Sự Trói Buộc Dẫn Đến Ảo Giác
Trong thế kỷ thứ mười, Naropa là khoa trưởng tại đại học Na-lan-đà ở Bihar Ấn Độ. Một ngày nọ, Naropa nhận ra rằng phải vượt qua giới hạn của tư tưởng, nếu thật sự muốn thực hiện lời dạy của giáo pháp. Dù kiến thức của Naropa rất được khâm phục tại Bihar, nhưng ông đã từ bỏ ảo giác của kiến thức đơn thuần, Naropa lên đường đi kiếm một vị đạo sư.
Tại Bengal ông gặp Tilopa đang ngồi trên bờ một dòng sông. Tilopa là một tu sĩ sống hoang dã, ăn thức ăn dư thừa và các thứ cá sống mà ông có tài bắt tay không. Naropa nằm xá dài để biểu lộ lòng hâm mộ đối với Tilopa. Sau đó ông từ từ đến gần, xin Tilopa vài lời khai thị.
“Ngươi kiếm cái gì?”, Tilopa hỏi, đưa cặp mắt đầy gân máu nhìn chằm chằm.
“Tôi tìm kiếm sự tự tại và giác ngộ hoàn toàn”, nhà hiền triết đáp.
“Cái gì trói buộc ngươi, ngươi muốn thoát khỏi cái gì?”, Tilopa lầm bầm hỏi.
“Muốn thoát tất cả, bạch ngài”.
“Cái trói buộc ngươi không phải là cảnh vật ngoại giới, Naropa. Chính sự bám víu của ngươi buộc chặt ngươi. Hãy bỏ tất cả và trở thành tự do”.
Nghe xong, Naropa bỗng thức tỉnh và đại ngộ.
Vui mừng trước kết quả lời mình, Tilopa đọc bài kệ:
“Chỗ nào có trói buộc níu kéo
Chỗ đó còn khổ đau.
Chỗ nào còn yêu ghét,
Chỗ đó còn giới hạn.
Chỗ nào còn dự định và tư tưởng,
Chỗ đó tính nhị nguyên lên ngôi,
Vì mọi phân biệt chỉ sinh vô minh
Tất cả tư tưởng, kế hoạch và tìm cầu hiểu biết,
Đều chỉ là những trò chơi giả tạo.
Mọi tham cầu hay từ khước,
Chỉ làm ngươi trở thành nô lệ của chính ngươi.
Cái sáng rực vĩnh viễn không bị ô nhiễm,
Chính là tâm thức uyên nguyên,
Tâm thức đó sinh ra tư tưởng,
Rồi thu nhận nó vào lại, xem như không có gì xảy ra cả.
Vì vậy, tốt nhất hãy yên nghỉ trên điều không hề biến hoại.
Nơi bất sinh bất diệt và hoàn toàn diệu dụng”.
Naropa còn phải trải qua mười hai lần thử thách và thuần thục một số phép tu rồi một buổi sáng nọ, Tilopa thình lình nhảy lén từ sau lưng lại, lấy giày đánh vào mặt Naropa. Cơ sửng sốt bất ngờ này đánh thức Naropa vốn đang mệt mỏi, bỗng nhiên hốt ngộ chân như tuyệt đối và tiếp nhận phép Đại Ấn quyết Mahamudra, là phép ấn quyết đưa hành giả trở vế với tự tính. Với phép này, Naropa đã trở thành truyền nhân của Tilopa và về sau được may mắn có một truyền nhân xứng đáng là Marpa, nhà dịch thuật, rồi vị này lại truyền cho con người hoan lạc Milarepa.
Dòng truyền nhân liên tục từ đời này qua đời khác đến ngày nay vẫn còn. Dù chúng ta không biết đến họ, phải biết đó là một sự may mắn cho hậu thế.
~ Trích “Sư tử tuyết bờm xanh”, Surya Das, Nguyễn Tường Bách chuyển ngữ.