Hãy Trì Giữ Giới Luật như Bạn Giữ Gìn Đôi Mắt
Khenchen Konchog Gyaltshen
Cội gốc của Phật giáo là giới hạnh Vinaya. Không có nó, cho dù bạn được gọi là một hành giả, bạn vẫn là một con người sinh tử.Vì thế, hãy trì giữ giới luật như bạn giữ gìn đôi mắt. (Bhande Dharmaradza) VIỆC NGHIÊN CỨU và thực hành Pháp đòi hỏi một tâm thức minh mẫn. Giới luật là nền móng tạo nên một con người tốt lành và đúng đắn. Không có nền móng giới luật, cuộc đời ta hoàn toàn là một sự hỗn loạn và lầm lạc, vì thế trước hết Đức Phật đã giảng dạy Vinaya (Luật). Về mặt nền tảng,
Vinaya thuộc hệ thống tu viện, nhưng nó bao gồm những giới hạnh cho cả bốn tập hội hành giả:
*
bhikshu (tăng, Tỳ khưu)
*
bhishuni (ni, Tỳ khưu ni)
*
upasaka (nam cư sĩ)
*
upasika (nữ cư sĩ)
Trong bốn tập hội này, hai tập hội đầu tạo thành cộng đồng tu viện hay thọ giới xuất gia, và hai tập hội sau được gọi là các gia chủ (cư sĩ).
Tu tập giới hạnh cho cư sĩ là năm giới luật:
* không sát sinh, đặc biệt là sinh mạng của con người
* không trộm cắp của người khác
* không nói dối, đặc biệt là những lời nói dối thuộc về tâm linh
* không tà dâm
* không dùng các chất gây say như rượu hay ma túy
Những người là cư sĩ phải trì giữ những giới luật này. Các hành giả
brahmacharya giữ năm giới, kể cả giới độc thân. Ngoài năm giới này, các
gomigenyen giữ giới không ăn chiều, không sử dụng ghế cao hay đắt tiền, và không sử dụng các món trang sức hay nước hoa. Thậm chí các tăng và ni phải tuân giữ giới luật nhiều hơn nữa. Năm giới luật căn bản này được giảng dạy để tạo lập một môi trường an bình và trong trẻo trong tâm thức. Từ một tâm thái như thế, ta có một cơ hội to lớn để thành công trong việc thực hành Pháp. Đôi khi người ta có một cảm nhận không tốt về việc thọ các giới nguyện, cho rằng đó là một cái bẫy hay một nhà tù. Hoàn toàn không phải thế. Các giới luật lập ra giới hạn giữa việc gây thêm đau khổ và việc tạo thêm an bình, hỉ lạc và hài hòa.
Những giới luật này không chỉ dành cho những người theo Phật giáo. Hãy tưởng tượng nếu mọi người đều giữ năm giới luật này! Mọi sự sẽ hài hòa và an bình biết bao! Các giới luật tạo thành phương pháp trọng yếu để trở thành một con người tốt hơn với ít mê lầm và nhiều trí tuệ và lòng bi mẫn hơn. Các giới luật là nền móng, điểm khởi đầu cho mọi cấp độ thực hành Giáo pháp và cho việc tạo lập một môi trường hòa bình trong thế giới nói chung. Nhờ giới luật, cuối cùng ta có thể tịnh hóa mọi che chướng và viên mãn mọi phẩm tính tuyệt hảo.
Dù bạn là một vị tăng, ni hay cư sĩ, trừ phi bạn trì giữ đúng đắn các giới nguyện này, bạn vẫn là một
con người sinh tử lầm lạc và không phải là một hành giả thành công. Bạn có thể có một nối kết đối với giác ngộ qua một vài khóa thiền định, nhưng bạn không thể trông đợi thật nhiều kết quả chỉ từ điều đó. Giới hạnh là một thực hành chân chính mà ta thực hiện hai mươi bốn giờ một ngày. Vì thế,
cội gốc của Phật giáo là giới hạnh Vinaya.Tất cả chúng ta, đặc biệt là những người đã thọ giới xuất gia, phải bảo vệ các giới hạnh của mình vô cùng cẩn trọng. Đôi mắt là bộ phận vô cùng nhạy cảm trong thân thể ta. Nếu có ai đánh vào đầu bạn, bạn vẫn nhắm mắt lại. Vì thế,
hãy trì giữ giới luật của bạn như bạn giữ gìn đôi mắt. Điều này không chỉ nói đến giới luật của thân thể mà cũng nói đến giới luật của tâm. Khi ta bảo vệ giới luật của tâm ta, giới luật của thân sẽ theo sau, và giới luật của ngữ (lời nói) sẽ theo sau nữa. Nếu giới luật của tâm không được củng cố vững chắc thì việc chỉ siết chặt giới luật của thân và ngữ sẽ không đầy đủ. Ta không thể bỏ qua giới luật của thân, nhưng ta nên quan tâm đến giới luật của tâm nhiều hơn nữa để thân, ngữ và tâm cùng được trang bị đầy đủ cùng với thực hành giới hạnh Vinaya.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp” Phúc Hạnh An trích dẫn.