Tuổi Già và Vai Trò của Phật Giáo
Đức Phật định nghĩa dukkha, hay đau khổ là sinh lão, bệnh và tử. Ngoại trừ trường hợp ta chết trẻ, ai ai đều sẽ trải qua tuổi già và cái chết. Trong xã hội hiện đại, ta thấy xuất hiện xu hướng sùng bái tuổi trẻ và phủ nhận quá trình tự nhiên của đời sống là tiến dần đến sự phân rã và cái chết. Gần như tất cả chúng ta đều nuôi hy vọng mình sẽ luôn trẻ trung và xinh đẹp. Thật vậy, cái đẹp thường đi đôi với tuổi trẻ. Chính vì thế, có vô số sách vở dạy ta cách trốn chạy tuổi già để mãi luôn tươi trẻ. Nhưng, dù có làm bao nhiêu cuộc phẫu thuật thẩm mỹ hay áp dụng bao nhiêu chế độ kiêng cữ, thể dục, cuối cùng cơ thể cũng sẽ tàn tạ và khả năng phát bệnh ngày một cao hơn. Trong xã hội truyền thống hơn, người ta xem tuổi già là lẽ tự nhiên chứ không phải một điều gì cần phải né tránh và phủ nhận. Hơn nữa, họ nhận thức một cách sâu sắc rằng tuổi càng cao thì đồng nghĩa với càng phát triển thêm kiến thức và hiểu biết. Vì vậy, tuổi già thường được đặt ngang hàng với sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Các thành viên lớn tuổi trong gia đình được tôn trọng và thường đảm nhận vai trò “ủy viên hội đồng” hay “người hướng đạo”. Họ có vị trí quan trọng trong xã hội. Ngay cả truyền thống phương Tây cũng có một nhân vật khá phổ biến là lão bà (hay một bà phù thủy) và hầu hết các phù thủy trong truyện đều lớn tuổi. Thật vậy, khuôn mặt già nua nhăn nheo với đôi mắt nhân từ và sự tinh an tỏa rạng biểu lộ vẻ đẹp thật sự.
Thật không may, ngày nay phụ nữ trên 50 tuổi, những người lớn tuổi đang ngày càng gạt qua một bên, bị cô lập bỡi những người lớn tuổi hơn và bị thế giới xung quanh quên lãng. Những ngày hữu ích của họ được xem như đã kết thúc và họ không còn có thể đóng góp gì hơn nữa cho xã hội. Kết quả là người ta kinh sợ tuổi già và trốn tránh nó càng lâu càng tốt. Vì vậy, vấn đề ta có thể đối phó với tuổi già không thể tránh khỏi của chúng ta theo cách nào để cuộc đời vẫn còn ý nghĩa? Theo phong tục tại các quốc gia Phật giáo truyền thống, khi con cái lớn lên và rời nhà để sống một cuộc sống tự lập, công việc chuyên môn của ta bớt đi, hoạt động hướng ngoại giảm dần, con người xu hướng quay về nội tâm, chú tâm nhiều hơn đến Phật pháp và thiết lập cuộc sống của mình để có thể sẵn sàng cho cái chết và cho kiếp sau.
Trong các xã hội Phật giáo truyền thống, nhiều người lớn tuổi thọ tám giới và dành thời gian để tọc thiền hoặc làm những việc đem lại nhiều công đức khác như nhiễu quanh tháp thờ các vị thánh, lễ lạy, tụng kinh và viếng thăm chùa chiền… Trọng tâm cuộc sống của họ là Phật pháp và nhờ vậy tín tâm của họ trở nên sâu sắc hơn. Theo cách ấy, cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa và quan trọng, thậm chí họ có thể được coi như đã trải qua một cuộc đổi đời. Đối với phụ nữ nói riêng, thường ta dành hết quãng đời trẻ của mình vào việc đóng các vai trò mà xã hội đã mặc định. Vai trò trước tiên là đối tượng thể xác của niềm đam mê, trong vai trò này chúng ta phải làm sao để càng hấp dẫn và quyến rũ càng tốt nhằm đáp ứng trí tưởng tượng kỳ quặc của nam giới. Sau đó là vai trò người mẹ và người vợ, ta hi sinh mình cho gia đình, chồng con. Ngày nay, hầu hết phụ nữ đều có công việc chuyên môn ngày tám tiếng và để thành công họ phải nỗ lực hết mình. Thật là một lối sống đầy căng thẳng được thiết kế để đáp ứng sự mong đợi của người khác.
Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới hiện đại cũng đang chứng kiến một hiện tượng thú vị, ngày càng có nhiều người – đặc biệt là phụ nữ, sau khi đã hoàn thành mọi vai trò trong đời mình như vai trò người vợ, người mẹ và một người có sự nghiệp riêng, giờ họ sẵn sàng chú tâm đến những thôi thúc có tính hướng nội hơn như các bộ môn nghệ thuật, chữa bệnh bằng các phương pháp thay thế [Như các liệu pháp đông y, năng lượng – ND], tâm lý học hay nghiên cứu, tu tập tâm linh. Những phụ nữ này thường có trình độ học vấn và có động lực cao nên họ rất có khả năng tiếp nhận các kỹ năng mới và phát triển một cách tiếp cận tích cực đối với cộng đồng và xã hội. Thay vì dành những năm ít ỏi còn lại chỉ đơn thuần cho việc chơi gôn hoặc xem ti vi, giờ họ chú trọng nhiều hơn đến thế giới tâm linh nội tại. Cách đây không lâu tôi gặp một nhóm phụ nữ sống trong một thị trấn nhỏ giàu có ở Florida. Họ dành những năm còn lại của mình cho việc tu tập và tham gia các hoạt động từ thiện mang lại lợi ích không chỉ cho thị trấn của họ mà còn vươn ra các quốc gia và các nền văn hóa khác. Họ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì đã có thể sử dụng thời gian của mình cho lợi ích của bản thân cũng như tha nhân. Nhiều người quen của tôi còn nói rằng những năm cuối của cuộc đời họ thậm chí còn có ý nghĩa hơn so với những năm tháng trẻ trung. Giờ đây, họ có thể khám phá những điều họ thực sự quan tâm thay vì chỉ đơn thuần sống sao cho phù hợp với những áp đặt của xã hội. Họ cảm thấy rằng cuối cùng đã tìm thấymục đích của cuộc sống, mặc dù họ cũng công nhận rằng những năm tháng trước đó là bước đệm cần phải có cho những gì phát triển sau này. Điều này có thể được ví như một cái cây phát triển từ từ và đến thời điểm chín muồi mới bộc lộ những đặc tính thật sự của nó. Quả thật sẽ là một niềm tiếc nuối lớn lao khi những người sắp ra đi lại nói: “Giá như tôi có can đảm sống một cuộc sống đúng như lòng tôi mong muốn chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi…”.
Tất nhiên hầu hết chúng ta đều muốn có một cơ thể 25 tuổi nhưng ít ai chịu trở về trạng thái tâm của mình khi mới 25 tuổi! Vì vậy, thay vì sợ hãi tuổi già đang đến gần, mặc dù đi kèm với nó là việc mất đi sự linh hoạt thể chất và tinh thần, chúng ta có thể chào đón giai đoạn mới của cuộc sống và khám phá tiềm năng của nó. Chúng ta có sự lựa chọn, hoặc coi quá trình lão hóa của mình như tác nhân làm phôi phai tất cả các ước mơ của ta hoặc coi thời gian hưu trí như khởi đầu của một thời kỳ mới đầy thú vị. Khi ta mỗi lúc một già đi, nhìn quanh và thấy những người đồng trang lứa – bạn bè và người thân – đầu hàng bệnh tật và ra đi. Ta buộc phải thừa nhận những trạng thái này là tự nhiên và ta không thể nào trốn tránh chúng. Là những nữ Phật tử, ta đóng vai trò quan trọng trong việc chứng minh một lối sống khác, không quá phụ thuộc vào vai trò xã hội thông thường và có thể chỉ ra con đường hướng thượng, để đi đến một lối sống tự do và có ý nghĩa hơn. Ngay cả khi đầu gối già nua của ta đau đớn, khi ta ngồi bắt chéo chân và các vấn đề sức khỏe làm cơ thể trở nên chậm chạp, tâm trí ta vẫn có thể tỉnh sáng, sức thiền định của ta vẫn có thể trở nên sâu sắc và chính chắn hơn.
Giờ đây, khi có nhiều thời gian hơn cho chính mình, ta có thể lựa chọn một lối sống có ý nghĩa và hấp dẫn – đó là việc khám phá những con đường tâm linh và tham gia các công tác xã hội, qua đó mang lại lợi ích cho chính mình và cho người khác. Đây là cơ hội tuyệt vời để ta mài dũa các kỹ năng đã thâu thập được trong suốt cuộc đời mình và sử dụng chúng một cách hữu ích. Chúng ta sẽ tái sinh vào đời sau mà không cần phải từ khước đời trước! Vì thế có nhiều người đi du lịch, học các kỹ năng mới, học các môn thể thao hoặc các môn nghệ thuật thủ công khi công việc và trách nhiệm “chính thức” của họ kết thúc. Là Phật tử, câu hỏi có thể đặt ra cho chính mình là: “bây giờ khi mọi trách nhiệm thế tục của mình đã được hoàn tất, mình nên sử dụng phần đời còn lại như thế nào để có thể giúp ích cho bản thânvà cho người khác một cách thực tế nhất? Cần phải làm gì để tiến bộ trong giáo pháp?” Điều này không nhất thiết phải bao gồm các kỳ nhập thất tĩnh tu hay hết mình tham gia công quả trong các tự viện. Có rất nhiều cách để phát triển bản thân và làm chủ thân tâm mình.
Thông thường khi chúng ta già đi, những cơn bão tố thăng trầm cảm xúc lắng xuống, ta có một số hiểu biết cơ bản về chính mình và cũng có thể pháp hành của ta đã trở nên sâu sắc hơn trong những năm qua. Giờ đây, ta có thời gian và không gian để nuôi dưỡng hạt giống Bồ đề của pháp hành để chúng đơm hoa kết trái và thúc đẩy hạt giống Bồ đề này đạt tới tiềm năng toàn vẹn của nó. Đối với nhiều Phật tử ở lứa tuổi hoàng hôn của cuộc đời, vấn đề nảy sinh ta có thể sống ở đâu khi các cơ năng của chúng ta suy giảm. Khi gia đình hạt nhân thu hẹp lại và không thể cung cấp điều kiện để sống cùng gia đình, nhiều người lớn tuổi, đặc biệt ở phương Tây và ngay cả ở các nước châu Á, phải đối mặt với khả năng sống những năm cuối cùng trong viện dưỡng lão. Viễn cảnh bị bao quanh không ngừng nghĩ bởi những người hộ lý không hề màng đến các vấn đề tâm linh trong những năm cuối cùng của đời mình quả thật rất đỗi ảm đạm. Vì vậy, đôi khi ta vẫn bắt gặp những thảo luận về việc thành lập các nhà hưu trí cho Phật tử lớn tuổi – thường không phân biệt truyền thống Phật giáo nào. Có lẽ vấn đề chính là tài chính vì việc mua đất, xây dựng và các công việc bảo trì tiếp theo đó đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể. Tuy nhiên đây sẽ là một nỗ lực rất đáng giá và chắc chắn đòi hỏi sự quan tâm lưu ý nhiều hơn nữa.
Vì vậy, việc tân dụng thật tốt những năm cuối cùng khi các cơ năng của ta vẫn đang hoạt động, ngay cả khi sức mạnh thể chất ở trên đà suy giảm là một việc hết sức quan trọng. Rốt cuộc việc sử dụng cuộc sống ta được ban cho và tận dụng tối đa, các cơ hội để phát triển tiềm năng của ta phụ thuộc vào chính bản thân ta. Cơ thể con người là quý giá bởi vì chúng ta đang sử dụng nó như một phương tiện để phát triển tâm linh và tiến bước trên đường đạo. Ta sử dụng những ngày còn lại của mình, để tạo dựng các hoàn cảnh trong đó ta có thể chết đi mà không phải hối tiếc điều gì. Đôi khi cùng với tuổi tác ta có thể mang những căn bệnh thập tử nhất sinh như ung thư hoặc các bệnh về tim mạch. Điều này vẫn thường xảy ra. Khi phát hiện mình có bệnh, nhiều người cảm thấy sợ hãi, kinh hoàng và ước gì mình có thể ra đi lặng lẽ trong giấc ngủ mà không có chút cảnh báo trước. Tuy nhiên việc ra đi mà không hề chuẩn bị trước không phải lúc nào cũng là một lợi thế. Khi ta biết trước khoảng thời gian còn lại nơi đây là có hạn – mặc dù đây vẫn luôn là sự thật muôn đời đối với mỗi chúng ta. Nó cho ta cơ hội sắp xếp mọi việc để ta có thể rời xa cuộc sống này một cách có trật tự và thỏa đáng. Việc biết rằng ta chắc chắn sẽ chết và thời gian còn lại đang mỗi lúc một ít đi giúp ta tập trung tâm trí cho những gì là quan trọng và những gì không quan trọng một cách tuyệt vời. Thường thì mọi người trở nên biến đổi khi họ bắt đầu xả bỏ những dính chấp và bực bội chất chứa lạu nay để chuẩn bị cho cuộc ra đi.
Đây là cơ hội để hòa giải những mối bất đồng của ta, chữa lành các mối quan hệ đã rạn nứt hoặc tan vỡ, và làm cho những người ta yêu quý biết rằng họ được yêu thương và trân trọng. Đối mặt với tử thần, chúng ta không có gì để mất ngoại trừ những cảm thức bất an. Khi cái chết đến, cách ra đi tốt nhất là tập trung tâm trí vào pháp hành hoặc đối tượng của lòng tôn kính. Hoặc ít nhất là cố gắng tập trung vào ánh sáng rực rỡ và hòa nhập mình vào đó. Những người xung quanh người sắp chết nên giữ bình tĩnh để hỗ trợ họ, đừng để nỗi đau buồn làm chủ, và có lẽ nên nhẹ nhàng tụng một bài kinh phù hợp nào đó. Nói một cách khái quát, nếu ta đã sống một cuộc sống tương đối tử tế, và đặc biệt nỗ lực để hợp nhất tâm trí ta với Phật pháp thì sẽ không có sự sợ hãi nào ẩn tàng trong cái chết. Ý thức sẽ đi theo con đường mà nó đã quen thuộc. Vì vậy, trong khi ta vẫn còn có thể kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc, điều quan trọng cần làm là xác định đây là con đường mà chúng ta sẽ đi qua. Như bậc phù thủy lão thành Giáo sư Dumbledore khuyên chàng phù thủy trẻ Harry Potter “Đối với một tâm trí có kỷ luật, cái chết chỉ là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời kế tiếp”.
~Jetsunma Tenzin Palmo
Việt dịch: La Sơn Phúc Cường
Nguồn: thuvienhoasen.org