Bài tường thuật của Báo Người Việt về chương trình thuyết giảng do Viet Nalanda Foundation tổ chức vào năm 2017 tại Little Saigon, California.
Tiến Sĩ Phật Học Khenpo Tsultrim Lodro giải thích thêm về ‘Khổ Đau Là Con Cọp Giấy’
WESTMINSTER, California (NV) – Lúc 3 giờ trưa Thứ Tư, 27 Tháng Bảy, Tiến Sĩ Phật Học Khenpo Tsultrim Lodro, người đang được biết đến nhiều trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam khu Little Saigon qua bài pháp giảng gần đây có tên “Khổ đau chỉ là con cọp giấy,” có buổi trả lời thắc mắc cho các Phật tử đã nghe bài giảng trên tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster.
Tiến Sĩ Lodro quyết định nói tiếng Hoa vì có nhiều người Trung Hoa tham dự.
Để nhấn mạnh hơn bài pháp thoại “khổ đau chỉ là con cọp giấy,” ông nhắc nhở rằng tuy khổ đau quả thật là “con cọp giấy,” nhưng đối với đại chúng, nếu không có công phu tu tập và am tường Phật pháp thì “con cọp giấy” này vẫn là một sự de dọa lớn lao và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của Phật tử.
Ông Lodro nhắc nhở mọi người rằng hai sự bố thí quan trọng nhất trong giáo lý Đại Thừa là pháp thí (rao giảng kinh Phật) và vô úy thí (phóng sinh, cho súc vật được sống, cứu chúng ra khỏi sự sợ hãi).
Từ năm 1997, tại Tây Tạng, các chùa làm lễ phóng sinh, bố thí sự vô úy cho các con vật, 100 ngày một năm, nghĩa là một phần ba thời gian của một năm. Việc này được thúc đẩy mạnh, nhất là từ năm 2004 trở đi.
Tuy nhiên, sự phóng sinh cũng phải có phương thức khoa học và phù hợp với phong tục địa phương chứ không nên làm một cách tự ý, bất cẩn thì con vật được thả ra mới có lợi.
Trả lời câu hỏi về thực và mơ, Tiến Sĩ Lodro giải thích rằng trong giấc mơ, người ta thấy mọi việc rất thật trong một thế giới cũng rất thật. Nhưng đến khi thức giấc thì mới vỡ lẽ tất cả những gì mình vừa mắt thấy, tai nghe, vừa như sờ mó được chỉ là một giấc mơ, khác với sau khi thức tỉnh. Nhưng thế giới hiện tại cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi và cũng có những đặc tính như giấc mơ vừa qua. Sự thức giấc thực sự là khi người ta đạt được sự giác ngộ.
Bà June Phạm, dự buổi nói chuyện với mẹ tỏ ra rất vui vẻ được có mặt tại đây.
Bà nói: “Đây đúng là duyên lành. Mẹ con tôi ở Vancouver Canada sang đây chơi. Tình cờ tôi thấy thông báo về buổi nói chuyện này trên cửa kính. Thế là bằng mọi giá, chúng tôi thu xếp mọi việc để đến đây.”
Bà Vickie Kwok, cư dân Huntington Beach, nói: “Những gì thầy giảng, tôi hiểu không hết. Tôi không tin là tôi có thể hiểu hết về Phật Giáo được. Nhưng tôi rất thích được nghe thầy giải thích, vì ít nhiều, tôi biết về Phật Giáo nhiều hơn sáng nay.”
Ông Henry Chan, cư dân Los Alamitos, nói: “Thực ra, được ngồi cùng phòng với thầy là tôi vui rồi. Làm sao mà tôi giác ngộ được Phật pháp bao la trong vài giờ. Lúc nãy thầy chạm tay vào vai tôi. Tôi rất vui.”
Đến 6 giờ tối, Tiến Sĩ Lodro lại có buổi pháp thoại nữa về đề tài “khổ đau là cọp giấy,” cũng tại hội trường nhật báo Người Việt.
Anh Greg Quint, cư dân San Diego, nói: “Tôi theo học tại chùa Phật Giáo Tây Tạng ở San Diego. Tất cả những gì thầy thuyết giảng hôm nay không có gì mới lạ cho tôi, nhưng vì thầy có cách giải thích riêng nên tôi có hiểu thêm được nhiều điều bổ ích. Cùng một sự việc, tôi thấy được những khía cạnh mới hơn.”
Buổi nói chuyện này do hội Việt Nalanda Foundation tổ chức.
Đại diện hội Việt Nalanda, bà Thúy Hằng, nói: “Chúng tôi mời được thầy đến đây cũng nhờ sự đóng góp của đại chúng. Tất cả những gì hội Việt Nalanda thực hiện được là nhờ công đức đóng góp của mọi người.”
–
Người viết: Đằng-Giao/Người Việt
July 28, 2017
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com.
***Những tấm hình chụp chung tại tư gia: Khenpo Tsultrim Lodro, Bakha Tulku Rinpoche và Tulku Phuntsok tại Little Saigon, Cali trong buổi họp mặt thân mật do Viet Nalanda thỉnh mời vào mùa xuân 2018.
Nguồn: Facebook Vietnalanda