MAHAMUDRA – DZOGCHEN: GIÁO LÝ VỀ TÂM
Kiến Giải của Khenchen Thrangu
Dựa trên các giáo lý khẩu truyền của Khenpo Gangshar
Trong mật chú kim cang thừa, có tất cả bốn cấp độ mật điển khác nhau: tác mật điển, hành mật điển, du già mật điển và tối thượng du già mật điển (anuttara). Các hành giả tại Tây Tạng có thực hành một số pháp môn đến từ tác mật điển và hành mật điển, nhưng phần lớn họ hành trì cấp độ mật điển thứ tư là tối thượng du già mật điển. Các giáo lý của Khenpo Gangshar trình bày các hướng dẫn chính yếu hay là tâm yếu—đây là những điểm quan trọng nhất, hay là tinh túy của tối thượng du già.
Có nhiều phương pháp hành trì thuộc vào tối thượng du già mật điển, và có thể tóm tắt thành hai loại, gồm các pháp hành trì cần dụng công và các pháp hành trì không cần dụng công. Trong truyền thống đại ấn (mahamudra), các pháp cần dụng công bao gồm các phương pháp như sáu pháp du già của Naropa. Đây là các pháp thiền về nội hỏa (tummo), về chuyển di tâm thức, về thân huyễn ảo, vân vân. Còn trong truyền thống đại viên mãn (dzogchen) thì lại có những hướng dẫn về thögal, và đôi khi các pháp này cần phải được tu trong bóng tối, hoặc đôi khi phải huân tu dưới ánh nắng mặt trời, vân vân. Tất cả những phương pháp này đòi hỏi một sự dụng công.
Các hướng dẫn khẩu truyền của tối thượng du già mật điển cũng còn bao gồm các phương pháp không cần dụng công, rất dễ thực hiện. Trong truyền thống mahamudra, các hướng dẫn này được trích ra từ các mật điển bất nhị--đây là ba chương cuối cùng trong tối thượng du già mật điển. Còn trong bối cảnh của dzogchen, thì các hướng dẫn khẩu truyền được gọi là ati yoga, hay là ati không cần dụng công. Đây chính làdzogchen, sự tròn đầy viên mãn lớn lao. Ngài Karmapa Rangjung Dorje đời thứ Ba đã mô tả lại sự viên mãn này trong “Bài Nguyện Đại Ấn” như sau:
Tự do thoát khỏi mọi tạo tác của tâm thức, đấy là đại ấn. Siêu vượt các cực đoan, đấy là đại trung đạo.
Vì dung chứa được tất cả, nên cũng còn được gọi là đại viên mãn.
Nguyện chúng con sẽ tin sâu, rằng thấu biết một điều là sẽ chứng ngộ được nghĩa lý của tất cả.
Điều này có nghĩa là khi chúng ta tu tập không với bất kỳ một tâm thức tạo tác nào—khi chúng ta không tập trung vào bất kỳ điều gì một cách [cứng ngắc] nghiêm ngặt—và [đồng thời] chúng ta đang soi rọi tự tánh chân tâm, thì đây chính là đại ấn. Chúng ta cũng có thể gọi đó bằng những cái tên khác nhau. Bởi vì [tâm ấy] đã thoát khỏi tất cả mọi cực đoan thuộc về có và không [thường và đoạn], nên nó là ở giữa, nên được gọi là đại trung đạo. Bởi vì [tâm ấy] tròn đầy bao gồm tất cả mọi nghĩa lý sâu mầu, nên đó là đại viên mãn, hay là dzogchen. Ước nguyện ở đây là nguyện cho chúng ta có được niềm tin vững chắc, rằng xuyên qua việc thấu biết một điều—[ấy là thấu biết] chân tâm—mà rồi chúng ta sẽ thấu triệt được tất cả: mahamudra chỉ là thế đó; đại viên mãn chỉ là thế đó, đại trung đạo cũng chỉ là thế đó. Đây chính là cái được gọi là ati không cần dụng công của đại viên mãn.
Khi các đại thiền sư của Tây Tạng giảng dạy các giáo lý này, các ngài gọi đây là các “giáo lý về tâm.” Nếu chúng ta nói “dzogchen,” là ý chúng ta đang nói đến các giáo lý về tâm. Nếu chúng ta nói “mahamudra,” là chúng ta đang nói đến các giáo lý về tâm. Cái mà chúng ta đang muốn nói đến khi chúng ta nói giáo lý về tâm, đó là chúng ta đang không thực sự quán xét phân tích các hiện tướng bên ngoài. Ngược lại, chúng ta nhìn thẳng vào tự tánh của chính tâm bên trong [trực chỉ chân tâm kiến tánh]. Khi chúng ta nhìn ra được điều này thì chúng ta cũng sẽ thấy ra rằng tánh không của tất cả mọi hiện tượng cũng chỉ là thế. Tánh rõ biết sáng soi cũng chỉ là thế. Chúng ta có thể nhận biết ra được điều đó, và đó chính là điều mà chúng ta muốn nói khi ta nói đến các giáo lý về tâm: [đây chỉ có nghĩa là] thiền quán tâm của ta.
Bởi vì các giáo lý về tâm không cần phải có sự dụng công nên rất dễ thực hành và có thể thích ứng với bất kỳ lối sống nào, như là các tấm gương mà tám mươi tư vị đại thành tựu giả của Ấn Độ đã thể hiện. Một số các vị đại thành tựu giả là các đại học giả và đồng thời cũng tu tập [quán tâm] trong khi làm các công việc trí thức. Có những vị khác chỉ là những người ít học nhưng cũng vẫn có thể thực hành pháp [quán tâm] này. Có những vị rất giàu có và có nhiều tài sản, nhưng họ cũng vẫn có thể thực hành pháp [quán tâm] này. Rồi lại còn có những vị sống cuộc đời đơn sơ, không rối rắm, với rất ít của cải, và họ cũng vẫn có thể thực hành pháp [quán tâm] này. Đó là bởi vì các giáo lý này không cần phải có sự dụng công, dễ dàng và không phức tạp. Các giáo lý này cốt yếu là để cho những người muốn bước vào cánh cổng hành trì mahamudra hay dzogchen, cho những ai tự thân nghĩ rằng, “Tôi muốn, và tôi cần, hành trì pháp này.”
------------------------------------------
Khenchen Thrangu
(Trích từ trang 22-23 của tập sách “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” by Khenchen Thrangu, translated by David Karma Choephel. Boston: Shambhala, 2011)
Tâm Bảo Đàn tạm dịch – Sept. 16, 2016