Không hề có một thiết bị dụng cụ khoa học nào, Thái tử Tất Đạt Đa ngồi trên cỏ Kusha dưới gốc cây bồ đề để tìm hiểu về bản chất của con người. Sau một thời gian trầm lặng suy tư, Ngài nhận ra rằng mọi hình tướng, gồm thịt xương và mọi cảm xúc, mọi nhận thức của chúng ta được tập hợp lại – chúng là sản vật của hai thứ hay nhiều hơn hợp lại với nhau, thế là một hiện tượng mới sinh ra – đinh và gỗ tạo thành cái bàn; nước và lá chè biến thành nước trà; nỗi sợ hãi, sự sùng đạo và một người cứu rỗi trở thành Thượng đế. Sản phẩm cuối cùng này (tức là Thượng đế) không hiện hữu độc lập với các thành phần của nó. Tin rằng nó hiện hữu độc lập là điều sai lầm lớn nhất. Trong khi đó những thành phần này vốn đã trải qua sự biến đổi. Chỉ bằng việc gặp gỡ, đặc tính của chúng đã thay đổi, và hợp chung với nhau, chúng sẽ trở thành một thứ khác – chúng “được cấu thành” [gọi là hữu vi].
Ngài nhận ra rằng điều này không chỉ áp dụng vào những kinh nghiệm của con người mà còn áp dụng cho mọi vấn đề, cho toàn thế giới, vũ trụ – bởi vì mọi sự vật đều phụ thuộc lẫn nhau, mọi sự vật đều phải thay đổi. Chẳng có một thành tố nào trong tất cả các tạo vật là hiện hữu ở trạng thái tự thân, thường hằng và tinh thuần cả. Không có sự vật nào hiện hữu độc lập, ngay cả cuốn sách bạn đang cầm, những nguyên tử, hay thậm chí các vị thần cũng vậy. Vì thế, cái gì tồn tại trong tầm nhận thức của chúng ta, ngay cả trong trí tưởng tượng của chúng ta, ví dụ như một người có bốn tay, đều phụ thuộc vào sự hiện hữu của những thứ gì đó khác nữa. Vì thế, Ngài Tất Đạt Đa phát hiện ra rằng sự vô thường không có nghĩa là cái chết, như chúng ta thường nghĩ, nó có nghĩa là sự thay đổi. Bất cứ điều gì thay đổi trong quan hệ với một thứ khác, thậm chí là những thay đổi dù nhỏ nhất, cũng chịu tác động của quy luật vô thường.
Thông qua nhận thức này, Ngài Tất Đạt Đa sau cùng đã tìm ra một con đường để đối trị nỗi khổ đau vì cái chết. Ngài chấp nhận rằng thay đổi là tất yếu và cái chết chỉ là một phần của vòng quay đó. Hơn nữa, Ngài còn nhận ra rằng chẳng có đấng toàn năng nào có thể đảo ngược lại con đường đi tới cái chết; vì thế, chẳng có hy vọng gì nắm được đấng ấy cả. Nếu không có hy vọng hão huyền thì cũng chẳng có gì phải thất vọng.
Sự giác ngộ của Ngài Tất Đạt Đa khỏi ảo tưởng về thường hằng cho chúng ta lý do để gọi Ngài là Đức Phật, Bậc Giác Ngộ. Giờ đây, hơn 2.500 năm sau, chúng ta nhìn thấy những gì Ngài đã phát hiện và thuyềt giảng là một kho tàng vô giá đã gây cảm hứng cho người hàng triệu người – họ có thể không được học hành, giàu và nghèo, từ vua A Dục (Ashoka) tới Allen Ginsberg, từ Thành Cát Tư Hãn (Kublai Khan) tới Gandhi, từ Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Beastie Boys. Mặt khác, nếu Thái tử Tất Đạt Đa có mặt tại đây hôm nay thì Ngài sẽ thất vọng bởi vì hầu hết những phát hiện của Ngài gần như bị lãng quên. Tôi không có ý nói công nghệ hiện đại vĩ đại đến nỗi những phát hiện của Đức Phật bị bác bỏ: không có ai trở thành bất tử. Mọi người đều phải chết; có khoảng 250.000 người như vậy hàng ngày. Những người ở cạnh chúng ta đều đã chết và sẽ chết. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cảm thấy bàng hoàng và buồn bã khi người thân yêu của chúng ta qua đời, chúng ta tiếp tục tìm kiếm dòng suối của tuổi trẻ hay một công thức bí mật để có thể sống lâu. Những chuyến viếng thăm cửa hàng thực phẩm chức năng, những chai DM và retinol, những lớp yoga năng lực, nhân sâm Triều Tiên, phẫu thuật chỉnh hình, thuốc chích collagen, thuốc bôi tạo độ ẩm cho da – đấy là bằng chứng rất rõ rằng chúng ta âm thầm chia sẻ sự khao khát được bất tử của Hoàng đế Tần.
Thái tử Tất Đạt Đa không còn nhu cầu hay mong muốn thuốc trường sinh. Do Ngài nhận ra rằng mọi thứ đều là hợp cấu, sự phân ra từng thành phần là vô tận và không có một thành tố nào trong mọi tạo vật hiện hữu ở trạng thái tự lập, thường hằng và thuần chất, cho nên Ngài giác ngộ. Những sự vật nào kết hợp với nhau (bây giờ chúng ta có thể hiểu là mọi sự vật) và bản chất vô thường của chúng gắn chặt với nhau thành một, giống như là nước và đá vậy. Khi chúng ta bỏ một viên đá vào ly nước, chúng ta có cả hai. Cũng như vậy, khi Ngài Tất Đạt Đa nhìn thấy người nào đó, dù là người khỏe mạnh nhất, Ngài cũng thấy con người đó đồng thời vừa đang hiện hữu vừa đang tan rã. Bạn có thể nghĩ điều này nghe ra không giống lối đùa vui để sống, nhưng nó có thể là một cuộc đi kỳ lạ để nhìn thấy cả hai mặt. Có thể rất thú vị đấy. Nó không giống như chiếc tàu của hy vọng và chán chường chạy trên đường sắt uốn lượn lên xuống. Nếu quan sát mọi thứ theo cách này thì chúng đang tan rã xung quanh chúng ta. Sự nhận thức của bạn về các hiện tượng sẽ thay đổi, theo một cách sáng rõ hơn. Thật là dễ dàng khi quan sát mọi người bị thu hút vào phim Roller-coaster, và tự nhiên bạn sẽ nảy sinh tình yêu thương đối với họ. Một trong những lý do để chúng ta có tình yêu thương là vì vô thường quá rõ ràng, trong khi những người khác lại không nhìn thấy nó.
Trích
"Thế nào là Phật tử", Dzongsar Khyentse.