Bạn có muốn giác ngộ?
Nếu thiếu Trí tuệ Bát nhã, dù thực hiện nhiều thiện hạnh lớn lao như quyên góp hàng triệu đô la cứu trợ, hay xây dựng nhiều chùa chiền, đường xá lợi ích chúng sinh, bạn vẫn thiếu đi điều cơ bản nhất. Bạn có thể tiêu tốn nhiều tiền, mất nhiều thời gian mà không mong chờ báo đáp, tự nguyện cho đi bởi thiện tâm, nhưng câu hỏi cuối cùng vẫn là: Bạn có muốn chứng đạt giác ngộ hay không? Nếu có, những việc bạn làm vẫn chưa đủ. Bạn cần trưởng dưỡng Trí tuệ Bát nhã, vẫn cần có hiểu biết sâu sắc hơn, hoặc ít nhất bạn cần có hiểu biết nhất định đi đôi với thực hành.
Điều này vừa đơn giản vừa khó khăn, vì chúng ta thường có khuynh hướng mạnh mẽ và si ám coi vạn pháp là bền chắc, cố hữu như chúng hiện tướng bên ngoài. Thực tế, không có gì tồn tại một cách chắc thật cố hữu. Chúng ta vốn có tập khí mạnh mẽ cho rằng vạn pháp đều tồn tại như dáng vẻ bề ngoài và điều này gây trở ngại trong việc áp dụng Trí tuệ Bát nhã vào các phương tiện thực hành. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân khiến chúng ta mãi quanh quẩn trong luân hồi, cố vẫy vùng và chịu khổ vô ích.
Do bản thân đã dành nhiều năm thực hành thiền quán về trí tuệ tính không, tôi không cho rằng điều này dễ thực hiện, song ít nhất bạn cần hiểu một điều đơn giản: Vạn pháp không tự thân tồn tại một cách bền vững. Một khi đã hiểu được như vậy, bất kể làm gì, chúng ta cũng đều an trụ trong thiền định, trong sự hiểu biết bản chất không thật của tồn tại. Nói cách khác, chúng ta sẽ thực hành loại bỏ những bám chấp, vô minh vốn chi phối mọi hành động suy nghĩ của chúng ta.
Hiện thời, khi bố thí thức ăn cho người ăn xin, chúng ta nhận thức sự việc tồn tại một cách cố hữu. Chúng ta thấy mình là người bố thí và người ăn xin nhận bố thí. Khi làm việc, chúng ta thấy sự tồn tại của công việc mình đang làm. Đối với chúng ta, tất cả mọi thứ đều tồn tại. Đó là sai lầm. Thực tế, trái với nhận thức của chúng ta, vạn pháp đều không tồn tại như ta vẫn tưởng.
Sai lầm này không phải chuyện đùa, đó là sự thiếu hiểu biết vô cùng, giống như một tấm màn tăm tối ngăn cản chúng ta chứng đạt giác ngộ và đó cũng là chướng ngại lớn nhất. Chính vì thế, Trí tuệ Bát nhã có vai trò then chốt, dù lúc này chúng ta chỉ là những hành giả sơ cơ và cảm thấy rất khó thực hành trí tuệ Bát nhã. Tuy nhiên, chúng ta bắt buộc phải tiếp cận và làm quen dần với trí tuệ này.
Không thể giác ngộ nếu thiếu Trí tuệ Bát nhã
Lấy ví dụ, thoạt tiên bạn biết tên và nhìn thấy ảnh một người, sau đó bạn mới gặp ông ấy, nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta cần gần gũi, thân thiết nhiều hơn cho tới khi biết rõ về ông ấy: Họ tên đầy đủ, tính cách, gia phả, nơi sinh, tuổi, chiều cao, cân nặng, v.v… Cũng như vậy, đôi chút trải nghiệm về Trí tuệ Bát nhã chưa phải là điểm cuối con đường. Con đường vẫn còn dài, cho tới khi bạn có được hiểu biết trực diện và toàn hảo về Trí tuệ này.
Theo quan kiến Bồ Tát hay Bồ Tát Hạnh, điều chính yếu chúng ta tìm kiếm trong mọi sự thực hành, dù là bố thí, trì giới hay các Ba La Mật khác, chính là Trí tuệ Bát nhã, là giác ngộ. Tôi không rõ động cơ của bạn có giống vậy không, nhưng thực tế điều chúng ta cần là như vậy. Ngày nay, thật không may, rất ít người biết đến hoặc quan tâm tới giác ngộ. Đa số mọi người chỉ muốn tích lũy công đức, tịnh hóa nghiệp chướng, tìm kiếm sự bình an, niềm hỷ lạc, v.v… và họ thực hành các phương pháp như bố thí, cúng dàng, trì tụng chân ngôn, nghi quỹ, luyện tập yoga, thiền định, v.v… cũng với các mục tiêu này. Có thể tôi nhầm, song tôi vẫn cảm thấy đa số mọi người đều như vậy. Dù bạn có giống với một hành giả tinh tấn hay không, có phải người tốt hay không, thì điều bạn muốn vẫn là sự thoải mái, thanh thản trong tâm, một đời sống an lạc, hài hòa. Tóm lại, đó là một điều rất bình thường.
Và như thế, bạn không quan tâm tới đời sau, không tìm cầu giác ngộ, vì chẳng ai biết giác ngộ là gì. Chưa kể, nhiều người còn hiểu hoàn toàn sai lệch về giác ngộ. Có những người suy nghĩ về giác ngộ theo cách rất lạ lùng. Họ cho rằng đạt giác ngộ giống như trở thành một củ khoai tây: Khi đã giác ngộ, bạn sẽ ù lỳ, không thể cử động, không thể ăn, không cười, chẳng thể làm gì nữa. Cứ như vậy, họ nghĩ giác ngộ chẳng có gì thú vị!
Khi bạn chỉ quan tâm tới đời này, với mong cầu được bình yên và hỷ lạc, có sức khỏe tốt, tinh thần hạnh phúc và chẳng muốn gì khác nữa. Cách nghĩ này vô cùng thiển cận. Bạn nên nghĩ về vô số đời sau và khả năng giác ngộ, khi đó tự nhiên bạn sẽ quan tâm tới Trí tuệ Bát Nhã, tới tính không hay tự tính của vạn pháp. Bản chất thật của tách trà này, của cái bàn này và ngôi nhà này là gì? Chính những câu hỏi này phải thu hút mối quan tâm của bạn. Hiện tại, bạn chẳng quan tâm những điều đó, vì bạn không tìm cầu giác ngộ. Bạn đang dùng sai Pháp của Đức Phật khi chỉ thực hành Pháp vì mục tiêu an lạc cho đời này. Thật đáng buồn vì đây là thái độ phổ biến của nhiều người.
Trích “Sức mạnh tình yêu thương”, Gyalwang Drukpa
Nguồn: www.drukpavietnam.org