CHƯƠNG 2: ÂN HƯỞNG VẺ ĐẸP CỦA CUỘC SỐNG
Tất cả chúng ta đều đến từ thiên nhiên và là một phần của thiên nhiên. Ý tôi muốn nói: Chúng ta chính là thiên nhiên! Ngay khi thưởng thức một tách trà, bạn cũng đang hấp thụ dưỡng chất và hương thơm thiên nhiên hòa trong từng búp trà, dù được trồng nghìn dặm cách xa hay được hái ngay sau vườn nhà. Thiên nhiên có vô số cách nhắc nhở ta về cuộc sống nhiệm màu, giúp ta hân hưởng hạnh phúc giản dị và chân thật qua sự tiếp xúc của các giác quan. Bất cứ khi nào thấy cuộc sống ngột ngạt, bạn hãy bước ra và hòa mình với thiên nhiên để thư giãn tâm mình và ngắm nhìn cuộc sống dưới sắc màu tươi mới và chân thật.
Thiên nhiên không nuối tiếc quá khứ hay chạy đua với tương lai mà đơn giản vận hành theo chu kỳ ngày qua đêm đến, mọi thứ đều liên quan và nương vào nhau cùng phát triển. Ngay cả khi phải sống ở những thành phố lớn, nếu biết dành thời gian quan sát và thưởng ngoạn những con đường, góc phố, hàng cây, bạn cũng sẽ nhận ra nhiều điều ngạc nhiên và thú vị.
Cảm nhận vẻ đẹp trên chặng đường đã qua là cách chúng ta tri ân cuộc sống. Càng năng quan sát, ta càng thấy nhiều nguồn cảm hứng và hiểu ra nhu cầu thực sự của mình. Quan sát thiên nhiên có khả năng kéo ta về với thực tại, gạt bỏ ưu phiền tạp niệm để trở về với tự tính chân thật của mình. Đôi khi có người đặt ra cho tôi những câu hỏi lạ lùng như: “Tại sao Ngài thích tổ chức những chuyến bộ hành vất vả như vậy?”. Lúc đó, tôi chỉ biết mỉm cười. Nhiều thế kỷ trước, loài người chưa phát minh ra các loại máy móc hiện đại làm cho cuộc sống tiện nghi hơn. Nhưng thử nghĩ xem những tiện nghi này có ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Thân thể chúng ta quả có nhàn nhã hơn. Bất cứ khi nào xem lại những bức ảnh ngày xưa khi con người đi bộ trên đường bụi đất, hoặc làm việc gì đó nặng nhọc như giặt quần áo bằng tay, ta cảm thấy mình thật may mắn. Nhưng liệu tâm hồn chúng ta có thực sự thoải mái hơn không? Thực tế thì tâm ta đang ngày càng trở nên hoang dã, bồn chồn, luôn vọng động và để những nỗi bất an xâm chiếm.
Ngày nay, với công nghệ thông tin, chúng ta dành phần lớn thời gian sống trong thế giới ảo và dễ dàng đánh mất sự kết nối giữa mình với thiên nhiên. Chúng ta không thể ngồi yên, lặng im mà không dùng điện thoại hoặc gửi email. Điều này không thể gọi là sự bình an hay thoải mái. Tâm trí ta quay cuồng, như chính những tiện nghi công nghệ hàng ngày, phải hoạt động không ngừng nghỉ, chạy lăng xăng từ nơi này sang nơi khác. Chúng ta khó có thể tập trung vào công việc đang làm hay người nào đó mình đang tiếp cận ở ngay khoảng khắc hiện tại.
Thuật ngữ “ảo” là một sự mô tả hoàn hảo, vì thế giới công nghệ hiện đại cũng là thế giới của ảo tưởng, nó không phải là thế giới thật. Một số người bạn của tôi còn trồng cây ảo, nuôi thú ảo, nghe thì rất hay nhưng chúng ta cũng nên biết rằng việc này khá nguy hiểm. Tôi biết những người có hàng ngàn “bạn bè” mà họ chưa từng gặp mặt. Chúng ta phải làm chủ của công nghệ chứ đừng để công nghệ điều khiển và chi phối mình. Chúng ta cần cẩn trọng và giác tỉnh!
Hòa Mình Vào Thiên Nhiên
Giây phút tới nơi làm việc hoặc trở về nhà, việc đầu tiên bạn làm là điều gì? Bạn có kết nối với mọi thứ xung quanh, có ra vườn đón những cơn gió nhẹ mà thiên nhiên ban tặng, hít căng bầu không khí thoáng đãng rồi cảm nhận vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá và bầu trời trong xanh? Hay bạn chỉ lập tức nhảy bổ tới máy tính hoặc điện thoại để kiểm tra xem mình có thư điện tử hay tin nhắn mới? Nếu sống ở thành thị, bạn dễ bỏ lỡ thời khắc giao mùa, nhưng chỉ cần dành ít thời gian quán sát, bức tranh thiên nhiên sinh động sẽ hiện ra: đủ màu lá, không kể hết hương thơm của đất trời sau cơn mưa, ánh nắng rạng ngời trước thềm nhà. Nếu có thể sống chậm lại để kết nối với thiên nhiên, bạn sẽ thấy mình trở nên dễ hòa đồng, thêm kiên nhẫn, nhún nhường. Bước chân tới nơi làm việc hoặc trở về nhà của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, bạn đem theo mình năng lượng của thiên nhiên thay vì những kế hoạch và lo âu. Thiên nhiên đưa ta trở về với hiện tại, giúp ta nhận ra cuộc sống này vốn luôn tươi đẹp.
Tiếp xúc với thiên nhiên là phương thức tuyệt vời để giúp bạn cân bằng với tác hại của đời sống hiện đại. Đó là lý do tại sao tôi lại tổ chức những chuyến bộ hành. Như tôi đã nói “Pad” có nghĩa là “chân” và “Yatra” có nghĩa là “hành trình”. Tôi yêu thuật ngữ này vì nó có ý nghĩa sâu sắc trong việc đưa ta trở về với chính mình. Một trong những lý do chính của việc hành hương là để liên hệ với tự tính giác ngộ có sẵn nơi tâm, qua việc quán chiếu sự hùng vĩ của thiên nhiên trên bước hành trình. Thiền hành như vậy cũng là cách để chúng ta thư giãn tâm vọng động. Xe cộ đưa ta tới những chân trời xa, còn bước chân trên đất mẹ lại giúp ta trở về ngôi nhà tâm linh của mình. Ngay lúc này, hãy thưởng thức cảnh đẹp mà không phải bận tâm tư duy phân tích. Bước lên triền núi, hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng thác đổ, hít thở không khí trong lành, mỉm cười với chính mình và bạn đồng hành,… tôi cho rằng đó là một phần tuyệt vời của cuộc sống.
Tuần trước tôi dẫn toàn bộ Tăng đoàn của mình gồm hàng trăm người đi hành hương tới Gokarna, một vùng núi cao thuộc thung lũng Kathmadu. Đó là một cách thực hành thiền định để mang thân và tâm ta gần lại với nhau, một hình thức tu tập tích cực. Và chúng tôi cũng nhặt rất nhiều rác thải dọc đường đi. Chắc hẳn bạn nghĩ rằng những con đường núi sạch sẽ và bình yên lắm nhưng thực ra không phải như vậy. Thật đáng buồn khi người ta không biết tri ân thiên nhiên xung quanh. Chúng tôi đã gom được rất nhiều vỏ hộp, bao bì, chai nước nhựa và nhiều loại rác thải không thể phân hủy. Tôi đã bị sốc. Nếu tâm trí con người không thay đổi và tất cả chúng ta không chịu học hỏi nâng cao nhận thức, môi trường của chúng ta sẽ không bao giờ trong sạch. Tôi nghĩ chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là công tác giáo dục, để góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp, xanh tươi và hạnh phúc hơn.
Nhân dịp này, tôi cũng khuyến khích những người sống trong các ngôi làng mà chúng tôi đi qua không sử dụng những loại chén, đĩa, chai lọ dùng một lần và tôi cũng khuyên họ không nên tiếp tục cúng dàng cho tôi những thực phẩm và đồ uống đóng hộp nữa. Những đồ dùng này có thể gây hại cho sức khỏe và đó cũng chính là những nguồn rác thải. Tôi rất hoan hỷ khi được cúng dàng trà truyền thống, bánh Tsampa và thực phẩm địa phương. Các thực phẩm này vốn nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường. Một trong những sứ mệnh lớn của cuộc hành hương là khuyến khích những người dân địa phương trân trọng văn hóa và nét đẹp của riêng họ, trong đó có cả nghệ thuật ẩm thực.
Từ Phanjila tới Hemis chúng tôi thu nhặt được khoảng 60.000 chai nhựa, 10.000 vỏ kẹo cao su và vỏ bao thuốc lá và 5.000 vỏ lon. Tôi không thể tin nổi vào mắt mình. Nếu một nơi hẻo lánh như thế này mà còn chứa chừng ấy rác thì ở thành phố lượng rác thải tích tụ mỗi ngày còn lớn tới mức nào?
Tất cả các yếu tố trong thiên nhiên cũng như mọi chúng sinh đều có thể trở thành bạn bè và giúp ích cho ta, nếu chúng ta biết cách tương tác với chúng một cách tích cực, với sự trân trọng và trí tuệ hiểu biết. Điều này cũng giống như với bản chất tự nhiên của con người. Khi quên kết nối với tự tính tâm chân thật, ta sẽ bị mất phương hướng, cảm thấy lạc lối mỗi khi gặp khó khăn. Giống như những người làm vườn chăm bón từng gốc cây và nhành hoa, chúng ta cũng phải chăm sóc khu vườn tâm để vẻ đẹp của nó được hiển lộ, lan tỏa và đem lại lợi lạc cho mọi người.
Mặc dù sức khỏe mẹ tôi rất yếu kể từ khi sinh tôi, tâm bà luôn bình an, bà không kêu ca phàn nàn, luôn mỉm cười và quan tâm chăm sóc người khác. Vật nuôi, hoa, cây trái và trẻ con là những người bạn thân thiết của bà. Mọi cây trái mẹ tôi trồng đều xanh tốt, có khi bà chỉ chiết lấy một cành từ thân cây già yếu và trồng xuống, nó cũng đâm chồi nảy lộc. Tôi ước mong chúng ta ai cũng trưởng dưỡng tình yêu chân thành và sự hiểu biết làm hành trang cho cuộc đời. Khi đó, chúng ta sẽ tìm được lối thoát cho dù phải đương đầu với bất cứ khó khăn thử thách nào. Hãy cùng thực hành và tất cả chúng ta đều có thể trưởng dưỡng những phẩm chất này!.
Tôi tin rằng làm vườn là một công việc tuyệt vời, không phải vì tôi yêu cây cối mà còn vì thông qua việc làm vườn, chúng ta sẽ học được cách tri ân thiên nhiên. Tôi biết nhiều sư ni cũng yêu thích công việc này. Khi chúng tôi trồng cây bài trí khu tượng Phật tại Tự viện Druk Amitabha, tôi thấy họ rất thích thú dù việc đó nặng nhọc. Tất cả chúng tôi khi ấy đều phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, làm việc dưới cái nóng thiêu đốt nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ hạnh phúc. Trong khi làm vườn, chúng tôi đã cố gắng hết sức để không sát sinh bất cứ côn trùng nào và tôi rất vui vì điều này. Nếu làm việc cẩu thả hoặc chỉ chăm chăm lo cho vẻ đẹp riêng của khu vườn, ta sẽ lấy đi sự sống của rất nhiều loài khác. Nhìn bề ngoài, chúng ta có vẻ như làm đẹp cho thế giới, nhưng đối với những chúng sinh nhỏ bé kia, đó lại là thảm họa, như một trận động đất vậy. Vì thế, hãy biết lưu tâm để mọi công việc của mình thực sự hài hòa với thiên nhiên bạn nhé!
Thiên nhiên giúp ta trở về cội nguồn của chính mình đồng thời hiểu rằng tất cả chúng ta đều có mối liên hệ gắn kết với nhau. Nhân loại đang chứng kiến hệ quả các hành động của mình đối với thiên nhiên. Chúng ta vừa chạy đua vừa tàn phá, thỏa mãn tham vọng và nhu cầu của mình bằng cách lạm dụng và ngược đãi tài nguyên thiên nhiên. Nếu không chịu ngưng lại một chút để hít thở sâu và quán chiếu những gì đang xảy ra xung quanh, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục cắm cúi mải miết trong mù quáng. Nếu không trân trọng thiên nhiên, làm sao ta có thể tôn trọng chính mình? Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rất nhiều về tầm quan trọng của hệ sinh thái, về mối liên hệ sâu sắc giữa cách chúng ta đối xử với thiên nhiên và việc chăm sóc bản thân. Khoảnh khắc dừng lại ngắm nhìn vạn vật chính là lúc bạn bắt đầu biết quan tâm tới cuộc sống của mình và mọi người.
“Lắng nghe tiếng nói con tim
Làm điều chân thật từ tâm của mình”
• Đức Phật