CHƯƠNG IV. CÁC THỰC HÀNH KẾT THÚC
Hồi hướng
Ta cần nguyện ước mãnh liệt và thực hiện hồi hướng. Đức Gampopa nói:
Tôi không phải là người không tích tập giới đức; nhưng giới đức của tôi bị tiêu mòn chỉ vì tôi không hiểu rõ phương pháp hồi hướng.
Và Đức Phật nói trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa:
Sau khi phát khởi từ thời khóa thiền định đó, hãy thực hiện các thực hành giới đức không lỗi lầm; sau đó hồi hướng công đức do các thực hành của con cho việc thành tựu sự giác ngộ cao nhất vì chúng sinh. Nếu con thực hiện sự hồi hướng này thì không đức hạnh nào trong ba cõi có thể sánh kịp.
Ta phải thực hành hồi hướng. Đức Jigten Sumgön nói:
Nếu viên ngọc như ý của hai tích tập
Không được nguyện ước của bạn đánh bóng,
Bạn sẽ không đạt được mục đích;
Vì thế, hãy chú tâm tới sự hồi hướng quyết định này.
HỒI HƯỚNG DAKORMA
Hãy quán tưởng trong không gian trước mặt bạn một quang cảnh thanh tịnh với những con sư tử, pháp tòa quý báu v.v.. trên đỉnh của chúng là Đạo sư và các Bổn Tôn, chư Phật và chư Bồ tát, các Daka, Dakini và các Hộ Pháp.
Hãy khéo nuôi dưỡng động lực thanh tịnh, phát triển tâm vị tha. Hãy gợi lại các đối tượng của sự chấp thủ – các giới đức được tích tập trong ba thời và gốc rễ của giới đức bẩm sinh (Phật tánh, Tathāgatagarbha) của tất cả chúng sinh – và sau đó hãy hồi hướng tất cả những giới đức này cho việc thành tựu sự Giác ngộ tối thượng vì tất cả chúng sinh.
Sự thích đáng của việc hồi hướng Giới Đức bẩm sinh
Có một số người tranh luận rằng không thích đáng khi hồi hướng giới đức bẩm sinh. Tuy nhiên, sự xứng đáng của việc hồi hướng đó có thể được biểu lộ trong ba cách: bởi lời Phật thuyết, bởi lý lẽ, và bởi các giáo huấn tinh túy.
i. Lời Phật thuyết về sự hồi hướng giới đức bẩm sinh. Đức Phật nói: “Hồi hướng mà không có đối tượng của sự chấp thủ – đó là hồi hướng vô thượng.” Ngài cũng nói:
Hồi hướng mà có sự khái niệm hóa (khái niệm về ba phạm vi tác nhân, hành động và đối tượng) không phải là hồi hướng siêu phàm. Hồi hướng mà không có khái niệm hóa là hồi hướng siêu phàm. Thực hiện một hồi hướng với khái niệm hóa thì giống như ăn thực phẩm tốt lành có trộn lẫn thuốc độc. Thực phẩm tốt lành tượng trưng cho giới đức, chất độc tượng trưng cho khái niệm về ba phạm vi. Sự chấp thủ các hiện tượng – ngay cả hiện tượng đức hạnh – thì giống như ăn thực phẩm trộn lẫn với chất độc.
Trong Kinh Bổn Tôn Dược Sư, Đức Phật nói: “Nhờ năng lực của Pháp tánh vô cùng thanh tịnh không thể nghĩ bàn, cầu mong điều ta ước nguyện được xảy ra; cầu mong tất cả chúng sinh được kiến lập trong Phật quả.” Ngài cũng nói về “cội gốc giới đức bẩm sinh, là trí tuệ vô thượng.” Trong tất cả những lời dạy này, Đức Phật đã ám chỉ tới giới đức bẩm sinh.
ii. Lý lẽ về hồi hướng của giới đức bẩm sinh. Có một số người phản đối: “Nếu giới đức bẩm sinh biến đổi (là nguyên nhân của một kết quả), thì hệ quả theo luận lý là cái như thị là một hiện tượng được tạo tác từ những nguyên nhân. Nếu giới đức bẩm sinh không biến đổi, nó không thể sinh ra một hiệu quả; và vì thế sự hồi hướng nó thì vô nghĩa. Nếu sự hồi hướng giới đức bẩm sinh có thể sinh ra một hiệu quả, thì tại sao hành động hồi hướng của Đức Phật nguyên thủy không kết trái vào lúc này?”
Để đáp lại, ta có thể tranh luận: “Nếu sự hồi hướng một đối tượng không bị tạo tác không có hiệu quả, thì nếu ta biểu lộ năng lực của chân lý Như Thị, chân lý đó sẽ trở nên vô hiệu (sẽ không thể sinh ra một hiệu quả) bởi vì nó là một cái không sanh.”
iii. Các giáo huấn tinh túy về hồi hướng giới đức bẩm sinh. Nhiều bậc Đạo sư quý báu đã ban những giáo huấn về cách làm thế nào thực hiện hồi hướng giới đức bẩm sinh.
Các đối tượng được hồi hướng
Các đối tượng được hồi hướng là những giới đức bạn đã tích tập trong ba thời và giới đức bẩm sinh, là Phật tánh của chính bạn.
Những người nhận hồi hướng
Các giới đức này được hồi hướng cho tất cả vô lượng chúng sinh đầy khắp không gian. Đức Phật nói:
Giống như bầu trời không giới hạn,
Số lượng chúng sinh cũng bao la như thế;
Giống như hành động và phiền não của họ không giới hạn,
Những ước nguyện của ta đối với hạnh phúc của họ cũng bao la như thế.
Mục đích của hồi hướng
Tám mối bận tâm thế gian và bốn nguyên nhân của luân hồi sinh tử không phải là các đối tượng để đạt tới. Quả vị Thanh Văn và Độc Giác là những trạng thái của bậc Tiêu diệt Kẻ thù (A La Hán), nhưng ngay cả điều này cũng không phải là đối tượng để đạt tới. Đừng dừng lại ở A La Hán. Cái cần đạt tới là đấng Vajradhara (Kim Cương Trì) vĩ đại, trạng thái hợp nhất của tánh Không và đại lạc.
Vì thế hãy thực hiện sự hồi hướng cùng với trí tuệ cao quý hoàn toàn thoát khỏi ba phạm vi. Người thoát khỏi ba phạm vi, thấu suốt tánh Không của mọi hiện tượng thì không có khái niệm hóa, và không ước muốn kết quả. Những sự tự do này được kết hợp với trí tuệ cao quý không có đối tượng của chấp thủ. Điều này được diễn tả trong chương Hồi Hướng của Cờ Kim Cương:
Nhờ việc con hồi hướng giới đức bẩm sinh của tất cả chúng sinh và giới đức được tích tập do hành vi của mọi chúng sinh trong quá khứ, hiện tại và tương lai, cầu mong tất cả chúng sinh đạt được Phật quả.
Trong khi thực hiện hồi hướng, hãy quán tưởng các đối tượng của sự quy y, là những nhân chứng cho hồi hướng của bạn. Hãy quán tưởng rằng các ngài ở trước mặt bạn, tất cả đều hợp nhất khi yêu cầu việc thực hiện hồi hướng của bạn. Sau đó, hãy đọc bài cầu nguyện hồi hướng dakorma:
Con hồi hướng giới đức bẩm sinh của bản thân con và tất cả chúng sinh, cũng như các giới đức đã tích tập được những gì do chúng con tích tập trong các cõi thế tục và siêu phàm, trong luân hồi sinh tử, và trong Niết bàn. Nhờ năng lực của những giới đức này, cầu mong con và tất cả chúng sinh nhanh chóng đạt được cấp bậc quý báu của Phật quả.
Nhờ thực hiện sự hồi hướng này, bạn sẽ đạt được bánh xe trang sức của trái quả vô tận (Phật quả); và sự thành tựu của bạn sẽ bất thối chuyển. Đức Phật nói về sự hồi hướng:
Như vậy, với mạn đà la trước mặt con, hãy ngồi với đôi bàn tay chắp lại nơi tim con; quán sát tất cả chúng sinh và cầu nguyện với một lòng bi mẫn không có đối tượng của sự chấp thủ.
Đức Phật Di Lặc nói trong Abhisamayālamkāra (Hiện quán Trang nghiêm):
Sự hồi hướng tối thượng đó,
Không có đối tượng của sự chấp thủ –
Đó là hành vi tối thượng,
Hồi hướng không lầm lỗi.
Hãy kiến lập tinh túy của quả bằng sự hồi hướng này.
Lời bạt
SVASTI. Minh họa này về các giai đoạn của con đường – của những sự quán đảnh làm thuần thục và các giáo lý giải thoát – xuất phát từ những Kinh điển và Tantra, từ các luận giải, và từ các giáo huấn tinh túy. Bằng cách kinh qua những giai đoạn này, ta đạt được trí tuệ bất nhị của tâm kim cương, nó hoàn toàn tiệt trừ những bức màn là hai che chướng.
Cầu mong con đạt được con đường siêu việt trong đời này
Cầu mong con đạt được cấp bậc của Đức Vajradhara, Thử hộ của các Đấng Chiến Thắng, Đạo Sư tuyệt hảo sở hữu Bốn Thân:
Thân Trí Tuệ Cao quý vinh quang bẩm sinh (Pháp Thân), sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn;
Thân Hỷ lạc Viên mãn (Báo thân) và Hóa Thân, xuất hiện với chúng sinh một cách tự nhiên và không cần nỗ lực;
Và Thân Thứ Tư, thực hiện hai mục đích – của bản thân và những người khác.
Khi đã đạt được trạng thái siêu việt này, cầu mong con đem lại kết quả cho tất cả chúng sinh không loại trừ ai.
Ở đây, trong Minh giải Chuỗi Ngọc của Con đường Năm Nhánh Sâu xa, tôi đã trình bày ý nghĩa thuần túy, không xa rời cái thấy thanh tịnh và không thêm thắt, phù hợp với tư tưởng của Đức Phagmo Drupa vinh quang, Pháp vương cao quý của tất cả chúng sinh; của Đức Jigten Sumgön, Pháp vương cao quý của Pháp, bậc toàn trí và vô song; và của những trưởng tử tâm linh của các ngài.
Tác phẩm này giải tan sự ngộ nhận, hiểu biết sai lạc, và những nghi ngờ. Nó được viết cho những người khao khát sống phù hợp với giáo lý của những bậc hộ trì truyền thống Kagyu của chúng ta, khiến họ có thể thấu suốt ý nghĩa của giáo lý. Tôi, Kunga Ratna Chökyi Gyaltsen Pal Sangpo, đã soạn tác phẩm này để trợ giúp cho việc truyền bá và phát triển của kho tàng, các giáo lý của Đấng Chiến Thắng Drikungpa, và bởi Shampa Lama ở Yarlung và những người khác thỉnh cầu tôi viết. Tác phẩm này được viết trong thiền thất Pema Sambhava ở Tảng Đá Trắng vào ngày mồng một tháng năm, năm Thủy-Mùi. Giờ đây nó đã hoàn tất.
MANGALAM BAVANTU SHUBHAM