CHƯƠNG 10: HÀNH TRÌ MẬT TÔNG
Trong ý nghĩa vị tha thì Lục ba-la-mật là các pháp tu tập nhằm trưởng dưỡng tâm thức của chính mình, và Tứ nhiếp pháp là các pháp tu tập nhằm trưởng dưỡng tâm thức của mọi chúng sinh khác. Trong sáu pháp ba-la-mật, mỗi pháp về sau lại càng khó thành tựu hơn và quan trọng hơn pháp trước đó. Hai pháp ba-la-mật cuối cùng là thiền định và trí tuệ. Trong phạm vi ý nghĩa của Kinh thừa thì có 37 pháp trợ đạo để giúp ta đạt đến sự giải thoát, và như trong Hiện quán Trang nghiêm luận của ngài Di-lặc thì có rất nhiều con đường tu tập khác nhau để đạt đến quả Phật. Căn bản của tất cả những điều này là thiền định, tức là sự hợp nhất giữa một tâm thức an định với tuệ giác nội quán. Mật thừa (hay Mật chú thừa) là một phương tiện để nhanh chóng đạt đến trạng thái thiền định đó theo một cách thức mãnh liệt. Theo [kinh văn] Đại thừa thì căn bản của sự tu tập là tâm Bồ-đề và chánh kiến thấy rằng tất cả các pháp không hề tự chúng tồn tại dựa vào tự tánh sẵn có. Sự vĩ đại của Mật chú thừa là nhờ vào phương thức [đạt đến] thiền định. Vì thế, thậm chí đã có người nói rằng các bản văn của Mật chú thừa được bao gồm trong Kinh tạng.
Vậy thì, làm thế nào mà Mật chú thừa lại có được một phương thức đặc thù và thâm diệu để thúc đẩy nhanh [tiến trình đạt đến] thiền định, vốn là sự hợp nhất giữa định và tuệ?
Với tâm Bồ-đề, hành giả hướng đến một quả vị Phật bao gồm Pháp thân chân thật, là sự thành tựu viên mãn an lạc tự thân, và Sắc thân, là sự thành tựu viên mãn an lạc cho tất cả chúng sinh. Trong 2 thân Phật ấy, hành giả đặc biệt hướng đến Sắc thân nhiều hơn để làm lợi lạc cho chúng sinh. Các Sắc thân của một vị Phật luôn có đủ những tướng hảo của thân Phật, và trong hệ thống [tu tập theo] Kinh thừa thì hành giả phát triển sắc thân Phật bằng cách thực hành sáu pháp ba-la-mật do sự thôi thúc của lòng đại bi và tâm Bồ-đề. Nét đặc thù của Mật chú thừa là ngoài các pháp tu tập đó, hành giả còn vận dụng thêm một pháp môn có phẩm tính tương tự như Sắc thân mà hành giả đang nỗ lực đạt đến. Những gì mà hành giả đang tu tập là phù hợp về phẩm tính với kết quả mà hành giả đang nỗ lực để đạt được. Trong phạm vi ý nghĩa này thì một trong những đặc điểm của Mật chú thừa là sự hợp nhất bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ.
Trong hệ thống kinh điển Đại thừa, trí tuệ được kết hợp với phương tiện, hoặc chịu ảnh hưởng bởi phương tiện, và phương tiện cũng được kết hợp hoặc chịu ảnh hưởng bởi trí tuệ. Tuy thế, 2 yếu tố này không được trình bày như [cùng] hiện hữu trong một niệm tưởng duy nhất của tâm thức.
Làm thế nào mà trong Mật chú thừa lại có sự [hợp nhất] bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ? Trong Mật chú thừa có pháp tu tập Du-già Bổn tôn, trong đó hành giả quán tưởng hay hình dung một sắc tướng thiêng liêng [của vị bổn tôn], thuộc về những hiển tướng của tâm đại bi vô lượng, và thông qua [sự quán tưởng] sắc tướng thiêng liêng này mà có sự tích lũy phước đức. Cũng chính niệm tưởng đó [đồng thời] nhận biết rõ rằng sắc tướng của vị bổn tôn kia không hề tự nó tồn tại dựa vào tự tánh sẵn có, và do [sự nhận biết] đó mà hành giả được tăng trưởng trí tuệ. Đây là cách thức mà trong một niệm tưởng [của hành giả] có sự [hợp nhất] bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ. Mặc dù phương tiện và trí tuệ vẫn là khác biệt về mặt khái niệm, nhưng cả hai [đồng thời] hiện hữu trong một niệm tưởng duy nhất của tâm thức [hành giả].
Loại sắc tướng thiêng liêng mà tôi vừa nói đến không phải là kiểu thánh thể thiêng liêng [theo nghĩa] thông thường của một đấng [thần linh] nào đó, mà đúng hơn thì ở đây là hình ảnh của chính bản thân vị hành giả du-già trong sắc tướng thiêng liêng, vừa mới bắt đầu được [vị ấy] nuôi dưỡng trong thiền quán. Hình ảnh này hiện ra trong chính tâm thức của hành giả. Vì thế, khi một hành giả du-già quán tưởng tự thân mình như một vị bổn tôn, và quán xét hay nhận biết được tánh Không của sắc tướng thiêng liêng [của vị bổn tôn] ấy, vốn không hề tự nó tồn tại dựa vào tự tánh sẵn có, tôi nghĩ chắc chắn phải có sự khác biệt nhỏ nào đó trong lực tác động của tâm thức hành giả, do nơi đối tượng [quán tưởng] đặc biệt [là sắc tướng thiêng liêng của vị bổn tôn được chọn], vốn là cơ sở [để vị ấy chứng ngộ] tánh Không.
Trong hệ thống kinh điển Đại thừa, không có bất kỳ pháp môn đặc biệt nào mà khi tu tập hành giả có dụng tâm cố gắng duy trì sự hiển hiện của đối tượng, tức là cơ sở mà hành giả đang sử dụng để quán xét tánh Không [của nó]. Trong khi đó, với Mật thừa thì hành giả được rèn luyện đặc biệt để duy trì sự hiển hiện của sắc tướng thiêng liêng ngay trong lúc đang nhận biết rõ ràng về sự không tồn tại dựa vào tự tánh sẵn có của sắc tướng thiêng liêng ấy.
Có một điểm rất quan trọng ở đây là việc quán tưởng sắc tướng thiêng liêng và nhận biết rõ ràng tánh Không của sắc tướng ấy, vốn không hề tồn tại dựa vào tự tánh sẵn có, [diễn ra đồng thời] trong [cùng] một [niệm tưởng của] tâm thức. Tâm thức được mô tả như khía cạnh được nhận hiểu: chính cái [tâm thức] có khía cạnh được nhận hiểu đó lại đang hiển lộ như một vị bổn tôn, ngay trong lúc đang nhận biết tánh Không của bổn tôn ấy.
Còn một dạng [hợp nhất] bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ thậm chí còn thâm diệu hơn nữa. Những sự hợp nhất này là [kết quả của] các [pháp môn] hành trì với nhiều nỗ lực, và có một dạng đặc biệt của sự [hợp nhất] bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ là kết quả sự chú tâm nhấn mạnh mà một hành giả du-già hướng vào những vị trí quan trọng [trên cơ thể]. Tùy theo dạng thể chất vị hành giả du-già hướng sự tập trung vào mà có sự khác biệt về dạng [hợp nhất] bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ. Trong Tối thượng Du-già Mật thừa, [dạng] thể chất [được chú tâm vào] là khí cực vi tế và tâm thức cực vi tế. Tự thân dạng thể chất [cực vi tế] này vốn đã là một sự hợp nhất bất khả phân. Để thực hành ở cấp độ này thì điều thiết yếu là phải mạnh mẽ ức chế các mức độ thô trược hơn của khí và tâm thức. Có nhiều phương pháp khác nhau được giảng dạy để giúp hướng sự chú tâm nhấn mạnh vào các vị trí khác nhau trong cơ thể... Đây là pháp tu tập về các kinh mạch, khí và các giọt tinh chất của thể dịch.
Thông thường thì khi nuôi dưỡng tuệ giác nội quán, cách thiền quán xét phân tích (quán) được nhấn mạnh. Nhưng trong Tối thượng Du-già Mật thừa, do những phương pháp đặc thù như trên nên cách thiền an định (chỉ) lại chính là điều được nhấn mạnh khi nuôi dưỡng tuệ giác nội quán. Ở những mức độ thô trược của tâm thức, khi muốn nhận hiểu rõ ràng một điều gì thì việc phân tích và khảo xét là cần thiết. Nhưng khi hành giả có dụng tâm làm hiển lộ các mức độ vi tế hơn của tâm thức (khác với khi những mức độ tâm thức này được hiển lộ một cách tự nhiên do nghiệp lực, [chẳng hạn như vào thời điểm lâm chung]), thì những mức độ tâm thức vi tế này (tức là những trạng thái mà các tâm thức thô trược đã bị ngăn dứt) là rất mạnh mẽ, có khả năng nhận hiểu rõ ràng mọi ý nghĩa và đối tượng. Nếu vào lúc đó hành giả tiến hành việc quán xét phân tích, điều đó sẽ ngăn trở [tâm thức ở] mức độ vi tế và hành giả sẽ rơi trở lại một mức độ [tâm thức] thô trược hơn. Vì thế, vào lúc đó hành giả [Tối thượng Du-già Mật thừa] sẽ không quán xét phân tích mà nhấn mạnh vào cách thiền an định [tâm thức].
Xét theo dạng thức thiền tập thì Mật Tông Tối Thượng Du Già có 2 phương pháp. Một phương pháp nhấn mạnh vào khí cực vi tế, trong khi phương pháp còn lại nhấn mạnh vào cả khí cực vi tế và tâm cực vi tế, nhưng đều là để thành tựu thân Phật. Trong hầu hết các tantra của những trường phái Tân dịch, như tantra Bí mật tập hội (Guhyasamaja), tantra Thắng nhạc (Chakrasamvara)... đều nhấn mạnh vào cả 2 yếu tố khí cực vi tế và tâm cực vi tế nhằm đạt đến sự thành tựu thân Phật, còn phương pháp trong tantra Thời Luân (Kalachakra) lại chỉ nhấn mạnh duy nhất vào tâm cực vi tế. Có vẻ như trong hành trì của các trường phái Mahamudra (Đại Thủ Ấn) và Dzog-chen (Đại Viên Mãn) cũng chỉ nhấn mạnh chủ yếu vào tâm [cực vi tế].
[Nếu phân chia theo một cách khác thì] nói chung trong Mật Tông Tối Thượng Du Già có sự hành trì nhấn mạnh vào các kinh mạch, khí và giọt [tinh chất]. Trong sự hành trì đó [được phân ra] có nhóm [hành giả] nhấn mạnh vào pháp khí du-già, có nhóm khác lại tập trung phát triển [pháp du-già] tứ hỷ lạc. Lại có nhóm khác nữa không nhấn mạnh vào kinh mạch, khí và giọt [tinh chất], mà nhấn mạnh vào sự duy trì một trạng thái [hoàn toàn] vô niệm, như các hành giả của Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và Đại Viên Mãn (Dzog-chen).
Trước khi [một hành giả] bắt đầu tu tập theo Mật tông, điều thiết yếu là [người ấy] phải được thọ nhận lễ quán đảnh. Ý nghĩa của lễ quán đảnh là sự trao truyền [trực tiếp] lực gia trì của dòng truyền thừa [không gián đoạn] từ một người (vị thầy) sang một người khác (đệ tử). Cho dù ta cũng có thể có được lực gia trì ngay cả qua việc đọc [kinh] sách hay những việc khác, nhưng vẫn có một sự khác biệt so với trường hợp một con người đang sống (vị thầy) [trực tiếp] trao truyền lực gia trì cho một người khác (đệ tử). Vì thế, trong Mật chú thừa thì vị Lạt-ma là cực kỳ quan trọng. Hành giả nhất thiết phải cẩn trọng trong việc chọn lựa một vị Lạt-ma [làm thầy mình]. Vị Lạt-ma phải cẩn trọng [khi nhận đệ tử] và người đệ tử cũng phải cẩn trọng [khi chọn thầy]. [Vì thế,] có câu nói rằng: “Khi các hành giả không hành trì theo đúng các pháp thức chân thật, hay đúng đắn, thì đó là dấu hiệu của thời Mạt pháp.”
Trong các lễ quán đảnh, có nhiều khác biệt đa dạng. [Trong Phật giáo,] chúng ta vẫn nghe rằng không có thánh thần tạo tác, nhưng giờ đây [khi nói đến] lễ quán đảnh thì lại có rất nhiều vị hộ thần. Vậy những hộ thần này là ai?
Trước đây đã nói rằng, ngay từ khi bắt đầu con đường thực hành Bồ Tát hạnh, hành giả đã phát nguyện và hướng đến một trạng thái [thành tựu Phật quả] để có thể cứu độ cho tất cả chúng sinh hữu tình một cách lớn lao và hiệu quả. Do khuynh hướng, tâm nguyện, mong muốn này, nên khi thành tựu quả Phật, hành giả sẽ tự nhiên mang đến sự cứu độ cho tất cả chúng sinh mà không cần có sự dụng công nỗ lực. Như [trong trường hợp] sự phản chiếu của mặt trăng, cần phải có một nơi nào đó để ánh trăng soi vào thì sự phản chiếu mới xuất hiện, tương tự như vậy, sự hiển lộ tự nhiên các Sắc thân của một vị Phật cũng cần có chúng sinh để ứng hiện. Và hình phản chiếu của mặt trăng có sáng rõ hay không, hoặc lớn hay nhỏ, là tùy thuộc vào [bề mặt của] vật thể mà ánh trăng soi vào. Cũng vậy, các Sắc thân của một vị Phật ứng hiện tự nhiên không cần nỗ lực đối với hành giả, phù hợp theo những mối quan tâm, ý nguyện, lòng tin, nhu cầu... của hành giả ấy.
Với hành giả của 3 lớp tantra thấp hơn, các Sắc thân Phật hiển lộ trong những phương diện vận dụng ngũ dục của Dục giới như âm thanh... [vào sự tu tập], nhưng không phải trong ý nghĩa khoái lạc sinh khởi từ sự giao hợp nam nữ. Với những hành giả không có khả năng vận dụng ngũ dục vào sự tu tập thì Sắc thân [Phật] sẽ hiển lộ như là một Đại Hóa Thân [Phật], trong hình tướng như một vị tỳ-kheo đã thọ Cụ túc giới. Với một người có căn cơ [thích hợp], có khả năng và các điều kiện khác để hành trì theo Tối thượng Du-già Mật thừa, khi những khả năng đó được khơi dậy và biểu hiện, các Sắc thân Phật sẽ hiển lộ trong dạng thức các vị bổn tôn nam và nữ ở dạng hợp nhất.
Với những ai có khả năng vận dụng yếu tố sân hận vào sự tu tập, các vị bổn tôn hiện ra trong dạng thức hung nộ, còn với những ai có khả năng vận dụng yếu tố tham dục là chủ yếu, các vị sẽ hiện ra trong dạng thức từ hòa. Chính trong ý nghĩa này mà có 3 cấp độ tu tập hay hành trì được nêu ra: (1) tu tập [dứt sạch] không [còn] tham dục, (2) hành trì mở rộng, và (3) tu tập hay hành trì Đại Thủ Ấn. Giống như đức Phật Thích-ca Mâu-ni từng là một con người và đã thị hiện như một con người, có những vị bổn tôn trong các phái Mật tông với sự hiển lộ chỉ như một bổn tôn duy nhất. Một vị bổn tôn như là Guhyasamaja (Bí Mật Tập Hội), trong một mạn-đà-la có 32 bổn tôn, là trường hợp của một bổn tôn hiển lộ trong 32 tướng trạng khác nhau. Thật không phải là có 32 vị. Chỉ có một vị duy nhất, và những bổn tôn khác còn lại [trong mạn-đà-la] là những tướng trạng khác của một vị bổn tôn duy nhất đó.
Nếu vận dụng những gì tôi vừa giảng giải trên như một chiếc chìa khóa, quý vị sẽ có thể làm tăng thêm sự nhận hiểu của mình.
Sau khi đã thọ nhận lễ quán đảnh thì điều quan trọng là phải vâng làm và giữ theo các giới nguyện [đã được trao truyền].