CHƯƠNG 1: NGUYÊN LÝ DUYÊN KHỞI
Nhìn chung, dường như ta có thể nói rằng, mặc dù có nhiều cách diễn giải [khác nhau] về nguyên lý duyên khởi, nhưng đây vẫn là quan điểm chung của [tất cả] các hệ thống giáo lý trong đạo Phật. Trong tiếng Sanskrit, thuật ngữ dùng để chỉ nguyên lý duyên khởi là pratītya samutpāda. Chữ pratītya có 3 nghĩa khác nhau: “gặp gỡ”, “nương dựa vào”, và “phụ thuộc vào”. Cả 3 nghĩa ấy đều có phần hàm nghĩa chung gần gần như là “sự phụ thuộc”. Chữ samutpāda có nghĩa là “sinh khởi”. Như vậy, ý nghĩa [của nguyên cụm từ này] là “sinh khởi phụ thuộc vào các điều kiện”. Khi sự sinh khởi phụ thuộc vào các yếu tố được giải thích ở cấp độ vi tế thì sự nhận hiểu về nó cũng liên quan đến việc nhận hiểu về sự tồn tại dựa vào tự tính sẵn có. Để có thể suy nghiệm về việc một sự vật nào đó là trống không bởi nó là một sự sinh khởi phụ thuộc, thì ta buộc phải hiểu được về “sự vật” đó, tức là về cái đối tượng mà ta đang suy ngẫm. Như vậy, điều cần thiết là phải xác định được đối tượng, nghĩa là phải xác định được các pháp, vốn [là nhân tố] tạo ra sự vui thích hay đau đớn, hoặc gây hại hay giúp ích v.v...
Để hiểu được rằng một pháp là trống không bởi nó là một sự sinh khởi phụ thuộc, bởi nó được gán ghép tên gọi một cách phụ thuộc, thì trước đó ta nhất thiết phải thấu hiểu rõ ràng về sự hiện hành của nhân quả. Nếu trước tiên ta chưa hiểu được việc những nhân tố nhất định [có thể] giúp ích hoặc gây hại [cho ta] theo những cách nhất định như thế nào, thì sẽ cực kỳ khó khăn để [có thể] hiểu được bất kỳ điều gì về việc một hiện tượng không hề có sự tồn tại dựa vào tự tính bởi nó là một sự sinh khởi phụ thuộc. Vì thế mà đức Phật, Đấng Chiến Thắng Tối Thượng, đã thuyết giảng về sự hiện hành của duyên khởi trong mối quan hệ với nhân quả nghiệp lực giữa tiến trình đời sống và sự lưu chuyển luân hồi, thông qua đó để dẫn đến một tri kiến vĩ đại về tự thân tiến trình nhân quả. Từ đó mà có một cách trình bày về tiến trình duyên khởi được gọi là 12 mắt xích nhân duyên.
Cấp độ thứ hai của [ý nghĩa] duyên khởi là sự sinh khởi của các pháp phụ thuộc vào những phần hợp thành chính nó. Điều này hàm nghĩa là, không một pháp nào mà không được hợp thành từ những phần của chính nó, nên tất cả các pháp, [mỗi pháp] đều hiện hữu trong sự phụ thuộc vào việc gán ghép tên gọi chung, hay sự định danh, cho [tất cả] những phần đã hợp thành pháp ấy.
Còn một cấp độ thứ ba của [ý nghĩa] duyên khởi, thậm chí sâu xa hơn nữa, được phát sinh từ một thực tế là, khi truy tìm nền tảng căn bản nhất của các đối tượng để định danh, thì một nền tảng căn bản để định danh như thế không thể tìm thấy, và do đó mà các pháp chỉ sinh khởi trong ý nghĩa được gán ghép định danh một cách phụ thuộc.
Cấp độ đầu tiên của [ý nghĩa] duyên khởi là sự sinh khởi của các pháp phụ thuộc vào nhân duyên, vì thế ý nghĩa này chỉ đúng với các pháp hữu vi, nghĩa là do tạo tác mà thành. Hai cấp độ [ý nghĩa] còn lại áp dụng cho tất cả các pháp thường và vô thường, tạo tác và phi tạo tác.
Đức Phật đã thuyết giảng về duyên khởi từ một tầm nhìn rất bao quát, được ghi lại chi tiết trong kinh Đạo can. Ngài dạy: “Do cái này có nên cái kia có; do cái này sinh nên cái kia sinh. Như vậy có nghĩa là: do nhân duyên là vô minh nên có hành; do nhân duyên là hành nên có thức...” Và cứ như vậy mà có 12 nhân duyên.
Khi đức Phật dạy: “Do cái này có nên cái kia có” , ngài chỉ rõ rằng tất cả các pháp trong luân hồi không sinh khởi do năng lực kiểm soát của một thượng đế vĩnh hằng là người dùng ý nghĩ để sáng tạo cái này hay cái kia; thay vì vậy, tất cả các pháp sinh khởi là do những điều kiện nhân duyên cụ thể. Và khi đức Phật dạy: “Do cái này sinh nên cái kia sinh”, ngài chỉ rõ rằng các pháp vốn sinh khởi từ những nhân duyên vốn tự chúng là vô thường, vốn không phải sinh khởi từ một “nguyên lý phổ quát” hay “tự nhiên”, hay một loại nhân tố vật chất thường hằng (prakriti), theo như đề xuất trong hệ phái Số luận (Samkhya). Và theo một cách biểu đạt thứ ba nữa, ngài dạy rằng: “Do một duyên thế này hoặc thế kia mà một tiềm năng [tương ứng] được khởi sinh.” Câu này chỉ ra rằng, mỗi một pháp trong các pháp thế gian không phải được tạo tác từ bất kỳ các nhân duyên vô thường nào, mà chỉ được tạo tác từ những nhân duyên cụ thể vốn sẵn có tiềm năng có thể làm khởi sinh pháp ấy.
Như vậy, trong ý nghĩa duyên khởi của khổ đau, về cách thức mà khổ đau được tạo thành, đức Phật chỉ rõ rằng: khổ đau có nguyên nhân căn bản là vô minh, hay si mê. Đây là một nguyên nhân không thường tồn và là một nguyên nhân cụ thể. Vô minh như thế sẽ dẫn đến hành động [cụ thể] (hành), và hành động ấy để lại trong tâm thức những chủng tử mang tiềm năng sinh khởi [các pháp tương ứng] v.v... mà kết quả cuối cùng là dẫn đến già và chết (lão tử).
Bàn về 12 chi của duyên khởi, về căn bản có 2 cách giảng giải khác nhau, một là trong ý nghĩa các pháp chìm đắm hoàn toàn trong phiền não (hữu lậu), và hai là trong ý nghĩa các pháp thanh tịnh (vô lậu).
Cũng giống như trong thuyết giảng căn bản của đức Phật là Tứ diệu đế, có 2 nhóm nhân quả: nhóm nhân quả hữu lậu và nhóm nhân quả vô lậu. Tương tự, ở đây với 12 chi của duyên khởi, trong mỗi cách giảng giải đều có một tiến trình quả và một tiến trình nhân. Xét theo Tứ diệu đế thì Khổ đế (chân lý thứ nhất) là quả trong phạm trù các pháp hữu lậu, và nhân là chân lý thứ hai, Tập đế. Trong phạm trù các pháp vô lậu thì Diệt đế (chân lý thứ ba) là quả, và Đạo đế là nhân đưa đến quả ấy.
Khi giải thích rằng do duyên là vô minh sinh ra hành, thì đây là tiến trình sinh khởi của khổ đau; khi giải thích rằng do dứt trừ vô minh mà hành được chấm dứt, thì đây là tiến trình chấm dứt khổ đau. Mỗi một [mắt xích trong 12] nhân duyên này đều được giải thích theo cả tiến trình đi tới (sinh khởi) và tiến trình quay ngược lại (diệt đi). Khi giải thích rằng do hành sinh ra thức, do thức sinh ra danh sắc, do duyên là danh sắc sinh ra lục xứ... cứ tiếp tục như thế cho đến già và chết (lão tử), thì đó là cách giải thích các nguyên nhân vốn là nguồn gốc của khổ đau.
Khi giải thích theo tiến trình quay ngược lại, rằng nỗi khổ già và chết mà tất cả chúng ta đều biết, vốn được hình thành trong sự phụ thuộc vào sinh, sinh được hình thành trong sự phụ thuộc vào sự chấm dứt mức độ hiện hành của chủng tử nghiệp, được gọi là hữu v.v... thì sự nhấn mạnh ở đây được đặt vào chính tự thân nỗi khổ đau (Khổ đế), vốn là kết quả của các nhân mà ta vừa thấy được [trước đó].
Khi giải thích rằng nếu ta chấm dứt được vô minh thì hành sẽ chấm dứt, và nếu hành dứt mất thì thức cũng chấm dứt, cứ tiếp tục như thế qua hết 12 mắt xích nhân duyên, thì đây là sự giải thích thuộc về phạm trù các pháp thanh tịnh, với sự nhấn mạnh vào các nhân, tức là con đường tu tập (Đạo đế).
Khi giải thích theo [tiến trình] ngược lại, với sự chấm dứt của già và chết phụ thuộc vào sự chấm dứt của sinh , và sự chấm dứt của sinh phụ thuộc vào sự chấm dứt mức độ hiện hành của chủng tử nghiệp, được gọi là hữu v.v... rồi sự chấm dứt của [hữu] này lại phụ thuộc vào sự chấm dứt của [ chấp] thủ , thì sự nhấn mạnh ở đây được đặt vào các quả, mà trong ý nghĩa của Tứ diệu đế thì đó là tịch diệt (Diệt đế).