Chương hai: Cảm thọ và khổ đau
Trải qua nhiều năm thiền định và tu khổ hạnh, Ngài Tất Đạt Đa vẫn kiên định trong quyết tâm tìm ra nguồn gốc của khổ đau và tìm cách làm giảm khổ đau của chính mình và người khác. Ngài đi thẳng tới Ma Kiệt Đà (Magadha), trung tâm của Ấn Độ, để tiếp tục thiền định. Trên đường Ngài gặp một anh ta bán cỏ tên là Thiện Tri (Sotthiya), người đã cho Ngài một nắm cỏ kusha. Ngài nhận ra đó chính là một điềm lành: trong văn hóa Ấn Độ cổ đại, cỏ kusha được coi là dấu hiệu của triển vọng. Thay vì tiếp tục cuộc hành trình, Ngài quyết định dừng lại và thiền định ngay tại đó. Ngài tìm thấy một chỗ để ngồi trên những phiến đá phẳng dưới một cội cây fi cus religiosa gần đó, dùng nắm cỏ kusha làm đệm ngồi. Ngài âm thầm phát nguyện: Thân xác này có thể mục nát, ta có thể tan rã thành bụi, nhưng nếu không tìm ra giải đáp thì ta sẽ không đứng dậy.
Trong khi ngồi thiền định dưới cội cây, Ngài không xao lãng. Quỷ Vương Ma La (Mara) nghe thấy lời nguyện của Ngài, cảm thấy sức mạnh quyết tâm của Ngài. Mara không thể ngủ được, bởi vì hắn biết rằng bên trong Ngài Tất Đạt Đa có một tiềm năng khiến toàn bộ lãnh địa của hắn hỗn loạn. Là một chiến binh mưu lược, hắn cử năm người con gái xinh đẹp nhất của mình tới để làm xao lãng và quyến rũ Thái tử. Khi các thiếu nữ (chúng ta gọi chúng là apsara, hay là các vũ nữ) khởi sự, chúng rất tự tin vào tài quyến rũ của mình. Nhưng khi tới gần Thái tử đang thiền định, vẻ đẹp của chúng bắt đầu tan biến. Chúng trở nên héo úa, già cỗi, người đầy những mụn cóc, da thịt bốc mùi hôi thối. Ngài Tất Đạt Đa không hề bị xao động. Bọn apsara buộc phải trở về, khiến cha chúng rất tức giận. Có kẻ dám cả gan từ chối những người con gái của hắn! Trong cơn giận dữ, Ma La triệu tập cả đoàn tùy tùng của hắn - một đội quân được trang bị với đủ loại vũ khí.
Đội quân của Ma La tấn công đồng loạt. Nhưng trước sự sững sờ của chúng, mọi cung tên, giáo mác, đá và máy bắn đá nhằm vào Tất Đạt Đa đã biến thành một trận mưa hoa ngay khi chúng vừa tiến gần mục tiêu. Sau nhiều giờ tấn công không thành, Ma La và đội quân của hắn mệt mỏi và đành chịu thua. Cuối mũi Ma La tiến tới gần Ngài Tất Đạt Đa, với tất cả khả năng ngoại giao của mình, để thuyết phục Ngài từ bỏ cuộc truy tìm chân lý của Ngài. Ngài nói rằng Ngài sẽ không từ bỏ sau khi đã nỗ lực suốt bao kiếp sống. Ma La hỏi: Làm sao chúng tôi có thể chắc rằng Ngài đã cố gắng đấu tranh lâu đến vậy? Ngài Tất Đạt Đa trả lời: Ta chẳng cần sự công nhận của ai, trái đất này sẽ là nhân chứng cho ta, Ngài vừa nói vừa chạm tay xuống đất, mặt đất rung chuyển và Ma La biến mất vào trong không khí. Thế đấy, Ngài Tất Đạt Đa đã tìm được giải thoát và trở thành một vị Phật. Ngài đã khám phá ra con đường kết thúc khổ đau tại chính gốc rễ của nó, không chỉ cho bản thân Ngài mà còn cho tất cả mọi người. Nơi diễn ra trận quyết đấu cuối cùng với Ma La giờ được gọi là Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), và cội cây mà Ngài đã ngồi thiền được gọi là “cây bồ đề”.
Đó chính là câu chuyện mà các bà mẹ Phật tử đều kể cho con mình nghe qua rất nhiều thế hệ.
Định nghĩa hạnh phúc cá nhân
Thật không thích đáng khi hỏi một Phật tử rằng: “Mục đích của cuộc đời là gì?” bởi vì câu hỏi đó gợi ý là đâu đó ở ngoài kia, có lẽ ở một hang động hay trên một đỉnh núi, có một mục đích tối hậu. Câu hỏi này gợi ý chúng ta có thể giải mã một bí mật bằng cách học hỏi với những vị thánh sống, đọc sách, hay thành thạo những thực hành mật pháp. Nếu câu hỏi đó dựa vào một giả định rằng trong muôn kiếp trước có một ai đó, một vị thần, đã lập ra một mục đích, thì đó là một câu hỏi mang tính hữu thần. Người Phật tử không tin rằng có một đấng sáng tạo toàn năng, và họ cũng không có khái niệm rằng mục đích của cuộc đời đã được hoặc cần được xác định hay định nghĩa.
Một câu hỏi phù hợp hơn đặt ra cho một Phật tử là: “Cuộc đời là gì?” Từ hiểu biết của chúng ta về vô thường, câu trả lời cũng rất rõ ràng, hiển nhiên: “Cuộc đời chỉ là một mảng lớn gồm các hiện tượng hữu vi, và vì thế cuộc đời là vô thường”. Cuộc đời là sự chuyển dịch, một tập hợp của những kinh nghiệm nhất thời. Và mặc dù vô số những hình thái sống (như người, chó mèo, chim chó, côn trùng) đang hiện hữu, chúng ta đều có cùng một điểm chung là chẳng có chúng sinh nào muốn khổ đau. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, từ các tổng thống, các tỉ phú cho tới lũ kiến, ong, tôm, hay bướm làm việc chăm chỉ.
Dĩ nhiên những định nghĩa về “khổ đau” và “hạnh phúc” cũng rất khác nhau giữa những hình thái sống này, ngay cả trong cảnh giới tương đối bé nhỏ của loài người. Định nghĩa về niệm “khổ đau” đối với một số người có thể là định nghĩa về “hạnh phúc” đối với một số người khác, và ngược lại. Với một số người, được hạnh phúc chỉ có nghĩa là xoay sở làm sao để được sống; đối với những người khác nó có nghĩa là sở hữu bảy trăm đôi giày. Có rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi có được một hình xăm giống như hình xăm của David Beckham trên bắp tay của họ. Nhiều khi cái giá chính là đời sống của chúng sinh khác, như khi hạnh phúc của ai đó tùy thuộc vào sự có được một vây cá mập, một cái đùi gà, hay một dương vật của hổ. Một vài người coi sự mơn trớn nhẹ nhàng của một cái lông chim là gợi dục, trong khi những ngưởi khác lại thích bàn xát, roi da, dây xích…Vua Edward VIII thích cưới một người phụ nữ Mỹ đã ly dị thay vì mang vương miện của Đế quốc Anh hùng mạnh.
Ngay cả với một cá nhân, những định nghĩa về “hạnh phúc” và “khổ đau” cũng thay đổi. Chỉ một khoảnh khắc nhẹ dạ trong sự tỏ tình bỗng nhiên có thể làm lệch lạc quan điểm của một người vốn muốn có mmối quan hệ nghiêm túc; hy vọng trở thành sợ hãi. Khi bạn là một đứa trẻ trên bãi biển, thì việc xây những xây tòa lâu đài trên cát là hạnh phúc. Khi lớn lên thành một thiếu niên, nhìn ngắm những cô gái mặc bikini và những chàng trai để ngực trần đang lướt sóng là hạnh phúc. Đến tuổi trung niên, tiền và sự nghiệp là hạnh phúc. Và khi bạn đã ngoài tám mươi, sưu tập những chiếc hũ gốm là hạnh phúc. Đối với nhiều người, đáp ứng những khái niệm luôn thay đổi và vô tận này là “mục đích của cuộc đời”.
Rất nhiều người trong chúng ta thường học những định nghĩa về “hạnh phúc” và “khổ đau” từ xã hội mà chúng ta đang sống, đẳng cấp xã hội ấn định cách chúng ta đo sự hài lòng của mình. Đó chính là vấn đề về những giá trị được chia sẻ. Hai chúng sinh từ hai nơi hoàn toàn khác nhau của thế giới có thể trải qua những cảm giác giống nhau – thích thú, chán chường, sợ hãi – dựa trên những biểu thị văn hóa khác biệt về hạnh phúc. Chân gà có thể là món khoái khẩu của người Trung Quốc, trong khi người Pháp lại rất thích phết một lớp gan ngỗng lên miếng bánh mì của họ. Có học thuyết cho rằng chúng ta sẽ hoàn toàn hài lòng mà không cần có cửa hàng, không có xe hơi thể thao, không có các cửa hàng café Starbucks, không cạnh tranh, không có khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người – và xe đạp có giá trị hơn xe Humvee. Thay vào đó, chúng ta học những gì chúng ta muốn. Một thập kỷ trước, những chiếc đầu đĩa video là biểu tượng của sự giàu có ở vương quốc Bhutan. Dần dần câu lạc bộ những người sở hữu xe Toyota Land Cruiser đã thay thế những câu lạc bộ VCR của những người sở hữu đầu đĩa video theo quan điểm tối hậu của Bhutan về sự giàu có và hạnh phúc.
Thói quen coi những tiêu chuẩn của nhóm là những tiêu chuẩn của mình đã được hình thành từ độ tuổi rất sớm. Khi học lớp một, bạn có thể nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa đều có một loại hộp bút nào đó. Bạn phát triển nhu cầu về một hộp bút chì loại ấy cho riêng bạn để giống như các bạn khác. Bạn nói với mẹ và việc mẹ bạn có mua cho bạn chiếc hộp bút đó hay không sẽ quyết định hạnh phúc của bạn. Điều này tiếp tục khi bạn đến tuổi trưởng thành. Nhà hàng xóm sở hữu một chiếc TV plasma hay một chiếc SUV mới cứng nên bạn cũng muốn có một thứ như thế – chỉ có điều là phải mới hơn và lớn hơn. Cạnh tranh và ham muốn những gì mà người khác đang có cũng tồn tại ở bình diện văn hóa. Thường thì chúng ta đánh giá những phong tục và truyền thống của nền văn hóa khác cao hơn là tập tục của chúng ta. Gần đây có một thầy giáo Đài Loan đã quyết định để tóc dài giống như tập tục của Trung Quốc cách đây nhiều thế kỷ. Anh ta trông rất phong cách, giống như một chiến binh Trung Quốc cổ xưa, nhưng hiệu trưởng đã dọa sẽ sa thải người giáo viên đó nếu anh ta không hành xử “đúng đắn”, nghĩa là để kiểu tóc ngắn của phương Tây thế kỷ 21. Giờ đây anh ta cắt tóc ngắn trông như thể anh ta mới bị điện giật.
Sẽ rất ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến việc người Trung Quốc cảm thấy bối rối vì nguồn gốc của mình, tuy rằng chúng ta thấy nhiều trường hợp tương tự về mặc cảm tự tôn - tự ti này ở nhiều quốc gia châu Á. Một mặt, nhiều quốc gia châu Á rất tự hào về truyền thống văn hóa của mình; nhưng mặt khác, họ thấy mình có phần khiên cưỡng và lạc hậu. Họ đã thay thế nó bằng nền văn hóa của phương Tây trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống – trang phục, âm nhạc, đạo đức và thậm chí cả hệ thống chính trị phương Tây.
Ở cả bình diện văn hóa và cá nhân, chúng ta tiếp thu những cách thức bên ngoài và ngoại lai để đạt được hạnh phúc và vượt qua khổ đau, mà hiếm khi nhận ra những phương cách này thường mang lại những kết quả trái ngược với kết quả mong đợi. Thất bại trong việc áp dụng những điều đó đã tạo ra nhiều khổ sở mới bởi vì không chỉ chúng ta vẫn khổ đau, mà chúng ta cũng cảm thấy xa lạ với chính cuộc sống của mình, chẳng thể hòa hợp với quy lệ ấy.
Một số định nghĩa mang tính văn hóa này về “hạnh phúc” cũng có hiệu quả tốt ở một mức độ nào đó. Nhìn chung, sự có được một chút tiền tại ngân hàng, một chỗ ở tiện nghi, có đủ thức ăn, những đôi giày tươm tất và những tiện nghi căn bản khác sẽ khiến chúng ta hạnh phúc. Nhưng những vị đạo sĩ ở Ấn Độ và những ẩn sĩ lang thang ở Tây Tạng cảm thấy hạnh phúc bởi vì họ không cần có một xâu chìa khóa - họ không cần phải lo lắng rằng tài sản của họ sẽ bị lấy cắp bởi vì họ chẳng có gì để mà khóa lại cả.
Những định nghĩa chính thức về “hạnh phúc”
Khá lâu trước khi đến địa điểm nổi tiếng Bồ đề Đạo tràng, Ngài Tất Đạt Đa đã từng ngồi dưới một cội cây khác trong vòng sáu năm. Thân thể Ngài trở nên gầy mòn chỉ vì sống nhờ vào một chế độ ăn chỉ vài hạt gạo và vài giọt nước; Ngài không tắm hay cắt móng chân tay; và vì thế Ngài trở thành mẫu hình cho những người bạn cùng tu khác. Ngài nghiêm khắc giữ mình mình đến nỗi lũ trẻ chăn bò trong vùng thường trêu chọc Ngài bằng việc lấy cỏ chọc vào tai Ngài hay thổi kèn vào mặt Ngài, nhưng chúng không bao giờ quấy nhiễu được Ngài. Nhưng một ngày, sau rất nhiều năm thực hành tu tập, Ngài bỗng nhận: Thế này là không đúng. Đây là con đường cực đoan, cũng chỉ là một cái bẫy khác giống như những kỹ nữ, những vườn chim công và những chiếc thìa nạm ngọc. Và thế là Ngài quyết định vượt lên khỏi tình trạng hành xác ấy và Ngài xuống tắm dưới dòng sông Ni Liên Thiền (Naianjana, nay là sông Phalgu). Trước sự ngỡ ngàng của các bạn đồng tu, Ngài còn nhận một bát sữa tươi từ một cô gái vắt sữa tên là Tu Xà Đa (Sujata). Hẳn là những người đồng tu với Đức Phật đã tẩy chay Ngài, vì nghĩ rằng Ngài sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức của họ và sự gần gũi Ngài sẽ cản trở việc tu tập của họ.
Người ta có thể hiểu tại sao những vị tu khổ hạnh này lại phản đối Đức Phật vì Ngài đã phá bỏ lời thề của mình. Con người thường cố gắng tìm kiếm hạnh phúc không chỉ thông qua vật chất mà còn qua cả những phương tiện tâm linh nữa. Một phần lớn trong lịch sử thế giới tập trung vào tôn giáo. Tôn giáo gắn kết mọi người bằng những con đường sáng sủa và những quy tắc đạo đức của nó – yêu thương hàng xóm của bạn, thực hành sự bao dung, Quy tắc Vàng, thiền định, chay tịnh và sự hy sinh. Nhưng những nguyên tắc tưởng chừng như hữu ích này có thể trở nên cực đoan, giáo điều và khiến mọi người cảm thấy tội lỗi và tự ti một cách không cần thiết. Ta cũng thường thấy một tín đồ ngạo mạn xem thường các tôn giáo khác với tất cả sự hẹp hòi, sử dụng niềm tin của mình để chỉnh sửa nền văn hóa khác hay thậm chí gây nên sự hoại diệt về vật chất. Những ví dụ về sự nỗ lực phá hoại như thế rất nhiều và lan tỏa khắp nơi.
Con người ta không chỉ dựa vào tôn giáo có tổ chức mà còn phụ thuộc vào cả những trí tuệ thông thường – hay thậm chí là những khẩu hiệu chính trị – để đạt được hạnh phúc và làm giảm khổ đau. Theodore Roosevelt1 đã nói: “ Nếu tôi phải chọn giữa công lý và hòa bình, tôi sẽ chọn công lý.” Nhưng đó là công lý của ai? Chúng ta định đi theo sự diễn giải của ai. Chủ nghĩa cực đoan tức là lựa chọn một hình thức công lý và loại bỏ tất cả những hình thức khác.
Một ví dụ khác: thật dễ dàng nhận ra sự hấp dẫn về trí tuệ của Khổng Tử, như là kính trọng và vâng lời người lớn tuổi, và không vạch ra những lỗi lầm và sự sỉ nhục của gia đình và quốc gia. Trí tuệ của Khổng Tử rất thực tế và có thể hữu ích trong việc vận dụng vào thế giới này. Đó cũng có thể là những chỉ dẫn khôn ngoan, nhưng trong rất nhiều trường hợp, quy luật này đưa tới những hậu quả tiêu cực, như là sự độc quyền và sự áp chế những quan điểm đối nghịch. Ví dụ: sự ám ảnh về việc giữ thể diện và tuân lệnh người lớn tuổi đưa lại kết quả hàng thế kỷ của mánh khóe và lừa dối, đối với những người hàng xóm và cả với toàn quốc gia.
Nhiều nhà lãnh đạo tại nhiều nước hô hào công lý, dân chủ. Những nhà lãnh đạo này, vốn có những kẻ tay chân tôn vinh và những sai trái của họ được giữ bí mật, sẽ cố giữ chức vụ của họ đến tận hơi thở cuối cùng, hay đến khi có người kế vị. Rất ít thay đổi đã được thực hiện từ hệ thống phong kiến cũ. Luật pháp và công lý được thiết lập để gìn giữ an ninh và tạo ra xã hội hòa hợp, nhưng trong nhiều trường hợp, hệ thống công lý chống tội phạm lại chỉ phục vụ cho quyền lợi của những kẻ lừa đảo và những người giàu có, trong khi người nghèo và trẻ con phải chịu đựng những luật lệ bất công.
Con người chúng ta mải mê theo đuổi hạnh phúc và sự chấm dứt khổ đau hơn là sự ham thích hay nghề nghiệp, bằng cách sử dụng vô số những phương pháp và phương tiện vật chất. Đó là lý do tại sao chúng ta có những tiện nghi như thang máy, máy tính xách tay, pin có thể sạc lại, máy rửa bát, lò nướng có thể bắn bánh mì ra đúng số lượng lát bánh mà bạn cần, máy hút phân chó, nhíp lấy lông mũi bằng pin, nhà vệ sinh với ghế ngồi ấm, thuôc Novocain, điện thoại di động, dược phẩm Viagra, giấy dán tường… Nhưng điều chắc chắn là các tiện nghi đó cũng khiến người ta đau đầu không kém.
Các quốc gia cũng tìm kiếm hạnh phúc và sự chấm dứt khổ đau nhưng trên diện rộng lớn hơn: chiến đấu vì lãnh thổ, dầu mỏ, không gian, thị trường tài chính và quyền lực. Họ phát động các cuộc tấn công trước để tránh bị thiệt hại trước. Về mặt cá nhân, chúng ta cũng làm như thế bằng cách săn sóc sức khỏe phòng ngừa, uống vitamin, đi bác sĩ để tiêm phòng, thử máu và chụp CAT toàn bộ cơ thể. Chúng ta đang tìm những dấu hiệu báo trước sự khổ đau. Và một khi chúng ta tìm thấy khổ đau thì ngay lập tức tìm kiếm phương cách chữa bệnh. Mỗi năm, kỹ thuật mới, liệu pháp mới và những cuốn sách hướng dẫn cách tự săn sóc cố gắng đưa ra những giải pháp lâu dài nhằm giải quyết khổ đau và, một cách lý tưởng, loại trừ vấn đề từ gốc rễ của nó.
Ngài Tất Đạt Đa cũng nỗ lực chặt đứt khổ đau từ gốc rễ của nó. Nhưng Ngài không mơ tưởng tới một giải pháp như là phát động một cuộc cách mạng chính trị, di trú lên một hành tinh khác hay tạo ra một nền kinh tế thế giới mới. Ngài cũng chẳng nghĩ tới việc tạo ra một tôn giáo hay phát triển những quy tắc đạo đức nhằm mang tới hòa bình và hòa hợp. Ngài khám phá khổ đau với tâm hồn rộng mở, và do nỗ lực thiền quán, Ngài đã tìm thấy gốc rễ của vấn đề, đó chính là những cảm thọ của chúng ta dẫn đến khổ đau. Thực ra, chúng là khổ đau. Cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, tất cả những cảm thọ của chúng ta đều được sinh ra từ sự chấp ngã trong ý nghĩa rằng chúng bao hàm và nắm níu vào một cái ngã. Hơn thế nữa, Ngài còn phát hiện ra những cảm thọ có vẻ hoàn toàn như thật nhưng chúng không phải là một phần sẵn có của sự hiện hữu của con người. Chúng không phải là bẩm sinh, cũng không phải là loại nguyền rủa hay sự gán ghép của ai đó hay vị thần nào đó trút vào chúng ta. Xúc thọ sẽ sinh khởi khi các nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) đặc biệt tụ đến với nhau, như khi bạn chợt nghĩ rằng có ai đó đang chỉ trích bạn, phớt lờ bạn hay tước đi một thứ gì đó của bạn. Và sau đó, cảm thọ tương ứng sẽ sinh khởi. Giây phút bạn chấp nhận những cảm thọ đó, giây phút chúng ta chìm đắm vào cảm thọ đó, chúng ta đã đánh mất sự nhận biết và sự tỉnh táo. Chúng ta bị “kích động”. Vì thế, Ngài Tất Đạt Đa tìm ra giải pháp của Ngài – sự tỉnh giác. Nếu thực sự mong muốn xả bỏ khổ đau, bạn cần phải làm phát sinh sự tỉnh giác, chú ý tới những cảm thọ của mình và học cách để tránh bị “kích động”.
Nếu bạn xem xét những cảm thọ của mình như Ngài Tất Đạt Đa đã làm, nếu bạn nỗ lực nhận diện được nguồn gốc của chúng, bạn sẽ thấy rằng chúng có căn nguyên từ sự hiểu lầm và về cơ bản chúng là sai lầm. Tất cả cảm thọ cơ bản là một dạng của thành kiến; trong mỗi cảm thọ luôn luôn có một thành tố phán xét.
Ví dụ, một ngọn đuốc được quay tròn ở một tốc độ nào đó sẽ hiện ra như một vòng tròn lửa. Ở rạp xiếc, trẻ em ngây thơ, và cả một số người lớn, nhận thấy cảnh tượng này rất vui mắt và thú vị. Những khán giả tưởng những gì mình thấy là thật; ảo giác quang học khiến họ mất tỉnh táo... Dù nó kéo dài bao lâu, thậm chí nếu chỉ trong một khoảnh khắc, họ cũng vẫn bị thuyết phục hoàn toàn và sâu đậm. Trong thể cách tương tự, nhiều người trong chúng ta bị lầm lạc về vẻ dáng bên ngoài của chính cơ thể mình. Khi nhìn vào cơ thể mình, chúng ta không nghĩ về từng phần riêng như phân tử, gene, các mạch và máu. Chúng ta nghĩ đến thân thể như là một tổng thể; và hơn thế nữa, chúng ta còn cho rằng đây là một cấu trúc đang thực sự hiện hữu được gọi là “thân thể”. Bị thuyết phục như vậy nên trước hết chúng ta luôn ước mình có vòng eo thon thả, những bàn tay đẹp đẽ, chiều cao ấn tượng, nét mặt đậm đà, thùy mị, một hình vóc có đường nét. Thế rồi chúng ta bị ám ảnh và dành thời gian vào việc luyện tập thể hình, kem dưỡng da, trà giảm cân, tuân thủ những chế độ ăn uống nghiêm ngặt, tập yoga, nước hoa oải hương.
Giống như những đứa trẻ bị thu hút, lôi kéo và thậm chí là sợ hãi bởi vòng tròn lửa kia, chúng ta trải nghiệm những cảm thọ về vẻ bên ngoài và sự khỏe mạnh của cơ thể chúng ta. Khi trông thấy một vòng tròn lửa, người lớn biết rằng đó là một ảo ảnh, vì thế chúng ta không bị mất bình tĩnh. Sử dụng lý lẽ cơ bản này, chúng ta có thể thấy rằng vòng tròn lửa kia được hình thành từ những thứ được kết hợp lại – động tác của cánh tay cầm bó đuốc đang cháy. Một người anh hay chị có thể trở nên kiêu căng hoặc hách dịch đối với đứa em nhỏ. Tuy thế, là những người trưởng thành, chúng ta có thể nhìn thấy cái vòng tròn, chúng ta có thể hiểu sự hứng khởi của bọn trẻ, đặc biệt nếu đó là vào buổi tối, những vũ công nhảy múa, âm nhạc sôi động và những thứ náo nhiệt khác phụ họa cho tiết mục ấy. Thế rồi cảnh tượng ấy thậm chí còn gây sợ hãi cho người lớn chúng ta dù chúng ta vẫn cảnh giác với tính chất giả ảo căn bản của nó. Theo Ngài Tất Đạt Đa, sự hiểu biết này là hạt giống của từ bi.
Sự hỗn hợp bất định của các cảm thọ
Khi nhập định, Ngài Tất Đạt Đa bắt đầu nhìn thấy tính chất vốn là giả ảo của tất cả các hiện tượng, và với hiểu biết này, Ngài quay trở lại quan sát cuộc sống cũ của Ngài tại cung điện với các cuộc hội tiệc, các khu vườn thả chim công, bạn bè và gia đình của Ngài. Ngài thấy cái được gọi là gia đình giống như, cái nhà trọ hay khách sạn, ở đó có những người khách đăng ký trú ngụ và tạm thời tụ lại với nhau. Cuối cùng, sự tụ tập của những người này rồi cũng phân tán – vào thời điểm cái chết, nếu không nói là có thể sớm hơn. Trong khi ở cùng nhau, nhóm này có thể phát triển một mối liên hệ bằng sự tin cậy, trách nhiệm, tình yêu và chia sẻ thành công cũng như thất bại, từ đó mà đủ mọi tình huống phát sinh.
Ngài Tất Đạt Đa có thể nhìn thấy rõ ràng rằng người ta dễ bị cuốn đi bởi quan niệm về một cuộc sống gia đình bình dị, ý niệm sẽ sống cùng nhau và tất cả những hiện tượng hấp dẫn của cuộc sống nơi cung điện. Những người khác không thể nhìn thấy như Ngài thấy, hay như người lớn có thể thấy vòng tròn lửa chỉ là những thành phần giả huyễn, được tập hợp, vô bản chất. Nhưng giống như một bậc cha mẹ hiền hậu, thay vì tỏ ra ngạo mạn hay áp chế những đứa con vì sự khờ khạo của mình, Ngài nhìn thấy bên trong vòng lửa đó không hề có sự xấu hay tốt; không phải là lỗi lầm; cho nên không có trách cứ, và điều ấy khiến Ngài chỉ cảm thấy lòng đại từ bi.
Khi nhìn ra sự hời hợt của cuộc sống nơi cung điện, Ngài Tất Đạt Đa bấy giờ đã thấy cả cơ thể vật lý của mình là vô bản chất. Đối với Ngài, vòng lửa và cơ thể này có cùng một bản chất. Chừng nào một ai đó tin rằng những thứ như thế thực sự hiện hữu – tạm thời hay “vĩnh cửu” – thì niềm tin của người đó bắt rễ từ chính sự hiểu lầm này. Sự hiểu lầm này không gì khác hơn là sự thiếu tỉnh giác. Và khi sự tỉnh giác mất đi, đó là điều mà các Phật tử gọi là vô minh (si muội). Chính do sự vô minh này mà các cảm thọ của chúng ta mới sinh khởi. Quá trình này, bắt nguồn từ sự mất tỉnh giác đến sự sinh khởi của các cảm thọ, có thể được giải thích đầy đủ khi sử dụng bốn sự thật, như chúng ta sẽ thấy.
Rất nhiều cảm thọ hiện hữu trong thế giới này. Mỗi giây phút có hàng vạn cảm thọ được sinh ra dựa trên những phán xét sai lầm, những thành kiến và cả sự si muội (vô minh) của chúng ta. Chúng ta quen thuộc với sự yêu và ghét, tội và vô tội, tận tụy, bi quan, ganh tỵ và tự hào, sợ hãi, hổ thẹn, buồn bã, vui tươi và còn quá nhiều thứ nữa. Nhiều nền văn hóa có những từ ngữ để chỉ cảm thọ trong khi các nền văn hóa khác không có nên chúng không tồn tại. Ở một số nước châu Á, không có từ để chỉ tình yêu lãng mạn, trong khi người Tây Ban Nha có rất nhiều từ để chỉ nhiều loại cảm giác khác nhau về tình yêu. Theo những người Phật tử, còn vô số cảm thọ chưa có tên trong bất kỳ ngôn ngữ nào, thậm chí vượt khỏi khả năng của thế giới lý luận của chúng ta. Một ít cảm thọ có vẻ hợp lý, nhưng hầu hết là phi lý. Một số cảm thọ có vẻ bình an lại có nguồn gốc từ sự nóng giận. Một số cảm thọ thì hầu như không thể nhận biết được. Chúng ta có thể nghĩ rằng ai đó tỏ ra hoàn toàn vô cảm hay thờ ơ, nhưng tự nó cũng chính là một cảm thọ.
Những cảm xúc có thể rất trẻ con. Ví dụ, bạn có thể nổi giận vì ai đó không nổi giận trong khi bạn nghĩ rằng họ phải nổi giận. Hay một hôm bạn có thể buồn bực vì người yêu của bạn cứ khăng khăng xem bạn là của riêng mình và hôm sau bạn lại buồn bực vì người đó không còn khăng khăng như thế. Một số cảm thọ là kỳ lạ đối với một người bàng quan, như khi Thái tử Charles, trong một lúc lén lút tán tỉnh đã nói với người tình bấy giờ là Camilla Parker Bowles rằng ông chẳng quan tâm nếu kiếp sau ông tái sinh làm miếng băng vệ sinh của cô. Một số cảm thọ biểu lộ rõ như sự kiêu căng, như những người ở trong Nhà Trắng áp đặt ý tưởng của họ về tự do lên thế giới này. Ép buộc những quan điểm cá nhân của chúng ta vào người khác thông qua sức mạnh, thư nặc danh, trò lừa đảo hay sự vận động tinh tế là một phần của những hoạt động cảm xúc của chúng ta. Không chỉ một vài tín đồ Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo mới cảm thấy hăng say trong việc cải đạo cho những người ngoại đạo để giúp họ thoát khỏi lửa địa ngục và sự nguyền rủa [của Thượng đế]; trong khi những người theo chủ nghĩa hiện sinh lại cố gắng chuyển hóa những người theo đạo thành những người ngoại đạo. Những cảm thọ có khi xuất phát từ một dạng tự hào buồn cười, ví dụ như giữa những người Ấn Độ yêu nước đối với một người Ấn Độ được dựng lên bởi những kẻ thống trị người Anh. Nhiều người Mỹ ái quốc có sự cảm thọ tự cho rằng mình đúng khi Tổng thống Bush, từ hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, tuyên bố chiến thắng Iraq, dù thực ra cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Khao khát được tôn trọng là một cảm thọ: hãy nhìn Malaysia, Đài Loan và Trung Quốc đua nhau xem nước nào có thể xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới, như thể đó là bằng cớ cho sự hùng cường của các nước ấy. Những cảm thọ có thể là đau đớn và ray rứt, dẫn tới chứng ái nam (pedophilia) và bạo dâm. Một người đàn ông còn thông báo trên Internet rằng mình đang tìm một thanh niên muốn bị giết và bị ăn thịt. Anh ta đã nhận được rất nhiều phản hồi và quả thật anh ta đã giết và ăn thịt một trong những người đã phản hồi ấy.
Đạt tới gốc rễ: (Vô) ngã
Tất cả những cảm thọ đa dạng này và hậu quả của chúng phát sinh từ sự hiểu lầm, và sự hiểu lầm này đến từ cùng một nguồn gốc – đó là gốc rễ của vô minh (ngu si) – sự chấp ngã (nắm níu vào cái tôi).
Chúng ta cho rằng mỗi người chúng ta là một cái ngã (cái tôi), rằng có một thực thể được gọi là “tôi”. Tuy nhiên, cái ngã lại là một sự hiểu lầm khác. Chúng ta thường tạo ra khái niệm về ngã, như thể đó là một thực thể thuần nhất. Chúng ta được đặt vào hoàn cảnh để thấy khái niệm này nhất quán và chân thực. Chúng ta nghĩ: Tôi là hình tướng này, và đưa tay lên. Chúng ta nghĩ: Tôi có hình tướng, đây là thân thể của tôi. Chúng ta nghĩ: Hình tướng là tôi, tôi thì cao. Chúng ta nghĩ: Tôi ở trong hình tướng này, và chỉ vào ngực mình. Chúng ta cũng làm thế với những cảm giác, nhận thức và hành động của mình. Tôi có những cảm giác, tôi là những nhận thức của tôi… Nhưng Ngài Tất Đạt Đa nhận ra rằng chẳng có thực thể nào độc lập được định tính như là một cái ngã có thể tìm thấy ở đâu đó, hoặc ở trong hoặc ở ngoài thân thể. Giống như ảo ảnh quang học của vòng tròn lửa, cái ngã cũng là huyễn giả. Nó là một sự hư ngụy, căn bản là sai lầm, hoàn toàn không hiện hữu. Nhưng ngay khi chúng ta mất kiểm soát vì cái vòng lửa thì chúng ta cũng mất kiểm soát vì suy nghĩ rằng chúng ta là cái ngã. Khi chúng ta nhìn vào thân thể, cảm xúc, nhận thức, hành động và ý thức của mình, chúng ta thấy rằng đấy là những thành phần khác nhau của cái mà ta nghĩ đến như là “tôi”, nhưng nếu chúng ta kiểm chứng lại chúng, chúng ta có thể tìm thấy rằng “tôi” không cư ngụ ở bất kỳ thứ nào trong các thứ ấy. Bám chấp lấy sự hư ngụy của cái ngã là một hành động rất buồn cười của vô minh (si, si muội); nó sẽ mãi mãi nuôi dưỡng vô minh, và nó dẫn tới tất cả những khổ đau và thất vọng. Mọi thứ chúng ta làm trong cuộc sống phụ thuộc vào cách chúng ta nhận thức “chính mình”. Vì thế, nếu nhận thức này dựa trên những hiểu biết sai lầm, mà dĩ nhiên nó phải sai lầm, thì sự hiểu biết sai lầm này sẽ thấm vào mọi thứ chúng ta làm, nhìn thấy và trải nghiệm. Đó không phải là một vấn đề đơn giản của một đứa trẻ hiểu lầm về ánh sáng và sự chuyển động; toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta dựa trên những tiền đề rất nông cạn.
Vào thời điểm Ngài Tất Đạt Đa nhận ra vô ngã (không có cái tôi – ngã), Ngài cũng nhận ra không hề có sẵn cái xấu ác nào – chỉ có sự vô minh. Đặc biệt, Ngài nhìn thấu sự vô minh trong việc tạo ra một nhãn hiệu “tôi” rồi dán nó vào một hiện tượng được cấu thành hoàn toàn vô căn cứ, quy cho nó tầm quan trọng và truy tìm mọi cách để bảo vệ nó. Ngài nhận thấy chính sự vô minh này dẫn thẳng tới khổ đau và thương tổn.
Vô minh chỉ đơn giản là không biết tới các sự kiện, hoặc có những sự kiện sai lầm, hoặc có cái biết không trọn vẹn. Tất cả những dạng thức của vô minh đều dẫn tới sự hiểu lầm và sự diễn dịch sai lạc; sự đánh giá quá cao hoặc quá thấp. Giả sử bạn đang tìm kiếm bạn của mình và bạn nhìn thấy anh ta ở phía cánh đồng đằng xa. Khi tới gần, bạn mới phát hiện ra bạn đã nhận lầm bù nhìn là người bạn ấy. Bạn cảm thấy thất vọng. Không phải là hình người bù nhìn tinh nghịch ấy hay người bạn kia cố lén lút khiến bạn nhầm lẫn, đó là sự vô minh của chính bạn đã lừa dối bạn. Bất cứ những gì chúng ta làm mà khởi lên từ vô minh đều do chúng ta tự suy diễn một cách thiếu căn cứ. Khi chúng ta hành động thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết không trọn vẹn, thì không có cơ sở để tự tin. Sự bất an cơ bản của chúng ta khởi lên và tạo ra mọi cảm thọ này, có tên và không tên, nhận ra được và không nhận ra được.
Lý do duy nhất để chúng ta cảm thấy tự tin rằng mình sẽ lên tới tầng lầu cao nhất (khi chúng ta đang dùng thang máy), hay chuyến bay của chúng ta sẽ cất cánh và hạ cánh an toàn tại nơi đến, là vì chúng ta đang hưởng sự vui thích trong vô minh. Nhưng sự vui thích đó cũng không kéo dài được lâu, bởi vì nó chẳng gì hơn là sự đánh giá quá cao rằng tỷ lệ xác suất sẽ thiên về phần tốt đẹp cho chúng ta, và sự đánh giá quá thấp về những trở ngại. Dĩ nhiên, các nhân duyên tụ đến với nhau và các sự việc xảy ra như chúng ta đã dự tính, nhưng chúng ta lại coi thành công này là đương nhiên phải như vậy. Chúng ta sử dụng nó làm bằng chứng để cho thấy sự việc không thể khác đi được những dự tính của chúng ta là có cơ sở. Nhưng những dự liệu như thế chỉ nuôi dưỡng sự hiểu nhầm mà thôi. Mỗi khi chúng ta có một dự tính – chẳng hạn, rằng chúng ta hiểu người phối ngẫu của mình – là chúng ta đang tự phơi bày chính mình giống như là một vết thương hở miệng vậy. Những dự tính và sự mong chờ dựa vào một ai đó hay một điều gì đó thường khiến chúng ta tổn thương. Vào bất cứ lúc nào, một trong những điều trái ngược khôn lường có thể xảy ra sẽ như rắc muối vào những dự tính của chúng ta, khiến chúng ta nao núng và than khóc.
Thói quen: Đồng minh của ngã
Có lẽ phát hiện lớn nhất trong lịch sử loài người là thể hội của Ngài Tất Đạt Đa rằng cái ngã không hiện hữu độc lập, rằng nó đơn thuần chỉ là một nhãn hiệu, và vì thế nắm chấp vào nó là vô minh. Cái nhãn hiệu “ngã” tuy rất mong manh nhưng việc phá hủy nó không hề dễ dàng. Cái nhãn hiệu được gọi là “ngã” là thứ bướng bỉnh nhất trên tất cả mọi khái niệm cần phá vỡ.
Phát hiện của Ngài Tất Đạt Đa về sự hư ngụy của cái ngã được thể hiện trong câu chuyện về sự loại bỏ Ma La (Mara). Theo truyền thuyết, Ma La được xem là chúa tể của cảnh giới dục vọng, chính là sự chấp thủ ngã của Ngài Tất Đạt Đa. Sẽ thích hợp hơn khi miêu tả Ma La như một chiến binh đẹp đẽ, đầy sức mạnh và chưa bao giờ bị đánh bại. Giống như Ma La, bản ngã đầy sức mạnh và chưa từng bị thất bại. Cũng giống như Ma La, cái ngã mạnh mẽ và tham lam vô độ, vị kỷ, và dối trá, khao khát sự chú ý, linh lợi và kiêu ngạo. Thật khó để nhớ rằng, giống như là ảo ảnh của cái vòng lửa, cái ngã được cấu thành, không hiện hữu độc lập và chịu sự thay đổi.
Thói quen khiến chúng ta yếu ớt khi chống lại cái ngã. Ngay cả những thói quen rất đơn giản cũng khó bị diệt trừ. Bạn có thể nhận thức được thói quen hút thuốc có hại như thế nào đối với sức khỏe của mình, nhưng điều ấy không nhất thiết thuyết phục được bạn ngưng hút thuốc, đặc biệt khi bạn thích thú với trình tự hút thuốc, với hình dáng thon thả của điếu thuốc, cách cháy âm ỉ của thuốc lá, khói thơm cuộn quanh những ngón tay của bạn. Nhưng thói quen của cái ngã thì không đơn giản như việc nghiện thuốc lá. Từ vô thủy chúng ta đã nghiện cái ngã. Đó chính là cách chúng ta nhận diện bản thân mình. Đó là thứ mà chúng ta yêu quý nhất. Và thỉnh thoảng đó cũng là thứ mà chúng ta chán ghét nhất, vì sự hiện hữu của nó là điều mà chúng ta xử lý khó khăn nhất để cố gắng công nhận. Hầu như mọi thứ chúng ta làm, nghĩ suy hay sở hữu, kể cả con đường tâm linh, là phương tiện để chúng ta khẳng định sự hiện hữu của nó. Chính cái ngã sợ thất bại, khao khát thành công, sợ địa ngục và khao khát thiên đường. Ngã ghét khổ đau và yêu thích những nguyên nhân gây ra đau khổ. Nó gây chiến tranh một cách ngu xuẩn với danh nghĩa hòa bình. Nó mong ước đạt giác ngộ nhưng lại ghét con đường dẫn tới giác ngộ. Khi cái ngã cảm thấy cô đơn, nó mong muốn tình bạn. Quyền sở hữu của nó đối với những gì mà nó yêu thích biểu lộ ra thành niềm đam mê và có thể dẫn tới sự gây hấn. Giống như con tằm, nó cho rằng những kẻ thù của nó – như là con đường tâm linh được thiết kế để chinh phục tự ngã – thường sẽ bị làm cho hư hỏng và bị kết nạp thành đồng minh của ngã. Kỹ năng của nó trong việc chơi trò chơi lừa dối gần như hoàn hảo. Nó dệt một cái kén xung quanh nó; nhưng không giống con tằm biết tự cắn rách kén để chui ra; nó không biết cách tìm đường ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của chính mình.
Chiến đấu với bản ngã
Trong suốt trận chiến tại Bồ đề Đạo tràng, Ma La đã sử dụng rất nhiều loại vũ khí chống lại Ngài Tất Đạt Đa. Đặc biệt nó có hẳn một bộ sưu tập các loại mũi tên đặc chế. Mỗi mũi tên có những sức mạnh hủy diệt: mũi tên gây ra dục vọng, mũi tên gây ra sự buồn chán về tâm linh, mũi tên gây ra sự kiêu mạn, mũi tên gây ra sự xung đột, mũi tên gây ra sự gây hấn, mũi tên gây ra sự ám ảnh mù quáng và mũi tên gây ra sự mất tỉnh giác,... Trong kinh điển Phật giáo chúng ta đọc thấy rằng Ma La vẫn còn bất bại đối với mỗi người trong chúng ta – lúc nào nó cũng hướng những mũi tên độc của nó vào chúng ta. Khi bị trúng những mũi tên của Ma La, ban đầu chúng ta trở nên tê liệt, sau đó chất độc sẽ phát tán khắp cơ thể và dần phá hủy chúng ta. Khi chúng ta đánh mất tỉnh giác và bám chấp vào ngã, đó là do chất độc gây tê liệt của Ma La. Từ từ nhưng chắc chắn, những cảm thọ gây hại sẽ theo sau, sẽ rỉ vào chúng ta.
Khi bị trúng mũi tên dục vọng, tất cả cảm giác thông thường của chúng ta, sự điềm đạm, sự tỉnh táo đều biến mất trong khi đạo đức giả tạo, sự suy đồi và sự bất lương xâm nhập. Bị trúng độc, chúng ta không từ bất cứ việc gì để đạt được những gì mình muốn. Ai đó bị dục vọng bắn trúng có thể nhận thấy một con hà mã đang đi trên phố là hấp dẫn, thậm chí giống như một người phụ nữ xinh đẹp đang chung thủy chờ đợi anh ta ở nhà. Giống như con thiêu thân lao vào ngọn lửa và con cá đớp vào lưỡi câu có móc mồi, rất nhiều người trên thế giới này mắc bẫy bởi sự ham muốn về thức ăn, sự nổi tiếng, sự tán dương, tiền bạc, sắc đẹp và sự kính trọng.
Đam mê có thể biểu lộ ra như là khao khát quyền lực. Bị giam hãm trong niềm khát khao cháy bỏng, những nhà lãnh đạo có thể hoàn toàn không ý thức rằng sự khao khát quyền lực của họ đang phá hủy hành tinh này như thế nào. Nếu không vì sự ham giàu của một số người thì những xa lộ có thể đã đầy cả những chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời và không có ai bị chết đói cả. Những tiến bộ về công nghệ và vật lý có thể xảy ra, nhưng hình như những tiến bộ về mặt tình cảm thì không thể. Trong khi cáu kỉnh về sự bất công, chúng ta chỉ trích những người như Tổng thống G. W. Bush. Còn chúng ta thì bị trúng mũi tên tham lam, chúng ta không thấy rằng chính ham muốn của chúng ta – ham muốn những tiện nghi như đồ điện tử nhập khẩu cao cấp giá rẻ và những đồ xa xỉ như xe Humvee –ủng hộ cho những cuộc chiến tranh đang tàn phá thế giới này. Mỗi ngày, vào giờ tan tầm ở Los Angeles, những làn đường dành cho xe có nhiều người đi chung (car-pool) thì vắng teo, trong khi hàng ngàn chiếc xe đổ dồn dày đặc trên các làn đường còn lại, và mỗi xe chỉ chở một người. Ngay cả những người biểu tình phản đối khẩu hiệu “Không có máu cho dầu mỏ” cũng có thể phải dựa vào dầu mỏ để nhập khẩu những trái kiwi cho những kẻ khéo mồm.
Những mũi tên của Ma La tạo nên cuộc tranh chấp không bao giờ dừng dứt. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều nhân vật tôn giáo, được tin là những người đã vượt lên khỏi sự ham muốn, mẫu người của chúng ta về sự chính trực và sự nghiêm túc, cũng đã tỏ ra ham muốn quyền lực. Họ dụ dỗ tín đồ bằng sự đe dọa phải xuống địa ngục và những lời hứa được lên thiên đàng. Ngày nay chúng ta chứng kiến những chính trị gia vận động bầu cử và tổ chức các chiến dịch tranh cử đến mức họ không hề ngần ngại dội bom xuống một quốc gia vô tội nếu điều ấy sẽ xoay chuyển công luận về phía ủng hộ họ. Ai quan tâm tới việc bạn thắng một cuộc chiến nếu bạn thắng cử chứ? Những chính trị gia khác thì tỏ ra cao đạo, để cho mình bị bắn, tạo nên những anh hùng và dàn cảnh những thảm họa, tất cả chỉ để thỏa mãn khát vọng quyền lực của họ mà thôi.
Khi cái ngã đầy sự kiêu ngạo, nó thể hiện ra theo nhiều cách – đầu óc thiển cận, hẹp hòi, phân biệt chủng tộc, yếu đuối, sợ bị từ chối, sợ bị thương tổn, vô cảm... Do sự tự hào về nam giới, đàn ông chiếm hết năng lực và những đóng góp của hơn phân nửa nhân loại – phụ nữ. Trong thời gian tìm hiểu, mỗi bên đều để sự ngã mạn cản trở, luôn đánh giá xem liệu bên kia có đủ tốt với mình hay không hoặc có đủ tốt với người khác hay không. Những gia đình danh giá tiêu phí rất nhiều tiền của cho lễ cưới diễn ra trong một ngày trong khi cuộc hôn nhân đó có thể hoặc không thể kéo dài, nhưng cũng vào ngày hôm đó, cùng làng đó, người ta đang chết đói. Một người khách du lịch muốn tỏ ra hào phóng khi cho người gác cửa tờ mười đô la vì đã đẩy cánh cửa quay của khách sạn cho ông ta vào, và phút sau ông ta lại mặc cả một chiếc áo phông trị giá năm đô la với một người bán hàng rong đang cố gắng kiếm sống để nuôi đứa con nhỏ và gia đình của cô.
Sự tự cao và lòng thương hại có quan hệ chặt chẽ. Tin rằng cuộc đời của bạn vất vả hơn và buồn thảm hơn những người khác chỉ là một biểu hiện của chấp ngã. Khi cái ngã phát triển sự tự thương hại, nó loại bỏ chỗ mà những người khác phải cảm thấy thương hại. Trong cái thế giới bất toàn này, rất nhiều người phải chịu đựng và vẫn đang chịu đựng khổ đau. Nhưng khổ đau của một số người đã được phân loại là “đặc biệt” hơn. Tuy hiện nay chưa có thống kê nhưng dường như có thể nói mà không sợ sai rằng số người dân bản xứ ở Mỹ bị giết hại khi người châu Âu sang xâm chiếm Bắc Mỹ làm thuộc địa thì ít nhất cũng bằng số người bị giết trong những cuộc thảm sát chủng tộc đã được công nhận. Thế nhưng chưa có từ nào được sử dụng rộng rãi – như Chủ nghĩa bài Do Thái hay Nạn thảm sát người Do Thái – để chỉ sự tàn sát không thể tưởng tượng được này.
Cũng có sự tự hào rằng mình thuộc về một trường phái hay một tôn giáo nào đó. Người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay Hồi giáo đều tin vào một vị Thượng đế, và theo nghĩa nào đó, họ là những người anh em. Nhưng vì sự tự hào của mỗi tôn giáo trong các tôn giáo này và vì nghĩ rằng họ là “đúng” nên tôn giáo đã gây ra nhiều cái chết hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới cộng lại.
Sự phân biệt chủng tộc hình thành dần dần từ mũi tên độc của sự tự hào. Nhiều người châu Á và châu Phi cáo buộc những người châu Âu da trắng là những người phân biệt chủng tộc, nhưng phân biệt chủng tộc lại là một thiết chế ở châu Á. Ít nhất thì ở phương Tây người ta còn có những luật lệ chống phân biệt chủng tộc và phân biệt chủng tộc bị công khai lên án. Thế nhưng một phụ nữ Singapore có thể không được mang người chồng gốc Bỉ của cô ta về ra mắt gia đình mình. Nhiều người dân tộc thiểu số gốc Hoa và gốc Ấn ở Malaysia không thể nhận được quy chế Bhumiputra, ngay cả khi họ đã sinh sống nhiều thế hệ tại đây. Nhiều người Triều Tiên ở Nhật đến thế hệ thứ hai vẫn chưa được nhập quốc tịch. Mặc dù rất nhiều người da trắng nhận những đứa con da màu làm con nuôi, nhưng chắc hẳn không có chuyện những gia đình châu Á nhận con nuôi là người da trắng. Nhiều người châu Á cảm thấy rất khó chịu về sự hòa lẫn chủng tộc và văn hóa. Người ta có thể tự hỏi những người châu Á sẽ cảm thấy thế nào nếu như tình hình đảo ngược lại; nếu người da trắng nhập cư vào Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Malaysia hay Ả rập và Ấn Độ với con số lên tới nhiều triệu người. Làm thế nào họ xây dựng được những cộng đồng của riêng họ, làm các công việc của nước sở tại, nhập khẩu cô dâu, nói thứ ngôn ngữ của chính họ trong nhiều thế hệ, từ chối nói ngôn ngữ của nước mà họ đang sống – và đỉnh cao nhất là ủng hộ sự cực đoan về tôn giáo tại nước gốc của họ?
Sự đố kỵ là một mũi tên khác của Ma La. Đó chính là một trong những cảm thọ tệ hại nhất. Nó biểu hiện một cách vô lý và tạo ra những câu chuyện ly kỳ để làm phân tán trí óc bạn. Nó có thể tấn công vào những thời điểm bất ngờ nhất, có thể ngay cả khi bạn đang thưởng thức một bản giao hưởng. Mặc dù không có ý định trở thành một tay chơi đàn cello, cũng chưa từng đụng tới cây đàn cello nhưng bạn cũng có thể ghen tỵ với một người chơi cello vô tội mà thậm chí bạn chưa từng gặp. Chỉ vì người chơi cello quá tài năng cũng đủ để đầu độc trí óc bạn. Nhiều người quá khích về chính trị và tôn giáo chế nhạo và chỉ trích nước Mỹ, gọi người Mỹ là “những kẻ độc ác” và “những tên đế quốc”, lại có thể cúi đầu sát đất để mong có được một thẻ xanh, nếu họ chưa có. Vượt lên trên sự ghen tỵ thông thường, xã hội – thường được giới truyền thông dẫn dắt – hầu như luôn làm đổ nhào bất cứ ai hay điều gì đạt được thành tựu, dù là về tài chính, vật chất hay trí tuệ. Một số ít nhà báo cố tỏ ra mình bảo vệ những người bị thua thiệt và những người thấp cổ bé họng, nhưng thường họ sợ phải chỉ ra rằng những người bị thua thiệt thì thực sự quá khích. Những nhà báo này từ chối vạch trần những việc sai trái và một số ít những người thực sự nói ra sẽ đứng trước nguy cơ bị liệt vào những kẻ cực đoan.
Vì ích kỷ muốn có thêm nhiều môn đệ hơn, Ma La khéo léo thuyết giảng về tự do, nhưng nếu một ai đó thực sự thực hành tự do thì Ma La sẽ không nhất thiết muốn như thế. Về cơ bản, chúng ta chỉ thích tự do cho chúng ta chứ không phải cho những người khác. Chẳng có gì lạ lùng nếu chúng ta hay bất cứ người nào khác thực sự thực hành tự do đều không được mời vào đảng phái nào cả. Thứ gọi là tự do và dân chủ này chỉ là một công cụ kiểm soát của Ma La.
Còn tình yêu thì sao?
Người ta có thể nghĩ rằng không phải mọi cảm thọ đều là khổ đau – vì còn tình yêu, niềm vui, cảm hứng sáng tạo, sự tận tụy, sự xuất thần, sự an bình, sự hợp nhất, sự hoàn thành, sự trợ giúp? Chúng ta tin rằng cảm thọ là cần thiết cho thơ ca, nghệ thuật và âm nhạc. Định nghĩa của chúng ta về “khổ” không ổn định và nó bị giới hạn. Định nghĩa về khổ của Ngài Tất Đạt Đa tuy rộng rãi nhưng chuyên biệt và sáng sủa hơn rất nhiều.
Một vài loại khổ đau như gây hấn, đố kỵ và các chứng đau đầu có một tính chất tiêu cực rõ rệt, trong khi những khổ đau khác lại tạo ra sự đau đớn vi tế hơn nhiều. Đối với Ngài Tất Đạt Đa, bất cứ cái gì có tính chất của sự không chắc chắn và không thể dự đoán được đều là khổ. Ví dụ, tình yêu có thể là thú vị và khiến người ta hài lòng, nhưng nó không phát khởi một cách độc lập và đột ngột. Tình yêu phụ thuộc vào một ai đó hay một điều gì đó, và vì thế nó không thể dự đoán được. Ít nhất thì một người nào đó tùy thuộc vào đối tượng yêu thương, và trong một ý nghĩa nào đó, luôn luôn tùy thuộc vào một sự kiềm chế. Và những điều kiện phụ thêm không thể nhận biết được thì nhiều vô số. Vì lý do này nên thật hoài công nếu chúng ta trách cứ cha mẹ về tuổi thơ bất hạnh của mình hay trách cứ chính mình về sự không hòa hợp của cha mẹ, bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy những điều kiện tùy thuộc nhau không thể nhận ra trong những hoàn cảnh này.
Người Tây Tạng sử dụng các từ rangwang và shenwang để thay cho “hạnh phúc” và “bất hạnh”. Những từ này thật khó dịch; rang nghĩa là “cái tôi, ngã” trong khi wang nghĩa là “quyền lực”, “có quyền” hay là “được quyền”, và shen nghĩa là “khác”. Nói rộng ra, ai đó đang ở trong sự tự kiểm soát thì người đó có hạnh phúc, còn ai đó nắm giữ sự kiềm chế thì người đó không có hạnh phúc. Vì thế, định nghĩa của “hạnh phúc” là khi người ta có sự tự kiểm soát trọn vẹn, tự do, có quyền, thong dong, không có những trở ngại, không cần sự kiềm chế. Điều ấy có nghĩa là sự tự do lựa chọn và sự tự do không lựa chọn, tự do hoạt động hay là thong dong.
Có vài điều chúng ta có thể làm để uốn các điều kiện về phía có lợi cho chúng ta, như là uống vitamin để được khỏe mạnh hay uống cà phê để tỉnh táo. Nhưng chúng ta không thể nắm giữ thế giới này đứng yên sao cho nó đừng gây thêm sóng thần nữa. Chúng ta không thể tránh được sự việc một con bồ câu va vào cửa kính xe của chúng ta. Chúng ta không thể điều khiển những người lái xe khác trên xa lộ. Một phần rất lớn trong cuộc đời của chúng ta xoay quanh việc cố gắng khiến người khác vui vẻ, chủ yếu là để chúng ta cảm thấy thoải mái. Thật chẳng thích thú gì khi chung sống với một người lúc nào cũng cau có. Nhưng chúng ta không thể luôn luôn duy trì những cảm thọ tươi vui của người khác. Chúng ta có thể cố gắng, và thỉnh thoảng có thành công, nhưng thủ thuật ấy đòi hỏi sự kiên trì thật mạnh mẽ. Chúng ta nói: “tôi yêu em” vào lúc bắt đầu mối quan hệ thì không đủ. Bạn phải làm những việc đúng đắn – gửi hoa, chú ý tới người đó – cho tới khi kết thúc. Nếu bạn thất bại dù chỉ một lần, mọi thứ bạn đã cất công xây dựng sẽ sụp đổ hết. Và thỉnh thoảng, dù cho bạn tập trung chú ý, đối tượng chú ý của bạn có thể không hiểu, không biết nhận như thế nào hoặc không nhận gì cả. Một chàng trai trẻ đang ăn tối bên ánh nến với người con gái mà anh ta mơ ước, tưởng tượng đêm đó sẽ dài, anh sẽ làm sao để tán tỉnh và làm hài lòng cô ấy. Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng của anh ta mà thôi – một sự suy đoán. Dù đó là sự suy đoán có giáo dục hay không, nó vẫn chỉ là sự suy đoán. Cơ bản là chúng ta không thể nào luôn luôn được chuẩn bị 100%. Do đó, những trở ngại và những đối thủ của chúng ta chỉ cần thành công trong 1% thời gian để gây ra mọi thứ thiệt hại cho chúng ta: nói lỡ lời, nổ khí gas đột xuất hay chiếc máy chiếu tia X tại nơi kiểm tra an ninh ở sân bay bất ngờ chiếu lệch.
Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta không thực sự khổ đau và nếu có khổ đau thì cũng không đến nỗi kinh khủng lắm. Cuối cùng, chúng ta cũng không phải sống bần cùng hay bị tàn sát như ở Rwanda. Nhiều người suy nghĩ: Tôi ổn mà, tôi đang hít thở, đang ăn sáng, mọi thứ đang diễn ra đúng như mong đợi, tôi không khổ đau. Nhưng họ muốn nói gì? Họ có muốn nói như thế 100% không? Họ đã ngưng chuẩn bị các thứ sao cho tốt đẹp hơn chưa? Họ đã rũ bỏ mọi nghi ngờ của họ chưa? Nếu thái độ đó phát xuất từ sự hài lòng đích thực, và ghi nhận những gì họ sẵn có, thì loại ghi nhận này là điều mà Ngài Tất Đạt Đa đã khuyến dụ. Nhưng hiếm khi chúng ta chứng kiến sự hài lòng như thế; người ta luôn có cảm giác ray rứt dai dẳng rằng cuộc sống đắng ra còn nhiều điều hơn thế và sự không hài lòng này dẫn tới khổ đau.
Giải pháp của Ngài Tất Đạt Đa là phát triển sự tỉnh giác về các cảm thọ. Nếu bạn có thể tỉnh giác về các cảm thọ khi chúng khởi sinh, thậm chí là chỉ một chút, thì bạn đã ngăn chặn được hoạt động của chúng; chúng giống như đám trẻ con tuổi mới lớn cầu có người đi kèm. Ai đó đang trông chừng và thế là sức mạnh của Ma La bị yếu đi. Ngài Tất Đạt Đa không bị tổn thương vì những mũi tên độc bởi vì Ngài nhận biết chúng chỉ là những ảo ảnh. Cũng như vậy, những cảm thọ mạnh mẽ của chúng ta cũng có thể trở nên vô hại như những cánh hoa. Và khi bọn vũ nữ đến gần Ngài Tất Đạt Đa, Ngài có thể thấy rõ rằng đó chỉ là những hiện tượng hữu vi, giống như cái vòng lửa, và vì thế chúng mất hết cả sức quyến rũ. Chúng chẳng thể làm cho Ngài bực tức. Tương tự như vậy, chúng ta phá bỏ cái bùa mê bằng cách nhìn thấy rằng những đối tượng ham muốn của chúng ta thực sự chỉ là những hiện tượng hữu vi.
Khi bạn bắt đầu chú ý tới sự tai hại mà những cảm thọ có thể gây ra thì sự tỉnh giác phát triển. Khi bạn có sự tỉnh giác – ví dụ, nếu bạn biết bạn đang ở mép vực – bạn hiểu những nguy hiểm đằng trước bạn. Bạn có thể đi tiếp và làm như bạn vẫn thường làm; đi trên mép vực với sự tỉnh giác thì không còn sợ nữa, thực ra điều này chỉ gây hồi hộp mà thôi. Nguồn gốc thực sự của sợ hãi là sự không hiểu biết. Sự tỉnh giác không ngăn cản bạn sống, nó khiến sự sống trở nên trọn vẹn hơn. Nếu bạn đang thưởng thức một tách trà và cảm nhận được vị chát, vị ngọt của những thứ nhất thời, bạn sẽ thực sự thưởng thức tách trà.