Chương một: Hữu vi và Vô thường
Đức Phật không phải là một vị thần. Ngài chỉ là người bình thường. Nhưng không quá bình thường, vì Ngài là một vị thái tử. Ngài có tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) và được hưởng cuộc sống giàu sang phú quý – chàng sống trong cung điện tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), với người vợ hiền và con trai, cha mẹ chàng luôn thương yêu Ngài, những người hầu trung thành và yêu kính chàng, vườn cây xinh đẹp, lâu đài lộng lẫy. Cha chàng, vua Tịnh Phạn (Suddhodana), đảm bảo cho mọi nhu cầu và mong ước của chàng đều được đáp ứng trong khuôn viên của cung điện. Vì khi chàng mới ra đời, một nhà tiên tri đã dự đoán: khi lớn lên, sẽ đi theo con đường trở thành một người xuất gia, và vua Tịnh Phạn quyết định rằng Thái tử sẽ kế vị mình để lãnh đạo vương quốc. Cuộc sống nơi cung điện xa hoa thật thanh bình. Tất Đạt Đa chẳng bao giờ lớn tiếng hay phiền lòng vì gia đình; thực tế là chàng luôn quan tâm và chăm sóc yêu thương mọi người. Chàng thân thiết, cởi mở với mọi người và rất mực thương yêu họ, chỉ thỉnh thoảng có cãi vã nhỏ với một người anh họ mà thôi.
Khi lớn lên, chàng rất tò mò về đất nước và thế giới bên ngoài. Chàng cầu xin cha và nhà vua đồng ý cho chàng đi ra ngoài thăm thú cảnh sắc đất nước, nhưng nhà vua ra lệnh cho người lái xe ngựa là Xa Nặc (Channa) đưa Thái tử đi, song không được đưa tới những nơi xấu xí, bần hàn, chỉ được đưa tới những nơi xinh đẹp. Thái tử rất thích nhìn ngắm núi non, sông ngòi và sự trù phú của thiên nhiên trên trái đất này. Nhưng trên đường trở về cung điện, cả hai gặp một người nông dân đang rên la bên đường vì một vết thương do bệnh tật gây đau đớn dữ dội. Từ trước tới giờ, xung quanh Thái tử luôn là những người cận vệ mạnh khỏe và những phụ nữ xinh đẹp trong cung điện; tiếng rên la và cảnh tượng cơ thể bị bệnh tật hủy hoại thật sự gây sốc cho chàng. Chàng đã có ấn tượng sâu sắc khi chứng kiến sự mong manh dễ tổn thương của cơ thể con người và trở về cung điện với một tâm trạng nặng nề.
Thời gian dần trôi, có vẻ như Thái tử đã trở lại bình thường, nhưng chàng lại ước mong được đi ra ngoài thành lần nữa Vua cha miễn cưỡng đồng ý. Lần này Thái tử nhìn thấy một bà cụ móm mém đang tập tễnh đi trên đường, Ngài lập tức ra lệnh cho Xa Nặc dừng lại.
Ngài hỏi người lái xe: “Tại sao người đó lại đi tập tễnh?”
Xa Nặc trả lời: “Vì bà ấy đã già, thưa Thái tử,”
Thái tử hỏi tiếp: “Già là gì?”
Xa Nặc trả lời: “Mọi thứ trong cơ thể của bà ấy đã được sử dụng trong một thời gian quá dài và giờ đây đã gần cạn kiệt”. Bị rúng động vì cảnh tượng này, Thái tử để Xa Nặc đưa mình về cung điện.
Giờ đây sự tò mò của Thái tử không hề dịu đi – còn điều gì nữa ở ngoài kia? Vì thế, chàng và Xa Nặc lại đi ra ngoài lần thứ ba. Chàng vẫn vô cùng thích thú với cảnh sắc thiên nhiên, với núi non và sông suối. Nhưng trên đường trở về cung điện, họ lại gặp bốn người hộ tang đang khiêng một cái cáng, trên đó là một người không còn sự sống. Thái tử chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này. Xa Nặc giải thích rằng người kia đã chết.
Tất Đạt Đa hỏi: “Cái chết sẽ tới với những người khác chứ?”
Xa Nặc trả lời: “Thưa chủ nhân, đúng vậy, nó đến với tất cả mọi người.”
“Với cả cha ta? Thậm chí là con trai ta?”
“Vâng, với tất cả mọi người. Dù giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp, ngài không thể nào trốn khỏi cái chết. Đó là số phận của tất cả những ai đã được sinh ra trên trái đất này.”
Khi mới nghe câu chuyện về sự thể chứng của Ngài Tất Đạt Đa, chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài thật ngây ngô. Thật lạ khi một thái tử, được nuôi dạy để lãnh đạo một vương quốc, lại đi hỏi những câu hỏi đơn giản đến thế. Nhưng chúng ta mới là những kẻ ngây ngô. Trong thời đại thông tin như hiện nay, chúng ta bị bủa vây bởi những hình ảnh của sự suy tàn và cái chết – những cảnh chặt đầu, đấu bò, giết người đẫm máu. Chẳng nhắc nhớ chúng ta về số phận của chính mình, những hình ảnh đó được sử dụng vào mục đích giải trí và kiếm lợi. Cái chết đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng. Hầu hết chúng ta đều không suy ngẫm về bản chất của cái chết ở mức độ thâm sâu. Chúng ta chẳng hề biết rằng cơ thể chúng ta và môi trường xung quanh được tạo thành từ những yếu tố không ổn định nên có thể tan rã chỉ với một tác động nhỏ nhất. Tất nhiên chúng ta biết một ngày nào đó mình sẽ chết. Nhưng hầu hết mọi người, trừ phi chúng ta được chẩn đoán là mắc một căn bệnh hiểm nghèo, đều nghĩ chúng ta vẫn bình yên trong tương lai. Trong những dịp hiếm hoi nghĩ về cái chết, chúng ta lại băn khoăn: Tôi sẽ để lại gia tài bao nhiêu? hay Họ sẽ rải tro hài cốt của tôi ở đâu? Nếu vậy, chúng ta mới thật là ngây ngô.
Sau chuyến đi thứ ba, Thái tử Tất Đạt Đa thất vọng vì bản thân mình bất lực không thể bảo vệ tài sản, cha mẹ, vợ yêu Da Du Đà La (Yashodhara) và con trai, La Hầu La (Rahula) của Ngài, khỏi cái chết không thể tránh khỏi. Chàng có đủ phương tiện để ngăn chặn những nỗi khổ như nghèo nàn, đói khát, vô gia cư, nhưng chàng không thể cứu họ khỏi tuổi già và chết. Ngay khi đi tới kết luận này, chàng có ý định sẽ bàn bạc về vấn đề sinh tử với cha. Nhà vua hẳn là đã bối rối vì Thái tử đã tiếp cận quá thâm sâu vào những gì mà nhà vua xem là những vấn đề triết thuyết hóc búa… Vua Tịnh Phạn càng lúc càng lo lắng rằng người con trai của mình sẽ thực hiện lời tiên tri năm xưa mà chọn con đường của một ẩn sĩ thay vì kế tục mình để trở thành quốc vương. Vào thời đó, chưa từng nghe có người Hindu nào giàu có và được hưởng đặc quyền lại trở thành tu sĩ cả. Vua Tịnh Phạn cố gắng gạt bỏ những gì đã hình thành trong đầu Thái tử, nhưng nhà vua đã không quên lời tiên tri.
Điều này không phải chỉ là sự phản chiếu những u sầu thoáng qua. Thái tử bị ám ảnh. Để ngăn chặn việc chàng chìm sâu vào nỗi buồn đau, vua Tịnh Phạn bảo chàng không nên rời cung điện nữa, và bí mật ra lệnh cho những cận thần, người hầu trong cung luôn âm thầm dõi theo chàng. Cùng lúc đó, như bao nhiêu người cha đang mang tân trạng lo lắng khác, vua Tịnh Phạn sai làm tất cả những gì có thể để khiến mọi sự trở nên tốt đẹp bằng cách che giấu đi những bằng chứng của cái chết và sự suy tàn ra khỏi tầm mắt của Thái tử.
Chiếc lúc lắc và những trò giải trí khác
Trên nhiều phương diện, chúng ta giống như vua Tịnh Phạn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có một xung lực thúc đẩy chính mình và người khác trốn tránh việc nhìn vào sự thật. Chúng ta trở nên vô cảm với những biểu hiện rõ ràng của sự suy tàn. Chúng ta tự khích lệ mình bằng cách “không lấn sâu vào nó” và sử dụng những lời khẳng định tích cực. Chúng ta kỷ niệm ngày sinh nhật bằng cách thổi tắt những ngọn nến, lờ đi sự thật là những ngọn nến đã tắt đó có thể được nhìn nhận như là lời nhắc nhở rằng chúng ta đang tiến thêm một năm nữa gần hơn với cái chết. Chúng ta đón chào năm mới với pháo hoa và rượu sâm panh, khiến bản thân quên đi sự thật là một năm cũ sẽ không bao giờ quay trở lại và một năm mới đang đến với đầy những bất trắc – bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Khi có “điều gì đó” khó chịu, chúng ta sẽ cố tình hướng sự chú ý của mình sang thứ khác, như một bà mẹ đánh lạc hướng đứa con với những chiếc lúc lắc và đồ chơi. Nếu buồn, chúng ta sẽ đi mua sắm; để khiến mình vui vẻ, chúng ta đi xem phim. Chúng ta xây dựng những điều thích thú và mục tiêu cho những thành tựu trong cuộc đời – ngôi nhà gần bờ biển, huy hiệu, cúp vô địch, nghỉ hưu sớm, những chiếc xe hơi đẹp, gia đình hạnh phúc, những người bạn tốt, danh tiếng và có tên trong cuốn Kỷ lục Guiness Thế giới. Đến gần cuối cuộc đời, chúng ta muốn có một người tri kỷ có thể cùng đi du thuyền hay nuôi dạy một vài chú chó thuần chủng. Báo chí và truyền hình đã giới thiệu, tăng cường những hình mẫu hạnh phúc và thành công, sáng tạo thêm những ảo tưởng mới để đánh lừa chúng ta. Những quan niệm thành công này chính là những chiếc lúc lắc dành cho những đứa trẻ – đã lớn đó là chúng ta. Hiếm có điều gì chúng ta làm trong ngày – dù trong ý nghĩ hay trong hành động – chỉ ra rằng chúng ta nhận thức được sự mong manh của cuộc sống này. Chúng ta dành thời gian để làm những việc như ngồi chờ một bộ phim dở tệ bắt đầu phát trên mạng. Hay nhanh chóng chạy về nhà để xem một chương trình truyền hình thực tế (Reality TV). Khi chúng ta ngồi xem quảng cáo, đợi chờ… thì thời gian trong đời này của chúng ta cứ dần trôi đi.
Một thoáng quan sát về tuổi già và cái chết cũng đủ thấm nhuần vào chàng Tất Đạt Đa lòng mong ước có được sự thấu hiểu toàn bộ chân lý. Sau chuyến đi thứ ba ra ngoài thành, chàng đã nhiều lần cố gắng rời cung điện một mình, nhưng đều không thành công. Thế rồi, vào một đêm đáng nhớ, sau bữa tiệc tùng và ca hát, hấp lực bí ẩn bao trùm toàn bộ cung điện, làm tất cả mọi người trong cung mê mệt, trừ Thái tử. Chàng đi dọc khắp các hành lang và thấy tất cả mọi người, từ vua Tịnh Phạn cho tới những người hầu đều đã ngủ rất say. Những Phật tử tin rằng tình trạng cả cung điện chìm trong giấc ngủ thế này là nhờ thiện nghiệp của toàn thể nhân loại, bởi vì nó là sự kiện dẫn tới sự ra đời của một con người vĩ đại.
Không cần phải làm hài lòng hoàng gia nữa, những người kỹ nữ quần áo hở hang, chân tay buông thõng mệt mỏi, những ngón tay đeo đầy đồ trang sức đặt cả vào món cari. Như những bông hoa đã úa tàn, họ mất hết cả vẻ mỹ miều hàng ngày. Cảnh tượng này càng làm mạnh mẽ thêm quyết tâm của Thái tử. Vẻ đẹp tàn úa của những vũ nữ chỉ cho chàng thêm bằng chứng về sự vô thường. Vì họ đều đang ngủ, Thái tử cuối cùng cũng có thể ra đi mà không bị phát hiện. Ngài nhìn Da Du Đà La và La Hầu La lần cuối, rồi bỏ đi trong đêm tối.
Về nhiều phương diện, chúng ta cũng giống như Thái tử. Chúng ta có thể không phải là những vương tôn công tử vênh vang, nhưng chúng ta có nghề nghiệp, có những con thú cưng trong nhà và hàng loạt những trách nhiệm. Chúng ta có tòa lâu đài của riêng mình – đó có thể là những căn hộ một phòng ở những khu ổ chuột, những căn nhà nhiều tầng ở khu ngoại ô, hay những căn hộ sang trọng tại Paris – và cũng có những Da Du Đà La và La Hầu La của riêng mình. Và mọi thứ luôn luôn không được như ý. Thiết bị trong nhà bị hỏng, hàng xóm khó chịu, nhà bị dột. Những người thân yêu mất đi, hay có thể họ trông như là đã chết vào buổi sáng trước khi họ thức dậy, quai hàm của họ trễ xuống như những kỹ nữ kia của Thái tử Tất Đạt Đa. Có thể họ có mùi thuốc lá để lâu hay mùi nước sốt tỏi ăn từ bữa tối qua. Họ làm chúng ta bực mình vì họ không ngậm miệng khi ăn. Thế nhưng chúng ta vẫn sẵn lòng để cho bị mắc kẹt mà không cố gắng thoát ra. Hoặc nếu chúng ta thực sự chán ngấy lên và nghĩ “chán ơi là chán”, có thể chúng ta rời bỏ một mối quan hệ, nhưng đấy chỉ là để bắt đầu lại mọi thứ với một người khác. Chúng ta chưa bao giờ nuôi lớn sự chán chường về cái vòng lẩn quẩn ấy bởi vì chúng ta luôn hy vọng và tin rằng một người tri kỷ hoàn hảo hay một thiên đường không tì vết Shangri-la ở ngoài kia đang đợi chúng ta. Khi đối mặt với những khó chịu thường ngày, phản xạ của chúng ta là nghĩ rằng mình có thể khiến mọi thứ ổn thỏa: điều này có thể sửa chữa, và chà sạch; chúng ta cảm thấy thế là yên.
Có thể chúng ta cũng nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ đạt được sự trưởng thành hoàn hảo nhờ những bài học trong cuộc đời. Chúng ta mong đợi mình sẽ trở nên thông thái như thánh Yoda, mà không nhận ra rằng sự trưởng thành cũng chỉ là một khía cạnh của sự suy tàn. Một cách vô thức, chúng ta luôn nuôi ảo tưởng khi mong đợi một ngày kia chúng ta sẽ đạt tới một mức độ mà ta sẽ không phải sắp xếp bất kỳ điều gì nữa. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ đạt tới “hạnh phúc vĩnh hằng”. Chúng ta bị khái niệm về “sự quyết định” thuyết phục. Điều này như thể là mọi thứ chúng ta trải nghiệm cho tới hôm nay, cả cuộc sống của chúng ta tới thời điểm này, chỉ là một màn tổng duyệt. Chúng ta tin rằng cuộc trình diễn lớn còn chưa tới, vì thế chúng ta không sống vì hôm nay.
Với hầu hết mọi người, việc quản lý, sắp xếp, nâng cấp không ngừng này là một định nghĩa của “cuộc sống”. Trên thực tế, chúng ta đang đợi để cuộc sống bắt đầu. Khi bị kích động, hầu hết chúng ta đều thừa nhận mình đang làm việc để hướng tới giây phút hoàn hảo trong tương lai – nghỉ hưu và sống ở một ngôi nhà gỗ tại Kennebunkport hay ở một mái lán tại Costa Rica. Hay có lẽ chúng ta mơ ước được tận hưởng những năm sau này của cuộc đời mình tại một khu vực đồi núi đẹp tuyệt vời như trong những bức tranh thủy mặc Trung Hoa, ngồi thiền trong không gian yên tĩnh của một phòng trà hướng ra thác nước và hồ cảnh.
Chúng ta cũng có xu hướng nghĩ rằng sau khi ta chết, thế giới vẫn tiếp tục. Cũng mặt trời ấy vẫn chiếu sáng, và cũng những hành tinh ấy vẫn quay như chúng ta nghĩ chúng vẫn quay như thế từ khi thời gian bắt đầu. Con cháu chúng ta thừa hưởng thế giới này. Điều đó thể hiện rằng chúng ta si muội, chẳng biết gì về sự dịch chuyển liên tục của trái đất và mọi hiện tượng khác. Trẻ con không phải lúc nào cũng sống lâu như cha mẹ, và khi chúng còn sống, chúng cũng không phải lúc nào cũng tuân theo những ý tưởng của chúng ta. Những đứa con bé bỏng đáng yêu và biết nghe lời ngày nào có thể lớn lên lại trở thành những tên du đãng nghiện ngập và mang về nhà đủ loại tình nhân. Những cha mẹ đứng đắn nhất có thể có những đứa con đồng tính lòe loẹt nhất, cũng như những cặp bố mẹ từng là dân hippi phóng đạt nhất lại có thể có những đứa con nghiêm túc, bảo thủ. Thế nhưng chúng ta vẫn thường bám vào nguyên mẫu của gia đình và giấc mơ về việc huyết thống, khuôn mặt, dòng họ và truyền thống được duy trì thông qua con cháu mình.
Tìm kiếm sự thật có thể có vẻ như một việc xấu
Điều quan trọng là nhận ra rằng Thái tử không hề từ bỏ trách nhiệm của mình đối với gia đình; Ngài không lảng tránh những trách nhiệm cộng đồng như tham gia vào sản xuất nông nghiệp hay xây dựng gia đình hạnh phúc (theo đuổi giấc mơ lãng mạn). Ngài rời nhà và gia đình với quyết tâm của một người chồng hy sinh sự sung túc, an nhàn với mục tiêu tìm kiếm những dự phòng cần thiết và có giá trị cho gia đình mình, dù có thể người thân của Ngài không nhận ra điều đó. Chúng ta có thể tưởng tượng nỗi đau khổ và thất vọng của vua cha Tịnh Phạn vào sáng hôm sau. Đó cũng chính là nỗi thất vọng của những cha mẹ hiện đại khi phát hiện ra những đứa con tuổi teen của mình bỏ nhà chạy tới Kathmandu hay Ibiza để theo đuổi một quan điểm mang tính ý thức hệ không tưởng, như nhóm trẻ hippi của thập niên 1960 (nhiều người trong số họ cũng xuất thân từ những gia đình khá giả, giàu có). Thay vì mặc quần ống loe, đeo khuyên khắp nơi trên cơ thể, nhuộm tóc màu tím và săm mình, Ngài Tất Đạt Đa đã cởi bỏ trang phục dành cho Thái tử của mình. Từ bỏ những thứ từng xác nhận mình là người quyền quý có học thức, Ngài chỉ quấn quanh mình một tấm vải và trở thành một người hành khất lang thang.
Xã hội ngày nay của chúng ta, quá quen với việc phán xét người khác qua những gì họ có chứ không phải xem họ là ai, sẽ mong muốn Thái tử ở trong cung, lãnh đạo đất nước, tiếp tục mang họ của gia đình. Hình mẫu thành công trong xã hội của chúng ta là Bill Gates. Hiếm khi chúng ta nghĩ tới những khía cạnh thành công của Thánh Gandhi. Tại một số xã hội châu Á cũng như phương Tây, cha mẹ thúc ép con cái phải thành công ở trường, vượt quá những gì có thể được xem là lành mạnh.. Trẻ con cần phải đạt được điểm tốt để có thể được chấp nhận vào những trường thuộc Ivy Leagues và họ cần chứng nhận từ Ivy Leagues để có thể tìm được công việc cao cấp tại các ngân hàng. Và tất cả những điều này chỉ là để gia đình có thể duy trì cái triều đại bất tận của nó.
Hãy tưởng tượng con trai của bạn đột ngột từ bỏ công việc kiếm được nhiều tiền và sáng lạn ngay sau khi nó nhận thức được về cái chết và tuổi già. Cậu ta chợt nhận ra mục đích của sự làm việc mỗi ngày 14 giờ đồng hồ, nịnh bợ sếp, ăn tươi nuốt sống đối thủ cạnh tranh, phá hủy môi trường, góp phần vào sử dụng lao động trẻ em, luôn sống trong căng thẳng, là chỉ để có một vài tuần nghỉ phép ít ỏi mỗi năm. Cậu ta nói với bạn rằng cậu ta chỉ muốn bán hết cổ phiếu, tặng mọi thứ cho một tổ chức từ thiện và trở thành một kẻ lang thang. Bạn sẽ làm gì? Chúc phúc cho con và khoe khoang với bạn bè rằng cuối cùng con trai của bạn cũng tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời? Hay là bạn sẽ nói rằng cậu ta thật vô trách nhiệm và gửi cậu ta tới một bác sĩ tâm lý?
Chỉ riêng cảm giác sợ hãi về cái chết và tuổi già thì không đủ lý do để Thái tử quay lưng lại với cuộc sống nơi cung điện và lang thang trên con đường vô định.
Ngài Tất Đạt Đa bị thúc đẩy phải hành động mạnh mẽ như thế bởi vì Ngài chưa thể lý giải sự kiện rằng đây là số phận của tất cả mọi người đã từng sinh ra và sẽ sinh ra. Nếu mọi thứ sinh ra đều bị suy tàn và chết đi thì rồi những con công trong khu vườn, những đồ trang sức, mái vòm, hương thơm, âm nhạc, những khay vàng giữ những đôi dép của Ngài; những chiếc bình đựng nước xinh đẹp, mối quan hệ với người vợ yêu Da Du Đà La và con trai La Hầu La, gia đình Ngài, và cả đất nước của Ngài cũng đều vô nghĩa. Đâu là mục đích của mọi thứ này? Tại sao người ta lại phải đổ máu và rơi lệ vì một thứ gì đó mà Ngài biết rồi cuối cùng cũng biến mất hay là bị bỏ đi? Làm sao Ngài còn có thể ở trong hạnh phúc giả tạm tại cung điện của Ngài?
Chúng ta có thể sẽ băn khoăn liệu Ngài Tất Đạt Đa sẽ đi đâu. Bên trong hay bên ngoài cung điện, chẳng có nơi nào để trốn tránh cái chết. Tất cả của cải trong cung điện cũng không thể dùng để gia hạn sự sống của Ngài. Phải chăng Ngài đang cầu tìm sự bất tử? Chúng ta biết điều đó là hoài công, vô ích. Chúng ta vẫn thường thích thú với những truyện thần kỳ về những vị thần Hy Lạp bất tử, Chén Thánh hay Ponce de Leon1 dẫn đoàn quân viễn chinh đi tìm dòng suối của tuổi trẻ nhưng thất bại. Chúng ta cười thầm về việc vị hoàng đế Trung Hoa nổi tiếng Tần Thủy Hoàng sai một đoàn đồng nam và đồng nữ đến các vùng đất xa xôi để tìm cho được thuốc trường sinh. Chúng ta có thể nghĩ Ngài Tất Đạt Đa cũng sẽ làm theo như thế. Thực ra, Ngài đã rời cung điện với một niềm tin hơi ngây ngô – Ngài sẽ chẳng thể nào khiến vợ con mình sống mãi mãi – nhưng cuộc kiếm tìm của Ngài không hề vô ích.
Điều Đức Phật tìm thấy
Không hề có một thiết bị dụng cụ khoa học nào, Thái tử Tất Đạt Đa ngồi trên cỏ Kusha dưới gốc cây bồ đề để tìm hiểu về bản chất của con người. Sau một thời gian trầm lặng suy tư, Ngài nhận ra rằng mọi hình tướng, gồm thịt xương và mọi cảm xúc, mọi nhận thức của chúng ta được tập hợp lại – chúng là sản vật của hai thứ hay nhiều hơn hợp lại với nhau, thế là một hiện tượng mới sinh ra – đinh và gỗ tạo thành cái bàn; nước và lá chè biến thành nước trà; nỗi sợ hãi, sự sùng đạo và một người cứu rỗi trở thành Thượng đế. Sản phẩm cuối cùng này (tức là Thượng đế) không hiện hữu độc lập với các thành phần của nó. Tin rằng nó hiện hữu độc lập là điều sai lầm lớn nhất. Trong khi đó những thành phần này vốn đã trải qua sự biến đổi. Chỉ bằng việc gặp gỡ, đặc tính của chúng đã thay đổi, và hợp chung với nhau, chúng sẽ trở thành một thứ khác – chúng “được cấu thành” [gọi là hữu vi].
Ngài nhận ra rằng điều này không chỉ áp dụng vào những kinh nghiệm của con người mà còn áp dụng cho mọi vấn đề, cho toàn thế giới, vũ trụ – bởi vì mọi sự vật đều phụ thuộc lẫn nhau, mọi sự vật đều phải thay đổi. Chẳng có một thành tố nào trong tất cả các tạo vật là hiện hữu ở trạng thái tự thân, thường hằng và tinh thuần cả. Không có sự vật nào hiện hữu độc lập, ngay cả cuốn sách bạn đang cầm, những nguyên tử, hay thậm chí các vị thần cũng vậy. Vì thế, cái gì tồn tại trong tầm nhận thức của chúng ta, ngay cả trong trí tưởng tượng của chúng ta, ví dụ như một người có bốn tay, đều phụ thuộc vào sự hiện hữu của những thứ gì đó khác nữa. Vì thế, Ngài Tất Đạt Đa phát hiện ra rằng sự vô thường không có nghĩa là cái chết, như chúng ta thường nghĩ, nó có nghĩa là sự thay đổi. Bất cứ điều gì thay đổi trong quan hệ với một thứ khác, thậm chí là những thay đổi dù nhỏ nhất, cũng chịu tác động của quy luật vô thường.
Thông qua nhận thức này, Ngài Tất Đạt Đa sau cùng đã tìm ra một con đường để đối trị nỗi khổ đau vì cái chết. Ngài chấp nhận rằng thay đổi là tất yếu và cái chết chỉ là một phần của vòng quay đó. Hơn nữa, Ngài còn nhận ra rằng chẳng có đấng toàn năng nào có thể đảo ngược lại con đường đi tới cái chết; vì thế, chẳng có hy vọng gì nắm được đấng ấy cả. Nếu không có hy vọng hão huyền thì cũng chẳng có gì phải thất vọng.
Sự giác ngộ của Ngài Tất Đạt Đa khỏi ảo tưởng về thường hằng cho chúng ta lý do để gọi Ngài là Đức Phật, Bậc Giác Ngộ. Giờ đây, hơn 2.500 năm sau, chúng ta nhìn thấy những gì Ngài đã phát hiện và thuyềt giảng là một kho tàng vô giá đã gây cảm hứng cho người hàng triệu người – họ có thể không được học hành, giàu và nghèo, từ vua A Dục (Ashoka) tới Allen Ginsberg, từ Thành Cát Tư Hãn (Kublai Khan) tới Gandhi, từ Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Beastie Boys. Mặt khác, nếu Thái tử Tất Đạt Đa có mặt tại đây hôm nay thì Ngài sẽ thất vọng bởi vì hầu hết những phát hiện của Ngài gần như bị lãng quên. Tôi không có ý nói công nghệ hiện đại vĩ đại đến nỗi những phát hiện của Đức Phật bị bác bỏ: không có ai trở thành bất tử. Mọi người đều phải chết; có khoảng 250.000 người như vậy hàng ngày. Những người ở cạnh chúng ta đều đã chết và sẽ chết. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cảm thấy bàng hoàng và buồn bã khi người thân yêu của chúng ta qua đời, chúng ta tiếp tục tìm kiếm dòng suối của tuổi trẻ hay một công thức bí mật để có thể sống lâu. Những chuyến viếng thăm cửa hàng thực phẩm chức năng, những chai DM và retinol, những lớp yoga năng lực, nhân sâm Triều Tiên, phẫu thuật chỉnh hình, thuốc chích collagen, thuốc bôi tạo độ ẩm cho da – đấy là bằng chứng rất rõ rằng chúng ta âm thầm chia sẻ sự khao khát được bất tử của Hoàng đế Tần.
Thái tử Tất Đạt Đa không còn nhu cầu hay mong muốn thuốc trường sinh. Do Ngài nhận ra rằng mọi thứ đều là hợp cấu, sự phân ra từng thành phần là vô tận và không có một thành tố nào trong mọi tạo vật hiện hữu ở trạng thái tự lập, thường hằng và thuần chất, cho nên Ngài giác ngộ. Những sự vật nào kết hợp với nhau (bây giờ chúng ta có thể hiểu là mọi sự vật) và bản chất vô thường của chúng gắn chặt với nhau thành một, giống như là nước và đá vậy. Khi chúng ta bỏ một viên đá vào ly nước, chúng ta có cả hai. Cũng như vậy, khi Ngài Tất Đạt Đa nhìn thấy người nào đó, dù là người khỏe mạnh nhất, Ngài cũng thấy con người đó đồng thời vừa đang hiện hữu vừa đang tan rã. Bạn có thể nghĩ điều này nghe ra không giống lối đùa vui để sống, nhưng nó có thể là một cuộc đi kỳ lạ để nhìn thấy cả hai mặt. Có thể rất thú vị đấy. Nó không giống như chiếc tàu của hy vọng và chán chường chạy trên đường sắt uốn lượn lên xuống. Nếu quan sát mọi thứ theo cách này thì chúng đang tan rã xung quanh chúng ta. Sự nhận thức của bạn về các hiện tượng sẽ thay đổi, theo một cách sáng rõ hơn. Thật là dễ dàng khi quan sát mọi người bị thu hút vào phim Roller-coaster, và tự nhiên bạn sẽ nảy sinh tình yêu thương đối với họ. Một trong những lý do để chúng ta có tình yêu thương là vì vô thường quá rõ ràng, trong khi những người khác lại không nhìn thấy nó.
Cái “bây giờ”
Về bản chất, sự hình thành hợp thể gắn liền với thời gian – bắt đầu, giữa và kết thúc. Cuốn sách chưa hề hiện hữu trước đây, bây giờ nó hiện hữu và cuối cùng sẽ tan rã. Tương tự như thế, cái tôi (ngã) hiện hữu hôm qua – tức là bạn sẽ khác với cái tôi hiện hữu hôm nay. Tâm trạng không vui của bạn biến thành vui, bạn có thể đã học được điều gì đó, có thêm một số ký ức mới, vết trầy trên đầu gối bạn đã lành đi một chút. Sự hiện hữu dường như là liên tục của chúng ta là một chuỗi những khởi đầu và kết thúc gắn liền với thời gian. Thậm chí cả hành động sáng tạo cũng đòi hỏi thời gian; thời gian trước khi có hành động sáng tạo, rồi sự sáng tạo xuất hiện và hành động kết thúc sự sáng tạo.
Những người tin vào một đấng Thượng đế toàn năng thường không phân tích khái niệm của họ về thời gian, bởi vì Thượng đế được cho là độc lập với thời gian. Để xác nhận một vị sáng tạo toàn quyền toàn năng, chúng ta phải xét đến yếu tố thời gian. Nếu thế giới này đã luôn luôn hiện hữu thì đâu cần có sự sáng tạo nữa. Vì thế, nó chưa hiện hữu trong một khoảng thời gian trước khi có sự sáng tạo ra nó, và như vậy cần phải có một thứ tự thời gian. Vì vị sáng tạo – ta hãy gọi là Thượng đế - cần thiết phải tuân thủ quy luật thời gian, và do đó Ngài cũng trở thành đối tượng của sự biến đổi, cho dù sự thay đổi duy nhất mà Ngài từng trải qua là đã sáng tạo ra thế giới này. Và thế là ổn. Một Thượng đế toàn năng và thường hằng sẽ không thể thay đổi, vậy thì tốt hơn hết là hãy có một vị Thượng đế vô thường nhưng có thể đáp ứng những lời cầu khẩn và thay đổi khí hậu. Nhưng hễ hành động của Thượng đế là một tập hợp của những sự bắt đầu và kết thúc thì Ngài cũng vô thường, nói cách khác, cũng là đối tượng của sự biến đổi và không đáng tin cậy.
Nếu không có giấy thì cũng không có cuốn sách. Nếu không có nước thì cũng không có đá. Nếu không có bắt đầu thì cũng không có kết thúc. Sự hiện hữu của một sự vật phụ thuộc rất nhiều vào một sự vật khác, vì thế không có cái gì độc lập thực sự. Bởi vì phụ thuộc lẫn nhau nên một thành tố – ví dụ như một cái chân bàn – hơi bị lung lay thì hợp thể của toàn bộ cái bàn bị suy yếu và không ổn định. Dù ta nghĩ mình có thể kiểm soát được sự thay đổi nhưng trong hầu hết thời gian ta đều không thể làm như thế vì vô số những ảng hưởng không trông thấy được mà ta không biết. Và bởi vì sự phụ thuộc lẫn nhau này, sự tan rã của mọi sự vật trong trạng thái hiện tại hay nguyên thủy của nó là tất yếu. Mọi sự thay đổi đều bao hàm trong đó yếu tố của cái chết. Hôm nay là cái chết của ngày hôm qua.
Phần đông người ta đều chấp nhận rằng mọi thứ được sinh ra tất nhiên phải chết đi; nhưng quan niệm “mọi thứ” và “cái chết” của chúng ta có thể rất khác biệt. Đối với Ngài Tất Đạt Đa thì sinh có nghĩa là mọi sự tạo thành – không chỉ là hoa, nấm hay con người, mà là mọi thứ sinh ra hay được kết hợp với nhau bằng bất cứ cách nào. Và chết có nghĩa là sự tan rã hay sự phân giải. Ngài Tất Đạt Đa không có những tài trợ nghiên cứu hay những trợ lý, chỉ có gió bụi khô nóng của Ấn Độ và những con trâu chứng kiến. Được trang bị như vậy, Ngài đã nhận ra sự vô thường ở mức độ thâm sâu. Sự giác ngộ này của Ngài chẳng gây sự chú ý nào của công chúng giống như việc tìm ra một vì sao trong dải ngân hà, nó cũng không nhằm tới việc đề xuất những phán xét thâm sâu về đạo đức hay thiết lập một phong trào xã hội hay tôn giáo và cũng chẳng phải là một lời tiên tri. Vô thường chỉ là một sự thật đơn giản của cuộc sống; nó không phải là một ngày nào đó, một vài thứ lộn xộn kết hợp với nhau sẽ trở thành thường hằng. Và khả năng của chúng ta khó có thể chứng minh một điều như thế. Thế nhưng ngày nay chúng ta hoặc là biến Đức Phật thành một vị thần, hoặc là cố gắng vượt lên Đức Phật bằng những công nghệ tiên tiến.
Và chúng ta vẫn phớt lờ sự thật đó
2.538 năm sau khi Thái tử Tất Đạt Đa bước ra khỏi cánh cửa của cung điện – vào năm này, hàng triệu người đang hành lễ, vui đùa và dự liệu cho sự khởi đầu mới, với một số người tưởng nhớ Thượng đế, còn với một số người nữa lại là dịp để bán hàng giảm – một trận sóng thần khủng khiếp đã làm rung chuyển cả thế giới. Ngay cả những người có trái tim lạnh lùng nhất cũng phải hoảng sợ. Như cách những câu chuyện được kể trên truyền hình, một số người trong chúng ta có thể ước mong giá mà Orson Welles sẽ cắt ngang để thông báo rằng tất cả chỉ là một trò đùa hay Người Nhện sẽ ra tay để cứu đời.
Không nghi ngờ rằng trái tim của Thái tử Tất Đạt Đa sẽ rạn vỡ khi Ngài chứng kiến những nạn nhân của trận động đất trôi dạt vào bờ biển. Nhưng trái tim của Ngài còn tan nát hơn khi đứng trước sự thật là chúng ta vẫn luôn bất ngờ, vẫn luôn chối từ sự thật về vô thường. Hành tinh này được cấu thành từ những lớp đất magma kém ổn định. Mỗi một vùng đất – như Australia, Đài Loan, hay Châu Mỹ – chỉ giống như hạt sương sẽ rơi xuống cỏ. Vậy mà những công trình chọc trời và những đường hầm được xây dựng không dứt. Những hoạt động tàn phá rừng vô tội vạ vì con người cần những đôi đũa dùng một lần và những bưu phẩm tạp nham chỉ để mời sự vô thường hành động nhanh hơn mà thôi. Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta phải chứng kiến những dấu hiệu kết thúc của bất cứ một hiện tượng nào, nhưng vẫn rất khó để thuyết phục chúng được chúng ta.
Dù vậy, ngay sau một dấu hiệu nhắc nhở gây choáng váng giống như là sóng thần, thì cái chết và sự suy tàn sẽ sớm bị ngụy trang và lãng quên. Những khu nghỉ dưỡng sang trọng sẽ được dựng lên ngay tại chính địa điểm nơi những gia đình đã đến nhận diện xác của những người thân yêu của họ. Con người trên thế giới sẽ lại tiếp tục mê say vào cái thực tế đang gây hại thêm và đầy giả dối với hy vọng đạt được hạnh phúc lâu dài. Ước vọng cho “hạnh phúc mãi mãi về sau” chỉ là sự ham muốn trá hình về sự thường hằng. Những khái niệm giả tạo như “tình yêu vĩnh cửu”, “hạnh phúc mãi mãi” và “sự cứu rỗi” tạo ra nhiều bằng chứng của sự vô thường. Ý định của chúng ta và kết quả đạt được thường trái ngược. Chúng ta định sẽ xây dựng bản thân mình và thế giới của chúng ta, nhưng lại quên mất rằng sự suy tàn xuất hiện ngay khi sự sáng tạo bắt đầu. Những gì chúng ta nhắm tới thì không tan rã, nhưng những gì chúng ta làm lại đưa thẳng chúng ta đến chỗ tan rã.
Đức Phật đã từng khuyên lúc nào chúng ta cũng cần phải cố gắng ghi nhớ khái niệm về vô thường và đừng cố che đậy nó. Bằng cách duy trì sự tỉnh giác về những hiện tượng do tập hợp mà thành, chúng ta trở nên tỉnh giác về sự phụ thuộc lẫn nhau. Và khi nhớ rằng mọi sự đều vô thường, chúng ta sẽ ít bị phụ thuộc vào những giả định, những niềm tin cứng nhắc (thuộc cả tôn giáo lẫn thế tục), những hệ thống giá trị hay những đức tin mù quáng. Sự tỉnh giác này ngăn chúng ta khỏi bị thu hút vào đủ loại tình huống cá nhân, chính trị và quan hệ. Chúng ta bắt đầu nhận ra mọi thứ hoàn toàn không nằm dưới sự kiểm soát của mình và sẽ không bao giờ như vậy, vì thế không mong đợi mọi thứ vận hành theo những hy vọng và sợ hãi. Chẳng có ai đáng để trách cứ khi các sự việc trở nên xấu đi bởi vì có vô số nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) để trách cứ. Chúng ta có thể điều khiển sự giác tỉnh này từ những khu vực thâm sâu nhất của trí tưởng tượng cho tới những mức độ vi tế, vi tế còn hơn cả những nguyên tử.
Sự bất ổn định
Hành tinh Trái đất mà trên đó giờ đây bạn đang ngồi đọc cuốn sách này cuối cùng sẽ phun không còn sự sống giống như Sao Hỏa – nếu trước đó nó không vỡ tung tóe do bị một ngôi sao băng đâm vào. Hay là một vụ núi lửa phun khủng khiếp có thể khiến khói bụi che khuất ánh sáng mặt trời, xóa tan mọi sự sống trên trái đất này. Nhiều ngôi sao mà chúng ta ngắm một cách lãng mạn trên bầu trời đêm đã đi mất từ lâu; chúng ta đang thưởng lãm những tia sáng của những ngôi sao vốn đã tắt từ một triệu năm ánh sáng về trước. Trên bề mặt của của Trái đất mong manh này, những châu lục vẫn tiếp tục di chuyển. 300 triệu năm trước, châu Mỹ hiện giờ là một phần của một siêu châu lục mà các nhà địa chất học gọi là Pangaea.
Nhưng chúng ta chẳng cần phải chờ tới 300 triệu năm để chứng kiến sự thay đổi. Ngay cả trong một vòng đời ngắn ngủi, chúng ta đã chứng kiến cái quan niệm lớn lao về các đế quốc đã tàn phai giống như giọt nước trên cát bỏng. Ví dụ, Ấn Độ thường có một nữ hoàng sống tại Anh Quốc và cờ của bà ta phấp phới tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ngày nay mặt trời lại lặn trên cờ của vương quốc Anh. Những cái gọi là quốc tịch hay chủng tộc mà ta gắn bó chăt chẽ vẫn mãi thay đổi. Ví dụ - hai chiến binh như Maori và Navajo, những dân tộc đã từng cai quản đất nước của mình hàng trăm năm - giờ phải sống như những dân tộc thiểu số trong những khu bảo tồn chật hẹp, trong khi những người nhập cư vốn đã sống ổn định ở châu Âu cách đây 250 năm nay đã trở thành dân tộc đa số cầm quyền. Người Hán tại Trung Quốc thường gọi người Mãn Châu nằm trong số “bọn họ”, nhưng Trung Quốc đã quyết định quốc gia này là một nước cộng hòa bao gồm nhiều sắc tộc, vì thế giờ đây người Mãn Châu là ‘chúng ta”. Tuy nhiên, sự chuyển hóa không ngừng này chẳng ngăn chúng ta khỏi việc hy sinh cuộc sống và xương máu của mình để xây dựng lên những quốc gia hùng mạnh, những đường biên giới an toàn và những xã hội vững vàng trong nhiều thế kỷ qua... bao nhiêu xương máu đã đổ xuống nhân danh hệ thống chính trị từng xảy ra? Mỗi hệ thống đều được hình thành và tập hợp từ vô số những yếu tố bất ổn – kinh tế, mùa màng, tham vọng cá nhân, tình trạng tim mạch của một nhà lãnh đạo, tham ái, tình yêu, và may mắn. Những nhà lãnh đạo huyền thoại cũng không ổn định: một người bị thất sũng vì họ hút thuốc mà không hít vào; số khác thì lên vị trí lãnh đạo do bầu cử không minh bạch. Sự phức tạp của vô thường và sự bất ổn của tất cả những hiện tượng hữu vi này chỉ càng tăng lên trong lĩnh vực của những mối quan hệ quốc tế, bởi vì những định nghĩa về “đồng minh” và “kẻ thù” luôn luôn thay đổi. Có một thời, khi đó Mỹ mù quáng đả kích kẻ thù được gọi là “cộng sản”. Ngay cả Che Guevara, một người hùng lớn trong hoạt động xã hội, bị coi là một kẻ khủng bố bởi vì ông thuộc về một đảng cụ thể và đội chiếc mũ beret có ngôi sao màu đỏ. Ông rất khó có thể đã là một người cộng sản chính hiệu như chúng ta đã tô vẽ cho ông. Một vài thập niên sau, giờ đây Nhà Trắng lại xích đến gần Trung Quốc, nước cộng sản lớn nhất và trao địa vị tối huệ quốc cho nước này để xứng đáng với lời kêu gọi chiến đấu của Mỹ.
Hẳn là vì bản chất dễ thay đổi của thù và bạn nên khi Xa Nặc xin theo hầu Ngài Tất Đạt Đa trong cuộc tìm kiếm chân lý của Ngài, Ngài từ chối. Ngay cả người bạn thân thiết và tin cẩn nhất cũng là đối tượng thay đổi. Chúng ta thường kinh nghiệm về sự liên kết trong những mối quan hệ cá nhân. Người bạn thân thiết mà bạn đã chia sẻ những bí mật thâm sâu nhất sẽ có khả năng trở thành kẻ thù tồi tệ nhất bởi vì cô ta/anh ta có thể sử dụnng mối thâm tình ấy để chống lại bạn. Bởi vì chúng ta quá tự hào về những nguyên tắc của mình và áp đặt những nguyên tắc đó vào người khác, khái niệm đạo đức này vẫn giữ một chút giá trị. Tuy nhiên, chính định nghĩa về “đạo đức” đã thay đổi suốt lịch sử loài người, biến đổi theo tinh thần của từng thời đại. Phong vũ biểu luôn luôn dao động của người Mỹ về cái đúng hay sai về mặt chính trị thì thật là kinh hoàng. Bất kể ai đó nêu dẫn thế nào về các chủng tộc hay các nhóm văn hóa thì thế nào cũng có người giận dỗi. Những luật lệ luôn thay đổi. Một hôm chúng ta mời một người bạn tới ăn tối, và vì anh ấy là một người ăn chay kỹ tính nên chúng ta điều chỉnh thực đơn anh ấy. Nhưng đến lần sau, khi anh ấy tới ăn tối, anh ấy lại hỏi thịt ở đâu, bởi vì bây giờ anh ấy lại là người thực hiện triệt để chế độ ăn giàu protein. Hay một người cổ vũ cho việc tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, bỗng nhiên trở nên chung chạ thoải mái một khi anh ta/ cô ta đã thử làm chuyện ấy một lần.
Nghệ thuật cổ châu Á khắc họa chân dung những người phụ nữ đang đi với bộ ngực trần và thậm chí gần đây ở vài xã hội Á Châu, người ta cho rằng phụ nữ đi ra ngoài mà không che phần thân phía trên cũng có thể chấp nhận được. Thế rồi những hiện tượng được tập hợp của vô tuyến truyền hình và những giá trị phương Tây dẫn tới một thứ đạo đức mới. Đột nhiên thật là sai trái nếu không mặc áo ngực; nếu bạn không che ngực, bạn sẽ bị coi là thô tục và thậm chí có thể bị bắt giam. Những đất nước đã từng có quan niệm thoải mái giờ đây bận rộn tiếp nhận những khái niệm đạo đức mới này nọ, mua áo ngực và che đậy càng nhiều càng tốt ngay cả trong những mùa hè nóng nực nhất. Bộ ngực vốn chẳng có gì xấu, nó cũng không hề thay đổi, nhưng giá trị đạo đức thì thay đổi. Sự thay đổi biến bộ ngực thành thứ tội lỗi, dẫn tới việc Ủy ban Truyền thông Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ phạt kênh truyền hình CBS 550.000 đô la vì tội để ca sĩ Janet Jackson để hở gần 2/3 một bên ngực của cô.
Nguyên nhân và điều kiện (Nhân duyên): trứng được luộc và bạn không thể làm gì cả
Khi Ngài Tất Đạt Đa nói về “mọi sự vật được hợp thành” [hữu vi], Ngài muốn nói tới những gì khác hơn nhiều so với những hiện tượng rõ ràng có thể nhận thức được như DNA, chú chó của bạn, tháp Eiff el, trứng hay là tinh trùng. Tâm thức, thời gian, ký ức và Thượng đế cũng đều được hợp thành [tức là hữu vi]. Mỗi thành phần trong tập hợp đó lại phụ thuộc vào nhiều tầng lớp tập hợp khác. Tương tự, khi Ngài dạy về vô thường, Ngài vượt qua lối suy nghĩ ước lệ về “sự kết thúc”, như là khái niệm cái chết xảy ra một lần và thế là hết. Cái chết đang đến từ giây phút được sinh ra, từ giây phút tạo lập. Mỗi thay đổi là một dạng của cái chết; vì thế, mỗi sự sinh ra là chứa đựng cái chết của một thứ gì đó nữa. Hãy xem xét việc luộc một quả trứng gà. Nếu không có sự thay đổi liên tục, việc luộc quả trứng không thể diễn ra. Quả trứng được luộc chín đòi hỏi vài nguyên nhân và điều kiện cơ bản. Rõ ràng bạn cần một quả trứng, một bình nước và một nhiệt độ thích hợp. Sau đó là vài nguyên nhân và điều kiện có vẻ không mấy cơ bản, như là một cái bếp, lửa, đồng hồ đếm giờ, một bàn tay đặt trứng vào bình. Thêm một điều kiện quan trọng nữa, đó là không có sự ngắt quãng, như bỗng nhiên mất điện hay một con dê đi qua làm đổ cái bình. Hơn nữa, mỗi điều kiện – như con gà chẳng hạn – đòi hỏi một loạt những điều kiện và nguyên nhân khác. Nó cần một con gà khác đẻ trứng, từ quả trứng đó nó được sinh ra, một nơi đủ an toàn và cần có thức ăn để lớn. Thức ăn cho gà được trồng tại một nơi nào đó và được mang tới cho chú gà. Chúng ta có thể chia nhỏ những điều kiện cơ bản và không cơ bản này tới mức vô cùng nhỏ, với một con số cứ tăng mãi về các mẫu thức, hình dáng, chức năng và nhãn hiệu.
Khi tất cả vô số những điều kiện, nguyên nhân đến với nhau, và không hề có trở ngại hay sự đứt quãng nào, kết quả chắc chắc xảy ra. Nhiều người hiểu nhầm điều này là số phận hay may mắn, nhưng chúng ta vẫn có quyền tác động vào những điều kiện đó, ít nhất là vào lúc khởi đầu. Nhưng ở mức độ nào đó, ngay cả khi chúng ta cầu nguyện là trứng không bị luộc thì nó vẫn sẽ bị luộc chín thôi.
Cũng giống như trứng, tất cả các hiện tượng là sản phẩm của vô số thành tố, vì thế chúng luôn thay đổi. Hầu như tất cả những thành tố này đều vượt ngoài sự kiểm soát của chúng ta, và vì lý do đó chúng luôn không xảy ra như những mong chờ của chúng ta. Ứng cử viên tổng thống ít khả năng thắng cử nhất lại có thể trở thành tổng thống và dẫn dắt đất nước đến thịnh vượng và hạnh phúc. Có thể ứng cử viên mà bạn ủng hộ có thể thắng cử nhưng lại dẫn dắt đất nước đến chỗ suy tàn về kinh tế và xã hội, khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khó. Bạn có thể nghĩ rằng chính trị cánh tả, tự do là chính trị sáng suốt, nhưng họ có thể thực sự là nguồn gốc của chủ nghĩa phát xít và lực lượng đầu trọc hay thậm chí thúc đẩy sự tha thứ cho những người không đáng tha thứ. Hoặc là do bảo vệ những quyền lợi cá nhân của những người mà mục đích duy nhất của họ là phá hủy những quyền lợi cá nhân của những người khác. Thể cách khó đoán trước như vậy vẫn nhằm tới mọi dạng thức, cảm thọ, khái niệm, truyền thống, tình yêu, sự tin cậy, sự bất tín, nghi ngờ - thậm chí là tới cả mối quan hệ tâm linh giữa thầy và trò, giữa con người với những vị thần của họ.
Tất cả các hiện tượng này là vô thường. Hãy lấy ví dụ về chủ nghĩa hoài nghi. Lần nọ có một người đàn ông Canada là hiện thân của mẫu người hoài nghi. Ông thích tham dự những buổi giảng Phật pháp để có thể tranh luận với các vị thầy. Ông là người hiểu rộng về triết lý đạo Phật, vì thế những tranh biện của ông thực sự rất vững vàng. Ông hứng thú với các cơ hội trích dẫn giáo lý Phật giáo, những lời Phật dạy phải được phân tích thay vì chấp nhận. Vài năm sau, giờ đây ông lại trở thành một tín đồ cực kỳ nhiệt thành của một thầy đồng nổi tiếng trên kênh truyền hình. Một người cực kỳ hoài nghi ngồi trước mặt vị thầy đang hát với những dòng nước mắt tuôn ra như suối, toàn tâm toàn ý cho một thực thể chẳng có chút luận lý nào để trao cho mình cả. Niềm tin hay sự tận tụy có hàm ý là không dao động, nhưng giống như hoài nghi và những hiện tượng hữu vi khác, sự tín thành là vô thường.
Hễ chính bạn tự hào về tôn giáo của bạn hay tự hào rằng bạn không thuộc tôn giáo nào, thì niềm tin đóng vai trò quan trọng trong đời sống của bạn. Ngay cả khi “không tin” cũng đòi hỏi niềm tin – niềm tin hoàn toàn, mù quáng trong luận lý hay lý lẽ của chính bạn được đặt căn bản trên những cảm nhận luôn luôn thay đổi của bạn. Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi những gì có vẻ thuyết phục không còn khiến chúng ta tin nữa. Bản chất phi luận lý của sự tin tưởng chẳng có chút gì tinh tế; thực ra, nó nằm trong những hiện tượng được hợp thành và phụ thuộc lẫn nhau. Sự tin tưởng có thể được phát sinh bằng cái nhìn đúng đắn vào đúng thời điểm và đúng chỗ. Sự tin tưởng của bạn có thể phụ thuộc vào sự tương hợp hời hợt. Giả dụ bạn là một người ghét phụ nữ và bạn gặp một người đang rao giảng rằng rất ghét phụ nữ. Bạn sẽ thấy người đó thật mạnh mẽ, bạn sẽ đồng ý với quan điểm của anh ta và bạn sẽ tìm thấy sự tin tưởng vào anh ta. Một điều gì đó nhỏ nhặt như cùng ưa thích cá cũng có thể tăng thêm sự tận tụy của bạn đối với anh ta. Hay có lẽ một người hay một tổ chức có khả năng làm giảm đi nỗi sợ hãi của bạn về những điều không biết. Những yếu tố khác như gia đình, đất nước hay xã hội mà bạn sinh ra là một phần của tập hợp những thành tố tạo nên điều mà ta gọi là sự tin tưởng.
Nhiều công dân của nhiều đất nước Phật giáo, như Bhutan, Triều Tiên, Nhật Bản và Thái Lan, đã tin theo đạo Phật một cách mù quáng. Mặt khác, có rất nhiều người trẻ ở những đất nước đó vỡ mộng về Đạo Phật bởi vì có quá ít thông tin và có quá nhiều thứ làm xao lãng, khiến những hiện tượng của niềm tin không đứng vững được, và họ quay sang một niềm tin khác hoặc tin vào lý lẽ của riêng họ.
Sự vô thường vận hành cho chúng ta
Hiểu được khái niệm về sự tập hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích, vì chỉ một quả trứng được luộc chín đã bao gồm rất nhiều hiện tượng thì thật là sáng tạo. Khi chúng ta nhìn thấy được những phần tử được kết hợp của mọi sự vật và hoàn cảnh, chúng ta học được cách nuôi dưỡng sự bao dung, sự hiểu biết, lòng quảng đại và sự vô úy. Chẳng hạn vài người vẫn cho rằng Mark Chapman là thủ phạm duy nhất của vụ ám sát John Lennon. Có lẽ nếu sự tôn thờ danh tiếng của chúng ta không quá lớn thì Mark Chapman đã không gây ra cái ảo tưởng giết John Lennon. 20 năm sau sự việc, Chapman thú nhận rằng khi anh ta bắn John Lennon, anh ta không thấy John là một con người thật. Sự bất ổn về tâm thần của anh ta là do hàng loạt những yếu tố được tập hợp lại (cấu tạo của bộ não, quá trình trưởng thành, hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần của Mỹ). Khi chúng ta nhìn thấy một tâm hồn yếu đuối và khổ đau được cấu thành và nhận ra những điều kiện mà nó vận hành, chúng ta sẽ hiểu và cảm thông với những Mark Chapman của thế giới. Như trường hợp của quả trứng được luộc chín, dù chúng ta có cầu nguyện để chuyện ám sát không xảy ra, điều đó vẫn không thể tránh được.
Dù hiểu được điều này, chúng ta vẫn sợ hãi Mark Chapman bởi sự khó lường của anh ta. Sợ hãi và lo lắng là các trạng thái tâm lý chủ yếu của con người. Đằng sau sợ hãi là mong muốn luôn luôn được an toàn. Chúng ta lo sợ những điều không biết. Ham muốn của tâm về sự xác định bắt nguồn từ sự sợ hãi vô thường của chúng ta.
Vô úy được sinh ra khi bạn hiểu được bất ổn định, khi bạn có niềm tin rằng những thành phần nối kết với nhau ổn định và thường hằng. Bạn sẽ tự thấy chính mình, trong một nghĩa thật nhất, chuẩn bị cho những điều xấu nhất và cả những điều tốt nhất xảy đến. Bạn trở thành người có phẩm giá và đường bệ.
Những phẩm chất đó sẽ tăng cường khả năng của bạn trong công việc, phát động chiến tranh, kiến tạo hòa bình, tạo lập gia đình, tận hưởng tình yêu và những mối quan hệ cá nhân. Nhờ biết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước, biết chấp nhận những khả năng có thể xảy ra từ giờ phút này trở đi, bạn có được kỹ năng nhận thức sâu sắc và dự đoán như thể một vị tướng tài ba, không hoang tưởng mà luôn trong tư thế sẵn sàng.
Đối với Ngài Tất Đạt Đa, nếu không có vô thường thì sẽ chẳng có tiến bộ hoặc sự thay đổi để hướng tới điều tốt đẹp hơn. Dumbo, một chú voi biết bay, đã hiểu ra điều này. Là voi con Dumbo lang thang không chốn nương thân chỉ bởi vì tai của chú ta to quá khổ. Chú cô đơn, trầm cảm và lo sợ mình sẽ bị đuổi khỏi đoàn xiếc. Nhưng sau đó, chú phát hiện ra “dị tướng” của mình là duy nhất và có giá trị vì nó khiến cho chú có thể bay. Chú trở nên nổi tiếng. Nếu chú tin vào sự vô thường để khởi sự với nó thì chú đã không quá khổ sở như vậy. Việc nhận diện sự vô thường là chìa khóa dẫn đến sự giải thoát khỏi nỗi sợ phải mãi mãi kẹt dính vào một hoàn cảnh, thói quen hoặc mẫu thức.
Các mối quan hệ cá nhân là những ví dụ rõ ràng và hoàn hảo nhất về những hiện tượng hữu vi và vô thường. Vài cặp vợ chồng tin rằng họ có thể gìn giữ quan hệ của mình cho tới khi “cái chết mới chia lìa chúng ta” bằng cách đọc các loại sách hay nhờ bác sĩ chuyên khoa quan hệ gia đình tư vấn. Dù cho rằng đàn ông đến từ sao Hỏa và phụ nữ đến từ sao Kim thì cũng chỉ giải quyết được vài nhân duyên của sự bất hòa. Ở mức độ nào đó, những hiểu biết nhỏ nhặt này có thể tạo sự yên ổn tạm thời, nhưng chúng không nhằm vào rất nhiều yếu tố sâu kín vốn là một phần của tập hợp quan hệ. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy những điều ẩn giấu đó thì có thể chúng ta sẽ có được mối quan hệ hoàn hảo – hoặc có thể chúng ta sẽ không bao giờ phải thực hiện bước đầu tiên để có được mối quan hệ hoàn hảo.
Ứng dụng hiểu biết của Ngài Tất Đạt Đa về vô thường vào các mối quan hệ của chúng ta có thể dẫn tới sự thú vị được diễn tả trong lời nói xót xa của Juliet với Romeo: “Chia lìa cũng là một nỗi sầu bi ngọt ngào…” Phút giây chia ly thường là điều sâu sắc nhất trong mối quan hệ. Mọi mối quan hệ cuối cùng rồi phải kết thúc, ngay cả khi đó là vì cái chết. Suy tư về điều này, sự am hiểu của chúng ta về các nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) sẽ giúp nâng cao khả năng liên hệ giữa những hiện tượng. Điều này càng đặc biệt có hiệu quả nếu một người trong mối quan hệ của bạn đang ở giai đoạn cuối của một căn bệnh. Chẳng còn ảo vọng về “sự vĩnh hằng” và điều đó sẽ giúp đà thông nhiều điều; sự quan tâm và yêu thương sẽ trở thành vô điều kiện và niềm vui của chúng ta trong hiện tại thật tràn đầy. Dành tặng tình yêu và sự đỡ đần sẽ trở nên tự nhiên và thoải mái khi những ngày tháng của người ta yêu chẳng còn bao nhiêu.
Nhưng chúng ta cũng quên mất rằng ngày tháng của chính chúng ta cũng có giới hạn. Ngay cả khi nếu chúng ta hiểu rằng mọi thứ sinh ra đều phải chết đi và rằng mọi thứ được hợp thành cuối cùng sẽ tan rã, thì trong trạng thái tình cảm của mình, chúng ta cứ luôn tin vào sự thường hằng mà hoàn toàn quên mất sự phụ thuộc lẫn nhau. Thói quen này có thể thúc đẩy mọi trạng thái tiêu cực: ảo tưởng, cô đơn, tội lỗi. Chúng ta có thể cảm thấy mình bị lừa bịp, bị đe dọa, bị đối xử tệ bạc, bị coi thường – như thể cả thế giới này đã bất công khi để chúng ta cô đơn.
Vẻ đẹp ở trong mắt của người ngắm nhìn
Khi Thái tử Tất Đạt Đa rời thành Ca Tì La Vệ, Ngài không hề cô đơn. Những giờ trước khi trời sáng, gia đình Ngài và những người hầu còn đang say ngủ, Ngài đi đến chuồng ngựa, nơi Xa Nặc, người đánh xe ngựa đồng thời là bạn tin cậy nhất của Ngài đang ngủ. Xa Nặc lặng im khi bất ngờ trông thấy Ngài Tất Đạt Đa, nhưng tuân theo sự hướng dẫn chủ nhân, anh ta thắng yên vào con ngựa Kiền Trắc (Kathanka) mà Thái tử ưa thích. Họ đi qua cổng thành phố mà không bị phát hiện. Khi đã cách xa thành ở khoảng cách an toàn, Thái tử xuống ngựa và tháo bỏ mọi vòng tay, vòng chân, quần áo hoàng gia. Ngài giao hết những đồ quý giá cho Xa Nặc, lệnh cho Xa Nặc mang ngựa trở lại thành. Xa Nặc khẩn khoản xin Thái tử cho đi cùng, nhưng Ngài từ chối. Xa Nặc buộc phải quay về và tiếp tục phục vụ hoàng gia.
Ngài yêu cầu Xa Nặc chuyển thông điệp tới gia đình mình: họ đừng nên lo lắng, bởi vì Ngài đã bắt đầu một hành trình vô cùng quan trọng. Ngài đã đưa cho Xa Nặc tất cả những đồ trang sức quý báu, ngoại trừ một thứ, biểu tượng cuối cùng của vẻ uy nghi, đẳng cấp và vương giả – mái tóc dài tuyệt đẹp của Ngài. Mái tóc đó Ngài cũng tự tay cắt và đưa cho Xa Nặc, rồi Ngài đơn độc ra đi. Ngài Tất Đạt Đa bắt đầu cuộc khám phá về tính vô thường. Đối với Ngài, dành nhiều công sức vào sắc đẹp và sự kiêu căng thì có vẻ điên rồ. Ngài không chỉ trích vẻ đẹp và việc ăn mặc đẹp. Ngài chỉ phê phán niềm tin của họ vào sự thường hằng mà thôi.
Người ta thường nói, “vẻ đẹp ở trong mắt của người ngắm nhìn”. Câu nói này thể hiện sự sâu sắc hơn nhiều . Khái niệm về vẻ đẹp là thứ rất hay thay đổi, các nguyên nhân và điều kiện của các xu hướng thời trang luôn biến đổi, khi những kẻ ngắm nhìn những xu hướng thời trang đó thay đổi. Cho tới giữa thế kỷ 20, đôi chân của những cô gái trẻ Trung Quốc vẫn còn bị bó lại sao cho chúng không dài quá chín, mười phân. Kết quả của quá trình tra tấn ấy được gọi là đẹp; những người đàn ông thậm chí còn cảm thấy bị kích thích mạnh mẽ khi nhìn thấy những miếng vải đã từng được dùng để bó chân. Giờ đây phụ nữ Trung Quốc lại trải qua một hình thức chịu đựng khác, đó là cố gắng sở hữu những đôi chân dài để họ trông giống như những phụ nữ trên tạp chí Vogue. Các cô gái Ấn Độ thì cố nhịn ăn để làm cho thân hình mập mạp của họ - tròn trịa và dễ thương trong các bức họa ở Ajanta – thon lại, có đường nét của những người mẫu Paris. Những ngôi sao điện ảnh phim câm tại phương Tây đã từng được ca tụng vì có đôi môi nhỏ hơn đôi mắt của họ, nhưng ngày nay mốt thời trang phải là miệng rộng với đôi môi dầy. Có lẽ vẻ đẹp hấp dẫn tiếp theo sẽ là có đôi môi thằn lằn và đôi mắt chim vẹt. Và rồi tất cả những người phụ nữ kia với đôi môi căng phồng lại phải mất tiền để làm mỏng môi đi.
Vô thường là một tin tốt
Đức Phật không phải là một người bi quan hay một nhà tiên tri bi quan ; Ngài là một người thực tế, trong khi chúng ta có xu hướng chạy trốn thực tế. Khi Ngài tuyên bố mọi thứ được hợp lại mà thành (hữu vi) là vô thường, ngài không định nói đây là tin xấu; nó chỉ là một sự thật hoàn toàn khoa học. Phụ thuộc vào hoàn cảnh và cách hiểu của bạn về sự thật này, nó có thể trở thành một con đường đưa đến cảm hứng và hy vọng, vinh quang và thành công. Ví dụ, đến khi sự nóng lên của Trái đất và đói nghèo là sản phẩm của những điều kiện tư bản tham lam vô độ, thì điều bất hạnh này có thể được đảo ngược. Đó là nhờ vào bản chất vô thường của mọi hiện tượng hữu vi. Thay vì dựa vào sức mạnh siêu nhiên, như ý muốn của Thương đế, để đảo ngược những xu hướng tiêu cực ấy, một sự thấu hiểu giản dị về bản chất vô thường của mọi hiện tượng hữu vi là tất cả những gì cấn thiết. Khi bạn hiểu các hiện tượng, bạn có thể thao tác chúng, bạn có thể sử dung điều này, và nhờ đó mà tác động lên những nguyên nhân và điều kiện. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy một bước nhỏ như là nói không với việc sử dụng túi ni lông có thể trì hoãn sự nóng lên của trái đất. Nhận ra được sự bất ổn định của các nguyên nhân và điều kiện, chúng ta hiểu được sức mạnh của chính mình để chuyển hóa những trở ngại và khiến những điều không thể thành có thể. Điều này đúng với mọi lĩnh vực trong đời sống. Nếu bạn không có một chiếc Ferrari, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những điều kiện để có một chiếc. Chừng nào có một chiếc Ferrari, chừng đó bạn có cơ hội sở hữu chiếc xe đó. Cũng như thế đối với mong muốn được sống lâu, bạn có thể lựa chọn không hút thuốc và tập thể dục nhiều hơn. Đó là hy vọng hợp lý. Vô vọng – cũng giống như điều ngược lại, sự hy vọng mù quáng – là kết quả của niềm tin vào sự thường hằng.
Bạn có thể thay đổi cả thế giới vật lý lẫn thế giới cảm xúc của mình, chẳng hạn như chuyển hóa sự dao động thành bình an tâm trí bằng cách từ bỏ tham vọng hay chuyển hóa sự tự ti thành tự tin bằng cách hành động vì lòng từ ái và nhân đức. Nếu tất cả chúng ta đều biết cách đặt mình vào địa vị của người khác, chúng ta sẽ vun trồng sự bình an trong đất nước của chúng ta, với các nước láng giềng và với các nước khác.
Đấy là tất cả những ví dụ về cách chúng ta tác động tới những hiện tượng hữu vi ở mức độ đời thường. Ngài Tất Đạt Đa cũng nhận thấy rằng ngay cả những mức độ địa ngục và tình trạng tồi tệ đáng sợ nhất cũng là vô thường vì chúng cũng thế - được hợp tạo mà nên. Địa ngục không hiện hữu như một cõi thường hằng ở đâu đó dưới lòng đất, nơi các tội phạm phải chịu đựng sự tra tấn mãi mãi. Nó giống như một cơn ác mộng. Sở dĩ bạn nằm mơ thấy một con voi dẫm lên người bạn là do một số nguyên nhân và điều kiện – trước hết là bạn phải ngủ, kế đến là hẳn bạn từng có chuyện không hay về lũ voi. Bất kể cơn ác mộng ấy kéo dài trong bao lâu, suốt thời gian đó bạn ở trong địa ngục. Sau đó, do những nguyên nhân và điều kiện của một chiếc đồng hồ báo thức hay đơn giản là do bạn tỉnh ngủ, bạn thức dậy. Giấc mơ ấy là địa ngục tạm thời và không phải nó không giống những khái niệm của chúng ta về một địa ngục “thực sự”.
Tương tự như thế, nếu bạn ghét ai đó và lao vào những hành động gây hấn hoặc trả thù thì chính điều ấy là một kinh nghiệm của địa ngục. Sự oán hận, thủ đoạn chính trị và sự trả thù đã tạo nên địa ngục trên thế giới này. Ví dụ khi một cậu bé – thấp hơn, gầy yếu và nhẹ hơn cả khẩu AK-47 mà cậu đang mang – thậm chí chẳng có nổi một ngày để vui đùa hay kỷ niệm sinh nhật của mình chỉ bởi vì cậu quá bận rộn để trở thành một người lính. Điều này chẳng khác gì địa ngục. Và chúng ta có đủ loại địa ngục như thế do bởi những nguyên nhân và điều kiện, và vì thế chúng ta cũng có thể thoát khỏi những địa ngục nàybằng cách sử dụng tình yêu thương và lòng từ bi như là những liều thuốc giải độc để tiêu trừ nóng giận và oán thù như Đức Phật đã kê đơn cho chúng ta.
Khái niệm về vô thường không dự đoán về trận chiến quyết liệt giữa thiện và ác lúc tận thế (Armageddon) hay sách Khải huyền nói về ngày tận thế, cũng chẳng phải là sự trừng phạt về những tội lỗi của chúng ta. Vô thường vốn không tiêu cực hay tích cực, nó chỉ đơn giản là một phần của quá trình cấu thành của vật chất. Chúng ta thường chỉ nhận biết được một nửa vòng quay của vô thường. Chúng ta chỉ chấp nhận sự sinh ra mà không chấp nhận cái chết, chấp nhận được mà không chấp nhận mất, hay sự kết thúc của các kỳ thi mà không phải là lúc bắt đầu. Sự giải thoát thực sự phát xuất từ sự lĩnh hội toàn bộ vòng quay này và không cố nắm giữ những gì mà chúng ta cảm thấy thích thú. Bằng việc luôn ghi nhớ sự thay đổi và vô thường của những nguyên nhân và điều kiện, cả tích cực và tiêu cực, chúng ta có thể sử dụng chúng để làm lợi cho chúng ta. Sự thịnh vượng, sức khỏe, an lạc, danh tiếng cũng tạm thời như chính những thứ ngược lại. Và dĩ nhiên Ngài Tất Đạt Đa không thích cõi trời và những kinh nghiệm tại cõi trời. Chúng đều vô thường.
Chúng ta có thể tự hỏi vì sao Đức Phật nói rằng “mọi sự vật hữu vi” là vô thường. Tại sao không nói “mọi sự vật” là vô thường? Nói mọi thứ là vô thường mà không cần có từ hữu vi [được cấu thành] bổ nghĩa là đúng. Tuy nhiên, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở chúng ta về phần thứ hai, (hữu vi) để giữ cho lập luận đằng sau lời tuyên bố đó. “Tập hợp” là một khái niệm rất đơn giản, nhưng nó có rất nhiều tầng lớp mà để hiểu nó một cách thâm sâu, chúng ta cần có sự nhắc nhở thường xuyên này.
Chẳng có thứ gì hiện hữu hay vận hành trong thế giới này, chẳng có thứ gì được cấu thành trong trí tưởng tượng hay trong bình diện vật chất, chẳng có gì đã từng đi qua trí óc (hay tâm) bạn, thậm chí là chính trí óc (tâm) bạn, mà sẽ vẫn là nó mãi mãi. Các sự vật có thể kéo dài suốt khoảng thời gian mà bạn trải nghiệm về cuộc đời này, hoặc sang cả thế hệ kế tiếp; thế rồi chúng lại có thể tan rã sớm hơn bạn mong đợi. Cách nào đi nữa thì sự thay đổi cuối cùng cũng không thể tránh khỏi. Chẳng có mức độ xác suất hay may rủi nào trong đó cả... Nếu bạn cảm thấy thất vọng, hãy nhớ điều này và bạn sẽ không còn có lý do nào để thất vọng nữa, vì dù chuyện gì đang khiến bạn buồn nản thì rồi nó cũng sẽ biến đổi. Mọi thứ phải thay đổi. Không thể tin được rằng Australia sẽ trở thành một phần của Trung Quốc, Hà Lan sẽ trở thành một phần của Thổ Nhĩ Kỳ. Không thể tin được rằng bạn sẽ gây ra cái chết cho ai đó hay bạn sẽ bị buộc vào một chiếc xe lăn. Bạn có thể trở thành triệu phú, vị cứu tinh của nhân loại, người đoạt giải Nobel Hòa bình hoặc một đấng giác ngộ.