CHƯƠNG I. DẪN NHẬP: CON ĐƯỜNG NĂM NHÁNH
Mahamudra (Đại Ấn) là gì? Đó là Phật tánh, tâm nền tảng trong mọi chúng sinh. Thấu suốt nó là thấu suốt chân tánh của tất cả các hiện tượng, và thể nhập nó là trở thành một vị Phật, là một với tất cả các phẩm tính của Đức Phật. Phật tánh, Đại Ấn, thì luôn luôn có ở đó, nhưng với những người ngoảnh mặt đi với nó thì nó vẫn là một bí mật. Để phát hiện nó, khám phá nó, ta cần phải thực hành và có sự dẫn dắt của một vị Thầy tâm linh thực sự.
Các thực hành chuẩn bị của con đường năm nhánh phát triển sự tái định hướng, sự tịnh hóa, và sức mạnh cần yếu cho việc thực hành Mahamudra. Các thực hành thực sự chính là con đường dẫn tới sự Giác ngộ.
Các thực hành chuẩn bị tổng quát gồm bốn điều: sự quy y cứu thoát chúng ta khỏi các con đường lầm lạc; thực hành Vajrasattva loại bỏ các chướng ngại trên con đường; cúng dường mạn đà la đem lại năng lực mạnh mẽ; và sự sùng mộ Guru (Đạo sư) đem lại những gia hộ khiến ta có đủ năng lực để theo đuổi con đường.
Quy y là thực hành chuẩn bị quan trọng nhất, bởi không có nó ta sẽ không thực hiện nghiêm túc các thực hành khác. Quy y là tự định hướng một cách kiên định trên con đường dẫn tới Phật Quả và từ bỏ vòng luân hồi sinh tử. Để làm điều này, ta phải thực sự thấu hiểu luân hồi sinh tử – samsara – là một trạng thái lầm lạc và đau khổ không thể tránh khỏi; sau đó ta sẽ khảo sát làm thế nào tự giải thoát mình khỏi nó.
Bản thân chúng ta không biết phải làm thế nào. Thông thường chúng ta miệt mài nỗ lực để được thoải mái trong sinh tử, bởi ta biết nó và bị trói buộc vào những kinh nghiệm lạc thú của nó. Khi ta quyết định tự định hướng lại, ta phải nương cậy vào các giáo huấn của người đã từng thực hành nó, là người từng du hành trên con đường dẫn tới Giác ngộ. Vì vậy chúng ta quy y Tam Bảo: Phật, là đấng Đạo Sư; Pháp, là các giáo lý của Ngài; và Tăng đoàn, cộng đồng tâm linh.
Sự từ bỏ luân hồi sinh tử không chỉ có nghĩa là nghiên cứu Giáo Pháp và khảo sát sự Giác ngộ; ta có thể hiểu biết Giáo Pháp một cách lý trí mà không thấu suốt sâu xa. Sự thấu suốt đến từ bốn “nền tảng thông thường”: thiền định về lẽ vô thường, thiền định về nhân và quả, thiền định về các phiền não của sinh tử, và thiền định về sự quý báu và hi hữu của đời người. Giờ đây đang có được một thân người, chúng ta có thể khởi hành trên con đường dẫn tới Phật Quả; đây là một cơ hội cần phải nắm bắt.
Những nền tảng này được gọi là bốn cách chuyển tâm, xoay chuyển nó khỏi luân hồi sinh tử. Không có những thiền định này thì việc quy y của một hành giả sẽ không đầy đủ. Ta cần thấu suốt rõ ràng bản tánh của sinh tử và sau đó kiên quyết tự hướng mình tới Giác ngộ; bằng cách này ta tiến tới gần con đường.
Để đạt được Giác ngộ, ta cần tích tập trí tuệ và lòng bi mẫn, là hai sự tích tập; khi chúng đã hoàn hảo thì ta sẽ có khả năng thể nhập bốn thân của một vị Phật. Việc phát triển trí tuệ và lòng bi mẫn không phải là một việc dễ dàng – nó đòi hỏi rất nhiều sức mạnh. Và sức mạnh này có được là nhờ các thực hành chuẩn bị: thực hành Vajrasattva, cúng dường mạn đà la, và Guru yoga. Các thực hành này mang lại sự tịnh hóa, sự củng cố, và những gia hộ đầy năng lực đặc biệt.
Thực hành Vajrasattva quét sạch những chướng ngại trên con đường. Tâm căn bản giống như một tấm gương, nó không thể phản chiếu các đối tượng khi nó dơ bẩn; khi gương được lau chùi kỹ lưỡng, nó có thể phản chiếu thật rõ ràng bất kỳ đối tượng nào. Tâm căn bản của tất cả chúng sinh chính là Phật tánh, nhưng nó bị bụi bặm của luân hồi sinh tử che phủ. Thiền định Vajrasattva là một thực hành tịnh hóa thật mãnh liệt.
Cúng dường Mạn đà la là một phương cách để phát triển và duy trì trí tuệ (chứng ngộ Mahamudra) và lòng bi mẫn (Bồ Đề tâm sâu xa). Ước muốn sâu xa chính mình và tất cả chúng sinh có thể đạt được Giác ngộ, chúng ta cúng dường mạn đà la – tượng trưng toàn thể vũ trụ – lên các đấng Giác ngộ tràn đầy lòng bi mẫn và trí tuệ. Chúng ta hiến tặng tất cả, bản thân ta và mọi sự. Việc cúng dường này giúp ta cắt đứt sự bám chấp và tham luyến cuộc đời này. Hơn nữa, công đức ta có được nhờ việc cúng dường mạn đà la cho ta sức mạnh nuôi dưỡng Bồ Đề tâm.
Guru yoga ban tặng những gia hộ. Đạo sư là điển hình, khuôn mẫu. Nếu chúng ta nhìn Đạo sư như con người bình thường thì tâm ta sẽ vẫn ở trong trạng thái bình phàm, nhưng nếu ta nhìn ngài như Đức Vajradhara, ta sẽ nâng tâm thái của chúng ta lên. Việc coi Đạo sư như Vajradhara là một phương cách hợp nhất tâm ta với trạng thái Vajradhara. Nhờ nghĩ tưởng Đạo sư là Đức Vajradhara, chúng ta nhận được những gia hộ khiến bản thân ta thành tựu trạng thái đó. Khi chúng ta coi Đạo sư như bậc có lòng bi mẫn và sự minh triết thì năng lực lòng sùng mộ của ta diệt trừ những sự bất quyết trong tâm ta; đây là điều mà chúng ta gọi là sự gia hộ của Đạo sư. Quả thực Đạo sư phải có các phẩm tính tốt đẹp và những chứng ngộ; nhưng năng lực quan trọng trong pháp Guru yoga là năng lực của hành giả – sự kính ngưỡng và biết ơn của đệ tử.
Khi bạn thực sự nghiên cứu và thực hành, một vài kinh nghiệm hé nở trong tâm bạn, và cùng với nó là một sự xác tín và hoan hỷ không thể diễn tả được. Khi điều này xảy ra, bạn cảm nhận một lòng sùng mộ chân thật không chút gắng gượng. Đây là lòng sùng mộ không đơn thuần xuất phát từ đức tin vào Đạo sư mà từ kinh nghiệm riêng của ta, và nó là kinh nghiệm của Guru yoga đích thực. Với lòng sùng mộ sâu xa này, ta nhận được bốn quán đảnh, chúng đem lại các sự ban phước đặc biệt khiến ta khai triển bốn Phật Thân.
Các thực hành chuẩn bị đặc biệt là sự vun trồng lòng từ và bi, một tâm thức thật dịu dàng ước muốn tất cả chúng sinh có thể được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ. Việc phát triển hai đức tính này là cần thiết, nhưng chỉ như thế thì không đủ. Ta phải làm gì để mang lại hạnh phúc cho chúng sinh? Một người vô minh không thể giúp đỡ gì được. Vì thế chúng ta phải trở nên thông tuệ, phải đạt được Giác ngộ. Để đạt được mục đích đó, chúng ta cần đi theo một con đường toàn hảo; và Mahamudra (Đại Ấn) là con đường như thế.
Chúng ta bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng một tâm thức mạnh mẽ ước muốn thành tựu Giác ngộ vì lợi lạc của những người khác; tâm đó là Bodhichitta (Bồ đề tâm). Không có nó thì mọi thực hành đều vô ích; có nó, thành tựu cuối cùng - sự Giác ngộ - là điều chắc chắn. Phương cách duy nhất để phát triển lòng từ, bi, và Bồ đề tâm là sự quan tâm sâu sắc tới chúng sinh; nếu họ không hiện hữu thì tình thương (lòng từ) sẽ vẫn là một điều bí ẩn. Vì thế, rõ ràng là sự Giác ngộ của riêng ta tùy thuộc vào chúng sinh: không có họ để thương yêu thì ta không thể tiến bộ trên con đường.
Bồ đề tâm, thực hành cuối cùng trong các thực hành chuẩn bị, đồng thời là thực hành đầu tiên của năm thực hành thực sự: Bồ đề tâm, thực hành Yidam (Bổn Tôn), Guru yoga, Mahamudra, và hồi hướng.
Nhờ thực hành yidam (Bổn Tôn du già) ta thể nhập mọi phẩm tính của Đức Phật nơi chính mình. Phật tánh – cốt tủy của tất cả chúng sinh – được nói rằng thực sự là một điều bí mật. Đức Phật đã giảng dạy về sự bí mật đó: trong việc thiền định, ta trở thành một với Yidam Bổn Tôn, để nhận ra bản tánh của Bổn Tôn nơi bản thân ta. Đó là điều bí mật của Tantra (Mật điển) và lý do tại sao thực hành Bổn Tôn được gọi là cốt tủy của Mật thừa. Bạn đang chuyển hóa trạng thái bình phàm của bạn thành trạng thái thuần tịnh, quán tưởng chính mình và tất cả chúng sinh – toàn thể vũ trụ – như được chuyển hóa thành các vị Phật trong một cõi Phật.
Guru yoga (Đạo sư du già) được gọi là cốt tủy của sự hiểu biết, trí tuệ đưa ta tới sự Giác ngộ; sự hiểu biết đó được thọ nhận từ Đạo sư. Pháp yoga này có hai cấp độ. Thực hành chuẩn bị của Guru yoga là sự nuôi dưỡng lòng sùng mộ bằng cách nhìn vị Thầy của ta như Đức Vajradhara. Trong thực hành thực sự của Mahamudra, Guru yoga là sự an lập trong dòng tương tục những nguyên nhân của chính mình để thể nhập bốn thân của một vị Phật.
Mahamudra (Đại Ấn) thì vượt trên tư tưởng và ngay cả vượt xa chữ nghĩa nữa – nó phi thường và không thể diễn bày. Nó là sự Giác ngộ, tâm căn bản thuần tịnh, cốt tủy của ý nghĩa, bản tánh chân thật, tánh Không. Tất cả những cách diễn đạt này nhằm để chỉ một mặt trăng mà đệ tử không thể nhận ra. Những bậc đã chứng ngộ Mahamudra biết rằng nó có thể được thực hiện; và, để gợi lên ý nghĩa của sự chứng ngộ đó, các ngài nói về sự hợp nhất của tánh Không và sắc tướng, của hình tướng thuần tịnh và tánh Không, của sự tương đối và tuyệt đối.
Chứng ngộ sự hợp nhất này là chứng ngộ Mahamudra, nhưng việc mô tả nó đòi hỏi tính nhị nguyên của tư tưởng. Các Đạo sư nói đến việc an trụ tâm ta vào tánh Không, vào sự bất nhị; các ngài không thể truyền đạt kinh nghiệm của các ngài về điều này, nhưng các ngài có thể dẫn dắt thực hành thiền định của đệ tử hướng đến kinh nghiệm đó. Tánh Không là bản tánh chói ngời của tâm – chứ không phải là sự bận rộn suy nghĩ thường trực của nó. Với một người sơ học, ‘vô niệm’ chỉ có nghĩa là một cái đầu trống rỗng, nhưng đó không phải là cái mà tác giả nói tới. Bản tánh chói ngời này của tâm là cái gì vượt lên sự nhị nguyên và bất nhị.
Đối với các người sơ học, Đạo sư chỉ rõ Mahamudra, cái thấy về tánh Không, nhờ những lý luận Trung đạo được đặt nền trên các giáo lý của Nagarjuna (Long Thọ Bồ tát). Các đệ tử sẽ hiểu biết trên căn bản của giáo huấn, nhưng tuy thế họ sẽ không thấu suốt. Họ phải thực hành, phải làm việc để khám phá Phật tánh trong bản thân họ.
Ngài Kunga Rinchen chỉ rõ rằng samsara (luân hồi sinh tử) và Mahamudra là một; thông thường chúng ta nghĩ rằng chúng là hai điều khác biệt, một cái thật khủng khiếp và cái kia thì tuyệt vời. Khi chưa giác ngộ, đệ tử cảm thấy sự Giác ngộ thì khác biệt và cách xa; nhưng thực ra nền tảng và mục đích là một. Luân hồi sinh tử không phải là cái gì tách biệt với sự Giác ngộ, nó không xa rời Phật tánh.
Chúng ta cho rằng mình bị mắc cạn trong sinh tử và cần phải đi tới một nơi nào khác, nhưng đó là một hiểu biết sai lầm. Nghĩ rằng chúng ta phải khám phá tánh Không để đương cự lại các phiền não, chúng ta thiết lập một sự phân cực, một sự đối kháng giữa chúng. Nhưng nếu làm thế, chúng ta có thể rơi vào lỗi lầm là đơn thuần khước từ nghĩ tưởng về các phiền não và thay vào đó suy nghĩ về tánh Không. Đó không phải là điều được tìm kiếm. Người ta cần nhận ra rằng mọi hiện tượng – và cả các phiền não nữa – có bản tánh của tánh Không; chúng không tách biệt với tánh Không.
Mahamudra chính là những sự vật như chúng là, chân tánh của các hiện tượng. Khi Đạo sư chỉ rõ Mahamudra, ngài đang biểu thị điều Đức Phật đã dạy; những gì Đức Phật giảng dạy chỉ là như thế. Nói rằng lửa thì nóng không có nghĩa là chấp nhận hay bác bỏ nó – khi sức nóng đã được kinh nghiệm, nó được thấu hiểu. Cũng thế, Mahamudra là cách các sự vật là; việc kinh nghiệm nó siêu vượt bất kỳ sự khẳng định nào.
Hồi hướng là sự bắt đầu và chấm dứt của việc thực hành; sự nghiên cứu và làm việc của chúng ta không phải để dành cho bản thân ta. Gốc rễ của đức hạnh ở trong chúng ta - Phật tánh - thì giống như một giọt nước: một mình nó, nó sẽ khô đi và biến mất, nhưng nếu chúng ta đổ giọt nước vào đại dương thì nó sẽ không bao giờ khô cạn. Vì thế, nếu chúng ta hồi hướng giọt đức hạnh của chúng ta vào đại dương trí tuệ thì nó sẽ thêm vào đại dương mãi mãi, giúp đỡ mọi chúng sinh thành tựu Giác ngộ.
Minh giải chuỗi ngọc của con đường năm nhánh sâu xa của Kunga Rinchen
Dẫn nhập
Namo guru. Kính lễ Đạo sư. Con cung kính đảnh lễ ngài, bậc là Thân Thứ Tư, thực thể của Đức Vajradhara vĩ đại, đấng toàn khắp, hợp nhất trong một thân của Ba Thân.
Từ vô thủy, Pháp Thân là thân sâu xa, tánh Không trong sáng, không được tạo tác và không có hiện hữu bẩm sinh.
Thân Hỷ Lạc Viên mãn Chiến Thắng (Báo Thân), có chín trạng thái tuyệt hảo, là sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn, hoàn toàn thanh tịnh, không chút lỗi lầm của tư tưởng nhị nguyên.
Hóa Thân đa dạng mang lại trái quả và sự giải thoát của chúng sinh trong mọi cõi giới, sử dụng mọi dòng truyền thừa của Đức Phật, sử dụng bất kỳ hình thức nào sẽ mang lại lợi lạc cho chúng sinh.
Bốn giá trị chân thực là: các giáo lý của Đấng Chiến Thắng, các luận giảng, những chứng ngộ của các yogi (hành giả), và sự duyên-sinh. Cốt tủy của Phật Pháp có thể được biểu lộ bằng sự phác họa bốn giá trị này.
Trước tiên, con đường năm nhánh sẽ được giảng giải và làm cho rõ ràng thật hoàn hảo, giống như giáo lý của Đức Phật. Như Đức Jigten Sumgön lược kê chúng: “Năm phương diện của con đường này là Bồ Đề tâm, Yidam (Bổn Tôn), Guru (Đạo sư), Mahamudra (Đại Ấn) và sự hồi hướng.” Giáo lý này được gọi bằng nhiều tên: những bài kệ kim cương về con đường năm nhánh; bài ca chứng ngộ của con đường năm nhánh; ngữ bí mật của con đường năm nhánh; đôi cánh xám của con đường năm nhánh; và đưa ra một kiểu mẫu của con đường năm nhánh. Trong Cốt tủy của những Giáo lý Đại Thừa, vị thiện tri thức vĩ đại, học giả Drukyamo, đã gọi con đường này là “giáo lý thanh tịnh tối hậu của đấng Thiện Thệ.”
Ngài Drukyamo cũng viết:
Ta phải suy tưởng trong cô tịch về các giáo lý có được nhờ lòng tốt của Đạo sư; ta phải vun trồng bốn thực hành – sinh lực của con đường, nó ngăn ngừa các giáo lý khỏi bị suy hoại; và ta phải tu tập năm thiền định, là kết quả. Đồng thời, những thực hành này bao gồm ý nghĩa trọn vẹn của các giáo lý của Đức Phật.
Huấn thị này phát khởi từ các giáo lý giá trị của Đấng Chiến Thắng. Có nói rằng ba dòng truyền thừa được kết hợp lại với nhau; điều này có nghĩa là trong ba bánh xe giáo lý (ba Pháp luân) của Đức Phật – đấng Đạo Sư toàn hảo – là Pháp luân của ý nghĩa thiết yếu và từ Pháp luân này mà cốt tủy được rút ra – là mười kinh điển.
Trong Uttaratantra của Đại Thừa, bảy chủ đề kim cương được giảng giải:
Từ Đức Phật hình thành giáo lý;
Từ giáo lý hình thành giáo hội những Bậc Siêu việt;
Từ giáo hội, yếu tố trí tuệ cốt tủy được thành tựu.
Sự thành tựu của trí tuệ này là sự thành tựu của trạng thái giác ngộ tối hậu.
Đây là ý nghĩa của con đường năm nhánh: Ta phải nhận lãnh những giáo huấn cốt tủy từ Đạo sư. Ta phải suy tưởng trong sự cô tịch về những giáo huấn đó. Sau đó, ta phải thực hành bốn suy niệm, bốn thực hành, và năm thiền định.
Một lần nữa, ngài Drukyamo nói trong tác phẩm Tự Luận giải của ngài:
Như ánh sáng mặt trời xuyên thủng sương mù, hãy cắt đứt những áp đặt bên ngoài bằng phương tiện của bốn sự thấu suốt. Nhờ phương tiện của bốn suy niệm, hãy quét sạch những khiếm khuyết của cái bình (tâm thức) cho đến khi nó thanh tịnh như chất cam lồ. Nhờ phương tiện của bốn sự thực hành, giống như thuật giả kim trong năng lực chuyển hóa của chúng, hãy hoàn thành mục đích của giáo lý. Nhờ phương tiện của năm thiền định, nhằm mục đích đạt được kết quả, hãy thâu thập ý nghĩa của giáo lý.
BỐN SỰ HIỂU BIẾT
Bốn sự hiểu biết là: cội gốc của con đường, là sự chú tâm tới Đạo sư; cách chú tâm tới Đạo sư; cách làm vui lòng Đạo sư; lắng nghe lời dạy của Đạo sư, suy tưởng và thiền định về những lời dạy này.
BỐN ĐIỀU SUY NIỆM
Đây là những điều được suy niệm: cách đối trị với sự tham luyến vào đời này – suy niệm về lẽ vô thường; cách đối trị với hoạt động hướng đến điều xấu và đối trị sự lười biếng – suy niệm về sự hi hữu khi được thuận lợi và may mắn; cách đối trị tham đắm vào những hoan lạc của đời sống – suy niệm về các khiếm khuyết của luân hồi sinh tử; và như một phương cách để có được một cuộc đời có ý nghĩa – suy niệm về các lợi lạc của sự giải thoát.
BỐN THỰC HÀNH
Đây là bốn điều được thực hành: thực hành quy y, nhờ sự quy y; thực hành giải thoát cá nhân; thực hành Bồ đề tâm; và thực hành Mật Thừa.
NĂM THIỀN ĐỊNH
Có năm thiền định: tu tập về các nguyên nhân chính của Phật quả – lòng từ, lòng bi, và Bồ Đề tâm; thiền định về Yidam (Bổn Tôn), cốt tủy của Mật thừa; thiền định về Đạo sư, cốt tủy của các phẩm tính tốt đẹp; thiền định về Mahamudra (Đại Ấn) cốt tủy của ý nghĩa; và thực hành hồi hướng, cốt tủy của kết quả.
Khi nắm vững các giáo huấn cốt tủy đối với những sự hiểu biết, suy niệm, thực hành và thiền định ở trên, ta sẽ đi vào các thực hành chuẩn bị, sau đó tới các thực hành thực sự, và rồi tới các thực hành kết thúc.