NHỮNG BÀI KỆ VÀ LUẬN GIẢNG (Câu kệ 51 - 101)
51
Trong một trạng thái của tánh Không, hãy xoay tít ngọn giáo giác tánh thuần tịnh;
Dân chúng Tingri, cái thấy hoàn toàn không bị vướng kẹt bởi bất kỳ điều gì.
Cái thấy (kiến) của bạn nên cao rộng và bao la như bầu trời. Một khi giác tánh thuần tịnh hiển lộ trong bản tánh trống không của tâm, nó không còn bị các cảm xúc tiêu cực ngăn che nữa, thay vào đó, những cảm xúc này trở thành những vật trang hoàng của nó. Trạng thái bất biến - là sự nhận thức của cái thấy - không phải là cái gì hình thành, trụ vững hay diệt mất; trong trạng thái đó, giác tánh quan sát chuyển động của các tư tưởng như một ông già trầm lặng nhìn những đứa trẻ nô đùa. Những tư tưởng lầm lạc không thể ảnh hưởng đến giác tánh thuần tịnh cũng như một thanh kiếm không thể chọc thủng bầu trời.
Bà Peldarbum nói với Jetsun Milarepa:
Khi con thiền định về đại dương,
Tâm con rất thoải mái.
Khi con thiền định về những con sóng,
Tâm con bị phiền não.
Xin dạy con cách thiền định về những con sóng!
Vị đại hành giả trả lời:
Những con sóng là chuyển động của đại dương.
Hãy để mặc chúng tự lắng đọng trong sự bao la của đại dương.
Các niệm tưởng là sự phô diễn của giác tánh thuần tịnh. Chúng khởi sinh trong đó và tan biến trở lại vào nó. Nhận ra giác tánh thuần tịnh ở nơi các niệm tưởng của bạn xuất hiện là nhận ra rằng các niệm tưởng của bạn chưa từng bao giờ hình thành, trụ vững hay diệt mất. Vào lúc đó, các niệm tưởng không còn quấy rầy tâm bạn nữa.
Khi bạn chạy theo các niệm tưởng của bạn, bạn như một con chó đuổi theo một cây gậy: mỗi khi một cây gậy được ném đi, bạn đuổi theo nó. Thay vào đó, nếu bạn nhìn vào nơi các niệm tưởng của bạn xuất hiện, bạn sẽ nhận ra rằng mỗi niệm tưởng xuất hiện và tan biến trong không gian của giác tánh mà không sinh ra những niệm tưởng khác. Hãy là một con sư tử, thay vì đuổi theo cây gậy, sư tử quay lại đối mặt với người ném cây gậy. Người ta chỉ ném cây gậy một lần vào con sư tử.
Để chiếm giữ pháo đài không được tạo tác của bản tánh của tâm, bạn phải đi tới nguồn mạch và nhận ra nguyên ủy của những tư tưởng của bạn. Nếu không, một tư tưởng sẽ sinh khởi thành tư tưởng thứ hai, rồi thứ ba và v.v.. Ngay lập tức, bạn sẽ bị tấn công bởi những hồi ức trong quá khứ và dự tính trong tương lai, và giác tánh thuần tịnh của giây phút hiện tại sẽ hoàn toàn bị che khuất.
Có một câu chuyện về một hành giả đang cho những con chim bồ câu ở bên ngoài ăn những hạt gạo mà ông đã cúng dường trên bàn thờ. Thình lình ông nhớ đến vô số kẻ thù mà ông có trước khi ông hiến mình cho Giáo Pháp. Ông khởi niệm: “Lúc này có rất nhiều bồ câu ở cửa thất của ta; nếu ta có nhiều binh lính như thế, ta có thể dễ dàng tiêu diệt những kẻ thù.”
Ý tưởng này ám ảnh ông cho đến khi ông không thể kiểm soát thái độ thù địch của mình được nữa. Ông rời bỏ ẩn thất, tập họp một đội quân, và đánh nhau với những kẻ thù cũ của mình. Như thế những hành vi xấu ác mà ông mắc phạm hoàn toàn bắt đầu với một tư tưởng đơn sơ, lầm lạc đó.
Nếu bạn nhận ra sự trống không (tánh Không) của các tư tưởng của bạn, thay vì làm chúng trở nên vững chắc, việc sinh khởi và lắng đọng của mỗi tư tưởng sẽ làm sáng tỏ và củng cố nhận thức về tánh Không của bạn.
52
Trong một trạng thái vô niệm, không chút phóng dật, hãy từ bỏ người quan sát;
Dân chúng Tingri, thiền định thoát khỏi mọi sự uể oải hay phấn khích (hôn trầm hay trạo cử).
Khi tâm của bạn vẫn ở trong sự tỉnh giác thuần tịnh, không có niệm tưởng về quá khứ hay tương lai, không bị cuốn hút bởi những đối tượng bên ngoài hay bị choán chỗ bởi những tạo tác trong tâm, khi ấy nó ở trong một trạng thái của sự đơn giản nguyên sơ. Trong trạng thái đó, không cần đến bàn tay sắt của sự tỉnh giác gượng gạo làm các niệm tưởng của bạn trở nên bất động. Như có câu nói: “Phật tánh là sự đơn giản tự nhiên của tâm.”
Một khi nhận ra tính chất đơn giản ấy, bạn cần duy trì nhận biết đó với sự hiện diện của tâm mà không cần dụng công. Khi ấy bạn sẽ kinh nghiệm một sự tự do nội tại trong đó không cần ngăn chặn các niệm tưởng sinh khởi, hay không e sợ các niệm tưởng ấy sẽ làm hư hỏng thiền định của bạn.
53
Trong một trạng thái tự nhiên không giả tạo, hãy tu tập thoải mái không do dự
Dân chúng Tingri, trong hành động không có gì để lấy hay bỏ.
Hãy giữ gìn trạng thái đơn giản đó. Nếu bạn có được hạnh phúc, thành công hay những điều kiện thuận lợi, hãy coi chúng như một giấc mộng hay ảo ảnh. Đừng dính mắc vào chúng. Và nếu bạn bị bệnh tật, những lời vu khống hay những thử thách khác tấn công về mặt thể xác hay tinh thần, đừng để mình mất can đảm. Hãy khơi dậy lại lòng bi mẫn của bạn bằng cách ước muốn rằng nhờ sự đau khổ của riêng bạn, những đau khổ của tất cả chúng sinh sẽ được cạn kiệt. Dù trong hoàn cảnh nào, đừng phấn khích hay ngã lòng, nhưng hãy an trụ trong tự do và nghỉ ngơi trong sự thanh thản không hề nao núng.
54
Bốn thân không thể phân chia thì sẵn đủ trong tâm bạn;
Dân chúng Tingri, kết quả siêu vượt mọi hy vọng hay nghi ngờ.
Phật quả dường như xa lắc, một mục tiêu xa vời vượt quá tầm tay, nhưng thực ra sự trống không (tánh Không) - bản tánh cốt tủy của tâm bạn - chính là “thân tuyệt đối,” hay dharmakaya (Pháp Thân). Sự quang minh - biểu lộ tự nhiên - là “thân phú bẩm toàn hảo,” hay sambhogakaya (Báo Thân). Lòng bi mẫn trùm khắp hóa hiện từ nó là “thân hiển lộ,” hay nirmanakaya (Hóa Thân). Tính chất nhất như nội tại của ba thân này là “thân bản tánh như nó là,” hay svabhavikakaya (Thân Tự Tánh). Bốn thân này, hay bốn phương diện, của một vị Phật thì luôn luôn hiện diện trong bạn. Chỉ vì không biết rằng chúng ở đó nên bạn nghĩ rằng chúng ở một nơi nào đó ở bên ngoài và xa lắc.
Bạn không ngừng tự hỏi: “Thiền định của tôi có đúng đắn không?” “Cuối cùng thì khi nào tôi có được một ít tiến bộ? Tôi sẽ chẳng bao giờ đạt được cấp độ của Đạo sư tâm linh của tôi.” Bị giằng xé giữa hy vọng và sợ hãi, tâm bạn chẳng bao giờ yên bình.
Theo tính khí của bạn, bạn thực hành mãnh liệt trong một ngày và ngày hôm sau thì chẳng làm gì hết. Bạn bám chấp vào những kinh nghiệm dễ chịu sinh khởi khi bạn đạt được sự an định, nhưng cảm thấy muốn từ bỏ thiền định khi bạn không thể làm lắng dịu những tư tưởng tuôn trào. Đó không phải là cách thức thực hành thiền định.
Dù bạn nhận thấy bạn đang ở trong tâm thái nào, hãy duy trì một thực hành đều đặn, liên tục, quán sát chuyển động của các tư tưởng của bạn và truy cứu nguồn mạch của chúng. Ngay lúc bắt đầu việc tu tập, bạn không thể mong đợi là có thể duy trì sự tập trung cả ngày lẫn đêm.
Khi bạn bắt đầu thiền định về bản tánh của tâm, việc thực hành những thời khóa ngắn và thường xuyên thì thích hợp hơn. Với sự kiên trì, dần dần bạn sẽ nhận ra và hiểu rõ bản tánh của tâm bạn, và sự nhận thức này sẽ càng ngày càng vững chắc. Vào lúc đó, các tư tưởng sẽ mất đi năng lực quấy nhiễu và trói buộc bạn.
55
Cội gốc của sinh tử và niết bàn được tìm thấy trong tâm;
Dân chúng Tingri, tâm không có bất kỳ thực tại chân thật nào.
Chính tâm ta dẫn dắt ta lạc vào vòng tròn hiện hữu. Không nhận ra chân tánh của tâm, ta bám chấp vào các tư tưởng của ta, mà thực ra những tư tưởng ấy chỉ là những hiển lộ của bản tánh đó. Nhưng bởi sự bám chấp, giác tánh thuần tịnh bị đông cứng thành những ý niệm vững chắc chẳng hạn như “ngã” (bản thân ta) và “tha” (người khác), “đáng yêu” và “đáng ghét,” và nhiều ý niệm khác nữa. Đó là cách chúng ta tạo nên sinh tử.
Nếu ta có thể làm tan chảy tảng băng của những bám chấp này bằng cách tuân theo các giáo huấn của một vị Thầy, giác tánh thuần tịnh sẽ tìm lại được tính chất lưu chuyển tự nhiên của nó. Nói cách khác, nếu bạn chặt đứt một cái cây ngay sát gốc thì toàn bộ thân, cành và lá của nó sẽ đổ xuống. Tương tự như thế, nếu bạn cắt đứt các tư tưởng tại nguồn mạch của chúng, toàn bộ niềm tin sai lạc vào sinh tử sẽ sụp đổ.
Mọi sự chúng ta kinh nghiệm – mọi hiện tượng của sinh tử và niết bàn – xuất hiện với sự trong sáng sống động của một cầu vồng và tuy thế, giống như cầu vồng, nó không có bất kỳ thực tại hiển nhiên nào. Một khi bạn nhận ra bản tánh của các hiện tượng – hiển lộ và đồng thời trống không – tâm bạn sẽ thoát khỏi sự chuyên chế của mê lầm.
Nhận ra bản tánh tối thượng của tâm là nhận ra trạng thái Phật quả, và không nhận ra bản tánh đó là đắm chìm trong vô minh. Trong cả hai trường hợp, chính tâm bạn, và chỉ có độc nhất tâm bạn, sẽ giải thoát hay trói buộc bạn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tâm là một thực thể được tác động lên, giống như một mẩu đất sét mà người thợ gốm có thể biến thành bất kỳ hình dạng nào. Khi vị Thầy giới thiệu cho đệ tử bản tánh của tâm, ngài không chỉ rõ một vật cụ thể nào đó. Khi đệ tử tìm kiếm và nhận ra bản tánh đó, họ không bám chặt thực thể có thể được nắm giữ. Nhận ra bản tánh của tâm là nhận ra sự trống không (tánh Không) của nó. Chỉ có thế. Đó là một nhận thức xảy ra trong lãnh vực kinh nghiệm trực tiếp, và không thể được kinh nghiệm bằng ngôn từ.
Việc trông chờ một nhận thức như thế cùng sự thấu thị, những năng lực thần diệu, và những kinh nghiệm phi thường sẽ là một sự tự lừa dối mình. Hãy hoàn toàn hiến mình cho việc nhận ra bản tánh trống không của tâm!
56
Tham muốn và thù ghét sinh khởi, nhưng như những cánh chim bay vút đi không để lại dấu vết;
Dân chúng Tingri, hãy thoát khỏi sự bám chấp vào những kinh nghiệm trong thiền định.
Nói chung, chúng ta cảm thấy bám luyến với gia đình ta, với những vật sở hữu và với địa vị của ta, và thù ghét những ai làm tổn hại hay đe dọa ta. Hãy cố gắng đưa sự chú tâm của bạn ra khỏi những đối tượng bên ngoài và khảo sát tâm để xem những đối tượng ấy đáng yêu hay đáng ghét. Tham muốn và sân hận của bạn có hình tướng, màu sắc, chất liệu hay vị trí không? Nếu không có, vì sao bạn dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của những cảm xúc như thế?
Đó là bởi bạn không biết cách giải thoát chúng. Nếu bạn để mặc các tư tưởng và cảm xúc của bạn tự sinh khởi và tan biến đi, chúng sẽ lướt qua tâm bạn giống như cách một con chim bay qua bầu trời, không để lại dấu vết. Điều này không chỉ áp dụng cho tham lam và sân hận, mà còn áp dụng cho những kinh nghiệm thiền định – hỉ lạc, quang minh (sáng tỏ), và vắng mặt tư tưởng. Những kinh nghiệm này là kết quả của sự kiên trì trong thực hành và là sự biểu lộ tính sáng tạo cố hữu của tâm. Những kinh nghiệm ấy xuất hiện như một cầu vồng, được hình thành khi những tia sáng mặt trời đập vào một màn mưa; và trở nên dính mắc vào chúng thì cũng vô ích như việc đuổi bắt một cầu vồng với hy vọng được khoác vào mình chiếc áo đó. Hãy hoàn toàn để cho những tư tưởng và kinh nghiệm của bạn đến và đi mà chẳng bao giờ bám chấp vào chúng.
57
Thân bất sanh tuyệt đối như tinh túy của mặt trời –
Dân chúng Tingri, sự quang minh chói ngời của nó không tăng hay giảm.
Pháp Thân, phương diện tuyệt đối, bản tánh tối thượng của mọi sự, thì trống không. Nhưng nó không đơn thuần không là gì cả. Nó có phương diện nhận thức, quang minh chói lọi thấu biết mọi hiện tượng và hiển lộ một cách tự nhiên. Pháp Thân không được tạo lập bởi các nguyên nhân và điều kiện (nhân và duyên); nó là bản tánh hiện diện nguyên thủy của tâm.
Việc nhận ra bản tánh nguyên thủy này thì giống như mặt trời trí tuệ xuất hiện và xuyên thủng màn đêm vô minh. Sự tối tăm bị xua tan tức thì; bóng tối không thể tồn tại. Sự quang minh của Pháp Thân không tăng giảm như mặt trăng, mà như sự chói sáng ngự trị giữa mặt trời.
58
Các tư tưởng đến và đi như một kẻ trộm trong một căn nhà trống-
Dân chúng Tingri, thực ra chẳng có gì để được hay mất.
Tin chắc vào thực tại (sự thực có) của một thực thể được gọi là “tôi” và những tư tưởng của nó, chúng ta theo đuổi những tư tưởng và cảm xúc đó và hành xử theo chúng, tạo nên nghiệp quả tốt hay xấu. Thực ra, các tư tưởng như một tên trộm trong một căn nhà trống, nơi mà tên trộm chẳng có gì để lấy và chủ căn nhà chẳng có gì để mất. Nhận ra rằng các tư tưởng chẳng bao giờ thực sự hình thành (hiện hữu), và vì thế chẳng bao giờ có thể trụ vững hay ngừng hiện hữu, là đủ để làm cho chúng trở nên vô hại. Các tư tưởng được giải thoát theo cách này bởi việc chúng sinh khởi không có ảnh hưởng gì và không mang lại nghiệp quả. Chẳng có gì phải sợ hãi các tư tưởng tiêu cực, và chẳng có gì để trông chờ những tư tưởng tích cực.
59
Những cảm xúc không để lại dấu vết, như tranh vẽ trong nước;
Dân chúng Tingri, đừng kéo dài mãi những xuất hiện mê lầm.
Chúng ta bám luyến vào sự tiện nghi và lạc thú một cách tự nhiên và bị buồn phiền bởi những đau khổ về thể xác và tinh thần. Những khuynh hướng bẩm sinh này khiến ta tìm kiếm, duy trì, và cố gắng làm tăng trưởng những gì mang lại cho ta sự vui thích – quần áo tiện lợi, thực phẩm thơm ngon, những nơi chốn dễ chịu, lạc thú giác quan – và tránh né hay tiêu diệt những gì ta thấy không vui hay đau khổ.
Luôn luôn biến đổi và không có chút thực chất nào, những cảm xúc này dựa vào sự kết hợp phù du của tâm và thân, và thật vô ích khi ta bám luyến vào chúng. Thay vì bị kéo lê và vướng kẹt bởi những tri giác của bạn, hãy để chúng tan biến ngay khi chúng hình thành, giống như những chữ được vạch trên mặt nước biến mất khi bạn vẽ chúng.
60
Những tư tưởng tham lam và thù ghét giống như những cầu vồng trong không trung;
Dân chúng Tigri, nơi chúng chẳng có gì để bị bám chấp hay hiểu rõ.
Con người có thể bị sự tham muốn hay thù ghét của họ thống trị đến nỗi thậm chí họ bằng lòng mất mạng để thỏa mãn điều đó, như các cuộc chiến tranh là một điển hình vô cùng bi thảm. Những tư tưởng và cảm xúc tham muốn và thù ghét của bạn dường như rất vững chắc và hấp dẫn, nhưng nếu khảo sát chúng thật kỹ lưỡng bạn sẽ nhận ra rằng chúng chẳng thực hơn một cầu vồng. Việc bạn hiến dâng cuộc đời mình để thỏa mãn những thôi thúc như thế, và khát khao quyền lực, lạc thú và của cải, thì chắc chắn là những hành động trẻ con, non nớt như hành động của một đứa trẻ muốn nắm bắt một cầu vồng.
Trong thực hành, bất kỳ khi nào một tham muốn mạnh mẽ hay một sự nổ bùng của sân hận thiêu đốt tâm bạn, hãy nhìn thật kỹ những tư tưởng của bạn và nhận ra sự trống không nền tảng của chúng. Nếu bạn làm như thế, những tư tưởng và cảm xúc đó sẽ tự tan biến đi. Khi bạn có thể làm giống như thế với tư tưởng kế tiếp và với mọi tư tưởng tiếp theo, chúng sẽ mất đi ảnh hưởng đối với bạn.
61
Giống như những đám mây trong không trung, những chuyển động của tâm tự tan biến;
Dân chúng Tingri, trong tâm không có những điểm quy chiếu.
Khi những giải mây tụ hội trong không trung, bản tánh của không trung không bị suy yếu. Khi mây tan đi, bản tánh đó cũng không tốt lành hơn. Không thể làm cho không trung bao la hay thanh tịnh hơn mà cũng không thể làm cho nó kém đi. Nó không bị thay đổi hay ảnh hưởng chút nào. Bản tánh của tâm thì hoàn toàn giống như thế. Nó không bị biến đổi bởi sự sinh khởi của các tư tưởng cũng như bởi sự biến mất của chúng.
Bản tánh cốt tủy của tâm là sự trống không (tánh Không). Biểu lộ tự nhiên của nó là sự quang minh (sáng tỏ). Hai phương diện này của tâm có thể được phân biệt để mô tả, nhưng về bản chất thì chúng là một. Việc bám chấp vào chỉ độc nhất khái niệm trống không hay quang minh như thể những phương diện này là những thực thể độc lập là một sai lầm. Bản tánh tối thượng của tâm thì siêu vượt mọi khái niệm, định nghĩa, và những cái nhìn thiên vị.
Một đứa trẻ có thể nghĩ: “Tôi có thể bước lên những đám mây đó!” Tuy nhiên, nếu nó thực sự thấy mình ở trong mây, nó sẽ chẳng tìm ra chỗ nào để đặt chân. Cùng cách đó, các tư tưởng của bạn có vẻ bền chắc cho đến khi bạn khảo sát chúng. Khi ấy bạn nhận ra rằng chúng không có bất kỳ thực chất nào. Đây là cái mà ta gọi là sự xuất hiện và trống không đồng thời của vạn pháp (của các sự việc).
62
Không có sự chấp bám, các tư tưởng sẽ tự giải thoát – như cơn gió,
Dân chúng Tingri, gió không bao giờ bám chấp vào bất kỳ đối tượng nào.
Cơn gió thổi qua bầu trời và bay qua những đại lục mà chẳng bao giờ trụ lại bất kỳ nơi nào. Nó quét qua không gian, không để lại chút dấu vết. Hãy để các tư tưởng lướt qua tâm bạn cùng cách như thế, không để lại dư nghiệp và chẳng bao giờ biến đổi nhận thức của bạn về sự đơn giản cố hữu.
63
Giác tánh thuần tịnh thì không có sự chấp bám, như một cầu vồng trong không trung;
Dân chúng Tingri, các kinh nghiệm xuất hiện hoàn toàn không bị ngăn trở.
Giác tánh thuần tịnh, tâm giác ngộ, chỉ là tâm được giải thoát khỏi mọi mê lầm, siêu vượt những ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu.
“Nơi nào có sự tham luyến, nơi đó không có cái thấy (kiến)” là những lời mà Đạo sư vĩ đại Jetsun Trakpa Gyaltsen phái Sakya nghe từ Đức Văn Thù, Đức Phật của Trí tuệ, trong một linh kiến. Không thể nói giác ngộ hiện hữu, bởi ngay cả Đức Phật cũng không từng nhìn thấy nó. Cũng không thể nói nó không hiện hữu, bởi nó là nguồn mạch của sinh tử và niết bàn. Chừng nào mà những ý niệm như hiện hữu hay không hiện hữu còn tồn tại thì bạn không chứng ngộ được chân tánh của tâm.
Một cầu vồng lóe lên trong bầu trời, mặc dù có thể gọi nó là một biểu lộ của bầu trời, thực ra nó chính là bầu trời. Tương tự như thế, các kinh nghiệm xuất hiện trong tâm bạn khi bạn thiền định – những kinh nghiệm tốt khiến bạn tin tưởng rằng bạn đã đạt được chứng ngộ, và những kinh nghiệm xấu khiến bạn ngã lòng – thực ra những kinh nghiệm đó không có sự hiện hữu thực sự của riêng chúng. Tục ngữ nói: “Các thiền giả bị những kinh nghiệm của họ lừa phỉnh giống như trẻ con bị một cầu vồng quyến rũ.” Đừng quan trọng hóa những kinh nghiệm như thế, và chúng sẽ chẳng bao giờ có thể dẫn bạn lạc hướng.
64
Sự chứng ngộ bản tánh tuyệt đối giống như giấc mộng của một người câm;
Dân chúng Tingri, chẳng có ngôn từ nào để diễn tả nó.
Đối với người không có khả năng về ngôn ngữ, một giấc mộng đẹp, mặc dù có thể được nhớ thật rõ ràng, nhưng không thể diễn tả bằng lời. Tương tự như thế, bản tánh của tâm thì siêu vượt mọi sự mô tả; không có ngôn từ nào có thể định rõ bản tánh tối thượng của nó, dharmakaya (Pháp Thân). Bạn có thể nói nó hiện hữu, nhưng ngoài sự trống không, bạn không thể biểu lộ điều gì về nó. Hay bạn có thể nói nó chẳng là gì hết, nhưng như thế thì bạn giải thích ra sao về vô số hiển lộ của nó? Bản tánh tối thượng của tâm thách đố mọi sự miêu tả và tư tưởng lan man không thể thấu hiểu được nó.
65
Sự chứng ngộ giống như niềm vui của một trinh nữ trẻ trung;
Dân chúng Tingri, hoàn toàn không thể mô tả hỉ và lạc.
Khi chứng ngộ ló dạng, tâm trở nên hoàn toàn tự do, thanh thản, mãn nguyện, bao la, và tĩnh lặng. Tuy nhiên, sự chứng ngộ này không thể diễn tả được, giống như niềm vui của một người trong tuổi thanh xuân.
66
Sự quang minh và trống không được hợp nhất như mặt trăng phản chiếu trong nước;
Dân chúng Tingri, không có gì để bị dính mắc và chẳng có gì để ngăn trở.
Mọi sự chúng ta tri giác, mọi hiện tượng trong toàn bộ sinh tử và niết bàn, hoàn toàn xuất hiện như sự phô diễn của tính chất sáng tạo tự nhiên của tâm. Sự “quang minh” này của tâm – sự xuất hiện riêng biệt của các hiện tượng đối với tri giác của chúng ta – là sự chói ngời của bản tánh trống không của tâm. Sự trống không (tánh Không) là tinh túy đích thực của sự quang minh, và quang minh là sự biểu lộ của tánh Không. Chúng bất khả phân.
Như một phản chiếu của mặt trăng trên bề mặt tĩnh lặng của một cái hồ, tâm hiển hiện sáng ngời nhưng bạn không thể nắm bắt nó. Nó hiện diện thật sinh động và đồng thời hoàn toàn không thể nắm giữ. Tự bản tánh của nó, là sự hợp nhất bất khả phân của sự trống không (tánh Không) và quang minh, không điều gì có thể ngăn trở nó và nó không thể ngăn trở bất kỳ điều gì, không giống như một vật thể, chẳng hạn như một hòn đá, với một sự hiện diện vật lý choán chỗ trong không gian và ngăn chặn những vật thể khác. Trong bản chất, tâm hiện diện khắp nơi và không có thực chất.
67
Như bầu trời trống không, những hình tướng và tánh Không không thể tách lìa nhau;
Dân chúng Tingi, tâm không có trung tâm hay biên bờ.
Tâm nhận thức các hình tướng, âm thanh và những hiện tượng khác, và kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ. Tuy thế thế giới các hình tướng thì không bao giờ tự hiện hữu. Khi bạn phân tích nó thì chỉ có sự trống không. Giống như không gian vật lý trống không đưa ra những chiều kích trong đó toàn thể thế giới có thể mở bày, cũng thế, bản tánh trống không của tâm cung cấp không gian để những biểu lộ của nó xuất hiện. Và giống như không gian vật lý vô hạn, không trung tâm hay biên bờ, tâm cũng không có sự bắt đầu hay chấm dứt, cả về không gian lẫn thời gian.
68
Tâm thức không có tư tưởng và không xao lãng thì giống như tấm gương của một mỹ nhân;
Dân chúng Tingri, nó thoát khỏi mọi quan điểm có tính chất lý thuyết.
Một khi bạn đã nhận ra bản tánh của tâm, bạn không còn cần phải tự chế đối với hồi tưởng sắc sảo của bản tánh đó, hay không còn cần phải chỉnh sửa nó theo cách nào đó. Vào lúc đó, thậm chí không thể nói là tâm ở trong “thiền định,” bởi nó luôn luôn an trụ ngơi nghỉ một cách tự nhiên trong một trạng thái của sự hợp nhất thanh thản. Bạn không cần phải tập trung vào những chi tiết của một quán tưởng đặc biệt, chẳng hạn như hình tướng của một Bổn Tôn. Tâm sẽ không bị lạc vào sự phóng dật và mê lầm là đặc điểm của trạng thái bình phàm, bởi nó an trụ liên tục và tự nhiên trong bản tánh của chúng.
Giác tánh không bị tác động bởi những nhận thức dễ chịu hay khó chịu. Nó chỉ an trụ như nó là, giống như một tấm gương phản chiếu những khuôn mặt người mà không bị mê mẩn bởi vẻ đẹp hay khó chịu vì vẻ xấu xí của những khuôn mặt đó. Và giống như một tấm gương phản chiếu mọi hình tướng một cách trung thực và hoàn toàn không thiên vị, một bậc giác ngộ cũng tri giác rõ ràng mọi hiện tượng nhưng nhận thức của ngài về bản tánh tối thượng không bị ảnh hưởng bằng bất kỳ phương cách nào.
Một hình ảnh được phản chiếu trong một tấm gương thì không phải là bộ phận của gương mà cũng không ở nơi nào khác ngoài tấm gương. Cũng thế, các hiện tượng mà ta nhận thức thì không ở trong tâm mà cũng không ở ngoài tâm. Quả thực, một nhận thức chân thực về bản tánh tối thượng của các sự vật thì hoàn toàn siêu vượt mọi ý niệm về hiện hữu hay không hiện hữu. Vì thế ngài Nagarjuna (Long Thọ) đã nói trong Những Vần Kệ Căn bản của Trung Đạo: “Bởi tôi không khẳng định điều gì, không ai có thể bác bỏ quan điểm của tôi.”
69
Tỉnh giác và trống không không thể tách lìa nhau giống như những phản chiếu trong một tấm gương.
Dân chúng Tingri, ở đó chẳng có gì sinh ra và chẳng có gì diệt mất.
Bản tánh trống không của tâm không phải là một trạng thái hoàn toàn vô cảm hay chẳng có gì hết. Đúng hơn, nó có khả năng thấu biết, một sự quang minh hiện diện tự nhiên mà ta gọi là tỉnh giác (giác tánh) hay tâm thức giác ngộ. Về bản chất thì hai phương diện này của bản tánh tâm, sự trống không và giác tánh (tỉnh giác), chỉ là một, giống như tấm gương và sự phản chiếu trong nó.
Các tư tưởng hình thành trong sự trống không và biến mất ở đó, như sự phản chiếu của khuôn mặt xuất hiện và biến mất trong một tấm gương. Bởi sự phản chiếu của khuôn mặt không bao giờ thực có trong tấm gương, nó không ngừng hiện hữu khi không còn phản chiếu ở đó.
Tự tấm gương cũng không bao giờ thay đổi. Trước khi bạn khởi hành trên con đường tâm linh, bạn được cho là đang ở trong trạng thái bất tịnh của sinh tử, là cái bị thống trị bởi vô minh – nếu đứng ở phạm vi tương đối. Khi bạn dấn mình vào con đường, những trạng thái khác nhau mà bạn trải qua là một hỗn hợp của vô minh và trí tuệ. Ở cuối con đường, vào lúc giác ngộ, chẳng điều gì còn lại ngoài giác tánh. Suốt mọi giai đoạn của con đường, mặc dù như thể có một sự chuyển hóa nào đó đang xảy ra, tự bản tánh của tâm thì không bao giờ thay đổi. Nó không bị sửa đổi vào lúc bắt đầu của con đường và không được hoàn thiện vào lúc kết thúc.
70
Lạc và không không thể tách lìa như mặt trời làm tuyết ngời sáng;
Dân chúng Tingri, ở đó không có gì để nắm bắt.
Khi những tia sáng mặt trời đập vào tuyết trên một đỉnh núi, màu trắng của tuyết thậm chí còn rực rỡ hơn nữa. Nhưng làm sao bạn có thể phân biệt được sự chói ngời của ánh sáng mặt trời với màu trắng của tuyết?
Khi bạn nhận ra sự trống không của tâm, hỉ lạc vốn có trong đó to lớn hơn nữa. Đó là hỉ lạc của sự giải thoát viên mãn, thư thản và không bị ngăn trở một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nó chẳng bao giờ được coi như cái gì thực có để nắm giữ. Lạc và không thì không thể tách lìa. Mặc dù rực rỡ, sự chói ngời của tuyết không phải là cái mà bạn nắm được trong bàn tay.
71
Sự chuyện trò hư dối sẽ phai nhạt không chút dấu vết, giống như những tiếng vang;
Dân chúng Tingri, trong âm thanh không có gì để bám níu.
Chúng ta thích nghe những lời ca tụng. Nếu có ai ngợi khen bạn, bạn muốn họ nói nhiều hơn nữa và toàn thể thế giới đều nghe thấy. Trái lại, khi phải đối mặt với sự chỉ trích hay những lời đồn đại hiểm ác, bạn sẽ tìm đủ mọi cách để không ai nghe thấy những lời này và để chúng không lan truyền rộng rãi.
Tuy nhiên, thực ra, khen và chê chỉ là những âm thanh trống rỗng, hoàn toàn không đáng để quan tâm. Thực buồn cười khi bị phiền não bởi những lời khen chê ấy, bởi điều đó chẳng khác gì việc trở nên kiêu ngạo hay phiền lòng bởi những âm thanh dội lại từ một vách núi.
72
Dân chúng Tingri, giống như âm thanh của thân đàn và giây đàn luýt,
Hạnh phúc và đau khổ được tạo nên khi các hành động được kết hợp với những điều kiện cần thiết.
Một miếng gỗ tốt được đẽo gọt thành một chiếc đàn luýt, và những sợi giây đàn được căng lên để cây đàn mang lại âm thanh du dương, lôi cuốn. Nếu không có đủ các yếu tố cần thiết thì cây đàn không thể tạo nên các giai điệu. Tương tự như thế, bạn không thể hy vọng tận hưởng hạnh phúc mà không tập hợp một cách đúng đắn nền tảng từ đó hạnh phúc có thể sinh khởi. Hạnh phúc và đau khổ là kết quả của sự tương tác phức hợp những thiện hạnh và ác hạnh của chúng ta.
Để thông thạo nghệ thuật chơi đàn luýt, ta phải thực hành chuyên cần, cũng thế, việc đạt được hạnh phúc đòi hỏi sự thực hành Pháp liên tục và thiện xảo. Việc tiếp cận Giáo Pháp với một khát khao phóng túng nhằm đạt được sự tiện nghi, mãn nguyện sẽ chẳng có kết quả gì hơn những nỗ lực nồng nhiệt để chơi nhạc bằng cách gảy những sợi giây đàn một cách vụng về và ngẫu nhiên.
Nhìn từ quan điểm tuyệt đối, sướng và khổ không có chút thực chất nào. Tuy thế, ở bình diện tương đối, chúng tùy thuộc vào định luật nhân quả không thể lay chuyển, giống như âm nhạc phải tuân theo luật hòa âm.
Dùng một hình ảnh khác, một vài loại nấm trông bắt mắt và có mùi vị thơm ngon nhưng có thể độc hại và gây tử vong cho những người dùng chúng một cách cẩu thả. Cũng thế, sự giàu có, tiếng tăm, và những lạc thú giác quan rất hấp dẫn lúc ban đầu, nhưng cuối cùng sẽ kết thúc trong sự thất vọng ghê gớm. Ngược lại, giống như một loại thuốc có vị rất đắng nhưng chữa bệnh thật hiệu quả, mặc dù những khó khăn và thử thách, việc thực hành tâm linh sẽ mang lại một hỉ lạc không thể bị hủy diệt và siêu vượt mọi dấu vết đau khổ.
Như thế, điều quan trọng là phải phân biệt những gì bạn nên tuân theo và những gì bạn nên từ bỏ, không có sự sai lầm hay nghi ngại.
73
Sự giải thoát tự nhiên của sinh tử và niết bàn thì giống như một trò chơi của trẻ con;
Dân chúng Tingri, hãy có một tâm thức không có bất kỳ mục đích nào.
Sự lang thang vô tận của chúng ta trong sinh tử là kết quả của những cảm xúc tiêu cực. Nhưng nếu ta chịu khó khảo sát bản tánh của những cảm xúc này, là những gì hết sức ám ảnh chúng ta và là nguyên nhân đích thực của vòng tròn hiện hữu, thì bạn sẽ nhận ra rằng chúng không có chút thực tại nào. Bạn sẽ chẳng khám phá được điều gì ngoài sự trống không (tánh Không).
Niết bàn thực sự bao gồm những phẩm tính vô hạn, không thể diễn tả của trí tuệ nguyên sơ. Những phẩm tính này thì cố hữu trong tâm; không cần phải phát minh hay tạo tác ra chúng. Sự nhận thức (chứng ngộ) khám phá ra chúng trong tiến trình của con đường. Nhìn từ quan điểm tối thượng thì ngay cả những phẩm tính này cũng hoàn toàn trống rỗng.
Như thế cả sinh tử lẫn niết bàn đều trống không. Vì thế chẳng có cái nào trong chúng có thể được coi là xấu hay tốt. Khi bạn nhận ra bản tánh của tâm, bạn được giải thoát khỏi việc cần phải vứt bỏ sinh tử và theo đuổi niết bàn. Khi nhìn thế giới với toàn bộ sự đơn giản không bị hư hỏng của một đứa trẻ, bạn thoát khỏi những ý niệm về xấu và đẹp, tốt và xấu, và không còn là nạn nhân của những khuynh hướng mâu thuẫn bị sai sử bởi sự khát khao và chán ghét nữa.
Vì sao lại muộn phiền về mọi thăng trầm của đời sống hàng ngày, giống như một đứa trẻ thích thú trong việc xây một tòa lâu đài cát nhưng kêu khóc khi nó xụp đổ? Có được những gì họ muốn và tống khứ những gì họ không thích, hãy nhìn xem cách người ta ném mình vào những đau khổ, giống như những con bướm đêm lao mình vào lửa của một ngọn đèn! Chẳng tốt hơn sao nếu bạn đặt xuống gánh nặng của những nỗi ám ảnh như giấc mộng một lần và mãi mãi?
74
Những khái niệm về thế giới bên ngoài xuất phát từ tâm bên trong;
Dân chúng Tingri, hãy để tảng băng rắn chắc tan thành nước.
Các sông và hồ có thể đóng băng vào mùa đông và nước có thể trở nên rắn chắc đến nỗi con người, thú vật và xe cộ có thể đi lại trên bề mặt của chúng. Khi đến gần mùa xuân, trái đất ấm lên và tuyết tan. Khi ấy toàn bộ tảng băng rắn chắc đó còn lại cái gì? Nước thì mềm và lỏng, băng đá thì cứng chắc và sắc nhọn. Ta không thể nói chúng giống hệt nhau, nhưng cũng không thể nói chúng khác biệt – băng đá chỉ là nước bị đông lại, và nước chỉ là băng đá tan chảy.
Các nhận thức của chúng ta về thế giới bên ngoài thì cũng như thế. Sự dính mắc với thực tại của các hiện tượng, đau khổ bởi sự hấp dẫn và nhàm chán, và bị ám ảnh bởi tám mối bận tâm thế tục8 là những gì làm cho tâm thức bị đông cứng. Hãy làm tan chảy tảng băng ý niệm của bạn khiến chất nước lỏng của nhận thức tự do có thể trôi chảy.
75
Cơ cấu của vô minh thì giống như sự phát triển mạnh mẽ của một cánh đồng cỏ;
Dân chúng Tingri, không thể buộc nó dừng lại bằng cách ngăn trở nó.
Trong vô số cuộc đời, bạn đã duy trì một niềm tin cứng cỏi ở sự hiện hữu chân thực của bản thân bạn như một cá nhân và của các hiện tượng như một toàn thể. Niềm tin này có tác động quá mạnh mẽ đối với bạn nên bạn sẽ không thể thoát khỏi nó chỉ bằng cách không thừa nhận những thực thể này là thực sự hiện hữu. Điều bạn cần làm là nhận thức rõ ràng và tức thì rằng cái “ta” và các hiện tượng đều không có chút thực tại nào (chẳng có gì là thật có).
Nếu bạn cố ngăn chặn dòng nước từ một con suối bằng bàn tay hay một viên đá, áp lực của nước sẽ áp đảo các nỗ lực của bạn chỉ trong ít giây. Tương tự như thế, mọi toan tính ngăn chặn dòng chảy mạnh mẽ của tư tưởng thường sinh khởi trong thiền định hầu như chắc chắn sẽ bị thất bại, và thậm chí có thể khiến ta gặp phải những vấn đề về tinh thần. Các tư tưởng và cảm xúc mà bạn cố gắng đè nén sẽ lại xuất hiện như những kẻ thù của sự thiền định của bạn.
Cách tiếp cận đúng đắn là nhận ra rằng trước hết các niệm tưởng của bạn không bao giờ thực sự hiện hữu, và như thế không thể trụ vững trong sự hiện hữu mà cũng không ngừng hiện hữu. Cho dù những niệm tưởng ấy có nhiều đến đâu chăng nữa, nếu bạn biết cách giải thoát chúng ngay lúc chúng sinh khởi, chúng sẽ không gây tác hại cho bạn. Thiền định của bạn sẽ không bị hư hỏng bởi các niệm tưởng, cũng không tốt hơn nhờ sự vắng mặt của chúng.
Những thị trấn và miền quê mà du khách nhìn thấy qua cửa sổ xe lửa không làm xe lửa chạy chậm lại, xe lửa cũng không ảnh hưởng gì đến các thị trấn và miền quê. Chúng cũng không quấy nhiễu nhau. Đây là cách bạn nên nhìn các niệm tưởng lướt qua tâm khi bạn thiền định.
76
Những mê lầm về sinh tử và niết bàn thì giống như đi tới chỗ đối mặt với một kẻ thù;
Dân chúng Tingri, hãy thực hành đức hạnh như đồng minh của bạn.
Bạn có thể nghĩ rằng sinh tử là cái gì bạn phải vứt bỏ bằng mọi giá, và niết bàn là cái gì bạn phải hết sức cố gắng để đạt được. Nhưng những ý niệm nhị nguyên như thế thực sự sai lầm. Chúng là kết quả của sự mê lầm được đặt nền trên vô minh.
Việc vô hiệu hóa mê lầm thì giống như bắt giữ viên tướng của địch quân, khi ấy đội quân đó mau chóng đầu hàng. Tuy nhiên, để bắt được viên tướng, bạn cần có các đồng minh – vị Thầy tâm linh và những thiện hạnh. Chỉ với sự trợ giúp của họ bạn mới có thể tịnh hóa và phát triển tiềm năng cho sự giác ngộ, là điều thực ra đã bẩm sinh ở trong bạn.
77
Sự quang minh tự nhiên của năm kaya thì như sự trải rộng của một đại lục bằng vàng;
Dân chúng Tingri, đừng hy vọng hay hoài nghi, tham muốn hay thù ghét.
Trạng thái Phật quả bao gồm năm “thân” (kaya), hay các phương diện của sự giác ngộ: thân hiển lộ, thân phú bẩm toàn hảo, thân tuyệt đối, thân bản tánh như nó là, và thân kim cương bất biến.9 Thật chẳng ích lợi gì khi tìm kiếm các thân này ở ngoài bạn, bởi chúng không thể tách rời tâm thức bình thường. Ngay khi bạn nhận ra sự hiện diện của chúng, sự mê lầm biến mất, và sẽ không cần tìm kiếm giác ngộ ở nơi nào khác. Một nhà thám hiểm ghé vào một hòn đảo hoàn toàn bằng vàng sẽ không tìm những viên đá tầm thường, cho dù ông ta tìm kiếm chúng. Bạn phải khám phá rằng những phẩm tính của Phật quả vốn luôn luôn hiện diện trong bạn.
Thật vô ích khi bạn bối rối về sự tiến bộ chậm chạp của mình và trở nên mất can đảm, nghĩ rằng giác ngộ vượt quá tầm tay bạn và sẽ chỉ xảy ra trong tương lai xa lắc. Một thái độ như thế sẽ khiến bạn thêm âu lo và làm suy yếu khả năng thực hành với một tâm thức an định của bạn. Như Jetsun Milarepa nói: “Đừng mất kiên nhẫn trong việc đạt được giác ngộ, mà hãy thực hành cho đến hơi thở cuối cùng.”
Trong khi xua đuổi mọi hy vọng và sợ hãi, hãy nghỉ ngơi trong sự xác quyết-như-kim cương rằng sự đơn giản nguyên sơ của giác tánh chính là Phật quả. Đó là phương cách của hỉ lạc viên mãn, trong đó mọi phẩm tính giác ngộ sẽ phát triển mà không cần dụng công.
78
Với những tự do và thuận lợi, đời người giống như một đảo châu báu;
Dân chúng Tingri, chớ có trở về tay không.
Một nhà thám hiểm khám phá một đảo báu có thể chất đầy tàu của mình với vàng, kim cương, ngọc bích, hồng ngọc và ngọc lục bảo. Nhưng sự may mắn của người ấy không thể so sánh được với đời người, nó hiến tặng chúng ta những thứ còn quý báu hơn rất nhiều so với bất kỳ vàng bạc hay đá quý nào – đó là cơ hội để quán chiếu và thực hành Pháp và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời ta. Những kho tàng mà ta phải chọn lựa là những giáo lý khác nhau do các Thừa Nền tảng, Đại thừa và Kim cương thừa hiến tặng.
Chính lúc này, trong khi bạn tận hưởng mọi thuận lợi của đời người, bạn đang có sự tự do cần thiết để thực hành Pháp.10 Bỏ qua một cơ hội như thế thì giống như một hành khất nhặt được một viên ngọc nhưng cho đó là một mẩu thủy tinh và ném trở lại vào đống rác. Còn tệ hơn nữa là đã thực sự hiểu được giá trị của đời người nhưng cố ý phí phạm nó trong sự phóng dật và theo đuổi những tham vọng thế gian. Đó là ví dụ hoàn hảo của sự mê lầm. Nhà thám hiểm đã vượt biển một cách vô ích khi từ đảo báu trở về tay không. Đừng mắc vào một sai lầm như thế.
79
Thực hành Đại Thừa giống như một viên ngọc như ý;
Dân chúng Tingri, dù bạn tìm kiếm khó khăn đến đâu, sẽ khó tìm thấy nó một lần nữa.
Viên đá kỳ diệu được gọi là viên ngọc như ý có năng lực ban tặng mọi khát khao và nguyện ước, và có thể xua tan sự nghèo khó của cả một xứ sở. Nó hoàn toàn giống như Đại Thừa, là thừa có năng lực làm an dịu đau khổ của tất cả chúng sinh.
Trong cuộc đời hiện tại, bạn đã gặp một vị Thầy tâm linh và nhận lãnh các giáo lý về sự thực hành Đại Thừa. Một cuộc gặp gỡ như thế không phải là nhờ may mắn, mà là kết quả của khuynh hướng thiên về đời sống tâm linh được phát triển qua nhiều đời trước.
Một vị Thầy tâm linh đầy đủ phẩm tính và giáo lý của ngài thì hiếm có và quý báu như đóa hoa sen xanh được gọi là Udumvara (hoa Ưu Đàm). Đóa hoa này đâm chồi khi Đức Phật xuất hiện trong thế gian, bừng nở khi Ngài đạt được giác ngộ, và héo úa khi Ngài rời bỏ thân xác.
Đức Phật đã hiển lộ trong thế giới của chúng ta; Ngài đã chuyển Pháp luân, và những giáo lý này đã tồn tại cho đến ngày nay. Bạn đã thọ nhận các giáo lý này từ một vị Thầy đích thực và sẵn sàng đưa chúng vào thực hành. Thay vì lãng phí cuộc đời trong những đuổi bắt vô ích, sao bạn không kinh ngạc trước sự may mắn của mình và tập trung mọi nỗ lực vào việc thực hành, mà không bỏ phí ngay cả một giây phút?
80
Đối với cuộc đời này, dù điều gì xảy ra, bạn sẽ có đủ thực phẩm để ăn và quần áo để mặc;
Dân chúng Tingri, hãy đưa mọi sự bạn có vào việc thực hành Pháp.
Cho dù kho thực phẩm và tủ quần áo của bạn đầy ắp, mỗi lần bạn chỉ có thể ăn một bữa và mặc một bộ. Thực sự thì tất cả những gì bạn cần là có đủ thực phẩm để tự nuôi sống và đủ quần áo để bảo vệ mình khỏi các yếu tố (tứ đại). Đối với hai nhu cầu này, đừng lo lắng về chúng: Đức Phật đã hứa chắc rằng sẽ chẳng có ai tìm thấy xương của một người giữ hạnh từ bỏ và chết vì đói hay lạnh. Có ích lợi gì khi do dự, băn khoăn là bạn sẽ không đủ ăn, không có gì để khoác trên lưng, và không có nơi để ngủ? Giáo Pháp là phương cách sử dụng cuộc đời bạn tuyệt vời nhất – đừng nghi ngờ về điều đó.
81
Khi bạn còn trẻ, hãy thực hành tích cực và với sự khổ hạnh;
Dân chúng Tingri, khi bạn già, thể chất của bạn không kham nổi điều đó.
Chính lúc bạn còn trẻ, bạn nên tận dụng tuổi trẻ của mình để thực hành Pháp. Đó là thời điểm mà những năng lực trí thức được cần đến để việc nghiên cứu, quán chiếu, và thiền định có thể đi đến tột đỉnh của chúng, và là thời điểm mà bạn có sức mạnh vật lý để chịu đựng những gian khổ của việc tu tập tâm linh. Nếu bạn có thể thực hành tối đa vào thời điểm đó thì sau này khi về già, việc tu tập của bạn sẽ có đủ kiên cố để tiếp tục phát triển mà không cần nỗ lực.
Nếu bạn trì hoãn các sự việc và để thời gian trôi qua, thị lực của bạn sẽ yếu đi, bạn sẽ trở nên khó nghe, mất trí nhớ, mệt mỏi và ngã bệnh. Sẽ quá trễ để thực hành Pháp. Hãy tận dụng tuổi trẻ của bạn và không hối tiếc khi bạn trở nên già yếu.
82
Khi các cảm xúc sinh khởi, hãy đưa ra những cách đối trị để tác dụng lên chúng;
Dân chúng Tingri, hãy để mọi ý niệm ở trong bản tánh đích thực của chúng.
Một thương gia vượt qua một khu rừng đầy quân cướp sẽ cầm sẵn trong tay một vũ khí. Một du khách đi qua một xứ sở bị bệnh dịch tàn phá sẽ mang theo mình các loại thuốc men. Tương tự như thế, khi sống dưới sự đe dọa thường xuyên của các cảm xúc như tham lam, sân hận, ganh tị, kiêu ngạo và nhiều cảm xúc khác, bạn nên luôn luôn sẵn sàng đẩy lui chúng bằng những cách đối trị thích hợp. Sự cảnh giác thường xuyên là biểu hiện của một hành giả chân thành. Bạn có thể biết cách thực hành khi mọi sự tiến triển tốt đẹp, nhưng thực hành đó không có hiệu quả nếu bạn chịu khuất phục ngay khi cảm xúc đầu tiên đánh vào bạn.
Ta có thể nhận ra các hành giả tuyệt vời qua cách họ đối phó với những tình huống khó khăn có thể kích động những cảm xúc tiềm ẩn. Khả năng phản ứng tức thời với cách đối trị đúng đắn sẽ khiến họ dễ dàng vượt qua các chướng ngại.
Đặc biệt là nếu họ biết cách siêu vượt các ý niệm chủ thể và đối tượng, mọi tư tưởng của họ sẽ tự giải thoát, giống như một con rắn lẩn tránh những nút thắt nơi thân nó mà không cần nỗ lực hay sự giúp đỡ. Khi bạn truy cứu đến tận nguồn gốc của mọi tư tưởng và ý niệm, bạn sẽ nhận ra rằng chúng có cùng bản tánh chân thật – tánh Không không thể tách lìa trí tuệ siêu việt.
83
Hãy luôn luôn nghĩ đến mọi khiếm khuyết của luân hồi sinh tử;
Dân chúng Tingri, điều đó sẽ làm niềm tin của quý vị trong sáng hơn.
Chắc chắn là sẽ có những thời điểm rối loạn, khi sự tinh tấn của bạn suy yếu, dục vọng của bạn hừng hực, và những bất mãn khiến bạn ước muốn những điều khác biệt với cách chúng thực sự là. Vào những lúc ấy khi bạn không thể tập trung vào việc thực hành, hãy quán chiếu về những khốn khổ của luân hồi sinh tử. Việc tự nhắc nhở mình thật rõ ràng rằng vòng tròn hiện hữu thì ngập tràn đau khổ sẽ làm niềm tin của bạn hồi sinh và khiến bạn xác quyết lại sự tin cậy của bạn nơi Giáo Pháp.
84
Ngay bây giờ, hãy phát triển sự tinh tấn và giữ vững lập trường của bạn;
Dân chúng Tingri, khi bạn chết nó sẽ dẫn dắt bạn trên con đường.
Vị chỉ huy một đội quân hùng mạnh, có đầy đủ đạn dược và lương thực, sẽ điềm tĩnh khi nhìn thấy quân địch tiến lên. Tương tự như thế, thiền giả đạt được sự kiên cố không thể lay chuyển trong sự thực hành sẽ an định khi đối mặt với cái chết. Bây giờ là lúc phát triển sự kiên cố như thế.
Một du khách khôn ngoan chuẩn bị cho việc khởi hành của mình bằng cách thâu thập mọi thứ ông ta sẽ cần tới: thực phẩm dự trữ, tiền bạc, thuốc men, bản đồ và một địa bàn. Sớm muộn gì thì bạn cũng phải bắt đầu lên đường trên hành trình dài của những đời sau, vì thế vào lúc này, bạn nên chuẩn bị cho chuyến đi đó bằng cách nghe lời khuyên của một vị Thầy và đưa những giáo huấn của ngài vào thực hành một cách cẩn trọng.
85
Nếu bạn không giải thoát vào lúc này, chừng nào bạn mới giải thoát?
Dân chúng Tingri, bạn có cơ may ăn một bữa ăn duy nhất trong một trăm năm.
Người ta thường nói: “Tôi thích thực hành Pháp, nhưng vào lúc này thì không thể được. Trước hết tôi phải chăm sóc gia đình và lo liệu cho tương lai của họ.”
Nhưng chính lúc này, trong khi bạn vẫn có một đời người, bạn đang có cơ hội, sự tự do và động lực để tuân theo Giáo Pháp. Vì sao bạn lần lữa? Có chắc là bạn sẽ tìm thấy những điều kiện tốt đẹp hơn trong những đời sau? Đến lúc đó có thể bạn sẽ hoàn toàn bị vướng kẹt trong sự đau khổ và nô lệ trong những cõi thấp. Nếu bạn để năm tháng trôi qua, cơ hội để tự giải thoát mình khỏi vòng luân hồi sinh tử xấu xa sẽ bị lãng phí.
Khi một bữa tiệc thơm ngon được hiến tặng cho bạn, hãy dùng nó khi bạn có thể. Đồng hồ Pháp đã điểm 12 giờ trưa - hãy nắm lấy cơ hội trước khi nó qua đi!
86
Cuộc đời thật phù du, như hạt sương trên ngọn cỏ;
Dân chúng Tingri, đừng đầu hàng sự lười biếng và dửng dưng.
Cuộc đời thì mong manh như giọt sương lơ lửng trên đầu một ngọn cỏ, sẵn sàng bị làn gió nhẹ đầu tiên của buổi sáng thổi bạt đi. Chỉ có một khát khao chân thành thực hành Pháp và ý hướng để bắt đầu nhanh chóng không thôi thì chưa đủ. Đừng thụ động chờ đợi cơn gió của cái chết thổi dạt những kế hoạch của bạn trước khi bạn tìm ra thời gian hay cơ hội để thực hiện chúng. Ngay khi ý tưởng tu tập đến với bạn, hãy làm điều đó mà không do dự.
Tâm thức của những hành giả sơ cơ có thể bị thay đổi, dễ bị tác hại bởi những cảm xúc, như cọng cỏ dài trên một ngọn đèo rạp mình trước cơn gió mạnh.
87
Nếu bạn trượt chân thì giờ này bạn ở đâu,
Dân chúng Tingri, thật khó tìm được đời người một lần nữa.
Một người leo núi lần theo mép một tảng đá trơn trợt trên bờ vực, nếu bước sai một bước thì họ có thể mất mạng. Nhưng trong suốt cuộc đời làm người của bạn, bạn đã từng đi dọc theo vực sâu của những cõi thấp, nếu so với bất kỳ người leo núi nào thì việc ấy còn nguy hiểm hơn nhiều. Khi bạn rơi xuống, hầu như không thể trở ngược lên con đường dẫn tới sự may mắn của cõi người. Việc thực hành Pháp là điều duy nhất cho phép bạn vượt qua vực sâu đó một cách an toàn.
88
Giáo lý của Đức Phật như mặt trời chiếu rọi qua những đám mây;
Dân chúng Tingri, đây là lúc giáo lý này còn hiện hữu.
Không phải bất kỳ lúc nào cũng có thể tìm được giáo lý của Đức Phật. Khi công đức của tất cả chúng sinh sống trong một thời kỳ đặc biệt bị suy giảm thì giáo lý cũng suy tàn. Quả thực, giờ đây chúng ta đang sống ở bờ ranh của một thời đại tăm tối như thế, là “thời ngũ trược,”11 trong đó mặt trời hoàng hôn của Giáo Pháp sắp lặn mất sau những rặng núi phương tây. Tuy thế, đôi lúc, nó vẫn có thể chiếu rọi như mặt trời chiều khi có một kẽ hở giữa những đám mây – và những giây phút thoáng qua này sẽ là cơ hội duy nhất mà ta có được. Một khi màn đêm buông xuống, một kỷ nguyên tăm tối sẽ bắt đầu, khi ấy ngay cả danh xưng Tam Bảo cũng không nghe thấy.
Như thế việc tiếp tục và tuân theo giáo lý không phải là điều mà bạn có thể chờ đợi cho đến khi bạn cảm thấy sẵn sàng. Nếu bạn vẫn còn lang thang trong mê lộ của luân hồi sinh tử, đó là bởi trong những đời trước bạn chưa từng gặp giáo lý của Đức Phật, hay đã không quan tâm đến chúng. Nhưng giờ đây, nếu bạn sắp xếp để bắt đầu trên con đường tu tập, sự may mắn của việc thực hiện điều đó sẽ nâng đỡ bạn khi bạn tiến bộ từ sự tuyệt vời này đến sự tuyệt vời khác.
89
Bạn nói những điều hay ho như thế cho mọi người, nhưng không áp dụng chúng cho bản thân bạn;
Dân chúng Tingri, các lỗi lầm trong bạn là những điều cần được phơi bày.
Có những người có thể nói năng một cách hùng biện về Pháp mà không có bất kỳ kinh nghiêm riêng tư, chân thực nào về nó. Nhưng ngay cả khi những lời lẽ tốt đẹp của họ đang tràn trề, ngọn lửa năm độc vẫn luôn luôn nung nấu trong tâm họ. Những ai sắp thực sự giảng dạy cho người khác trước hết phải có một sự hiểu biết thấu đáo về giáo lý. Ngọn lửa vững vàng của một tim đèn bền chắc có thể thắp sáng một trăm ngọn đèn bơ, nhưng ngọn lửa mỏng manh của một sợi tim đèn thì quá nhỏ và thậm chí không thể duy trì ánh sáng cho chính nó.
Có thể bạn từng thọ nhận vô số giáo huấn và về mặt lý thuyết, hiểu rõ cách thức để tiến bộ và né tránh các chướng ngại. Tuy nhiên, nếu bạn không áp dụng những giáo huấn này cho bản thân bạn, sự hiểu biết của bạn sẽ vẫn khô cằn, giống như sự giàu có của một người keo kiệt, ông ta tước đi thực phẩm của mình và chết đói.
Nếu bạn thực sự muốn tiến bộ, hãy thấy rõ những khuyết điểm của mình. Chính tâm thức bạn là điều bạn phải khảo sát, như thể trong một tấm gương. Việc duy trì một quan điểm kiêu ngạo về bản thân, chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của người khác và coi những lỗi lầm của mình là những phẩm tính tốt lành, chắc chắn sẽ cản ngăn mọi tiến bộ của bạn. Theo các Đạo sư Kadampa, giáo lý tuyệt vời nhất phơi bày những lỗi lầm ẩn dấu của chúng ta. Việc lột bỏ mặt nạ của một kẻ cắp cho đến nay chưa hề bị nghi ngờ sẽ kết thúc những hành vi của hắn một cách hiệu quả.
Hãy biết cách nhận ra những khuyết điểm trội vượt của bạn, năm độc – tham lam, sân hận, si mê, ganh tị và kiêu ngạo. Luôn luôn nhận biết chúng và sẵn sàng vô hiệu hóa chúng bất kỳ lúc nào chúng xuất hiện. Hãy theo dõi những cảm xúc của bạn, như một vị vua e sợ kẻ thù và ngày lẫn đêm bao quanh mình bằng những lính canh cảnh giác. Các Đạo sư Kadampa thường nói:
Tôi cầm chắc thanh kiếm của sự cảnh giác nơi cánh cổng của tâm thức tôi.
Khi những cảm xúc đe dọa, tôi đe dọa lại chúng.
Chỉ khi chúng buông lơi thanh kiếm,
Tôi mới lơi lỏng chuôi kiếm của tôi.
Như thế, việc thường xuyên cảnh giác là một điều thiết yếu, ngay cả khi bạn chịu sự thống trị của các cảm xúc. Nếu thậm chí bạn không nhận thức về những cảm xúc của mình thì rất có thể bạn sẽ không hiểu được sự tệ hại của việc tự lừa dối mình, nghĩ rằng mình đang thực sự tuân theo Giáo Pháp. Loại thực hành sai lầm này có thể dẫn tới những cõi thấp.
Chỉ nhìn một bức bích họa tuyệt đẹp mô tả mọi chi tiết của các cõi linh thánh thì không giống như việc thực sự đến những nơi đó. Chỉ đọc toa bác sĩ thì không làm bạn mạnh khỏe. Chỉ bắt chước hành vi của một hành giả Giáo Pháp sẽ không đưa bạn đến giải thoát. Nhuộm một miếng vải một cách cẩu thả là một sự lãng phí thời gian – màu nhuộm sẽ không lâu bền, và sẽ chẳng thành tựu được điều gì. Việc thực hành chỉ là điều vô ích khi bạn không thấm nhuần được Giáo Pháp. Bạn sẽ chỉ lãng phí tiềm năng của bạn. Không ai có thể đi con đường của bạn. Bản thân bạn phải làm điều đó. Dĩ nhiên là bạn không thể lập tức tiệt trừ mọi lỗi lầm của mình. Chỉ có một vị Phật là hoàn hảo. Nhưng bạn có thể tịnh hóa bản thân từng chút một, giống như mặt trăng xuất hiện lộng lẫy từ một biển mây.
Không có tội lỗi nào nghiêm trọng đến nỗi không thể sửa chữa. Angulimala, kẻ giết người hàng loạt, đã giết 999 mạng người, nhưng ông đã trở thành một A La Hán sau khi gặp Đức Phật và tịnh hóa những ác hạnh của mình nhờ sức mạnh của niềm tin. Với đầy đủ niềm tin, bất kỳ phẩm tính nào cũng có thể được phát triển. Nhưng nếu không có niềm tin hay sự nỗ lực, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thiện bản thân, cho dù Đức Phật có xuất hiện bằng xương bằng thịt trước mặt bạn.
Tư tưởng đầu tiên trong buổi sáng của bạn nên là hiến dâng ngày mới đến cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Suốt một ngày, hãy đưa giáo lý vào thực hành. Vào buổi tối, hãy suy xét những gì bạn đã làm, đã nói và nghĩ tưởng trong ngày. Hãy hồi hướng công đức của những điều tốt lành cho tất cả chúng sinh và nguyện sẽ hoàn thiện chúng trong ngày hôm sau. Với những điều không tốt, hãy sám hối và hứa sẽ chỉnh sửa chúng. Theo cách này, những hành giả tuyệt hảo tiến bộ mỗi ngày, hành giả trung bình tiến bộ mỗi tháng, và hành giả ít khả năng nhất tiến bộ mỗi năm.
90
Niềm tin đó chịu khuất phục hoàn cảnh chỉ một bước ngắn;
Dân chúng Tingri, hãy suy niệm về những khiếm khuyết của sinh tử.
Trước sự hiện diện của các vị Thầy tâm linh, khi lắng nghe giáo lý của các ngài, bạn có thể nhận ra là việc cảm thấy tin tưởng và xác quyết thì không quá khó. Nhưng tâm bạn không kiên định, niềm tin non nớt của bạn thật mong manh và có thể dễ dàng chịu khuất phục những hoàn cảnh biến đổi của sinh tử. Khi niềm tin dao động, thực hành của bạn sẽ trì trệ.
Vì thế niềm tin cần được nuôi dưỡng, và phương cách tuyệt hảo để nuôi dưỡng và làm nó hồi sinh là suy niệm về lòng bi mẫn và sự tốt lành của các vị Thầy và Giáo Pháp, trong khi so sánh sự toàn thiện đó với bản chất khiếm khuyết của sinh tử. Nếu bạn thâu thập mọi giọt nước mắt bạn đã nhỏ xuống trong những đời quá khứ của bạn, chúng sẽ tạo thành một đại dương bao la. Nếu bạn chất đống mọi tử thi mà bạn từng có – ngay cả những tử thi khi bạn tái sinh làm những con côn trùng – đống tử thi sẽ cao hơn ngọn núi cao nhất. Với sự trợ giúp của những hình ảnh như thế, hãy suy niệm về sự hoàn toàn mù quáng khi đắm mình trong sinh tử, và hãy nỗ lực coi sinh tử như một ngục tù khủng khiếp mà bạn phải cố gắng để thoát khỏi nó.
91
Việc giao du với những người bạn xấu nhất định sẽ làm đạo đức của bạn trở nên tồi tệ;
Dân chúng Tingri, hãy từ bỏ mọi bằng hữu xấu xa.
Như một miếng pha lê, tâm bị tác động bởi môi trường xung quanh. Nhất định là bạn sẽ phản chiếu những phẩm tính và khiếm khuyết của những người bạn tốt hay xấu mà bạn giao kết. Nếu bạn giao du với người ác độc, ích kỷ, thù hằn, cố chấp, và kiêu ngạo, những lỗi lầm của họ sẽ ảnh hưởng đến bạn. Bạn không nên đến gần họ thì tốt hơn.
92
Việc thân cận với những người bạn đức hạnh nhất định sẽ làm cho những phẩm tính tốt lành của bạn sinh khởi;
Dân chúng Tingri, hãy đi theo các vị Thầy tâm linh của bạn.
Việc gần một vị Thầy tâm linh luôn luôn mang lại lợi lạc. Các Đạo sư này giống như những vườn thảo dược, những nơi ẩn náu đầy trí tuệ. Trước sự hiện diện của một Đạo sư chứng ngộ, bạn sẽ nhanh chóng đạt được giác ngộ. Trước sự hiện diện của một học giả uyên bác, bạn sẽ thâu đạt sự hiểu biết lớn lao. Trước sự hiện diện của một thiền giả vĩ đại, kinh nghiệm tâm linh sẽ ló dạng trong tâm bạn. Trước sự hiện diện của một Bồ Tát, lòng bi mẫn của bạn sẽ trở nên rộng lớn, giống như một khúc gỗ được đặt cạnh một khúc cây đàn hương, từng chút một, khúc gỗ này sẽ thấm đẫm mùi đàn hương.
93
Gian trá và dối gạt không chỉ đánh lừa người khác mà cả bản thân bạn;
Dân chúng Tingri, hãy dùng lương tâm của bạn làm nhân chứng.
Như Jetsun Milarepa đã nói: “Không tìm thấy điều gì để trách cứ bản thân là biểu hiện cho thấy giới nguyện của bạn thuần tịnh.” Lương tâm của bạn là nhân chứng tuyệt hảo nhất: nó biết rõ hơn ai hết những ý hướng tốt hay xấu mà bạn có và loại hành động bạn đã làm. Người có thể nói trong niềm tin tốt lành: “Tôi đã làm hết khả năng của mình,” là người có một tâm thức mãn nguyện và tĩnh lặng.
Hãy là người phán quyết những lỗi lầm của bạn chứ không phải lỗi lầm của người khác. Chỉ có một vị Phật mới thấu suốt các động lực sâu xa của người khác. Hãy khảo sát bản thân để xem bạn có thực sự sống hòa hợp với Pháp hay không. Lòng sùng mộ bị cảm tính sai xử, sự tôn kính hình thức bên ngoài, lòng bi mẫn cạn cợt, và sự xả ly (từ bỏ) giả tạo không phải là những phẩm tính của một hành giả đích thực. Sống hoàn toàn mâu thuẫn với Pháp trong khi duy trì một bề ngoài không chê vào đâu được là điều có thể xảy ra.
94
Dối gạt sinh ra từ vô minh là con quỷ mang-tai họa tệ hại nhất;
Dân chúng Tingri, hãy giữ chặt sự tỉnh giác và chánh niệm của bạn.
Vô minh là nguyên nhân đầu tiên của việc chúng ta lang thang trong sinh tử. Thực ra, mọi chúng sinh, ngay cả con côn trùng nhỏ bé nhất, cũng thấm đẫm Phật tánh, như mọi hạt mè đẫm ướt chất dầu. Nhưng khi chúng sinh không nhận biết về chân tánh của họ, những hình tướng khác biệt mà các ngăn che sử dụng sẽ khiến cho họ đau khổ. Vô minh là như thế.
Vô minh khiến bạn tin vào sự thực có của bản ngã của bạn và sự thực có của các hiện tượng. Nó dẫn đến sự tham muốn và thù ghét, và khiến cho dòng cảm xúc bắt nguồn từ đó. Đó là cách sự mê lầm sinh tử bắt đầu. Được neo chặt trong tâm thức bạn, nó hủy hoại bạn, như một tinh linh xấu ác chỉ mang lại sự hư hoại và hủy diệt. Trong luận thuyết Bồ Tát Hạnh,12 Shantideva đã chỉ rõ làm thế nào những cảm xúc tiêu cực đã tác hại chúng ta một cách ghê gớm suốt vô số cuộc đời trong quá khứ. Vì thế, chính sự tham muốn và sân hận là những gì ta phải đối kháng và chúng không phải là những kẻ thù tầm thường của ta, bản thân chúng ta là nạn nhân khốn khổ của những cảm xúc mạnh mẽ của chúng.
Không kẻ thù tầm thường nào, dù hung ác đến đâu, có thể làm hại ta quá một đời này. Nhưng các cảm xúc là những kẻ thù ghê gớm hơn, và tự xa xưa, chúng đã từng làm hại bạn. Chúng không bao giờ ngừng thúc đẩy bạn hành động sai trái, và vì thế khiến cho bạn vô cùng đau khổ.
Giờ đây, với sự trợ giúp của vị Thầy tâm linh, cuối cùng thì bạn có thể nhận ra kẻ thù đích thực của bạn. Hãy vung lưỡi kiếm trí tuệ siêu việt và hủy diệt con quỷ bám luyến vào cái “ta” và vào thực tại của các hiện tượng.
95
Nếu bạn không bám chặt vào ba hay năm độc, con đường đã cận kề;
Dân chúng Tingri, hãy phát triển những cách đối trị mạnh mẽ chống lại chúng.
Đáng buồn là tâm thức chúng ta bị khống chế bởi năm độc – tham lam, sân hận, si mê, ganh tị và kiêu mạn. Hãy nhìn xem sự sân hận đã thúc đẩy người ta giết hại lẫn nhau, và các quốc gia lao vào một cuộc chiến tranh ra sao. Chừng nào mà bạn còn thả lỏng những cảm xúc mạnh mẽ của mình thì chúng sẽ còn thống trị bạn. Nhưng khi bạn phân tích chúng một cách cẩn trọng bằng cách truy cứu tận nguồn mạch của chúng, chúng sẽ biến mất. Những cảm xúc phiền não ấy giống như những đám mây bão cuồn cuộn, nhìn bên ngoài thì rất hùng vĩ nhưng khó có thể chạm vào trong. Tóm lại, những cảm xúc phiền não chỉ có năng lực mà bạn trao cho chúng. Thay vì cứ đắm chìm trong những phiền não đó, hãy giũ sạch chúng một lần và mãi mãi, và khi đó giải thoát sẽ ở gần bạn.
Để thành công, bạn sẽ phải lập một quyết định mạnh mẽ. Nếu không, các giáo huấn của vị Thầy bạn sẽ không thể giúp đỡ gì nhiều cho bạn, và thực hành của bạn sẽ chẳng đi đến đâu. Vị Thầy có thể đưa bạn đến giác ngộ, nhưng không thể ném bạn đến đó như ném một viên đá vào không trung. Ngài chỉ rõ con đường cho bạn, nhưng bạn có nhiệm vụ phải đi theo con đường đó. Bởi những cảm xúc của bạn có đủ mọi quyền lực, bạn phải đương đầu với chúng bằng những cách đối trị cũng mạnh mẽ như thế. Để tống khứ một loại cây độc hại, bạn phải nhổ bật gốc nó. Chỉ xén bớt một ít cành thì không đủ. Cũng thế, trừ phi bạn bứng gốc những cảm xúc, chúng sẽ mọc trở lại và còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
96
Nếu sự kiên trì của bạn không mạnh mẽ, bạn sẽ không đạt được Phật quả;
Dân chúng Tingri, hãy đoan chắc rằng bạn mặc áo giáp kiên trì đó.
Tinh tấn là sinh lực của thực hành tâm linh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật nhờ kiên trì trong ba kiếp, và ngài tái sinh làm một đại đế bảy mươi mốt lần, hy sinh tất cả để thọ nhận Giáo Pháp. Kết quả của công đức mà ngài thâu thập được nhờ những nỗ lực này là năng lực gia hộ phi thường của ngài.
Cũng chính nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ mà Jetsun Milarepa, gương mẫu lý tưởng của hành giả quyết tâm, và tất cả những Đạo sư chứng ngộ vĩ đại khác đã có thể đạt được giác ngộ. Một thiền giả không thể tinh tấn thì giống như một vị vua không có những người cận vệ, dễ làm mục tiêu cho những kẻ thù của ông, là sự lười biếng và những cảm xúc tiêu cực. Trận chiến giải thoát hầu như thất bại. Hãy mặc áo giáp tinh tấn không chút chậm trễ, và chiến đấu chống lại sự biếng nhác.
97
Các tập khí, là những người quen cũ, vẫn tiếp tục quay trở lại;
Dân chúng Tingri, đừng tiếp tục đuổi theo quá khứ.
Những tập quán xấu thật mạnh mẽ và nguy hiểm: mạnh mẽ là bởi chúng bắt rễ trong vô số cuộc đời quá khứ, và nguy hiểm là bởi dưới một bề ngoài hấp dẫn, chúng có thể đưa bạn đến sự điêu tàn. Ngược lại, khi bạn còn là một người sơ học trong việc thực hành tâm linh thì những tập quán tốt lành của bạn thật rụt rè và yếu ớt.
Nhờ lòng tốt của vị Thầy của bạn, những chồi non của niềm tin, nhiệt tâm, và kiên trì đã bắt đầu nhú lên trong tâm bạn. Nhưng chúng có thể bị hoàn cảnh khắc nghiệt bên ngoài làm tổn hại. Như một tân binh thiếu kinh nghiệm phải đối mặt với một lính viễn chinh thiện xảo nhiều mưu mẹo, những tập quán tốt không phải là đối thủ của những tập quán xấu. Như trong quá khứ, rất có thể là bạn sẽ tiếp tục tích tập của cải, ưu ái những người thân thiết với bạn trong khi lấn lướt các đối thủ và v.v.., như bạn đã làm trong những đời trước. Như thế bạn tiếp tục bị vướng kẹt trong những hoạt động vô ích không bao giờ chấm dứt.
Nếu bạn thiếu sự cảnh giác và tiếp tục chịu khuất phục những tập quán xấu của bạn, có thể bạn đã từng thọ nhận mọi giáo huấn cần thiết để đạt được giải thoát, nhưng bạn sẽ đi qua đời sau với bàn tay không và tràn đầy hối tiếc – như một thương gia cẩu thả bán đi một món gia bảo vô giá để nhận một số tiền tầm thường và sau đó bị phá sản. Chỉ bằng cách tu tập liên tục, bạn sẽ có được sự kiên cố trong việc thực hành và có thể đối mặt những khuynh hướng tiêu cực của bạn với sự xác quyết và an định.
98
Nếu sự hiểu biết và chứng ngộ của bạn yếu ớt, hãy cầu nguyện vị Thầy,
Dân chúng Tingri, và thiền định sâu xa sẽ sinh khởi trong bạn.
Đôi khi bạn mất can đảm: việc thực hành của bạn không tiến triển, và bạn lo ngại là nó sẽ chẳng bao giờ trở nên kiên cố. Dường như chẳng có gì là đúng đắn, và bạn tự hỏi nếu bạn chuyển sang thực hành khác thì tiến bộ có nhanh chóng hơn không. Trong những giây phút hoài nghi và do dự này, nếu một lòng sùng mộ sâu xa và khao khát đối với Đạo sư tuôn trào từ tận đáy lòng bạn, các chướng ngại ngăn trở bạn sẽ tan biến và việc thực hành của bạn sẽ tràn trề sinh lực. Niềm tin và lòng sùng mộ không thể lay chuyển như một chiếc kính lúp có thể tập trung những tia nắng mặt trời và dễ dàng làm bốc cháy một đống cỏ khô.
Sự tiến bộ thực sự trên con đường đến từ những gia hộ của Đạo sư, và những gia hộ này rạng ngời nhờ lòng sùng mộ. Hầu hết các vị Thầy vĩ đại trong quá khứ đã đạt được chứng ngộ nhờ lòng sùng mộ đối với Đạo sư của các ngài. Chẳng hạn như lòng sùng mộ của một số đệ tử của Đức Gampopa to lớn đến nỗi họ đã chứng ngộ bản tánh của tâm chỉ nhờ hướng mắt nhìn ngọn núi nơi Dagla Gampo sinh sống.
99
Nếu bạn khát khao hạnh phúc trong tương lai, hãy chấp nhận những thử thách trong hiện tại,
Dân chúng Tingri – khi ấy Phật quả ở ngay đây, ngay bên cạnh bạn.
Làm sao biết được loại hiện hữu nào bạn sẽ gặp sau cuộc đời này? Vào lúc này, có thể bạn thấy khó khăn khi phải chịu đựng sự đói, khát, nóng hay lạnh, nhưng nếu so với những đau khổ mà bạn phải đối mặt trong những đời sau thì những điều này chỉ là những khó khăn không đáng kể. Từ giờ trở đi, hãy chuẩn bị để đạt được hỉ lạc bất biến của sự giải thoát bằng cách thực hành Pháp.
Nếu bạn không quan tâm đến viễn cảnh của những đời sau – hay thậm chí hoài nghi rằng liệu có những trạng thái hiện hữu nào khác ngoài cuộc đời hiện tại này không – và bám chặt vào những mục tiêu tầm thường, bạn sẽ phí phạm năng lực của bạn và mọi tiềm năng quý giá của đời người. Nếu bạn chân thành hiến mình cho Phật quả thì nó không ở quá xa. Nó ở trong bạn. Nó ở đây và lúc này, sự tươi trẻ nguyên sơ của giây phút hiện tại. Nó là phẩm tính bẩm sinh của mỗi một và mọi chúng sinh.
Người giàu có đầu tư vốn liếng khiến thịnh vượng tăng trưởng, trong khi người keo kiệt tích trữ tiền của và chẳng được lợi lạc gì. Phật tánh là kho báu tự nhiên của bạn. Bạn có nhiệm vụ phải làm mình phát đạt với kho báu đó.
100
Đạo sư Ấn Độ già nua này sẽ không ở Tingri, ông ta sẽ ra đi.
Dân chúng Tingri, bây giờ là lúc bạn phải làm sáng tỏ những hoài nghi của mình.
Padampa, acharya (Đạo sư) Ấn Độ già nua, đã cảnh báo các đệ tử của ngài rằng cuộc đời của ngài có giới hạn. Bạn cũng nên nhận được lợi lạc từ cuộc gặp gỡ chóng tàn của Đạo sư và đệ tử, để thọ nhận giáo huấn và quét sạch những hoài nghi của bạn.
101
Bản thân ta đã thực hành không phóng dật.
Dân chúng Tingri, bạn cũng nên noi theo gương mẫu của ta.
Khi đã từ bỏ mọi hoạt động thế gian, Padampa Sangye đã đạt được những thành tựu thông thường và phi thường của Kim Cương Thừa. Ngài đã chứng ngộ bản tánh tối thượng của tâm và có thể làm lợi lạc vô số chúng sinh. Ngài đã siêu vượt mọi phóng dật và mê lầm. Một trăm bài kệ khuyên dạy này là sự biểu lộ của chứng ngộ thâm sâu của ngài. Nếu bạn đang theo đuổi sự chuyển hóa tâm linh, hãy lấy cuộc đời của các bậc chứng ngộ trong quá khứ làm khuôn mẫu. Nếu bạn noi theo gương mẫu của Padampa Sangye, chắc chắn là bạn có thể đạt được mức độ chứng ngộ của ngài. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào những nỗ lực của bạn. Cầu mong ước nguyện đó ngập tràn tâm thức bạn!
Như thế chấm dứt Một Trăm Lời Khuyên dạy, di chúc của Padampa Sangye cho dân chúng Tingri.