Chương bốn: Niết bàn vượt ngoài các khái niệm
Theo các Phật tử, trước đời sống mà Ngài đạt giác ngộ, Tất Đạt Đa đã trải qua vô số đời sống làm chim, khỉ, voi, vua, hoàng hậu và nhiều đời làm Bồ tát – một chúng sinh có mục đích duy nhất là thắng vượt vô minh để tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhưng chính trong đời sống làm Thái tử Tất Đạt Đa của Ấn Độ, rốt cuộc Ngài đã chiến thắng Ác ma dưới cội bồ đề và cuối cùng đạt tới bờ bên kia, phía bên kia của luân hồi sinh tử. Trạng thái này được nhằm chỉ cho Niết bàn. Khi đã đạt Niết bàn, Ngài giảng bài pháp đầu tiên tại Sarnath, gần Varanasi, và tiếp tục giảng dạy khắp phía Bắc Ấn Độ trong suốt phần còn lại của cuộc đời Ngài. Đồ đệ của Ngài là chư tăng, ni, vua chúa, tướng lĩnh, kỹ nữ, thương gia. Nhiều thành viên trong gia đình Ngài trở thành người xuất gia, gồm cả vợ Ngài, Da Du Đà La (Yashodhara), và con trai Ngài, La Hầu La (Rahula). Ngài được nhiều người ở khắp trong và ngoài Ấn Độ tôn xưng là bậc tối thượng. Nhưng Ngài không trở thành bất tử. Sau một đời dài giảng dạy, Ngài viên tịch ở một nơi gọi là Câu Thi Na (Kushinagar). Bấy giờ Ngài còn vượt cả Niết bàn để đến một trạng thái được gọi là Viên mãn Niết bàn (Parinirvana).
Thiên giới: sự an nghỉ rốt ráo?
Niết bàn , chứng ngộ, giải thoát, tự tại, thiên giới – đây là các từ mà nhiều người thích nêu ra nhưng ít ai có thì giờ thẩm sát. Đạt được tới một trong những trạng thái này thì sẽ ra sao? Dù cho chúng ta có thể nghĩ rằng Niết bàn khác xa thiên giới, những diễn dịch của chúng ta về thiên giới và Niết bàn cũng hầu như có cùng những đặc tính như nhau. Thiên giới hay Niết bàn là nơi chúng ta đến khi chúng ta chết đi sau bao nhiêu năm đền đáp bổn phận, tu tập và là những công dân tốt. Chúng ta sẽ gặp nhiều bằng hữu cũ vì đó là nơi mà tất cả những người “tốt” đã chết tụ họp lại, trong khi tất cả những người đã chết mà không tốt bằng phải chịu khổ ở cõi dưới. Cuối cùng chúng ta có được cơ may giải quyết những bí ẩn của cuộc đời, hoàn tất các công việc dang dở, thực hiện các bù đắp và có lẽ thấy nốt các đời quá khứ của mình. Những hài đồng bé nhỏ không giới tính bay quanh ủi thẳng quần áo cho chúng ta. Nhà ở của chúng ta đáp ứng mọi nhu cầu, mong muốn của chúng ta và được tọa lạc trong một cộng đồng của những cư dân Niết bàn khác là những người tuân thủ các luật lệ. Không bao giờ chúng ta phải khóa cửa sổ và cửa lớn, và có lẽ không cần có cảnh sát. Nếu có các nhà chính trị thì họ đều đáng tin cậy và chân thực. Mọi sự đều thực sự làm chúng ta hài lòng; giống như một ngôi nhà an dưỡng rất thỏa ý. Hoặc có lẽ vài người trong chúng ta tưởng tượng thứ ánh sáng tinh khiết nhất của ánh sáng tinh bạch, sự quảng khoát, các cầu vồng và mây, trên đó chúng ta nghỉ ngơi trong một trạng thái hạnh phúc rồi thực hiện các năng lực sáng suốt và thông tuệ của chúng ta. Không có sự chết để lo sợ vì bạn đã chết rồi và không có gì để mất. Mối quan tâm duy nhất mà chúng ta có thể có là lo lắng về một vài người bạn thân và các thành viên trong gia đình mà chúng ta đã rời bỏ.
Thái Tử Tất Đạt Đa cho rằng các diễn dịch như thế về đời sau là ảo tưởng. Bằng sự xem xét kỹ lưỡng, ta thấy sự toàn hảo đặc trưng của thiên giới không phải là điều hấp dẫn như vậy, cũng không phải là sự giác ngộ. Sự nghỉ ngơi, trăng mật, các cuộc dã ngoại… là thú vị; nhưng sẽ không thú vị nếu những thứ ấy là bất tận. Nếu kỳ nghỉ tuyệt vời của chúng ta kéo dài quá lâu, chúng ta sẽ nhớ nhà. Nếu chính cuộc sống không bao gồm cái biết về khổ đau hay nguy cơ mất mát thì nó sẽ gây chán chường. Ngay khi bạn nhận thức rằng những thứ này hiện hữu, bạn có một lựa chọn: đoái hoài hay đồng cảm với những người khác đang khổ đau. Đấy không thuộc về thiên giới. Ở đây, trong cõi đời thường, chúng ta có thể xem phim hình sự, ly kỳ, gợi dục. Ở thiên giới, bạn không thể thưởng thức thứ ngôn ngữ gợi tình hay y phục khêu gợi vì nếu bạn có thông tuệ, bạn sẽ biết hết những gì đằng sau nó. Chúng ta có thể mừng ngày thứ Sáu sau một tuần vất vả vì công việc. Chúng ta có thể thưởng thức sự thay đổi của các mùa và thiết lập phần mềm mới nhất trên máy vi tính của mình. Chúng ta có thể mở tờ báo buổi sáng ra, đọc những sự việc rủi ro xảy ra trên thế giới và tưởng tượng chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta đổi vị trí với các nhà lãnh đạo thế giới. Tất cả là vậy, chẳng cần được che đậy, cho dù hầu hết những “thú vui đơn giản” của chúng ta đều thật sự là vấn đề. Nếu bạn thích xem bóng bầu dục với một vại bia trong tay, rồi bạn bị cuốn vào môn chơi này trong suốt hai tiếng đồng hồ và không rỗi rảnh để làm các việc khác, bạn có thể bị phân tán, bạn phải trả tiền thuê bao truyền hình cáp và cho các cửa hàng tạp hóa, cholesterol của bạn có thể tăng cao và bạn có nguy cơ bị trụy tim nếu như đội kia ghi điểm.
Trái lại, sự giác ngộ mà chúng ta tưởng tượng là một vùng bất biến, tự tại với mọi vấn đề. Có thể nào chúng ta xử lý một trạng huống trong đó không có trở ngại nào? Chúng ta hẳn phải thực hiện mà không có bao nhiêu những rung động, thành tựu, giải trí mà chúng ta tin rằng chúng sẽ tạo nên hạnh phúc của chúng ta. Chắc chắn những người ái mộ Eminem sẽ chán ngấy âm nhạc của đàn hạc ở thiên giới – hẳn là họ muốn nghe tập album mới nhất của anh ta với tất cả ngôn ngữ chát chúa của nó. Nếu chúng ta chấp nhận giác ngộ như chúng ta đã tưởng tượng thì chúng ta sẽ không thể thưởng thức những bộ phim hồi hộp; năng lực trí tuệ của chúng ta sẽ phá hư phần kết cuộc bất ngờ. Sẽ không còn có sự kích động ở trường đua ngựa vì chúng ta đã biết con ngựa nào thắng cuộc.
Sự bất tử là một thuộc tính khác thường được gán cho giác ngộ hay thiên giới. Một khi đến ngôi nhà mới của chúng ta ở trong mây, chúng ta sẽ không bao giờ chết nữa; do đó, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống trên đó mãi mãi. Chúng ta bị mắc kẹt. Không có sự thoát ra. Chúng ta có mọi sự hằng mơ ước ngoại trừ lối thoát ra, ngoại trừ những bất ngờ, thách thức, thỏa mãn và ý chí tự do vì chúng ta không còn cần đến nữa. Lấy tất cả điều này mà suy xét từ quan điểm giờ đây của chúng ta thì sự giác ngộ rốt lại chỉ là trạng thái của sự buồn chán!
Nhưng phần đông chúng ta không chịu phán xét kỹ sự diễn dịch về đời sau của chúng ta; chúng ta cứ thích để cho nó mơ hồ, với một ý nghĩ chung chung rằng đấy là một chỗ an nghỉ tối hậu tốt đẹp. Sự giác ngộ mà chúng ta mong ước là vĩnh viễn, là một loại trú xứ trường tồn. Hoặc một số người có thể nghĩ rằng họ có thể quay trở lại (thế gian) để viếng thăm như một loại thiên nhân hay một chúng sinh thuộc cõi trên vốn có những năng lực đặc biệt mà con người bình thường chúng ta không có. Họ có tính đặc miễn của thiên thần, giống như một chính khách đi lại bằng một hộ chiếu đặc biệt. Và do sự đặc miễn và địa vị cao cấp, họ nghĩ rằng họ có thể sắp xếp các giấy thị thực và dẫn dắt những người thân yêu của họ về với họ. Thế rồi câu hỏi khởi lên là, nếu một số trong những cư dân mới này có sẵn cách suy nghĩ của riêng họ Niết bàn có thể họ thích mang bít tất sặc sỡ gây xao lãng cho các chúng sinh cõi trời – thì thiên giới há không có vấn đề sao? Và nếu tất cả những “thiện nhân” được chấp nhận là thành viên của thiên giới hay Niết bàn thì sự diễn dịch về hạnh phúc ở thiên giới, Niết bàn có còn thù thắng không?
Dù chúng ta có định nghĩa thế nào đi nữa, mục đích tối hậu của mỗi chúng sinh vẫn là hạnh phúc. Chẳng có gì lạ khi bảo rằng hạnh phúc là một phần thiết yếu của định nghĩa về thiên giới hay giác ngộ. Đời sau phải đạt được những gì chúng ta luôn luôn nỗ lực đạt tới. Nói chung, trong sự diễn dịch cá nhân của chúng ta về thiên giới, chúng ta sống trong một hệ thống tương tự như hệ thống hiện nay của chúng ta, ngoại trừ việc nó tinh vi hơn và mọi sự vận hành tốt đẹp hơn.
Hạnh phúc không phải là mục đích
Phần đông chúng ta tin rằng sự thành tựu tối hậu trên con đường tâm linh chỉ đến sau khi đời sống này chấm dứt. Chúng ta bị mắc kẹt với môi trường và thân xác bất tịnh, do đó chúng ta phải chết đi để thành tựu trọn vẹn. Chỉ sau khi chết, chúng ta mới thể nghiệm được trạng thái thiêng liêng hay giác ngộ. Cho nên điều tốt mà chúng ta có thể làm trong đời này là chuẩn bị cho trạng thái ấy; những gì chúng ta làm bây giờ sẽ xác định chúng ta lên thiên giới hay xuống địa ngục. Một số người đã mất hy vọng. Họ cảm thấy bẩm sinh họ là tốt hoặc xấu, và không xứng đáng để lên thiên giới – họ sẽ phải xuống cõi thấp kém do tiền định. Tương tự, nhiều Phật tử thông hiểu rằng mọi người đều có cùng một tiềm năng và cùng một bản chất như Đức Phật Cồ Đàm. Tuy vậy, về mặt cảm xúc, họ cảm thấy rằng họ không có những khả năng và phẩm chất để được quyền vào cổng vàng của giác ngộ. Ít ra cũng không ở trong đời sống này.
Đối với Ngài Tất Đạt Đa, nơi an nghỉ tối hậu là thiên giới hay Niết bàn chẳng chút gì là một nơi chốn. Nó là sự thoát khỏi chiếc áo bó chẹt của si muội. Nếu bạn đòi hỏi một nơi chốn vật lý được định rõ thì nó có thể là nơi mà bạn đang ngồi ngay đây. Đối với Ngài Tất Đạt Đa, nó ở trên mặt một tảng đá phẳng và một vài cây cỏ kusha dưới cội bồ đề tại bang Bihar của Ấn Độ. Ngay cả ngày nay ai cũng có thể đến thăm địa điểm này. Sự diễn dịch của Ngài Tất Đạt Đa về giải thoát không phải là đặc biệt. Giải thoát có thể đạt được ngay trong đời này, tùy theo sự dũng cảm, trí tuệ và sự cần cù của mỗi người. Không ai không có tiềm năng này, kể cả những chúng sinh bị đọa trong các cảnh giới địa ngục.
Mục đích của Ngài Tất Đạt Đa không phải là hạnh phúc. Con đường của Ngài cuối cùng không đưa đến hạnh phúc. Thực sự nó là con đường trực tiếp đến giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát khỏi si muội và mê lầm. Thế thì Niết bàn không phải là hạnh phúc cũng không phải bất hạnh – nó vượt ngoài mọi khái niệm nhị nguyên như thế. Niết bàn là an ổn. Mục đích của Ngài Tất Đạt Đa trong việc giảng pháp là giải thoát trọn vẹn cho những người như anh Jack kia khổ sở vì sợ rắn. Điều này có nghĩa là anh Jack phải vượt qua sự căng thẳng khi nhận ra rằng anh ta không còn bị nguy hiểm vì một con rắn. Anh ta phải hiểu rằng trước tiên vốn chẳng bao giờ có con rắn nào cả, chỉ là một chiếc cà vạt hiệu Giorgio Armani mà thôi. Nói cách khác, mục đích của Ngài Tất Đạt Đa là làm dịu sự khổ sở của Jack sau đó giúp ông ta hiểu ra rằng khởi đầu không hề có nguyên nhân cố hữu của khổ.
Chúng ta có thể bảo rằng sự hiểu biết chân lý một cách đơn giản đưa đến sự chứng đạt giác ngộ. Ở chừng mực hiểu chân lý, chúng ta có thể tiến bộ qua mức giác ngộ, được gọi là “các tầng bậc Bồ tát” (Bồ tát địa). Nếu một em bé sợ hãi vì một quái vật hung hãn trong rạp hát, nỗi sợ hãi có thể được giảm đi bằng cách giới thiệu em bé với diễn viên khi người này đã thay y phục ở hậu trường. Tương tự, ở mức độ mà bạn có thể nhìn thấy đằng sau tất cả những hiện tượng và hiểu được sự thật, bạn được giải thoát. Chỉ cần người diễn viên gỡ mặt nạ của anh ta ra, nỗi sợ hãi của em bé sẽ giảm đi. Cũng vậy, nếu một người hiểu phần nào của chân lý thì người ấy có sự giải thoát tương đương.
Một nhà điêu khắc có thể tạo ra một phụ nữ đẹp từ đá tảng, nhưng ông ta nên hiểu biết hơn là say mê sự sáng tạo của mình. Giống như Pygmalion với bức tượng Galatea của ông, chúng ta tạo ra bạn bè và cả kẻ thù nữa, nhưng chúng ta quên là như thế. Do thiếu nhiếp niệm, những sáng tạo của chúng ta bị biến thành cái gì đó rắn chắc và thực tế, và chúng ta trở nên cứ mãi rối rắm. Khi bạn hiểu tường tận, không phải chỉ bằng trí óc, rằng mọi sự vật chỉ là sự sáng tạo của bạn thì bạn sẽ được giải thoát.
Dù cho hạnh phúc được xem như chỉ là một khái niệm suông, kinh điển Phật giáo vẫn thường sử dụng các thuật ngữ như đại an lạc để miêu tả giác ngộ. Thực ra, Niết bàn có thể được hiểu là một trạng thái hỷ lạc, vì rằng không có mê lầm và không có si muội, không có hạnh phúc và không có bất hạnh, thì an lạc. Nhìn thấy nguồn gốc của mê lầm và si muội, giả sử như con rắn, chưa từng hiện hữu thì tốt hơn. Bạn cảm thấy được nhẹ người đi nhiều khi bạn thức giấc khỏi một ác mộng, nhưng an lạc thì vốn từ đầu không phải mộng mị gì. Trong ý nghĩa này, an lạc không phải như hạnh phúc. Ngài Tất Đạt Đa đã lưu ý các đồ đệ của Ngài về sự vô bổ của việc tìm kiếm an ổn và hạnh phúc trong đời này hay trong đời sau nếu như các vị ấy nghiêm túc trong việc giải thoát chính mình khỏi luân hồi.
Cái bẫy của hạnh phúc
Đức Phật có một người em họ tên là Nan Đà (Nanda) yêu say đắm một trong những người vợ của mình. Họ ám ảnh nhau, ngày đêm không rời nhau. Đức Phật biết đã đến lúc cho em họ Ngài thức tỉnh khỏi sự đam mê này cho nên Ngài đến lâu đài của Nan Đà để khất thực. Thường thì khách đến thăm đều bị từ chối vì Nan Đà bận bịu việc hành lạc, nhưng Đức Phật thì lại có ảnh hưởng đặc biệt. Trong nhiều đời sống, Ngài đã không bao gờ nói dối và do bởi công hạnh này, Ngài đã đạt được năng lực thuyết phục. Khi người bảo vệ đưa tin rằng Đức Phật đang chờ ở cửa, Nan Đà miễn cưỡng đứng lên khỏi tổ ấm tình yêu của ông. Ông cảm thấy ít ra cũng phải đón chào người anh họ của mình. Trước khi ông bước ra, người vợ ông thấm nước bọt vào ngón tay cái của bà và vạch một vòng tròn trên trán Nan Đà, bảo ông phải quay về với bà trước khi trán khô. Nhưng khi Nan Đà đến dâng thực phẩm, Đức Phật mời ông ấy xem một sự việc thực hiếm có và kỳ lạ. Nan Đà cố tìm cách từ chối cuộc du ngoạn, nhưng Đức Phật vẫn khăng khăng yêu cầu.
Hai vị đi đến một ngọn núi có loài khỉ đuôi dài ở, trong đó đặc biệt có một con khỉ cái chột mắt, lông túm từng cụm. Đức Phật hỏi Nan Đà: “Vợ em và con khỉ này ai đẹp hơn?”. Dĩ nhiên, Nan Đà đáp rằng vợ ông ta là người đẹp nhất và ông miêu tả tất cả những niềm vui thích có được ở bà ta.Việc nói về bà ta khiến ông biết rằng nước bọt trên trán ông đã khô từ lâu và ông muốn trở về nhà. Nhưng thay vào đó, Đức Phật lại kéo ông lên cõi trời Đâu suất, tại đó hàng trăm thiên nữ và núi non đẹp đẽ của sự phong nhiêu ở thiên giới đang phô bày. Đức Phật hỏi: “Vợ em và các thiên nữ này, ai đẹp hơn?” Lần này thì Nan Đà cúi đầu và đáp rằng vợ ông giống như một con khỉ cái khi so sánh với các thêin nữ này. Thế rồi Đức Phật chỉ cho Nan Đà một cái ngai sang trọng còn trống ở giữa tất cả các báu vật, thiên nữ, và người bảo vệ. Kinh ngạc, Nan Đà hỏi: “Ai ngồi đây?” Đức Phật bảo ông hãy hỏi các thiên nữ. Họ nói: “Ở trần gian, có một người tên là Nan Đà, chẳng bao lâu sẽ trở thành một Tỳ kheo. Do những hạnh nghiệp của ông, ông sẽ tái sinh ở thiên giới và đảm nhận cái ngai này để chúng tôi có thể phục vụ ông ấy.” Ngay lúc ấy, Nan Đà xin Đức Phật chấp nhận cho ông vào giáo đoàn.
Đức Phật và Nan Đà trở về thế gian và Nan Đà trở thành một Tỳ kheo. Đức Phật bèn gọi người em họ thứ hai là A Nan (Ananda) đến và dặn dò để chắc chắn rằng tất cả chư tăng đều tránh xa Nan Đà. Chư tăng tránh mặt ông bằng mọi giá. “Chớ hòa lẫn, vì các ông có ý định khác nhau; do đó, kiến giải của các ông khác nhau và hành tác dĩ nhiên sẽ khác nhau.” Đức Phật dạy: “Các ông mong cầu giải thoát, còn ông ta thì mong cầu hạnh phúc.” Chư tăng lánh mặt Nan Đà, ông buồn bã và cô đơn. Ông nói với Đức Phật về cảm giác bị đẩy ra ngoài. Đức Phật bảo Nan Đà lại đi với Ngài. Lần này hai vị đến cảnh giới địa ngục, ở đó hai vị chứng kiến mọi loại cực hình, chặt đứt tay chân và làm ngạt thở. Chính giữa của tất cả các hoạt động này là một cái vạc to lớn, quanh đó là các sai nha địa ngục đang chuẩn bị rất quy mô. Đức Phật bảo Nan Đà hỏi xem họ đang làm gì. “Ồ,” họ đáp, “trên trần thế có một người tên là Nan Đà, giờ đây đã là một Tỳ kheo. Do ông ta sẽ lên thiên giới và ở đó khá lâu, nhưng vì ông ta chưa chặt đứt gốc rễ của luân hồi nên cứ ráo riết theo đuổi các lạc thú của cõi trời và không tạo thêm thiện duyên. Công đức của ông ta sẽ cạn kiệt và ông ta sẽ bị rơi thẳng vào chiếc vạc này cho chúng tôi nấu.”
Bây giờ Nan Đà hiểu ra rằng ông ta phải từ bỏ không chỉ sự bất hạnh mà cả đến hạnh phúc nữa.
Câu chuyện về Nan Đà minh họa cho việc mọi người chúng ta cứ mải miết theo những buông lung dục lạc. Giống như Nan Đà, chúng ta nhanh chóng rời bỏ một hạnh phúc khi thấy có một hạnh phúc khác lớn hơn. Con khỉ chột mắt đã củng cố nhận thức của Nan Đà về vẻ đẹp tuyệt trần của vợ ông; nhưng ông không ngần ngại lìa bỏ bà ta khi nhìn thấy các thiên nữ. Nếu giác ngộ chỉ là hạnh phúc suông mà thôi thì nó cũng bị gạt đi khi có gì đó tốt hơn xuất hiện. Hạnh phúc là một tiền đề mong manh để ta đặt căn bản cho đời ta vào đó.
Nhưng con người chúng ta có xu hướng nghĩ đến các bậc giác ngộ trong bối cảnh riêng của chúng ta. Tưởng tượng ra một vị giác ngộ theo như ý nghĩa giả thuyết ở một nơi xa xôi mông lung thì dễ hơn là tưởng tượng một vị chứng ngộ đang hiện diện, đang sống, đang thở, vì trong trí óc chúng ta, một vị như thế phải kỳ vĩ, có hình sắc và tài năng tối thượng vượt tất cả những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Vài người trong chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có thể đạt ngộ bằng sự nỗ lực thực sự mạnh mẽ. Nhưng với một hình ảnh cao vời trong tâm trí chúng ta, “nỗ lực mạnh mẽ” có thể có nghĩa là tận tụy và hy sinh mọi thứ mình ưa thích suốt hàng triệu đời sống. Những ý nghĩ này có thể khởi lên khi chúng ta quan tâm suy nghĩ về điều ấy, nhưng thường thì chúng ta không thể được nhắc nhở để quan tâm. Thật quá chán. Khi chúng ta thấy thật khó mà thoát khỏi những thói quen trần thế thì giác ngộ có vẻ vượt quá tầm tay. Nếu như ngay cả việc ngưng hút thuốc mà tôi cũng không làm được thì làm sao tôi có thể ngưng dứt các thói quen đam mê, giận hờn và phủ nhận? Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải có ai đó như một vị cứu tinh hay một đạo sư để làm chỗ nương tựa cho chúng ta vì chúng ta không tự tin để thực hiện điều ấy một mình. Nhưng tất cả sự bi quan này là không cần thiết nếu chúng ta có thông tin đúng đắn về chân lý duyên khởi và một ít phương pháp để áp dụng nó.
Hy vọng và sự thanh tịnh ban sơ
Giác ngộ vượt quá nghi ngờ, cũng như kiến thức đạt được bằng kinh nghiệm vượt quá nghi ngờ. Chúng ta phải hiểu cho tường tận rằng những ô nhiễm và mê lầm ngăn cản sự giác ngộ vốn không ở chỗ nào cả. Cũng kiên cố và có vẻ thường hằng như các trở ngại của chúng ta, những ô nhiễm và mê lầm ấy thực ra là những hiện tượng hữu vi không ổn định nếu chúng ta hiểu biết được cái luận lý rằng các hiện tượng hữu vi là do duyên (do tùy thuộc nhau) và có thể điều khiển được thì sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta thấy được bản chất vô thường của chúng và đạt đến cái kết luận rằng chúng có thể bị gỡ bỏ hoàn toàn.
Bản chất thực sự của chúng ta cũng giống như một ly đựng rượu, và những ô nhiễm, mê muội của chúng ta cũng giống như bụi và dấu tay. Khi ta mua cái ly, nó vốn không có dấu tay ở đó. Khi nó bị vấy bẩn, trí óc thông thường nghĩ rằng cái ly bị dơ bẩn chứ không nghĩ rằng cái ly có bụi bám. Bản chất của nó là không dơ bẩn, nó là một cái ly có một ít bụi và dấu tay trên đó. Những thứ dơ bẩn này có thể bị loại bỏ. Nếu cái ly là dơ bẩn thì khả năng lựa chọn duy nhất là vứt bỏ nó đi vì bụi bặm và cái ly hợp lại thành một đồ vật. Nhưng trường hợp này lại không phải thế. Bụi bặm, dấu tay và các chất khác xuất hiện trên cái ly do một số hoàn cảnh (nhân duyên). Chúng là tạm thời. Chúng ta có thể sử dụng mọi phương pháp khác nhau để rửa sạch bụi bặm đi. Ta có thể rửa cái ly trong dòng sông hoặc nhúng nó vào trong máy rửa bát; hoặc ta có thể nhờ chị giúp việc làm sạch nó. Nhưng dù ta dùng phương pháp nào đi nữa thì ý định vẫn là loại bỏ bụi bặm chứ không phải là loại bỏ cái ly. Có một sự phân biệt rất rõ giữa rửa sạch cái ly và rửa sạch bụi. Chúng ta có thể đồng ý rằng đấy chỉ là sự phân biệt về ngữ nghĩa, rằng khi ta bảo ta rửa đĩa thì ta có ý bảo ta rửa sạch những thứ dơ bẩn khỏi mấy cái đĩa, và trong trường hợp đó thì Ngài Tất Đạt Đa sẽ chấp nhận. Nhưng nếu ta nghĩ rằng cái ly có gì đó khác với nó trước kia thì có sự nhầm lẫn. Vì cái ly vốn không có sẵn dấu tay, khi bạn tẩy bỏ bụi bặm, cái ly vẫn không thay đổi. Đấy chính là cái ly bạn đã mua ở cửa hàng.
Khi ta nghĩ rằng chính mình vốn sân hận, si muội từ bẩm sinh và nghi ngờ khả năng chứng đạt giác ngộ của ta thì ta đang nghĩ rằng bản chất thực sự của ta là bất tịnh và ô nhiễm vĩnh viễn. Nhưng cũng giống như các dấu tay trên ly rượu, những tình thức này không thuộc bản chất thực sự của ta; chỉ là ta đã thu tập các ô nhiễm từ nhiều thứ hoàn cảnh không tốt như hợp tác với những kẻ bất thiện hoặc không hiểu những hậu quả của những hành động của ta. Sự vắng mặt ban sơ của các ô nhiễm (lậu hoặc), bản chất tinh ròng của cái ngã, thường được gọi là “Phật tính”. Nhưng những ô nhiễm và những xúc cảm do chúng sinh ra đã ở đấy từ rất lâu và đã trở nên mạnh mẽ đến nỗi chúng là bản chất thứ hai của ta, luôn luôn che mờ ta. Cũng không lạ khi ta nghĩ rằng chẳng có hy vọng gì.
Để có lại hy vọng, những ai theo con đường của Phật giáo có thể phát khởi suy nghĩ: Ly rượu của tôi có thể được tẩy sạch, hoặc, con người tôi có thể được tẩy tịnh khỏi tính tiêu cực. Đây cũng là cách nhìn khá chân chất vào hoàn cảnh như anh Jack nghĩ rằng con rắn phải được loại bỏ. Tuy vậy, đôi khi đấy là một bước chuẩn bị cần thiết trước khi chúng ta có thể nhìn thấy bản chất ban sơ thực sự của các sự vật. Nếu không thể nhận thức được sự thanh tịnh nguyên sơ của tất cả các hiện tượng thì ít ra sự tin rằng một trạng thái thanh tịnh có thể đạt được sẽ giúp đưa chúng ta tiến tới. Giống như Jack muốn thoát khỏi con rắn, chúng ta muốn thoát khỏi những mê tối và chúng ta có can đảm để tiến hành vì chúng ta biết rằng có thể tiến hành được. Chúng ta phải áp dụng một cách đơn giản các phương cách để làm yếu đi những nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) của các ô nhiễm hoặc làm mạnh các yếu tố nghịch với chúng – ví dụ, khởi sinh tình thương và lòng từ để chế ngự sân hận. Cũng như nhiệt tâm của ta khi rửa ly xuất phát từ niềm tin rằng chúng ta có thể có một cái ly sạch, nhiệt tâm của ta nhằm loại trừ những mê tối xuất phát từ niềm tin rằng ta có Phật tính. Chúng ta có sự tin chắc khi bỏ bát đĩa dơ vào máy rửa bát đĩa vì chúng ta biết rằng đồ ăn sẽ bị loại ra. Nếu chúng ta đòi rửa than cho trắng thì chúng ta sẽ không có nhiệt tâm và sự tin tưởng như thế.
Ánh chớp xuyên qua màn đêm giông tố
Nhưng làm sao để khám phá Phật tính giữa quá nhiều si muội, tối tăm, mê lầm? Dấu hiệu đầu tiên của hy vọng đối với các thủy thủ bị lạc trên biển cả là thấy được một vệt sáng lóe lên xuyên qua màn đêm giống tố. Lái tàu đến đó, họ sẽ được nguồn gốc của ánh sáng, thấy hải đăng. Tình thương và lòng từ giống như ánh sáng phát ra từ Phật tính. Mới đầu, Phật tính chỉ là một khái niệm suông vượt ngoài kiến giải của chúng ta, nhưng chúng ta phát khởi tình thương và lòng từ thì cuối cùng chúng ta có thể tiến đến Phật tính. Có thể khó nhìn thấy Phật tính nơi những người đã bị lạc trong đêm tối của tham ái, sân hận và si muội. Phật tính của họ mờ nhạt quá, chúng ta có thể nghĩ rằng nó không hiện hữu. Nhưng ngay cả ở trong những người tăm tối và bạo hành nhất cũng có những chớp sáng của tình thương và lòng từ, tuy ngắn ngủi và nhợt nhạt. Nếu những thấp thoáng hiếm hoi này được lưu tâm tới, và nếu năng lực được đầu tư để đi theo hướng của ánh sáng, thì Phật tính của họ có thể không bị che phủ.
Vì lý do ấy, tình thương và lòng từ được ca ngợi như là con đường an toàn nhất đưa đến sự vắng mặt hoàn toàn của si muội (vô minh). Hành động đầu tiên về lòng từ của Ngài Tất Đạt Đa xảy ra trong một lần tái sinh xưa kia tại một nơi khổ ải – không phải là một Bồ tát mà là một cư dân của địa ngục, tại đó Ngài nhận thấy Ngài là kết quả của ác nghiệp do chính Ngài đã tạo. Ngài và một chúng sinh địa ngục bạn Ngài bị buộc phải kéo một chiếc xe qua những đám lửa địa ngục trong khi một chúa quỷ ngồi sau quất roi vào họ rất tàn nhẫn. Ngài Tất Đạt Đa vẫn còn rất khỏe mạnh, nhưng người bạn của Ngài thì rất yếu lại bị nhằm quất còn dữ dội hơn nữa do yếu đuối.
Việc thấy người bạn bị roi quất đã kích động lòng từ trong Ngài Tất Đạt Đa. Ngài xin với chúa quỷ: “Xin hãy để cho anh ta đi, hãy để tôi gánh chịu phần của cả hai chúng tôi.” Điên tiết, tên quỷ đập vào đầu của Tất Đạt Đa và Tất Đạt Đa chết đi, được tái sinh trong cảnh giới cao hơn. Tia lửa từ bi vào lúc chết tiếp tục lớn lên và trở nên sáng hơn trong những lần tái sinh về sau của Ngài.
Cùng với tình thương và lòng từ, còn sẵn vô số con đường đưa chúng ta đến gần hơn để thể nghiệm Phật tính. Dù cho ta chỉ thông hiểu sự thiện lành cơ bản của ta và tất cả chúng sinh, sự thông hiểu này đưa chúng ta đến gần sự thành tựu hơn. Điều ấy cũng giống như ta để quên một chuỗi kim cương ở đâu đó, nhưng ít nhất ta cũng biết nó ở trong hòm chứa báu vật chứ không bị mất ở một vùng núi rộng lớn nào đó.
Dù cho chúng ta có dùng các từ như thành tựu, mong ước, cầu xin chứng ngộ, rốt lại chúng ta cũng không đạt giác ngộ từ nguồn gốc bên ngoài. Giác ngộ là thành phần của bản chất thực sự của chúng ta. Bản chất thực sự của chúng ta giống như một pho tượng bằng vàng; tuy nhiên, nó vẫn còn nằm yên trong khuôn đúc, giống như các ô nhiễm và si muội của chúng ta. Vì si muội và cảm thọ không phải là thành phần của bản chất của chúng ta, cũng như khuôn đúc không phải là thành phần của pho tượng, có một thứ như thế là thanh tịnh ban sơ. Khi khuôn đúc bị phá vỡ thì pho tượng bày ra. Khi các ô nhiễm của ta bị gỡ đi thì Phật tính thực sự của ta được phát lộ. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng Phật tính không phải là một linh hồn hay một tinh thể hiện hữu thực sự, thiêng liêng.
Cảm thấy như thế nào?
Có thể chúng ta còn phải tự hỏi: Giác ngộ là gì nếu không phải là hạnh phúc hay bất hạnh? Một vị giác ngộ xuất hiện và hành xử như thế nào? Chúng ta cảm thấy thế nào khi tìm thấy Phật tính?
Trong các kinh điển Phật giáo, khi các câu hỏi này được đặt ra thì câu trả lời thường là vấn đề vượt ngoài khái niệm của chúng ta, không diễn tả được. Có thể nhiều người hiểu lầm đấy là một cách khéo léo để tránh câu trả lời. Nhưng quả thực, đấy là câu trả lời. Luận lý, ngôn ngữ và các biểu tượng của chúng ta quá bị giới hạn, thậm chí chúng ta không thể diễn tả đầy đủ một điều gì đó rất thế tục như ý nghĩa của khuây khỏa; các từ ngữ không tương đương để truyền đạt cho người khác toàn bộ kinh nghiệm về khuây khỏa. Ngay cả những nhà vật lý lượng tử cũng nhận thấy khó tìm từ ngữ để diễn tả lý thuyết của họ, thế thì làm sao ta có thể tìm ra một ngữ vựng cho giác ngộ được? Trong khi ta bị mắc kẹt trong trạng thái hiện tại mà chỉ có một số hạn chế về luận lý, ngôn ngữ được sử dụng và các cảm thọ vẫn bám chặt ta, ta chỉ có thể tưởng tượng những gì giống như đạt giác ngộ. Nhưng đôi khi, bằng sự cần cù và sự suy luận, ta có thể có được một sự gần đúng khá tốt, giống như bạn thấy khói bốc lên từ đỉnh núi, bạn có thể dự đoán rằng ở đấy có lửa. Sử dụng những gì ta có, ta có thể khởi sự nhìn thấy và chấp nhận rằng những u tối là do các nhân duyên mà ta có thể xử lý và cuối cùng có thể tẩy sạch chúng. Tưởng tượng ra sự vắng bặt của những cảm thọ ô nhiễm và sự chối bỏ là bước đầu tiên để hiểu bản chất của giác ngộ.
Giả như bạn đang khổ sở vì một cơn đau đầu. Mong ước tức thời của bạn là được giảm đau, điều này là khả dĩ vì bạn biết rằng cơn đau đầu không thuộc cái nhân thể bẩm sinh của bạn. Kế đến, bạn cố nhận ra những gì gây nên cơn đau đầu, thiếu ngủ chẳng hạn. Thế rồi bạn áp dụng các phương cách để cắt cơn đau đầu như uống aspirin hoặc nằm chợp mắt một lát.
Trong lần thuyết pháp đầu tiên ở Varanasi, Ngài Tất Đạt Đa đã giảng bốn bước sau đây, thường được biết như là bốn chân lý cao thượng (Tứ diệu đế): Nhận biết khổ; loại bỏ các nguyên nhân gây khổ; theo con đường đưa đến sự diệt khổ; nhận biết rằng khổ có thể chấm dứt. Nhiều người có thể ngạc nhiên tại sao Ngài Tất Đạt Đa cần vạch rõ: “nhận biết khổ”. Há chúng ta không đủ thông minh để biết rằng chúng ta đang đau khổ? Rủi thay, chỉ khi nào nỗi đau ở trạng thái bùng lên trọn vẹn, ta mới nhận ra nó là đau và khổ. Thật khó thuyết phục ai đó đang thích thú thưởng thức một cây kem rằng anh ta đang khổ. Nhưng rồi anh ta nhớ đến lời cảnh báo của bác sĩ bảo phải hạ cholesterol và phải giảm cân. Và nếu bạn khám kĩ hơn về việc có vẻ như thú vị này, toàn bộ quá trình từ khi anh ta bắt đầu thèm ăn kem đến nỗi lo bị mập và thừa cholesterol, bạn sẽ thấy đó đã là một thời gian.
Thật dễ để chấp nhận rằng các cảm xúc như hờn giận có thể kiểm soát được bằng phương cách thích hợp, nhưng quả là một thách thức khi phải chấp nhận rằng một cảm xúc có thể biến mất mãi mãi. Nếu ta tưởng tượng ai đó đã gỡ bỏ phần nào sự giận hờn và thường tỏ vẻ an bình, tĩnh lặng, ta có thể lấy đó mà tiến một bước xa hơn và tưởng tượng ra một người đã gỡ bỏ vĩnh viễn sự giận hờn. Nhưng người đã vượt qua mọi xúc cảm xử sự như thế nào? Người tín đồ mù quáng có thể hình dung một vị hiền hòa, có lẽ đang ngồi kiết già trên một đám mây. Tuy vậy, những người đa nghi có thể nghĩ rằng nếu quả có một người như thế thì người này phải xử sự như cây cỏ, dửng dưng và buồn chán… Dù cho trạng thái giác ngộ không miêu tả được và trí óc người thường không thể định nghĩa rõ các vị giác ngộ, chúng ta vẫn có thể hỏi” “Tất Đạt Đa là ai? Ngài có làm những gì kỳ diệu và quyền năng cao vời? Ngài đã thực hiện những kỳ công thượng đẳng nào? Trong Phật giáo, người ta không xét đoán một bậc giác ngộ theo những hành động siêu phàm như bay, hay theo theo những thuộc tính vật lý như con mắt thứ ba. Mặc dù Đức Phật thường được miêu tả là có dáng vẻ thanh thản, có màu sắc vàng ròng, có cung cách vương giả, những miêu tả này chủ yếu hấp dẫn đối với những nông dân chất phác và những người bình dân. Các kinh điển nghiêm túc của Phật giáo không phô trương những khả năng (thần thông) hay việc thực hiện những điều kỳ diệu của Đức Phật. Thật vậy, rất nhiều lần trong những lời giáo huấn cốt lõi, các tín đồ của Đức Phật được cảnh báo chớ bị ám ảnh vì những gì không hợp lý. Dù Đức Phật có thể đã có những tài năng như thế, những tài năng này cũng không bao giờ được xem là những thành tựu lớn nhất của Ngài. Sự thành tựu lớn nhất của Ngài là hiểu được chân lý, vì chính hiểu biết chân lý sẽ giải thoát chúng ta khỏi khổ đau, một lần và mãi mãi. Đức Phật cũng nhìn thấy già, bệnh, chết mà chúng ta thấy, nhưng Ngài lại dấn thân tìm những nguyên nhân của chúng; và điều ấy là điều kỳ diệu. Ngài thể nghiệm rằng tất cả mọi sự vật hữu vi là vô thường, đấy chính là sự chiến thắng tối hậu của Ngài. Thay vì phô trương vinh quang trước một số kẻ thù đang có mặt bên ngoài, Ngài nhận thấy rằng kẻ thù thực sự chính là sự chấp chặt cái tự ngã của chúng ta, và đánh bại sự ngã chấp ấy là một sự kỳ diệu lớn lao hơn nhiều so với mọi pháp thần thông, dù thật hay tưởng tượng.
Dù những nhà khoa học hiện đại được ca ngợi vì đã phát hiện thời gian và không gian là tương đối, Ngài Tất Đạt Đa cũng đã kết luận như thế từ 2.500 năm trước mà chẳng cần có sự tài trợ nghiên cứu hay các phòng thí nghiệm khoa học – và điều ấy lại cũng là một sự kỳ diệu. Không như nhiều người đương thời (và không như chúng ta ngày nay) vẫn kẹt cứng với ý niệm rằng tự do của chúng ta tùy thuộc vào ân huệ của những người khác, Ngài phát hiện rằng mọi người vốn có bản chất thanh tịnh. Có được tri thức, mọi chúng sinh đều có năng lực giải thoát chính mình. Thay vì lui về an nghỉ trong cuộc sống thiền định, Đức Phật với lòng từ cực kỳ lớn lao muốn chia sẻ những khám phá trác tuyệt của Ngài với mọi chúng sinh, bất kể mọi khó khăn trong việc giảng dạy và lĩnh hội. Ngài vạch ra một con đường với hàng chục ngàn phương pháp, từ đơn giản như dâng hương, ngồi thẳng và theo dõi hơi thở đến những tưởng niệm hay thiền định phức tạp. Đấy là thần thông của Ngài vậy.
Những thuận lợi của sự vượt khỏi thời gian và không gian
Khi Ngài Tất Đạt Đa đạt giác ngộ, Ngài được gọi là Phật. Phật không phải là tên một người, đó là một biểu hiệu cho một trạng thái của tâm. Từ Phật được định nghĩa là một tính chất gồm hai khía cạnh: “vị đã hoàn thành” và “vị đã thức tỉnh”. Nói cách khác, đấy là vị đã tẩy sạch các ô nhiễm và là vị đã đạt trí tuệ. Do sự thể nghiệm của Ngài dưới cội bồ đề, Đức Phật đã thức tỉnh khỏi trạng thái nhị nguyên vốn bị kẹt cứng trong những khái niệm như chủ thể và đối tượng. Ngài thể nghiệm rằng không có gì được cấu thành [hữu vi] lại có thể hiện hữu thường hằng được. Ngài thể nghiệm rằng không có cảm thọ nào đưa người ta đến an lạc nếu như nó khởi sinh từ sự chấp ngã. Ngài thể nghiệm rằng không có cái ngã nào thực sự hiện hữu và không có hiện tượng nào thực sự hiện hữu để được cảm nhận. Ngài thể nghiệm rằng giác ngộ vượt ngoài các khái niệm. Những thể nghiệm này là điều mà chúng ta gọi là “trí tuệ của Đức Phật”, một sự “hiểu biết về toàn bộ chân lý”. Đức Phật được nói đến như là “bậc toàn trí”. Điều ấy không có nghĩa là Đức Phật học ở mọi trường đại học trên thế giới, nhớ mọi sách vở. Cái học như thế không tương đương với giác tri vì nó là một kiến thức nhị nguyên vốn có căn bản là đối tượng và chủ thể, và bị ràng buộc bởi những giới hạn, luật tắc và mục đích của chính nó. Như ta đã có thể thấy rõ, với mọi kiến thức khoa học ngày nay, thế giới chẳng cải thiện được gì; thực ra, còn tệ hơn nữa. Có giác tri không có nghĩa là có kiến thức rộng. Do đó, nói đến một ai đó biết mọi sự có nghĩa là người đó không có sự “không biết” và không có sự dốt nát.
Đức Phật đã đi một bước xa hơn và vạch ra sự thật của một cái tâm thức tỉnh cho những người khác biết để họ cũng thế, cũng có thể phá vòng khổ đau, và bởi lòng từ này, Ngài được tôn kính nhất. Nếu có người vô tình sắp bước qua một bãi mìn, ta có thể vội gỡ mìn mà không để cho người ấy biết. Nhưng như thế thì chỉ nhất thời bảo vệ người ấy và không cung cấp toàn bộ sư thật. Giải thích cho anh ta rằng có mìn suốt nhiều dặm theo hướng đó sẽ cứu anh ta khỏi sự khổ đau tức thời và cả về sau nữa. Sự giải thích ấy giúp anh ta tiến bước và cả chia sẻ hiểu biết cho những người khác. Cũng vậy, Đức Phật dạy người ta trở nên quảng đại nếu người ta mong cầu giàu có và từ bi; nhưng Ngài cũng khuyên rằng nếu muốn giàu có thì trước tiên phải bằng lòng với những gì mình có; và nếu muốn chiến thắng kẻ thù thì trước tiên phải chiến thắng hận thù của chính mình. Rốt lại, Ngài dạy rằng khổ đau có thể được đoạn trừ tận gốc bằng cách gỡ bỏ cái ngã, vì nếu không có ngã thì không khổ.
Cảm kích về giáo lý của Ngài, các tín đồ của Tất Đạt Đa tôn kính Ngài bằng những bài ca và những lời cầu nguyện trong đó Ngài được ca ngợi vì năng lực cao vời đến nỗi có thể đặt toàn thể vũ trụ lên đầu một nguyên tử. Với sự tôn kính tương tự, một số tín đồ mong ước được tái sinh trong cảnh giới được gọi là “Phật độ” .
Phật độ được miêu tả là một vùng đất thanh tịnh kích cỡ của một phân tử vô cùng nhỏ, trên đó có số lượng chư Phật bằng với số nguyên tử trong vũ trụ dạy dỗ các môn đệ của chính chư vị. Giống như trường hợp truyện cái sừng bò của Milarepa, một người không phải tín đồ có thể đọc như một truyện thần thoại tôn giáo, trong khi một tín đồ có thể chấp nhận sự miêu tả mà không bàn tán gì, nghĩ rằng” Dĩ nhiên Đức Phật có thể làm như thế - Ngài là đấng toàn năng mà. Nhưng nếu ta nghĩ đến cái chân lý gọi là không mà hiểu rằng không hề có sự vật nào nhỏ nhất, lớn nhất hay những phân biệt nhị nguyên nào thì rõ ràng rằng Đức Phật đã không cần cơ bắp và sức mạnh cơ bắp để lượm thế giới và đặt nó trên một nguyên tử. Chính sự hiểu rằng không có lớn hay nhỏ là tất cả sức mạnh cần thiết.
Có thể gỡ bỏ cái thói quen ngăn ta thấy như thế, nhưng sự luận lý giới hạn của ta lại cản trở. Chúng ta giống như một người mắc chứng sợ ăn hoặc chứng thèm ăn, mặc dù cô ta có thể đẹp đẽ mỹ miều, chỉ có điều cô ta không thể chấp nhận những gì cô ta nhìn thấy trong gương, ngay cả khi những người khác không thể thấy tại sao cô nghĩ rằng cô mập. Đức Phật đã gỡ bỏ tất cả những rắc rối ấy và thấy rằng mọi thứ – thời gian, không gian, giới tính, giá trị – đều vắng bặt tính nhị nguyên, cho nên vũ trụ có thể được đặt trên chỉ một nguyên tử thôi. Vì hiểu như thế, các tín đồ thi sĩ của Ngài ca tụng Ngài rằng “vượt khỏi không gian và thời gian”. Ngay cả các đồ đệ thân cận nhất của Ngài Tất Đạt Đa, các vị A la hán, cũng nổi tiếng vì thấy bầu trời và lòng bàn tay đều cùng một kích cỡ, một hạt bụi và một thỏi vàng cũng cùng một giá trị.
Khi Ngài Tất Đạt Đa đạt giác ngộ, Ngài không khiến thời gian ngừng lại hay đạt đến sự tận cùng của thời gian. Ngài chỉ đơn giản không còn bị ô nhiễm bởi khái niệm thời gian. Khi ta bảo rằng Ngài Tất Đạt Đa đã gỡ bỏ mọi mê muội về thời gian và không gian, không phải là Ngài đã phá vỡ bộ máy thời gian hay tháo tung một chiếc la bàn – Ngài đã hoàn toàn vượt khỏi mọi quan niệm về thời gian và không gian.
Dù những kinh nghiệm thực sự về sự vượt ngoài thời gian và không gian là không thể dò biết được đối với chúng ta – những kẻ nô lệ của thời gian, chúng ta cũng có thể có được một ý nghĩa về sự linh động của những quan niệm này trong sự hiện hữu đời thường của chúng ta. Ngay cả một sự mê đắm lãng mạn cũng có thể kéo dài và uốn cong thời gian. Chúng ta gặp một người nào đó, chúng ta mơ tưởng mình sẽ trở thành bạn tâm giao, kết hôn, có con và thậm chí có cháu. Thế rồi một điều gì đó như một chút nước bọt nhiểu ra khỏi miệng người yêu dấu kia xô bật chúng ta trở về thực tại, và tất cả mọi thế hệ tương lai kia tan biến mất.
Vì những thuận lợi của sự vượt khỏi không gian và thời gian là quá khó hiểu, chúng ta không sẵn sàng để hiểu chúng. Chúng ta quá quen thuộc với cái thế giới vốn phụ thuộc vào thời gian và không gian nên không chịu nỗ lực vì những phần thưởng mơ hồ như vậy. Có thể sẽ dễ dàng hơn khi ta hiểu rõ được khía cạnh của giác ngộ vốn vượt ngoài những phân biệt về tốt và xấu, thích thú và đớn đau, ca tụng và phê bác và những cảm thọ nhị nguyên khác. Sự tin cậy của chúng ta vào không gian và thời gian là có thể hiểu được – rất hữu ích trong hiện tại – nhưng những phân biệt khác nữa thì vô ích đến mức phi lý. Nhị nguyên làm cho ta bị quá vướng mắc đến nỗi phải chi hàng triệu đôla mỗi năm để duy trì dáng vẻ bên ngoài. Nếu ta lang thang một mình trong sa mạc thì chẳng có gì có vẻ là tuyệt vời, vậy rõ ràng là ta muốn làm cho mình có vẻ tốt đẹp trong quan hệ với những người khác để lôi cuốn họ, được họ chấp nhận. Khi có người nói: “Ồ, cô ta có đôi chân đẹp”, thì ta xúc động và tiếp tục trau chuốt và săn tìm những lời khen ngợi. Những lời khen ngợi này giống như mật ngọt trên dao bén.
Nhiều người trong chúng ta quá mải mê với những khái niệm của mình về sắc đẹp đến nỗi ta không nhận thức rằng sự diễn dịch của chúng ta về những gì hấp dẫn có thể thực sự khiến những người khác khó chịu. Chúng ta trở thành nạn nhân của những khái niệm và của sự phù phiếm của chính mình. Sự phù phiếm này nuôi dưỡng nền công nghiệp toàn cầu vốn là một trong những nguyên nhân và điều kiện thực sự tàn phá môi trường. Khi ta nhận được khá nhiều lời khen ngợi có thêm một chút gia vị là sự phê phán thì tất cả sự chú ý của ta đều đổ vào sự phê phán. Những lời khen được xem là được tưởng thưởng do sự thèm khát không bao giờ được thỏa mãn về tán thán. Người nào muốn có mãi sự ca ngợi và sự chú ý thì cũng như con bướm cố tìm bờ mé của bầu trời.
Không phân biệt, không khái niệm, không kiềm chế
Cùng với những khái niệm quy ước về thời gian và không gian, Đức Phật đã vứt bỏ mọi phân biệt nhị nguyên mang tính cảm thọ tinh tế nhất. Ngài không thích được khen hơn bị chê, thắng hơn bại, hạnh phúc hơn bất hạnh, hữu danh hơn vô danh. Ngài không bị dao động vì lạc quan hay bi quan. Không ai có sự thu hút mạnh mẽ hơn hay đảm bảo một sự đầu tư năng lực hơn người khác cả. Hãy tưởng tượng bạn không còn làm con mồi cho những khen chê nho nhỏ, nghe chúng như Đức Phật đã nghe – như là những âm thanh suông, như tiếng vọng mà thôi. Hoặc nghe chúng như khi chúng ta sắp chết trên giường. Chúng ta có thể thích thú khi nghe những người thân yêu khen ngợi rằng chúng ta rất đẹp đẽ và tuyệt vời, nhưng đồng thời chúng ta nên tự gạt bỏ và dửng dưng. Chúng ta nên ngưng dứt sự chấp chặt vào ngôn từ. Hãy tưởng tượng chúng ta ở bên trên những sự hối lộ và những thuyết phục khác vì mọi quyến rũ của cuộc đời hình như chẳng hay ho gì, giống như xà lách đối với một con hổ. Nếu ta không thể bị sự khen ngợi mua chuộc hoặc bị sự phê phán đánh bại, ta sẽ có sức mạnh lớn lao không tưởng nổi. Chúng ta sẽ rất mực tự do, sẽ không còn có những hy vọng và sợ hãi, mồ hôi và máu. Những phản ứng cảm thọ không cần thiết nữa. Cuối cùng, chúng ta có thể thực hiện “Tôi mặc kệ nó.” Tự tại trước sự săn đuổi, tránh né sự chấp nhận hay từ chối của những người khác, chúng ta sẽ ghi nhận được những gì chúng ta có trong thời điểm hiện tại. Chúng ta dành phần lớn thời gian để nỗ lực làm cho những điều tốt được kéo dài, hoặc chúng ta nghĩ xem thay thế chúng bằng điều gì đó tốt hơn trong tương lai, hoặc chúng ta bị chìm đắm vào quá khứ, hồi tưởng những lúc hạnh phúc hơn. Mỉa mai thay, chúng ta đã không bao giờ thực sự ghi nhận sự trải nghiệm mà chúng ta luyến tiếc vì chúng ta quá nắm níu vào những hy vọng và sợ hãi trong hiện tại.
Nơi nào chúng ta giống như trẻ con trên bãi biển, bận rộn xây những lâu đài cát, thì các chúng sinh ở cõi cao giống như những người lớn che dù mà nhìn bọn trẻ mải mê với những sáng tạo của chúng, tranh cãi về các vỏ nghêu, sò, xẻng, xúc, sợ sóng đến gần. Chúng trải qua mọi thứ tình thức. Nhưng những người lớn nằm gần đó, nhấm nháp một ly cốc-tai dừa, nhìn, không phán xét, không cảm thấy tự hào khi một lâu đài cát được xây dựng rất đẹp và không cảm thấy tức giận hay buồn bã khi ai đó bỗng dẫm chân lên một cái tháp cát. Họ không bị thu hút vào diễn biến của trò chơi của bọn trẻ. Người ta mong gì hơn ở giác ngộ nữa chứ?
Sự ví von gần gũi nhất về giác ngộ trong thế tục là “tự do”; thật vậy, khái niệm về tự do là một sức mạnh điều hướng trong đời sống cá nhân và trong xã hội của chúng ta. Chúng ta mơ tưởng đến một lúc, một nơi mà chúng ta có thể làm bất cứ những gì chúng ta thích – Giấc mơ Mỹ. Trong các diễn văn và trong hiến pháp, chúng ta ca tụng “tự do” và “những quyền của cá nhân” giống như tụng thần chú; tuy vậy, trong thâm tâm, chúng ta không thực sự muốn các thứ ấy. Nếu chúng ta được trao sự tự do hoàn toàn thì có thể chúng ta sẽ không biết làm gì với sự tự do ấy. Chúng ta không có can đảm hay khả năng lợi dụng sự tự do thực sự vì chúng ta không thoát ra khỏi sự tự hào, tham lam, hy vọng và sợ hãi của chính mình. Nếu mọi người bỗng biến mất khỏi trái đất chỉ còn lại một người, chúng ta có thể tưởng tượng sự tự do hoàn toàn dành cho người ấy. Anh ta có thể la hét và đi khắp nơi, trần truồng, phá vỡ luật lệ – dù chẳng có luật lệ nào, cũng chẳng có chứng nhân nào. Nhưng sớm muộn gì anh ta cũng sẽ cảm thấy buồn chán, cô đơn và mong ước có bè bạn. Chính cái ý niệm về sự quan hệ đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ một số tự do của mình đối với người khác. Cho nên nếu ước mong của con người cô đơn kia được thành tựu và anh ta có được một người bạn, thì có thể người bạn ấy sẽ làm những gì người ấy ưa thích và có thể vô tình hay hữu ý đụng chạm đến tự do của anh ta.
Ai đáng trách? Con người cô đơn ấy, vì chính sự buồn chán của anh ta đã đem lại sự mất mát của anh ta. Nếu không có sự buồn chán và cô đơn, anh ta vẫn có thể còn tự do.
Chúng ta nên hạn chế sự to do của chính chúng ta. Dù cho ta có thể, ta cũng không trần truồng mà đi khắp nơi hay mang một con cá chết thay vì cà vạt trong cuộc phỏng vấn việc làm, vì chúng ta muốn gây ắntợng cho mọi người và giành được bạn bè. Chúng ta có thể không khảo sát các nền văn hóa kỳ lạ hay văn họa bộ tộc tuy các nền văn hóa này cung cấp nhiều về trí tuệ, bởi vì chúng ta không muốn bị chê là dân híp-pi.
Chúng ta sống trong nhà tù của trách nhiệm và luật lệ. Chúng ta cho rằng quyền cá nhân, sự riêng tư, quyền được mang vũ khí, quyền tự do ngôn luận là những vấn đề quan trọng, nhưng chúng ta lại không muốn sống gần một kẻ khủng bố.
Về phần những người khác thì bạn muốn áp đặt một ít luật lệ. Nếu những người khác được hoàn toàn tự do thì có thể bạn không đạt được mọi thứ bạn muốn. Tự do của họ có thể hạn chế tự do của bạn. Khi các con tàu bị nổ tung ở Madrid và các tòa nhà ở New York chỉ còn là gạch vụn, chúng ta trách CIA để cho bọn khủng bố tự do đi đây đi đó. Chúng ta nghĩ rằng công việc của chính quyền là bảo vệ cho chúng ta khỏi những kẻ gây hại. Nhưng những kẻ gây hại và những kẻ khủng bố lại tự thấy họ là những chiến sĩ của tự do. Trong lúc đó, chúng ta muốn là người đứng đắn về mặt chính trị và là người nắm giữ công lý, cho nên nếu người hàng xóm có vẻ là người dân tộc bị cảnh sát liên bang bắt quả tang, chúng ta liền phản đối. Đứng đắn về mặt chính trị về những vấn đề quá xa vời với chúng ta thì đặc biệt dễ dàng. Đằng nào thì cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự đứng đắn về chính trị của chính chúng ta. Nếu chúng ta nghiêm túc nhằm đạt giác ngộ, chúng ta cần có sức mạnh để từ bỏ những thứ quan trọng với mình, và chúng ta cần nhiều can đảm để bước đi một mình trên đường. Những ai không truy tìm danh lợi, những ai không lẩn tránh phê bác và thua thiệt thì có thể bị chê bai là bất bình thường hoặc thậm chí là mất trí.
Khi được quan sát dưới quan điểm đời thường, các bậc giác ngộ có vẻ như mất trí vì họ không toan tính, họ không thể bị cám dỗ hay dao động vì sự sở hữu vật chất, họ không buồn nản, họ không cầu tìm những xúc cảm, họ không thẹn thùng vì thua thiệt, họ không phù hợp với nghi thức xã giao, họ không bao giờ dùng sự đạo đức giả để kiếm chác cho mình, họ không bao giờ làm những gì để gây ấn tượng với mọi người, và họ không phô diễn tài năng chỉ vì muốn gây ấn tượng. Nhưng nếu vì gây lợi lạc cho những người khác, các bậc thánh này sẽ làm mọi thứ cần thiết từ sự sở hữu các phép tắc ăn uống toàn hảo đến việc lãnh đạo một công ty thuộc Fortune 5001. Trong 2.500 năm lịch sử Phật giáo, có thể đã có vô số vị giác ngộ đã không được nhận biết hoặc bị tẩy chay vì mất trí. Rất ít vị được ghi nhận vì sở đắc cái mà ta gọi là “trí tuệ phóng cuồng”. Nhưng khi chúng ta nghĩ về điều ấy, chúng ta lại là những kẻ thực sự mất trí, lăn lóc cầu tìm sự khen ngợi vốn như tiếng dội, mải bực bội vì bị phê bác, và nắm níu vào hạnh phúc.
Hãy quên chuyện vượt ngoài thời gian và không gian; ngay cả chuyện vượt ngoài sự khen và chê hình như cũng đã quá tầm tay. Nhưng khi ta bắt đầu hiểu, không những chỉ bằng trí óc mà cả bằng cảm xúc, rằng tất cả các sự vật hữu vi là vô thường thì sự chấp trước của ta giảm bớt đi. Niềm tin rằng những tư tưởng và những sở hữu của ta là có giá trị, quan trọng và thường hằng bắt đầu mềm yếu đi. Nếu ta được báo cho biết rằng ta sẽ lìa đời sau hai ngày nữa thì những hành động của ta sẽ thay đổi. Ta sẽ không bận bịu với việc đặt những chiếc giày cho ngay ngắn, ủi thẳng đồ lót, hay dự trữ các thứ nước hoa đắt tiền. Có thể ta vẫn đi mua sắm nhưng với một thái độ mới. Nếu ta biết, dù chỉ một chút thôi, rằng những khái niệm, cảm giác và đối tượng quen thuộc của ta hiện hữu chỉ như một giấc mộng, chúng ta triển khai một ý nghĩa hài hước tốt hơn nhiều. Sự nhận biết tính hài hước trong tình trạng của ta sẽ ngăn ta khổ đau. Chúng ta vẫn trải nghiệm các cảm thọ, nhưng chúng không còn bày trò mánh khóe hay che mắt ta nữa. Chúng ta vẫn có thể yêu thương mà không sợ bị từ chối. Chúng ta vẫn dùng nước hoa và kem bôi mặt tốt nhất thay vì cất giữ chúng dành cho dịp đặc biệt. Thế đấy, mỗi ngày trở thành một ngày đặc biệt.
Các phẩm chất của Đức Phật thì không thể diễn tả được, chúng giống như bầu trời có không gian vô tận. Ngôn ngữ và các năng lực phân tích của chúng ta chỉ có thể đi xa ngang bằng quan niệm về vũ trụ. Ở một mức độ nào đó, một con chim bay càng lúc càng cao để tìm chỗ tận cùng của bầu trời sẽ đạt đến giới hạn của nó và phải quay về trái đất.
Ẩn dụ tốt nhất về kinh nghiệm của chúng ta trên đời này là một giấc mơ hùng tráng gồm có một số mẩu truyện xoắn xuýt phức tạp, những thăng trầm, những bi thương và bồi hồi. Nếu một đoạn của giấc mơ có đầy cả quỷ và quái vật, chúng ta hy vọng được chạy thoát. Khi mở mắt ra nhìn thấy quạt máy quay trên trần nhà, chúng ta được giải tỏa. Nếu muốn thông báo, chúng ta sẽ nói: “Tôi mơ thấy con quỷ đuổi theo tôi” và chúng ta cảm thấy nhẹ người hơn khi thoát khỏi móng vuốt của con quỷ. Nhưng không phải con quỷ đã bỏ đi. Suốt đêm con quỷ không bao giờ vào phòng của bạn, và trong khi bạn đang có sự trải nghiệm hãi hùng đó, nó cũng không ở đó. Khi bạn tỉnh giác, bạn chưa từng là một chúng sinh hữu tình, bạn chưa từng đấu tranh. Từ đó trở đi, bạn không phải dè chừng sự trở lại của con quỷ. Khi bạn đạt giác ngộ, bạn không thể nhớ lại khi bạn là một chúng sinh vô minh. Không còn cần đến thiền định nữa. Chẳng có gì để nhớ, vì bạn chưa bao giờ quên gì cả.
Như Đức Phật đã dạy trong kinh Bát nhã Ba la mật đa (Prajnaparamita Sutra), tất cả các hiện tượng giống như một giấc mộng và một ảo ảnh. Và nếu có gì đó tuyệt vời hơn, lớn lao hơn giác ngộ thì đấy cũng giống như một giấc mộng và một ảo ảnh. Đệ tử của Đức Phật Đại sĩ Long Thọ (Nagarjuna) viết: Đức Phật đã không tuyên bố rằng sau khi lìa bỏ luân hồi thì có Niết bàn . Sự không có luân hồi là Niết bàn . Một con dao trở nên sắc bén là kết quả của hai sự hao mòn – sự hao mòn của đá mài và sự hao mòn của kim loại. Cũng vậy, giác ngộ là kết quả của sự hao mòn của các ô nhiễm (lậu hoặc) và sự hao mòn của sự chống ô nhiễm. Nếu bạn vẫn là một Phật tử tự làm ô nhiễm mình, bạn chưa phải là một vị Phật.