BỐN PHURBA
Một cách tiếp cận để thâu hiểu ý nghĩa của Vajrakilaya là hiểu ý nghĩa danh hiệu của ngài. Trong Phạn ngữ, ngài có hai danh hiệu: Vajrakilaya và Vajrakumara. Cả hai danh hiệu bắt đầu bằng vajra bởi vajra hoàn toàn tương ứng với bản tánh của Vajrakilaya – tất cả những ý nghĩa của vajra được bao hàm trong Vajrakilaya.
Vajra hay dorje có nghĩa là “bất hoại, rất kiên cố, và rất cô đọng.” Vajra có năng lực hủy diệt, nhưng không có điều gì có thể hủy diệt vajra. Kilaya hay phurba có nghĩa là “lưỡi dao” hay “nhọn.” Phurba rất sắc, rất nhọn, và đầy uy lực. Vajrakilaya có nghĩa là phurba bất hoại, phurba không thể lay chuyển, phurba hiện thân của sự chứng ngộ. Từ Phạn ngữ thứ hai của Vajrakilaya là Vajrakumara. Kumara hay zhönu nghĩa là “trẻ trung.” Sự chứng ngộ bản tánh vajra mang lại sự giải thoát khỏi sinh và tử, vì thế Vajrakumara luôn luôn trẻ trung. Cũng thế, bản tánh vajra thì trẻ trung bởi nó không thể hủy diệt được (bất hoại). Giáo lý Dzogchen thường nói đến bản tánh này như thân tịnh bình trẻ trung.
Vajra cũng được gọi là “sự chứng ngộ.” Về mặt chứng ngộ, có ba trạng thái Vajrakilaya: bản tánh nền tảng hay nền tảng của Vajrakilaya, sự áp dụng hay con đường của Vajrakilaya, và kết quả hay quả của Vajrakilaya. Tất cả ba trong những trạng thái này phải được chứng ngộ: nền tảng phải được chứng ngộ, con đường phải được chứng ngộ, và điều đó sẽ mang lại kết quả, là sự chứng ngộ.
Sự chứng ngộ nền tảng, con đường, và quả của Vajrakilaya có thể được thảo luận đặc biệt hơn phù hợp với bốn phurba. Phurba thứ nhất là phurba bi mẫn vô lượng, thứ hai là phurba trọng yếu tượng trưng, thứ ba là phurba Bồ đề tâm, và thứ tư là phurba trí tuệ tỉnh giác.
Mỗi một trong bốn phurba bao gồm bốn phẩm tính của vajra, đó là, tất cả chúng có bản tánh vajra (kim cương), là bản tánh cốt tủy được chứng ngộ. Bản tánh vajra không phải là cái gì hiện hữu ở bên ngoài; sự chứng ngộ bản tánh vajra hoàn toàn cố hữu, rất kiên cố, và cô đọng. Tất cả mười phương chư Phật, tất cả năng lực của năm bộ Phật, và cả sinh tử lẫn Niết bàn được cô đọng hay hiện thân trong bốn phurba này.
PHURBA BI MẪN VÔ LƯỢNG
Phurba thứ nhất là tsamed nyingje phurba, “phurba bi mẫn vô lượng.” Bản tánh nền tảng của tất cả chúng sinh là sự thuần tịnh vĩ đại. Theo dòng truyền thừa Vajrakilaya, sự thuần tịnh nền tảng này được gọi là vidyottama, “giác tánh siêu việt” (như trong tantra cùng tên). Giác tánh siêu việt không ngừng dứt là bản tánh nền tảng của mỗi chúng sinh. Trong trạng thái đó, không có những sự phân biệt giữa sinh tử và Niết bàn hay giữa chư Phật và chúng sinh. Mọi sự là giác tánh siêu việt không ngừng dứt.
Phù hợp với cái nhìn này, Đức Phật đã ban những giáo lý Đại thừa khác nhau trong lần chuyển Pháp luân thứ hai, đặc biệt là giáo lý của Kinh Bát nhã ba la mật đa. Ngài đã dạy rằng mọi sự được đặt nền trên tánh Không vĩ đại, và có mười sáu cách hay hai mươi cách thấu hiểu tánh Không. Những phương pháp này được sử dụng để thành tựu một sự hiểu biết rõ ràng về bản tánh không ngừng dứt của giác tánh siêu việt.
Đức Phật đã đập tan mọi ý niệm có thể có – mọi loại khái niệm – chẳng hạn như cao và thấp, dơ và sạch, xấu và tốt. Ngài quy hướng chúng về chân tánh để dẫn dắt chúng sinh từ sự nhị nguyên tới bất nhị. Trong giáo lý Bát nhã ba la mật đa, ngài đưa ra khoảng 108 phương pháp khác nhau để đạt được sự chứng ngộ bản tánh kilaya nền tảng.
Mặc dù giác tánh siêu việt là bản tánh nền tảng của thực tại, do bởi chúng ta không nhận ra điều này, là chúng sinh chúng ta phát triển sự suy nghĩ nhị nguyên. Chúng ta bắt đầu phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, gần và xa, và v.v… và sau đó chúng ta bám chấp vào những điều này như thật có. Mười hai nhân duyên xuất hiện, và bắt đầu với sự vô minh, chúng ta phát triển các ý niệm “ta” và “của ta, và mọi loại suy nghĩ mê lầm. Đạo sư vĩ đại Chandrakirti đã dạy rằng bạn bắt đầu bằng cách bám chấp vào bản ngã, rồi bạn bám vào “những gì của tôi,” rồi “những gì của người khác,” khiến cho đó là một trạng thái đang tiếp diễn của sự mê lầm. Do bởi bám chấp, những tập khí của ta trở nên mỗi lúc một mạnh hơn, và mọi quan niệm của chúng ta trở nên bị điều khiển và kiên cố.
Để xua tan vô minh và sự suy nghĩ nhị nguyên, Vajrakilaya xuất hiện trong một thân tướng phẫn nộ. Phẫn nộ của Vajrakilaya không phải là phẫn nộ của sân hận hay ganh tị; nó là phẫn nộ hủy diệt sân hận và ganh tị. Nó không giống sự sân hận kẻ thù và luyến ái các bằng hữu. Sự phẫn nộ này được hoàn toàn dựa trên lòng đại bi. Nhắm vào sự nhị nguyên, chấp ngã, dính mắc, và vô minh, sân hận của Vajrakilaya tiêu diệt các nguyên nhân của mê lầm khắp sáu cõi. Bởi nó được đặt nền trên lòng từ và bi vô lượng, nó được gọi là phurba bi mẫn vô lượng.
Để áp dụng phurba này trong một cách thế thực tiễn, hơn là trở nên sân hận đối với những tình huống bên ngoài, ta bắt đầu bằng cách cảm thấy lòng đại bi đối với chúng sinh. Sau đó ta bắt đầu làm việc với những cảm xúc của riêng ta để tiêu diệt tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo, sợ hãi, và nghi ngờ. Ta tẩy trừ những cảm xúc này tùy theo cách thức ta tương tác với thế giới. Đồng thời, ta phát triển lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh trong sáu cõi.
Để cắt đứt các nguyên nhân của sự mê lầm, ta không phải làm việc trực tiếp với chúng sinh sáu cõi, nhưng ta cần phải làm việc trực tiếp với tâm thức của riêng ta. Ví dụ như, khi ta trở nên sân hận, đừng theo đuổi sự sân hận. Vào lúc đó, hãy nhìn thẳng vào bản tánh của sân hận, và hãy chuyển hóa sự sân hận của bạn thành trạng thái không ngừng dứt của giác tánh siêu việt. Bằng cách làm như thế, ta thực sự tẩy trừ được nguyên nhân của các cõi địa ngục. Đây là một kỹ thuật Dzogchen. Không phủ nhận các cảm xúc, bạn có thể chuyển hóa chúng thành giác tánh siêu việt không ngừng dứt.
Những cảm xúc chính là tâm. Bản tánh của tâm được dựa trên trí tuệ. Giây phút bạn thấu hiểu điều này, bạn nhận ra rằng mọi sự xuất hiện đều là một phô diễn của trí tuệ, và vào lúc đó mọi sự xuất hiện đều được giải thoát và chuyển hóa.
Bởi những cảm xúc xuất hiện từ trí tuệ nên không có lý do gì để vứt bỏ chúng hay xem thường chúng là cái gì xấu xa. Thay vào đó, chỉ để chúng được chuyển hóa trong trạng thái tự nhiên. Bản văn gốc của Guhyagarbha Tantra nói rằng từ vô thủy, trong trạng thái giải thoát tự nguyên thủy, không có gì bị trói buộc và không có gì được giải thoát. Ngay khi sân hận phát khởi, ta không theo đuổi mà cũng không ôm giữ sân hận, mà ngay lập tức chuyển hóa nó trong bản tánh riêng của nó. Đây là kỹ thuật Dzogchen tự giải thoát những cảm xúc của ta.
Nếu không, nếu chúng ta nghĩ rằng về căn bản một cảm xúc hiện hữu ở một mặt trong khi sự đối trị của nó hiện hữu ở mặt khác, và chúng đối kháng nhau, thì khi đó ta dấn mình vào một cách thức suy nghĩ hết sức nhị nguyên. Trong Phật giáo, điều này được gọi là quan điểm của Tiểu thừa.
Theo quan điểm Kim Cương thừa của giáo lý Dzogchen, giây phút một tư tưởng phát khởi, nó được giải thoát tự bản tánh của riêng nó, không có sự lấy hay bỏ. Ví dụ như, bản tánh của sân hận thực sự là trí tuệ giác tánh siêu vượt không ngừng dứt. Trí tuệ đó là Vajrakilaya – Vajrakilaya viên mãn, nguyên sơ, tuyệt đối – trong đó sân hận hoàn toàn bị tiêu diệt. Khi sân hận được chuyển hóa thành Đại viên cảnh trí, vào lúc đó các cảnh giới địa ngục hoàn toàn biến mất. Ngay cả ý niệm về cõi địa ngục cũng hoàn toàn vắng mặt trong giác tánh của ta.
Bằng cách áp dụng cùng một kỹ thuật đối với sự tham luyến, khi tham luyến phát khởi nó được chuyển hóa thành Diệu quan sát trí, và cõi ngạ quỷ thôi hiện hữu. Khi vô minh được chuyển hóa trong giác tánh siêu việt không ngừng dứt, trí tuệ dharmadhatu (Pháp giới thể tánh trí) xuất hiện, và cõi súc sinh biến mất. Cùng cách thế đó, khi kiêu ngạo được chuyển hóa thành Bình đẳng tánh trí, cõi trời biến mất. Khi ganh tị xuất hiện như giác tánh siêu việt không ngừng dứt – Vajrakilaya tuyệt đối – thì cõi A tu la hay bán thiên bị tiêu diệt, và ganh tị trở thành Thành sở tác trí.
Đối với cõi người, nói chung con người có rất nhiều hoài nghi, là sự trộn lẫn trí tuệ và vô minh. Trong phần lớn thời gian, hoài nghi là một chướng ngại cho sự phát triển của bạn và gây khó khăn cho việc chứng ngộ. Mỗi khi hoài nghi phát khởi, nếu bạn chuyển hóa chúng thành Vajrakilaya tuyệt đối, siêu việt, thì bạn đã thành tựu tất cả năm trí tuệ. Vào lúc đó, cõi người không hiện hữu nữa đối với bạn.
Phurba hay kila có một đầu rất nhọn; nó rất mạnh mẽ và rất chính xác. Khi bạn sử dụng nó để chuyển hóa những cảm xúc của bạn thành trạng thái
Vajrakilaya tuyệt đối, nguyên sơ, bạn lập tức giải thoát tất cả chúng sinh thành trí tuệ giác ngộ. Phương diện thực hành này của Vjrakilaya được gọi là “phurba của lòng bi mẫn vô hạn.”
PHURBA TRỌNG YẾU TƯỢNG TRƯNG
Phurba thứ hai là tsenma dze kyi phurba, “phurba trọng yếu tượng trưng.” Tsenma có thể được dịch là “biểu tượng” hay “đặc điểm.” Điều này có nghĩa là mọi hiện tượng xuất hiện đều có những đặc điểm của phurba. Dù ta có nhận ra nó hay không, mọi sự - núi non, cây cối, nước, sông, bản thân ta – có bản tánh của phurba. Trong thực chất, mọi sự có dáng nhọn của phurba.
Ví dụ như, thân người giống như một phurba. Nếu bạn chắp hai bàn tay và ngồi khép hai chân lại, phần thân dưới của bạn nhọn hơn và phần thân trên hơi lớn hơn. Cũng thế, mỗi ngón tay của bạn có dáng của phurba. Những ví dụ khác là các dáng của vuốt và mỏ chim. Tất cả chúng sinh, kể cả các thú vật, đều ở trong trạng thái phurba.
Thế giới bên ngoài cũng có bản tánh của phurba. Khi bạn nhìn cây cối, toàn thể mũi nhọn của chúng hướng lên trên, và mỗi chiếc lá đều nhọn. Trong phạm vi của năm yếu tố (năm đại) khi nước đông lại thành những cột băng trong mùa đông thì nó biểu hiện hình dạng nhọn. Khi cháy, lửa hướng lên trên. Mặc dù bạn không thể nhìn thấy gió, nó có vẻ nhọn khi thổi về phía bạn. Trong giáo lý Abhidharma (Vi diệu pháp), những hình dạng của các đại được thảo luận, và gió được cho là có hình bán nguyệt hay một cây cung, nó có những mũi nhọn ở phần cuối. Đối với không gian, một vài giáo lý đạo Phật nói rằng không gian có dạng của một ngàn nan hoa; nhưng nói chung, không gian được phân chia bởi các sự vật. Khi ta nhìn núi non, chẳng hạn thế, không gian ở quanh chúng có vẻ nhọn.
Các hiện tượng hiển lộ tự nhiên theo cách này. Vì thế, Kilaya Tantra nói rằng toàn thể vũ trụ là phurba trọng yếu tượng trưng.
Dĩ nhiên là cũng có những phurba nhân tạo, nó không phát triển tự nhiên, nhưng được tạo ra để biểu lộ rõ ràng hơn các phurba hiện hữu tự nhiên. Các phurba được tạo tác có một cấu trúc hay hình dáng tương tự, nhưng chúng có những phẩm tính, kiểu dáng khác nhau.
Một số phurba được chế tạo có đầu Vajrakilaya với một mặt hay ba mặt ở trên đỉnh. Ở bên ngoài, ba mặt trên phần đỉnh của phurba tượng trưng cho ba thân. Ở bên trong, ba mặt của Vajrakilaya tượng trưng cho ba kinh mạch của thân. Trong phạm vi thực hành hay ứng dụng, ba mặt tượng trưng cho nền tảng, con đường, và quả.
Ngay trên đỉnh phurba là một nửa-vajra (nửa chày kim cương), tượng trưng cho bản tánh bất biến của trí tuệ tỉnh giác. Mọi phương diện được tượng trưng bởi ba mặt thì bất khả phân với bản tánh bất hoại của giác tánh. Đỉnh phurba tượng trưng cho trạng thái giác ngộ.
Dưới các khuôn mặt là một khối cầu mười mặt, một khối cầu với mười cạnh bằng phẳng. Nó giống một hình bát giác, nhưng cũng có những cạnh ở đỉnh và đáy. Mười mặt tượng trưng cho mười Bổn tôn phẫn nộ của Vajrakilaya; các ngài được nhắc đến trong các sadhana Vajrakilaya rộng lớn hơn. Khối cầu mười mặt là một toàn thể tượng trưng cho toàn thể thế giới hay cõi tịnh độ nơi chư Phật an trú. Ở trung tâm của khối cầu mười mặt là Vajrakilaya với phối ngẫu của ngài. Bao quanh các ngài là năm con trai hay hoàng tử của Vajrakilaya, mười Bổn tôn phẫn nộ, hai mươi mốt mamo, và mười sáu Hộ Pháp. Tất cả các ngài an trụ trong khối cầu mười mặt, nó giống như một cung điện bao la.
Một vài phurba không có nửa-vajra và khuôn mặt mà chỉ có một đỉnh nhỏ, và kế đó là khối cầu mười mặt. Ở cả hai loại, dưới khối cầu mười mặt là một tay cầm có trang trí những cánh sen. Hoa sen là biểu tượng của lòng từ và bi, hiển lộ một cách tích cực như chư Phật và Bồ Tát. Dưới tay cầm là một khối cầu mười mặt khác, tượng trưng cho đoàn tùy tùng của Vajrakilaya, cũng như các Hộ Pháp. Dưới nữa, một vài phurba có một miệng cá sấu, nhưng tất cả các phurba đều chấm dứt bằng ba lưỡi dao gặp nhau ở một đầu nhọn.
Nói chung, phurba tượng trưng rằng sinh tử và Niết bàn được hợp nhất trong một bản tánh duy nhất. Phần đỉnh của phurba, từ nửa-vajra tới khối mười mặt phía dưới, tượng trưng cho Niết bàn hay cõi tịnh độ hoặc trí tuệ. Phần dưới tay cầm, bắt đầu bằng miệng cá sấu, tượng trưng cho sinh tử. Trên bình diện tuyệt đối, sinh tử và Niết bàn không khác biệt. Khi ta thấu hiểu bản chất của sinh tử, chính sự hiểu biết đó là Niết bàn. Ở bình diện tương đối, lòng từ, bi, và trí tuệ của Vajrakilaya và các bậc giác ngộ luôn luôn ở trong sinh tử. Miệng cá sấu tượng trưng cho lòng bi mẫn của các Bồ Tát và những bậc chứng ngộ; các ngài không bao giờ giải thoát bản thân khỏi luân hồi sinh tử, và các ngài không bao giờ bỏ mặc chúng sinh. Miệng cá sấu tượng trưng lòng bi mẫn như điểm nối kết giữa Niết bàn và sinh tử.
Vùng ở dưới tay cầm tượng trưng cho ba cõi: nơi cao nhất và rộng lớn nhất là cõi của các vị trời vô sắc, kế đó là cõi trời hữu sắc, và thấp nhất và nhỏ nhất là dục giới, bao gồm cả các vị trời và người. Miền của con người nhỏ hơn miền của các vị trời. Cõi càng cao thì càng rộng hơn. Điều này cũng áp dụng cho trạng thái phurba.
Cách thức để chuyển hóa trạng thái mê lầm của sinh tử thành trạng thái không mê lầm của Niết bàn được tượng trưng bởi ba cạnh của lưỡi dao. Lưỡi dao ba cạnh có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ như, bản tánh của sinh tử chính là cõi tịnh độ của ba kaya (ba thân). Nhờ thấu hiểu bản tánh siêu việt của Vajrakilaya, ba cõi có thể được chuyển hóa thành ba thân.
Trong phạm vi của cái thấy, ba cạnh dao tượng trưng cho các phẩm tính của ba cánh cửa giải thoát: không có các đặc tính, vượt lên các mong cầu, và có bản chất của tánh Không. Đây là cái thấy nền tảng của giác tánh siêu việt không ngừng dứt. Nguyên nhân hay nền tảng không có những đặc tính, và kết quả hay quả thì siêu vượt các mong cầu, vì thế phẩm tính hay bản tánh của chúng là tánh Không. Bởi chúng không có các đặc tính hay những mong cầu, vì thế chúng đều ở trong tánh Không. Toàn thể thế giới luôn luôn được đặt nền trên tánh Không vĩ đại.
Ba cạnh dao cũng tượng trưng có cách thức thực hiện các hoạt động. Khi phurba được vận dụng, nó luôn luôn được sử dụng như một hành vi của lòng bi mẫn. Có ba loại bi mẫn: bi mẫn tập trung vào chúng sinh, bi mẫn tập trung vào sự vô minh của chúng sinh, và bi mẫn không có tiêu điểm hay điểm quy chiếu – chúng có thể được nhìn như lòng từ, bi và Bồ đề tâm. Guru Padmasambhava đã dạy rằng lòng từ, bi, và Bồ đề tâm là tâm của chư Phật. Bồ đề tâm thoát khỏi sự mê lầm, nhưng chúng sinh mê lầm như chúng ta có thể sử dụng Bồ đề tâm để khẩn cầu trí tuệ siêu việt.
Mọi phương diện của sự tượng trưng này có ý cho chúng ta thấy rằng sinh tử và Niết bàn là một trạng thái duy nhất. Không có việc lấy một phía và bỏ phía bên kia. Trong các Kinh điển Đại thừa, Đức Phật đã dạy rằng điều quan trọng là phải nhận ra sự bình đẳng của sinh tử và Niết bàn. Đức Phật Di Lặc đã tóm tắt điều này trong Abhisamayalamkra (Hiện quán Trang nghiêm) khi nói rằng sinh tử và Niết bàn hoàn toàn bình đẳng. Và trong phạm vi của những giáo huấn cốt tủy, Đạo sư vĩ đại Saraha đã hát trong một bài ca của ngài “Sinh tử và Niết bàn thì bình đẳng. Đó là Mahamudra, Đại Ấn.”
Bất kỳ khi nào bạn nhìn thấy một phurba trọng yếu tượng trưng thì đó là một sự nhắc nhở cho cái thấy (kiến), sự thiền định, và chứng ngộ của bạn, không chỉ là một tác phẩm điêu khắc thú vị.
Trong các tantra, phurba trọng yếu tượng trưng thường được gọi là tsenma dze kyi phurba. Nhưng một vài tantra cũng nhắc tới phurba trọng yếu như sipa phurba. Sipa nghĩa là “có thể thực hiện được” hay “sự hiện hữu.” Sipa phurba là phurba của mọi hiện hữu có thể có. Nó cũng được dịch là “phurba vũ trụ.”
Các giáo lý phurba rất rộng lớn, sâu xa, bí mật, và có nhiều khác biệt. Mặc dù Vajrakilaya thì phẫn nộ, phurba hiện hữu hay sipa phurba có thể được sử dụng trong những hoạt động khác nhau. Có bốn loại hoạt động chính: làm an bình (tức tai), làm tăng trưởng hay làm phong phú hơn (tăng ích), thu hút hay làm mê say (kính ái) và hàng phục. Đôi khi phurba được đặc biệt dâng hiến cho sự thành tựu hoạt động tức tai. Những phurba này thường có màu trắng, và làm bằng vỏ ốc xà cừ, pha lê, hay bạc. Phurba được đặc biệt dùng cho sự tăng ích có màu vàng và được làm bằng các kim loại như vàng. Các phurba màu đỏ được dùng trong việc thu hút hay làm mê say, được làm bằng đồng đỏ hay những kim loại đỏ khác. Các phurba được dùng cho mục đích hàng phục thì có màu sậm và làm bằng một loại thiên thạch hay sắt, hay bằng gỗ rất cứng lấy từ những loại cây có nhiều gai. Các phurba có những kiểu mẫu, chất liệu và mục đích khác nhau.
Các phurba trọng yếu tượng trưng có những kích thước đặc biệt tùy theo mục đích khác nhau của chúng. Các kích thước được dựa trên bề ngang của ngón tay. Chúng dài hai ngón tay, bốn ngón tay, sáu ngón tay, và v.v…, cho tới dài mười sáu ngón tay. Mỗi kích thước có những mục đích và giáo huấn khác nhau.
Một vài phurba trọng yếu tượng trưng được khám phá như các vật thể terma. Hầu hết các phurba này được làm bằng thiên thạch, và khi bạn nhìn vào các phurba terma, bạn có thể thấy những dấu vết nguyên liệu hay những dấu tay trên đó. Lịch sử nói rằng Guru Padmasambhava đã yêu cầu Hộ Pháp Dorje Legpa (Vajrasadhu trong Phạn ngữ) chế tạo những phurba này cho ngài. Dorje Legpa là một thợ rèn nổi tiếng. Guru Padmasambhava muốn những phurba này được làm thật nhanh, vì thế chúng khá thô. Khi Dorje Legpa làm các phurba, ông đập chúng trên đùi ngài. Ông mặc một chuba bằng len, và bạn có thể nhìn thấy những hoa văn in trên chuba của ông trên những phurba. Ngay khi Dorje Legpa hoàn thành các phurba, ông trao chúng cho Guru Rinpoche, ngài cầm lấy và gia trì cho các phurba. Những dấu tay được nhìn thấy trên các phurba này là của Guru Padmasambhava.
Các phurba terma rất nổi tiếng và rất linh thiêng. Người ta cho rằng nếu bạn giữ một phurba trên người, nó sẽ bảo vệ bạn khỏi bị các chướng ngại, thậm chí không bị đạn bắn. Đây không chỉ là một câu chuyện thần thoại. Người ta kinh nghiệm điều này khi Cộng sản Trung quốc xâm chiếm Tây Tạng, và điều này cũng đã xảy ra nhiều lần.
Việc thiền định bản thân là Vajrakilaya cũng là tsenma dze kyi phurba. Tất cả những phương diện này được bao hàm trong phurba trọng yếu tượng trưng.
PHURBA BỒ ĐỀ TÂM
Phurba thứ ba là jangchub sems kyi phurba, “phurba Bồ đề tâm,” là phurba có ba phương diện: ngoài, trong, và bí mật. Ở phương diện bên ngoài của nó, phurba Bồ đề tâm là lòng bi mẫn – nó là ý hướng đạt được trạng thái Vajrakilaya tuyệt đối vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.
Phurba Bồ đề tâm bên trong là phương diện coi chúng sinh bình đẳng với bạn, và hoán chuyển niềm vui và hạnh phúc của riêng bạn để nhận nỗi khổ của họ. Bạn hiến tặng cho người khác hạnh phúc của bạn và nhận vào mình tình cảnh khốn khổ hay khó chịu.
Phurba Bồ đề tâm bí mật sử dụng thân kim cương để đạt giác ngộ. Nhờ thấu hiểu cấu trúc sâu xa của thân, sự biểu lộ của những kinh mạch khác nhau, sự vận hành của các khí, và bản chất toàn khắp của yếu tố cốt tủy, và bằng cách áp dụng các kỹ thuật như được chỉ dẫn, bạn có thể khám phá giác tánh siêu việt không ngừng dứt. Chẳng hạn như, nhờ hiểu rõ bản tánh cốt tủy và sự vận hành của các yếu tố đỏ và trắng, và chúng là bộ phận của các ý niệm nhị nguyên ra sao, chúng có thể được hợp nhất với khí lực và được tan hòa trong kinh mạch trung ương. Thực hành phurba Bồ đề tâm bí mật cũng được gọi là thực hành tummo. Dù bạn có sử dụng những chuyển động thân thể với thiền định đó hay không, những ý niệm nhị nguyên được chuyển hóa trong kinh mạch trung ương trong đại lạc-tánh Không. Đây là phurba Bồ đề tâm bí mật.
PHURBA TRÍ TUỆ TỈNH GIÁC
Loại phurba thứ tư là rigpa yeshe phurba, “phurba trí tuệ tỉnh giác” hay “kilaya giác tánh siêu việt không ngừng dứt.” Đó là trạng thái cuối cùng. Bằng cách thực hành các phurba bi mẫn, hiện hữu trọng yếu, và Bồ đề tâm, mục đích cuối cùng là thể nhập trạng thái phurba tuyệt đối.
Phurba trí tuệ tỉnh giác là trí tuệ nguyên sơ của riêng ta. Giác tánh siêu việt hay trí tuệ nguyên sơ này thì rộng khắp và không có bất kỳ phạm trù, sự phân biệt hay áp đặt nào. Mọi ý niệm đó được chuyển hóa thành bản tánh rộng khắp của tâm chư Phật. Đạo sư Dzogchen lừng danh Shri Singha dạy rằng tâm của chúng sinh bị đập vỡ thành nhiều mảnh, nhưng tâm của chư Phật thì rộng khắp. Tâm thức của chúng ta bị đập vỡ; khi ta nhìn vào một hướng, ta thấy một vài việc, nhưng không nhìn thấy tất cả. Khi ta nghe, ta nghe thấy một vài âm thanh, nhưng không nghe thấy mọi âm thanh. Ta không có trí tuệ tỉnh giác viên mãn.
Phurba trí tuệ tỉnh giác vượt lên việc bám chấp vào sự hiện hữu và bám chấp vào sự không hiện hữu. Đạo sư Dzogchen lừng danh Garab Dorje nói rằng việc bám chấp vào những sự vật hiện hữu có phần ngu dại, nhưng bám chấp vào những sự vật không hiện hữu thì thực sự ngu dại. Trong thực tế, ngài so sánh rằng như thế thậm chí còn ngu hơn một con bò.
Trong trạng thái trí tuệ, mọi phương diện hay ý niệm nhị nguyên hoàn toàn bị tan biến, giống như những đám mây tan biến vào không trung. Một khi những ý niệm và sự bám chấp của ta hoàn toàn tan biến, khi đó, nhận thức nguyên sơ, tinh khôi được hiển lộ. Đó là rigpa yeshe phurba.
Trích “Linh Phù Màu Đỏ Sậm”, Những Giáo huấn Khẩu truyền về Thực hành Vajrakilaya, Khenchen Palden Sherab Rinpoche và Khenpo Tsewang Dongyal Rinpoche. (The Dark Red Amulet, Snow Lion Publications).