sự thất vọng. Dù cho các cảm xúc là mạnh hay yếu, vấn đề là luôn luôn có một chút thất vọng. Đó là lý do vì sao ta cố gắng tịnh hóa.
Toàn bộ điều này dẫn đến việc luyện tâm. Theo truyền thống Tiểu thừa, ta luyện tâm thông qua giới luật về thân và khẩu; bằng cách cạo đầu, khất thực, khoác y, và từ bỏ các hoạt động thế tục, như cưới vợ hay chồng. Trong Đại thừa, ngoài những điều trên, ta còn thêm thiền định về tâm từ bi, bồ đề tâm,... để luyện tâm. Trong Kim cương thừa, ngoài tất cả những điều trên ta còn cố gắng chuyển biến cái nhìn bất tịnh của ta thành cái gì đó thanh tịnh.
Chúng ta thực hành điều này bằng cách đi từng bước nhờ pháp tu Ngondro. Bước đầu tiên là làm ngưng chuỗi ý nghĩ. Sau đó là các hơi thở làm sạch cùng với một phần quán tưởng. Cuối cùng ta nuôi dưỡng nhận thức rằng nơi thực hành không còn là nơi tầm thường nữa. Với các bước này, chúng ta bắt đầu làm chuyển biến cái nhìn bất tịnh.
Ba nguyên tắc thiêng liêng Ba điểm tiếp theo được Patrul Rinpoche dạy là ba nguyên tắc thiêng liêng. Khi bạn làm bất cứ điều gì, hay thực hành bất cứ pháp nào, luôn luôn phải khởi đầu bằng động cơ làm lợi ích cho chúng sinh. Khi ta nói đến lợi ích thì không có nghĩa là sự giúp đỡ thông thường, như cho thực phẩm hay các sự hỗ trợ thông thường, mà còn phải có tâm nguyện làm giác ngộ hết thảy chúng sinh. Nguyên tắc đầu tiên này cực kỳ quan trọng vì thiếu nó các hoạt động của ta sẽ trở thành vị kỷ; nó sẽ chỉ là một dạng khác của hoạt động ích kỷ của ta. Vì lý do đó, chúng ta cần phải luôn suy nghĩ, “Tôi sẽ thực hành vì lợi ích của mọi chúng sinh”.
Ngay cả việc đơn giản như thắp một ngọn đèn, hãy luôn bắt đầu bằng bồ đề tâm. Sự chiếu sáng của ngọn đèn đơn giản là sẽ làm căn phòng trở thành đẹp đẽ, đó là ý nghĩ thông thường. Theo cách của Tiểu thừa thì làm điều đó để tích lũy công đức và nghĩ rằng như vậy sẽ xóa bỏ được luân hồi. Còn theo cách của Đại thừa thì khi thắp ngọn lửa, ta nghĩ “Nhờ công đức này nguyện cho tất cả chúng sinh đạt được giác ngộ”. Theo cách của Mật tông, ngoài những điểm trên cần nghĩ rằng, “Đây không phải là ngọn đèn thông thường. Đây là ngọn đèn trí tuệ, soi sáng cho tất cả chúng sinh. Khi ánh sáng chiếu rọi, nguyện vạn vật sẽ trở thành các bổn tôn và mandala!”.
Trong khi thực hành bất kỳ thiện hạnh nào, hoặc khi thực hành các pháp sơ khởi, bạn cũng phải nhớ rằng, bất kỳ điều gì bạn làm thì đều là sự phô diễn của tâm. Đây là nguyên tắc thiêng liêng thứ hai, mà ta gọi là thực hành tính bất nhị. Bạn cần thường xuyên khẳng định lại với mình điều này bằng ý nghĩ “Tâm tôi đang làm điều này. Đơn giản là tôi đang tô vẽ ra nó. Không có gì ở đây là thực sự tồn tại cả.”
Giả dụ như bạn đang lễ lạy. Trong đúng lúc đang lễ lạy, bạn có thể nghĩ: “Có vẻ như “Tôi” đây đang lễ lạy. “Tôi” có cảm giác rằng “Tôi” đang cảm nhận chút đau đớn, nhưng thực ra toàn bộ điều này chỉ là trong tâm trí tôi!”. Vì điều này sẽ làm giảm thiểu các bám chấp có thể có vào việc thực hành pháp, cho nên lợi ích của những suy tư như vậy là rất lớn. Điều đó cũng sẽ trực tiếp đối trị với tính kiêu mạn và bản ngã. Pháp được sử dụng để đối trị với bản ngã của chúng ta, nhưng nó cũng có thể làm gia tăng bản ngã nếu ta nghĩ rằng, mình là ‘một hành giả cừ khôi’. Do đó, mỗi khi thực hành bạn phải luôn cố gắng nhận diện được rằng, mọi sự xảy ra đều là từ trong tâm trí mình. Khi đó bạn có thể nghi hoặc, “Nếu đây đều chỉ là do tâm tôi, vậy có nghĩa là chẳng có chút công đức nào?” Thậm chí ngay cả nhận xét ‘Đó là công đức’ và ‘Đó chẳng là công đức’ cũng là sự diễn giải của tâm trí.
Nguyên tắc cuối cùng, khi kết thúc thực hành, chúng ta luôn phải hồi hướng công đức. Công đức mà ta tích tập được không giữ cho riêng ta. Thay vào đó, chúng ta hồi hướng nó cho tất cả chúng sinh. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể hồi hướng công đức ngay khi bạn tích lũy được nó. Không cần phải đợi đến cuối buổi thực hành. Thậm chí bạn có thể hồi hướng công đức bạn tích lũy được mà đã quên không hồi hướng trong tất cả các kiếp sống trước đây của mình. Bạn có thể nói: “Con hồi hướng những công đức mà con đã tích lũy được, đã hiểu rõ, thấy rõ. Con cũng hồi hướng tất cả những công đức trong quá khứ mà con không nhận thức rõ, không nhìn thấy, và tất cả những công đức mà con sẽ tạo ra trong tương lai.” Tất cả các công đức này đều có thể được hồi hướng. Đó là ba điều mà chúng ta gọi là “ba nguyên tắc thiêng liêng”.
Ghi thay lời giới thiệu, Trích "Những lời dạy về pháp tu ngondro dòng Longchen Nyingthig", Dzongsar Khyentse Rinpoche. Việt dịch: Hiển Hương Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_NHUNG-LOI-DAY-VE-PHAP_scgmkml_xem-PDF_tuequang.html