KIÊN NHẪN ĐỐI DIỆN MỌI THỬ THÁCH
Thực tập kiên nhẫn là cánh cửa dẫn đến giác ngộ. Lòng kiên nhẫn như không khí cho ta dễ thở hơn và giúp tư duy của chúng ta thêm khoáng đạt. Kiên nhẫn giúp chúng ta dễ tìm ra tiếng nói chung và chấp nhận thực tế. Mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều khi ta biết nhẫn nhịn. Ngược lại, thiếu sự kiên nhẫn, bạn tự nhốt mình trong không gian ngột ngạt tù túng, tạo điều kiện cho tham vọng và giận dữ sai khiến mình. Nhăn nhó, bực tức chẳng giúp ích gì ngoài việc khiến cho cuộc sống ta thêm mệt mỏi!
“Hãy hòa nhịp với quy luật của thiên nhiên: bí mật của thiên nhiên chính là sự kiên nhẫn”
~ Ralph Waldo Emerson
Cuộc sống sẽ trở nên giàu ý nghĩa khi bạn biết kiên nhẫn và có tấm lòng bao dung độ lượng. Tuy vậy, không dễ dàng để có được những đức tính ấy. Đó là lý do tại sao cuộc sống của chúng ta đôi khi ọp ẹp như chiếc bàn cũ kỹ. Trước đây, tôi từng có một chiếc bàn ăn kiểu Anh xưa cũ đến nỗi mỗi khi lại gần nó lung lay và kêu cọt kẹt. Bạn không dám đặt lên vật nặng gì vì e ngại rằng nó sẽ bị sập. Cuộc sống không có lòng kiên nhẫn và bao dung cũng gần giống như vậy, rất mong manh và dễ sụp đổ. Lòng kiên nhẫn chính là nền tảng vững chắc của cuộc sống, giúp bạn có được lòng quả cảm và có khả năng đối diện mọi thử thách khổ đau.
Khi chúng ta đau khổ, đức kiên nhẫn tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh. Ta sẽ không đầu hàng, tuyệt vọng để vững tâm kiên trì hành thiện. Ta cảm thông với những người khác cũng đang trải qua khổ đau như mình và hướng lòng bi mẫn tới họ với tâm nguyện họ sẽ cùng vượt qua nỗi đau.
Chữ nhẫn cực kỳ cần thiết, ngay cả khi bạn đang vui vẻ, vì khi đó ta rất dễ bị cảm xúc cuốn trôi. Hoặc bạn sẽ tự cao tự mãn, hoặc không tự bằng lòng biết đủ mà tham lam và muốn nhiều hơn nữa. Nếu bạn là người giàu nhất làng, bạn hợm mình và xem thường người khác. Nếu bạn luôn tự hào về sắc đẹp của mình, khi xuất hiện vài chiếc mụn hay nếp nhăn, bạn sẽ rất khổ sở. Có lúc bạn lại ghen tỵ với người giỏi hơn mình. Khi biết nhẫn thì hạnh phúc, sức khỏe hay giàu có không làm bạn khởi tâm kiêu ngạo vì bạn biết rằng vạn pháp đều vô thường. Thay vì hợm hĩnh coi thường người khác, bạn biết tri ân những nghiệp lành của mình.
“Đại nhẫn nhục chính là đức khiêm nhường. Đại thiền định là tâm không thủ xả. Đại trí tuệ là khả năng nhìn thấu suốt bản chất thế giới hiện tượng vượt lên trên mọi sắc tướng bên ngoài”
~ Đức Atisha
Thực hành nhẫn nhục không hề đơn giản đối với hành giả bắt đầu tu tập. Nhẫn và bao dung đòi hỏi thấu hiểu và trí tuệ. Thật khó để có cái nhìn độ lượng đối với những gì đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức của mình, những điều chúng ta thường cho là đúng, sai, tốt, xấu,… Khi thấy ai đấy đã hành xử sai trái, bạn cảm thấy rất khó chịu vì luôn muốn mọi thứ và người khác phải “vừa vặn” với thế giới quan của mình. Mặc dù về bản chất và hoàn cảnh chúng ta rất tương đồng nhưng hầu hết mọi người đều chấp thủ và khước từ sự cảm thông chia sẻ. Hãy thử suy ngẫm liệu chúng ta có lý do để tự cao tự đại? Rốt cuộc, chúng ta hoàn toàn không biết điều gì sẽ xảy ra trong phút giây kế tiếp, tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra!
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ta sẽ phó thác cho số phận, mặc kệ để người khác chà đạp và lạm dụng. Thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn là với lòng kiên nhẫn, bạn sẽ trưởng thành hơn trong khi vẫn giữ được lòng quả cảm, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh. Khó khăn không trói buộc được bạn. Bạn sẽ thôi than vãn “Tại sao lại là tôi?” và ngừng lo sợ những điều tồi tệ gì sẽ đến ngày mai. Thay vào đó, bạn sẽ tập trung tìm kiếm giải pháp làm thế nào để tiến bộ hơn. Tất nhiên, không hề dễ dàng nhưng hãy bắt đầu bằng cách trưởng dưỡng lòng từ bi, rồi bạn sẽ làm được.
Ví dụ, nếu ai đó cư xử không tốt với bạn thì thái độ này hẳn phải có nguyên do nào đó. Bạn nên tìm hiểu con người ấy và quán chiếu tại sao anh ta lại khó chịu cáu giận với mình. Có thể anh ta bị dẫn dắt bởi những tri kiến sai lầm, có thể anh ta chưa hiểu bạn, hoặc cũng có thể bạn đã làm điều gì đó khiến anh ta phật lòng. Khi đã hiểu nguyên nhân, những cảm xúc nóng giận trong bạn sẽ bị chặn đứng. Thậm chí nếu anh ta hành xử rất tệ đi nữa thì đơn giản bạn chỉ cần tránh không phan duyên, không để mình tiếp tục dính mắc vào đối tượng, tình cảnh và xúc tình tiêu cực.
Bạn cũng cần thành thật với chính mình. Khi ai đó nói xấu hoặc thêu dệt đồn đại những chuyện phiếm về bạn, xin đừng mất công tủi thân mà hãy buông bỏ để bình thản bước tiếp. Nếu câu chuyện họ kể có một phần sự thật, bạn hãy quán chiếu nhìn lại bản thân để hoàn thiện mình hơn, nhưng sau đó phải biết xả bỏ những tiếc nuối ân hận. Biết để lại quá khứ sau lưng chính là cách thức hiệu quả để thực hành hạnh kiên nhẫn và xả ly trên con đường đạo.
“Nơi tận cùng của đức kiên nhẫn chính là thiên đường”
~ Chân ngôn Tây Tạng