Chương ba: Mọi sự vật đều là Không
Ngay sau khi Ngài Tất Đạt Đa đạt giác ngộ, những lời dạy của Ngài, mà chúng ta gọi là pháp (dharma), bắt đầu thâm nhập vào mọi khía cạnh khác nhau của đời sống Ấn Độ. Pháp vượt lên trên hệ thống giai cấp và hấp dẫn người giàu cũng như người nghèo. Một trong những vị vua vĩ đại nhất sống vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên là Vua A Dục (Ashoka) – một chiến binh dũng cảm và là nhà độc tài hung bạo, khét tiếng vì đã giết người thân để củng cố quyền lực. Nhưng ngay cả vua A Dục cuối cùng cũng nhận ra sự thật của pháp và trở thành một người yêu hòa bình. Ông nổi tiếng là một trong những vị đại thí chủ bảo trợ cho Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
Nhờ có những thí chủ như vua A Dục, pháp tiếp tục tăng trưởng, đi đến mọi phương, lan tỏa ra khỏi biên giới của Ấn Độ. Vào thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên, cách Bồ đề Đạo tràng 600 dặm, tại một làng nhỏ Tây Tạng ở Kya Ngatsa, một con người bình thường với một năng lực phi thường đã ra đời. Trải qua tuổi thơ đầy u tối và những năm tập tành tà thuật, chàng trai trẻ đầy rắc rối này đã giết hàng chục người trong gia đình mình cũng như hàng xóm để trả thù. Chàng chạy trốn khỏi nhà và cuối cùng gặp một người nông dân tên là Marpa – một vị thầy vĩ đại và là một dịch giả. Ông đã dạy cho chàng trai về bản chất của cuộc đời cũng như con đường của cuộc sống như là pháp mà Ngài Tất Đạt Đa đã thuyết giảng. Chàng trai trẻ đã được chuyển hóa. Chàng được biết với cái tên là Milarepa, một trong những vị thánh du già nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Cho đến tận ngày nay, những bài hát và những câu chuyện của Ngài vẫn còn tạo niềm hứng khởi cho hàng trăm nghìn người. Di sản trí tuệ của Ngài được truyền thừa không gián đoạn cho lớp lớp những đạo sư và học trò sau này.
Milarepa đã dạy những học trò của mình rằng những lời dạy của Ngài Tất Đạt Đa không giống như những triết học khác, chỉ đọc để giải trí hay để được kích thích và sau đó bị cất lên giá sách. Chúng ta có thể thực hành pháp và áp dụng nó vào đời sống hàng ngày. Trong số những học trò thuộc thế hệ đầu tiên của Milarepa có một học giả sáng chói tên là Rechungpa. Dù Milarepa đã khuyên Rechungpa rằng việc áp dụng pháp vào đời sống có ý nghĩa quan trọng hơn việc nghiên cứu kinh điển suông, Rechungpa cố tìm mọi cách để tới Ấn Độ, với mong muốn nhận được sự hướng dẫn chính thống tại một trong những học viện triết học Phật giáo lớn nhất vào thời bấy giờ. Thực vậy, Rechungpa đã học tập rất chăm chỉ với những học giả lớn và những vị thánh ở Ấn Độ. Khi Ngài trở về Tây Tạng sau nhiều năm du học, lão sư Milarepa chào đón Ngài trên một cao nguyên cằn cỗi. Sau khi chào hỏi, hai thầy trò bàn luận một hồi về việc học tập của Rechungpa, đúng lúc đó bất ngờ có một trận mưa đá đổ xuống. Chẳng có nơi nào để trú ẩn trên bình nguyên bằng phẳng và rộng rãi này. Milarepa nhặt một chiếc sừng bò dưới đất lên và nhanh chóng chui vào trong đó để trú ẩn khỏi cơn mưa lớn –không phải chiếc sừng trở nên lớn hơn và Milarepa trở nên nhỏ lại. Từ nơi trú ẩn khô ráo này, Ngài hát một bài ca cho Rechungpa biết rằng có rất nhiều chỗ trống trong chiếc sừng trâu... nếu người học trò của ngài nhận ra được bản chất của KHÔNG.
Bạn có thể nghĩ rằng câu chuyện về chiếc sừng bò của Milarepa chỉ đơn thuần là một chuyện thần thoại. Có thể, nếu bạn là người nhẹ dạ, bạn có thể tin đó là một trường hợp phù phép của một hành giả yoga Tây Tạng. Nhưng không phải là thần thoại hay phù phép gì cả, sau đây bạn sẽ thấy thôi.
Nắm giữ cái Không
Bằng cách chinh phục Ma La và đội quân của hắn, Ngài Tất Đạt Đa nhận ra cái không của sự hiện hữu cố hữu. Ngài hiểu rằng mọi thứ chúng ta nhìn thấy, nghe, ngửi, cảm giác, tưởng tượng... chỉ đơn giản là sự trống không mà chúng ta đã quy kết hay đặt tên cho nó là “một sự có thật” nào đó. Hành động đặt tên hay nhận thức thế giới này là thật được sinh ra từ thói quen mạnh mẽ của tập thể và của cá nhân – tất cả chúng ta đều làm thế. Ảnh hưởng của thói quen rất mạnh trong khi khái niệm về tính không chẳng mấy hấp dẫn nên chẳng có mấy ai muốn theo đuổi sự thể nghiệm như Ngài Tất Đạt Đa. Thay vào đó, chúng ta cứ mãi lang thang như người lữ khách mất phương hướng khi đi giữa sa mạc trông thấy một ốc đảo xanh tươi ở đằng xa. Ốc đảo xanh tươi đó thực ra chỉ là ảo ảnh của hơi nóng trên cát, nhưng do tuyệt vọng, khát nước và hy vọng, con người lang thang ấy nhận định đấy là nước. Dùng tàn lực cuối cùng để tới được đó, anh ta phát hiện ra đó chỉ là một hư ảnh và thất vọng hoàn toàn.
Dù cho chúng ta không tự nhận thấy là mình quá thất vọng, và tin rằng mình được giáo dục tốt, chín chắn và đúng mực, khi chúng ta nhìn thấy và cảm nhận rằng mọi sự vật thực sự hiện hữu, chúng ta cũng đang xử sự y hệt như người lữ khách trên sa mạc kia. Chúng ta vội vã tìm kiếm mối quan hệ chân thật, sự an toàn, sự công nhận và thành công, hay chỉ đơn giản là sự an bình và tĩnh lặng. Chúng ta thậm chí còn thành công trong việc đạt tới những thứ nào đó giống như những ham muốn của chúng ta. Nhưng cũng giống như kẻ lang thang kia, khi chúng ta phụ thuộc vào những điều kiện vật chất bên ngoài, cuối cùng chúng ta sẽ thất vọng. Mọi thứ không như vẻ bên ngoài của chúng: chúng vô thường và chúng hoàn toàn không nằm trong sự kiểm soát của chúng ta.
Nếu chúng ta thực sự phân tích, như Ngài Tất Đạt Đa đã làm, chúng ta sẽ thấy những nhãn hiệu như là “hình tướng”, “thời gian”, “không gian”, “phương hướng” và “kích cỡ” dễ dàng bị gỡ bỏ. Ngài Tất Đạt Đa nhận ra rằng thậm chí ngay cả cái ngã chỉ hiện hữu ở một mức độ tương đối cũng chỉ như là ảo ảnh. Sự giác ngộ này khiến Thái tử không còn mong cầu, thất vọng hay khổ đau nữa. Vào lúc giải thoát, Ngài đã nghĩ: Ta đã tìm ra con đường thâm sâu, an lạc, không cực đoan, sáng sủa, mãn nguyện và linh diệu. Nhưng nếu ta nỗ lực diễn tả nó, giảng dạy nó thì không ai nghe, lắng nghe, hay hiểu. Vì thế, ta sẽ vẫn trú trong trạng thái an bình này ở trong rừng. Người ta bảo rằng ngay khi nghe dự định ấy của Ngài Tất Đạt Đa, Đế Thích (Indra) và Phạm Thiên (Brahma) xuất hiện và cầu xin Ngài đừng sống tách biệt trong rừng mà hãy giảng pháp vì lợi ích của những người khác. Họ nói: “Dù cho không phải tất cả mọi người đều có thể hiểu được giáo lý của Ngài thì vẫn có một ít người có thể hiểu, và thậm chí là giúp chừng đó người cũng đáng công.”
Tôn trọng lời thỉnh cầu của họ, Ngài Tất Đạt Đa đi tới Ba La Nại (Varanasi). Ngay thời ấy, nơi đây đã là một thành phố lớn, tập trung giới trí thức và các nhà tư tưởng bên bờ sông Hằng (Ganges) tới Vườn Nai (Sarnath) gần Ba La Nại, Ngài đến gặp những người đồng tu hồi trước đã xa lánh Ngài khi Ngài từ bỏ lời nguyện và uống bát sữa của nàng Tu Xà Đa (Sujata) cúng dường. Khi những người này thấy Ngài Tất Đạt Đa tiến tới gần, họ vội bàn lén với nhau là sẽ lờ Ngài đi.
Họ sẽ không đón chào Ngài, chứ nói gì tới việc đứng dậy và vái chào Ngài. Họ cười nhạo: “Tay dỏm ấy đến đấy”. Nhưng với một người đã hiểu thấu tính không như Ngài Tất Đạt Đa, những khái niệm như ngợi ca hay chỉ trích, kính trọng hay khinh miệt, tốt hay xấu hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả những thứ ấy chỉ là sự diễn giải hời hợt và do đó chẳng cần phản ứng lại như thể chúng là kiên cố. Vì thế, Ngài Tất Đạt Đa tiến lại gần không chút tự kiêu, e ngại hay tự hào. Vì không e dè, dáng đi của Ngài đường bệ đến nỗi năm vị sa môn không có cách nào khác là đứng lên cúi chào Ngài. Ngài Tất Đạt Đa đã thuyết giảng bài pháp đầu tiên ngay lúc ấy và ở đấy, và những người bạn đồng tu ngày trước giờ đây trở thành những học trò đầu tiên của Ngài.
Lý luận bị giới hạn của chúng ta
Ngài Tất Đạt Đa đã đúng khi cho rằng việc thuyết giảng không phải là một công việc dễ dàng. Trong một thế giới đang bị suy động bởi sự tham lam, sự cao ngạo và chủ nghĩa vật chất, ngay cả việc giảng dạy những nguyên lý cơ bản như tình yêu thương, từ bi và bác ái cũng rất khó khăn, huống chi là chân lý về tính không. Chúng ta bị gắn chặt với những suy nghĩ nông cạn, hời hợt và bị trói buộc bởi tính thực dụng. Đối với chúng ta, điều gì đó có thể nhìn thấy và ngay lập tức là hữu dụng thì sẽ đáng để chúng ta đầu tư thời gian và sức lực. Theo tiêu chuẩn này, tính không được Đức Phật định nghĩa có vẻ như hoàn toàn không có lợi ích. Chúng ta có thể nghĩ: Đâu là lợi ích của việc suy tưởng về sự vô thường và tính không của thế giới hiện tượng? Liệu tính không có lợi ích gì không?
Với lý luận có giới hạn của mình, chúng ta nên một định nghĩa có sẵn về những gì là có thể hiểu được và những gì có ý nghĩa với chúng ta – và tính không thì vượt ngoài giới hạn ấy. Như thể khái niệm “ không” không thích hợp với đầu óc của chúng ta. Điều này là bởi vì cái tâm của con người vận hành trên một hệ thống luận lý kém cỏi trong khi vẫn còn vô số hệ thống lập luận khác vẫn có sẵn cho chúng ta. Chúng ta vận hành như thể hàng thiên niên kỷ đã trôi qua trước giây phút này, và nếu ai đó sắp nói với chúng ta toàn bộ sự tiến hóa của loài người xảy ra chỉ bằng thời gian một ngụm cà phê chảy xuống cổ họng, chúng ta sẽ không thể nào hiểu nổi. Tương tự như thế, khi chúng ta đọc những giáo lý Phật giáo rằng một ngày trong địa ngục kéo dài bằng 500 năm, chúng ta sẽ nghĩ rằng những vị tu sĩ chỉ đang cố gắng hù dọa để chúng ta khuất phục. Nhưng hãy tưởng tượng một tuần đi nghỉ với người yêu dấu nhất của bạn – tuần lễ đó sẽ trôi qua nhanh như một cái búng tay. Mặc khác, một đêm trong tù dường như kéo dài mãi mãi. Hiểu theo cách này, khái niệm về thời gian của chúng ta có vẻ bắt đầu không ổn.
Một số người trong chúng ta có thể cho phép một chút những điều chưa từng biết vào trong hệ thống suy nghĩ của mình, tạo chỗ cho những khả năng về sự sáng suốt, trực giác, ma quỷ, những đối tác tâm linh, và vân vân nhưng phần lớn chúng ta dựa vào sự phân biệt nhị nguyên – thứ luận lý căn bản trên khoa học. Chỉ có một số ít người được coi là tài năng có đủ dũng khí hay có kỹ năng để vượt qua những quy ước và chừng nào quan điểm của họ còn không quá táo bạo, họ có thể vượt qua chính mình như họa sĩ Salvador Dali. Cũng có những hành giả yoga vượt qua những gì đã được chấp nhận theo quy ước và được tôn lên như là “những cuồng nhân linh diệu”. Nhưng nếu bạn thực sự đi quá xa khỏi cái ranh giới đã được chấp nhận, nếu bạn tin vào thì rất có thể bạn bị người tanghĩ là bất bình thường, điên khùng và phi lý.
Ngài Tất Đạt Đa thì không phi lý. Ngài chỉ khẳng định rằng lối suy nghĩ quy ước, hợp lý ấy là hạn chế mà thôi. Chúng ta không thể hoặc sẽ không thể hiểu được điều gì vược ra ngoài vùng thuận tiện của chúng ta. Sẽ thiết thực hơn nhiều khi làm việc với quan niệm theo chiều dài thời gian “hôm qua, hôm nay và ngày mai” hơn là nói “thời gian là tương đối”. Chúng ta không được lập trình để suy nghĩ: Tôi có thể vừa vặn trong cái sừng bò mà không cần thay đổi kích cỡ hay hình dạng của tôi.
Chúng ta không thể phá vỡ những khái niệm của mình về “nhỏ” và “to”. Thay vào đó, chúng ta tiếp tục giam mình với quan điểm an toàn và chật hẹp đã được trao truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, khi những quan điểm này bị xem xét, chúng không đứng vững. Ví dụ, khái niệm về thời gian theo chiều dài mà thế giới này vẫn phụ thuộc vào nó rất mạnh mẽ lại không tính tới sự việc là thời gian không hề có khởi đầu và kết thúc thực sự.
Sử dụng tính hợp lý này, dù chẳng chính xác chút nào, chúng ta đo đếm và dán nhãn lên mọi sự vật là “thực sự hiện hữu”. Chức năng, sự nối tiếp và đồng thuận đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng nếu một thứ có chức năng nào đó – ví dụ, bàn tay của bạn có vẻ có chức năng do nó đang cầm cuốn sách này – thì nó phải hiện hữu trong ý nghĩa nó là thường hằng, rốt ráo, hợp lý... Một bức ảnh của một bàn tay sẽ không có chức năng theo cách như thế, nên chúng ta biết rằng đó không thực sự là một bàn tay. Tương tự, nếu một thứ gì đó có một tính chất tương tục – ví dụ, hôm qua chúng ta nhìn thấy một ngọn núi và ngày hôm nay nó vẫn ở đó – chúng ta tin rằng nó là “thật” và ngày mai, ngày kia nó sẽ ở đó. Và khi những người khác xác nhận rằng họ nhìn thấy chính các sự vật mà chúng ta nhìn thấy, chúng ta càng chắc chắn rằng những sự vật ấy đang thực sự hiện hữu.
Tất nhiên, chúng ta không đi khắp mà hợp lý hóa, xác nhận, dán nhãn cho sự hiện hữu thực sự của các sự vật – đây là cuốn sách thực sự hiện hữu trong hai bàn bàn tay thực sự hiện hữu của tôi – một cách có ý thức, nhưng trong tiềm thức chúng ta luôn hoạt động với sự tự tin rằng thế giới này hiện hữu vững chắc, và điều này ảnh hưởng tới cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận hàng ngày. Chỉ trong những dịp hiếm hoi, chúng ta nhìn vào gương hay một ảo ảnh, chúng ta mới nhận ra một số sự vật chỉ đơn thuần là những vẻ bề ngoài. Không có máu, thịt ở trong gương, chẳng có nước ở trong ảo ảnh. Chúng ta “biết” rằng hình ảnh trong gương là không thật, rằng chúng chúng không có bản chất hiện hữu cố hữu. Hiểu biết này có thể đưa chúng ta đi xa hơn, nhưng chúng ta chỉ đi xa tới mức mà lý trí của chúng ta cho phép mà thôi.
Khi được giới thiệu khái niệm về người đàn ông vừa vặn trong một cái sừng bò mà không cần thay đổi kích cỡ, chúng ta có vài lựa chọn như sau: Chúng ta có thể “hữu lý” và bác bỏ câu chuyện bằng cách bảo rằng không thể dễ dàng như thế được. Hay chúng ta có viện đến một niềm tin huyền bí nào đó trong khoa phù thủy và nói: Ồ vâng, Milarepa là một hành giả vĩ đại như thế, tất nhiên Ngài có thể làm như vậy và còn hơn nữa. Chẳng có cách nào trong hai cách hiểu trên của chúng ta là đúng cả, bởi vì bác bỏ là một dạng đánh giá thấp, còn tin mù quáng là một dạng đánh giá quá cao.
Dòng sông của ngày hôm qua: Chấp nhận luận lý bất toàn
Thông qua sự quán tưởng không mệt mỏi của mình, Ngài Tất Đạt Đa nhìn thấy rõ ràng những sai lầm trong trong những hình thức quy ước của sự đánh giá, hợp lý hóa và dán nhãn thông thường. Tất nhiên trong một chừng mức nào đó, những hình thức ấy cũng hoạt động êm xuôi – thế giới của chúng ta dường như vận hành dựa trên những quy ước này. Khi chúng ta nói về một thứ gì đó đang hiện hữu đích thực, chúng ta bảo rằng nó là rõ ràng, không phải là tưởng tượng, thực sự, có thể chứng minh, không biến đổi và không chịu ảnh hưởng của bất cứ điều kiện nào. Dĩ nhiên chúng ta cũng nói rằng có một số sự vật biến đổi. Một nụ hoa rồi sẽ nở thành bông hoa và chúng ta vẫn nghĩ nó là một bông hoa thực sự hiện hữu khi nó biến đổi.
Sự trưởng thành và biến đổi ấy là một phần trong ý tưởng cố định của chúng ta về bản chất của bông hoa. Chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn rất nhiều nếu như bông hoa trở nên thường hằng. Vì thế, trong ý nghĩa ấy, sự trông đợi của chúng ta về sự biến đổi là không biến đổi.
Một dòng sông chảy với nước trong và sạch, luôn thay đổi và chúng ta vẫn gọi nó là một dòng sông. Nếu năm sau chúng ta đến nơi ấy, chúng ta sẽ nghĩ đó chính là dòng sông ấy. Nhưng làm sao nó chính là dòng sông ấy được? Nếu chúng ta chia tách một khía cạnh hay một đặc tính nào đó thì sự đồng nhất này hoàn toàn sụp đổ. Dòng nước đã khác, Trái Đất cũng đang ở một nơi khác trong vòng quay xung quanh thiên hà của nó, những chiếc lá đã rơi và đã được thay thế – tất cả những gì còn lại là vẻ bề ngoài của một dòng sông tương tự dòng sông mà chúng ta đã nhìn thấy lần trước. “Vẻ bề ngoài” đó hoàn toàn là một căn bản không vững cho “sự thật”. Chỉ cần phânt ích đơn giản, những trụ cột của cái thực tính quy ước bị vạch rõ là những sự khái quát hóa và giả định rất mơ hồ. Dù cho Ngài Tất Đạt Đa thường sử dụng từ ngữ tương tự với từ ngữ mà những người bình thường có thể sử dụng khi định nghĩa về “sự thật” – không do tưởng tượng, rõ ràng, không đổi, không bị chi phối bởi điều kiện – việc sử dụng những từ ngữ này của Ngài chính xác hơn rất nhiều; chúng không phải là những sự khái quát hóa. Trong quan điểm của Ngài, “không thay đổi” phải có nghĩa là không thay đổi từ mọi góc độ, không hề có ngoại lệ, ngay cả sau khi phân tích.
Định nghĩa thông thường của chúng ta về “sự thật” là kết quả của luận lý bất toàn của chúng ta. Nếu sự phân tích đưa tới một câu trả lời thuận tiện; nếu nó trao cho ta những gì ta muốn, chúng ta sẽ không đi ra khỏi ranh giới đó. Đây có thực sự là chiếc bánh mì kẹp không? Nó có hương vị giống như bánh mì kẹp nên tôi sẽ ăn nó. Sự phân tích sẽ dừng ở đó. Một chàng trai tìm kiếm một người bạn, chàng nhìn thấy một cô gái, cô ấy thật đẹp, vì thế chàng dừng việc phân tích và đến gần cô ta. Sự phân tích của Ngài Tất Đạt Đa vẫn tiếp tục đi càng lúc càng xa cho tới khi chiếc bánh mì kẹp và cô gái chỉ còn là những nguyên tử, và cuối cùng ngay cả nguyên tử cũng chưa làm dừng sự phân tích của Ngài. Không tìm thấy gì nữa ở đó, Ngài được giải thoát khỏi sự buồn nản.
Ngài Tất Đạt Đa thấy cách duy nhất để khẳng định một sự vật nào đó thực sự hiện hữu là chứng minh nó tồn tại độc lập và thoát khỏi mọi sự diễn dịch, sự tạo thành, hoặc sự biến đổi. Đối với Ngài Tất Đạt Đa, tất cả những cơ chế có vẻ như có chức năng trong cuộc sinh tồn hàng ngày – các cơ chế thể chất, tình cảm, tư duy – đều nằm ngoài định nghĩa này. Tất cả chúng đều được tập hợp từ những thành phần không ổn định và vô thường nên chúng luôn thay đổi. Chúng ta có thể hiểu sự khẳng định này trong thế giới quy ước. Ví dụ, bạn có thể nói rằng hình ảnh phản chiếu trong gương của chính bạn là không thực sự hiện hữu bởi vì nó phụ thuộc vào thế đứng của bạn trước gương. Nếu nó độc lập thì dù bạn không có mặt, ở đó vẫn có một hình ảnh phản chiếu. Tương tự như thế, không có gì có thể thực sự hiện hữu mà không phụ thuộc vào vô số điều kiện.
Chúng ta nhìn vòng lửa và dễ dàng hiểu những điều kiện tạo thành nó. Chúng ta chấp nhận rằng chừng nào tất cả những thành tố còn hoạt động với nhau thì đấy thực sự là một vòng lửa… đối với bây giờ. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ như thế về cuốn sách mà chúng ta đang cầm hay chiếc giường mà chúng ta đang nằm? Nó giống như một cuốn sách, người khác thấy nó là một cuốn sách, nó có chức năng giống một cuốn sách; nhưng khi bạn phân tích nó, cái nguyên tắc “đối với bây giờ” có thể cũng được áp dụng vào nó nữa. Mọi thứ chúng ta nhận thức trong suốt đời sống của chúng ta đều là “đối với bây giờ”. Các sự vật xuất hiện trong giây lát; chúng ta chỉ không có dũng cảm hay là mong muốn nhìn chúng theo cách đó. Và bởi vì chúng ta không có trí tuệ để nhìn sự vật theo từng phần, chúng ta đành phải nhìn chúng như là một toàn thể. Nếu con nhím bị vặt sạch lông thì chúng ta không còn bị nó đe dọa nữa. Nhưng chúng ta không muốn nhìn thấy toàn bộ thế giới theo cách này. Giống như là cứ co mình nằm trên giường mà mơ một giấc mơ đẹp, bạn mơ màng biết rằng mình đang mơ và không muốn thức dậy. Hay nhìn thấy một cầu vồng đẹp và bạn không muốn lại gần vì nó sẽ tan biến mất. Có được tinh thần dũng cảm để thức dậy và chiêm nghiệm là điều mà các Phật tử gọi là “sự xả bỏ”. Ngược lại với niềm tin thông thường, sự từ bỏ trong Phật giáo không phải là sự tự hành xác hay khổ hạnh. Ngài Tất Đạt Đa quyết chí và đã có thể thấy tất cả sự hiện hữu của chúng ta đơn thuần chỉ là những nhãn hiệu dán lên những hiện tượng không thực sự hiện hữu và nhờ đó Ngài thể nghiệm sự giác ngộ.
Đức Phật không phải là người tu khổ hạnh
Nhiều người mơ hồ về những gì mà Đức Phật dạy nên họ nghĩ Phật giáo là không lành mạnh, rằng Phật tử phủ nhận hạnh phúc và chỉ nghĩ tới khổ đau. Họ cho rằng Đạo Phật xa lánh vẻ đẹp và những hưởng thụ vật chất bởi vì chúng là những thứ cám dỗ; những người Phật tử được cho là trong sạch và chừng mực. Thực ra, giáo lý của Ngài Tất Đạt Đa không hề định kiến với vẻ đẹp và sự hưởng thụ – chừng nào chúng ta còn chưa thoát khỏi cái ý nghĩ rằng những thứ ấy thực sự hiện hữu.
Ngài Tất Đạt Đa có một người đệ tử cư sĩ, một chiến binh tên là Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), người được biết tới như là một vị đại trí tuệ có phép thần thông. Trong những bạn đồng học của Văn Thù có một vị tăng rất chăm chỉ và đáng kính, nổi tiếng vì “phép quán bất tịnh” – phép quán này được nêu ra cho những ai bị ham muốn lôi kéo và có nhiều đam mê. Phép quán bất định tưởng tượng con người là tập hợp của các mạch máu, xương sụn, ruột,… Tôn giả Văn Thù quyết định thử vị tăng kia bằng cách sử dụng thần thông của mình. Ngài biến thành một nữ thần xinh đẹp và xuất hiện trước mặt vị tăng để quyến rũ ông ta. Lúc đầu nhà sư vẫn nghiêm trang, giữ mình ngồi yên, không nhúc nhích một thớ thịt nào. Nhưng ngài Văn Thù tỏ ra có sức quyến rũ siêu đẳng và vị tăng bắt đầu bị mê hoặc. Ông ta rất ngạc nhiên vì trong nhiều năm thực hành thiền, ông ta đã chống lại thành công sự quyến rũ của rất nhiều phụ nữ xinh đẹp trong vùng. Choáng váng và thất vọng về bản thân, vị tăng bỏ chạy. Nhưng nữ thần Văn Thù đuổi theo ông ta cho tới khi ông ta kiệt sức và ngã gục xuống. Khi người phụ nữ quyến rũ kia tiến tới gần, vị tăng nghĩ: Thế đó, người con gái xinh đẹp này sắp ôm ta. Ông ta nhắm mắt thật chặt và chờ đợi, nhưng chẳng có điều gì xảy ra. Cuối cùng ông ta mở mắt ra, nữ thần kia ra thành từng mảnh và Tôn giả Văn Thù xuất hiện, cười vang và nói: “Nghĩ ai đó xinh đẹp là một khái niệm, sự bám chặt vào khái niệm đó sẽ giam hãm ông, cột ông vào một cái nút và cầm tù ông. Nhưng nếu ông nghĩ ai đó là xấu thì đó cũng là một khái niệm, và điều đó cũng trói buộc ông.”
Mỗi năm chúng ta tiêu phí rất nhiều tiền vào việc khiến mình và môi trường xung quanh trở nên hấp dẫn. Nhưng đẹp là gì? Chúng ta có thể nói vẻ đẹp nằm trong mắt của kẻ ngắm nhìn, thế mà hàng triệu người chúng ta vẫn chờ đợi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ để được biết tới ai là người đẹp nhất hoàn cầu, theo sự đánh giá của một ban giám khảo. Mười hay khoảng chừng đó người được cho là sẽ trao cho chúng ta cái định nghĩa tối hậu về cái đẹp. Dĩ nhiên sẽ luôn có những người không phục, căn cứ vào sự việc những người đó đang lờ đi những phụ nữ xinh đẹp ở Papua New Guinea và những phụ nữ duyên dáng của những bộ lạc châu Phi luôn đeo rất nhiều vòng quanh những cái cổ được kéo dài của họ.
Nếu Ngài Tất Đạt Đa có mặt tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, chắc hẳn Ngài sẽ bao quát để nhìn thấy một loại khác của vẻ đẹp tối hậu. Trong mắt Ngài, người được đội vương miện hoa hậu không thể là người có vẻ đẹp tối hậu bởi vì vẻ đẹp của cô ấy phụ thuộc vào người ngắm nhìn. Bởi vì định nghĩa của Ngài về “tối hậu” đòi hỏi sự độc lập đối với bất cứ và tất cả mọi điều kiện; đối với cô ta, đẹp thực sự thì không cần có điều kiện là một cuộc thi sắc đẹp bởi vì tất cả mọi người sẽ tự nhiên đồng ý rằng cô ấy là người đẹp nhất. Và nếu cô ấy thực sự đẹp thì sẽ không bao giờ có một phút giây nào cô ấy “hơi kém xinh đẹp đi”. Cô ấy phải đẹp khi đang ngáp, khi ngáy, khi nước giãi chảy ra từ miệng, khi đi vệ sinh và cả khi già – cô ấy phải đẹp suốt.
Thay vì nhìn nhận một thí sinh nào đó là xinh đẹp hơn hay kém những thí sinh khác, Ngài Tất Đạt Đa sẽ thấy mọi phụ nữ đều không xinh đẹp hay xấu xí. Vẻ đẹp mà Ngài thấy nằm trong hàng trăm triệu khía cạnh mà thí sinh đó được quan sát. Từ rất nhiều quan điểm trong vũ trụ, một người nào đó hẳn sẽ ghen tỵ với thí sinh đó, một người nào đó hẳn là nhìn nhận cô như là người yêu của họ, là con gái, là em gái, là mẹ, là bạn, là đối thủ. Đối với một con cá sấu, cô ấy là thức ăn; với một con kí sinh trùng, cô ấy là vật chủ. Đối với Ngài Tất Đạt Đa, cái đẹp này tự nó là đẹp tuyệt vời vì xét rằng một ai đó xinh đẹp thực sự và tối hậu thì người nào đó phải mãi mãi ổn định trong trạng thái đẹp. Tất cả những trang phục dạ hội hay áo tắm, ánh đèn và son môi sẽ chẳng còn cần thiết. Thế đấy, chúng ta có màn trình diễn của cuộc thi sắc đẹp và đối với bây giờ, quang cảnh xinh đẹp cũng hữu vi và vô thường như vòng tròn lửa trước kia vậy.
Sự thật tương đối: “một cái gì đó” đang hiện hữu
Trong triết học Phật giáo, bất cứ điều gì do tâm nhận thức đều không tồn tại trước khi tâm nhận thức nó; nó tùy thuộc vào tâm. Nó không hiện hữu độc lập nên nó không thực sự hiện hữu. Không phải điều ấy bảo rằng chẳng hề có “một cái gì đó” hiện hữu. Những người theo Phật giáo gọi thế giới được nhận thức là sự thật “tương đối” – một sự thật được đo đếm và dán nhãn bằng tâm thức bình thường của chúng ta. Để định tính là sự thật “tối hậu”, nó phải không được tạo thành [tức không phải là hữu vi], nó phải không là sản phẩm của trí tưởng tượng và nó phải độc lập với mọi sự diễn giải.
Dù Ngài Tất Đạt Đa đã nhận ra tính Không, nhưng tính Không không hề do Ngài hay bất kỳ ai chế tạo ra. Tính Không cũng không phải là kết quả của sự phát hiện của Ngài, cũng không phải nó được phát triển thành một học thuyết giúp cho người ta được hạnh phúc. Dù Ngài Tất Đạt Đa có giảng dạy về nó hay không, tính Không luôn luôn đã là tính Không, dù chúng ta cũng thậm chí không thể nói một cách nghịch lý rằng tính Không luôn đã luôn luôn là, bởi vì nó vượt khỏi thời gian và không có hình tướng. Tính Không cũng không nên được diễn giải như là sự phủ định của hiện hữu – tức là, chúng ta không thể nói rằng thế giới tương đối này là không hiện hữu– bởi vì để phủ định một điều gì đó, bạn cần biết rằng trước tiên phải có một điều gì đó để phủ định. Tính Không không loại bỏ kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Ngài Tất Đạt Đa chẳng bao giờ bảo rằng điều gì đó vĩ đại, tốt hơn, tinh khiết hơn hay là thiêng liêng hơn hiện hữu thay cho những gì mà chúng ta nhận thức. Ngài không phải là một người chủ trương bác bỏ hình tướng hay chức năng của sự hiện hữu trên đời. Ngài không nói rằng không hề có sự xuất hiện của cầu vồng hay là không có chén trà nào ở đây. Chúng ta có thể tận hưởng trải nghiệm của mình, nhưng chúng ta có thể trải nghiệm một điều gì đó không có nghĩa là điều đó thực sự hiện hữu. Ngài Tất Đạt Đa chỉ gợi ý rằng chúng ta nên xem xét kinh nghiệm và cho rằng nó có thể là một ảo ảnh nhất thời, giống như giấc mơ ban ngày.
Nếu có ai đó yêu cầu bạn vỗ hai cánh tay và bay lên, bạn sẽ nói: “Tôi không thể”, bởi vì trong kinh nghiệm của chúng ta về thế giới tương đối này, về mặt vật lý thì không thể bay được, cò khó hơn là có thể giấu mình bên trong một cái sừng bò. Nhưng giả dụ bạn đang ngủ và mơ thấy mình đang bay qua bầu trời. Nếu ai đó trong giấc mơ nói rằng “Con người không thể bay”, bạn sẽ nói: “Có chứ, tôi có thể - bạn thấy chứ?” Và bạn sẽ bay đi. Ngài Tất Đạt Đa chấp nhận cả hai ý kiến ấy – bạn không thể bay khi bạn thức và bạn có thể bay khi bạn ngủ. Lý do là những nguyên nhân và điều kiện đã cùng đến hoặc không cùng đến; một điều kiện cần để có thể bay đang mơ. Khi không có điều kiện ấy thì bạn không thể bay, khi có nó thì bạn có thể bay. Nếu bạn mơ mình đang bay và tiếp tục tin rằng bạn có thể bay ngay cả sau khi bạn đã tỉnh giấc, thì đó sẽ trở thành vấn đề. Bạn sẽ rơi xuống và thất vọng. Ngài Tất Đạt Đa nói rằng thậm chí khi bạn thức trong thế giới tương đối này, bạn vẫn luôn lơ mơ ngủ với sự vô minh, giống như những người vũ nữ ở hoàng cung trong đêm Ngài lìa bỏ lối sống trước kia. Khi những điều kiện và nguyên nhân đúng hợp đến cùng nhau, bất cứ điều gì cũng có thể xuất hiện. Nhưng khi những điều kiện này đã hết, sự xuất hiện đó sẽ không còn nữa.
Xem kinh nghiệm của chúng ta trong thế giới này như là một giấc mơ, Ngài Tất Đạt Đa thấy rằng thói quen gắn chặt vào vẻ bên ngoài của thế giới tương đối và như giấc mơ của chúng ta mà nghĩ rằng nó thực sự hiện hữu, sẽ ném chúng ta vào vòng quay không dừng dứt của khổ đau và lo lắng. Chúng ta như đang ở trong giấc ngủ sâu, như con tằm nằm trong tổ kén vậy. Chúng ta thêu dệt một thực tế dựa trên những phóng chiếu, tưởng tượng, hy vọng, sợ hãi và sai lầm của mình. Những cái kén của chúng ta vô cùng chắc chắn và rất tinh vi. Những gì chúng ta tưởng tượng ra đối với chúng ta là thật, đến nỗi chúng ta bị mắc kẹt trong cái kén. Nhưng chúng ta có thể thoát ra chỉ bằng cách hiểu ra rằng tất cả chỉ là sự tưởng tượng của chúng ta.
Hẳn là có vô số cách để thức tỉnh khỏi giấc ngủ này. Thậm chí những chất gây ảo giác như peyote hay mescaline cũng có thể cho chúng ta khái niệm mơ hồ về khía cạnh hư huyễn của “thực tế”. Nhưng thuốc không thể cho chúng ta sự tỉnh táo hoàn toàn, chỉ vì sự tỉnh táo này phụ thuộc vào một thứ ở bên ngoài và khi tác dụng của mescaline hết thì sự trải nghiệm kia cũng mất đi. Hãy giả định là bạn đã có một giấc mơ tồi tệ. Tất cả những gì nó mang lại là một thoáng nhận thức rằng bạn đang mơ và cần thức dậy. Tia lửa có thể phát xuất từ bên trong giấc mơ. Khi bạn làm điều gì đó bất thường trong giấc mơ, bạn có thể được thúc đẩy để nhận ra rằng mình đang ngủ. Những chất thuốc như mescaline khiến có thể làm lóe lên một thoáng nhận thức bằng cách hiển lộ sức mạnh của tâm thức và trí tưởng tượng. Những ảo giác giúp chúng ta tạm thời nhận biết những ảo ảnh có thể xác thực và đáng tin đến mức nào. Nhưng những thứ ấy thì không thể tin theo được vì chúng chỉ cung cấp một kinh nghiệm giả tạo, thứ kinh nghiệm gây hại cho cơ thể. Thay vào đó, chúng ta nên có khát vọng thức tỉnh một lần là xong, mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì từ bên ngoài. Sẽ tốt hơn nhiều khi nhận thức đến từ bên trong. Những gì chúng ta thực sự cần là sự thức tỉnh khỏi những mẫu thức, sự tưởng tượng và sự ham muốn quen thuộc của chúng ta. Luyện tâm, thiền định là các cách vận hành nhanh chóng nhất, an toàn nhất bên trong dòng tâm thức. Như Ngài Tất Đạt Đa đã nói: “Bạn chính là thầy của mình.”
“Chính sự bám chấp trói buộc bạn”
Ngài Tất Đạt Đa hoàn toàn hiểu rằng trong thế giới tương đối này bạn có thể pha một tách trà Ô Long và uống nó: Ngài sẽ không nói “Chẳng có trà” hay “Trà là Không”. Nếu Ngài phải nói điều gì đó thì đó có thể là sự gợi ý rằng trà không phải như nó có vẻ là trà; ví dụ như trà là những chiếc lá đã bị se cuốn lại và phơi khô rồi được ngâm trong nước nóng. Nhưng có một số người cuồng nhiệt thì bị mê hoặc vì những chiếc lá và làm ra những hỗn hợp đặc biệt, tạo ra những cái tên như Iron Dragon và bán những lượng nhỏ với giá hàng trăm đô la. Đối với họ, đó không chỉ là lá trong nước. Vì lý do này khoảng 1.500 năm sau khi Ngài Tất Đạt Đa thuyết pháp, một trong những người thừa kế pháp của Ngài tên là Tilopa đã nói với môn đệ của mình là Naropa: “Không phải vẻ bề ngoài trói buộc con, mà chính là sự bám chấp trói buộc con”. [Có một vị ni xinh đẹp tên là Utpala. Một người đàn ông yêu cô say đắm và bắt đầu bám theo cô. Việc đeo đuổi của anh ta khiến cô khó chịu và cô cố tránh né anh ta, nhưng anh ta không chịu bỏ cuộc. Cuối cùng, một ngày kia, trước sự bất ngờ của anh ta, cô tiến đến đối mặt với anh ta. Lúng túng tìm lời, anh ta buột miệng nói rằng anh ta yêu đôi mắt của cô. Không chần chừ, cô moi đôi mắt của mình ra đưa cho anh ta. Cơn sốc khiến anh ta nhận ra rằng người ta dễ bị mê hoặc và bị ám ảnh bởi các phần được hợp thành. Khi vượt qua cơn sốc và nỗi sợ hãi của mình, anh ta trở thành đệ tử của vị ni ấy.
Trong một truyền thuyết thiền Nhật Bản, hai thiền sư du hành sắp lội qua một con sông thì có một phụ nữ trẻ xin họ mang cô vượt qua dòng nước chảy xiết ấy. Cả hai vị thiền sư đều đã có lời nguyện giữ giới và không được chạm vào phụ nữ, nhưng không ngần ngại vị tăng lớn tuổi hơn đã nhấc cô lên, đặt cô lên lưng mà cõng cô gái sang sông. Khi họ sang tới bờ bên kia, vị tăng đặt cô gái xuống, không nói năng gì và tiếp tục lên đường. Một vài giờ sau, vị tăng trẻ buột miệng: “Há chẳng phải chúng ta là những nhà sư sao? Tại sao lúc nãy thầy lại cõng người phụ nữ đó?” Vị tăng lớn tuổi hơn trả lời: “Ta đã bỏ cô gái đó lại từ rất lâu rồi. Sao thầy lại cõng người phụ nữ ấy?”
Trong lúc sáng suốt, chúng ta có thể nhìn thấy cái Không của những khái niệm trừu tượng như vẻ đẹp và sự xấu xí – dù sao chúng cũng mở ngỏ ra đó cho diễn giải – nhưng đối với chúng ta thì thật khó hơn nhiều nếu muốn hiểu được cái Không của những thứ hiển hiện rõ ràng, chẳng hạn một chiếc ô tô cần sửa chữa, những hóa đơn cần phải trả, chứng cao huyết áp đe dọa sức khỏe, gia đình giúp đỡ chúng ta hoặc chúng ta cần được gia đình giúp đỡ. Thật dễ hiểu vì sao chúng ta không muốn hoặc không thể thấy những thứ đó là hư huyễn. Còn lố bịch hơn khi chúng ta mải mê tiêu xài phung phí vào thời trang cao cấp, những món ăn sang trọng, những địa vị cao sang hay thẻ hội viên của những câu lạc bộ thượng lưu. Không ít người tệ đến nỗi có một chiếc TV cho mỗi phòng, hoặc hai trăm đôi giày hình như là cần thiết đối với họ. Khao khát một đôi giầy Nikes hay một bộ cánh Giorgio Armani tại một cửa hàng sang trọng vượt xa khỏi sự thôi thúc của những nhu cầu thực tế để sống. Mọi người còn tranh nhau mua những chiếc túi xách ở các cử hàng. Những hiện tượng hữu vi của việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm và thị trường là phức tạp và được tính toán, đến nỗi chúng ta trở thành những kẻ dễ bị lừa bịp vì các nhãn hiệu mà chấp nhận những cái nhãn báo giá lố bịch không tương ứng với giá trị vật chất.
Vì phần lớn mọi người đều tán thành quan điểm rằng những thứ ấy là có giá trị, nên thật khó cho một người yêu thích loại hàng hiệu Louis Vuitton hiểu được sự vô ích của nỗi ám ảnh mà cô ấy gây ra với chiếc túi xách bằng da thật, chứ chưa nói gì tới sự vô ích của chính chiếc túi xách đó. Được củng cố bởi nền văn hóa đại chúng, tầm quan trọng của những thứ địa vị trưởng giả và các nhãn hiệu trở nên càng vững chắc trong trí óc chúng ta, khiến thế giới của chúng ta càng thêm giả tạo.
Ngoài việc bị thao túng bởi những người thu hóa đơn và những thiên tài tiếp thị, chúng ta còn bị đẩy và kéo bởi những hệ thống chính trị, những khái niệm trừu tượng như quyền tự do cá nhân hay những quan điểm đạo đức như chống phá thai và “quyền được chết”. Thế giới chính trị đầy rẫy những nhãn hiệu như thế và cơ hội của những sự lãnh đạo thực sự gần như không có. Con người đã từng trải nghiệm đủ loại người lãnh đạo và mỗi loại đều có lợi ích của riêng nó, tuy nhiều người vẫn chịu khổ. Có thể có những nhà chính trị chính trực thực sự nhưng để tranh cử thắng lợi, họ cần đeo lên mình những cái mác như ủng hộ quyền của những người đồng tính nam hay chống quyền lợi của những người đồng tính nam, dù họ không cảm nhận sâu sắc về vấn đề đó. Chúng ta rất thường thấy chính mình phải miễn cưỡng tuân theo những gì mà số đông nghĩ, dù rằng đó là một quan điểm điên rồ, để có thể được chấp nhận trong cái thế giới được gọi là dân chủ này.
Rất lâu trước đây, trong một đất nước đang khổ vì hạn hán, một nhà tiên tri uy tín tiên đoán rằng sau bảy ngày nữa thì trời sẽ có mưa. Lời tiên đoán trở thành hiện thực và mọi người rất vui mừng. Sau đó, nhà tiên tri lại nói sẽ có một trận mưa đồ châu báu và một lần nữa lời tiên đoán lại trở thành hiện thực. Mọi người đều hạnh phúc và giàu có. Lời tiên đoán tiếp theo của ông là sau bảy ngày nữa sẽ có một trận mưa khác, một trận mưa đáng nguyền rủa, bất cứ ai uống phải nước mưa này sẽ bị điên. Nhà vua ra lệnh dự trữ một lượng lớn nước sạch để ông ta khỏi phải uống thứ nước mưa đáng sợ kia. Nhưng thần dân của ông vua ấy không có đủ chỗ để chứa nước sạch. Khi mưa tới, họ đã uống thứ nước đó và trở nên điên loạn. Chỉ có mình vua là “tỉnh táo”, nhưng ông vua chẳng thể nào cai trị những thần dân điên loạn của mình. Vì thế, như một giải pháp cuối cùng, ông vua cũng uống thứ nước đó. Để cai trị họ, ông vua cũng cần chia sẻ những ảo tưởng của họ.
Như trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, mọi thứ chúng ta làm hay suy nghĩ trong thế giới này đều dựa vào một hệ thống rất hạn chế về luận lý được chia sẻ. Chúng ta quá chú trọng vào sự đồng thuận. Nếu số đông công nhận rằng điều gì đó là đúng thì điều đó thường có giá trị. Khi nhìn vào một cái ao nhỏ, những con người chúng ta thấy đó đúng là một cái ao; nhưng với những con cá trong ao đó thì đây là vũ trụ của chúng. Nếu chúng ta dựa trên quan điểm dân chủ thì những cư dân ở dưới nước sẽ thắng bởi vì số lượng của chúng vượt trội rất nhiều so với số lượng của chúng ta, những người nhìn vào ao. Thế nên luật theo số đông không phải lúc nào cũng đúng. Những bộ phim bom tấn rất tồi có thể thu được lợi nhuận cực lớn, trong khi những bộ phim hay độc lập chỉ được một nhúm người xem. Và bởi vì sự phụ thuộc của chúng ta vào lối suy nghĩ của số đông, thế giới thường được điều khiển bởi những người lãnh đạo thiển cận và tham nhũng; dân chủ chỉ cần có mẫu số chung thấp nhất.
Sự thật: không phải truyền thuyết, không phải pháp thuật, không hề nguy hiểm
Khó mà hiểu được tính Không khi trí óc chúng ta bị chủ nghĩa thực dụng điều kiện hóa; đó là lý do tại sao khiến sự việc Milarepa trú trong một chiếc sừng bò bị gạt sang một bênnhư là một truyền thuyết. Nó chẳng phù hợp với trí óc hạn hẹp của chúng ta, như thể đại dương thì không thể vừa vặn trong một cái giếng. Có một con ếch sống trong một cái giếng. Một ngày kia nó gặp một con ếch khác ở đại dương. Con ếch đại dương kể những câu chuyện hấp dẫn về đại dương của mình và mô tả về sự rộng lớn của đại dương. Nhưng con ếch ở giếng chẳng tin nổi con ếch đại dương; nó cho rằng cái giếng của nó là lớn nhất và là nơi có nhiều nước nhất thế giới bởi vì con ếch ở giếng chẳng hề có cái gì để viện dẫn, chẳng có kinh nghiệm hay lý do để nghĩ ngược lại. Vì thế, con ếch đại dương đưa con ếch ở giếng tới đại dương. Nhìn thấy sự rộng lớn của đại dương, con ếch ở giếng chết vì đau tim.
Sự thể hội không nhất thiết phải gây chết người. Chúng ta không được giống như con ếch ở giếng, gục xuống mà chết khi chúng ta bị đưa vào tính Không. Nếu con ếch đại dương có một chút tình thương và khéo léo hơn thì nó có thể là một người hướng dẫn tốt hơn, và con ếch ở giếng đã không phải chết. Có thể con ếch ở giếng đã di trú đến đại dương. Chúng ta chẳng cần phải có một món quà siêu nhiên để có thể nhận ra bản chất của Không. Đó chỉ là vấn đề của việc học hỏi và sự quyết chí để nhìn các sự vật theo toàn bộ các thành phần, và theo các nguyên nhân và điều kiện ẩn giấu của chúng. Với sự thấu suốt như vậy, một người có thể trở nên giống một nhà dàn cảnh hay người trợ lý quay phim đi xem chiếu bóng. Các chuyên gia thường nhìn thấy những điều nằm ngoài những gì chúng ta nhìn thấy. Họ thấy chiếc máy quay được đặt như thế nào, các ống kính và thiết bị ánh sáng đã được sử dụng ra sao, phản ứng của đám đông trước hiệu ứng của máy tính thế nào, và tất cả các kỹ năng phim ảnh khác mà khán giả không biết được. Vì thế, đối với các chuyên gia ấy, sự giả ảo bị bóc trần ra hết. Tuy vậy, các chuyên vẫn có thể thưởng thức khi chính họ đi xem chiếu bóng. Đó chính là một ví dụ về sự hài hước siêu việt của Ngài Tất Đạt Đa.
Những chiếc cà vạt và dây thòng lọng của cảm thọ
Có một ví dụ cổ điển của đạo Phật được sử dụng để minh họa tính Không là chuyện con rắn và sợi dây. Giả dụ có một người nhát gan tên là Jack, anh ta có chứng sợ rắn. Jack bước vào một căn phòng mờ tối, nhìn thấy một con rắn đang cuộn tròn ở góc phòng và hoảng hốt. Trên thực tế, anh ta đang nhìn thấy một chiếc cà vạt chưa thắt hiệu Giorgio Armani, nhưng trong cơn sợ hãi, anh ta tưởng nhầm về những gì anh ta nhìn thấy đến nỗi anh ta có thể chết vì sợ – cái chết gây ra bởi một con rắn không thực sự hiện hữu. Trong khi anh ta đang có cảm tưởng rằng đó là một con rắn, nỗi khổ đau và sự lo sợ mà anh ta trải qua là điều mà các Phật tử gọi là “luân hồi” (samsara), vốn là một loại bẫy tâm thức. May mắn cho Jack, bạn Jill của anh ta bước vào phòng. Jill bình tĩnh, tỉnh táo và biết Jack đang nghĩ anh ta thấy một con rắn. Cô bật đèn lên và giải thích rằng chẳng có con rắn nào cả, đó chỉ là một chiếc cà vạt. Khi Jack được thuyết phục rằng anh ta được an toàn, niềm tin này không khác điều mà các Phật tử gọi là “niết bàn” – sự giải thoát và tự do. Nhưng niềm tin của Jack dựa vào một ảo tưởng về sự nguy hại đã được loại bỏ, mặc dù ngay từ lúc đầu chẳng có con rắn nào và chẳng có gì gây khổ đau cho anh ta cả.
Điều quan trọng là hiểu rằng bằng cách bật đèn lên và và chứng minh không có con rắn nào cả, Jill cũng đang nói rằng không có sự vắng mặt nào của con rắn. Hay nói cách khác, cô ấy không thể nói: “Con rắn bò đi rồi”, bởi vì con rắn chưa bao giờ ở đó. Cô ấy không khiến con rắn biến mất, cũng giống như Ngài Tất Đạt Đa không tạo ra tính Không. Đó là lý do tại sao Ngài Tất Đạt Đa nhấn mạnh là Ngài không không thể quét sạch khổ đau của những người khác bằng cách vẫy tay của mình. Sự giải thoát của chính Ngài cũng không thể được ban phát hay được chia sẻ từng phần giống như là một loại phần thưởng nào đó. Tất cả những gì Ngài có thể làm là giải thích từ kinh nghiệm của mình rằng ngay từ đầu đã chẳng có khổ đau nào cả, điều giống như việc cô Jill bật đèn lên cho anh Jack vậy.
Khi Jill thấy Jack đứng chết trân vì sợ hãi, cô có vài lựa chọn về những gì phải làm. Cô có thể vạch rõ rằng không có con rắn nào, hoặc cô có thể sử dụng phương pháp khéo léo hơn như là đưa “con rắn” ra khỏi phòng. Nhưng nếu Jack vẫn sợ đến nỗi anh ta chẳng thể phân biệt con rắn với cái cà vạt, ngay cả khi đèn đã được bật lên, và nếu Jill không đủ khéo léo thì cô ấy có thể khiến tình hình càng tệ hại hơn. Cô ấy còn có thể dứ dứ chiếc cà vạt trước mặt Jack, hẳn là anh ta có thể chết vì đau tim. Nhưng nếu Jill khéo léo và thấy rằng Jack đang lầm lẫn, cô ấy có thể nói: “Vâng, tôi thấy con rắn” và cẩn thận mang chiếc cà vạt ra khỏi phòng, để Jack cảm thấy an toàn một chút. Có thể sau đó, khi anh ta đã hoàn hồn, Jill có thể ôn tồn dẫn giải cho đến khi anh ta thấy rằng ngay từ đầu chưa từng có một con rắn nào cả.
Nếu Jack chưa bao giờ vào căn phòng đó, nếu chẳng có sự nhận lầm nào, thì toàn bộ cảnh huống của việc nhìn thấy hay không nhìn thấy con rắn chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng vì anh ta nhìn thấy con rắn và bị dính vào cảnh huống đó, và bởi vì anh ta bị tê cứng vì sợ hãi, anh ta muốn có một phương cách để thoát ra. Giáo lý của Ngài Tất Đạt Đa là một phương pháp cho những sự giải thoát đó. Pháp (dharma) đôi khi được đề cập tới như là một con đường “thiêng liêng”, dù nói một cách quyết đoán rằng chẳng hề có tính thiêng liêng nào trong đạo Phật. Con đường đó là một phương pháp, hay một công cụ đưa chúng ta từ một nơi này đến một nơi khác; trong trường hợp này, con đường này dẫn chúng ta từ vô minh (si muội, ngu dốt) đến sự vắng mặt của vô minh. Chúng ta sử dụng từ “thiêng liêng” hay là “đáng kính trọng” bởi vì trí tuệ của pháp có thể giải thoát chúng ta ra khỏi sợ hãi và khổ đau – điều thường là vai trò của đấng thần thánh.
Kinh nghiệm sống hàng ngày của chúng ta đầy những bất ổn, những niềm vui, những lo lắng và cảm thọ bất chợt luôn cuộn quanh chúng ta giống như một con rắn. Những thứ xảy ra bất chợt như hy vọng, sợ hãi, tham vọng của chúng ta và cả sự cuồng loạn nói chung tạo ra sự tối tăm, mờ mịt khiến cho ảo tưởng về con rắn trở nên sinh động hơn. Giống như chàng trai nhát gan Jack, chúng ta tìm kiếm giải pháp trong mọi ngóc ngách của căn phòng tối. Mục đích duy nhất của việc giảng dạy của Ngài Tất Đạt Đa là giúp những kẻ nhát gan như chúng ta hiểu rằng nỗi khổ đau và bệnh hoang tưởng của chúng ta đều dựa trên những ảo tưởng.
Dù cho Ngài Tất Đạt Đa không thể xóa bỏ khổ đau bằng chiếc đũa thần hay thần lực nào đó, Ngài vẫn rất khéo léo khi bật ngọn đèn lên [gợi ý đến sự việc cô Jill bật đèn cho anh Jack]. Ngài cung cấp nhiều con đường và phương pháp cho việc khám phá chân lý. Thực vậy, trong Phật giáo có hàng chục nghìn con đường để đi theo. Vậy tại sao không đơn giản hóa thành một phương pháp thôi? Lý do là: giống như rất nhiều loại thuốc cần cho nhiều loại bệnh khác nhau, nhiều phương pháp cần thiết cho nhiều tập quán, văn hóa và thái độ. Mỗi phương pháp mà ai đó theo đuổi đều phụ thuộc vào trạng thái tâm của người học và vào kỹ năng mà người thầy có được. Thay vì làm choáng váng mọi người với tính Không ngay từ đầu, Ngài Tất Đạt Đa dạy chúng đệ tử của mình với những phương pháp phổ biến như thiền định và giới luật – “hãy làm điều tốt, chớ trộm cắp, chớ nói dối”. Ngài mô tả những mức độ khác nhau của sự từ bỏ và sự khắc khổ, từ việc cạo trọc đầu đến việc kiêng thịt, tùy theo tư chất của người đệ tử. Dường như những con đường khắc khổ và tôn giáo lại thuận hợp với những ai ngay từ đầu không thể nghe và hiểu tính Không, cũng như những người bản chất là hợp với khổ hạnh.
Đức Phật đã dạy: Phật pháp như là giả dược
Nhiều người cho rằng những giới luật nghiêm khắc và những hành đạo đức là bản chất của đạo Phật, nhưng đó chỉ là một thành phần nhỏ của những phương pháp thiện xảo và phong phú của Đức Phật. Ngài biết rằng ngay từ đầu không phải tất cả mọi người đều có thể hiểu những sự thật tối hậu. Thật khó cho nhiều người trong chúng ta chấp nhận những khái niệm như “địa ngục chỉ là sự cảm nhận về sự giận dữ của chính bạn”, chứ chưa nói gì tới khái niệm về Không. Đức Phật chẳng muốn anh chàng Jack rơi vào “địa ngục” của cá nhân, nhưng Ngài không thể nói với Jack là hãy tự ứng xử với những nhận thức hay sự hung hãn của anh ta bởi vì Jack là một kẻ ngốc. Vì lợi ích của Jack, Đức Phật dạy rằng có một địa ngục ở bên ngoài và rằng để tránh phải đi tới đó và bị đun sôi trong vạc dầu, Jack phải dừng ngay lại những hành vi bất thiện, những hành động và cảm thọ tiêu cực. Những giáo lý này trải rộng trong những môi trường Phật giáo; chúng ta thường nhìn thấy những cảnh giới địa ngục được vẽ trên tường của những ngôi chùa Phật giáo, với những cơ thể đang bị cháy và hẻm núi băng khủng khiếp. Những hình ảnh đó có thể được hiểu theo nghĩa đen hay là nghĩa bóng, tùy theo khả năng của người học. Những người có khả năng cao biết rằng nguồn gốc của địa ngục hàng ngày – nỗi khổ đau của chúng ta – phát sinh từ nhận thức của chính chúng ta. Họ hiểu rằng chẳng có ngày phán quyết nào cả, và cũng chẳng có quan tòa nào hết. Khi Milarepa xuất hiện trong cái sừng bò, Rechungpa sắp trở thành một đại sư. Ngài có khả năng trí tuệ to lớn để hiểu tính Không và đủ nhận thức để có thể thực sự nhìn thấy Milarepa ở trong sừng bò; nhưng nhận thức của ngài chỉ dừng lại ở đó chứ chưa thể cùng thầy của mình trốn vào trong cái sừng bò. Mục tiêu cuối cùng của Đức Phật là khiến cho Jack hiểu, giống như những đệ tử cấp cao này [tức là Milarepa và Rechungpa], rằng chẳng có địa ngục nào tách rời khỏi những nóng giận và sự vô minh của chính anh ta. Bằng cách giảm thiểu ngay lập tức những hành động tiêu cực của mình, Jack sẽ bớt dính mắc vào những nhận thức sai lầm, những nghi ngờ, và sự hoang tưởng của mình.
Về mặt thực hành, từ nghiệp báo (karma) đồng nghĩa với Phật giáo. Nó thường được hiểu như là một loại hệ thống đạo đức về sự đền đáp – nghiệp “xấu” và nghiệp “tốt”. Nhưng nghiệp báo đơn giản chỉ là quy luật nguyên nhân và kết quả (nhân quả) mà thôi, chứ không bị lầm lẫn với phẩm hạnh hay đạo đức học. Chẳng có ai, kể cả Đức Phật, đặt ra một loại thanh chắn để phân biệt những gì là tiêu cực hay tích cực. Bất kỳ một động cơ hay hành động nào điều khiển chúng ta ra khỏi những sự thật như là “mọi sự vật cấu thành thì vô thường” đều có thể đưa tới những hậu quả tiêu cực, hay là nghiệp xấu (ác nghiệp). Và bất kỳ một hành động nào đưa chúng ta tới gần với việc hiểu sự thật là “mọi cảm thọ đều khổ” có thể tạo ra những hậu quả tích cực, hay là nghiệp tốt (thiện nghiệp). Cuối cùng, không phải là Đức Phật phán xét, chỉ có bạn mới biết động cơ thực sự đằng sau những hành động của bạn mà thôi.
Trong một cuộc luận bàn với đệ tử Tu Bồ Đề (Subhuti), Đức Phật nói: “Những ai nhìn thấy Đức Phật như là một hình tướng và những ai nghe Đức Phật như là một âm thanh đều có kiến giải sai lầm.” 400 năm sau, đại học giả Phật học người Ấn Độ là Long Thọ (Nagarjuna) xuất hiện. Trong bộ luận nghiên cứu triết học Phật giáo nổi tiếng của ngài, ngài đã dành cả một chương có tên là “Phân tích Đức Phật” và kết luận rằng cuối cùng thì không hề có một vị Phật nào ở bên ngoài cả. Đến tận ngày nay, chẳng có gì khác thường khi nghe những câu câu nói Phật giáo như thế này: “Nếu bạn nhìn thấy ông Phật trên đường đi, hãy giết ông ta đi.” Điều này dĩ nhiên có nghĩa bóng; chắc chắn người ta sẽ không giết Đức Phật. Điều đó có nghĩa là vị Phật thực sự không phải là một đấng cứu độ hiện hữu bên ngoài, bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Mặt khác, một người tên là Tất Đạt Đa đã xuất hiện trên trái đất này trở thành Đức Phật Cồ Đàm và bước đi khất thực với đôi chân trần trên những đường phố ở Ma Kiệt Đà (Magadha). Vị Phật ấy đã tuyên pháp, săn sóc những người bệnh tật và thăm lại cả gia đình mình ở Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Lý do những người Phật tử sẽ không bàn cãi về một vị Phật vật lý xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Ấn Độ – là vì chúng ta có những chứng liệu lịch sử rằng Ngài đã trở thành nguồn cảm hứng trong hàng thế kỷ tại Ấn Độ. Ngài là một vị thầy vĩ đại, người đầu tiên trong một dọc dài những vị thầy và những học trò có kiến thức cao. Chỉ có thế mà thôi. Tuy vậy, đối với một người truy tầm chân lý nghiêm túc thì cảm hứng là tất cả mọi sự.
Ngài Tất Đạt Đa đã sử dụng rất nhiều phương tiện thiện xảo để gây cảm hứng cho mọi người. Một ngày nọ, có một vị sư để ý thấy một vết rách trên chiếc y của Đức Phật và xin phép Đức Phật để khâu lại cho Ngài, nhưng Đức Phật từ chối. Ngài tiếp tục bước đi và khất thực với chiếc y bị rách như thế. Khi Ngài tiến tới nơi ở của một người phụ nữ nghèo khổ, các vị sư cực kỳ bối rối vì họ biết rằng người phụ nữ kia chẳng có gì để cúng dường (cho Đức Phật). Khi người phụ nữ thấy chiếc y bị rách của Ngài, bà muốn khâu lại chiếc y bằng một sợi dây nhỏ mà bà có. Ngài Tất Đạt Đa chấp nhận và tuyên bố rằng đức hạnh của bà cho phép bà có thể tái sinh trong đời sau như là một nữ hoàng ở cõi trời. Nhiều người nghe được câu chuyện đều tràn ngập cảm hứng để thể hiện lòng quảng đại của chính họ .
Trong một câu chuyện khác, Ngài Tất Đạt Đa cảnh báo một người bán thịt rằng giết súc vật là tạo nghiệp xấu. Nhưng người bán thịt nói: “Đây là tất cả những gì tôi biết, là nghề kiếm sống của tôi”. Ngài Tất Đạt Đa bảo người bán thịt rằng ít nhất hãy hứa là không giết thịt từ lúc hoàng hôn cho tới bình minh. Ngài không thuận cho người bán thịt giết súc vật vào ban ngày, Nhưng Ngài hướng dẫn người đó giảm dần những hành động xấu ác. Đây là những ví dụ về những phương tiện thiện xảo mà Đức Phật đã sử dụng để giảng pháp. Ngài không nói rằng bởi vì người phụ nữ nghèo khổ vá áo cho ngài nên người ấy sẽ được sinh thiên, như thể Ngài là đấng thần linh. Chính sự quảng đại của bà tạo nên hạnh vận của bà.
Bạn có thể nghĩ rằng đó là sự nghịch lý. Đức Phật tự mâu thuẫn với chính mình, nói rằng Ngài không thực sự hiện hữu, rằng mọi sự vật đều là Không, và rồi lại dạy đạo đức và sự cứu rỗi. Nhưng những phương cách đó là cần thiết để không gây hoảng sợ cho những người chưa sẵn sàng tiếp nhận tính Không. Họ được an tâm và được chuẩn bị để tiếp nhận những giáo lý thật sự. Điều này giống như là nói rằng có một con rắn và vứt cái cà vạt ra ngoài cửa sổ. Vô số những phương pháp như thế chính là con đường. Tuy nhiên, cuối cùng chính con đường đó cũng bị rời bỏ, giống như bạn rời bỏ con thuyền khi bạn đã sang bờ bên kia. Bạn phải lên bờ một khi bạn đã tới nơi. Ngay lúc đã thể hội hoàn toàn, bạn phải từ bỏ cả đạo Phật. Con đường tâm linh là một giải pháp tạm thời, một thứ giả dược được sử dụng cho tới khi tính Không được lĩnh hội.
Những lợi ích của sự hiểu biết
Bạn có thể vẫn cân nhắc: Đâu là lợi ích của việc hiểu tính Không? Bằng việc hiểu tính Không, bạn duy trì được sự trân trọng đối với tất cả những gì đang hiện hữu, nhưng không bám chấp vào ảo ảnh như thể chúng là thật và cũng không thất vọng mãi hoài như một đứa trẻ đuổi theo một cái cầu vồng. Bạn có thể nhìn thấy bản chất của các ảo ảnh và nhớ rằng ngay từ đầu chính cái tôi đã tạo ra những ảo ảnh đó. Bạn có thể vẫn bị dao động hay xúc cảm, buồn, giận, hay mê đắm, nhưng bạn có sự tự tin của một người đang ngồi trong rạp chiếu phim, có thể rời bỏ vở diễn bởi vì hiểu rõ đó chỉ là một bộ phim. Hy vọng và nỗi sợ hãi của bạn ít ra cũng đã nhạt bớt đi, giống như việc nhận ra rằng con rắn chỉ là một chiếc cà vạt.
Khi chúng ta không nhận ra tính Không, khi chúng ta không hiểu đầy đủ rằng mọi sự vật chỉ là ảo ảnh, thế giới dường như là thật, cụ thể và chắc chắn. Những hy vọng và sợ hãi của chúng ta cũng trở nên vững chắc và vì thế không thể kiểm soát được. Ví dụ, nếu bạn có niềm tin vững chắc vào gia đình, bạn luôn mong đợi cha mẹ sẽ luôn chăm sóc cho bạn. Bạn sẽ không cảm thấy như vậy về một người lạ trên phố; anh ta không có nghĩa vụ như thế. Hiểu rõ những hiện tượng hữu vi và hiểu tính Không sẽ cho phép tạo ra một số khoảng trống trong sự quan hệ. Khi bạn bắt đầu nhìn thấy nhiều kinh nghiệm, áp lực và hoàn cảnh đã hun đúc nên cha mẹ của bạn, thì sự mong đợi của bạn vào họ sẽ thay đổi, sự thất vọng của bạn giảm đi. Khi chính chúng ta trở thành cha mẹ, ngay cả một sự hiểu biết ít ỏi về sự phụ thuộc liên đới cũng làm giảm nhẹ một cách hiệu quả những mong đợi của chúng ta vào con cái, điều mà chúng có thể hiểu là tình yêu thương. Không hiểu điều đó, chúng ta có thể có những ý định tốt để thương yêu và chăm sóc cho con cái của mình, nhưng những mong đợi và đòi hỏi của chúng ta có thể trở nên quá đáng.
Tương tự như thế, hiểu được tính Không, bạn sẽ không còn hứng thú với những cái bẫy, những niềm tin mà xã hội dựng lên và phá sập – những hệ thống chính trị, khoa học và công nghệ, nền kinh tế toàn cầu, xã hội tự do, Liên Hợp Quốc. Bạn trở nên như một người lớn không còn hứng thú với những trò chơi trẻ con nữa. Trong rất nhiều năm, bạn tin tưởng vào những cơ chế đó và tin rằng chúng có thể thành công ở những chỗ mà những hệ thống cũ đã thất bại. Nhưng thế giới vẫn chưa trở nên an toàn hơn, thích thú hơn và an ninh hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn nên lìa bỏ xã hội. Hiểu về tính Không không có nghĩa là bạn trở thành chán chường; ngược lại, bạn phát triển một cảm thức về trách nhiệm và từ bi. Nếu Jack kêu rú lên, làm loạn lên hay quát mọi người đừng có bỏ rắn vào trong căn nhà, và bạn biết rằng vì anh ta bị nhầm lẫn, bạn sẽ thông cảm với anh ta. Những người khác có thể tha thứ như thế, vì thế bạn cố gắng bật đèn lên, vì lợi ích của Jack. Ở bình diện rộng hơn, bạn vẫn sẽ đấu tranh vì quyền cá nhân của mình, nắm giữ công việc, năng động và tích cực trong hệ thống chính trị của mình; nhưng khi tình hình thay đổi, dù là có lợi hay bất lợi cho bạn, bạn đã được chuẩn bị rồi. Bạn không mù quáng tin rằng mọi thứ bạn mong muốn và chờ đợi đều thành hiện thực, và bạn không bị mắc kẹt vào kết quả cuối cùng.
Nhiều người trong chúng ta thường cam chịu sự ngu tối. Chúng ta không thể nhìn thấy những ảo ảnh tạo nên cuộc sống hàng ngày của mình bởi vì chúng ta không có dũng cảm phá bỏ cái mạng lưới mà chúng ta bị nhét vào trong đó. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang, hay sớm sẽ, được thuận lợi đủ để tiếp tục tình trạng như hiện nay. Điều này như thể là chúng ta đang đi vào một mê cung, thông qua đó có sẵn một lộ trình quen thuộc, và không muốn khám phá những hướng đi khác. Chúng ta không dám mạo hiểm vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta có quá nhiều thứ để mất. Chúng ta lo sợ rằng nếu chúng ta nhìn thế giới từ cái nhìn của tính Không, chúng ta có thể bị loại khỏi xã hội, mất hết trách nhiệm của mình và cùng với điều ấy, chúng ta mất bạn bè, gia đình và công việc. Sự quyến rũ của thế giới huyễn giả chẳng giúp được gì; nó bị gói bọc quá kỹ. Chúng ta bị dội bom bởi những thông điệp về loại xà bông làm cho chúng ta thơm như thiên đường, rằng chế độ ăn kiêng SouThBeach Diet thật là kỳ diệu, rằng dân chủ là thể chế chính trị tuyệt vời nhất, rằng những loại vitamin sẽ tăng cường sức bền của chúng ta thật là công hiệu. Chúng ta hiếm khi lắng nghe hơn một mặt của sự thật, và trong những dịp hiếm hoi mà chúng ta làm thế thì cũng thường mù mờ.
Giống như đứa trẻ trong rạp chiếu phim, chúng ta bị trói buộc trong giả cảnh, từ đó dẫn tới đủ thứ phù phiếm, tham vọng và bất an. Chúng ta yêu những ảo tưởng do chính mình tạo ra và phát triển sự tự hào quá đáng về vẻ bề ngoài, tài sản và cả những thành tích của chúng ta. Điều ấy giống như là mang một chiếc mặt nạ và tự hào nghĩ rằng mặt nạ đó chính là mình.
Có một đàn khỉ chừng 500 con và có một con trong số đó nghĩ mình rất thông minh. Một đêm con khỉ đó nhìn thấy bóng trăng trong hồ. Nó tự hào thông báo cho cả đàn: “Nếu chúng ta đi tới hồ và nhặt trăng thì chúng ta sẽ trở thành những người anh hùng đã cứu được mặt trăng”. Lúc đầu những con khỉ khác không tin nó. Nhưng khi chúng tận mắt nhìn thấy mặt trăng đã bị rơi vào trong hồ, chúng quyết định sẽ cố cứu mặt trăng. Chúng trèo lên một cái cây và con nọ nắm đuôi của con kia sao cho chúng có thể tiến gần tới chỗ mặt trăng lung linh. Ngay khi con khỉ cuối cùng sắp nắm được mặt trăng, cành cây bị gãy và tất cả chúng đều bị rơi xuống hồ. Chúng không biết bơi và tất cả đều vẫy vùng dưới nước trong khi hình ảnh của ánh trăng tung tóe trong những con sóng. Bị thúc đẩy bởi sự khát khao danh vọng và sự độc đáo, chúng ta cũng giống như những chú khỉ kia, nghĩ rằng chúng ta thành thạo trong việc khám phá ra các sự vật và thuyết phục các đồng bạn thấy những gì chúng ta thấy, nghĩ những gì chúng ta nghĩ, và bị thúc đẩy bởi tham vọng làm vị cứu tinh, người thành thạo, người trông thấy mọi sự, vị thần cứu tinh, người thông minh hơn, người tạo ra tương lai của. Chúng ta có tất cả đủ loại tham vọng nho nhỏ, như là tạo ấn tượng với một cô gái hay những tham vọng lớn như đổ bộ vào Sao Hỏa. Và dần dà chúng ta kết thúc trong nước mà chẳng nắm víu được vào đâu và thậm chí còn chẳng biết cách nào để bơi.
Khi đã hiểu được tính Không, Ngài Tất Đạt Đa không hề có sự chọn lựa nên nằm trên đám cỏ kusha dưới cội bồ đề hay nên nằm trên gối nệm lụa là trong cung điện. Những giá trị cao hơn đặt vào những chiếc gối được khâu bằng những sợi chỉ vàng được tạo ra bởi mong ước và tham vọng của con người. Thực ra, một vị ẩn tu trong núi có thể nhận thấy đám cỏ kusha thì mềm, sạch và tốt nhất, nếu nó có bị hư nát thì chẳng có gì phải lo lắng cả. Bạn không phun thuốc vào nó để ngăn chặn bọn mèo của bạn cào nó. Cuộc sống nơi cung điện đầy rẫy những thứ “quý giá” cần phải gìn giữ. Nhưng nếu buộc phải lựa chọn, Ngài Tất Đạt Đa sẽ chọn những tấm đệm cỏ để Ngài không phải cất công giữ gìn.
Con người chúng ta coi có tâm trí khoáng đạt là một đức tính cao quý. Để mở rộng tâm trí của mình, điều quan trọng là chúng ta không chỉ bó hẹp mình trong những gì thuận lợi và quen thuộc với mình. Điều đó có ích cho chúng ta nếu chúng ta có can đảm vượt ra khỏi những chuẩn mực và không mắc kẹt trong những giới hạn thông thường của luận lý. Nếu có thể đi xa hơn những giới hạn, chúng ta sẽ sớm nhận ra tính Không đơn giản đến buồn cười. Sự kiện ngài Milarepa có thể trú ẩn trong chiếc sừng bò sẽ chẳng đáng ngạc nhiên hơn ai đó xở tay vào một đôi găng tay. Thách thức nằm trong sự bám chấp của chúng ta trong việc sử dụng luận lý, ngữ pháp, bảng chữ cái và những phương trình số học cũ kĩ. Nếu chúng ta có thể nhớ tới bản chất hữu vi [được cấu thành] của những thói quen đó, chúng ta có thể đi tắt qua chúng. Chúng không thể bị phá bỏ (những thói quen này không thể bị phá bỏ ngay được, ta phải đi vào đó thôi, nhưng chúng ta sẽ cố đi tắt, sẽ không phải ở lâu với chúng). Tất cả những gì cần là Có được một vị thế khi những điều kiện đúng một cách chính xác và một mẩu thông tin kịp thời; sau đó bạn sẽ đột nhiên nhận ra tất cả những dụng cụ mà bạn tin cậy là không vững chắc – chúng mềm dẻo và có thể uốn cong được. Quan điểm của bạn sẽ thay đổi. Nếu có ai đó mà bạn tin cậy nói với bạn rằng người vợ mà bấy lâu bạn tức giận thực ra là một nữ thần thịnh vượng giả dạng, thì sau đó cách nhìn nhận của bạn về cô ấy hoàn toàn thay đổi. Tương tự như thế, nếu bạn đang thưởng thức món bít tết ngon lành với đủ loại nước sốt trong một nhà hàng sang trọng, trong khi thưởng thức từng miếng thì ông chủ nhà hàng nói với bạn rằng đó thực ra là thịt người, thì ngay lập tức kinh nghiệm đó sẽ thay đổi 180 độ. Khái niệm về sự ngon miệng lập tức biến thành khái niệm của sự phẫn uất.
Nếu bạn thức dậy sau một giấc mơ về 500 con voi, bạn chẳng hề bối rối chút nào về cách làm sao chừng ấy con voi lại chiếm vừa căn phòng của bạn bởi vì chúng không hiện hữu trước, trong và sau giấc mơ. Một ngày kia chúng ta sẽ nhận ra, không phải bằng trí óc, rằng chẳng có thứ gì là “lớn”, “nhỏ” hay “được”, “mất”, rằng mọi sự vật đều là tương đối. Sau đó chúng ta sẽ có thể hiểu cách nào mà Milarepa có thể chui vào trong sừng bò và tại sao một tên bạo chúa như A Dục lại có thể cúi đầu và tuân phục sự thật này.