CHÚ THÍCH - THUẬT NGỮ
CHÚ THÍCH
1/ Các giáo lý “Làm An dịu Đau khổ” (zhi byed) được Padampa Sangye (Pa dam pa sangs rgyas, mất năm 1117) đưa vào Tây Tạng. Các giáo lý này được dựa trên Prajnaparamita, “Sự Toàn thiện của Trí tuệ Siêu việt – Kinh Bát Nhã Ba La Mật). Kết hợp với các giáo lý này là các thực hành chö (gcod), là thực hành được yogini vĩ đại Machig Labdron (ma gcig lab sgron, 1055-1153) giới thiệu cho xứ Tây Tạng. Thuật ngữ gcod có nghĩa là “cắt đứt.” Thực hành này nhằm cắt đứt niềm tin vào thực tại của bản ngã và của các hiện tượng, cũng như mọi hình thức tham luyến khác. Một phương diện của thực hành bao gồm việc quán tưởng sự cúng dường thân thể ta cho bốn vị “khách” (mgron po bzhi), đó là (1) Tam Bảo, chư Phật, và các Bồ Tát, là những bậc xứng đáng được ta tin tưởng và tôn kính; (2) các vị bảo hộ của giáo lý, là những vị có những phẩm tính tuyệt hảo; (3) tất cả các sinh loài đáng nhận lòng bi mẫn của ta; và (4) các tinh linh và thế lực tiêu cực mà ta có những món nợ nghiệp. Điều này ám chỉ Tám Cỗ Xe của các Dòng Thực hành (Tây Tạng. sgrub brgyud shing rta brgyad): Nyingma, Kadam, Sakya, Kagyu, Shangpa Kagyu, ZhiChey và Chod, Kalachakra hay Jordug, và Orgyen Nyengyu.
2/ Hình ảnh này đến từ cách sống của những người du cư Tây Tạng, họ làm bơ và giữ gìn nó trong những bình chứa làm bằng da cừu. Vì thế có thể tìm thấy những sợi lông cừu ở trong bơ, nhưng khi rút một sợi lông ra, nó không kéo theo chút bơ nào và để lại một khoảng trống ở chỗ của nó trên tảng bơ.
3/ Những lời chân lý là những trình bày súc tích và mạnh mẽ về những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo, chẳng hạn như:
“Tuyệt đối không phạm ác hạnh,
Thực hành hoàn hảo thiện hạnh,
Hoàn toàn điều phục tâm con:
Đó là lời Phật dạy.”
“Mọi sự đều phù du
Mọi tham muốn đều khổ đau,
Mọi hiện tượng không thực có,
Chỉ niết bàn là siêu vượt đau khổ.”
4/ Những lễ cúng dường torma nước (chu gtor) và những lễ cúng dường thiêu đốt (gsur) được thực hiện cho bốn “vị khác” (xem chú thích 1). Các torma nước được làm bằng nước tinh khiết, trộn với sữa và những cục bột. Lễ cúng dường khói từ thực phẩm được đốt được thực hiện bằng cách đốt bột trộn với “ba thực phẩm trắng” (sữa, bơ, và phó mát), và “ba thực phẩm ngọt (đường, mật ong, và mật đường,) cũng như những chất liệu được gia trì. Những món cúng dường này được kèm theo bởi một sự quán tưởng Đức Quán Thế Âm, vị Phật của lòng Bi mẫn, trong thân tướng của Kasarpani, và sự trì tụng thần chú OM MANI PADME HUM HRI của ngài. Có nhiều phương diện của Đức Quán Thế Âm, và Kasarpani là một phương diện thông thường trong các tantra kriya. Theo cách nhìn của Kinh điển Đại Thừa, Đức Quán Thế Âm thường được coi là một trong “tám Bồ Tát” là những vị kế thừa tâm linh thân thiết của Đức Phật. Theo cách nhìn của các tantra (Mật điển), ngài là một Bổn Tôn trí tuệ toàn giác thuộc về gia đình hoa sen (Liên hoa bộ).
5/ Bardo có nghĩa là “trạng thái chuyển tiếp” và thường chỉ rõ thời gian phân cách cái chết với sự tái sinh. Chính xác hơn, sáu bardo được nói đến là:
• Bardo sinh ra và đời sống (skyed gnas bar do),
• Bardo thiền định (bsam gtan bar do),
• Bardo giấc mộng (rmi lam bar do),
• Bardo lúc chết (’chi kha bar do),
• Bardo bản tánh tuyệt đối (chos nyid bar do),
• Bardo tìm kiếm một hiện hữu mới (srid pa bar do).
6/ Xem chú thích 2.
7/ Theo vũ trụ học Phật giáo, Núi Tu Di và bốn lục địa, tám tiểu lục địa, và bảy đại dương bao quanh chúng đặt trên một nền bằng vàng.
8/ Tám mối bận tâm thế tục là được và mất, sướng và khổ, khen và chê, vinh và nhục.
9/ Ba kaya, hay thân, là những phương diện hay chiều kích của Phật tánh, là điều có thể được coi là một, hai, ba, bốn, hay năm thân. Thân đơn nhất là Phật quả. Hai thân là Dharmakaya (Pháp Thân), hay thân tuyệt đối, và rupakaya (Sắc Thân) hay thân hình tướng. Ba thân là Pháp Thân, hay thân tuyệt đối; Báo Thân, hay thân phú bẩm toàn hảo; và Hóa Thân, hay thân hiển lộ. Ba thân sau cùng này tương ứng với tâm, ngữ và thân của vị Phật và tự biểu lộ trong hình thức của năm trí tuệ.
10/ Đời người có thể bị lãng phí trong những theo đuổi vô ích hay có thể được dâng hiến cho tiến trình hướng tới giác ngộ. Một đời người chỉ được coi là quý báu nếu nó được phú bẩm sự tự do thực hành Pháp và những điều kiện cần thiết và thuận lợi khác.
11/ “Thời ngũ trược” (thời đại của năm suy hoại) hay “năm cặn bã” (dus snyigs ma lnga ldan) dịch từ thuật ngữ tiếng là Phạn kaliyuga \. Đó là thời của những cặn bã, khi những gì còn lại là những mảnh vỡ của thời Hoàng Kim viên mãn. Đặc biệt là đặc điểm của thời này là năm suy hoại: suy hoại của thọ mạng, môi trường, những quan điểm siêu hình, năng lực của chúng sinh, và suy hoại của sự đối kháng của họ với những cảm xúc tiêu cực.
12/ Xem Shantideva, The Way of the Bodhisattva(Bồ Tát Hạnh), bản dịch của Nhóm Dịch thuật Padmakara (Boston: Shambhala Publications, 1997)
THUẬT NGỮ
A LA HÁN (TT. dgra bcom pa) Bậc đã chiến thắng những kẻ thù là cảm xúc phiền não và đã chứng ngộ sự không hiện hữu của một ngã cá nhân, và như thế đã vĩnh viễn thoát khỏi đau khổ của SAMSARA (sinh tử). Quả vị A La Hán là mục tiêu của Thanh Văn Thừa, hay HINAYANA, Thừa Nền tảng.
ẢO TƯỞNG (TT. ’khrul pa) Mọi nhận thức bình thường bị bóp méo bởi vô minh.
BA ĐỘC (TT. dug gsum) Ba cảm xúc tiêu cực: tham, sân và si.
BÁM CHẤP, CHẤP GIỮ, THAM LUYẾN (TT. bdag ’dzin) Hai phương diện chính yếu của nó là bám chấp vào thực tại chân thật của bản ngã, và bám chấp vào thực tại của các hiện tượng bên ngoài (ngã chấp và pháp chấp).
BẢN NGÃ, “TÔI” (TT. bdag) Mặc dù thực ra chúng ta là một dòng chuyển hóa không ngừng nghỉ, tương thuộc với chúng sinh khác và toàn thể thế giới, ta tưởng tượng rằng trong chúng ta có sự hiện hữu của một thực thể bất biến xác định tính chất của ta, là cái mà ta phải bảo vệ hay làm hài lòng. Một sự phân tích triệt để về bản ngã này khám phá rằng đó chỉ là một sự xây dựng không có thật trong tâm thức.
BARDO (Từ Tây Tạng có nghĩa là “trạng thái trung gian”) Thuật ngữ này chủ yếu ám chỉ trạng thái giữa cái chết và sự sinh ra tiếp theo sau. Trong thực tế, kinh nghiệm của con người bao gồm sáu loại bardo: bardo đời sống hiện tại, bardo thiền định, bardo giấc mộng, bardo chết, bardo chói ngời của thực tại tối hậu, và bardo trở thành. Ba bardo đầu tiên biểu lộ trong tiến trình của đời sống. Ba bardo sau ám chỉ tiến trình chết và tái sinh, nó kết thúc vào lúc hoài thai, sự bắt đầu của hiện hữu tiếp theo.
BỒ ĐỀ TÂM (TT. byang chub kyi sems; nghĩa đen: “tâm giác ngộ”) Ở bình diện tương đối, Bồ đề tâm là ước muốn đạt được Phật quả vì lợi ích của chúng sinh, cũng như ước muốn chuyên chú vào việc thực hành cần thiết để thành tựu Phật quả: con đường của lòng từ, bi, hay sáu ba la mật (sáu sự toàn thiện siêu việt), và v.v.. Ở bình diện tuyệt đối, đó là nội quán trực tiếp vào bản tánh tối thượng.
BỒ TÁT (TT. byang chub sems dpa) Bậc nhờ lòng bi mẫn, nỗ lực để đạt được sự giác ngộ viên mãn hay Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.
CÁC THỪA, CHÍN CÁCH PHÂN LOẠI (TT. theg pa rim pa dgyu) Ba thừa thuộc về Kinh điển của các vị Thanh Văn, Phật Độc giác và Bồ Tát, tiếp theo là sáu thừa Kriya, Upa, Yoga, Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga tantra. Cũng có thể được tập hợp thành ba thừa: Hinayana (Thanh Văn thừa) bao gồm hai thừa đầu, Mahayana (thừa thứ ba), và Vajrayana (sáu thừa cuối).
CÁC YẾU TỐ PHIỀN NÃO, hay NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC (TT. nyon mongs; Phạn. klesha) Tất cả những sự kiện thuộc về tâm thức được sinh khởi từ sự chấp ngã quấy nhiễu tâm và ngăn che nó. Năm yếu tố phiền não chính yếu, là những yếu tố đôi khi được gọi là “các độc chất trong tâm,” là tham lam, thù ghét (hay sân hận), si mê, ganh tị, và kiêu ngạo. Chúng là các nguyên nhân chính yếu của những đau khổ tức thì và lâu dài.
CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI (TT. kun rdzob bden pa, nghĩa đen: “chân lý hoàn toàn ẩn dấu”) Điều này ám chỉ các hiện tượng theo nghĩa thông thường, là những gì, trên bình diện kinh nghiệm thông thường, được tri giác là thực có và tách lìa tâm và như thế là những gì che dấu bản tánh chân thực của nó.
CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI (TT. don dam bden pa) Bản tánh tối thượng của tâm và tình trạng thực sự của mọi hiện tượng, trạng thái siêu vượt mọi sự tạo tác thuộc về khái niệm, là điều chỉ có thể hiểu được bằng trí tuệ nguyên sơ và trong một cách thế siêu vượt sự nhị nguyên; cách thức các sự việc là, nhìn theo quan điểm của các bậc chứng ngộ.
CHE CHƯỚNG (TT. sgrib pa; Phạn. avarana) Các yếu tố ngăn che PHẬT TÁNH của ta.
CÕI THẤP (TT. ngan song) Các địa ngục, các cõi của ngạ quỷ (các tinh linh đau khổ) và các cõi súc sinh.
CON ĐƯỜNG (TT. lam) Tu tập tâm linh cho phép ta giải thoát bản thân khỏi vòng tròn hiện hữu (xem SAMSARA) và sau đó đạt được trạng thái Phật quả.
CÔNG ĐỨC (TT. bsod nams; Phạn. punya) Năng lực tích cực được phát triển nhờ những hành động tốt lành của thân, ngữ và tâm.
ĐẠI THỪA (TT. theg pa chen po) Đặc điểm của Mahayana (Đại thừa) là cái thấy (kiến) sâu xa về sự trống không của bản ngã và mọi hiện tượng, được kết hợp với lòng bi mẫn phổ quát và khát khao giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ và những nguyên nhân của nó. Để đạt được mục đích này, mục tiêu của Đại thừa là sự thành tựu sự giác ngộ siêu việt của Phật quả, và con đường của nó gồm có sự thực hành sáu paramita (ba la mật).
ĐẠI VIÊN MÃN (TT. rdzogs pa chen po; Phạn. mahasandhi) Tột đỉnh của chín thừa và là quan điểm tối thượng của phái Nyingma. “Viên mãn” có nghĩa là tâm, trong bản tánh của nó, gồm chứa một cách tự nhiên mọi phẩm tính của ba thân: bản tánh của nó là tánh Không, Pháp Thân; biểu lộ tự nhiên của nó là sự quang minh, Báo Thân; và lòng bi mẫn thì trùm khắp, Hóa Thân. Xem chú thích 9. Cũng xem CÁC THỪA, CHÍN CÁCH PHÂN LOẠI.
ĐẠO SƯ (Xem LAMA).
ĐAU KHỔ (TT. sdug bsngal) Toàn bộ kinh nghiệm không vừa ý là đặc điểm của sáu cõi luân hối. Trong giáo lý đầu tiên của ngài, Đức Phật lấy đau khổ làm trọng tâm của Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), trong đó chân lý thứ nhất (chân lý đau khổ, Khổ Đế) nhận dạng đau khổ như cái gì hiện diện khắp nơi trong luân hồi sinh tử; chân lý thứ hai (chân lý về nguyên ủy của đau khổ, Tập Đế) nhận dạng nguyên nhân của đau khổ là những cảm xúc tiêu cực và những hành động xảy ra như kết quả của những cảm xúc này; chân lý thứ ba (chân lý về con đường, Đạo Đế) khẳng định rằng có thể đưa đau khổ đến chỗ hoàn toàn chấm dứt; và chân lý thứ tư (chân lý chấm dứt đau khổ) trình bày con đường tu tập tâm linh qua đó những nguyên nhân của đau khổ có thể được tiệt trừ để đưa đau khổ đến chỗ hoàn toàn chấm dứt.
GAMPOPA (1079-1153). Cũng được gọi là Dagpo Rinpoche; đệ tử nổi tiếng nhất của Jetsun Milarepa và là người sáng lập dòng tu Kagyü.
GIÁC NGỘ (TT. sangs rgyas) Đồng nghĩa với Phật quả. Nó là sự thành tựu tối thượng của việc tu tập tâm linh, thời điểm mà trí tuệ sâu xa viên mãn được hợp nhất với lòng bi mẫn bao la, là kết quả của một sự hiểu biết hoàn hảo về bản tánh của tâm và của các hiện tượng: cách thức hiện hữu tương đối của chúng (cách chúng xuất hiện), và bản tánh tối thượng của chúng (cách chúng là). Sự hiểu biết như thế là cách đối trị căn bản cho sự vô minh, và như thế, cho sự đau khổ.
GIÁC TÁNH, THUẦN TỊNH (TT. rig pa) Bản tánh bất nhị tối thượng của tâm, hoàn toàn thoát khỏi sự mê lầm.
GIÁO PHÁP (TT. chos) Thuật ngữ tiếng Phạn này thường được dùng để chỉ giáo lý của Đức Phật lịch sử. “Giáo Pháp của sự truyền dạy” ám chỉ tuyển tập những lời giảng dạy bằng lời nói hay chữ viết. “Giáo Pháp của sự chứng ngộ” ám chỉ những phẩm tính tâm linh là kết quả của việc thực hành những giáo lý này.
GIẢI THOÁT (TT. thar pa) Giải thoát khỏi đau khổ và vòng tròn hiện hữu. Tuy nhiên trạng thái này không phải là sự thành tựu Phật quả viên mãn.
HÀNH ĐỘNG (TT. las) Các hành động dẫn đến việc kinh nghiệm mang lại hạnh phúc cho chúng sinh được xác định là tích cực hay tốt lành; những hành động làm phát sinh đau khổ cho chúng sinh và bản thân được mô tả là tiêu cực hay bất thiện. Mọi hành động, dù thuộc về thân, ngữ, hay tâm, thì giống như một hạt giống đưa tới một kết quả sẽ được kinh nghiệm trong cuộc đời này hay trong một đời sau.
HINAYANA (Xem THỪA NỀN TẢNG).
HIỆN HỮU, CHÂN THỰC, NỘI TẠI, HAY THỰC CÓ (TT.’bden dzin) Một trạng thái được quy gán cho các hiện tượng, gợi ý rằng chúng có thể là những đối tượng độc lập tự mình hiện hữu, và tự bản chất có những đặc tính thuộc về chúng.
HIỆN TƯỢNG (TT. snang ba) Những gì xuất hiện với tâm nhờ những nhận thức thuộc về giác quan và các sự kiện trong tâm thức.
HÌNH TƯỚNG (TT. sang ba) Thế giới các hiện tượng bên ngoài. Mặc dù những hiện tượng này dường như có một thực tại chân thực, bản tánh tối thượng của chúng thì trống không. Sự chuyển hóa dần dần cách thức chúng ta tri giác và hiểu biết những hiện tượng này tương ứng với những mức độ khác nhau của con đường dẫn tới giác ngộ.
JETSUN MILAREPA (1040-1123) Yogi (hành giả) và thi sĩ Tây Tạng vĩ đại. Tiểu sử và những bài ca tâm linh của ngài ở trong số những tác phẩm được yêu quý nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Ngài đạt được Phật quả trong một đời.
KIẾP (Xem KALPA).
KALPA (Phạn; TT. bskal pa) Một kalpa vĩ đại (đại kiếp) tương ứng với một chu kỳ hình thành và hủy diệt của một vũ trụ, được phân chia thành tám mươi kiếp trung gian. Một kiếp trung gian bao gồm một tiểu kiếp trong đó thọ mạng tăng trưởng, và một tiểu kiếp trong đó thọ mạng suy giảm.
KARMA (TT. las) Từ Phạn ngữ này (nghĩa đen là “hành động”) ám chỉ luật nhân quả như có liên quan đến các tư tưởng, lời nói, và cách cư xử của ta. Theo Phật giáo, số phận, những niềm vui, đau khổ, và những nhận thức về vũ trụ của chúng sinh không phải do sự may mắn hay bởi ý chí của một thực thể toàn năng nào đó. Những điều đó là kết quả của các hành động trước đây. Tương tự như thế, tương lai của chúng sinh được quyết định bởi phẩm tính tích cực hay tiêu cực của những hành động trong hiện tại. Sự khác biệt được tạo nên giữa nghiệp tập thể (cộng nghiệp), nó xác định nhận thức tổng quát của chúng ta về thế giới, và nghiệp cá nhân, quyết định những kinh nghiệm của riêng ta.
KIẾN, THIỀN, VÀ HÀNH (TT. lta, sgom, spyod pa) Thị kiến về tánh Không phải được hòa nhập vào tâm ta qua sự thiền định, và lần lượt được biểu lộ trong những hành động vị tha và các hoạt động giác ngộ tối thượng.
KIM CƯƠNG THỪA (Phạn. Vajrayana) Tuyển tập giáo lý và thực hành được dựa trên các tantra (Mật điển) và Kinh điển, nói về sự thuần tịnh nguyên sơ của tâm. Cũng gọi là Vajrayana và Mantrayana Bí mật.
KINH ĐIỂN (TT. mdo) Những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do các đệ tử của Ngài ghi chép lại.
LAMA (TT. bla ma; Phạn. guru) 1. Vị Thầy tâm linh, được giảng nghĩa như sự rút gọn của bla na med pa, hay “không có gì siêu việt hơn.” 2. Một thuật ngữ thường được sử dụng rộng rãi để chỉ các tu sĩ hay yogi (hành giả) Phật giáo nói chung.
LÒNG BI MẪN (TT. snying rje) Ước muốn giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ (các hành vi tiêu cực và sự vô minh). Nó được bổ túc bằng lòng từ ái vị tha (ước muốn tất cả chúng sinh có thể tìm được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc), với hỉ lạc tốt lành (hoan hỉ trước những phẩm tính của người khác), và với sự xả bỏ, là đức tính mở rộng ba thái độ trên đối với tất cả chúng sinh, dù đó là những bằng hữu, người xa lạ, hay kẻ thù.
MAHAYANA (Xem ĐẠI THỪA).
NĂM ĐỘC (TT. dug lnga) Năm cảm xúc tiêu cực: tham lam, thù ghét (bao gồm sân hận), si mê, ganh tị, và kiêu ngạo.
NĂM TRÍ TUỆ (TT. ye shes lnga) Năm phương diện trí tuệ của Phật quả: trí tuệ của không gian tuyệt đối (Pháp giới thể tánh trí), trí tuệ như gương (Đại viên cảnh trí), trí tuệ bình đẳng (Bình đẳng tánh trí), trí tuệ phân biệt (Diệu quan sát trí), và trí tuệ hoàn toàn thành tựu (Thành sở tác trí).
NĂM UẨN (TT. spung po; Phạn. skandha; nghĩa đen: “các tụ,” “những sự kết tập,” hay “các sự kiện”) Năm uẩn là những yếu tố cấu thành của sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Chúng là các yếu tố mà trong đó người ta có thể được phân tích không sót điều gì. Khi các uẩn cùng xuất hiện thì ảo tưởng về “ngã” được tạo ra trong tâm thức vô minh.
NGHIỆP ( Xem KARMA).
NHỊ NGUYÊN, TRI GIÁC NHỊ NGUYÊN (TT. gnyis ’dzin) Tri giác thông thường của những chúng sinh không giác ngộ; sự hiểu biết về các hiện tượng trong phạm vi của chủ thể (tâm thức) và đối tượng (những hình ảnh trong tâm và thế giới bên ngoài), và niềm tin ở sự hiện hữu chân thực của chúng.
NIẾT BÀN (Xem NIRVANA).
NIRVANA (Phạn; TT. myang ’da ’sdas) (NIẾT BÀN) Theo nghĩa đen, trạng thái siêu vượt đau khổ. Thuật ngữ này ám chỉ bất kỳ cấp độ nào trong vài cấp độ giác ngộ, tùy thuộc vào quan điểm của ta bắt nguồn từ Thừa Nền tảng hay Đại Thừa. Xem THỪA NỀN TẢNG, ĐẠI THỪA.
PHẬT (TT. sangs rgyas) Đấng đã hoàn toàn tiệt trừ (sangs) hai màn che – màn che của những ngăn che thuộc về cảm xúc (phiền não chướng) và màn che vi tế hơn của những ngăn che thuộc về nhận thức (sở tri chướng, những mức độ khác nhau của các ý niệm nhị nguyên ngăn cản ta trong việc nhận ra chân tánh của các sự việc) – và là đấng đã hoàn toàn phát triển (rgyas) hai trí tuệ - trí tuệ thấu suốt bản tánh tối thượng của tâm và các hiện tượng và trí tuệ thấu suốt các hiện tượng trong mọi sự đa tạp của chúng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật “lịch sử,” được coi là vị Phật thứ tư trong 1002 vị Phật sẽ xuất hiện trong thế giới chúng ta trong kalpa (kiếp) hiện tại, trong khi ở phạm vi rộng lớn hơn, các Kinh điển (đặc biệt là Kinh điển Đại thừa) đề cập đến vô số vị Phật trong thời quá khứ, hiện tại, và tương lai, ở khắp nơi trong Pháp giới.
PHẬT TÁNH (TT. bde gshegs snying po) Đây không phải là một “thực thể” mà đúng hơn là bản tánh tối thượng của tâm, thoát khỏi những ngăn che của vô minh. Mỗi chúng sinh đều có tiềm năng để hiện thực hóa Phật tánh này bằng cách đạt được sự hiểu biết viên mãn về bản tánh của tâm. Ở một chừng mực nào đó thì đó là sự tốt lành nguyên sơ của chúng sinh.
QUY Y (1) TT. skyabs yul. Đối tượng mà ta nương tựa. (2) TT. skyabs ’gro. Thực hành quy y. Cũng xem TAM BẢO.
SAMSARA (Phạn; TT. ’gro drug) SINH TỬ. Sáu cách hiện hữu được tạo nên và thống trị bởi một độc chất đặc biệt thuộc về tâm thức: các cõi địa ngục (thù ghét và sân hận), cõi preta hay ngạ quỷ (keo kiệt), cõi súc sinh (vô minh), cõi người (tham muốn), cõi asura hay bán thần (ganh tị), và cõi trời (kiêu ngạo). Sáu cách hiện hữu này tương ứng với những tri giác mê lầm được tạo nên bởi nghiệp của chúng sinh và được hiểu là thật có.
SINH TỬ (Xem SAMSARA).
TAM BẢO (TT. dkon mchog gsum; Phạn. triratna) Phật, Pháp, và Tăng. Đây là ba đối tượng quy y đối với những người đi vào con đường Phật giáo. Phật là người dẫn dắt, Pháp là con đường, và Tăng (tất cả những người thực hành Phật giáo) là những bạn đồng hành trên con đường.
TÁI SINH, TÁI HIỆN THÂN (TT. skyes) Những trạng thái liên tục được kinh nghiệm bởi dòng tâm thức, và bị ngăn trở bởi cái chết, bardo và sự sinh ra (xem BARDO).
TÁNH KHÔNG (TT. stong pa nyid) Đây là bản tánh tuyệt đối của các hiện tượng, do bởi chúng không có sự hiện hữu bẩm sinh. Sự hiểu biết tuyệt đối về tánh Không được đi kèm bởi sự sinh khởi tự nhiên của lòng bi mẫn bao la đối với chúng sinh.
TÂM (TT. sems; cũng xem TÂM THỨC) Trong các thuật ngữ Phật giáo, trạng thái thông thường của tâm có đặc điểm là vô minh và lầm lạc. Một chuỗi những khoảnh khắc ý thức mang lại cho nó một sự xuất hiện của sự liên tục. Trên bình diện tuyệt đối, tâm có ba phương diện: trống không (tánh Không), quang minh (sáng tỏ, khả năng hiểu biết mọi sự), và lòng bi mẫn tự nhiên.
TÂM THỨC (TT. rnam shes) Phật giáo phân biệt các mức độ tâm thức khác nhau: thô, tế, và vô cùng vi tế. Mức độ thứ nhất tương ứng với hoạt động của não bộ. Mức độ thứ hai là những gì ta gọi theo trực giác là “tâm thức” (ý thức). Đó là, giữa những điều khác, năng lực của tâm thức thấu biết chính mình, khảo sát bản tánh của riêng nó, và nỗ lực thoát khỏi ý chí. Khía cạnh thứ ba là khả năng nhận thức căn bản của tâm, thoát khỏi những hình ảnh trong tâm sinh khởi từ những tri giác về thế giới bên ngoài, sự tưởng tượng, và ký ức. Giác tánh thuần tịnh này không vận hành trên cách thức nhị nguyên của chủ thể và đối tượng, và không dính dáng đến những tư tưởng lan man. Ba loại mức độ này không phải là những dòng tâm thức riêng biệt, mà hiện hữu ở những mức độ tăng trưởng sâu xa. Mức độ thô và tế sinh khởi từ mức độ nền tảng, tương phản với mức độ đối nghịch như có thể được trông đợi.
TẬP KHÍ (TT. bag chags) Những khuôn mẫu quen thuộc của tư tưởng, lời nói và hành động đã được tạo nên bởi những gì ta đã làm trong quá khứ.
THÀNH TỰU 1. (TT. dngos grub; Phạn. siddhi) Kết quả được ước muốn và thâu đạt được nhờ sự thực hành các giáo huấn. Các thành tựu thông thường có thể chỉ là những năng lực siêu nhiên, nhưng trong quyển sách này thuật ngữ thành tựu hầu như luôn luôn ám chỉ thành tựu siêu việt, là sự giác ngộ. 2. (TT. sgrub pa) Thuật ngữ được sử dụng trong bối cảnh của sự trì tụng các thần chú.
THIỀN ĐỊNH (TT. sgom) Một tiến trình làm ta quen thuộc với một nhận thức mới mẻ về các hiện tượng. Sự khác biệt được tạo nên giữa thiền định phân tích và thiền định suy niệm. Đối tượng của thiền định phân tích có thể là một vấn đề được nghiên cứu (chẳng hạn như ý niệm về sự vô thường) hay một phẩm tính mà ta ước muốn phát triển (chẳng hạn như lòng từ và bi); thiền định suy niệm cho phép ta nhận ra bản tánh tối thượng của tâm và an trụ trong sự nhận thức về bản tánh đó, là cái siêu vượt tư tưởng thuộc về khái niệm.
THỪA (Xem CÁC THỪA, CHÍN CÁCH PHÂN LOẠI).
THỪA NỀN TẢNG (TT. theg dman) Hệ thống nền tảng của tư tưởng và thực hành Phật giáo từ lần chuyển Pháp luân thứ nhất và tập trung vào giáo lý về Bốn Chân lý Cao quý (xem ĐAU KHỔ) và chuỗi mười hai nhân duyên (xem TƯƠNG THUỘC).
TRÍ TUỆ 1. (TT. shes rab; Phạn. prajna) Khả năng phân biệt một cách đúng đắn, thường là với ý nghĩa đặc biệt của sự hiểu biết về tánh Không. 2. (TT. ye shes; Phạn. jnana) Phương diện nguyên sơ và bất nhị của bản tánh của tâm. Xem NĂM TRÍ TUỆ.
TRUNG ĐẠO (TT. dbu ma; Phạn. madhyamika) Các giáo lý về tánh Không được Nagarjuna trình bày trước tiên và được coi là căn bản của Mantrayana Bí mật (cũng xem KIM CƯƠNG THỪA). “Trung” có nghĩa là vượt lên các quan điểm về hai cực đoan là chủ nghĩa hư vô ở một mặt và niềm tin ở thực tại của các hiện tượng (chủ nghĩa vĩnh cửu hay duy vật) ở mặt kia.
TƯ TƯỞNG, LAN MAN (TT. rnam par thog pa) Một nối kết thông thường các tư tưởng bị quy định bởi vô minh và thực tại tương đối.
TƯƠNG THUỘC, HAY “DUYÊN SINH” (TT. rten cing ’brel bar ’byung ba) Một yếu tố nền tảng của Phật giáo, theo đó các hiện tượng được hiểu không như những thực thể hiện hữu rời rạc, mà như sự trùng hợp của các điều kiện tương thuộc.
VÔ MINH (TT. ma rig pa) Một cách thế sai lầm để quan niệm về chúng sinh và các sự việc, bằng cách quy gán cho chúng một sự hiện hữu thật có, độc lập, vững chắc, và nội tại.
VÔ THƯỜNG (TT. mi rtag pa) Vô thường thô liên quan đến sự biến đổi hữu hình; vô thường vi tế phản chiếu sự thực là chẳng điều gì có thể vẫn y như chính nó, thậm chí trong một chốc lát ngắn ngủi có thể nhận thức được.
VAJRAYANA (Phạn; TT. rdo rje theg pa) Xem KIM CƯƠNG THỪA.
Ý THỨC (xem TÂM THỨC).