QUẢ BÁO CỦA VIỆC SÁT SINH
Trong mười ác hạnh, sát sinh và tà kiến tạo ra những kết quả tiêu cực nhất. Trong
Bài Luận Về Không Sát Sinh Và [Nỗ Lực] Phóng Sinh có đoạn:
Cuộc đời được xem là thứ quý báu nhất trên thế gian,
Trong khi đó sát sinh và làm tổn thương là ác độc nhất. Dựa trên các Kinh điển, Patrul Rinpoche chỉ ra rằng, “Nếu ai đó lấy đi một mạng sống, anh ta sẽ phải đền tội trong năm trăm đời”. Vì vậy, dù chúng sinh có kích thước lớn hay nhỏ, nếu một người làm cuộc đời của chúng sinh ấy kết thúc, anh ta phải trả lại nó bằng cuộc đời quý báu năm trăm lần. Vì vậy, với những người đã tích lũy nghiệp ghê gớm của việc sát sinh, xin hãy xem xét sự thật rằng các bạn cần phải trả lại món nợ này bằng chính cuộc đời bạn rất nhiều lần. Liệu bạn có còn muốn sát sinh? Trong
Kinh Đại Niệm Xứ (Maha-smrty-upasthana-sutra) có đoạn,
“Nếu một người giết hại hữu tình chúng sinh,
Anh ta sẽ ở trong địa ngục trong một trung kiếp”. Vì vậy, hãy suy nghĩ về bao nhiêu vạn năm có trong một trung kiếp? Khi nào mà người này có thể được giải phóng? Pháp Sư Lian’chi nói rằng,
“Một người phạm phải nghiệp ghê gớm như vậy,
Đã tạo ra sự hận thù sâu sắc kéo dài hàng vạn đời tái sinh.
Khi vô thường [cái chết] giáng xuống,
Anh ta sẽ đọa địa ngục,
Ở đó vạc sôi và lửa cháy,
Cây dao cạo và đồi đao kiếm chờ đợi,
Làm cạn kiện sức mạnh của ác nghiệp,
Anh ta sẽ tái sinh làm súc sinh.
Hận thù chồng chất hận thù,
Mạng đổi mạng,
Và cuối cùng khi anh ta sinh làm người,
Anh ta chịu bệnh tật và yểu mạng,
Chết vì nanh vuốt của rắn hay hổ,
Hoặc bị giết bởi vũ khí và chiến tranh,
Hoặc bị chính quyền kết án tử,
Hoặc chết vì nhiễm độc.
Tất cả đều là kết quả của sát sinh”. Giết hại bất cứ hữu tình chúng sinh nào cũng dẫn đến sự tái sinh sau khi chết giống với kiểu hữu tình chúng sinh mà chúng ta đã giết và trải nghiệm cùng kiểu khổ đau. Như
Kinh Thủ Lăng Nghiêm tuyên bố,
“Nếu một người giết cừu để ăn thịt, cừu sẽ tái sinh làm người và người đó, sau khi chết, sẽ sinh là cừu (để đền đáp lại món nợ nghiệp trước kia). Vì thế, chúng sinh của mười trạng thái, ăn thịt lẫn nhau và tạo ra ác nghiệp, điều sẽ không kết thúc… bởi những nguyên nhân như thế, chúng sinh sẽ phải sinh và tử trong hàng trăm nghìn kiếp”. Kinh Ngọc Báu Hỗn Hợp ghi lại câu chuyện sau đây: Ngày xưa, có một người đàn ông giàu có muốn ăn thịt cừu, nhưng sợ con trai phản đối. Vì thế, ông ấy nói dối và bảo rằng phong thủy của nhà rất tốt bởi sự bảo hộ của thần cây ngự trên cái cây trong nông trại, và vì vậy, họ phải thịt một con cừu để hiến tế cho vị thần này. Người con trai tin lời cha. Anh ta dựng một cái rạp nhỏ dưới cái cây và giết con cừu để dâng lên vị thần. Không lâu sau, người đàn ông giàu có này chết và, là nghiệp báo của sự thiếu chân thật và sát sinh, ông ấy rơi vào đọa xứ và sinh làm cừu. Năm sau, khi người con trai sắp giết một con cừu khác để hiến tế, anh ta chọn đúng con cừu mà thực sự là người cha tái sinh. Con cừu này kêu be be và phản kháng. Khi con cừu đang nằm trên đất, một vị A La Hán đi ngang qua cửa nhà họ và giải thích nguyên nhân nghiệp của đời trước. Ngài thị hiện sức mạnh cho người chủ nhà để anh ta có thể thấy cha mình đã sinh làm cừu. Lúc ấy, người con trai cảm thấy rất hối tiếc và phá hủy rạp thờ cúng vị thần. Từ đó trở về sau, anh ta bỏ mọi ác hạnh và thực hành thiện hạnh. Anh ta không bao giờ sát hại mạng sống của hữu tình chúng sinh khác và liên tục giải phóng sinh mạng, kính lễ Tam bảo và có sự xác quyết lớn lao với quy luật nghiệp.
Một câu chuyện khác được ghi chép lại trong Kinh điển như sau: Khi Tôn giả Mục Kiền Liên và Tỳ Kheo Palkye đang ở bờ biển, họ thấy một người đàn ông, bị bao phủ trong lửa dữ và cất tiếng than vãn. Với năng lực đặc biệt, Tôn giả Mục Kiền Liên quán sát nguyên nhân nghiệp – hóa ra người này từng là thợ săn trong đời trước và giết hại nhiều sinh mạng. Vì thế, khi ông ta còn sống lúc ấy, ông ta chịu nhiều năm tháng đau khổ và sau khi chết, ông ấy đọa vào địa ngục và thật khó để giải thoát.
Trong một Kinh điển khác có ghi lại câu chuyện sau: Lần nọ ở Saravati, Vua Tỳ Lưu Ly (Virudhaka) đem quân đến bộ tộc Thích Ca và giết hại tám mươi nghìn thành viên. Khi ấy, Phật Thích Ca Mâu Ni quán sát nguyên nhân nghiệp và thấy rằng đó là quả báo của bộ tộc Thích Ca khi họ là ngư dân và giết hại nhiều cá [trong các đời quá khứ]. Vua Tỳ Lưu Ly và thượng thư là hai con cá lớn tái sinh trở lại. Vì thế, mặc dù chúng ta không thể thấy điều đã xảy ra trong đời quá khứ và sẽ xảy ra trong tương lai bằng mắt thường, ác nghiệp của sự sát sinh vẫn theo ta liên tục. Khi nó chín muồi, kết quả sẽ tự hiển bày. Nếu chúng ta có sự thấu suốt, chúng ta chắc chắn sẽ cẩn thận trong việc dẫn dắt các hành động theo đúng quy luật nghiệp.
Như
Kinh Bách Nghiệp chỉ ra:
“Thậm chí nếu hàng trăm nghìn kiếp trôi qua,
Nghiệp mà người ta tạo ra sẽ không cạn kiệt.
Khi những điều kiện thích hợp hội tụ,
Người ta sẽ phải đối mặt với những kết quả”. Nhiều Kinh điển khác nhau và Luật Tạng ghi lại rằng, “Nghiệp của các hành động sẽ không cạn kiệt trong một trăm kiếp”. Trong tác phẩm
Kho Tàng Phẩm Tính Như Ý, Đức Jigme Lingpa (cũng được biết đến là Khyentse Ozer, Bi Trí Quang) viết rằng,
“Mặc dù bóng của Kim Sí Điểu bay lượn trên bầu trời,
Có thể tạm thời không thấy,
Nó không bao giờ tách rời khỏi thân và,
Sẽ xuất hiện khi các điều kiện thích hợp hội đủ”. Điều này nghĩa là, khi mà chim Kim Sí Điểu bay lượn trên bầu trời, mặc dù chúng ta không thể thấy bóng của nó, nó không có nghĩa là không có Kim Sí Điểu. Nếu chúng ta theo nó, khi con chim đậu xuống, chúng ta sẽ thấy bóng đen rõ ràng hơn. Tương tự, mặc dù tiềm năng xấu của việc sát sinh hay tiềm năng tốt của việc phóng sinh không hiển bày ngay lúc này, sức mạnh nghiệp của nó sẽ không cạn kiệt. Dưới những hoàn cảnh thích hợp, kết quả nghiệp sẽ xuất hiện.
Tất cả động vật trên thế gian đều muốn tiếp tục sống và sợ chết, cũng giống như con người. Như
Bình Giảng Về Kho Tàng Phẩm Tính Quý Giá nói,
“Khi Phật Thích Ca Mâu Ni là một vị vua, đoàn tùy tùng của Ngài làm lễ cầu mưa bởi vì hạn hán và đã giết hại động vật để làm vật hiến tế cho chư thần. Lúc ấy, một cảm giác bi mẫn khởi lên trong đức vua, vì thế, Ngài cố gắng ngăn cản họ, nói rằng, ‘Nam Thiệm Bộ Châu khổ đau vì hạn hán ghê gớm, và không vật hiến tế nào hữu hiệu, ngoại trừ hiến tế một nghìn thành viên trong đoàn tùy tùng của đức vua để cúng dường cầu mưa”.
Khi ấy, tất cả thần dân của Ngài cầu nguyện trong sợ hãi và dâng lên cúng phẩm mà không sát sinh. Sau đấy, đức vua nói rằng, “Các ông và động vật đều giống nhau bởi tất cả đều trân quý tính mạng”. Khi vài kẻ ngu dốt thấy những con bò hay vật nuôi khác kinh hãi phản khác và khiếp sợ cái chết không thể tránh khỏi, họ không những không bày tỏ bất cứ sự thương cảm hay bi mẫn nào, mà còn nổi trận lôi đình và còn phải tự mình giết các con vật. Những người như thế buộc phải đọa địa ngục khi chết.
Mỗi sinh vật nhỏ bé đều sở hữu cuộc đời, và cùng với nó, là khả năng cảm thấy đau đớn và hạnh phúc. Động vật cũng sợ hãi cái chết nhiều như con người. Vì vậy, chúng ta không nên sẵn lòng làm tổn thương chúng, hoặc nếu không, chúng ta sẽ buộc phải đối mặt với kết quả. Để minh họa điểm này bằng một ví dụ, có một người nông dân tên là Si Liu ở ngoại ô Dương Châu thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ông ấy thích trồng hoa và tỉa cành trong mảnh vườn của mình. Một ngày, khi ông ấy đang làm đất, ông tìm thấy một tổ kiến với rất nhiều kiến bên trong. Bởi tích cách cục súc và thói quen sát sinh, ông ấy lấy bình nước sôi từ trong nhà và rót thẳng vào tổ kiến. Kết quả là, vô số kiến bị chết bỏng. Một ngày tháng tám năm đó, ông ấy nằm mơ rằng, đột nhiên, vô số kiến bò khắp người mình. Sau khi tỉnh giấc, ông ấy thấy đầy những vết đỏ trên khắp các bắp thịt trên người. Hôm sau, các vết này biến thành vết phồng giộp màu đỏ, và ở mỗi vết giộp đó, có một con kiến đang cắn mạnh vào thịt của ông. Nỗi đau đớn là vô cùng. Sau nhiều ngày sợ hãi và than vãn, ông ấy qua đời. Đây chỉ là một trường hợp quả báo xảy đến trong cõi người, trong khi ngoài cõi người, khổ đau của ba cõi thấp hơn là vô cùng. Vì vậy, hãy suy nghĩ về quả báo lạ thường gây ra bởi việc phá hủy mạng sống.
Mỗi hữu tình chúng sinh trên thế gian đều yêu quý mạng sống của mình. Ngoại trừ những chúng sinh trong cõi địa ngục, không ai muốn chết. Ví dụ, nếu ai đó chuộc lại một người từ mũi súng bằng tiền hay các phương pháp khéo léo khác, người này không nghi ngờ gì sẽ là một người cứu mạng sống theo ý nghĩa chân thực. Người được cứu sẽ vô cùng biết ơn: Anh ta sẽ tràn ngập trong nhiều cảm xúc, những giọt nước mắt sẽ tuôn rơi và anh ta sẽ ghi nhớ điều này đến khi chấm dứt cuộc đời. Giống như vậy, nếu bạn cứu một con vật sắp bị giết, đó là một hành động của thiện hạnh tương tự, thậm chí dù đó là chỉ là một con cá nhỏ bé.
Theo A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, nếu một người phái người khác đi giết hại, hay hoan hỷ trước hành động giết hại của ai đó, thì hành động như vậy cũng được gọi là “nghiệp được tích lũy từ không-hành động”. Nghiệp xấu được tạo ra bởi hành động như vậy ngang bằng với nghiệp của người đã thực sự giết hại. Nếu người ta thỉnh thoảng giết hại trong giấc mơ hay vô tình dẫm lên sâu bọ, khiến nó chết, bởi không cố ý sát sinh, kết quả không nặng nề.
Trong
Bình Giảng Về Lời Cầu Nguyện Cực Lạc, Lala Sonam Chodrup Rinpoche nói rằng,
“Nếu người ta phạm phải sự sát sinh vì Tam Bảo, quả báo sẽ nặng nền hơn một trăm nghìn lần các vi phạm khác”. Nếu người ta cúng dường Tăng đoàn hay quyên tiền để xây dựng các tu viện hoặc đúc tượng bằng của cải tích lũy được từ sự sát sinh, không những không có công đức, mà họ còn tạo ra ác nghiệp cực kỳ nghiêm trọng. Theo các Kinh điển và
A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, cả người bán và người mua dao, súng, lưới đánh cá hay các công cụ sát sinh khác, sẽ tái sinh trong cõi địa ngục, và cho đến khi những công cụ này bị phá hủy, ác nghiệp của họ sẽ tăng lên mỗi ngày.
Theo bằng chứng kinh văn khác, nếu có một người trong gia đình tiến hành sự sát sinh một cách chuyên nghiệp, chẳng hạn săn bắn hay giết mổ, mỗi thành viên trong gia đình này phải đọa địa ngục một lần. Trong thung lũng, nếu có một người tiến hành sự sát sinh, cả thung lũng đều không cát tường. Hơn thế nữa, chúng ta cần tránh tham gia hay nói với những người dù vậy dù trong một phần của giây: Nếu họ viếng thăm nhà của người khác, họ sẽ mang theo nhiều điều kiện xấu. Nếu chúng ta mang theo những tài sản của họ trên mình, điều này sẽ làm giảm sức mạnh gia trì của Tam Bảo của những đối tượng được gia trì mà chúng ta đang mang theo. Chỉ chạm vào bóng của anh ta cũng gây ra nhiều phiền nhiễu và sự bất tường.
Vì thế, điều cần thiết là phải giữ giới không sát sinh. Thậm chí nếu bạn không thể từ bỏ sát sinh mãi mãi, bạn vẫn cần phát nguyện từ bỏ sát sinh trong một năm, một tháng hay thậm chí một ngày. Không sát sinh đem lại lợi lạc lớn lao. Ngày xưa, có một người đồ tể sống ở thành phố nơi Tôn giả Ca Chiên Diên cư ngụ và giữ giới không sát sinh vào ban đêm. Và sau đó, anh ta đọa vào Địa Ngục Cô Đơn, như là quả báo của việc sát sinh khi còn sống, anh ta chịu đau đớn trong căn phòng sắt nóng bỏng vào ban ngày, và ban đêm, bởi công đức của việc thọ trì giới luật, ông ấy sống trong cung điện linh thiêng được vây quanh bởi bốn thiên nữ và tận hưởng sự an bình và thoải mái.
Bởi chúng ta đều biết về lỗi lầm của việc sát sinh, chúng ta cần phát nguyện vững chắc trước Bậc Thầy và Tam Bảo – không bao giờ làm hại chúng sinh đang sống nào, dù phải đánh đổi tính mạng.
~ Ghi thay lời giới thiệu, trích đoạn từ "Mưa Cam Lồ - Công Đức Phóng Sinh”, Khenpo SodargyeViệt dịch: Pema Jyana Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_MUA-CAM-LO--CONG-DUC_cttgdmql_xem-PDF_tuequang.html