Hãy Suy Xét Trước Khi Bạn Hành Động
Khenchen Konchog Gyaltshen
Khi nói hay làm bất kỳ điều gì khởi lên trong tâm,
nhà kho của mọi ác hạnh.
Hãy suy xét trước khi bạn hành động.
Cho đến khi bạn đạt được kết quả của những gì bạn làm,
điều quan trọng là hãy tiếp tục.(Bhande Dharmaradza) ĐỪNG NÓI HAY LÀM bất kỳ điều gì khởi lên trong tâm. Hầu hết những gì khởi lên trong tâm ta là những tư tưởng tiêu cực có liên quan đến sự tự phụ, ganh tỵ, thù ghét và tham luyến. Không có quá nhiều tư tưởng tích cực. Các tư tưởng tiêu cực sinh khởi mà không cần dụng công, giống như một dòng suối trôi chảy, bởi ta đã quá quen với kiểu mẫu đó. Những tư tưởng tốt lành thì hiếm có hơn bởi chúng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và chánh niệm. Vì thế khi các tư tưởng sinh khởi, hãy khảo sát chúng. Hãy suy xét chúng thật cẩn trọng trước khi bạn nói hay làm điều gì. Hãy nhìn vào động lực của bạn. Nếu các tư tưởng của bạn tiêu cực, hãy tịnh hóa chúng và thực hiện những thực hành khác. Khi một tư tưởng bất thiện mạnh mẽ sinh khởi, nó có khuynh hướng xô đẩy bạn vào hành động. Như thế, sau một thời gian, bạn trải nghiệm sự hối tiếc. Vì thế, tốt nhất là hãy chờ đợi. Nói thế không có nghĩa là ta nên đè nén sự giận dữ của ta. Đúng hơn, đây là cách thức để thực hành và nhận ra những giới hạn của ta, một phương cách để tịnh hóa tư tưởng và phát triển những phẩm tính tốt lành.
Dù bạn làm điều gì, hoạt động đầu tiên là nhìn vào tâm bạn. Hãy thở một hơi dài trong ít giây. Đó là sự chánh niệm. Khi điện thoại reo, hãy để nó reo ba lần. Với tiếng reo đầu tiên, hãy phát triển tư tưởng cao quý và nghĩ: “Đây là một dấu hiệu của sự vô thường.” Hãy để tâm ngơi nghỉ trong lần reo thứ hai. Sau lần reo thứ ba, hãy cầm điện thoại lên và nói: “Xin chào.” Khi bạn lái xe, có thể bạn có khuynh hướng hơi vội vã. Thay vào đó, hãy bước vào xe và giữ một hơi thở sâu. Nhìn vào tâm bạn và lái xe với những tư tưởng an bình. Theo cách này, mọi sự đều có thể trở thành một thực hành thiền định.
Ta có nhiều phương pháp và thực hành. Đó là những phương pháp giúp các tư tưởng bất thiện không sinh khởi. Như thế, nếu chúng sinh khởi, đó là một phương pháp để tịnh hóa hay chuyển hóa chúng mà không cần đè nén. Đè nén sự giận dữ thì không tốt. Thay vào đó, hãy nhìn vào bộ mặt sự giận dữ của bạn. Nó làm được điều gì tốt đẹp cho bạn? Nó làm được điều gì tốt lành cho người khác? Hãy suy xét cho đến khi bạn nhận ra chân tánh của sự giận dữ. Cho dù bạn có lý do đúng đắn để giận dữ, việc làm theo sự giận dữ đó vẫn mang lại đau khổ cho bạn. Có câu tục ngữ rằng: “Bạn muốn đúng hay muốn hạnh phúc?” Nếu bạn bám chặt vào các lý do để giận dữ, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Cho dù bạn có lý lẽ để bào chữa cho sự giận dữ của bạn, hãy tịnh hóa giận dữ; đó là cách thức tốt đẹp nhất.
Thường thì ta bắt đầu một kế hoạch và sau đó từ bỏ nó. Ta bắt đầu một kế hoạch khác và sau đó từ bỏ nó. Theo cách này, ta chẳng mang lại điều gì cho bản thân, và ta chẳng có gì để biểu thị cho người khác Một khi ta suy xét và quyết định rằng việc gì đó là điều đáng làm - nó nhất định có ích cho ta và cho người khác - ta nên theo đuổi nó cho đến khi được hoàn tất. Đây là dấu hiệu của một người cao quý, một dấu hiệu của sức mạnh. Mọi người sẽ tin tưởng một người như thế.
Nếu bạn không thể hoàn thành điều gì đó thì tốt hơn là bạn đừng nhận làm nó. Nếu do sự kiêu ngạo, bạn nói rằng bạn sẽ làm điều gì đó, mọi người sẽ tin cậy vào bạn. Nhưng nếu bạn không thể thực sự hoàn tất nó, mọi người sẽ mất lòng tin. Một khi bạn đã cam kết, khi bạn nhận trách nhiệm làm điều gì đó, thì bạn nên làm dù điều gì xảy ra. Nếu bạn không thể làm điều đó, hãy nói như thế. Đây là điều mà tác giả đang nói đến. Đôi khi người ta nghĩ rằng tất cả những chi tiết này có phần tẻ nhạt, nhưng chúng rất, rất quan trọng. Đây là cách ta củng cố việc thực hành Pháp của ta - với những chi tiết. Ngay cả trong quan điểm tối thượng của Đại Ấn và Đại Viên mãn, ta cũng cần hiểu rõ những chi tiết này. Đại Ấn không tách lìa chúng. Như Tâm Kinh có nói: “Không là sắc, sắc cũng là không. Sắc không khác không, và không cũng không khác sắc.” Ngoài những giáo lý này, ta không thể tìm ra một quan điểm cao siêu và tôn quý hơn. Khi ta có những sự hiểu biết cặn kẽ này, đặc biệt là về việc duy trì giới luật của ta, sự chứng ngộ của ta về Đại Ấn sẽ vô cùng hữu hiệu.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp” Phúc Hạnh An trích dẫn.