Huyên Thuyên Là Một Nguồn Mạch Của Những Lỗi Lầm 1
Khenchen Konchog Gyaltshen
Huyên thuyên không dứt là một nguồn mạch của những lỗi lầmvà bị người khác xem thường, nhưng nếu hoàn toàn im lặng, ta không thể vạch ra con đường.Vì thế, điều quan trọng là biết khi nào cần nói.(Bhande Dharmaradza) KHI NÓI, ta nên có một vài đề tài trong tâm. Nếu không, ta không có lý do gì để nói. Sự huyên thuyên không ngừng nghỉ cho thấy có nhiều điều tiếp diễn trong tâm ta đến nỗi không đủ chỗ để chứa tất cả những điều đó. Trong hoàn cảnh này, ta không có sự an bình hay yên ả, đừng nói gì đến hỉ lạc. Trong tâm của một người như thế không có phẩm tính của sự thiền định.
Cuộc trò chuyện huyên thuyên bao gồm rất nhiều đề tài vô ích. Điều này mang lại sự dính mắc và oán giận và khiến tâm không được nghỉ ngơi, thanh thản. Sự trò chuyện này thường tạo nên những câu chuyện về lỗi lầm của người khác. Khi ta nói về những người khác, ta bị coi là người không đáng tin cậy. Không ai thích những người có thói quen nói huyên thuyên này, và tránh sự hiện diện của họ. Hiện nay, những người dấn mình vào sự chuyện trò luôn miệng này không chỉ làm lãng phí thời gian và năng lực mà còn tạo nên cả chồng hóa đơn điện thoại. Theo cách này, ta lãng phí thời gian cần thiết. Trái lại, những đại hành giả tìm vào núi non và nhập thất nhiều năm ở đó. Thay vì nói luôn miệng, các ngài suy niệm ý nghĩa của Giáo pháp cao quý và an định tâm mình. Các ngài phát triển lòng bi mẫn, sử dụng thời giờ và những tiêu khiển ngắn ngủi của mình để đạt được giác ngộ.
Trái lại, nếu ta hoàn toàn không nói năng, sẽ không có sự liên lạc, và người ta sẽ không hiểu được những gì ta đang nghĩ. Không có sự trò chuyện, bàn cãi, và đàm luận tối thiểu, ta không thể truyền đạt một cách rõ ràng. Ta cần giải thích những kinh nghiệm bằng một cách thức rõ ràng và chính xác khiến người khác hiểu được vấn đề mà ta cần nói. Ta nên sử dụng trí tuệ của mình để làm cho các sự việc trở nên rõ ràng, và sau đó sử dụng thời gian còn lại để nghiên cứu và thực hành Giáo pháp cao quý. Lời khuyên này được đưa ra để giúp ta trở thành những con người tốt hơn, những người có sự an bình lớn lao và tâm thức minh mẫn hơn.
Chú thích: 1 Tên tiêu đề do BBT đặt để tiện cho bạn đọc theo dõi.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp” Phúc Hạnh An trích dẫn.