LỜI GIỚI THIỆU
Lời Đạo Sư III, trong bộ sách Lời Đạo Sư, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả gần xa các bài giảng của Ngài Hungkar Dorje Rinpoche từ năm 2015 tới 2018 cùng một số thư, thơ, bài viết xếp theo thời gian.
Phần I của cuốn sách giới thiệu với bạn đọc các bài giảng của Rinpoche. Tại chùa Sủi năm 2015, Rinpoche đã giảng về ý nghĩa của pháp tu Văn Thù Sư Lợi:
“Bà-Mẹ-Tự-Tánh bị che mờ bởi phiền não. Pháp tu Văn Thù có sức mạnh chặt đứt gốc rễ vô minh và khai mở trí tuệ cho ta nhận ra Bà-Mẹ-Tự-Tánh.”
Tiếp tục chủ đề tánh không này, trong bài giảng ở Nga năm 2015 Rinpoche giảng về Rigpa, về dòng pháp Dzogchen Đại Viên mãn, và về chư tổ dòng truyền thừa.
Với ngôn ngữ dung dị và súc tích Rinpoche đã giải thích một cách rất dễ hiểu cho người tu sơ cơ về tánh Không và Rigpa (Giác tánh).
“Vì chúng ta không hiểu Chân tánh là gì nên nó được gọi là Đức Phổ Hiền Như Lai. Đức Phổ Hiền Như Lai thật ra chính là chân tánh của chúng ta. Rigpa được gọi là “Đức Phật Phổ Hiền” vì nó lúc nào cũng thiện.”
Trong bài giảng tại tp Hồ Chí Minh, Rinpoche lại lần nữa đề cập tới tánh Không như một chủ đề trung tâm của Giáo lý Phật. Ngài bắt đầu chủ đề này từ những chuyện lăng xăng, bận rộn của đệ tử - một căn bệnh kinh niên khó chữa vào thời hiện đại. Tiếp theo, Ngài dẫn dắt họ tới một chủ đề khác: thiền Tánh Không, thiền Dzogchen.
“Phải trực nhận được chân tâm và an trụ, nghỉ ngơi trong chân tâm, bản tánh đó. Nghỉ ngơi trong giác tánh - đó chính là mục đích việc tu hành của chúng ta.”
Tại tu viện Lungon năm 2018, Rinpoche ban cho các đệ tử dự Đại Lễ Monlam hai bài giảng. Khi nói chuyện với Phật tử hành hương, điều trước tiên Rinpoche luôn nhắc nhở là động cơ trong sáng.
“Chúng ta, những người tu, hiểu rằng Pháp là động cơ thiện lành, trong sáng. Khi có ý nghĩ không tốt, động cơ không tốt trong tâm mình, thì điều này sẽ huỷ hoại sự trong sáng của tất cả mọi thứ.”
Trong bài giảng thứ hai “Theo chân một vị Thầy”, với ngôn ngữ châm biếm, sắc nhọn và thẳng thắn, Rinpoche đã chỉ ra cái nạn mà những người tu ngày nay thường mắc phải.
“Bởi vì, hiện có rất nhiều đạo sư Tây Tạng dổm. Và Thầy tin rằng ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có những đạo sư dổm. Những lạt ma như vậy có nhiều ở Tây Tạng. Hiện nay, các bạn chưa có đủ năng lực để nhìn thấu suốt và nhận ra ai là đạo sư tốt và ai không phải là chân đạo sư.”
Phần hai của cuốn sách bao gồm những bài thơ, thư và bài viết của Rinpoche. Bài thơ thể tự do “Những đứa con của núi rừng” Rinpoche lấy cảm hứng từ chuyến hành trình trên đỉnh núi tuyết. Ngài đã chia sẻ với người đọc nỗi lòng khát khao gìn giữ truyền thống tâm linh vô giá của xứ tuyết.
Xin hãy nhìn vào chính chúng ta ngày nay, những hậu duệ của vượn người hùng mạnh, chúng ta sợ màu sắc chân sơ của tuyết núi và chạy tìm nơi ẩn náu giữa những làng quê. Phải chăng chúng ta đang lãng quên trò chơi [hoang dã] của tuyết núi, và ngủ vùi chốn đồng bằng sình lầy ô uế? Thử hỏi đây là phước báu hay vô-phước của chúng ta.
Tây Tạng là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều bài thơ, bài viết của Rinpoche. Trong “Cảm xúc trào dâng như một thân cây bị trói chặt” Rinpoche đã viết những lời ca thống thiết về Tổ Ban Thiền Lạt Ma và lòng yêu nước vĩ đại của Ngài:
Oh, Panchen la, Đấng Tôn Quý! Núi Tuyết đã từng hung vĩ, tráng lệ xiết bao, khi Ngài đứng đó sừng sững đỉnh núi cao, và rền vang tiếng hống sư-tử-tuyết-bờm-xanh-biếc.
Hầu hết các bài giảng, bài thơ, thư, bài viết của Rinpoche đều có hai phần Anh và Việt. Tuy nhiên, do đa số độc giả là người Việt Nam nên trong bản sách giấy xuất bản lần này chỉ có phần tiếng Việt.
Các độc giả muốn tham khảo phần thoại tiếng Anh của Rinpoche xin tải sách điện tử LỜI ĐẠO SƯ song ngữ trên trang web lienhoaquang.com. Quỹ Liên Hoa Quang hiện đang có kế hoạch đưa sách LỜI ĐẠO SƯ tập II, III, IV (đơn ngữ và song ngữ) lên trang Amazon.com để các bạn đọc thỉnh sách giấy tiếng Việt hoặc Anh-Việt.
Người góp nhặt xin gửi lời tri ân và tùy hỉ công đức tới các đạo hữu đã đóng góp nhiều công sức cho sự ra đời của các cuốn sách này qua các công việc: ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, xử lý MP3, ảnh, chép bài giảng tiếng Anh, đánh máy văn bản, kiểm tra lỗi và xử lý văn bản v.v... Xin tri ân công ty Hương Trang, nhà sách Quang Bình luôn giúp đỡ và hợp tác với LHQ trong công việc in ấn và xuất bản.
Nguyện cầu chư Phật mười phương gia trì gia hộ.
Người góp nhặt
Lời Tri Ân và Tùy Hỉ Công Đức
Ban biên soạn Liên Hoa Quang và Người góp nhặt
xin gửi lời tri ân và tùy hỉ công đức các bạn hữu
đã đóng góp công sức cùng tâm nguyện tốt lành
cho sự ra đời của cuốn sách:
Hải Losang, dịch giả Tạng-Anh
Kunzang Regzen
Menlha Kyid
Sherab Dekyd
Drolma Lhamo
Choying Drolma
công ty Hương Trang
nhà sách Quang Bình
các đà na tín thí và các thiện nguyện viên khác.
Nguyện công đức tăng trưởng!