Kính tặng người con trai của
Đức Vua Tịnh Phạn - Thái Tử của Ấn Độ,
Không có Ngài tôi sẽ không thể biết rằng
mình vẫn chỉ là một kẻ lang thang.
Một lần, trên chuyến máy bay vượt Đại Tây Dương, tôi ngồi ghế giữa ở hàng giữa, cạnh một người đàn ông đáng mến luôn tỏ ra thân thiện với tôi. Thấy cái đầu cạo nhẵn bóng và bộ áo thụng dài màu nâu sẫm của tôi, anh ta cho rằng tôi là một nhà sư. Khi tiếp viên phục vụ bữa ăn, người đàn ông đã rất tử tế khi sẵn lòng gọi một phần ăn chay cho tôi. Đó là khởi đầu cho câu chuyện phiếm của chúng tôi. Chuyến bay rất dài và để giết thời gian, chúng tôi bàn luận về đạo Phật.
Qua thời gian tôi nhận ra rằng đa phần mọi người thường gắn Phật giáo và tăng sĩ với sự bình an, thiền định và không bạo động. Thực tế thì có nhiều người dường như nghĩ rằng việc mặc lên người trang phục tu sĩ với một nụ cười an lạc là tất cả những gì khiến ai đó trở thành một Phật tử. Là một tăng sĩ, tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự là một đệ tử Phật, đặc biệt ở khía cạnh bất bạo động, điều rất hiếm trong thời đại của chiến tranh và bạo lực như hiện nay, đặc biệt là bạo lực liên quan tới tôn giáo. Trong suốt lịch sử của xã hội loài người, tôn giáo dường như là nguồn sản sinh ra sự thù hận. Ngay cả ngày nay, tin tức về bạo lực liên quan tới những phần tử tôn giáo cực đoan vẫn tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy thế, tôi có thể tự tin nói rằng đến nay chúng tôi – những người con Phật – chưa bao giờ phải hổ thẹn với chính mình. Bạo lực chưa bao giờ là một phần trong việc truyền bá đạo Phật. Tuy nhiên, là một tăng sĩ được đào tạo, tôi cũng cảm thấy đôi chút bất bình vì người ta chỉ gắn đạo Phật với việc ăn chay, bất bạo động, an lạc và thiền định. Khi lên đường để tìm sự giác ngộ, Thái tử Tất Đạt Đa chắc hẳn đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi và xa hoa nơi cung vàng điện ngọc để kiếm tìm một điều gì đó nhiều hơn là sự thụ động và một vài lùm cây .
Dù rằng ở dạng rất đơn giản, đạo Phật không dễ dàng giải thích. Nó rất phức tạp, rộng lớn và sâu sắc. Tuy đạo Phật không hề mang tính chất tôn giáo hay siêu hình, thật khó để giới thiệu đạo Phật mà không có vẻ lý thuyết và mang màu sắc tôn giáo. Khi đạo Phật đã du nhập vào nhiều nơi trên thế giới, những đặc tính văn hóa mà đạo Phật tích tập vào đã khiến nó trở nên ngày càng phức tạp. Những cái bẫy mang màu sắc hữu thần như hương trầm, chuông khách, và những chiếc mũ nhiều màu sắc có thể thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng đồng thời những thứ này cũng có thể là những vật trở ngại [cho việc tìm hiểu đạo Phật]. Mọi người cuối cùng sẽ nghĩ rằng đó là tất cả những gì về Phật giáo và thế là họ bị chệch hướng khỏi điều cốt lõi của đạo Phật.
Thỉnh thoảng do bực bội vì những giáo lý của Thái tử Tất Đạt Đa không được người khác hiểu đủ (như ý muốn của mình và đôi khi do tham vọng của chính mình), tôi thích thú với ý tưởng cải tổ đạo Phật, làm cho nó trở nên dễ dàng hơn, dễ hiểu hơn và bớt giáo điều hơn. Điều này có vẻ như hơi tiểu xảo và thiên lệch khi tưởng tượng rằng (như thỉnh thoảng tôi vẫn làm) đơn giản hóa đạo Phật thành những thực hành được nêu định và tính toán sẵn như hành thiền ba lần một ngày, mặc một loại trang phục đặc biệt nào đó, giữ những niềm tin mang tính ý thức hệ, như là thế giới này đều phải cải đạo theo Phật giáo. Nếu chúng ta có thể hứa khả rằng những thực hành này có thể mang lại những kết quả tức thời và rõ ràng, tôi nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều Phật tử trên thế giới. Nhưng khi tôi hồi tỉnh khỏi những phóng tứ này (điều này tôi rất ít khi có được), cái tâm ý tỉnh táo của tôi báo cho tôi biết rằng cái thế giới của những người tự nhận mình là Phật tử không hẳn là một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhiều người lầm tưởng rằng Đức Phật là “Thần” của đạo Phật; ngay cả một số người ở những đất nước theo Phật giáo như là Hàn Quốc, Nhật Bản và Bhutan cũng có hướng tiếp cận theo hữu thần này đối với Đức Phật và đạo Phật. Điều này giải thích tại sao trong suốt cuốn sách này chúng tôi sẽ dùng tên Tất Đạt Đa và Đức Phật thay nhau, để nhắc nhớ mọi người rằng Đức Phật chỉ là một con người bình thường và rằng con người đó đã trở thành Phật.
Cũng dễ hiểu khi một số người có thể nghĩ rằng Phật tử là những người đi theo con người bề ngoài có tên là Phật. Tuy nhiên, chính Đức Phật đã chỉ rõ là không nên sùng kính một cá nhân mà nên sùng kính trí tuệ do người đó giảng dạy. Tương tự như vậy, thật bất cẩn nếu tin rằng chỉ có tái sinh và nghiệp là những niềm tin cơ bản nhất của Phật giáo. Còn rất nhiều quan niệm sai lầm như vậy. Ví dụ, Phật giáo Tây Tạng thỉnh thoảng được gọi là “lạt ma giáo” và trong vài trường hợp Thiền tông, không được coi là Phật giáo. Có những người khác hiểu biết hơn chút ít nhưng vẫn còn bị lầm lạc, có thể sử dụng những từ như tính không và niết bàn mà chẳng hiểu rõ nghĩa của các từ này.
Khi cuộc trò chuyện như kiểu của tôi với người bạn ngồi bên cạnh trên chuyến bay diễn ra, một người không theo Phật giáo có thể chợt hỏi: “Điều gì khiến một người là Phật tử?”. Đó là câu hỏi khó trả lời nhất. Nếu ai đó thực sự quan tâm, một câu trả lời đầy đủ không thể nào có được nhờ cuộc trò chuyện nhẹ nhàng trong bữa tối, và những điều chung chung có thể dẫn tới hiểu lầm. Giả như bạn có câu trả lời đúng, câu trả lời ấy cũng cần có một nền tảng của một truyền thống có lịch sử 2.500 năm.
Một người là đệ tử Phật nếu anh ta hoặc cô ta chấp nhận bốn sự thật sau đây:
Mọi sự vật được cấu thành [bởi nhiều yếu tố - hữu vi] đều vô thường.
Mọi cảm thọ đều là đau khổ.
Mọi sự vật vốn đều không thật tồn tại.
Niết bàn [là điều] vượt ra ngoài mọi khái niệm.
Bốn điều khẳng định này, do chính Đức Phật tuyên thuyết, được biết tới như là “bốn dấu ấn” [bốn pháp ấn]. Từ xưa, dấu ấn có nghĩa là điều gì đó giống như là ấn chứng sự chân thực. Để đơn giản và thuận tiện, chúng tôi sẽ sử dụng cả từ “dấu ấn” lẫn từ “sự thật” để nhằm chỉ bốn điều tuyên thuyết này, để không bị nhầm lẫn với Tứ Diệu Đế của đạo Phật – những điều chỉ đề cập tới các khía cạnh của khổ đau. Mặc dù bốn dấu ấn này được tin rằng bao chứa tất cả đạo Phật, người ta dường như không muốn nghe về chúng. Nếu thiếu những giải thích sâu sắc hơn thì những dấu ấn này chỉ phục vụ cho những kẻ yếm thế hay nản chí và chẳng thể thúc đẩy nhiệt tâm tìm hiểu trong nhiều trường hợp. Đề tài của câu chuyện hẳn sẽ thay đổi và thế là kết thúc cuộc trò chuyện.
Thông điệp của bốn pháp ấn này được hiểu theo nghĩa đen, chứ không hề huyền bí hay ẩn dụ chút nào và được hiểu một cách nghiêm túc. Nhưng những dấu ấn này không phải là chỉ dụ hay mệnh lệnh. Với một chút suy tư người ta có thể thấy ngay rằng chẳng có gì mang tính đạo đức hay nghi lễ ở đây. Cũng không đề cập đến hành vi xấu hay tốt. Chúng chính là những sự thật muôn thuở trên nền tảng trí tuệ và trí tuệ là mối quan tâm hàng đầu của người Phật tử. Đạo đức và phẩm hạnh là thứ yếu. Nghiện thuốc lá hay hơi ngu ngốc không ngăn cản ai đó trở thành Phật tử. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép trở nên tinh quái hay vô đạo đức.
Nói rộng ra, trí tuệ đến từ một tâm thức mà những người theo đạo Phật thường gọi là “chánh kiến”. Nhưng không phải ai tự coi mình là Phật tử cũng có chánh kiến. Xét đến cùng, đó chính là quan điểm sẽ quyết định động lực và hành vi của chúng ta, dẫn dắt chúng ta tới con đường của đạo Phật. Nếu chúng ta có thể thực hiện những hành vi đạo đức phụ thêm cho việc theo đúng bốn pháp ấn này, điều ấy sẽ khiến chúng ta là những Phật tử tốt hơn. Nhưng điều gì khiến bạn không phải là Phật tử?
Nếu bạn không chấp nhận rằng tất cả mọi sự vật hữu vi đều vô thường [thay đổi, không tồn tại mãi mãi], nếu bạn tin rằng có một vài loại vật chất hay khái niệm nào đó tồn tại vĩnh cửu, thì bạn không phải là Phật tử.
Nếu bạn không chấp nhận rằng mọi cảm thọ đều gây khổ đau, bạn vẫn tin rằng thực sự có một vài cảm thọ thuần túy là thích thú, thì bạn không phải là Phật tử.
Nếu bạn không chấp nhận rằng mọi hiện tượng là hão huyền và trống rỗng, nếu bạn vẫn tin tưởng rằng một số sự vật hiện hữu như vốn có thì bạn không phải là Phật tử.
Và nếu bạn nghĩ rằng giác ngộ tồn tại trong phạm vi thời gian, không gian và năng lực thì bạn không phải là Phật tử.
Vậy thì, điều gì khiến bạn là Phật tử? Có thể bạn không sinh ra tại một đất nước Phật giáo hay trong một gia đình Phật tử, bạn cũng có thể không mặc những chiếc áo thụng dài, không cạo đầu, bạn có thể ăn thịt và thần tượng Eminem Paris Hilton11. Điều đó không có nghĩa bạn không thể trở thành Phật tử. Để trở thành Phật tử, bạn phải chấp nhận mọi hiện tượng hữu vi là vô thường, mọi cảm thọ là khổ đau, mọi sự vật vốn không hiện hữu và giác ngộ là điều vượt ra khỏi các khái niệm.
Không nhất thiết là lúc nào cũng phải nhận thức được về bốn sự thật này. Nhưng chúng phải luôn ở trong tâm trí bạn. Bạn không đi lòng vòng và nhắc đi nhắc lại tên mình, nhưng khi ai đó hỏi tên bạn, dĩ nhiên là bạn nhớ ra ngay lập tức. Chẳng nghi ngờ. Bất cứ ai chấp nhận bốn pháp ấn này, thậm chí là hoàn toàn độc lập với những lời dạy của Phật, thậm chí là chưa từng nghe tới tên Phật Thích Ca Mâu Ni, có thể được coi là trên cùng con đường với Ngài.
Khi cố gắng giải thích tất cả những điều này cho người đàn ông ngồi cạnh trên chuyến bay, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng ngáy khe khẽ và nhận ra ông ta đã ngủ gật. Rõ ràng là cuộc trò chuyện với tôi không làm ông ấy hết buồn chán.
Tôi thích đưa ra nhận định tổng quát, và khi bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy vô số nhận xét tổng quát. Nhưng tôi tự bào chữa cho mình bằng cách nghĩ rằng ngoài cách tổng quát hóa ra thì con người chúng ta không có nhiều phương tiện để truyền thông với nhau. Đây là một nhận xét tổng quát.
Qua việc viết cuốn sách này, mục đích của tôi không phải là thuyết phục mọi người đi theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trở thành Phật tử và thực hành pháp. Một cách có chủ ý, tôi sẽ không đề cập tới bất cứ một kỹ thuật, phương pháp thực hành thiền hay tụng chú nào. Dự định chủ yếu của tôi chỉ là trình bày phần độc đáo của đạo Phật khiến đạo Phật khác biệt so với những quan điểm khác. Vị Thái tử Ấn Độ đã nói gì mà khiến Ngài nhận được nhiều sự kính trọng và ngưỡng mộ đến vậy, thậm chí ngay cả các nhà khoa học hiện đại như Albert Einstein? Ngài đã nói gì mà khiến hàng ngàn người hành hương vừa đi vừa lạy từ Tây Tạng tới Bồ Đề Đạo Tràng? Điều gì khiến Phật giáo khác hẳn với các tôn giáo khác trên thế giới? Tôi tin rằng đó là nhờ vào bốn pháp ấn này, và tôi đã cố gắng trình bày những khái niệm khó khăn này bằng ngôn ngữ đơn giản nhất mà tôi có.
Ưu tiên hàng đầu của Ngài Tất Đạt Đa là đạt tới tận gốc rễ của vấn đề. Phật giáo không bị ngăn cản bởi những rào cản về văn hóa. Lợi ích mà nó mang lại là không giới hạn đối với bất cứ một xã hội nào, và không có chỗ cho chính quyền và chính trị. Ngài Tất Đạt Đa không quan tâm tới những luận thuyết hàn lâm hay những học thuyết khoa học thực chứng. Trái đất có phẳng hay tròn chẳng hề là vấn đề đối với Ngài. Ngài có sự thực hành rất khác biệt. Ngài muốn đi đến tận cùng nỗi khổ đau. Tôi hy vọng khi làm sáng tỏ rằng những lời dạy của Ngài không phải là một triết lý tri thức vĩ chỉ để đọc rồi cất lên giá sách, mà đó là cái nhìn hợp lý, có tính ứng dụng cao khiến mỗi cá nhân có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Để nhằm mục đích đó, tôi cố gắng sử dụng những ví dụ mà tôi gặp trên đường đời – từ những đổ vỡ trong tình yêu lãng mạn đến những nhu cầu khẩn thiết của nền văn minh mà ai trong chúng ta cũng biết. Những ví dụ trong cuốn sách này có thể khác với những ví dụ mà Ngài Tất Đạt Đa đã sử dụng, nhưng thông điệp của Ngài vẫn còn có giá trị cho tới tận ngày nay.
Nhưng Ngài Tất Đạt Đa cũng nói rằng lời của Ngài không nên tin ngay mà thiếu đi sự phân tích, kiểm chứng. Vì thế, dĩ nhiên một người bình thường như tôi cần phải được các bạn soi xét cẩn trọng, và tôi mời bạn hãy làm công việc phân tích những gì mà bạn sẽ tìm thấy trong những trang sách này.