Lời Nhà Xuất Bản
(trong ấn bản Anh ngữ) Tháng 4 năm 1985, rồi tháng 10 năm 1986, đức Đalai Lama hai lần thuyết giảng về tri kiến, thiền quán và hành động trong Phật giáo. Phần lớn cử tọa là người Ấn. Chương trình này do một số bằng hữu tại New Delhi thỉnh cầu và tổ chức. Buổi pháp thoại diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm thân mật.
Bài giảng và phần hỏi đáp đều được thâu băng. Khi nghe lại băng ghi âm, chúng tôi nhận ra bài giảng này bao gồm cả một tầm nhìn sâu rộng và nhất quán về Phật giáo. Nếu chịu khó ghi chép, hiệu đính, in thành sách, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích đến cho độc giả khắp nơi trên thế giới.
Bài giảng của đức Đalai Lama nhắc đến đầy đủ mọi điểm trọng yếu trong Phật pháp, vạch ra phương pháp tu giản dị và rõ ràng nhằm giúp Phật tử xây dựng công phu tu tập mỗi ngày. Ðức Đalai Lama còn giải thích cặn kẽ về phương pháp phát tâm từ bi, khai mở tuệ giác tánh không ngay trong đời sống hằng ngày. Cuối mỗi bài giảng có phần hỏi đáp. Câu hỏi nêu ra rất đa dạng, liên quan đến những vấn đề thực tiễn Phật tử đã gặp trong quá trình tu học.
Vào đến chương ba, đức Đalai Lama giải thích về hai phương pháp tu dựa trên hai bài pháp ngắn. Bài thứ nhất là
Tám Thi Kệ Chuyển Tâm [Eight Verses for Training the Mind], do một vị cao tăng dòng Kadampa sống vào thế kỷ thứ 12 soạn. Trước đây Thư Viện Lưu Trữ Kinh Ðiển Tây Tạng [LTWA - Library of Tibetan Works and Archives] đã từng xuất bản luận giải của đức Đalai Lama về pháp tu này.
Bài pháp thứ hai do chính đức Đalai Lama soạn hai thập niên về trước theo yêu cầu của John Blofeld, mang tựa đề
Pháp Thiền Mật Tông Đơn Giản dành cho Phật Tử Nhập Môn [A Tantric Meditation Simplified for Beginners]. Bài pháp này hướng dẫn phương pháp quán tưởng căn bản, bắt đầu bằng cách chuẩn bị chỗ ngồi thiền, lập bàn thờ, chọn tư thế ngồi, khởi tâm qui y, phát tâm bồ đề, quán tưởng triệu thỉnh cõi Phật, lấy đó làm đề mục chỉ quán, phóng ánh sáng, tụng chú, v.v... Nghi thức quán tưởng này được đại đức Tenzin Khedup dịch sang Anh ngữ với sự hợp tác của Mr. John Blofeld, do Private Office xuất bản năm 1971, đính kèm trong phần Phụ lục [xem cuối sách]. Ðộc giả nên đọc vài lần trước khi bước vào chương ba, vì trong chương ấy đức Đalai Lama sẽ giảng về bài pháp này, và sẽ còn nhắc đến rất nhiều trong những chương kế tiếp.
Lời giảng của đức Đalai Lama chủ yếu là để giúp Phật tử xây dựng công phu tu tập hàng ngày. Nghi thức quán tưởng được soạn theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Cảnh quán tưởng được chọn là đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng bốn vị đại Bồ tát hộ pháp: Bồ tát Quan Tự Tại, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Kim Cang Thủ và Bồ tát Tara
1. Ðức Đalai Lama giải thích cặn kẽ về ý nghĩa hiện thân của bốn vị đại Bồ tát. Ngài còn hướng dẫn cách dùng sắc tướng và minh chú của chư Bồ tát làm đề mục chỉ quán. Mọi đề tài khác được đề cập đến chỉ là để làm rõ hơn nền tảng của pháp tu này.
Bắt đầu buổi giảng, đức Đalai Lama nói: «Ðây là lần đầu tiên tôi giảng Phật pháp trước thành phần đông đảo người Ấn. Vì quí vị là người Ấn, những gì tôi sắp nói đây đều thuộc về quí vị, không thuộc về tôi.»
Ðức Đalai Lama lại nói: «Người Tây Tạng đã có tôn giáo riêng từ nhiều thế kỷ trước khi Phật pháp du nhập vào miền đất tuyết. Theo tôi nghĩ, người dân Tây Tạng khi ấy đã đủ trí thông minh và tinh thần cởi mở để so sánh giữa hai nền tôn giáo, tôn giáo gốc ở Tây Tạng và Phật giáo, cuối cùng, phần lớn người dân Tây Tạng đều chọn Phật giáo làm tôn giáo của mình. Từ hơn một ngàn năm nay, Phật giáo được bảo tồn ở Tây Tạng, mang lại lợi lạc lớn lao cho từng người dân Tây Tạng cũng như cho nền văn hóa Tây Tạng nói chung.»
Trong buổi giảng pháp hai ngày sau đó, đức Đalai Lama giải thích: «Có nhiều người bạn ngoại quốc nói với tôi rằng giá trị lớn nhất của người dân Tây Tạng nằm ở trái tim nhân hậu, tinh thần trong sáng, luôn thân thiện nhiệt thành. Tôi tin rằng người Tây Tạng được như vậy là nhờ tu theo Phật pháp, viên ngọc quí giá nhất của Ấn Độ. Không có Phật pháp, chúng tôi không thể nào có được niềm vui và sức mạnh tinh thần nói trên. Ðặc biệt trong ba thập niên gần đây, Phật giáo mang lại cho chúng tôi biết bao là lợi ích [...]. Xứ Ấn lại rộng lượng cưu mang, đây là điều chúng tôi không bao giờ quên. Lại càng không thể quên mối quan hệ tinh thần giữa Ấn Độ và Tây Tạng qua Phật giáo. Vì vậy, bất cứ lúc nào các bạn người Ấn muốn thảo luận về Phật pháp, tôi luôn cảm thấy đặc biệt vui mừng.»
Cũng như đức Đalai Lama vui mừng được nói về Phật pháp trước cử tọa người Ấn, LTWA [Thư Viện Lưu Trữ Kinh Ðiển Tây Tạng] cũng vô cùng cảm kích biết ơn xứ Ấn đã đối xử cực kỳ tốt với người dân Tây Tạng chúng tôi trong nhiều năm qua. Chúng tôi thôi thúc mong muốn nội dung buổi nói chuyện này được phổ biến rộng rãi.
Trong tinh thần đó, LTWA đã tìm gặp giáo sư Dexter Roberts ở trường Ðại học Montana, một người bạn lâu năm, nhờ hiệu đính tác phẩm này. Giáo sư Roberts chấp thuận lời thỉnh cầu, nhờ đó cuốn sách được thành hình. Bản chép tay được hai thành phần danh dự của Văn Phòng Nghiên Cứu Dịch Thuật LTWA là Jeremy Russell và Glenn H. Mullin tỉ mỉ hiệu đính. Xin chân thành cám ơn công lao của hai vị.
Tôi đặc biệt gửi lời tạ ơn đến ông Rajiv Mehrotra, nhà điện ảnh New Delhi đã đứng ra thỉnh cầu và tổ chức buổi nói chuyện, lại hết lòng khuyến khích nâng đỡ quá trình phổ biến tập sách này. Cũng xin cám ơn dịch giả Ven. Thupten Jinpa; cám ơn Anila Ursula đã chép băng ghi âm ra giấy; cám ơn Namgyal Dolma và Tsering Norzom đã giúp đỡ rất nhiều về phần vi tính; và xin cám ơn Jim Woolsey, Norbu Chophel đã bỏ công xếp bản in.
Cũng xin nói thêm, lời giảng của đức Đalai Lama được thay đổi chút đỉnh cho phù hợp với thể văn viết. Ðức Đalai Lama phần lớn giảng bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng nhờ đến thông dịch viên. Chúng tôi cố gắng hết sức để giữ giọng văn cho thật trung thực và nhất quán, đồng thời không làm thất thoát nội dung cũng không làm mất đi hương vị độc đáo trong tư tưởng cũng như trong cách nói chuyện của đức Đalai Lama. Thứ tự bài giảng và thứ tự triển khai tư tưởng đều được giữ nguyên không thay đổi.
Trong quá khứ, có rất nhiều buổi nói chuyện giữa đức Đalai Lama và giới trí thức Ấn Độ đã được phổ biến qua báo chí sách vở. Ðức Đalai Lama thường tiếp xúc trao đổi với các bạn người Ấn, cũng thường đến thuyết trình ở các trường Ðại học v.v... Thêm vào đó, có nhiều người Ấn đến nghe đức Đalai Lama thuyết pháp, đặc biệt là người Ấn quanh vùng Hy Mã Lạp Sơn. Tuy vậy, cử tọa người Ấn trong các buổi nói chuyện trên nói chung chỉ chiếm thiểu số so với người Tây Tạng đến nghe. Vì vậy phần lớn những gì được giảng thường thích ứng với phần đông cử tọa không phải người Ấn.
Cử tọa của buổi nói chuyện tháng 10 năm 1986 thuộc thành phần người Ấn thành thị tân tiến. Vì vậy đức Đalai Lama trình bày Phật pháp phù hợp theo đó. Buổi nói chuyện đưa đến kết quả vô cùng tốt đẹp, và LTWA rất vui mừng được phổ biến nội dung buổi nói chuyện lần ấy đến với thành phần độc giả đông đảo qua cuốn sách này.
Cảm tưởng chính khi nghe buổi nói chuyện là Phật giáo tuy là tôn giáo nhưng thật sự là một phương thức sống, để mang lại hạnh phúc, hòa bình, làm sao cho đời sống có ý nghĩa, làm sao để hòa đồng với đời sống và môi trường xung quanh. Ðó là mục đích chính của phương pháp chỉ quán dạy ở đây. Luôn luôn giữ trong tâm hình ảnh sống động của Phật và Bồ tát, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của năm đức tính Phật - tự tại, từ bi, trí tuệ, năng lực và lợi ích chúng sinh - nhờ đó đời sống chan hòa hạnh phúc an bình; cuộc sống trở nên thật sự có ý nghĩa.
Gyatsho Tshering
[Cựu] Giám Ðốc LTWA
[Thư Viện Lưu Trữ Kinh Điển Tây Tạng]
25.12.1990
Lời Nói Đầu
(trong ấn bản Anh ngữ)Người ta thường nói Phật giáo biến mất trên xứ Ấn là vì tinh thần Phật giáo quá phóng khoáng. Ngay trên vùng đất mẹ, Phật giáo rồi cũng vô thường như tất cả mọi điều trong cuộc sống, dần dần trộn lẫn với Ấn Độ giáo, đến độ không còn giữ được sắc thái riêng. Ðức Phật được xem là hóa thân thứ chín trong mười hóa thân của thần Vishnu, chuyển từ thân thú sang thân người. Ấn Độ giáo quen với khái niệm tái sinh, mang khái niệm này gắn liền với vai trò xã hội của thần Vishnu. Mỗi khi Ấn Độ giáo gặp hiểm họa, thần Vishnu từ cõi trời Vaikuntha sẽ hóa thân vào cõi người để vãn hồi trật tự. Ðức Đalai Lama được xem là hóa thân của Bồ tát Quan Tự Tại, tâm từ bi của Phật, ngay trong thời điểm điên đảo xáo trộn này, chỗ đứng của đức Đalai Lama thật đặc biệt trong lòng người dân xứ Ấn.
Trong hơn ba thập niên lưu vong ở xứ Ấn, đức Đalai Lama và người dân xứ Ấn đã kết mối quan hệ thật đặc biệt. Ở đất nước với sinh hoạt tôn giáo cực kỳ đa dạng, với biết bao nhiêu tín ngưỡng thần linh, đức Đalai Lama nổi bật là một bậc thầy đầy từ bi, trí tuệ, với chứng ngộ sâu rộng. Ðủ mọi thành phần tìm đến đức Đalai Lama, từ nông dân cho đến sinh viên đại học, từ nhà kinh tế thành công cho đến nhân viên xã hội, cả dân thường, cả nhà chính trị, cả những người không quan tâm đến tình trạng chính trị của Tây Tạng, cũng đến tìm đức Đalai Lama xin hộ niệm giữ gìn. Ðức Đalai Lama được mời đi giảng thuyết, mời chủ trì các buổi khánh thành, mời tham dự các buổi họp đa tôn giáo, mời nói chuyện trong vòng thân mật. Xứ Ấn không ngừng mời đón đức Đalai Lama.
Bù lại, đức Đalai Lama luôn xem xứ Ấn là “đất nước tinh thần” đã mang Phật giáo đến cho người dân Tây Tạng từ hơn ngàn năm về trước, và bây giờ lại cưu mang hơn trăm ngàn người dân Tây Tạng lưu vong, nhờ đó Phật giáo vẫn còn được giữ gìn sống động. Vì vậy đức Đalai Lama luôn góp sức đưa Phật giáo về lại đất mẹ của Phật. Xứ Ấn từ lâu đã thôi không còn là xứ sở của Phật giáo. Không bao giờ mang tinh thần truyền giáo, Phật giáo ngày nay được thể hiện qua nụ cười trên khuôn mặt hiền hòa của đức Đalai Lama, đến nỗi cả những lời lẽ nghiêm trang nhất cũng chỉ để nhắc nhở hành trình nào cũng có thể là hành trình hạnh phúc.
Ðức Đalai Lama chấp thuận lời mời, đến giảng về công phu tu tập hàng ngày theo Phật giáo. Một nhóm nhỏ mười lăm người, bao gồm dân thành thị, trí thức, toàn là người xứ Ấn, phần lớn là Phật-Ấn Độ giáo, từ Delhi cùng nhau kéo đến Dharamsala, bất chấp những nguy hiểm bạo động đang xảy ra ở Punjab, để dự buổi thuyết pháp ba ngày của đức Đalai Lama. Buổi thuyết pháp này diễn ra quá tốt đẹp, nên một buổi nói chuyện khác lại được tổ chức vào tháng 10 tại New Delhi, cho một nhóm đông người hơn, khoảng 75 người. Sách này gom lại tất cả những gì được giảng trong hai lần nói chuyện trên.
Ai đã từng nghe đức Đalai Lama giảng pháp cũng hiểu rằng không ai có thể chuyển lại trọn vẹn lời giảng của đức Đalai Lama vào trong trang sách. Lời giảng của đức Đalai Lama có năng lực ảnh hưởng phi thường, lời giảng đồng nhất, nhưng ý nghĩa đối với người nghe lại phong phú không cùng. Phần lớn bài giảng được nói bằng tiếng Tây Tạng, thông dịch ra Anh ngữ, cũng có khi đức Đalai Lama cất tiếng cười sảng khoái, dùng tiếng Anh để trực tiếp nói chuyện với cử tọa. Tâm người nghe rung động mạnh mẽ, tràn đầy những cảm xúc kinh nghiệm mà bình thường chúng ta chỉ lờ mờ biết đến. Quán niệm về lòng vị tha, về tâm bồ đề, với sự dung hòa giữa xuất thế và nhập thế, hiển kinh và mật kinh, đức Đalai Lama luôn tạo kinh ngạc, đảo lộn thói quen, đánh bật khẳng định về cuộc sống. Ngài không ngần ngại trả lời “Tôi không biết!” cho những câu hỏi không thể trả lời. Ngài chia sẻ kiến thức, chứng ngộ, với phong thái từ hòa đầy phóng khoáng.
Không sách nào có thể thay thế cho kinh nghiệm gặp gỡ trực tiếp một vị thầy chân chính. Bài giảng lần này nhắc đến mọi điểm trọng yếu trong Phật pháp, nhằm xây dựng công phu tu tập hàng ngày dựa trên Phật giáo Đại thừa mật tông. Thông thường muốn tu mật pháp, người tu phải trực tiếp thọ khẩu pháp truyền thừa từ một vị đạo sư. Nếu là mật pháp thuộc các bộ cao, người tu lại còn phải nhận pháp quán đảnh, nhờ vào đó mà tâm thức người tu có khả năng tiếp nhận những phương thức hành thiền phức tạp, có thể nương vào vị thầy dẫn đạo để bước qua từng giai đoạn tu chứng. Phương pháp tu đức Đalai Lama dạy ở đây, người tu không cần nhận pháp quán đảnh vẫn có thể tu theo để tạo duyên với Phật giáo mật tông. Trong số những người tham dự lần nói chuyện đó, có nhiều người về sau phát bồ đề tâm, nhận pháp quán đảnh.
Ðối với quan niệm Ấn Độ nói chung, mật tông không được xem trọng lắm. Không rõ là vì sách vở Tây phương trong buổi đầu tiếp xúc đã lên án mật tông rất nặng nề, và người Ấn chịu nhiều ảnh hưởng từ sách vở Tây phương qua thời Anh thuộc, hay vì chính Ấn Độ giáo, qua quá trình phát triển dưới tầm ảnh hưởng của ngoại quốc, đã đánh giá sai lầm phần tính dục nói trong mật tông.
Mật tông quả có nhấn mạnh về tính dục, một trong những năng lực rất mạnh của con người. Tuy vậy tính dục ở đây không giới hạn ở tình dục. Phật giáo nói ai cũng muốn vui, không muốn khổ. Và ai cũng có khả năng thực hiện điều này. Phật giáo mật tông nói rằng chuyển khổ thành vui không những là việc có thể làm được, mà còn có thể làm rất nhanh chóng nếu vận dụng tất cả mọi năng lực, đặc biệt là năng lực đến từ tham dục. Nếu khéo vận dụng, tham dục sẽ là một trong những năng lực lớn nhất mà con người có thể dùng để chuyển hóa tâm thức. Tham dục rất khó vận dụng, cần biết cách mới có thể dựa vào nguồn năng lực này để buông xả luân hồi, đạt an lạc chân chính. Sự khác biệt giữa Phật giáo mật tông và tà giáo – tà giáo nghĩa là những phương pháp hành lạc mật tông ngoại đạo mà người Ấn nghi ngại - nằm ở sự tự chế và mục tiêu vận dụng tính dục.
Ðức Đalai Lama nhấn mạnh vào lòng vị tha, vào tâm bồ đề, là nền tảng rường cột của con đường tu. Mọi hành động đều phải nhằm tăng trưởng tâm bồ đề. Chúng ta cần thấm nhuần tâm mình trong đó, thường ôn lại lời giảng để tự nhắc nhở mục tiêu của con đường tu. Ðó là cốt tủy của bài tụng:
Tám Thi Kệ Chuyển Tâm đức Đalai Lama nhắc đến.
Không lời nào có thể tỏ bày trọn vẹn tấm lòng biết ơn của chúng tôi đối với đức Đalai Lama, với giáo pháp ngài mang đến, và với lời chấp thuận được in và phổ biến sách này. Chúng tôi chỉ mong cố gắng hết sức để có thể đền đáp được phần nào.
Thay mặt tất cả những người may mắn được tham dự buổi thuyết pháp, trước hết tôi xin cám ơn Ven. Thupten Jinpa đã thông dịch thật tài tình lời của đức Đalai Lama, đã mất thì giờ kiên nhẫn với chúng tôi ngay cả sau buổi giảng; xin cám ơn Tenzin Geyche ở văn phòng thư ký của đức Đalai Lama, và Tashi Wangdi của văn phòng ở Delhi, đã giúp tổ chức buổi thuyết pháp này; xin cám ơn Gyatsho Tshering, [cựu] giám đốc LTWA [Thư Viện Lưu trữ Kinh Ðiển Tây Tạng], người đã tốn nhiều công sức, kết hợp công lao của rất nhiều người để thực hiện sách này.
Rajiv Mehrotra 10.01.1991
Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_PHAP-TU-TAY-TANG-DANH-CHO_skctgct_xem-PDF_tuequang.html