Kết luận
Ngày nay, chúng ta gặp phải nhiều người pha trộn hòa lẫn các tôn giáo để thích hợp với mức độ thuận lợi của họ. Cố gắng để không có tinh thần bè phái, họ nỗ lực giải thích các khái niệm Thiên Chúa giáo từ quan điểm của Đức Phật, hoặc tìm những chỗ tương tự giữa Phật giáo và Hồi giáo, hoặc giữa Thiền và Doanh nghiệp. Dĩ nhiên, người ta ít ra cũng tìm thấy những tương tự nho nhỏ giữa hai vật đang hiện hữu – nhưng tôi không nghĩ rằng những so sánh như thế là cần thiết. Dù rằng mọi tôn giáo đều bắt đầu bằng một vài loại mục đích nhân đạo, thường là để làm vơi khổ đau, các tôn giáo đều có những khác biệt căn bản. Các tôn giáo giống như những phương thuốc; và giống như các phương thuốc, các tôn giáo thay đổi tùy theo người bệnh và cơn
bệnh. Nếu bạn bị chứng nổi ban, cách chữa thích hợp là thoa thuốc nước calamine. Nếu bạn bị bệnh bạch hầu, bạn chớ cố tìm ra những tương tự giữa thuốc nước calamine với sự hóa trị để bạn có thể bào chữa cho việc dùng thuốc nước calamine vì nó thuận tiện hơn. Tương tự, không cần phải trộn lẫn các tôn giáo.
Trong những trang này, tôi đã cố gắng nêu ra một cái nhìn vào những điều căn bản của quan điểm Phật giáo. Trong mọi tôn giáo, quan điểm là căn bản của thực hành, vì quan điểm khẳng định động cơ và các hành động của chúng ta. Quả thật là “những vẻ bên ngoài có thể đánh lừa”. Thật sự, chúng ta không thể phán xét những người hàng xóm chỉ bằng việc thấy họ có vẻ như thế nào. Thật rõ ràng rằng chúng ta không thể xét đoán thứ gì riêng tư như tôn giáo bằng hình thức bên ngoài. Chúng ta cũng không thể xét đoán tôn giáo qua các hành động, đạo đức học, phẩm hạnh, hoặc các luật tắc về hành vi mà các tôn giáo ấy khuyến dụ.
Quan điểm là chốt tham khảo sau cùng
Quan điểm là cốt lõi của bất cứ tôn giáo nào. Tại một hội nghị liên tôn, chúng ta không thể có sự chọn lựa nào ngoài việc tỏ ra tế nhị trong xã giao và chấp nhận rằng mọi tôn giáo về căn bản là giống như nhau.
Nhưng thực ra, các tôn giáo có những quan điểm rất khác nhau, và không ai ngoài chính bạn có thể xét xem có phải quan điểm này thì tốt hơn quan điểm kia. Chỉ có bạn với tư cách là một cá nhân, với khả năng tâm thức, sở thích, cảm thụ và sự tiếp thu của chính bạn, mới có thể chọn lựa quan điểm nào là tốt cho bạn. Giống như một bữa tiệc buff et thịnh soạn, nhiều sự tiếp cận đưa tới nhiều sự lựa chọn cho mọi người. Chẳng hạn, thông điệp ahimsa [bất hại] của Kỳ-na giáo tốt đẹp đến nỗi người ta tự hỏi tại sao tôn giáo lớn này không phát triển như các tôn giáo khác. Và thông điệp tình thương và sự cứu rỗi của Thiên Chúa giáo đã mang lại an bình và hài hòa cho hàng triệu trái tim.
Bề ngoài của các tôn giáo này có thể có vẻ xa lạ và phi lý đối với những người ngoài. Cũng dễ hiểu khi nhiều người trong chúng ta thắc mắc về những tôn giáo cổ xưa và những mê tín vốn thiếu sự hợp lý. Ví dụ, nhiều người thắc mắc vì chiếc áo nâu và cái đầu cạo trọc của các tu sĩ Phật giáo vì những thứ ấy có vẻ không thích hợp với khoa học, kinh tế, và đời sống nói chung. Tôi không khỏi tự hỏi những người ấy sẽ nghĩ sao nếu như họ được đưa đến một tu viện Tây Tạng và được đối mặt với những bức tranh vẽ các vị thần phẫn nộ và các phụ nữ lõa lồ trong các tư thế hành lạc. Họ có thể nghĩ rằng mình đang xem một số tiết mục kỳ lạ trong Kama Sutra, hay thậm chí còn tệ hơn, bằng chứng của sự trụy lạc hoặc sự tôn thờ ma quỷ.
Người ngoài cũng có thể kinh ngạc khi thấy các hành giả đạo Kỳ-na lõa thể mà đi hay tín đồ Ấn giáo thờ các thần giống như những con bò và con khỉ. Nhiều người cảm thấy khó hiểu tại sao những người theo đạo Hồi dùng triết lý thâm sâu của họ là cấm thờ thần tượng như là biện minh cho sự bài bác các ảnh tượng thiêng liêng của các tôn giáo khác, trong khi ở Mecca, một trong những thánh địa thiêng liêng nhất của Hồi giáo, Ka’aba, al-Hajr e Aswad (viên đá đen thiêng liêng) là một vật thể vật lý được thờ phượng và là nơi đến hành hương mỗi năm của hàng triệu tín đồ Hồi giáo. Đối với những ai không hiểu Thiên Chúa giáo thì có thể khó mà quan niệm tại sao các tín đồ Thiên Chúa giáo không chọn ra một câu chuyện thời hoàng kim của đấng Christ hơn là cái hồi ảm đạm trên cây thập tự. Những người ấy có thể cảm thấy khó hiểu rằng ảnh tượng trung tâm, cây thập tự, làm cho đấng cứu thế có vẻ quá cô đơn không được ai giúp đỡ.
Nhưng những thứ ấy đều là vẻ bên ngoài. Phán xét hay đánh giá một con đường hay một tôn giáo bằng những vẻ bên ngoài như thế thì không phải là có trí, và nó có thể gây thêm thành kiến.
Giới hạnh nghiêm ngặt vẫn không thể được dùng để định nghĩa một tôn giáo. Sự gắn chặt vào luật lệ không làm nên một con người tốt. Nghe nói Hitler vốn là người ăn chay và rất cẩn thận trong việc trau chuốt. Nhưng kỷ luật và trang phục chỉnh tề tự chúng chẳng có gì thiêng liêng. Và lúc đầu ai định nghĩa những thứ gì là tốt chứ? Những gì là tốt lành ở tôn giáo này thì không tốt lành hoặc chẳng là gì ở tôn giáo kia. Ví dụ, những người đàn ông theo đạo Sikh không bao giờ cắt tóc cạo râu, trong khi các tu sĩ thuộc cả hai truyền thống Đông và Tây thường cạo trọc đầu, và các tín đồ Tin lành thì có thể thích để râu tóc thế nào cũng được. Mỗi tôn giáo đều có sự giải thích thâm sâu về những biểu tượng và những sự thực hành của tôn giáo ấy – tại sao không ăn thịt heo hay tôm, tại sao được yêu cầu cạo hay bị cấm cạo râu tóc. Nhưng bên trong những điều được làm và không được làm, mỗi tôn giáo phải có một quan điểm căn bản và quan điểm là quan trọng nhất .
Quan điểm là chốt tham khảo cuối cùng để khẳng định một hành động là đúng hay không đúng. Một hành động được đánh giá bằng cách xem nó phù hợp thế nào cho quan điểm của ta. Ví dụ, nếu bạn sống ở bãi Venice, California, và bạn có quan điểm rằng được gầy bớt đi là tốt, động cơ của bạn là giảm trọng, bạn suy nghĩ về bãi biển, hẳn là nó rất tốt và hành động của bạn có thể là để tránh được carbohydrate. Bây giờ, hãy giả dụ bạn là một nhà đô vật Sumo ở Tokyo. Quan điểm của bạn là mập phì thì tốt, động cơ của bạn là tăng trọng và bạn suy nghĩ về việc bạn không thể nào là một võ sĩ Sumo gầy gò được. Hành động của bạn là phải ăn càng nhiều cơm và nhiều bánh rán càng tốt. Hành động ăn một cái bánh rán do đó là tốt hay xấu tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Cho nên, ta có thể nhầm lẫn cho rằng người nào đó kiêng thịt là một người có lòng từ; trong khi thực ra quan điểm của người ấy chỉ đơn giản rằng thịt là không tốt vì nó làm tăng cholesterol của anh ta.
Rốt lại không ai có thể phán xét những hành động của những người khác mà không hiểu đầy đủ quan điểm của họ.
Mọi phương pháp của Phật giáo có thể được giải thích bằng bốn dấu ấn – mọi sự vật hữu vi đều vô thường, mọi cảm thọ đều gây khổ, mọi sự vật vốn không hiện hữu và giác ngộ thì vượt ngoài các khái niệm. Mọi động tác và hành vi mà kinh điển Phật giáo khuyến khích đều được đặt căn bản trên bốn sự thật này, hay là các pháp ấn.
Trong các kinh Đại thừa, Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài không nên ăn thịt. Không những chỉ vì làm hại trực tiếp chúng sinh khác mà còn vì việc ăn thịt không phù hợp với bốn pháp ấn. Đấy là vì khi bạn ăn thịt, ở một bình diện nào đó, bạn làm như thế để sống còn – để duy trì chính bạn. Ước muốn được sống còn này liên hệ với việc muốn được thường hằng, muốn được sống lâu hơn bằng sự chi trả đời sống của chúng sinh khác. Nếu đưa một con vật vào trong miệng của bạn là tuyệt đối bảo đảm cho sự kéo dài đời sống của bạn, thì, từ một quan điểm ích kỷ, sẽ có lý do để làm như thế. Nhưng dù cho bạn có tống vào miệng bao nhiêu tử thi đi nữa, một ngày nào đó bạn cũng sẽ chết thôi. Có thể còn sớm hơn nữa là khác.
Người ta có thể dùng thịt vì các lý do trưởng giả – thưởng thức món caviar (trứng cá hồi) vì nó quá đắt tiền, ăn dương vật của hổ để được cường dương, dùng yến sào luộc chín để giữ cho da dẻ có vẻ trẻ trung. Người ta không thể tìm một hành động ích kỷ nào hơn là hành động khiến cho một sinh mạng bị tiêu tan vì tính bốc đồng phù phiếm của mình. Trong một hoàn cảnh ngược lại, con người chúng ta cả đến một đốm muỗi cắn cũng không chịu nổi, hãy đơn thân tưởng tượng chúng ta bị nhốt trong những cái lồng đông chẹt, mỏ bị chặt đứt chờ bị giết cùng với gia đình và bè bạn, hoặc bị vỗ béo trong một bãi rào để trở thành món thịt người băm.
Cái thái độ do sự bốc đồng phù phiếm của chúng ta đáng giá một sinh mạng của một chúng sinh khác là sự chấp trì cái ngã. Chấp ngã là vô minh; và như ta đã thấy, vô minh dẫn đến khổ đau. Trong trường hợp ăn thịt, ta cũng gây cho những chúng sinh khác phải trải nghiệm khổ đau. Vì vậy, các kinh Đại thừa miêu tả việc thực hành đặt mình vào địa vị của những sinh vật này và kiêng ăn thịt do bởi một ý nghĩa của từ bi. Khi Đức Phật cấm ăn thịt. Ngài muốn bảo là tất cả các loại thịt. Ngài không chọn riêng cấm thịt bò vì các lý do tình cảm, hay cấm thịt heo vì thịt heo dơ bẩn, Ngài cũng không thuận cho ăn cá vì cá không có linh hồn.
Luận lý tốt đẹp của bốn pháp ấn
Hãy xem sự quảng đại như là một thí dụ về pháp ấn thứ nhất – vô thường. Khi ta bắt đầu hiểu sự thật thứ nhất này, ta thấy mọi sự đều tạm bợ và không có giá trị, như thể chúng được để trong một bao tặng vật của Đội quân Cứu trợ. Ta không cần phải cho hết chúng đi, nhưng ta không nắm giữ chúng. Khi ta thấy rằng những sở hữu của ta đều là những thứ hữu vi vô thường, rằng ta không thể nắm giữ chúng mãi, thì bấy giờ sự hào phóng sẽ sẵn sàng được thành tựu một cách thực tiễn.
Hiểu được pháp ấn thứ hai, rằng mọi cảm thọ đều là khổ đau, ta thấy rằng kẻ keo kiệt, cái ngã, là thủ phạm chính, chẳng tạo ra được thứ gì ngoài một cảm giác về sự bần cùng. Do đó, bằng cách không chấp chặt cái ngã, chúng ta không tìm ra lý do nào để nắm giữ những sở hữu của chúng ta, và không cỏn có sự khổ đau vì keo kiệt. Sự hào phóng trở thành một hành động của hoan hỷ.
Hiểu được pháp ấn thứ ba, rằng mọi sự vật vốn không hiện hữu, chúng ta thấy được sự vô nghĩa của sự nắm giữ, vì bất cứ những gì chúng ta nắm giữ đều không có bản chất hiện hữu thực sự. Điều ấy cũng giống như mơ rằng bạn đang phân phát một triệu đôla cho những người lạ trên đường phố. Bạn có thể cho một cách hào phóng vì đó là tiền trong giấc mơ, và tuy vậy, bạn cũng có thể thu đạt được tất cả sự khôi hài của sự thể nghiệm ấy. Sự hào phóng được đặt căn bản trên ba quan điểm này hiển nhiên sẽ khiến chúng ta nhận ra rằng không có mục đích. Đấy không phải là một sự hy sinh phải chịu đựng để được ghi nhận hay để bảo đảm một đời sau tốt đẹp hơn.
Sự hào phóng mà không có bảng giá, những chờ đợi đền đáp, hay điều kiện yêu sách tạo ra một thoáng nhìn vào quan điểm thứ tư là sự thật rằng giải thoát, giác ngộ thì vượt ngoài khái niệm.
Nếu chúng ta đo lường sự toàn hảo của một hành động đạo đức, như sự hào phóng, bằng những tiêu chuẩn vật chất – nghèo ở mức độ nào thì ta loại ra không giúp đỡ – có thể không bao giờ chúng ta đạt tới sự toàn hảo. Hoàn cảnh cơ cực và mong muốn của người cơ cực thì vô tận. Ngay cả mong muốn của người giàu cũng vô tận; thật vậy, những mong muốn của con người không bao giờ được thỏa mãn. Nhưng theo Ngài Tất Đạt Đa, sự hào phóng nên được đo bằng mức độ chấp thủ của người cho đối với những gì được cho và đối với cái ngã đang cho. Một khi bạn nhận ra rằng cái ngã và mọi sở hữu của nó là vô thường và không có bản chất hiện hữu thực sự, thì bạn có sự vô chấp, và đấy chính là sự hào phóng.
Sự lĩnh hội sâu hơn về nghiệp, thanh tịnh và bất bạo động
Khái niệm về nghiệp (karma), nhãn hiệu hiển nhiên của Phật giáo, cũng thuộc vào bốn sự thật này. Khi các nhân duyên đến với nhau và không có gì cản trở, hậu quả sẽ khởi sinh. Hậu quả là nghiệp. Nghiệp này được tích tập bởi ý thức – tâm ý, hay ngã. Nếu cái ngã này hành động vì tham lam hay sân hận thì nghiệp xấu sẽ phát sinh. Nếu một ý tưởng hay hành động có động cơ là tình thương, sự khoan dung và một sự mong muốn những người khác được hạnh phúc thì nghiệp tốt được sinh ra. Tuy vậy, động cơ, hành động và nghiệp được hình thành vốn giống như một giấc mộng, một ảo ảnh. Vượt lên khỏi nghiệp, cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu, là Niết bàn . Bất cứ hành động nào được gọi là tốt mà không được đặt căn bản trên bốn quan điểm này thì chỉ là sự đúng mực; cuối cùng nó không phải là con đường của Ngài Tất Đạt Đa. Dù cho bạn có nuôi dưỡng tất cả những người đói trên thế giới, nếu bạn hành động mà không có mặt bốn quan điểm này thì đấy chỉ là một hành vi tốt, không phải là con đường đến giác ngộ. Thực ra, đấy có thể là một hành động đúng đắn được thiết kế để nuôi dưỡng và nâng đỡ cái ngã.
Chính vì bốn sự thật này (bốn pháp ấn) mà các Phật tử có thể thực hành sự thanh tịnh. Nếu người ta nghĩ rằng người ta bị ô nhiễm vì nghiệp xấu, hay yếu kém, hay “có tội”, và chán nản khi nghĩ rằng những trở ngại này luôn luôn hiện diện trong cách hiểu biết; thế rồi người ta được an ủi khi biết rằng chúng chỉ là những thứ hữu vi và do đó vô thường; và thế thì có thể được thanh tịnh. Mặt khác, nếu người ta cảm thấy thiếu khả năng hay công đức, người ta có thể được an ủi khi biết rằng công đức có thể được tích tập bằng cách thực hiện các hành vi tốt, vì sự thiếu công đức là vô thường và do đó có thể chuyển hóa được.
Sự thực hành của Phật giáo về bất bạo động không chỉ là sự phục tùng suông với một nụ cười hay một tư duy nhu hòa. Nguyên nhân căn bản của bạo lực là khi người ta bị đặt vào một ý tưởng cực đoan, như là công chính và đạo đức. Sự đặt định này thường nảy sinh từ một thói quen tích trữ các quan điểm nhị nguyên như xấu và tốt, xấu xí và đẹp đẽ, đạo đức và phi đạo đức. Sự cứng nhắc tự cho mình là đúng đắn chiếm hết chỗ của sự đồng cảm với những người khác. Sự sáng suốt mất đi. Khi ta hiểu rằng tất cả những quan điểm hay giá trị này đều là hữu vi và vô thường cũng như cái người nắm giữ chúng, thì bạo lực sẽ được ngăn chặn. Khi bạn không có ngã (vô ngã), không chấp vào ngã thì không bao giờ có lý do để trở nên bạo động. Khi ta hiểu rằng những kẻ thù của ta bị giữ chặt dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của vô minh và sân hận của chính họ, rằng họ bị những thói quen của họ cài bẫy, thì ta dễ dàng tha thứ họ hơn về thái độ và những hành động bực tức của họ. Tương tự, nếu có ai đó ở bệnh viện tâm thần nguyền rủa bạn thì chẳng có chút gì để giận dỗi. Khi ta vượt lên trên niềm tin vào các cực đoan của các hiện tượng nhị nguyên, ta đã vượt lên trên các nguyên nhân của bạo động.
Bốn pháp ấn: trọn một gói
Trong Phật giáo, bất cứ hành động nào xây dựng hay tăng cường bốn pháp ấn đểu là một con đường đúng đắn. Dù có vẻ là những thực hành nghi lễ, như thắp nhang, hay thực hành các thiền định và thần chú bí truyền, chúng đều nhằm giúp sự chú tâm của chúng ta hội tụ vào một hay tất cả các pháp ấn.
Những gì trái với bốn quan điểm ấy, kể cả một số hành động có thể có vẻ như thương yêu và thương xót, đều không thuộc vào con đường ấy. Ngay cả sự quán không cũng trở thành sự phủ định suông, không gì cả ngoài con đường hư vô, nếu nó không thuận hợp với bốn pháp ấn.
Nhằm cho mọi người biết, chúng ta có thể bảo rằng bốn quan điểm này (bốn sự thật, bốn pháp ấn) là cốt lõi của Phật giáo. Chúng ta gọi chúng là “sự thật” vì chúng chỉ là những sự việc đơn giản. Chúng không được tạo ra; chúng không phải là sự phát hiện bí mật của Đức Phật. Không phải chỉ sau khi Đức Phật giảng dạy chúng mới trở nên có giá trị. Sống theo những nguyên lý này không phải là một nghi thức hay một kỹ thuật. Chúng không được xem là giới hạnh học hay đạo đức học, và chúng không thể bị lấy làm nhãn hiệu hay sở hữu. Không có gì gọi là “người bất tín” hay “kẻ bổ báng” trong Phật giáo vì không có ai để kính tín, để nguyền rủa hay để nghi ngờ. Tuy nhiên, những ai không nhận biết, không tin bốn sự việc này thì bị các Phật tử xem là vô minh. Sự vô minh ấy không phải là lý do để phán xét về đạo đức. Nếu ai đó không tin rằng con người đã đổ bộ lên mặt trăng, hoặc còn nghĩ rằng trái đất phẳng thì một nhà khoa học sẽ không gọi anh ta là một kẻ bổ báng mà chỉ gọi anh ta là kẻ ngu muội. Cũng vậy, nếu anh ta không tin vào bốn pháp ấn, anh ta không phải là một người bất tín. Thật vậy, nếu ai đó đưa ra được bằng chứng rằng luận lý của bốn pháp ấn là sai, rằng chấp ngã thực sự là không khổ đau, hoặc rằng một thành tố nào đó cưỡng lại sự vô thường, thì bấy giờ các Phật tử sẽ sẵn sàng theo con đường ấy thế cho con đường của mình. Vì điều mà ta tìm kiếm là giác ngộ và giác ngộ nghĩa là lĩnh hội chân lý. Cho đến nay, dù qua mọi thế kỷ, không có bằng chứng nào được nêu lên để làm mất giá trị của bốn pháp ấn.
Nếu bạn không biết bốn pháp ấn nhưng cứ khăng khăng tự xem mình là một Phật tử chỉ vì một sự thương mến các truyền thống, thì đấy chỉ là sự mộ đạo hời hợt. Các bậc thầy Phật giáo tin rằng tuy bạn chọn nhãn hiệu cho chính bạn mà bạn không có niềm tin vào bốn sự thật thì bạn vẫn sẽ tiếp tục sống trong một thế giới ảo hóa và tin rằng thế giới ấy là kiên cố và thật. Mặc dù niềm tin như thế tạm thời tạo ra sự an lạc thuộc vô minh, cuối cùng nó cũng luôn đưa đến một hình thức lo lắng nào đó. Bấy giờ bạn dành hết thời gian để giải quyết các vấn đề và cố gắng thoát khỏi sự lo lắng. Sự việc cứ mãi cần giải quyết các vấn đề sẽ trở nên giống như một sự nghiện ngập. Bạn đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề chỉ để nhìn những vấn đề khác khởi sinh? Nếu bạn hạnh phúc với cái vòng lẩn quẩn này thì bạn không có lý do gì để phàn nàn. Nhưng khi bạn thấy rằng bạn sẽ không bao giờ chấm dứt việc giải quyết vấn đề được thì đấy là sự khởi đầu việc tìm kiếm sự thực ở bên trong. Trong khi Phật giáo không phải là sự giải đáp cho tất cả các vấn đề thế tục và những bất công của xã hội ở khắp thế giới. Nếu tình cờ bạn đang tìm kiếm và bạn có duyên với Ngài Tất Đạt Đa, bấy giờ bạn mới có thể nhận thấy những sự thật này là đáng tán thành. Trong trường hợp này, bạn sẽ cân nhắc để nghiêm túc đi theo Ngài.
Sự giàu có ở trong sự từ bỏ
Là một môn đệ của Ngài Tất Đạt Đa, bạn không nhất thiết phải noi theo mọi hành động của Ngài – bạn không phải lẻn ra đi khi vợ bạn đang ngủ. Nhiều người nghĩ rằng Phật giáo đồng nghĩa với từ bỏ, lìa bỏ nhà cửa, gia đình, công việc và đi theo con đường của một ẩn sĩ. Hình ảnh này của sự khổ hạnh một phần là do phần lớn
Phật tử tôn kính các vị khất sĩ trong kinh điển và giáo lý Phật giáo, cũng giống như những tín đồ Thiên Chúa giáo tôn kính Thánh Francis xứ Assisi. Chúng ta không khỏi bị ấn tượng bởi hình ảnh Đức Phật đi chân trần và mang bình bát ở Ma Kiệt Đà (Magadha) hay Milarepa ở trong hang mà sống được bằng cháo tầm ma. Sự thanh thản của một vị tăng Miến Điện giản dị đang nhận vật bố thí quyến rũ trí tưởng tượng của chúng ta.
Nhưng cũng có nhiều tín đồ của Đức Phật hoàn toàn khác. Vua A Dục (Ashoka) chẳng hạn, đã bước xuống khỏi chiếc xe vua, trang sức bằng ngọc và vàng, và tuyên bố ước nguyện của Ngài là quảng bá Phật pháp khắp thế giới. Ngài quỳ xuống, vốc một nắm cát và tuyên bố Ngài sẽ xây dựng số tháp bằng với số hạt cát trong tay Ngài. Và quả thật, Ngài đã giữ lời hứa. Cho nên, người ta có thể là một vị vua, một thương gia, một gái giang hồ, một kẻ nghiện ngập, một quan chức điều hành, và vẫn chấp nhận bốn pháp ấn. Về căn bản, không phải hành động rời bỏ thế giới vật chất mà các Phật tử ấp ủ nhưng chính là cái khả năng nhìn thấy sự chấp trước quen thuộc vào thế giới này, vào chính chúng ta và từ bỏ sự chấp trước ấy.
Khi ta bắt đầu hiểu bốn quan điểm ấy, ta không cần xa lánh các sự vật; thay vào đó, ta bắt đầu thay đổi thái độ của ta đối với chúng; do đó, thay đổi giá trị của chúng. Chính là vì bạn có ít hơn ai đó không có nghĩa là về mặt tinh thần bạn trong sạch hơn hay đạo đức hơn. Thực ra, sự khiêm tốn chính nó cũng có thể là một hình thức giả dối. Khi chúng ta hiểu được tính vô bản chất và sự vô thường của thế giới vật chất, thì sự từ bỏ không còn là một hình thức tự hành xác. Nó không có nghĩa là chúng ta khắt khe với chính mình. Từ hy sinh được hiểu theo một ý nghĩa khác. Với sự hiểu như vậy, mọi sự vật trở thành gần như đồng nghĩa với bãi nước bọt mà ta nhổ trên đất. Chúng ta chẳng có cảm xúc gì với nước bọt. Mất đi tính đa cảm ấy là con đường của an lạc, sugata. Khi từ bỏ được hiểu là an lạc, thì những câu chuyện về nhiều hoàng tử, công chúa và tướng lãnh ở Ấn Độ một thời nọ từ bỏ đời sống vương giả trở thành ít lạ lùng.
Tình yêu chân lý này và sự tôn kính những người đi tìm chân lý là một truyền thống cổ xưa ở các nước như Ấn Độ. Ngay cả ngày nay, thay vì coi thường những nhà tu hành từ bỏ mọi sự, xã hội Ấn Độ rất mực tôn kính họ như người ta tôn kính các giáo sư ở Harvard hay Yale. Mặc dù trong thời đại này, truyền thống đang phai nhạt khi văn hóa liên hiệp ngự trị, bạn vẫn có thể tìm thấy các nhà tu khổ hạnh (sadhu) thân trần truồng phủ đầy tro đã từ bỏ việc hành nghề luật rất thành công để trở thành những khất sĩ lang thang. Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ khi nhìn thấy thể cách kính trọng của xã hội Ấn Độ đối với những vị này thay vì xua đuổi họ như những hành khất bẩn thỉu hay những kẻ quấy rầy. Tôi không thể không tưởng tượng đến các vị này khi họ vào khách sạn Marriott ở Hồng Kông. Những triệu phú mới người Trung Hoa nỗ lực hết sức để sao y các thể cách phương Tây sẽ cảm thấy thế nào về các vị sadhu mình trát đầy tro ấy? Người giữ cửa có mở cửa cho các vị ấy không? Trong trường hợp này, người gác cổng khách sạn Bel Air ở Los Angeles sẽ phản ứng thế nào? Thay vì tôn thờ chân lý và cung kính vị sadhu, thời đại này tôn thờ các bảng thông báo và cung kính thuật hút mỡ.
Chọn lựa trí tuệ, loại bỏ những thứ đạo đức sai lạc
Khi bạn đọc điều này, có thể bạn nghĩ: “Tôi là người hào phóng và tôi không có sự ràng buộc với những gì của tôi”. Có thể quả thật bạn không keo kiệt, nhưng giữa lúc bạn đang thực hiện hào phóng, nếu ai đó đánh cắp cây bút chì dễ thương của bạn, bạn có thể tức giận đến nỗi bạn muốn cắn đứt tai hắn ta. Hoặc bạn có thể trở nên hoàn toàn chán nản nếu ai đó bảo: “Ông chỉ cho chừng đó thôi ư?” Khi ta cho, ta bị thu hút vào ý niệm hào phóng. Ta bám vào kết quả – nếu không phải là sự tái sinh tốt đẹp thì ít ra là sự ghi nhận ở đời này, hoặc chỉ là một tấm bảng tuyên dương treo tường. Tôi cũng đã từng gặp nhiều người nghĩ rằng họ hào phóng chỉ đơn giản vì họ đã tặng tiền cho một viện bảo tàng nào đó, hoặc ngay cả cho con cái của chính họ mà họ chờ mong chúng sẽ tận tụy với đời mình.
Nếu đạo đức không có bốn quan điểm (bốn pháp ấn) theo sau thì đạo đức có thể gần như bị méo mó. Đạo đức nuôi dưỡng cái ngã, khiến ta trở thành khắt khe và phán xét những người có đạo đức khác với đạo đức của ta. Bị gắn chặt vào sự diễn dịch của mình về đạo đức, ta coi thường những người khác và cố gắng áp đặt vào họ tư tưởng đạo đức của mình dù điều ấy có nghĩa là tước đi sự tự do của họ. Nhà đại học giả Ấn Độ và là vị thánh Shantideva (Tịch Thiên) vốn là một hoàng tử đã từ bỏ vương quốc, đã dạy rằng chúng ta không thể tránh đối mặt với một sự việc nào đó và mọi sự việc không an lành, nhưng nếu chúng ta có thể chỉ cần áp dụng một trong bốn quan điểm này thì sẽ được bảo vệ khỏi mọi ác hạnh. Nếu bạn nghĩ rằng toàn bộ phương Tây theo một cách nào đó là độc địa và vô đạo đức thì sẽ không thể chinh phục và phục hồi vùng đất này được, nhưng nếu có lòng khoan dung bên trong bạn, thì như vậy cũng ngang bằng với chinh phục. Bạn không thể san phẳng toàn bộ trái đất để bạn bước đi trên đó bằng đôi bàn chân trần của bạn nhưng bằng cách mang giày, bạn tự bảo vệ mình khỏi những chỗ lởm chởm, khó chịu.
Nếu ta hiểu được bốn quan điểm không chỉ bằng trí óc mà còn bằng kinh nghiệm nữa thì chúng ta bắt đầu thoát khỏi sự chấp chặt vào các sự vật vốn là ảo tưởng. Sự tự do (giải thoát) này là điều mà ta gọi là trí tuệ. Các Phật tử tôn trọng trí tuệ hơn tất cả những gì khác. Trí tuệ vượt lên trên đạo đức, tình thương, cảm nhận thông thường, lòng khoan dung, và chủ trương ăn chay. Đấy không phải là một linh thể mà ta chủ trương tìm kiếm từ đâu đó ở bên ngoài chúng ta. Chúng ta cải tiến trí tuệ bằng cách trước tiên nghe giáo lý về bốn pháp ấn – không chấp nhận bốn sự thật này theo giá trị bên ngoài, mà tốt hơn là phân tích và quán tưởng về chúng. Nếu bạn tin rằng con đường này sẽ soi sáng phần nào sự mê lầm của bạn và mang lại một niềm tin, thì bạn có thể thực sự đưa trí tuệ vào việc thực hành.
Ở một trong những phương pháp giảng dạy cổ xưa nhất của Phật giáo, vị thầy trao cho đệ tử một cái xương và bảo họ quán tưởng nguồn gốc của nó; các đệ tử thực sự thấy cái xương là kết quả cuối cùng của sự sinh, sự sinh là kết quả cuối cùng của sự hình thành nghiệp, sự hình thành nghiệp là kết quả cuối cùng của tham ái v.v... Hoàn toàn được thuyết phục bởi luận lý về nguyên nhân, điều kiện, và kết quả, họ bắt đầu chú ý vào mọi tình trạng và mọi lúc. Đây là điều mà ta gọi là thiền định. Những người có thể mang lại cho chúng ta loại thông tin và hiểu biết này thì được tôn kính làm thầy vì dù rằng họ có sự lĩnh hội sâu xa và có thể sống hạnh phúc trong rừng, họ vẫn sẵn sàng quanh quẩn để nêu tỏ kiến giải cho những ai còn tăm tối. Vì thông tin này giải phóng chúng ta thoát khỏi mọi loại trục trặc không cần thiết, chúng ta tự động biết ơn người nêu tỏ. Cho nên các Phật tử đảnh lễ vị thầy.
Một khi bạn chấp nhận kiến giải bằng trí óc, bạn có thể áp dụng bất cứ phương pháp nào có thể khiến sự hiểu biết và thể nghiệm của bạn trở nên thâm sâu. Nói một cách khác, bạn có thể sử dụng bất cứ kỹ thuật hay sự thực hành nào giúp bạn cải biến thói quen nghĩ rằng mọi sự vật thì ổn cố thành thói quen thấy chúng như là được cấu thành bởi nhiều yếu tố, phụ thuộc lẫn nhau, và vô thường. Đây là thiền định và là sự tu tập thật sự của Phật giáo, chứ không phải là sự ngồi yên như thể bạn là một cái chặn giấy.
Dù cho chúng ta biết bằng lý trí rằng chúng ta sắp chết, cái biết này vẫn có thể bị lu mờ vì điều gì đó nhỏ nhặt như một lời khen hờ hững. Ai đó bàn rằng các đốt ngón tay của chúng ta đẹp lắm, và việc kế tiếp chúng ta biết là chúng ta cố tìm cách giữ gìn các đốt ngón tay này. Bỗng nhiên chúng ta nhận thấy chúng ta có thứ gì đó để bị mất. Ngày nay ta cứ mãi bị oanh tạc bằng quá nhiều thứ để mất và quá nhiều thứ để được. Hơn bao giờ hết, ta cần những phương pháp nhắc nhở ta và giúp ta quen thuộc với kiến giải, ngay cả có thể treo một cái xương người ở gương chiếu hậu của chiếc xe, nếu như bạn không cạo đầu và không rút vào hang. Kết hợp với những phương pháp này, đạo đức học và phẩm hạnh trở nên cần thiết. Đạo đức học và giáo lý có thể là thứ yếu trong Phật giáo, nhưng những thứ này là quan trọng khi chúng đưa chúng ta gần hơn tới chân lý. Nhưng ngay cả một số hành động thiện lành và tích cực, nếu chúng đem chúng ta ra khỏi bốn sự thật thì chính Ngài Tất Đạt Đa khuyến cáo chúng ta phải rời bỏ chúng.
Trà và tách trà: trí tuệ ở trong văn hóa
Bốn pháp ấn giống như trà, trong khi tất cả những phương tiện khác để thực hiện bốn sự thực này – thực hành, nghi lễ, truyền thống và các biểu hiện văn hóa – thì giống như một cái tách. Những kỹ năng và phương pháp thì có thể quan sát được và rõ ràng, nhưng chân lý không như thế. Điều thách thức là không để bị cái tách suy động. Người ta nghiêng về việc ngồi thẳng ở một nơi tĩnh lặng trên một tọa cụ hơn là quán tưởng điều gì sẽ đến trước, ngày mai hay đời sau. Những thực hành bên ngoài thì có thể nhận thấy được, cho nên ý thức vội đặt tên cho chúng là Phật giáo; trong khi đó cái khái niệm “mọi sự vật hữu vi đều vô thường” thì lại không rõ ràng và khó đặt tên. Buồn cười là bằng chứng về vô thường thì đầy dẫy quanh ta, thế mà lại không rõ ràng đối với ta.
Bản chất của Phật giáo thì vượt ngoài văn hóa, nhưng nó lại được thực hành bởi nhiều nền văn hóa khác nhau vốn sử dụng các truyền thống của mình như cái tách đựng giáo lý. Nếu các yếu tố của những biểu hiện văn hóa giúp cho những người khác mà không gây hại, và nếu chúng không trái với bốn sự thật, thì Ngài Tất Đạt Đa khuyến khích những sự thực hành như thế.
Suốt nhiều thế kỷ, rất nhiều các nhãn hiệu và kiểu dáng tách đã được sản xuất, nhưng dù ý định đằng sau chúng là tốt, dù chúng có thể có hiệu quả, chúng cũng trở thành những thứ trở ngại nếu ta quên trà ở bên trong. Dù mục đích của chúng là chứa đựng, chúng ta lại có xu hướng tập trung vào của cải hơn là vào hiệu dụng. Cho nên người ta đi khắp nơi với những cái tách rỗng, hoặc họ quên uống trà của họ. Con người chúng ta có thể bị làm cho mê say, ít ra cũng bị xao lãng bởi nghi lễ hay sắc màu của những thực hành văn hóa Phật giáo. Trầm hương và nến sáp thì kỳ lạ và hấp dẫn; sự vô thường và vô ngã thì không như vậy. Chính Ngài Tất Đạt Đa đã bảo rằng cách thờ phụng tốt nhất chỉ đơn giản là ghi nhớ nguyên lý vô thường, khổ vì các cảm thọ, rằng các hiện tượng vốn không hiện hữu, và rằng Niết bàn thì vượt khỏi các khái niệm.
Ở mức độ hời hợt, Phật giáo có thể có vẻ như là nghi lễ và tôn giáo. Những quy định của Phật giáo như mặc áo nâu, các nghi thức và các pháp khí, hương hoa, và cả các tu viện đều có thể cách đặc biệt – ta có thể quan sát hoặc chụp ảnh các thứ này. Chúng ta quên rằng các thứ ấy là một phương tiện đưa đến cứu cánh. Chúng ta quên rằng người ta không trở thành một tín đồ của Đức Phật bằng cách thực hiện các nghi thức hoặc tuân thủ các quy định như ăn chay, mặc y gì. Nhưng tâm ý con người quá thích các biểu tượng và nghi thức đến nỗi những thứ ấy hầu như cần thiết và không thể bỏ qua. Các mạn-đà-la bằng cát ở Tây Tạng và các vườn Thiền ở Nhật Bản là rất đẹp, có thể gây cảm hứng nơi chúng ta và là phương tiện để hiểu chân lý. Nhưng chân lý tự nó không phải là đẹp hay không đẹp.
Mặc dù chúng ta có thể thực hiện nghi thức mà không cần có các mũ đỏ, mũ vàng và mũ đen, có một số nghi thức và quy định chung cần thực hiện. Người ta không thể khẳng định rằng sẽ là sai nếu thiền định trong khi đang nằm trên võng, hay cầm một thức uống có trang trí một chiếc dù nhỏ trong khi đang quán tưởng chân lý. Nhưng những gì chống lại sự khó chịu như ngồi thẳng, thì thực sự có lợi ích lớn. Tư thế đúng đắn không chỉ đáng chấp nhận và thuận lợi, nó còn có năng lực tước đi những cảm thọ phản xạ nhanh chóng quen thuộc của bạn vốn thu hút bạn và đưa bạn đi lang bang. Tư thế tạo cho bạn một chút không gian để trở nên chín chắn. Những nghi lễ thể chế khác, như các cuộc lễ theo từng nhóm và các cơ cấu tôn ti tôn giáo có thể có một số lợi lạc, nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là chúng đã là những mục tiêu khích bác của các vị thầy xưa. Tôi tự nghĩ rằng những nghi thức này hẳn phải là lý do tại sao nhiều người ở phương Tây xếp Phật giáo như là một tôn giáo thờ cúng dù rằng ngay cả dấu vết nhỏ nhất của sự thờ cúng cũng không có trong bốn sự thật.
Ngày nay Phật giáo đang phát triển ở phương Tây, tôi từng nghe nói người ta sửa đổi giáo lý Phật giáo cho hợp với cách suy nghĩ hiện đại. Nếu có gì cần thay đổi thì đấy là các nghi thức và biểu tượng chứ không phải chính chân lý. Chính Đức Phật đã bảo rằng giáo lý và các phương pháp của Ngài cần sửa đổi cho thích hợp với thời gian và nơi chốn. Nhưng bốn sự thật không cần phải cập nhật hóa hay bổ khuyết, và dù gì đi nữa cũng không thể làm như thế. Bạn có thể thay đổi cái tách, nhưng trà thì vẫn nguyên chất. Sau khi tồn tại 2.500 năm và đi 12.500km từ cây bồ đề ở Trung Ấn đến Quảng trường Thời Đại ở thành phố New York, khái niệm “mọi sự vật đều vô thường” vẫn còn hiệu lực. Bạn không thể bẻ cong bốn quy tắc này được, không có những ngoại lệ xã hội hay văn hóa.
Không giống như một số tôn giáo khác, Phật giáo không phải là một bộ lắp ráp còn tồn tại về cách sống tuyên đọc rằng một người vợ nên có bao nhiêu chồng, hay phải nộp thuế ở đâu, hay trừng phạt bọn trộm cắp như thế nào. Thật ra, nghiêm túc mà nói, ngay cả một nghi thức cho lễ đám cưới Phật giáo cũng không có. Mục đích giáo lý của Ngài Tất Đạt Đa không phải nói cho người ta những gì người ta muốn nghe. Ngài giảng dạy vì sự thôi thúc mạnh mẽ của Ngài nhằm giải thoát cho những người khác khỏi những quan niệm sai lầm và sự ngộ nhận chân lý của họ. Tuy nhiên, để giải thích chân lý này một cách có hiệu quả, Ngài Tất Đạt Đa giảng dạy theo nhiều cách và nhiều phương tiện khác nhau tùy theo những nhu cầu của những người nghe khác nhau. Ngày nay, những cách thức khác nhau này trong việc giảng dạy được gọi là “các trường phái” khác nhau của Phật giáo. Nhưng kiến giải căn bản chính cho tất cả vẫn là một mà thôi.
Cũng là bình thường khi các tôn giáo có một vị lãnh đạo. Một số trường hợp, như Tòa thánh Công giáo La Mã, có một tôn ti chặt chẽ, được lãnh đạo bởi một nhân vật toàn năng để đưa ra các quyết định và thông qua các phán xét. Trái với niềm tin thông thường, Phật giáo không có một nhân vật hay một định chế như thế. Đức Đạt lai Lạt ma là một vị lãnh đạo thế tục của cộng đồng Tây Tạng lưu vong và là vị thầy tâm linh đối với nhiều người trên khắp thế giới, nhưng không nhất thiết đối với tất cả Phật tử. Không ai có độc quyền để quyết định ai là một Phật tử thực sự, ai là không phải, đối với mọi hình thức và trường phái Phật giáo có mặt tại Tây Tạng, Nhật Bản, Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan,Việt Nam và phương Tây. Không ai có thể tuyên bố ai đáng bị trừng phạt và ai là không như thế. Sự thiếu quyền lực trung ương này có thể mang lại hỗn độn, nhưng đó cũng là một điều hay vì mọi nguồn quyền lực trong mọi định chế của con người đều có thể bị mua chuộc.
Chính Đức Phật đã dạy: “Bạn là thầy của chính bạn”. Dĩ nhiên, nếu có một vị thầy có kiến thức cố gắng chỉ bày chân lý cho bạn, bạn là một người may mắn. Trong vài trường hợp, những vị thầy như thế cần được tôn kính thậm chí còn hơn cả Đức Phật vì dù hàng ngàn vị Phật có thể đến, đối với bạn, người này là người mang chân lý đến bậc cửa của bạn. Tìm một người hướng dẫn tinh thần là một việc hoàn toàn nằm trong tay bạn. Bạn mặc sức phân tích người ấy. Khi bạn đã tin chắc vào sự xác thực của người ấy thì sự chấp nhận, tận tụy và vui mừng với người ấy là một phần của việc tu tập của bạn.
Sự kính trọng thường bị nhầm lẫn với sự nhiệt thành mang tính tôn giáo. Do vì vẻ bên ngoài hiển nhiên và vì sự thiếu kỹ năng của một số Phật tử, những người ngoài có thể nghĩ rằng chúng ta thờ phụng Đức Phật và các vị sư kế tục như thể chư vị là những vị thần.
Trong trường hợp bạn phân vân không quyết định được con đường nào là con đường đúng, thì chỉ cần nhớ rằng con đường nào không trái với bốn chân lý là con đường an toàn. Rốt lại, không phải chư vị sư phẩm trật cao hộ trì Phật giáo, nhưng bốn chân lý là những người hộ trì.
Tôi có nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ, rằng sự lĩnh hội chân lý là khía cạnh quan trọng nhất của Phật giáo. Suốt nhiều thế kỷ các học giả và nhà tư tưởng đã tận dụng sự việc Ngài Tất Đạt Đa mời gọi phân tích những phát hiện của Ngài. Hàng trăm cuốn sách phân tích tỉ mỉ, bàn luận sâu sắc những lời nói của Ngài là bằng chứng của điều ấy. Thật vậy, nếu bạn lưu tâm đến Phật giáo và không sợ bị gán là kẻ báng bổ thì bạn được khích lệ khám phá mọi nghi ngờ. Vô số những người thông tuệ đã từ lúc đầu kính trọng trí tuệ và kiến giải của Ngài Tất Đạt Đa. Sau đó họ mới đặt niềm tin và sự tận tụy của họ vào. Đấy là lý do mà một thời các vị hoàng tử, các đại thần dứt khoát từ bỏ cung điện để cầu tìm chân lý.
Thực hiện sự hài hòa
Đừng nói gì đến những chân lý sâu xa, ngay cả những chân lý thực tiễn, rõ ràng người ta cũng không biết tới. Chúng ta giống như bầy khỉ ngủ trong rừng và vãi phân trên những cành cây mà chúng ta đang treo mình. Hàng ngày chúng ta nghe người ta nói về tình hình kinh tế mà không biết đến mối liên hệ giữa sự suy thoái và sự tham lam. Bởi tham lam, đố kỵ và tự mãn, nền kinh tế sẽ không bao giờ có thể đủ mạnh để bảo đảm rằng mỗi người được quyền có được những nhu cầu căn bản trong đời sống. Nơi ở của chúng ta, trái đất, càng ngày càng trở nên ô nhiễm. Tôi đã gặp nhiều người lên án các nhà lãnh đạo, hoàng đế cổ xưa và các tôn giáo cổ xưa là nguồn gốc của mọi xung đột. Nhưng thế giới trần tục và hiện đại đã không làm gì tốt hơn, nếu có làm thì còn làm xấu hơn nữa. Thế giới hiện đại đã làm gì tốt hơn? Một trong những hiệu quả chủ yếu của khoa học và kỹ thuật là đã tàn phá thế giới nhanh hơn. Nhiều nhà khoa học tin rằng mọi hệ thống sinh tồn và mọi hệ thống bảo vệ đời sống trên trái đất đang suy tàn.
Nay chính là lúc những con người hiện đại như chúng ta đóng góp suy nghĩ cho các vấn đề tâm linh, dù chúng ta không có thì giờ ngồi trên một tọa cụ, dù chúng ta bị những người mang tràng hạt ở cổ lánh xa, và dù chúng ta bối rối khi trình bày những kiến thức tôn giáo cho những người bạn trần thế.
Sự quán tưởng về bản chất vô thường của mọi sự vật mà chúng ta thể nghiệm và về hậu quả khổ đau của sự chấp ngã mang lại an bình và hài hòa – nếu không phải cho toàn thế giới thì ít ra cũng cho phần bên trong của chính bạn.
Hễ chừng nào bạn chấp nhận và thực hành bốn chân lý này, bạn là một “Phật tử thực hành”, bạn có thể đọc về bốn sự thật này để nhằm giải trí hay thực tập tâm thức, nhưng nếu bạn không thực hành chúng thì bạn giống như một người bệnh đọc nhãn hiệu trên chai thuốc chứ không bao giờ dùng thuốc. Mặt khác, nếu bạn đang thực hành thì cũng không cần phải tỏ ra rằng bạn là Phật tử. Thực ra, nếu bạn được mời giữ một số chức vụ xã hội thì tốt nhất là bạn không nên để lộ bạn là một Phật tử. Nhưng bạn hãy nhớ kỹ rằng là một người Phật tử, bạn có nhiệm vụ tránh tối đa việc gây hại những người khác, và giúp đỡ tối đa những người khác. Đấy không phải là một trách nhiệm lớn lao, vì nếu bạn chấp nhận và quán tưởng một cách đích thực các sự thật này thì tất cả các hành tác này sẽ tự nhiên trôi chảy.
Cũng rất quan trọng khi hiểu rằng là một Phật tử bạn không có nhiệm vụ hay bổn phận phải cải đạo phần còn lại của thế giới sang đạo Phật. Các Phật tử và đạo Phật là hai thứ khác nhau, giống như những người ủng hộ dân chủ và chế độ dân chủ. Tôi chắc chắn rằng nhiều Phật tử đã làm nhiều điều gây phiền phức cho
chính họ và cho những người khác. Nhưng điều đáng khích lệ là cho đến nay các Phật tử đã không gây chiến hay cướp phá đền chùa của các tôn giáo với danh nghĩa Đức Phật nhằm mục đích thu phục tín đồ.
Là một Phật tử, bạn phải gắn bó với chủ trương này: Một Phật tử phải không bao giờ tham gia hay khuyến khích sự đổ máu với danh nghĩa Phật giáo. Bạn không thể giết ngay cả một con côn trùng, huống hồ là một con người. Và nếu bạn biết được một cá nhân Phật tử hay một nhóm làm điều ấy, thì là một Phật tử, bạn phải chống đối và lên án họ. Nếu bạn giữ im lặng, bạn không chỉ không làm nản lòng họ mà căn bản bạn là một người trong bọn họ. Bạn không phải là một Phật tử.