CÁCH THỨC ĐỐI TRỊ SỰ CĂNG THẲNG - STRESS
“Mọi phiền não khổ đau đều xuất phát từ tâm vị kỷ
Và hạnh phúc an lạc đến từ lòng quảng đại vị tha.”
~ Đức Shantideva
Căng thẳng (stress) là một trong những chướng ngại lớn của cuộc sống. Đó là một vấn đề hệ trọng phổ biến và cũng là tác nhân của những mê lầm. Vì thế, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của stress, tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình lại mắc kẹt trong vòng xoáy của những hiểu lầm và bận rộn vô nghĩa này.
Một số bạn hữu nói với tôi rằng họ đang bị stress vì khủng hoảng kinh tế, vì công việc kinh doanh, vì gia đình và rất nhiều thứ khác,… Vì tò mò, tôi đã tra từ điển để xem cách giải thích về stress của các học giả hiện đại và đã tìm được định nghĩa sau: “Stress là hệ quả của sự thất bại trong việc thích nghi với thay đổi.” Tôi nghĩ rằng, trong một chừng mực nào đó, họ đã nói đúng.
Stress là hậu quả của sự cứng nhắc và không biết chấp nhận thực tế. Nói cách khác, chính những bám chấp mạnh mẽ vào một điều gì, vào cách làm hay suy nghĩ nào đó, chính sự bám chấp vào kỳ vọng và kết quả là nguyên nhân gây ra stress.
Khi mong chờ quá nhiều, chúng ta cũng lo sợ rằng kỳ vọng của ta sẽ không trở thành hiện thực, mọi thứ sẽ không diễn ra như kế hoạch, như ta mong muốn. Và thế là ta bị stress.
Ngày nay, rất nhiều người đến than vãn với tôi rằng họ cảm thấy kiệt sức và không thể có được một giấc ngủ ngon. Tâm chúng ta vọng động như những con thú hoang, xoay vần với những ý nghĩ, dự định, hết thời hạn này đến hạn chót khác. Vì thế, mặc dù không phải vận động thể chất quá nhiều, nhưng chúng ta lại vắt kiệt đầu óc và tự chuốc lấy stress một cách vô ích. Thậm chí chúng ta bị stress ngay trong giấc mơ. Chúng ta bồn chồn không yên gần như suốt ngày mà không hề biết rằng ta đang tự hủy hoại chính mình. Tôi nghĩ rằng, ở một mức độ nào đó, điều này hoàn toàn trái ngược với sự tự tin. Đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy bất ổn và stress. Cuộc sống thực sự đang cuốn phăng chúng ta đi, ta không biết cách làm thế nào để dừng hay chậm lại dù chỉ trong giây lát.
Đôi khi tôi cũng lo lắng khi nghĩ về điều này. Một trong những người bạn của tôi đã bật khóc khi nói rằng mặc dù rất thành công trong công việc kinh doanh nhưng ông cũng rất mệt mỏi khi phải luôn cố gắng để không bị tụt hậu. Mặc dù đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng ông vẫn phải làm việc ngày đêm để duy trì sự giàu có ấy. Tôi đoán rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp, ông hẳn đã nghĩ rằng, “Khi nào kiếm được một triệu đôla mình sẽ rất hài lòng”, nhưng bây giờ khi đã đạt được mục tiêu này, ông lại đặt ra mục tiêu cao hơn và tự gây stress cho bản thân. Vì thế, lúc nào ông cũng căng thẳng và không có được giây phút bình an. Để cuối cùng, ông đến gặp tôi trong nước mắt và bế tắc cùng cực, không biết phải làm gì để xả bỏ được gánh nặng này.
Chúng ta cũng thường mắc kẹt trong các mối quan hệ theo cách như vậy. Một người bạn cũ kể với tôi rằng lúc cưới chồng cách đây vài năm, cô những tưởng ước mơ của mình đã thành hiện thực, nhưng giờ đây họ đang ly thân vì không chịu đựng nổi nhau nữa. Vấn đề cả hai người bạn này gặp phải là họ đã nhầm lẫn những thứ bên ngoài, như tiền bạc hay một người bạn đời tốt là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc. Đó là lý do tôi thường nhiều lần đề cập đến việc chấp nhận và buông xả mọi kỳ vọng, thay vào đó hãy biết tri ân những gì ta đang có ở đây, ngay lúc này. Nếu tiếp tục tìm kiếm giải pháp ở đâu đó ngoài kia, bạn sẽ không bao giờ loại bỏ được stress. Nhưng nếu bước đi với sự tỉnh thức, hoan hỷ, với trái tim bao dung độ lượng, bạn sẽ có trải nghiệm hạnh phúc và để lại sau lưng tất cả lo lắng muộn phiền.
“Trong khi kẻ khác khổ sở theo đuổi tham vọng vô độ và ảo tưởng quyền lực nhất thời, tôi thả mình trong bóng râm và ca hát”
~ Fray Luis de Leon
Tôi sẽ làm gì với cuộc đời mình?
Có khi nào bạn đặt câu hỏi này cho bản thân? Trả lời câu hỏi này chính là cơ hội hiếm có và cũng là dấu hiệu nhận biết đã đến lúc bạn phải thay đổi. Tất cả chúng ta, kể cả tôi đều nên dành thời gian để trở thành những “chú rùa”. Hãy thử đi chuyến tàu chậm, hãy sống chậm lại và thong thả chiếu soi. Khi đó, mọi thứ sẽ được soi sáng, cuộc sống sẽ hiện ra như một bức tranh với những chi tiết sống động mà trước đây bạn chưa từng để ý, lòng bạn sẽ ngập tràn niềm tri ân. Ngay cả nếu đối diện nghịch cảnh, bạn cũng không nản lòng bởi vì chúng ta đã học được cách biết ơn chính những khó khăn hay chướng ngại. Bạn có đồng ý rằng mỗi khi đi chậm lại, ta sẽ nhìn mọi thứ rõ ràng và sống động hơn không?
Khi tôi gạn hỏi lý do vì sao lại không tinh tấn tu tập hàng ngày, một số đệ tử thưa lại với tôi rằng họ không có đủ thời gian. Có người thậm chí cho rằng vì không phải lo kinh doanh hay vật lộn mưu sinh nên tôi không bị stress cũng như không thể hiểu rắc rối của họ. Nếu họ biết tôi đang phải chăm lo cho bao nhiêu con người, cho bao nhiêu em bé, người ốm đau và bao nhiêu cơ sở tự viện, có lẽ họ sẽ nhận ra tôi hiểu rõ về stress hơn ai hết.
Tôi còn nhớ khi lên kế hoạch xây dựng trường học cho ni chúng, một ở Ladakh và một ở Nepal, tôi đã băn khoăn rất nhiều. Tôi ngồi cả ngày tính toán và lo nghĩ. Đến cuối ngày tôi đã nhận ra mình đã uổng phí một ngày lo lắng mà chẳng đạt được kết quả gì. Quả thực stress là tác nhân gây lãng phí thời gian, đồng thời bóp chết sức sáng tạo và tiềm năng trong ta. Tôi khuyên đệ tử của mình thay vì mất thì giờ lo lắng hãy quay trở lại việc thực hành tu tập. Khi tâm bị mắc kẹt trong stress, do dự và cảm thấy không lối thoát, bạn hãy biết dành một chút thời gian để thiền định và thư giãn. Bạn nên nhắc mình về ý nghĩa của vô thường và trân quý sự sống. Được như vậy, thậm chí khi mọi việc trở nên tồi tệ, bạn vẫn giữ được thái độ tích cực và không sợ hãi. Hạnh phúc luôn bắt nguồn từ sức mạnh đạo tâm chứ không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.
Tôi luôn hi vọng đạo hữu cũng như đệ tử của tôi sẽ tiếp tục tinh tấn thực hành bởi đó chính là cốt tủy của cuộc sống và chân hạnh phúc. Thiếu sự hiểu biết này, chúng ta rất dễ quỵ ngã trước những thăng trầm biến dịch đường đời. Ngược lại, sự tinh tấn thực hành sẽ giúp ta giữ vững niềm tin để tiếp tục tiến bước.
Chúng ta bị stress vì mắc kẹt trong khuôn mẫu
Nếu trong cuộc sống, chúng ta cứ luôn bị gò bó bởi những lề thói bảo thủ liên quan đến truyền thống, tập tục, nghi lễ, văn hóa, hay những tiêu chuẩn bất hợp lý do chính mình tạo ra, chúng ta sẽ bị stress. Nếu không tuân theo những quy ước ấy, ta có cảm giác mình sẽ gặp rắc rối, và bị “gắn nhãn” là kẻ gây rối. Rất nhiều căng thẳng của chúng ta bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Tất nhiên, chúng ta vẫn cần những quy củ nhất định. Bản thân giáo lý nhà Phật cũng chứa đựng những nền tảng và nguyên tắc với mục đích trở thành điểm tựa giúp đỡ hành giả trên đường tu tập. Nhưng mặt khác, Phật giáo cũng khuyến khích chúng ta tự giải thoát mình khỏi bó buộc của khuôn mẫu để giảm thiểu stress và tiêu trừ vô minh. Việc phải luôn cố gắng giống ai đó hoặc hành động theo những công thức định sẵn sẽ khiến chúng ta sớm trở nên mệt mỏi và căng thẳng. Bên ngoài bạn cố tỏ ra điềm tĩnh nhưng bên trong bạn lại thấy mình bế tắc và rối bời... Bạn muốn mọi người và ngay cả bản thân mình phải hành xử theo cách này hay cách khác, và dễ dàng sân giận khi mọi việc không diễn ra như ý. Chúng ta cầu toàn, bám chặt vào những định kiến, mong đợi, sợ hãi, nhưng rốt cuộc làm sao mọi thứ trên đời này đều có thể hoàn hảo? Điều này cũng giống như chẳng có gì hoàn toàn sai trái, tất cả đều hình thành từ ý kiến chủ quan của chính chúng ta. Vậy việc gì phải sợ hãi lo âu, chỉ cần gắng hết mình là đủ!
“Hãy xả bỏ tâm được mất hơn thua và ta sẽ được an vui”
~ Đức Phật