LỜI GIỚI THIỆU CỦA TRULSHIK RINPOCHE - CHÚ THÍCH CỦA CÁC DỊCH GIẢ - LỜI NÓI ĐẦU
LỜI GIỚI THIỆU CỦA TRULSHIK RINPOCHE
OM SVASTI
Sư tử của Thế giới, bậc an trụ ở Thánh Địa và những địa điểm khác
Mang thân tướng con người và cuộc đời giải thoát kỳ diệu của ngài
Kéo dài sáu trăm năm,
Con kính cẩn đảnh lễ Đấng Siêu phàm, Trì minh vương Trường Thọ.
Với dân chúng Tingri ở Tây Tạng, ngài đã thuyết “Một Trăm Bài Kệ,”
Giáo lý uyên áo nhất trong những giáo lý uyên áo,
Những lời trang nghiêm lẫy lừng và vang xa khắp chốn,
Thì nằm trong pho sách tuyệt hảo vô cùng sáng sủa và được giảng nghĩa thấu đáo này
Bởi ngài là hóa thân hiển lộ có chủ đích
Của Jamyang Khyentse Wangpo, Đức Phật thứ hai của Tây Tạng;
Con chân thành kính lễ Vị Hộ trì Toàn tri các Giáo lý của Thừa Siêu việt
Mà ngọn lưỡi kim cương đã thốt ra những lời dạy này.
Bằng cách viết lời giới thiệu cho quyển sách này, sau những vần kệ mở đầu ở trên, tôi muốn nói ít lời về vị Đạo sư được gọi là Acharya (Đạo sư) Kamalashila (Liên Hoa Giới) tại Thánh Địa Ấn Độ, và ở Tây Tạng được gọi là Padampa Sangye.
Padampa Sangye đã đến Tây Tạng trong ba dịp và ngài đã sống ở đó sau chuyến du hành cuối cùng. Chúng ta có thể tin rằng khi làm như thế, ngài đã được Đức Phật dẫn dắt trong hình thức trí tuệ nguyên sơ của ngài. Quả thực, ngài được Đức Phật ban cho một viên đá kỳ diệu, và từ Ấn Độ ngài ném viên đá này về phía Tây Tạng, ước nguyện rằng nó rơi ở nơi đâu thì ngài sẽ tìm kiếm đệ tử ở đó. Sau đó ngài đi Tây Tạng để tìm viên đá.
Viên đá rơi xuống một nơi gọi là Tingri Langkhor, tại Latö, ở tỉnh Tsang. Trời đổ tuyết khi Padampa Sangye đến đó. Nhưng ở chỗ viên đá rơi xuống, ngài có thể nhìn thấy một vùng đất tăm tối nơi toàn bộ tuyết ở xung quanh đã tan chảy. Ngài nói rằng khi viên đá rơi xuống, nó đã tạo thành âm thanh ting. Vì thế nơi ấy được gọi là Tingri; và ở đó Padampa Sangye đã thành lập tu viện của ngài tại nơi con hươu xạ đi thành một vòng tròn, và vì thế địa điểm đó được gọi là Lakor (hay Langkhor), có nghĩa là “được hươu xạ đi vòng quanh.”
Chính trong chuyến viếng thăm lần cuối cùng này, Padampa đã gặp Đức Milarepa. Ngày nay, nơi các ngài gặp nhau và tham dự một cuộc thi thố năng lực thần diệu được gọi là Nyingje Drönkhang, “Lữ quán Bi mẫn.” Sự kiện này và những sự kiện khác đã được thuật lại trong tiểu sử của Jetsun Milarepa.
Jamyang Khyentse Wangpo, vị hộ trì Bảy sự Truyền dạy, là một hiện thân của Đạo sư Kamalashila (Liên Hoa Giới), tức là Padampa Sangye; và đến lượt Jamyang Khyentse Wangpo, ngài quyết định tái xuất hiện là Thân Hiển lộ đó, Đạo sư vĩ đại của sự uyên bác và thành tựu, vị dẫn đạo mạn đà la của chúng ta, lá cờ vĩ đại mà các danh hiệu của ngài – tôi cần phải đề cập ở đây – đã trang hoàng lộng lẫy toàn thể thế giới: Dilgo Khyentse Rinpoche, Gyurme Thekchok Tenpa Gyaltsen (“Ngọn Cờ Vinh quang của Giáo lý Đại Thừa Bất biến”). Jigme Rabsel Dawa (“Vầng Trăng Chói ngời Vô úy”). Ngài là người nói ra luận giảng kỳ diệu này, và bản văn đã được Nhóm Dịch thuật Padmakara củng cố, sửa chữa, và dịch sang Anh ngữ và Pháp ngữ. Tôi vô cùng hoan hỉ khi được đọc tác phẩm này, bởi mọi tầng lớp trong xã hội, dù là Phật tử hay không, rất cần phải học tập, nghiên cứu, và thực hành bản văn tuyệt hảo này.
Là một người trong số các đệ tử của các Đạo sư siêu phàm, đứng đầu là tác giả của tác phẩm này, lời giới thiệu này được viết bởi tu sĩ Phật giáo Ngawang Chökyi Lodrö ngu dốt, kẻ vô cùng tệ hại, được cho là hiện thân của Dzarong Trulshik Shadeu. Tôi chắp đôi bàn tay và viết lời cầu nguyện này vào ngày 8 tháng Mười hai năm 1999, tại Tashi Pelbar Ling tại Pháp quốc. Nguyện đức hạnh tăng trưởng!
CHÚ THÍCH CỦA CÁC DỊCH GIẢ
Bài kệ lừng danh và đầy cảm hứng của PADAMPA SANGYE được Dilgo Khyentse Rinpoche giảng vào năm 1987 tại Tu viện Shechen ở Nepal. Matthieu Konchog Tendzin đã thay mặt Kunzang Dorje và những đệ tử khác khẩn cầu bài giảng này.
Lúc đầu, Khyentse Rinpoche đọc những bài kệ của Padampa Sangye từ ấn bản Tingri của bản văn gốc. Sau này, ngài yêu cầu gởi cho ngài ấn bản gdams ngag mdzod và tập trung vào bản này mà ngài cho là đáng tin cậy hơn.
Hai ấn bản này là:
1. rje btsun dam pa sangs rgyas kyis ding ri par zhal chems su stsal pa ding ri brgya rtsa ma, gồm một trăm bài kệ: bản khắc gỗ gồm 12 tờ của Tingri Langkhor, miền tây Tây Tạng.
2. rgya gar gyi grub thob chen po dam pa rgya gar ram dam pa sangs rgyas zhes pa’i gsung mgur zhal gdams ding ri brgyad cu pa, gồm tám mươi bài kệ, từ trang 31 tới 36, quyển 13 của ấn bản gdams ngag mdzod, được Jamgön Kongtrul Lodrö Thaye tuyển chọn và biên tập (Lama Ngodrup và Sherap Drimey xuất bản, Paro, 1979, Nhà Xuất bản Shechen, Delhi in lại năm 2000). Matthieu Ricard đã dịch sang Anh ngữ bài giảng miệng của Dilgo Khyentse Rinpoche, và John Canti dịch những vần kệ của Padampa Sangye, cả hai dịch giả này là thành viên của Nhóm Dịch thuật Padmakara.
Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Lori và Fergus Flanagan, Michal Abrams, Matthew Akester, và Judith Amtzis về sự giúp đỡ của họ trong việc hoàn thiện bản dịch của luận giảng, với John Canti về việc hiệu đính đầy kinh nghiệm của anh, và với Vivian Kurz về công việc của cô trong mọi giai đoạn của việc xuất bản quyển sách.
LỜI NÓI ĐẦU
KHI TIẾP CẬN VIỆC NGHIÊN CỨU bất kỳ giáo lý tâm linh nào, ta nên bắt đầu bằng việc lập nguyện đạt được giác ngộ, không chỉ vì sự giải thoát của cá nhân ta mà còn để có thể giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ và những nguyên nhân của nó, đặc biệt là thoát khỏi mê lầm và vô minh. Việc nghiên cứu những giáo huấn này và đưa chúng vào thực hành sẽ dần dần cho phép ta nhận ra ước nguyện bao la này. Khi quán chiếu về giá trị to lớn của các giáo lý và nhận thức được việc có được cơ hội này thì hi hữu ra sao, ta nên thọ nhận chúng với sự vô cùng chú tâm và một thái độ khiêm tốn, vị tha, quyết tâm tận dụng các giáo lý đó bằng mọi khả năng của mình.
Một Trăm Lời Khuyên dạy là di chúc tâm linh của Paramabuddha, một hiền giả vĩ đại người Ấn Độ, thường được biết đến nhiều hơn với tên Tây Tạng là Padampa Sangye. Trong một đời trước, ngài là một đệ tử thân thiết của Đức Phật và chính Đức Phật đã tiên đoán rằng trong một tái sinh sau này, Padampa Sangye sẽ làm lợi lạc vô số chúng sinh.
Vì thế ngài đã tái sinh là Padampa, có nghĩa là “người cha siêu phàm” trong tiếng Tây Tạng. Là một học giả vĩ đại, ngài đã tu học dưới chân 150 vị Thầy và thực hành giáo lý của các Đạo sư cho đến khi ngài thực sự trở thành một kho tàng trí tuệ tâm linh. Là một hành giả thành tựu, ngài có nhiều linh kiến và đã phô diễn nhiều điều huyền diệu xác nhận sự chứng ngộ tâm linh của ngài. Cuối cùng, ngài đạt được thân kim cương siêu vượt sự chết và tái sinh.
Ngài du hành sang Trung quốc và Tây Tạng ba lần, giới thiệu giáo lý “Làm An dịu Đau khổ”, một trong tám truyền thống tâm linh vĩ đại của Tây Tạng vẫn còn được thực hành cho đến ngày nay.
Padampa sống một thời gian dài trong một thung lũng trên cao ở Tingri, tại biên giới Tây Tạng và Nepal. Trong vô số học trò của ngài có bốn người là đệ tử rất thân thiết. Một hôm, một trong những đệ tử thân thiết này đến Tingri sau một thời gian dài vắng mặt. Vô cùng buồn bã khi thấy vị Thầy đã già, ông hỏi: “Đấng siêu phàm, chắc chắn là khi ngài rời khỏi thế giới này, ngài sẽ đi từ đại lạc đến đại lạc; nhưng dân Tingri chúng con sẽ ra sao? Chúng con sẽ đặt niềm tin nơi ai?”
Quả thực đối với Padampa, chết chẳng khác gì hơn là đi từ một cõi Phật này đến một cõi Phật khác. Nhưng đối với các đệ tử thì việc ngài thị tịch có nghĩa là họ sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy mặt ngài và được nghe giọng nói của ngài. Ngài nói: “Khoảng một năm nữa, ở nơi đây, các con sẽ tìm thấy tử thi của một ẩn sĩ già người Ấn Độ.”
Đôi mắt các đệ tử đẫm lệ, và chính vì họ mà Padampa Sangye đã giảng dạy “Một Trăm Lời Khuyên dạy” này.
Một năm trôi qua, Padampa Sangye bắt đầu biểu lộ những dấu hiệu của bệnh tật. Khi các đệ tử lo âu về sức khỏe của ngài, ngài nói với họ thật vắn tắt: “Tâm ta bệnh.” Trước sự bối rối của họ, ngài nói thêm: “Tâm ta hòa hợp với thế giới hiện tượng.” Theo cách đó ngài cho thấy mọi tri giác nhị nguyên đã biến mất khỏi tâm ngài. Ngài nói thêm với vẻ hài hước, thanh thản: “Ta không biết làm thế nào mô tả loại bệnh này. Các bệnh tật của thân có thể chữa trị, nhưng bệnh này thì không chữa được.” Sau đó ngài chăm chú nhìn lên không trung và thị tịch.