MỤC 1: GIỚI THIỆU
Một tâm trong sáng và bình an là điểm khởi hành vào một không gian vi diệu của lòng bi, nguyện vọng tối hậu của Bồ tát. Bản văn ngắn thứ hai này của Lamma Mipham diễn tả những giai đoạn của con đường đi đến mục đích ấy. Đây là một bản đồ để hướng dẫn và chỉ dạy. Nó bắt đầu ở điểm khi sự xác quyết về sự không có một cá nhân thường hằng và có bản chất đã sanh khởi và, sau khi qua nhiều giai đoạn thấu hiểu, chấm dứt ở sự chứng ngộ một thực tại tối hậu không thể diễn tả. Tiến trình là một lột bỏ những quan điểm giới hạn và tái hợp nhất vết nứt chia tách chủ thể và đối tượng trong tâm.
Dù một cái hiểu trí thức về biện chứng này là một trợ giúp quan trọng cho thiền định, không nên lầm lẫn nó với hiện thực kinh nghiệm. Bản văn này khác với kinh nghiệm thiền định như một bản đồ khác với đất đai nó miêu tả. Đây là một ngón tay chỉ mặt trăng hơn là chính bản thân mặt trăng. Tuy nhiên, nếu không có sự nghiên cứu trong một giai đoạn sơ bộ của việc học, khi gặp những trạng thái tâm thức này trong thực hành thiền định, sợ hãi lớn lao có thể sanh khởi. Bất kỳ sự lưỡng lự vòng vo nào ở những ngã giao nhau này sẽ làm hao tốn năng lượng và thời gian quý báu. Bản văn ngắn này tóm gọn giáo lý của những đạo sư của Trung Đạo, tổng hợp từ kinh nghiệm của những thế hệ hành giả cả Ấn Độ và Tây Tạng. Nếu những chi nhánh của nó đã được hiểu đầy đủ, bấy giờ nghiên cứu tiếp nữa sẽ không cần thiết.
Tất cả những hành giả của Phật pháp ở Tây Tạng đều là những người theo Trung Đạo (Madhyamika). Tuy nhiên, có hai trường phái chính về pháp môn tương đương với hai cấp độ thành tựu khác nhau, một cái phát triển kinh nghiệm thiền định hơn cái kia. Theo lịch sử, những trường phái này được gọi là Prasangika và Svatantrika. Những phân phái của hai trường phái này cũng liên hệ đến những cấp độ khác nhau trong sự chấp nhận cái tuyệt đối là không thể giải thích được. Trong Svatantrika một số người nói rằng thực tại tối hậu là mốt trường không bản chất, liên lập tùy thuộc lẫn nhau, trong khi những người khác tin rằng tánh Không và sắc là những kinh nghiệm tách biệt. Những dòng khác nhau của Svatantrika công nhận một số hình ảnh và cái nhìn thấy khác nhau để diễn tả thực tại tối hậu, tất cả hay một số có thể được gặp trong thiền định. Tuy nhiên, những nhà Prasangika từ chối mọi xác định bất kỳ một định đề nào liên quan đến kinh nghiệm tối hậu. Sự khác nhau trong chứng đắc của những hành giả của hai trường phái này được nói rõ trong bản văn. Sự phân biệt căn bản giữa hai phái là sự có mặt ở trong phái trước một khuynh hướng cố hữu sâu xa muốn biện giải sự trực tiếp của một khoảnh khắc trước trong cái còn sót lại của nó ở trong hiện tại. Đây là sự giả cách rằng sự suy nghĩ phản ánh cái tối hậu thì khác với bản thân cái tối hậu. Hiến mình cho cái bây giờ và tại đây mà không để dành hay ngần ngại sẽ làm thành một diễn đạt hoàn hảo của tính tự phát trong hình thức trực tiếp hơn là một kiểu mẫu chế định trước.
MỤC 2: NHỮNG GIÁO HUẤN VỂ CÁI NHÌN THẤY TRONG TRUNG ĐẠO - NHỮNG CÂU KỆ GỐC & BÌNH GIẢNG
Sau khi khảo sát và tịnh hóa tâm
Tìm thấy sự không có một tự ngã cá nhân
Và với xác quyết của cái thấy thấu suốt cốt yếu này
“Tôi” trở thành cấu tạo của những phần tử.
Khảo sát cái còn chưa được biết
Phân biệt giữa cái tùy thuộc điều kiện (hữu vi) và không tùy thuộc điều kiện (vô vi)
Phân tích mỗi hình thức kinh nghiệm
Cái này gọi là ‘cái này’ và cái kia gọi là ‘cái kia’. Thực hành thiền định ở trước dẫn đến sự chắc chắn rằng “tôi” không hiện hữu trong bất kỳ hình thức có bản chất nào. Tuy nhiên khám phá rằng cái trước kia được xem là một thực thể cụ thể chỉ là một cấu tạo của những thành phần gom thành năm nhóm của thân tâm, khuynh hướng là đồng hóa với cái tổng số những phần tử. Tiếp tục thiền định bằng cách khảo sát bất cứ cái gì khởi sanh trong tâm, cần phân biệt giữa kinh nghiệm về những phần tử của hợp thể thân tâm và những trạng thái không tùy thuộc điều kiện của tập trung chúng phải trở nên thường xuyên hơn như là những tiến bộ của thiền định. Dần dần mỗi kinh nghiệm sẽ trở nên khá rõ nét, nhưng đối tượng của kinh nghiệm sẽ tiếp tục xuất hiện như một thực thể độc lập, hiện hữu bất chấp những thành tố khác của tri giác, nghĩa là những giác quan và cảm giác. Thói quen của mê tín vào hiện hữu vật chất của những sự vật thì khó bẻ gãy. Một cái ghế sẽ còn được xem là “hiện hữu” cho dù người tri giác đã rời bỏ căn phòng.
Còn bám chấp vào những hình tướng khác nhau của dòng chảy
Tìm kiếm bản chất, thì không thấy cái gì cả.
Bấy giờ vượt khỏi sự nhị nguyên giản lược nhất (Điều này được khoa học giải thích)
Những giản lược tinh tế hơn cũng không xác định được cái gì
Một trường liên lập tương thuộc xuất hiện
Gồm cả cái có vẻ rất thực
Và những tưởng tượng huyễn hoặc của tâm. Bao giờ còn có một tin tưởng vào sự hiện hữu của những hình tướng độc lập với người tri giác, thì sự tìm kiếm bản chất tự hiện hữu vẫn còn tiếp tục. Những phạm trù của tâm và vật, chủ thể và đối tượng, được vượt khỏi trong sự tìm kiếm này. Nhưng sự chuyển hóa quan trọng nhất xảy ra khi mọi sự được thấy như là một trường liên hệ lẫn nhau tiến hóa trong toàn bộ của nó từ một khuôn khổ này thành một khuôn khổ khác. Sự tin vào một “tự ngã” hay “thực thể” vỡ tan trong cái nhìn thấy về cái toàn thể này. Tuy nhiên, sự chứng ngộ thực tại cao hơn này có thể không hoàn thành tức thời, mà có khả năng hơn, nó trước tiên sẽ xuất hiện như một ‘sự có thể’ sáng sủa và chỉ với kiên trì thường trực trong thực hành thiền định nó sẽ trở nên sáng tỏ. Những tưởng tượng huyễn hoặc của tâm được lầm cho là thực tại đích thực vẫn còn để tô màu cho cái nhìn thấy trong nhiều cách khiến nó bị che tối. Đấy là những thói quen của tri giác ăn sâu, kiên trì chấp chặt có một phân biệt căn bản giữa ‘tôi’ và ‘nó’, giữa ‘chủ thể’ và ‘đối tượng’, giữa những cực của các nhị nguyên.
Khi tập chú vào bất cứ cái gì phải được khảo sát
Cả thực tại rõ ràng và tưởng tượng của tâm
Tra xét kỹ càng với thăm dò cẩn thận thấu suốt
Không gốc rễ cũng không căn cứ nào được khám phá.
Thế nên không có cái gì hiện hữu. Mà như huyễn và mộng
Tiếng vang, bọt sóng hay mặt trăng trong nước
Ảo ảnh thị giác, bóng ma
Thiền định về bản chết tánh Không của Huyễn -
Tánh Không là sắc tướng và sắc tướng là tánh Không. Tiếp tục tìm kiếm căn cứ của hiện hữu, mọi cái đi vào tâm đều được thăm dò. Dù một cái nhìn thấy thực tại loại bỏ những giới hạn của nhị nguyên và tự ngã đã được lờ mờ nhận biết, cùng một tiến trình khảo sát và tịnh hóa trong thiền định là điều thiết yếu. Dần dần khi cái nhìn thấy trở thành một cách thức thường trực của tri giác, mọi sự đều có một phẩm chất như huyễn, chúng trở nên nhẹ nhàng hơn và lung linh hơn như thể không phải là vật chất và như tơ mỏng. Sự chứng ngộ bừng lên cho thấy rằng tánh Không bao gồm giải thoát khỏi sức nặng của sanh tử thì không ở đâu khác ngoài những sắc tướng được tri giác. Không có chỗ nào để đi đến, không có cái gì để khám phá ngoại trừ bản tánh của tâm.
Đó là thực tại tối hậu rõ ràng.
Nhưng với sự xác quyết của chứng ngộ này
Và với một cái nhìn thấy tiếp tục về ảo ảnh huyễn thuật
Được thấu hiểu nhờ sự sự quán chiếu không vết dơ
Vẫn còn vướng mắc bởi sự hấp dẫn của sắc tướng
Và không buông thả được những ý niệm thôi miên
Bị sự tạo tác ý niệm ngăn cản
Cái bất động cốt lõi tỏa khắp vẫn không được thấy. Ở đây cái nhìn thấy đã khai hiển đủ để tri giác tánh Không trong mỗi sắc tướng và sắc tướng là tánh Không, nhưng vì sự vận hành che ám của những thói quen bám rễ sâu xa của tư tưởng, khuynh hướng chia chẻ phân biệt ngăn cản cái thấu hiểu trọn vẹn tính đồng nhất của mọi sắc tướng. Trí năng còn đủ năng lực để làm mạnh khả năng phân biệt làm khuất lấp lòng bi đồng thể tiềm ẩn. Những chi tiết của thế giới biểu lộ vẫn trói buộc chú ý nhờ tính chất huy hoàng của chúng, và những thành kiến được làm mạnh bởi những giả định của hiểu biết thông thường với hệ thống giá trị của chúng vẫn còn ngăn chặn trí huệ thuần khiết. Trong trạng thái sau thiền định, thực tại vẫn giữ phẩm tính như mộng đã được khai triển và quán chiếu không mất với sự làm tròn thực hành chính thức, nhưng những nguyên nhân gốc rễ của mê lầm vẫn còn là những chướng ngại vi tế và khó nắm bắt cho sự thấu hiểu hay chứng ngộ trọn vẹn.
Khi sự xác quyết về cái nhìn thấy như huyễn này sanh khởi
Hãy tập chú vào những vết tích mê hoặc của mê lầm
Và khảo sát chúng triệt để -
Không có bản chất nào hiện hữu cho những đối tượng này.
Rồi tìm thấy không có tâm nào đang bám nắm
Hãy thư giãn, buông thả trong tự do giản dị
Và như vậy cả thảy, bên ngoài và bên trong đều giả hợp,
Dòng những hình ảnh chảy không gián đoạn. Những chướng ngại vi tế đối với dòng những sắc tướng biểu hiện tự nhiên được trừ bỏ theo cùng cách như những hình thức thô nhất của phiền não - nhờ chú ý chặt chẽ trong khi tìm tòi bản tánh của đối tượng. Trường nhìn thấy sanh khởi chốc lát có một số trở ngại trong nó và đẩy tâm về chiều hướng ấy, làm hạn hẹp phạm vi của cái nhìn thấy và ngăn chặn trí huệ trọn vẹn về chiều rộng và chiều sâu của thực tại. Chú ý vào chúng, khám phá tánh Không của chúng, hãy phá hủy sự mê hoặc của chúng. Theo cùng cách, việc chú ý đến cái tâm bị mê hoặc và cái tâm thường áp đặt một tưởng tượng huyễn hoặc lên tấm thảm của tri giác khiến khám phá ra không có tâm. Bấy giờ cuối cùng đã phá hủy mọi bám dính vào những sắc tướng cả ngoài lẫn trong, sự phân chia giữa chủ thể và đối tượng bị tiêu hoại và thực tại tối hậu tỏa khắp được thấu hiểu, chứng ngộ. Dòng tri giác không bị ngăn ngại.
Trong trạng thái bổn nguyên không chấp thủ này
Tất cả cái được dệt thành dòng tương tục
Vốn vô sanh và vô ngại
Thoát khỏi bám nắm và hấp dẫn
Được hòa nhập đồng nhất vào cảnh giới tự-Như
Không khẳng định cái gì hay không phủ định cái gì
Trong dòng của ý nghĩa không thể diễn tả
Chỉ có kinh nghiệm không thể nghi ngờ mọc lên. Với sự chứng ngộ cảnh giới của không gian tự do trong đó mọi sự được hòa nhập đồng nhất, bất cứ cái gì đi vào kinh nghiệm được biết là không sanh trong nguồn gốc của nó. Đây là sự chứng đắc chỗ quy y nương tựa tối hậu, vì với sự xác quyết trọn vẹn ở trong thực tại nền tảng của bất cứ cái gì được kinh nghiệm, thì không có sợ hãi sanh khởi để bắt đầu tiến trình hành động và phản ứng đối phó gây ra hấp dẫn và ghét bỏ; bám chấp và ghê sợ lo ngại và những khuôn khổ phản ứng phức tạp. Không chấp thủ, không có bất kỳ khuynh hướng nào làm chậm lại sự tiến bộ tự nhiên từ cái toàn thể thống nhất đến cái chớp sáng liên hệ thân thiết của khoảnh khắc theo sau, không có nghi ngờ hay sợ hãi sanh khởi, không có hy vọng còn chưa thỏa nguyện đồng thời với sự sanh khởi của nó. Đúng hơn, có một cảm thức kỳ diệu liên tục với cái đẹp và sự thiêng liêng không thể diễn tả của sự ở trong đời sống và sự thấu hiểu. Không có gì cần được xác định và không có gì cần phủ định, vì sự toàn thiện của khoảnh khắc loại bỏ khả năng diễn đạt làm giảm giá trị trong đó bao hàm những khẳng định cả tích cực và tiêu cực. Trí huệ phân biệt chính xác không thể tách lìa khỏi cảnh giới tự-Như, trí huệ này ngăn ngừa sự mất cân bằng khi bước vào một trạng thái say sưa của sự không biết đầy lạc phúc. Những đặc thù của mỗi tình huống được tri giác, nhưng không có cái nào đem lại bất an cho sự tương quan liên hệ tối hậu giữa những phần tử. Đây là tác nhân hài hòa, hợp nhất.
Thực tại tối hậu siêu việt, toàn khắp được thấy ra
Như là tánh như của mọi mặt của kinh nghiệm,
Là tự tánh giác sinh động của những phân biệt
Do cái thấu hiểu thụ động, không phân biệt.
Thiền định là sự tự phát tự nhiên thường trực
Của sự đồng nhất đồng thời của tánh Không và cái tương đối duyên sanh,
Hai chân lý trở thành một trong thẩm quyền
Của bậc Thầy Tinh Thông của Trung Đạo. Đây là thực tại tối hậu trong đó không có sự thử tìm cách giả định bất kỳ công thức hay so sánh diễn tả nào về kinh nghiệm nhất thể của tánh Không và sắc tướng. Không có phân chia giữa tư tưởng và kinh nghiệm. Tư tưởng đã được chuyển hóa thành cái thấu hiểu nền tảng, nó không tách lìa khỏi tự tánh giác về sắc tướng được phân biệt. Giống như đường tan vào nước, như hơi nóng và lửa, hay như nước và sự ướt, không có cái này mà không có cái kia. Hai chân lý, chân lý thường nghiệm tương đối và chân lý tối hậu tuyệt đối trở thành một, và thiền giả là người nắm giữ hiểu biết trong trạng thái đích thật này của hiện thể. Đây là cực điểm của Con Đường Madhyamika, hay theo tiếng Tây Tạng là Umacheripo, Cái Giữa Vĩ Đại, Trung Đạo.
Cái thấu hiểu bất nhị nội tại này
Thoát khỏi tiến trình đối tượng hóa của tâm
Khi muốn, có thể chứng ngộ ngay tức khắc
Bằng cách theo giáo huấn Kim Cương thừa.
Hay điểm cao cốt yếu tối hậu này
Có thể đạt đến sau khi tra xét làm tịnh hóa
Đạt đến tin chắc theo thứ lớp trên con đường
Trong thực hành thiền định Trung Đạo. Trạng thái tâm thức hay cấp độ của thức mà với nó độc giả đã nắm bắt được thông tin và những cái nhìn thấy ở trên, là nền tảng, điểm bắt đầu. Truyền thống Nyingma cung cấp cho hai thừa khả dĩ để đi con đường đến một chứng ngộ. Nhưng mục tiêu chứng ngộ này và những cái nhìn thấy bao hàm trong mục tiêu đó đã được diễn tả không đầy đủ. Thừa hay phương tiện chuyên chở thứ nhất là Kim Cương thừa hay Thần Chú thừa hiệu quả trực tiếp tức thời, và thừa thứ hai là con đường Trung Đạo của Đại thừa, nó là phương tiện dễ hơn, chậm hơn và ít nguy hiểm hơn để đạt đến cùng những cứu cánh.
Khi một người nung nóng bởi cơn khát
Tư tưởng về nước không đem lại đỡ khát –
Chỉ có uống nước mới làm dịu cơn khát của nó;
Thế nên thông tin thì khác với kinh nghiệm.
Sự tìm kiếm thông tin làm kiệt sức
Vì chỉ là kiến thức ‘khách quan’
Trở nên vô ích với kinh nghiệm thiền định
Kinh nghiệm này dẫn nhanh đến bình thản. Sự nghiên cứu học hỏi cần thiết dạy cho kỹ năng diễn đạt, suy luận siêu hình, luận lý và những nghệ thuật và khoa học khác đi trước thực hành. Thông thường là nhìn vào bản đồ trước khi bắt đầu hành trình. Tuy nhiên, tin rằng kiến thức có được từ bản đồ chính là bản thân vùng đất thì đã lầm cho khái niệm là thực tại. Không có sự chắc chắn trí thức nào có giá trị khi đối diện với thực tại không che đậy của những chiều sâu trong tâm. Như giàu có được tích tập vào lúc chết hay món quà bằng tuyết trong xứ nóng, kiến thức lý thuyết không có hiệu lực nào ngoài lãnh vực riêng của nó. Sự biểu hiện tự phát của cái thấy được tri giác trong sự bình thản sâu xa, nó là sự chấp nhận bất cứ cái gì sanh khởi mà không thêm hay bớt, sẽ thay thế cho những tiên kiến của giáo lý và ngôn từ triết học.
Do đại sư Nyingma Lama Mipham viết dưới tên Jam-dpal dgyes-pa’i rdo-rje ngày 29 tháng mười một năm con Rồng Thủy, để cho tất cả chúng sanh chứng ngộ được nghĩa của Trung Đạo sâu xa.
Mangalam
Nguyện tất cả chúng sanh được hạnh phúc! Việc ấn tống chế bản điện tử do quỹ Liên Hoa Quang (lienhoaquang.org) thực hiện. Xin tùy hỉ công đức các tác giả, dịch giả và tất cả bè bạn gần
xa ủng hộ, đóng góp cho công việc này.
Nguyện đem công đức này xin hồi hướng cho tất cả hữu
tình chúng sinh trọn viên thành Phật Đạo.