Hãy luôn nhớ bậc Thầy phải được coi như lý Trung đạo
Câu hỏi: Hầu hết những người thực hành tâm linh đều có sự chấp thủ với các bậc Thầy. Ngài có thể chỉ dạy về vấn đề đó theo một cách tích cực không?
Trả lời: Đó là một câu hỏi khó, một câu hỏi phức tạp nhất (cười)! Tôi sẽ cố gắng tìm một câu trả lời đơn giản. Thành thực mà nói, tôi không có chấp thủ với các bậc Thượng sư của mình. Đó là sự thật và cũng là lý do tại sao tôi không hiểu được tại sao các học trò của mình lại có sự chấp thủ với tôi lớn đến vậy. Trên thực tế, tôi không trải nghiệm theo cách đó. Khi tôi gặp bậc Thầy, ngay lập tức bậc Thầy chuyển hóa thành Đại thủ ấn (Mahamudra), Đại toàn thiện (Dzogchen) và Trung đạo (Madyamika). Vậy, không có điều gì có thể khiến tôi chấp thủ. Bởi vậy, thật khó hiểu tại sao và bằng cách nào mọi người lại chấp thủ. Tôi chỉ có thể đoán được lý do những người thực hành khác lại chấp thủ là bởi vì có thể đối với họ, bậc Thầy giống như một người bạn đồng hành. Đồng thời cũng có bậc Thầy được coi là người làm tất cả mọi điều để hoàn thành tâm nguyện của những người khác. Thật tội nghiệp! Bậc Thầy phải làm tất cả mọi điều theo ý bạn, phải trở thành người cha, người bạn, đồng nghiệp..., mọi thứ!
Thuật ngữ “Guru” có nghĩa là một người gánh nhiều trách nhiệm nặng nề trên vai. Tôi nghĩ điều này là sự thật; bậc Thầy có rất nhiều thứ phải đảm trách. Giờ phút được hạnh ngộ hay lân mẫn Ngài, bạn không nên coi Ngài như một con người thế tục, mà cần thấy Ngài là Trung đạo, là Đại toàn thiện. Khoảnh khắc mà bạn thấy hình ảnh con người phàm tục của bậc Thầy, đó là lúc bạn chấp thủ - không phải nói thêm gì nữa. Đó chính là chấp thủ và tôi nói rằng đó không phải cách hoàn toàn phù hợp để tiếp cận với bậc Thầy. Đó là lý do tại sao trong Mật thừa hay Kim Cương thừa chúng ta luôn nói rằng bậc Thầy cần được coi là Đức Phật Kim Cương Trì, Đức Phật A Di Đà hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Có rất nhiều cách để diễn đạt vấn đề này. Điều này thực sự có nghĩa là bậc Thầy cần được coi như lý Trung đạo hay Đại toàn thiện. Tuy nhiên, với chúng ta sẽ rất khó để ngay lúc này có thể hiểu được lý Trung đạo, Đại toàn thiện hay Đại thủ ấn là gì. Vậy, tạm thời các bạn sẽ được giới thiệu để nhìn được bậc Thầy là Đức Phật Kim Cương Trì. Điều này không có nghĩa là bậc Thầy phải có da màu xanh như hình tướng của Đức Phật, với một chiếc vương miện, cầm trong tay những vật lạ. Tôi không tin các bậc Thầy có màu xanh da trời, màu trắng hay màu đỏ (giống như Đức Phật A Di Đà). Tôi không biết là tại sao chúng ta lại thích bậc Thầy có da màu đỏ hoặc màu xanh, nhưng đó là phương tiện thiện xảo để dẫn bạn đến với Đại thủ ấn, đến ý tưởng rằng bậc Thầy là Đại thủ ấn. Đó là cách đúng đắn để tiếp cận bậc Thầy. Vậy bạn hãy luôn nhớ đừng bao giờ coi bậc Thầy là một con người. Dĩ nhiên, hiện tại thì chúng ta chưa ý thức ngay được điều đó, vì vậy, chúng ta vật lộn với suy nghĩ, nghi ngờ và nhầm lẫn rằng bậc Thầy là một người thế tục, vẫn chấp vào việc Ngài mang hình tướng loài người.
Nếu bạn đã trải qua điều đó, thì trên đây là vài lời khuyên: bậc Thầy có hình tướng của con người nhưng thực sự chỉ vì mục đích giúp bạn giác ngộ.
~ Trích "Tâm Linh Không Tôn Giáo", Gyalwang Drukpa Nguồn ảnh: FB Khanh Phan