QUY Y Sanh tử, như chúng ta đã thấy, là không gì cả ngoài khổ đau, thế nên chúng ta cảm thấy quyết tâm giải thoát chúng ta khỏi nó. Tuy nhiên, để thực sự làm thế, chúng ta cần sự giúp đỡ. Rõ ràng, chúng ta chỉ hy vọng có sự giúp đỡ mình cần nơi một bậc hoàn toàn giác ngộ, người ấy hoàn toàn giải thoát khỏi sanh tử. Bởi thế giờ đây tại sao Patrul Rinpoche kêu gọi đến vị Phật của Đại Bi, đức Quán Thế Âm:
22. Ôi! Nguồn của đại bi, bổn sư của con, đức Quán Thế Âm,
Ngài là vị bảo hộ độc nhất của con!
Thần chú sáu chữ, tính túy của lời ngài, là Pháp thiêng liêng;
Từ giờ này trở đi, con không có hy vọng nào ngoài ngài!
Quán Thế Âm là một vị Phật hoàn toàn giác ngộ, để làm lợi lạc chúng sanh ngài đã mang lấy hình thức của một Bồ tát. Tất cả chư Phật chỉ có một bản tánh, và lòng của các ngài được hiện thân trong Quán Thế Âm. Như là hiện thân của lòng bi của tất cả chư Phật, Quán Thế Âm đồng thời là nguồn gốc của tất cả chư Phật và chư Bồ tát, bởi vì lòng bi là cội gốc của giác ngộ. Quán Thế Âm là bản thân lòng bi trong hình thức một hóa thần. Quán Thế Âm là Phật, Quán Thế Âm là Pháp, Quán Thế Âm là Tăng; Quán Thế Âm là Guru, Quán Thế Âm là Yidam, Quán Thế Âm là Dakini; Quán Thế Âm là Pháp thân, Quán Thế Âm là Báo thân, Quán Thế Âm là Hóa thân; Quán Thế Âm là A Di Đà, Quán Thế Âm là Guru Rinpoche, Quán Thế Âm là Arya Tara; và trên tất cả Quán Thế Âm là bổn sư của chúng ta. Như một trăm dòng chảy qua dưới chỉ một cái cầu, Quán Thế Âm là sự hợp nhất của tất cả chư Phật. Nhận những ban phước của ngài là nhận những ban phước của tất cả chư Phật, và chứng ngộ bản tánh của ngài là chứng ngộ bản tánh của tất cả chư Phật.
Quán Thế Âm đã xuất hiện trong thời đại đen tối này trong con người của Guru Rinpoche (Padmasambhava), mà trí huệ, đại bi và thần lực thì nhanh lẹ hơn của vị Phật nào khác, vì chính riêng biệt để làm lợi lạc cho chúng sanh của thời đại này mà ngài phát những lời cầu nguyện của mình. Quán Thế Âm biểu lộ thành vô số hình thức: những vua chúa, vị thầy tâm linh, đàn ông và đàn bà bình thường, thú rừng, ngay cả núi, cây, cầu – bất cứ cái gì cần thiết để đáp ứng những nhu cầu của chúng sanh. Ngay cả một ngọn gió mát lạnh trong khí hậu nóng cháy hay một phút giây êm dịu nhẹ nhỏm trong một cơn bệnh đau đớn cũng là những biểu lộ của lòng bi Quán Thế Âm.
Tương tự, thần chú sáu chữ của Quán Thế Âm, OMÏ MANÏI PADME HŪMÏ, là trí huệ bi mẫn của tất cả chư Phật biểu lộ thành âm thanh. Nó chứa đựng trong mình yếu nghĩa của tất cả tám mươi bốn ngàn phần của những giáo lý của Phật. Trong tất cả nhiều thần chú của nhiều loại khác nhau, như là những minh chú, dharani, và mật chú,(36) không có cái nào cao hơn sáu chữ của Quán Thế Âm. Những lợi lạc lớn lao của việc trì tụng thần chú này, thường được biết như là manÏi, được diễn tả trở đi trở lại trong tất cả những sutra (kinh) và tantra. Có nói rằng trì tụng chú manÏi chỉ một lần thì cũng đồng như trì tụng toàn bộ mười hai ngành giáo lý của Phật. (37) Trì tụng sáu chữ của manÏi hoàn thiện sáu ba la mật và đóng chặt mọi khả năng tái sanh trong sáu cõi của sanh tử luân hồi. Đây là một thực hành đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hành cho tất cả, và đồng thời nó chứa đựng tinh túy của Pháp. Nếu các bạn lấy manÏi như là chỗ quy y của các bạn cả trong hạnh phúc lẫn trong buồn đau, Quán Thế Âm sẽ luôn luôn ở với các bạn, các bạn sẽ cảm thấy càng lúc càng nhiều hơn lòng sùng mộ mà không phải có cố gắng nào, và tất cả sự chứng ngộ của con đường Đại thừa sẽ tự nó khởi lên trong trong con người các bạn.
Theo Kinh Karandavyuha, Kinh Đại thừa Trang Nghiêm Bảo Vương,(38) nếu các bạn trì tụng một trăm triệu manÏi, tất cả vô số cơ thể sống ở trong thân thể của các bạn sẽ được ban phước bởi Quán Thế Âm, và khi các bạn chết, ngay cả khói từ sự thiêu xác các bạn sẽ có năng lực che chở cho bất cứ ai hít vào khỏi tái sanh trong những cõi thấp.
Ngay cả chỉ một chữ của bản thân thần chú – OMÏ, MA hay NÏI – mang năng lực không thể nghĩ bàn để ban phước và giải thoát cho chúng sanh. Có nói rằng một vị Phật có khả năng với những kỳ công phi thường vượt mọi chúng sanh khác, như xác định chính xác bao nhiêu giọt mưa rơi xuống trong một trận mưa kéo dài mười hai năm, nhưng ngay cả ngài cũng không thể diễn tả đầy đủ công đức sanh ra bởi chỉ một lần trì tụng manÏi. Để bắt đầu cho một diễn tả như thế, ngay nếu tất cả rừng cây trên trái đất được biến thành giấy, cũng không bao giờ đủ để viết ra một phần nhỏ nhất.
Không có cái gì trên toàn thể thế giới có thể làm cho Thần Chết sợ hãi tránh xa, vậy mà ánh sáng chói lọi ấm áp của lòng bi của Quán Thế Âm có thể hoàn toàn xua tan cảm giác khiếp sợ của người nào khi Thần Chết đến gần. Đây là điều có nghĩa là “chỗ nương dựa không lầm lẫn.” Hoàn toàn tự do với sanh tử, Quán Thế Âm luôn luôn sẵn sàng cứu giúp chúng sanh, và ngay cử động nhỏ nhất của ngài – một cử chỉ của bàn tay, một chớp mắt của ngài – có năng lực giải thoát chúng ta ra khỏi sanh tử. Khi chúng ta cầu khẩn ngài bằng cách trì tụng manÏi, chúng ta không bao giờ nên nghĩ rằng ngài quá xa để nghe chúng ta, trong một cõi Phật nào xa xôi; Quán Thế Âm luôn luôn ở đó với bất cứ người nào tin vào ngài. Những che chướng của chúng ta ngăn cản chúng ta không thực sự đến được Núi Potala trong cõi Cực Lạc Thanh Tịnh Sukhavati để gặp ngài mặt đối mặt, nhưng thật ra lòng đại bi của ngài không bao giờ bỏ rơi một chúng sanh nào. Ngài tự biểu lộ thường trực trong bất cứ hình thức nào lợi lạc cho chúng sanh nhất, đặc biệt trong hình thức của những vị thầy tâm linh vĩ đại; thế nên chúng ta cần hiểu với sự tin tưởng hoàn toàn rằng Quán Thế Âm, bậc bảo hộ tối thượng chỉ cho tất cả chúng sanh con đường đến giải thoát, thật ra không ai khác hơn là bổn sư của chúng ta.
Cơn mưa của lòng bi Quán Thế Âm rơi khắp nơi trên những cánh đồng của chúng sanh một cách bình đẳng; nhưng vụ mùa của hạnh phúc không thể lớn lên nơi nào những hạt giống của niềm tin đã bị khô héo. Thiếu niềm tin là tự đóng kín với mặt trời rực rỡ của sự ban phước của ngài, như thể đóng cửa giam mình trong một phòng tối. Nhưng nếu các bạn có niềm tin, thì không có khoảng cách, không có chậm trễ, giữa các bạn và sự ban phước của Quán Thế Âm.
Những lời dạy của đức Phật thì rộng lớn và sâu xa không thể nghĩ bàn. Đạt được một thấu hiểu hoàn toàn trí thức về những lời dạy ấy quả thật là một thành tựu đáng kể và hiếm hoi. Nhưng ngay bản thân điều đó cũng chưa đủ. Trừ phi chúng ta cũng thành tựu nội chứng nhờ thực sự áp dụng những lời dạy và hòa lẫn chúng với tâm thức chúng ta, còn không thì bất cứ hiểu biết nào chúng ta có được đều vẫn là lý thuyết và sẽ chỉ dùng để tăng thêm sự tự say mê mình.
Chúng ta đã đọc một số sách và nghe một số lời dạy, nhưng nó không lợi lạc bao nhiêu trong việc thực sự chuyển hóa con người chúng ta. Để đơn thuốc của bác sĩ bên cạnh giường sẽ không chữa lành bệnh. Thế nên hãy xoay tâm thức các bạn vào trong và suy ngẫm sâu xa ý nghĩa của Pháp cho đến khi nó thấm nhuần toàn thể thân tâm bạn.
Đấy là điều Patrul Rinpoche nói:
23. Bất cứ cái gì con biết con đã để cho nó vẫn là lý thuyết; nó không dùng gì được cho con bây giờ.
Bất cứ cái gì con đã làm con đã tiêu pha cho cuộc đời này; nó không dùng gì được cho con bây giờ.
Bất cứ cái gì con đã nghĩ chỉ toàn là vọng tưởng; nó không dùng gì được cho con bây giờ.
Giờ đây là lúc để làm cái gì thực sự có ích – hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Như những ngọn sóng, mọi hoạt động của cuộc đời này trôi qua không ngừng nghỉ, cái này tiếp cái kia, tuy nhiên đã để lại cho chúng ta tay trắng. Vô số tư tưởng đã đi qua tâm thức chúng ta, mỗi cái sanh ra thêm nhiều cái khác, nhưng tất cả điều mà chúng ta đã làm chỉ là tăng thêm sự rối ren lầm lạc và bất toại nguyện của chúng ta. Thiền định về tinh túy của những lời dạy và trì tụng manÏi thì không tốt hơn sao?
Như chúng ta bây giờ, sa lầy trong một bãi lầy của những khuynh hướng thói quen và bị giam nhốt trong những trói buộc của xúc tình mạnh mẽ, chúng ta không tự do đủ cũng không mạnh mẽ đủ để có thể giải thoát cho chúng sanh khỏi sanh tử. Chúng ta phải trông chờ sự giúp đỡ – không phải bất kỳ loại giúp đỡ nào, mà là sự giúp đỡ chắc chắn của Quán Thế Âm.
24. Sự quy y độc nhất không bao giờ hư mất, thường trụ là Tam Bảo;
Tinh túy độc nhất của Tam Bảo là Quán Thế Âm.
Với đức tin toàn vẹn, không thể lay chuyển, vào trí huệ của ngài.
Vững tin và quả quyết, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tìm kiếm sự nương dựa vào các vị trời như Phạm Thiên hay Đế Thích, bởi vì chính họ cũng còn bị giam nhốt trong mạng lưới của sanh tử, không thể là sự giúp đỡ thật sự. Tìm kiếm sự nương dựa vào người có quyền lực và ảnh hưởng của thế giới này, hay vào bạn bè thân thuộc, sẽ chỉ đem lại sự che chở giới hạn hơn. Không có núi non, ngôi sao hay những hiện tượng thiên nhiên nào khác cung cấp cho sự an toàn chân thật. Không có cái nào trong chúng là nguồn gốc tối hậu của sự quy y. Nếu các bạn đang ở trong tù ngục và muốn thoát ra, các bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ người nào có quyền năng giải cứu các bạn, chứ không từ một tù nhân khác.
Để có thể giải thoát chúng ta khỏi xoáy nước của sanh tử, nền tảng của sự quy y chúng ta tìm kiếm phải là cái gì tự nó đã hoàn toàn tự do. Chỉ có một nguồn gốc quy y thoát khỏi mọi giới hạn của sanh tử, đầy đủ mọi phẩm tính và thành tựu tối hậu, và có lòng bi vô hạn có thể đáp ứng phổ khắp cho những nhu cầu của chúng sanh và dẫn dắt họ suốt con đường đến giác ngộ: Tam Bảo.
Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật là vị thầy, bậc hiển bày bốn thân và năm trí. (39) Pháp là con đường, những lời dạy được trao truyền và được chứng ngộ. Tăng là những người đồng hành trên con đường, họ hiểu ý nghĩa của những lời dạy và kết quả là được giải thoát.
Qua niềm tin và sự sùng mộ Tam Bảo, chúng ta sẽ đến chỗ thấu hiểu rằng đấy không phải là ba thực thể riêng biệt, mà là thân, ngữ và tâm của Quán Thế Âm, đức Phật của Đại Bi. Tâm ngài là Phật, ngữ ngài là Pháp và thân ngài là Tăng. Dù bây giờ chúng ta chưa thể gặp Quán Thế Âm bằng con người thật của ngài, chúng ta cần thức giác về những phẩm tính vô biên của ngài như diễn tả trong kinh và tantra. Chúng ta cũng cần nhớ rằng Quán Thế Âm thì không tách lìa với thầy của chúng ta, người chỉ dạy cho chúng ta Pháp quý báu. Cảm nhận sâu xa lòng từ ái vĩ đại này, cầu nguyện đến ngài và trì tụng thần chú sáu chữ, không nghi ngờ gì mọi ngăn chướng nghiệp quả và phiền não tiêu cực của chúng ta sẽ được tẩy sạch. Thời gian sẽ có lúc chúng ta sẽ thực sự đến với sự hiện diện của Quán Thế Âm trong cõi Phật của ngài, ở đó ngài chuyển bánh xe Pháp Đại thừa cho đoàn tùy tùng Bồ tát của ngài.
Quy y là cửa vào Pháp. Nó là chung cho cả ba thừa và là nền tảng trên đó mọi thực hành nương dựa vào. Tuy nhiên, thái độ đối với sanh tử khiến cho người ta quy y thì không luôn luôn giống nhau. Sợ hãi khổ đau trong sanh tử và bởi thế quy y vì chính mình là một động cơ kém. Động cơ tốt nhất là ước muốn giải thoát tất cả chúng sanh hoàn toàn thoát khỏi khổ đau của sanh tử và an lập họ trong trạng thái của giác ngộ. Quy y với tư tưởng ấy là thái độ của Đại thừa.
Nếu sự quy y là đích thực và chân chánh, niềm tin không lay chuyển cần được khai triển. Niềm tin là một yếu tố sống còn trong con đường, mở cho chúng ta với những ban phước của Phật. Mong muốn đạt được chứng ngộ mà không có đức tin thì giống như ngồi trong một hang động hướng bắc mà chờ đợi ánh sáng mặt trời rọi vào.
Có bốn giai đoạn trong sự phát triển của niềm tin: niềm tin trong sáng, niềm tin mong mỏi, niềm tin xác tín, và niềm tin không thể đảo ngược. Khi các bạn ban đầu hiểu những phẩm tính kỳ diệu và phi thường làm sao của Phật, Quán Thế Âm và của thầy các bạn, tâm thức các bạn trở nên rất trong sáng và hoan hỷ. Đây là niềm tin trong sáng. Khi niềm tin trong sáng gợi cho các bạn muốn sở đắc những phẩm tính hoàn hảo của Quán Thế Âm cho chính các bạn, và các bạn nghĩ rằng vô số chúng sanh có thể được các bạn giúp đỡ nếu các bạn có những phẩm tính đó, nó trở thành niềm tin mong mỏi. Khi các bạn biết với sự chắc chắn hoàn toàn rằng những phẩm tính của Quán Thế Âm là thực như chúng được diễn tả bởi chính đức Phật, nó trở thành niềm tin xác tín. Cuối cùng, khi niềm tin đã trở thành một phần của bản thân các bạn, đến nỗi với cái giá của đời mình, không có cách nào cho bạn có thể từ chối nó, bấy giờ đó là niềm tin không thể đảo ngược. Khi niềm tin của các bạn đến điểm này, bất cứ hoàn cảnh nào gặp phải các bạn cũng sẽ hoàn toàn tin tưởng, nghĩ rằng, “Quán Âm, ngài biết mọi chuyện; dầu cái gì xảy ra, con hoàn toàn nương dựa vào trí huệ và lòng bi của ngài.” Từ lúc đó trở đi những ban ơn và sự hướng dẫn của Quán Thế Âm sẽ luôn luôn ở với các bạn, và sẽ không nghi ngờ gì ngay cả âm thanh của danh hiệu ngài sẽ có năng lực giải thoát các bạn khỏi những cõi thấp. Đây là niềm tin không thể đảo ngược cần thiết cho sự quy y thực sự đích thực.
Có câu nói: “Đức tin là bánh xe quý báu quay tròn ngày đêm suốt con đường giải thoát.” Niềm tin là cái tối cao của bảy phẩm tính cao cả. Những tia sáng mặt trời chiếu xuống khắp nơi một cách đồng nhất, nhưng chỉ ở nơi nào chúng được tập trung qua một cái gương tráng lệ chúng có thể làm cho cỏ khô bốc cháy. Cùng cách ấy, lòng bi của Quán Thế Âm soi chiếu bình đẳng cho tất cả chúng sanh, nhưng chỉ trong những người nào có cái gương tráng lệ của niềm tin mà ngọn lửa của sự ban phước của ngài được thắp cháy.
Sẽ thiển cận nếu chỉ quy y cho chỉ đời này, hay chỉ đến khi các bạn chữa khỏi mọi bất hạnh hiện giờ. Sự cam kết quy y của các bạn nên kéo dài đến khi tất cả chúng sanh đều đã đạt được giác ngộ. Khi các bạn có thể dâng hiến thân, ngữ và tâm thức mình cho Quán Thế Âm với niềm tin đích thực, nương dựa hoàn toàn vào ngài, trong bất cứ hoàn cảnh tốt hay xấu nào, bấy giờ các bạn đang quy y trong nghĩa đầy đủ nhất – sự quy y đích thật của Đại thừa.
Quy y vào Quán Thế Âm có thể theo những viễn cảnh bên ngoài, bên trong và bí mật. Về phương diện bên ngoài, Quán Thế Âm là Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng. Từ một viễn cảnh bên trong, ngài là Ba Gốc – Guru, Yidam và Dakini. Và từ quan điểm bí mật ngài là ba thân – Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Bởi thế, quy y hoàn toàn không chỉ có nghĩa là một sơ khởi hay một thực hành của người sơ học; thật vậy, nó gồm toàn bộ con đường trong tất cả sự sâu xa của nó, đến tới giác ngộ. Tuy nhiên, dầu nhiều mức độ quy y có thể được phân biệt, chúng ta có thể đáp ứng tất cả chúng chỉ bằng đơn giản trì tụng thần chú sáu chữ với lòng tin và xác tín rằng vị thầy của chúng ta, không tách biệt với Quán Thế Âm, là tinh túy độc nhất của Tam Bảo trong mọi phương diện của chúng.
Đức Atisha, mà trí huệ và chứng ngộ không ai sánh của ngài đã khiến cho ngài được tôn xưng khắp miền bắc và miền đông Ấn Độ như là vị “Phật Thứ Hai”, đã qua Tây Tạng, nơi đây ngài dạy sự lợi lạc của quy y rất nhiều lần đến nỗi mọi người bắt đầu gọi ngài là “Pandita Quy Y”. Khi nghe đây là danh hiệu các học trò gán cho mình, ngài kêu lên, “Được cho danh hiệu này là một vinh dự, thật vậy, bởi vì có gì tuyệt hảo hơn sự quy y Phật?”
TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ Đã thấu hiểu sự quan trọng của niềm tin và của quy y, bây giờ chúng ta đi đến tinh túy của Đại thừa, tư tưởng giác ngộ.
25. Nền tảng của con đường Đại thừa là tư tưởng giác ngộ;
Tư tưởng cao cả này là con đường duy nhất tất cả chư Phật đều dẫm bước
Không bao giờ bỏ con đường cao cả của tư tưởng giác ngộ,
Với lòng bi cho tất cả chúng sanh, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
“Tư tưởng giác ngộ”, Bồ đề tâm (bodhicitta), là mong muốn đạt đến giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Bồ đề tâm có hai phương diện, tương đối và tuyệt đối. Bồ đề tâm tuyệt đối là sự nhận biết Phật tánh hiện diện vốn sẵn có trong mỗi chúng sanh và chỉ có thể thấu hiểu bởi những ai chứng ngộ tánh Không của tất cả hiện tượng; bởi vì không dễ dàng thấu hiểu nó một cách trọn vẹn, chúng ta thường bắt đầu với sự thực hành Bồ đề tâm tương đối, nó ít khó khăn hơn.
Bồ đề tâm tương đối cũng được chia làm hai: nguyện vọng và áp dụng. Cái thứ nhất là ước muốn đạt được giác ngộ vì tất cả chúng sanh, và cái thứ hai đưa ước muốn này vào hành động qua sự thực hành sáu ba la mật. Nói cách khác, Bồ đề tâm nguyện vọng là cái nhận ra mục đích, và Bồ đề tâm áp dụng là phương tiện nhờ nó mà mục đích được đạt đến. Điểm then chốt của Đại thừa là cả hai nguyện vọng và áp dụng đều được hướng không phải đến chính mình mà đến tất cả chúng sanh, dù sanh tử còn có thể tồn tại bao nhiêu.
Làm thế nào người ta bắt đầu phát sanh Bồ đề tâm nguyện vọng, cảm giác của lòng bi cho tất cả chúng sanh khơi dậy trong chúng ta ước muốn đạt được giác ngộ vì họ? Trước tiên, hãy lấy Quán Thế Âm như là một người làm chứng cho quyết định của các bạn đạt đến chứng ngộ để làm lợi lạc cho những người khác. Tiếp theo, nỗ lực đánh bại thái độ chỉ muốn giúp đỡ những người thân thiết với các bạn trong khi từ chối những nhu cầu của những người mà các bạn không thích. Điều này trở nên có thể khi các bạn thấu hiểu rằng, trong tất cả vô số những đời trước của mình, mỗi chúng sanh không ngoại trừ ai, phải đã từng là mẹ hoặc cha của các bạn ít nhất một lần. Mỗi một chúng sanh này, xuống tới con côn trùng nhỏ nhất, đều chỉ muốn được hạnh phúc và không đau khổ; nhưng không có ai trong số họ biết rằng khổ là do các hành động xấu gây ra và hạnh phúc là do một tâm đức hạnh phát sanh. Khi các bạn nghĩ về tất cả những chúng sanh này họ đang chìm đắm một cách vô vọng trong khổ đau như những người mù lạc trong một sa mạc bao la, các bạn không thể cứu giúp nhưng cảm thấy một lòng đại bi cho tất cả họ.
Để triển khai lòng bi này hơn nữa, hãy tưởng tượng chính các bạn đang ở trong những cõi địa ngục; thình lình trước mắt các bạn, cha mẹ các bạn bị các tay sai của Thần Chết Yama(40) kéo lê trên đất, chúng đánh đập họ dã man, đâm chém họ với vũ khí sắc bén, bỏ họ vào vạc đồng cháy bỏng, và ép họ dưới những tấm sắt nóng đỏ. Trông thấy sự hấp hối khủng khiếp của họ, chẳng lẽ các bạn không cảm thấy thương xót ngập tràn và sự khẩn thiết không thể kiềm chế lao đến tức thời để cứu họ? Khi cảm giác mạnh mẽ này của lòng bi khởi lên rõ ràng, hãy suy nghĩ một chút. Cha mẹ còn sống của các bạn chỉ là hai người trong số vô cùng những chúng sanh. Tại sao con số vô cùng những chúng sanh khác cũng không đáng để bạn bi mẫn ư? Thấu hiểu điều này quả thật là không hợp lý, hãy dần dần cố gắng mở rộng lòng bi của các bạn, trước tiên với những bạn bè quyến thuộc thân thiết nhất, rồi đến những ai bạn biết, đến toàn thể một đất nước, toàn thể trái đất và cuối cùng đến vô cùng chúng sanh trong ba cõi của sanh tử luân hồi. Chỉ khi lòng bi của các bạn thực sự đạt đến tầm mức bao la này nó mới có thể được gọi là lòng bi chân thật.
Tất cả chúng sanh đều như nhau trong ước mong được hạnh phúc và không khổ đau. Sự khác biệt lớn lao giữa chính mình và những người khác là trong con số – tôi thì chỉ một, những người khác thì vô số. Thế nên, hạnh phúc và khổ đau của tôi hoàn toàn vô nghĩa khi so sánh với hạnh phúc và khổ đau của vô số chúng sanh khác. Điều thực sự quan trọng là những chúng sanh khác hạnh phúc hay khổ đau. Đây là nền tảng của Bồ đề tâm. Chúng ta cần phải mong muốn những người khác được hạnh phúc hơn chính chúng ta, và chúng ta đặc biệt cần phải mong muốn hạnh phúc cho những người mà chúng ta xem như những kẻ thù và những người đối xử xấu với chúng ta. Nếu không thế, lòng bi có ích gì?
Cảm thấy lòng bi với tất cả chúng sanh là điểm khởi đầu. Bấy giờ các bạn có thể chuyển dịch những mong muốn và nguyện vọng của các bạn thành hành động. Nhưng, như đức Atisha nói, “Chính ý định mới đáng kể.” Nếu tâm thức các bạn luôn luôn đầy ngập với ý định làm lợi lạc cho những người khác, bấy giờ, bất kể những hành động của các bạn ở bề ngoài có như thế nào, sự áp dụng Bồ đề tâm tự lo cho chính nó. Nếu các bạn có thể duy trì thái độ này của Bồ đề tâm, các bạn sẽ không chỉ không bao giờ lạc khỏi con đường, mà còn sẽ tiến bộ chắc chắn trên con đường đó. Khi thân, ngữ và tâm thức các bạn hoàn toàn thấm đẫm bởi mong muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh, khi mục tiêu của các bạn là Phật tánh viên mãn cho những người khác và cho cả chính các bạn, bấy giờ ngay cả hành động nhỏ nhất, chỉ một trì tụng manÏi hay chỉ một lễ lạy, sẽ nhanh chóng và chắc chắn đem lại sự hoàn thành mục đích của các bạn.
Sáu chữ manÏi, tinh túy của bản thân Quán Thế Âm, là sáu ba la mật trong hình thức thần chú. Khi các bạn trì tụng thần chú, sáu ba la mật tự nhiên khởi hiện và Bồ đề tâm áp dụng được hoàn thành.
Có nói rằng khi những ai đau buồn trong ngục tù của sanh tử phát sanh tư tưởng giác ngộ, họ đều tức khắc được chư Phật nhận làm con trai và con gái của các ngài, và họ được tán thán bởi cả người và trời. Toàn thể cuộc đời họ có một ý nghĩa mới. Tất cả điều này đều nhờ năng lực vô lường của Bồ đề tâm như ngọc báu. Bồ đề tâm là tinh túy của tám vạn bốn ngàn phần của Phật pháp, nhưng đồng thời nó quá đơn giản, quá dễ hiểu và dễ thực hành, ngay với người sơ học.
Bồ đề tâm tối hậu là tính chất bất khả phân của tánh Không và đại bi không phải tạo tác. Đó là tính đơn giản của trạng thái bổn nhiên, vượt khỏi mọi ý niệm và mọi giới hạn của tư tưởng và tri thức, từ nó lòng bi tự nhiên, không có đối tượng hưng khởi, làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Khi các bạn tiến bộ trong sự thực hành của các bạn, hai phương diện của Bồ đề tâm củng cố cho nhau. Bắt được dù chỉ một thoáng thấy bản tánh tuyệt đối của tâm sẽ cho các bạn viễn cảnh thích đáng để thực hành Bồ đề tâm tương đối, và ngược lại, sự thực hành Bồ đề tâm tương đối mở rộng sự chứng ngộ của bạn về Bồ đề tâm tuyệt đối
TỊNH HÓA Đã khai triển thái độ đúng của Bồ đề tâm, bây giờ chúng ta cần trừ sạch bất cứ thứ gì ngăn chận sự tiến bộ của chúng ta trên con đường đến giác ngộ.
26. Lạc lõng trong sanh tử từ thời vô thủy đến nay,
Bất cứ điều gì con đã làm đều sai lầm và sẽ dẫn đến thêm sự lạc lõng.
Từ lòng con, hãy thừa nhận mọi tà hạnh và sa đọa, và sám hối chúng,
Với bốn năng lực làm cho trọn vẹn, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Trong những đời quá khứ, và trong đời này cho tới bây giờ, chúng ta đã đem đến sự thiệt hại cho những người khác vô số lần bằng cách nói dối họ, lừa gạt họ, ăn trộm của họ, phá hoại họ, tấn công họ, giết họ và mọi thứ việc làm sai lầm khác. Cái xấu được tích tập này là cái đã giam giữ chúng ta trong sanh tử, và bây giờ nó chính là cản trở chính cho sự tiến bộ của chúng ta trên con đường. Nó nuôi dưỡng hai loại che chướng ngăn cách giữa chúng ta và kinh nghiệm về Phật tánh: sự che chướng bởi phiền não và sự che chướng của cái có thể được biết.
Tuy nhiên, tình thế của chúng ta không hoàn toàn tuyệt vọng. Như những đạo sư Kadampa thường nói, “Điều tốt độc nhất về tà hạnh là nó có thể được tịnh hóa.” Những hành động xấu là những hiện tượng duyên hợp, thế nên chúng phải vô thường; do đó, như đức Phật nói, không có lỗi lầm nào trầm trọng đến nỗi nó không thể được tịnh hóa bởi bốn năng lực.
Bốn năng lực này là những phương tiện qua chúng sự tịnh hóa mọi tà hạnh có thể được thực hiện. Năng lực thứ nhất là năng lực của nương tựa. Nương tựa ở đây ám chỉ con người hay là hóa thần bổn tôn mà chúng ta chấp nhận và sám hối những lỗi lầm của chúng ta, và như thế, là chỗ nương tựa cho sự tịnh hóa của chúng ta. Trong trường hợp này, chỗ nương tựa là Quán Thế Âm, sự biểu lộ của trí huệ của tất cả chư Phật và chư Bồ tát. Trong những thực hành khác, chỗ nương tựa có thể là Vajrasattva chẳng hạn, hay Ba Mươi Lăm Phật của sự Sám Hối, hay Phật Vairochana, mà chỉ âm thanh của danh hiệu cũng đủ giải thoát cho tất cả chúng sanh khỏi những cõi thấp; nhưng trong nhiều bổn tôn đầy đủ khả năng này, tất cả đều là những biểu lộ của Quán Thế Âm, chỗ nương tựa tinh túy cho sự tịnh hóa.
Năng lực thứ hai là sức mạnh của hối tiếc. Hối tiếc khởi lên tự nhiên khi chúng ta thấu hiểu rằng tất cả khổ đau chúng ta đã trải nghiệm cho đến giờ trong mọi tái sanh vô số của chúng ta trong sanh tử đều do tà hạnh của chúng ta gây ra – năm tội lỗi với hậu quả trực tiếp, mười hành động bất thiện, và những vi phạm trong những lời thệ nguyện của ba thừa.(41) Tất cả chúng ta đã có quá nhiều kiếp sống không thể tính đếm hết, và nếu các bạn gom chúng lại cùng một chỗ tất cả thân thể các bạn đã từng có, ngay chỉ những thân thể của tất cả kiếp tái sanh làm một côn trùng cũng tạo thành một đống cao hơn Núi Tu Di. Nếu các bạn tập họp tất cả những nước mắt đau buồn các bạn đã đổ ra trong những đời quá khứ, chúng có thể tạo thành một đại dương lớn hơn bất cứ đại dương nào trong vũ trụ. Nhiều ví dụ như thế có thể được tìm thấy trong Pháp Cao Cả của sự Nhớ Lại Rõ Ràng.(42) Tất cả khổ đau của những tái sanh không dứt này hoàn toàn là kết quả của những hành động tai hại của các bạn, như nói dối hay giết chóc. Chừng nào các bạn còn chưa biết về những hậu quả do các hành động của mình đem lại, các bạn chỉ tiếp tục cư xử như một người điên; nhưng khi các bạn thấy rõ ràng tất cả các tà hạnh trong quá khứ của các bạn là cái bắt các bạn phải lang thang trong khổ đau không dứt của vòng sanh tử như thế nào, các bạn bắt buộc phải xúc động bởi hối hận sâu xa về những hành động xấu đã phạm phải, hoàn toàn mất đi sự thôi thúc lập lại chúng. Với sự hối tiếc mạnh mẽ, thành thật, các bạn nên sám hối tất cả những lỗi lầm của các bạn, không chút do dự miễn cưỡng.
Nhưng hối hận tự nó chưa đủ; những hành động xấu của quá khứ còn phải được làm cho sạch. Điều này được làm với năng lực thứ ba, năng lực của cái đối trị. Tất cả những hành động xấu đã phạm với thân, ngữ và tâm thức phải được chống lại bằng những đối trị của chúng: những hành động tốt của thân, ngữ và tâm thức. Để đem điều này vào thực hành, với thân các bạn làm những lễ lạy, tôn vinh những nơi chốn thiêng liêng bằng cách đi nhiễu quanh, và phụng sự người khác và những giáo lý; với ngữ các bạn trì tụng manÏi; và với tâm thức các bạn, nghĩ nếu không có ánh sáng chói lọi của lòng bi của ngài các bạn sẽ chìm càng lúc càng sâu vào sanh tử như thế nào, hãy cầu nguyện chuyên chú với sự sùng mộ vĩ đại đến Quán Thế Âm để xua tan mọi che chướng và tiêu cực của các bạn. Để trả lời cho sự cầu nguyện nhiệt thành của các bạn, hãy quán tưởng nước cam lồ trí huệ đổ xuống từ thân thể Quán Thế Âm rót vào các bạn và tất cả chúng sanh qua đỉnh đầu. Nó tràn đầy thân thể bạn và thân thể của họ, và hoàn toàn tẩy sạch mọi che chướng, tà hạnh và xấu xa, đến cuối cùng không còn dấu vết nào sót lại; thân thể của các bạn đã trở thành thanh tịnh và trong suốt như pha lê. Quán Thế Âm mỉm cười rạng rỡ và nói, “Con cao quý, mọi lỗi lầm của con đã sạch.” Hòa trong ánh sáng, ngài tan vào trong các bạn. Cảm thấy rằng tâm của Quán Thế Âm và tâm các bạn đã trở thành một, an trụ một lúc trong một trạng thái của cái Không sáng rỡ, vượt ngoài mọi ý niệm.
Năng lực thứ tư là sức mạnh của quyết định, sự quyết tâm không bao giờ lập lại những hành động ác hại ấy nữa, dù bằng cái giá của đời bạn. Cho đến bây giờ có thể các bạn mù lòa với sự kiện tà hạnh là cái tạo nên khổ đau, nhưng từ giờ trở đi các bạn phải không có lý do gì mà không sửa đổi những cách thức sai lầm ấy. Cũng không đúng khi nghĩ rằng bởi vì những hành động xấu có thể được tịnh hóa một cách dễ dàng, chúng chẳng quan trọng lắm; các bạn phải làm một quyết định quả quyết, từ cốt lõi sâu xa của con người các bạn, rằng bất cứ cái gì có xảy ra bạn cũng sẽ không bao giờ làm hành động nào trái ngược với Pháp. Điều này sẽ đòi hỏi chánh niệm và tinh tấn thường trực. Năng lực thứ tư cũng bao gồm quyết định phải trong sạch trong thân, ngữ và tâm thức, như Quán Thế Âm. Khi trì tụng thần chú sáu chữ, cái xấu xa tiêu cực và những che chướng của các bạn sẽ tan biến, và mọi phẩm tính vốn có sẵn trong trạng thái giác ngộ sẽ bắt đầu chiếu rọi, như mặt trời ra khỏi những đám mây.
CÚNG DƯỜNG
27. Tâm thức, chấp vào một cái “Tôi”, bám níu vào mọi thứ – đây là nguyên nhân của sanh tử.
Thế nên, như những cúng dường cho cái cao cả trong niết bàn và từ thiện cho cái thấp kém trong sanh tử,
Hãy cho đi mọi thứ – thân thể, tài sản và đức hạnh – và hồi hướng công đức cho tất cả;
Buông bỏ mọi thứ bám níu, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Qua tịnh hóa, các bạn đã làm sạch những trở ngại trên con đường đến giác ngộ, nhưng để tu hành theo con đường này, bây giờ các bạn cũng cần gom góp những lương thực cần thiết để nuôi sống các bạn trên lộ trình. Sự gom góp lương thực này là sự tích tập công đức và trí huệ. Sự tích tập công đức, được hoàn thành qua những hành động đức hạnh và cúng dường, sẽ dẫn đến sự đạt được Sắc thân, thân của hình tướng; sự tích tập trí huệ, được hoàn thành bởi thực hiện những hành động đức hạnh này với một tâm thức thoát khỏi bám chấp, sẽ dẫn đến sự đạt được Pháp thân, thân tuyệt đối. Hai sự tích tập này cần được thành tựu với tư tưởng làm lợi lạc cho những người khác.
Cốt yếu quan trọng là hiểu được rằng chấp thủ vào ý niệm có một cái “tôi”, một bản ngã thực sự hiện hữu, là nguyên nhân căn bản của sự lang thang trong ba cõi sanh tử của chúng ta. Một khi niềm tin sai lầm vào một cái ta này đã mọc rễ, chúng ta bắt đầu bám vào thân tôi, tâm tôi, tên tôi, tài sản tôi, gia đình tôi…; chính những ý niệm này khiến chúng ta khát khao lạc thú và ghê sợ khổ sở. Kết quả là một sự liên tục không ngừng của hấp dẫn và ghét bỏ lần lượt nối nhau, và từ những thôi thúc bên dưới này mà khởi ra những phiền não xung đột làm rối loạn tâm thức không ngơi ngớt.
Trong vô số đời quá khứ, chúng ta đã có đầy đủ giàu có và tài sản, nhưng chúng ta đã sợ mất mát hay hư hao cái chúng ta có đến độ chúng ta không thể rộng lượng, trong hình thức cúng dường cho Tam Bảo hay từ thiện cho những người khác. Có một số người rất giàu có mặc áo rách và chỉ ăn những bữa ăn thiếu thốn, chỉ vì hà tiện; điều này chứng tỏ họ mù lòa biết bao nhiêu về vô thường, vì rồi thời gian sẽ phải đến – chắc chắn khi họ chết hay có thể trước đó – khi họ sẽ mất tất cả những cái gì đã sở hữu; và bấy giờ, họ không chỉ không thể đem bất kỳ thứ gì theo cùng họ, mà còn có thể sẽ sinh vào một cuộc đời nơi đó ngay cả những danh từ “thức ăn” và “đồ uống” không bao giờ được nghe cho tới lúc chết. Dù cho thật sự rằng những tài sản của các bạn không thực hơn kho tàng tìm thấy trong giấc mộng hay hơn một đô thị ảo ảnh chập chờn phía chân trời, bằng cách cúng dường chúng cho Quán Thế Âm và Tam Bảo, các bạn sẽ tích tập công đức như mộng nó sẽ dẫn các bạn đến hạnh phúc, sống thọ, và thịnh vượng như mộng, rồi cuối cùng đến giải thoát. Để tích tập công đức thật sự, hãy làm mọi sự cúng dường và tặng cho với lòng sùng mộ lớn lao và không có chút gì kiêu hãnh.
Trong mọi thứ sở hữu của mình, chính thân thể là cái chúng ta yêu quý nhất; chúng ta khó có thể chịu nổi một cái gai đâm hay một tàn lửa bỏng. Để lật ngược thói quen bám chấp vào sự tiện nghi và sở hữu của thân thể các bạn, hãy cúng dường thân thể các bạn cho Phật như là một người tôi tớ và cúng dường tất cả tài sản các bạn như một đám mây bao la những phẩm vật cúng dường cho tất cả chư Phật và chư Bồ tát – đây là cách thực sự có ý nghĩa để sử dụng chúng. Hơn nữa, với sự tưởng tượng của các bạn, hãy cúng dường tất cả những sự đẹp đẽ trong vũ trụ: hoa, vườn và rừng, âm nhạc thanh tao, mùi hương thanh nhã, thực phẩm hoàn hảo, ánh sáng mọi loại, ngọc báu… Cái tối cao trong những cúng dường này là sự cúng dường thiêng liêng mạn đà la của toàn thể vũ trụ: Núi Tu Di và bốn châu lục, núi ngọc, cây như ý, và v.v… – tóm lại, toàn thể thế giới tràn đầy sự phong phú không cùng của chư thiên và con người. Hãy dâng tặng sự cúng dường vô tận này cho cả hai, những vị an trú trong niết bàn, chư Phật và Bồ tát, và cho những người trong sanh tử, tất cả chúng sanh của sáu nẻo luân hồi.
Thêm vào tất cả những sự cúng dường này, có tả trong những kinh và tantra, như một đối trị hơn nữa với sự chấp ngã nằm trong gốc rễ của sanh tử, là thực hành rất sâu xa quán tưởng thân thể các bạn chuyển hóa thành cam lồ và rồi được dâng cúng cho bốn hạng khách. Trong bốn hạng này, cái thứ nhất là những vị đặc biệt đáng kính trọng và sùng mộ, Tam Bảo. Cái thứ hai là những vị mà những phẩm tính của họ khiến họ đáng để cúng dường, những Hộ Pháp. Cái thứ ba là những người cần bi mẫn, tất cả chúng sanh trong sáu nẻo; đối với họ, hãy quán tưởng rằng sự cúng dường cam lồ của các bạn hóa thành bất cứ thứ gì có thể xoa dịu nỗi khổ của họ – thức ăn cho người đói, thuốc thang cho người bệnh, áo quần cho người lạnh, và chỗ ở cho người không nhà. Loại khách thứ tư là những người mà các bạn mắc những món nợ nghiệp trong đời này và những đời quá khứ, và bởi thế khiến họ được cảm thấy như là những lực lượng xấu, tạo ra những chướng ngại và rối ren, và ngăn cản bạn thực hành; bằng cách cúng dường cho họ trong hình thức bất cứ thứ gì họ muốn nhất, những món nợ của các bạn với họ sẽ được xóa sạch.
Thần chú sáu chữ cũng có thể được trì tụng như một cúng dường đến Tam Bảo và đến tất cả chúng sanh; nó có năng lực đem lại lợi lạc vô cùng. Ngay cả những chúng sanh tàn ác và kiêu căng không thương xót nhất, hoàn toàn mất đi khuynh hướng nhỏ nhất về Pháp, cũng có thể được thuần hóa và giúp đỡ với thần chú này, bởi vì nó là nguồn của Bồ đề tâm, mà năng lực vô biên của lòng bi của Bồ đề tâm luôn luôn thành công nơi nào sức mạnh và bạo động thất bại.
Qua những thực hành này, mà tinh túy là lòng rộng lượng và quan tâm đến những người khác, các bạn có thể giải thoát khỏi tâm bám chấp quy ngã, căn cứ đích thực của sanh tử. Làm những cúng dường và khai triển lòng bi cho tất cả chúng sanh, cuối cùng các bạn sẽ có thể buông bỏ mọi bám níu vào bản ngã bất luận thế nào. Đây là sự cúng dường tối thượng, ba la mật chân thực của rộng lượng bố thí, rộng lượng bố thí “vượt khỏi”; là sự rộng lượng bố thí được thăng hoa trong trí huệ và đại bi.
Rộng lượng tối hậu được minh họa bằng câu chuyện sau đây.
Thời nọ có một đại đế, nổi tiếng vì lòng bi bao la của ông. Ngày qua ngày, trong căn phòng cao nhất trong cung điện, ông thường thiền định về lòng từ bi. Năng lực lòng bi của ông đến nỗi không có ai, dầu cố gắng đến đâu, có thể giết bất kỳ sinh vật gì trong vương quốc của ông. Một buổi sáng, một con chim bồ câu bay qua cửa sổ mở và rơi xuống lòng nhà vua, ngừng thở và khủng khiếp, sau chỉ vài giây là một con diều hâu sà xuống trong phòng, đậu lại gần vua, nói với ông, “Con bồ câu này là của tôi. Tôi cần thịt cho chính tôi và đám chim non của tôi.”
Nhà vua thầm nghĩ, “Không cách gì ta có thể cho diều hâu mẹ con bồ câu này; và cũng không có thịt nào khác ta có để cho nó. Nhưng nếu ta không làm gì, diều hâu và đám con, tất cả sẽ chết.” Cuối cùng tìm ra một trả lời cho vấn đề nan giải của mình, nhà vua quyết định cho con diều hâu ít thịt của chính ông.
“Mày cần bao nhiêu thịt?” ông hỏi nó.
Diều hâu đáp, “Bằng sức nặng của thân tôi.”
Nhà vua lấy ra một bàn cân và đặt con diều hâu vào một dĩa cân. Với một con dao bén, ông bắt đầu cắt thịt từ đùi phải, đặt lên dĩa cân kia. Nhưng cái cân không nhúc nhích chút nào. Ông cắt thịt đùi trái và đặt lên dĩa cân, nó cũng còn bất động. Bấy giờ ông cắt thịt từ toàn bộ thân thể và chất lên dĩa cân – nhưng bấy giờ cái cân vẫn đứng yên như ban đầu. Cuối cùng ông ngồi hẳn lên dĩa cân, cho toàn bộ thân thể mình.
Vào ngay lúc ấy, con bồ câu và con diều hâu, hai vị trời đến để thử thách lòng bi của nhà vua, hoàn lại hình thể bình thường của họ. “Ngài quả thật là một người bi mẫn nhất!”, họ nói. Lúc ấy, nhà vua tức thì được lành lặn những vết thương của mình một cách kỳ diệu. Trong một đời tương lai, nhà vua đã trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni.
Vào lúc này chúng ta không có khả năng đem cho đầu, tay chân và thịt, như đại Bồ tát đã làm, và thật ra ở mức độ của chúng ta, sẽ là sai lầm để làm những cúng dường như vậy; thế nên chúng ta bắt đầu bằng cách cho thân thể chúng ta trong tâm tưởng. Qua việc này và tất cả những thực hành cúng dường khác, vì các bạn ngày càng giảm mất những bám chấp của các bạn, tâm thức các bạn sẽ trở nên càng ngày càng cao cả và rộng rãi. Cuối cùng, các bạn sẽ chứng ngộ bản tánh trống không của cái ngã; bấy giờ các bạn sẽ có thể hoàn thiện sự tích tập của trí huệ, bằng cách làm sự cúng dường hoàn thiện nhất của tất cả – sự chứng ngộ tánh Không của tất cả các hiện tượng.
GURU YOGA Bây giờ chúng ta đến cái tinh túy tột độ của con đường, sự thực hành Guru Yoga, qua nó trí huệ sẽ khởi lên một cách tự nhiên và không cố gắng trong hiện thể của chúng ta.
28. Vị thầy cao cả có bản tánh của tất cả chư Phật,
Và trong tất cả chư Phật, chính ngài là vị tốt lòng nhất.
Thấy vị thầy không tách lìa với Quán Thế Âm,
Với sùng mộ nhiệt thành, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Những phẩm tính và khả năng của vị thầy gốc (bổn sư) của các bạn thì bằng với những cái của tất cả chư Phật trong quá khứ trong mọi phương diện, nhưng chỉ một điều: lòng tốt của ngài biểu lộ thì còn lớn lao hơn. Sao điều đó có thể? Bởi vì chính ngài là người được sửa soạn để thực sự chỉ ra cho bạn con đường đến giải thoát. Thông hiểu sâu xa lòng tốt độc nhất này, các bạn cần luôn luôn thờ phụng vị thầy tâm linh của các bạn như chính đức Phật.
Tất cả chư Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai đã thành tựu và sẽ thành tựu giác ngộ đều bằng cách nương dựa vào một vị thầy tâm linh. Cái sâu xa nhất của mọi giáo lý, Mahamudra (Đại Ấn) và Đại Toàn Thiện, được chứng ngộ qua sùng mộ hơn là qua những tạo tác của tri thức. Với một lòng sùng mộ không lay chuyển và nhất tâm, hãy thấy thầy như là Phật và mọi thứ ngài làm đều toàn hảo; bấy giờ những ban phước của ngài, trí huệ của tâm của tất cả chư Phật, sẽ tuôn vào hiện thể của các bạn một cách không cố gắng. Thực hành phù hợp với những giáo huấn của ngài, và bởi vì mọi đám mây nghi ngờ và do dự đã được xóa sạch, mặt trời của lòng bi của ngài sẽ chiếu soi suốt, sưởi ấm các bạn với hạnh phúc.
Chakravartin, chuyển luân vương truyền thuyết, rút quyền lực trên bốn châu lục của mình từ bánh xe thần đi theo ngài bất cứ chỗ nào ngài đến. Cũng cách ấy, nếu các bạn giữ lòng sùng mộ luôn luôn ở với mình, nó sẽ đem lại cho các bạn năng lực để tiến bộ không cố gắng hướng về giải thoát. Như đức Phật nói, “Ta luôn luôn ở đó đối với bất kỳ ai có lòng sùng mộ.” Như một cái hồ phản chiếu mặt trăng càng tròn sáng hơn khi mặt nước của nó trong sáng và tĩnh lặng, cũng thế những ban phước của vị thầy tuôn trào mạnh mẽ khi niềm tin của các bạn vững chắc và trong sáng.
Chính là qua những ban phước của vị thầy mà giác ngộ có thể đạt được nhanh chóng nhất. Như các tantra nói:
Vị thầy là Phật, vị thầy là Pháp, vị thầy là Tăng;
Vị thầy hiện thân trí huệ của tất cả chư Phật. Với điều này trong tâm, hãy cầu nguyện đến thầy của các bạn như là chính Quán Thế Âm. Cũng có nói:
Tâm thầy là Pháp thân bất biến,
Ngữ thầy là Báo thân miên viễn.
Thân thầy là lòng bi bao trùm tất cả của Hóa thân;
Hãy cầu nguyện đến thầy, sự hiện diện tự nhiên của bốn thân. Cầu nguyện đến thầy như không lìa tách với Quán Thế Âm là tinh túy tột độ của Guru Yoga. Nghĩa đen của Guru Yoga là “hợp nhất với bản tánh của thầy”. Hòa lẫn tâm thức của các bạn với tâm của thầy là cái sâu xa nhất của mọi sự thực hành và là con đường ngắn nhất để chứng ngộ. Nó là sức sống của con đường và sự thực hành duy nhất bao gồm tất cả những thực hành khác. Chính là qua nương dựa vào một vị thầy tâm linh mà tất cả chư Bồ tát của quá khứ phát sanh Bồ đề tâm và đạt đến hoàn thiện. Chẳng hạn Bồ tát Taktu-ngu, “Vị Khóc Mãi”, (43) đã sẵn sàng cho mọi thứ, kể cả thịt và máu của chính ngài, để được thầy mình chấp nhận; và Bồ tát Shönnu Norsang, “Dồi Dào Tuyệt Hảo Trẻ Trung”, đã theo không dưới 143 đạo sư.
Bởi thế, quan trọng là cầu nguyện đến vị thầy của các bạn mọi lúc và mọi hoàn cảnh, từ những chiều sâu thẳm của lòng các bạn và từ tận xương tủy của thân thể các bạn. Khi ngồi xuống, hãy quán tưởng ngài ở trên đầu các bạn và cầu nguyện ngài; khi đi, hãy quán tưởng ngài trên vai phải như các bạn đang đi nhiễu quanh ngài; khi ăn, hãy quán tưởng ngài trong cổ họng các bạn, và tưởng tượng rằng thức ăn của bạn được biến thành cam lồ trong sạch nhất, dâng cúng nó cho ngài. Khi đi ngủ, quán tưởng ngài trong trái tim các bạn, ngài ngồi trên một hoa sen đỏ bốn cánh, phóng chiếu ánh sáng rực rỡ đầy khắp toàn bộ vũ trụ. Mọi lạc thú các bạn trải nghiệm, mọi sắc và thanh đẹp đẽ, mọi miềm vui trong đời bạn, hãy nhân chúng lên vô tận trong tâm thức các bạn và cúng dường cho ngài. Khi những hoàn cảnh của các bạn được hạnh phúc và mọi sự đều tốt đẹp, hãy nghĩ tất cả đều nhờ lòng tốt của ngài như thế nào, và thọ hưởng cái các bạn có mà không bám níu hơn là đối với một giấc mộng hay một huyễn cảnh. Khi các bạn bị đè nặng bởi bệnh tật, buồn rầu hay bởi đối xử xấu, hãy suy nghĩ đây thật ra cũng là lòng tốt của thầy các bạn, bởi vì chính qua những khó khăn như vậy mà các bạn có dịp may tịnh hóa tà hạnh và nợ nần nghiệp báo của quá khứ; và ước mong rằng mọi khổ đau của tất cả chúng sanh được góp thêm vào cho cái khổ đau riêng của các bạn, để họ không phải chịu khổ nữa.
Nếu các bạn có thể thấy ngay cả một con quỷ như là Quán Thế Âm, sự bám chấp vào cái thực của những sức mạnh xấu sẽ tan biến, và những sức mạnh như vậy sẽ không thể tạo ra những chướng ngại cho đời các bạn hay cho sự thực hành của các bạn nữa. Khi sét đánh, núi sập, hay thú rừng đe dọa, nếu tâm các bạn tràn đầy tư tưởng về Quán Thế Âm và các bạn hoàn toàn an trụ nơi ngài, các bạn sẽ hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi. Đến lúc chết, nếu các bạn chỉ nghĩ đến Quán Thế Âm các bạn sẽ không có gì để sợ hãi với những xuất hiện đáng sợ của trung ấm. Nhưng nếu các bạn bị chìm ngập bởi nỗi sợ hãi, do dự giữa chạy đi hay trốn vào một nơi nào, các bạn sẽ ở trong khổ não thường trực suốt cuộc đời, và vào lúc chết các bạn sẽ không thể vượt qua nổi những sợ hãi huyễn hóa của trung ấm.
Tất cả những thực hành cao cả của Kinh và Tantra có thể được cô đọng vào lòng sùng mộ đối với thầy, và tất cả chúng đều được bao gồm trong sự thực hành trì tụng manÏÏi. Nhớ rằng sùng mộ đối với thầy là nguồn của mọi chứng ngộ, và rằng tinh túy của Guru Yoga – hòa tâm mình với bản tánh của Quán Thế Âm – là cái sâu xa nhất của mọi thực hành, hãy trì tụng thần chú sáu âm.