Đã diễn tả những điểm chính của con đường của những kinh điển, bây giờ Patrul Rinpoche đi đến con đường của những tantra, nó cũng thường được gọi là con đường của Mật chú, hay Kim Cương thừa, Vajrayana. Điều quan trọng là cần nhớ rằng sự thực hành của Kim Cương thừa đặt nền trên Kinh thừa, không bao giờ xung đột với Kinh thừa.
MỤC 1: QUÁN ĐẢNH
Trước khi bắt đầu thực hành con đường Kim Cương thừa, các bạn cần nhận một nhập môn, hay trao quyền, truyền pháp, nó cho các bạn được phép nhận những giáo lý Kim Cương thừa và thực hành chúng, và nó bảo đảm cho sự thấu hiểu về thực hành của các bạn chín dần một cách thích đáng cho đến lúc các bạn có thể thu hoạch quả. Thực hành Kim Cương thừa mà không đã nhận một quán đảnh truyền pháp thì cũng giống như cố gắng ép đá để thành dầu.
28. Tịnh hóa những che chướng, khởi sự sự thực hành của con đường và hiện thực hóa bốn thân,
Tinh túy của bốn quán đảnh là Vị Thầy Quán Thế Âm;
Nếu con nhận ra tự tâm con là vị thầy, tất cả bốn quán đảnh đã trọn vẹn;
Nhận sự quán đảnh bẩm sinh vốn sẵn đủ bởi tự chính con, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Trước khi đổ vào một đồ chứa thứ chất lỏng gì rất quý báu, trước hết các bạn phải chắc chắn rằng đồ chứa đã được rửa sạch hoàn toàn. Cùng cách ấy, để bảo đảm rằng các bạn là một đồ nhận thích hợp cho những lời dạy quý báu, điều quan trọng là trước khi nhận được chúng, các bạn phải được tẩy sạch bằng cách nhận một quán đảnh nhập môn.
Quán đảnh (Tây Tạng là wang và Sanskrit là abhisheka) trao quyền cho các bạn được nghe, nghiên cứu và thực hành những giáo lý Kim Cương thừa. Đặc biệt, nó cho phép thực hành những giai đoạn khác nhau của con đường: giai đoạn phát triển, trong đó các bạn quán tưởng những hóa thần và trì tụng những thần chú; giai đoạn thành tựu, trong đó các bạn thực hành những yoga nội; và Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, trong đó các bạn gặp gỡ bản tánh tuyệt đối của tánh giác.
Dù có nhiều cấp độ của quán đảnh, nền tảng của tất cả chúng là bốn quán đảnh căn bản liên quan với bốn che chướng cần được tịnh hóa, bốn tiến trình qua đó sự tịnh hóa xảy ra, và bốn phương diện của thành tựu với kết quả.
Quán đảnh cái bình tịnh hóa thân; quán đảnh bí mật tịnh hóa ngữ; quán đảnh trí huệ tịnh hóa tâm thức; và quán đảnh biểu tượng tịnh hóa những nhiễm ô vi tế của cả thân, ngữ và tâm thức đồng thời. Bốn sự quán đảnh được nhận lần lượt từ thân, ngữ, tâm và trí huệ kim cương bất hoại của vị thầy, ở đây trong hình thức của Quán Thế Âm. Quả của bốn quán đảnh này là sự hiện thực hóa của bốn thân.
Qua quán đảnh các bạn sẽ chứng ngộ thực tánh của tất cả hiện tượng là tánh thanh tịnh bổn nguyên. Bây giờ, tại sao chúng ta và tất cả chúng sanh đã bị hành hạ cho tới nay bởi tất cả mọi hình thức của khổ đau trong sáu cõi sanh tử? Đơn giản bởi vì chúng ta đã không thấy biết được mọi sự vật vốn là bổn lai thanh tịnh. Bổn lai thanh tịnh chính là trạng thái thực của tất cả các pháp, và những thấy biết bất tịnh thông thường của chúng ta là hoàn toàn sai lầm, những vọng tưởng không có một hạt nhỏ chân lý nào – giống như lầm lẫn một đoạn dây thành một con rắn hay nghĩ một ảo ảnh chập chờn của nước ở xa là thật có một cái gì đó.
Thế nên chức năng của bốn quán đảnh là làm cho các bạn biết sự thanh tịnh vốn có của mọi sự vật. Qua sự ban phước của thân Quán Thế Âm, các bạn sẽ thấy biết toàn bộ vũ trụ như là cõi Phật của Quán Thế Âm, Núi Potala. Qua sự ban phước của ngữ Quán Thế Âm, các bạn sẽ thấy biết tất cả âm thanh trong vũ trụ – tiếng của nước, lửa, gió, tiếng kêu của thú vật, giọng nói con người – như là tiếng dội của manÏi. Qua sự ban phước của tâm Quán Thế Âm, các bạn sẽ kinh nghiệm tất cả tư tưởng như là trò chơi của tánh giác. Qua sự ban phước của thân, khẩu và ngữ đồng thời của Quán Thế Âm, các bạn sẽ chứng ngộ rằng trong thật tế thân, ngữ, tâm không phải là ba thực thể riêng biệt mà là một bản tánh của Quán Thế Âm, tánh Không và đại bi không thể tách lìa.
Trước tiên đã nhận được một quán đảnh truyền pháp từ một vị thầy đạo hạnh, bấy giờ các bạn phải tự mình làm sống động trở lại sự quán đảnh truyền pháp lần nữa và lần nữa, mỗi lần làm sâu xa thêm sự thấu hiểu của các bạn, thắp sáng lại những ban phước của thầy, và sửa lại những lỗi vi phạm samaya nào có xảy ra. Để làm sống động trở lại sự quán đảnh cái bình, hãy quán tưởng rõ ràng Quán Thế Âm như là đấng bao trùm tỏa khắp của vô cùng những mạn đà la và hãy cầu nguyện ngài với lòng tin khao khát. Để làm sống động trở lại sự quán đảnh bí mật, hãy trì tụng manÏi với lòng sùng mộ nhiệt thành. Để làm sống động trở lại sự quán đảnh trí huệ, hãy cầu khẩn với lòng sùng mộ những ban phước của đại bi toàn hảo, không ý niệm của Quán Thế Âm trong hình thức những tia sáng phát ra từ trái tim ngài và tan biến vào trái tim các bạn. Để làm sống động trở lại sự quán đảnh biểu tượng, hãy cầu nguyện Quán Thế Âm với sự tôn kính sâu xa và cảm thông sâu sắc, cầu khẩn trí huệ kim cương của ngài trong hình thức những tia sáng năm màu sáng chói từ toàn thân ngài, chúng tan vào khắp thân thể các bạn. Theo cách này, khi các bạn nhận bốn quán đảnh, bốn sự che chướng (44) được xóa tan và bốn thân được thành hiện thực.
Quán đảnh cũng có thể được nhìn theo nền tảng, con đường và quả. Như Lai Tạng, Phật tánh đã luôn luôn hiện diện trong các bạn: bản thân cái ấy là sự quán đảnh nền tảng. Trong thời gian nhập môn, Phật tánh vốn sẵn đủ được chỉ thẳng một cách trực tiếp bởi vị thầy và sau đó được chứng ngộ dần dần bởi đệ tử, đây là sự quán đảnh con đường. Những phương pháp, phương tiện cho tiến trình tiệm tiến này bao gồm sự quán tưởng những mạn đà la (45) và những hóa thần, sự trì tụng những thần chú, và v.v…; trong sự thực hành đặc biệt này các bạn quán tưởng Quán Thế Âm ở trên đầu các bạn, trì tụng thần chú sáu chữ, và nhận trở đi trở lại từ ngài bốn quán đảnh. Sự quán đảnh con đường đưa đến sự quán đảnh quả, nó chỉ là sự chứng ngộ hoàn toàn Phật tánh vốn sẵn có của các bạn.
Những ban phước của bốn quán đảnh và năng lực của chúng để tịnh hóa những che chướng cần được giữ gìn và được tăng trưởng bởi những thực hành của bốn con đường tương ứng. Những cái ấy là chủ đề của những câu kệ còn lại của phần này.
MỤC 2: TRI KIẾN THANH TỊNH
30. Sanh tử không là gì khác hơn như thế nào sự vật xuất hiện với con;
Nếu con nhận ra mọi sự như là hóa thần bổn tôn, sự tốt đẹp của những người khác đã trọn vẹn.
Thấy sự thanh tịnh của mọi sự là ban bốn quán đảnh cho tất cả chúng sanh tức thì;
Nạo vét sạch những chiều sâu của sanh tử, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Đối với người có những khả năng trung bình, con đường là sự từ bỏ toàn hảo. Đối với những người lớn lao, con đường là lòng bi toàn hảo. Đối với những người có những khả năng tối cao, con đường là sự thấy biết tánh thanh tịnh bổn nhiên và toàn hảo. Chính cái thấy biết thanh tịnh này của Kim Cương thừa mà chúng ta quan tâm ở đây.
Vậy thì cái gì nghĩa là tri giác thanh tịnh? Cách thức chúng ta thường kinh nghiệm thế giới bên ngoài, thân thể chúng ta, và cảm giác chúng ta là bất tịnh, theo nghĩa chúng ta thấy biết chúng như là bình thường, những thực thể hiện hữu một cách có bản chất. Từ cái thấy biết sai lầm này có ra những phiền não chúng kéo dài khổ đau. Tuy nhiên, hãy nhìn kỹ tất cả những hình tướng ấy; các bạn sẽ thấy ra rằng chúng không có hiện hữu thật sự. Từ một quan điểm tương đối, chúng xuất hiện như là một kết quả của nhiều nhân và duyên khác nhau, như một ảo ảnh hay một giấc mộng, nhưng trong thật tế không có cái gì khởi từ những nhân và duyên lại có một hiện hữu thực sự nào. Thật vậy, không có một vật nào để xuất hiện. Như có nói, “Ai thấu hiểu tánh Không là bậc hiền trí thực sự.”
Nếu các bạn tiếp tục thẩm xét, các bạn sẽ thấy ra rằng không có vật gì ở bất cứ nơi đâu, không ngay cả một nguyên tử đơn nhất, lại có một hiện hữu đích thật. Bây giờ, rõ ràng rằng nhìn thấy những sự vật theo cách khác đi, chúng như hiện hữu thực sự, chính là cái thấy biết hư vọng tạo nền cho sanh tử – nhưng ngay cả cái thấy biết hư vọng này cũng không bao giờ lìa ngoài lãnh vực của tánh Không. Bởi thế, vô minh không là gì khác hơn một tấm màn che phù du không có hiện hữu nội tại. Khi các bạn nhận ra điều này, không có gì là thấy biết bất tịnh nữa; chỉ có trò phô diễn của thân, ngữ, tâm và trí huệ của Phật. Bấy giờ không cần đến cố gắng nào để thoát khỏi ba cõi sanh tử hay để tận diệt khổ đau, bởi vì cả sanh tử lẫn khổ đau đều chưa từng hiện diện. Một khi các bạn chứng ngộ rằng sanh tử là trống không như một ảo ảnh, tất cả khuôn khổ nghiệp quả và thức tình phiền não nằm tại gốc rễ của sanh tử đều bị cắt sạch.
Tánh Không, tuy nhiên không phải là cái chẳng có gì hay hư không trống rỗng, bởi vì như Bát Nhã ba la mật nói, “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Không chẳng khác Sắc, và Sắc chẳng khác Không.” Thế đấy, tánh Không không lìa khỏi sự phô diễn của những thân và những trí huệ. Trong ý nghĩa đó, mọi hình tướng xuất hiện đều là thân của Quán Thế Âm, mọi âm thanh đều là thần chú của ngài, và mọi tư tưởng đều là sự hợp nhất không và lạc của tánh Không và đại bi. Khi các bạn chứng ngộ cái Chân Không này của những hiện tượng, các bạn sẽ tự nhiên cảm thấy một lòng bi không có ý niệm, bao trùm khắp với tất cả chúng sanh đang chìm đắm trong đại dương sanh tử của khổ đau bởi vì họ bám chấp vào ý niệm một bản ngã.
Cái tôi gây rối rắm muộn phiền này chỉ biết quan tâm đến chính nó trong thực tế đã không bao giờ bắt đầu hiện hữu, ngay đây cũng không đang hiện hữu ở bất cứ nơi đâu, thế nên nó cũng sẽ không có chỗ tắt mất. Không có một dấu vết nhỏ nhất nào của nó có thể được tìm thấy. Bởi thế khi các bạn nhận biết tánh Không, mọi ý niệm “có một bản ngã cần phải phá tan” cũng tan biến, và đồng thời năng lực đem lại sự tốt đẹp cho những người khác mọc lên như mặt trời, một cách không tạo tác và cố gắng. Ở đây các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của Quán Thế Âm, tánh Không và Đại Bi hợp nhất. Và ở đây bắt đầu mười cấp độ liên tiếp nhau của các Bồ tát, những người có khả năng kéo dài một khoảnh khắc thành một thời đại và cô đọng một thời đại thành một khoảnh khắc. Họ tràn đầy lòng bi tự nhiên, vô niệm, và bất cứ cái gì họ làm, dù chỉ một cử chỉ đơn giản của đôi tay, cũng đem lại lợi lạc cho chúng sanh. Họ không bao giờ bị ngu muội bởi những hình tướng xuất hiện, như một nhà huyễn thuật không bao giờ bị mê muội bởi trò lừa dối của ông ta, bởi vì họ biết rằng những hình tướng không có thực tánh, và họ biết rằng không nhận biết sự kiện ấy tức là vọng tưởng. Họ ban cho mọi thành tựu thông thường và tối thượng. Làm việc không mệt mỏi cho lợi lạc của tất cả hữu tình, họ nạo vét sạch những chiều sâu tận đáy của sanh tử.
Cầu nguyện nhiệt thành Quán Thế Âm, hãy quán tưởng vô số tia sáng phóng chiếu từ thân ngài, xua tan khổ đau và những che chướng của tất cả chúng sanh và ban cho họ bốn quán đảnh. Tất cả chúng sanh nam trở thành Quán Thế Âm, tất cả nữ trở thành Jetsun Drölma, và toàn thể vũ trụ trở thành cõi Phật của họ. Thực hành theo cách này đem đến lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Mọi hiện tượng của sanh tử và niết bàn là những phóng chiếu của tâm các bạn. Thế nên, đó cũng là Quán Thế Âm. Trộn lẫn tất cả thực hành vào một cái, an trụ trong trạng thái nơi đó tánh Không và những hình tướng là một tánh duy nhất, và hãy trì tụng mani.
MỤC 3: GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Con đường mật chú được chia thành giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu. Giai đoạn phát triển gồm những yoga của những phương diện trí huệ của thân, ngữ và tâm thức – thân kim cương, ngữ kim cương, và tâm kim cương; mục đích của nó là chứng ngộ tánh thanh tịnh bổn nguyên của tất cả hiện tượng. Giai đoạn thành tựu dẫn đến sự chứng ngộ không có ý niệm về bản tánh của tâm thức.
THÂN KIM CƯƠNG
31. Tâm thức không thể đảm đương tất cả những thực hành quán tưởng;
Thiền định về một vị Phật là thiền định về tất cả chư Phật.
Bất cứ cái gì xuất hiện, những hình tướng là hình sắc của bậc Đại Bi;
Trong cảnh giới của thân thể hóa thần, xuất hiện nhưng trống không, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Sự thực hành cốt lõi của giai đoạn phát triển là quán tưởng bản thân các bạn và tất cả chúng sanh khác như là những hóa thần và vũ trụ như là mạn đà la hay một cõi Phật. Con người ngày nay, với trí năng giới hạn, cuộc đời ngắn ngủi, và tinh tấn yếu ớt, họ thấy khó khăn để làm chủ mọi quán tưởng tạo tác trong những tantra. Cố gắng thử làm tất cả những thực hành phức tạp này là vô ích, tuy nhiên, bằng cách thông thạo triệt để một thực hành nhắm vào chỉ một vị Phật, các bạn có thể khám phá ra trí huệ và lòng bi của tất cả chư vị.
Với thực hành hiện giờ, các bạn có thể hoặc quán tưởng chính các bạn là Quán Thế Âm hay quán tưởng Quán Thế Âm ở trên đầu các bạn, nghĩ đến ngài như không khác với bổn sư của các bạn, vị thầy mà các bạn cảm thấy sùng mộ lớn lao nhất. Ngài màu trắng – màu trắng chói sáng của một đỉnh tuyết phản chiếu một trăm ngàn mặt trời, xua tan bóng tối của toàn thể vũ trụ. Ngài có một đầu, tượng trưng cho cái một của bản tánh tuyệt đối; bốn tay tượng trưng cho từ, bi, hỷ, xả; hai chân xếp bằng trong tư thế kim cương, tượng trưng tính nhất như của sanh tử và niết bàn; ngài ngồi trên một hoa sen ngàn cánh, tượng trưng lòng bi, và một dĩa mặt trăng tượng trưng cho tánh Không.
Một đôi tay chắp ở trái tim và cầm một viên ngọc, tượng trưng Bồ đề tâm, hòn ngọc như ý ban cho những thành tựu tối cao và thông thường. Hai tay kia, một tay bên phải cầm lên một xâu chuỗi pha lê và tay kia một hoa sen trắng bên trái; xâu chuỗi tượng trưng lòng bi không ngừng của ngài trải dài như một dòng không dứt qua trái tim của mỗi một chúng sanh, và hoa sen là sự thanh tịnh không biến đổi của trí huệ ngài nở trọn vẹn trên bùn lầy của sanh tử. Viên ngọc cũng tượng trưng trí huệ – đại lạc như phương tiện, trong khi hoa sen tượng trưng trí huệ – tánh Không như sự chứng ngộ. Thân thể đẹp đẽ của ngài, mang tất cả tướng chánh và tướng phụ của một vị Phật, được bao trùm trong ngọc và lụa của Báo thân.
Mục đích của những thực hành quán tưởng của giai đoạn phát triển, như cái này, là để phát triển cái thấy biết thanh tịnh – đó là, để thấy bản thân các bạn và tất cả chúng sanh như những hóa thần trí huệ và môi trường của các bạn như là một cõi Phật, để nghe tất cả âm thanh như là những thần chú, và để hiểu mọi tư tưởng như là trò chơi của tánh Giác. Cái tri giác thanh tịnh này không phải là một ý tưởng nhân tạo nào đó về sự thanh tịnh mà các bạn cố gắng gán ghép lên những hiện tượng; hơn thế nữa, nó là sự nhận ra rằng tất cả mọi hiện tượng thật sự và vốn xưa nay thanh tịnh. Nó được hoàn thành qua nhiều kỹ thuật thiền định, chúng dần dần được hoàn thiện. Ban đầu, các bạn có thể không quán tưởng được Quán Thế Âm như một toàn thể một cách rất rõ ràng, thế nên hãy bắt đầu bằng cách quán tưởng khuôn mặt của ngài: Vượt tất cả chúng sanh, lông mày cong hoàn hảo của ngài, đường nét của cái mũi, và nụ cười rạng rỡ của ngài. Rồi từ từ mở rộng sự quán tưởng đến toàn cái đầu của ngài – hình dáng tuyệt hảo và những trang sức của nó, vương miện và bông tai bằng vàng. Dần dần, quán tưởng phần dưới còn lại của thân thể ngài và những trang sức khác, ba vòng cổ, tấm da sơn dương trên vai trái và bao phủ phần ngực trái, những vòng đeo tay và cổ chân nạm ngọc, những khăn quàng lụa màu sắc, khăn quàng trắng thêu chỉ vàng, và y phục phần dưới năm màu. Quán tưởng mỗi chi tiết chầm chậm theo cách này, từ từng cái một, các bạn sẽ dần dần có thể duy trì sự quán tưởng bao trùm toàn bộ.
Bấy giờ, trong mỗi lỗ chân lông của thân thể Quán Thế Âm, hãy quán tưởng một cõi Phật, và trong mỗi cõi của hàng tỷ cõi Phật này, có một vị Phật chuyển bánh xe Pháp cho chúng hội Thanh Văn, Bích Chi và Bồ tát của ngài. Giáo lý của những vị Phật này về tri kiến, thiền định và hành động của Đại thừa là căn cứ trên Pháp cao siêu thần chú sáu chữ, và khả năng chỉ dạy của các ngài đến nỗi trong nhiều kiếp, các ngài có thể xiển dương ý nghĩa của chỉ một chữ, chẳng hạn chữ OMÏ, mà không hề cạn kiệt đề tài. Không có cái gì trong những cõi Phật này là bất tịnh. Không có sự thù ghét kẻ thù hay luyến ái bạn bè. Mọi giống nam là Quán Thế Âm và mọi giống nữ là Jetsun Drölma. Tất cả những cõi Phật này là những lưu xuất huyễn hóa của trò chơi phô diễn của Quán Thế Âm, sự biểu lộ của tánh Không và đại bi không tách lìa.
Khi quán tưởng thân thể các bạn là thân kim cương của Quán Thế Âm, các bạn phải thấy toàn thể môi trường bên ngoài được chuyển hóa thành Tịnh Độ của Quán Thế Âm, Núi Potala trong cõi Cực Lạc Sukhavati, với những điều kỳ diệu như những đồi ngọc, sông cam lồ và cây như ý; những đám mây của những sự cúng dường đầy trời, thần chú OM MANÏ PADME HŪM vang lên khắp nơi, và “khổ” là một danh từ không bao giờ được nghe đến.
Khi các bạn quán tưởng thân kim cương, các bạn không nên nghĩ nó là một cái gì cứng đặc làm bằng thịt, xương và máu, mà như một cầu vồng, chói lọi, màu sắc và trong sáng, nhưng không có bản chất nào. Đấy là phương diện Không của bản tánh Quán Thế Âm, nó không có những hợp uẩn thô đặc hay bất tịnh; Quán Thế Âm hoàn toàn vô nhiễm với năm uẩn,(46) chúng hợp với nhau làm nảy sinh ý niệm về một bản ngã.
Ban đầu, dầu cố gắng siêng năng, các bạn cảm thấy khó mà làm chủ mọi chi tiết của sự quán tưởng. Trong trường hợp ấy, đơn giản hãy khai triển một sự xác tín rõ ràng các bạn chính là Quán Thế Âm – không phải như là kết quả của tạo tác thuộc về tâm thức mà vốn là như vậy. Nếu các bạn quán tưởng Quán Thế Âm trên đầu các bạn, đơn giản hãy tin chắc rằng ngài ở đó và rõ ràng biết sự hiện diện của ngài. Theo thời gian, bằng cách tập trung vào mỗi chi tiết lập đi lập lại, các bạn sẽ dần dần trở nên quen với sự quán tưởng cho đến khi nó trở thành hoàn toàn tự nhiên, như mọi chi tiết của một nơi chốn bạn đã sống lâu năm sẵn sàng hiện hình trong trí các bạn.
Khi sự quán tưởng Quán Thế Âm trở nên rõ ràng và vững chắc, hãy quán tưởng những tia sáng phóng ra từ thân thể ngài soi khắp mười phương,(47) cúng dường tất cả chư Phật và Bồ tát trong vô số cõi Phật. Những tia sáng này trở lại, mang theo những ban phước của tất cả các bậc giác ngộ, và tan trở vào Quán Thế Âm, ngài càng trở nên sáng chói và rực rỡ hơn. Một lần nữa, ngài phóng ra những tia sáng, lần này đến với tất cả chúng sanh, xua tan khổ đau của họ, đặt để họ trong trí huệ của đại lạc, và chuyển hóa họ thành những Bồ tát nam và nữ và toàn thể vũ trụ thành một cõi Phật hoàn hảo.
Trong khi các bạn đang thiền định về Quán Thế Âm, những tư tưởng bình thường sẽ dừng lại và tâm thức sẽ an định. Nếu bấy giờ các bạn nhìn vào bản tánh của tâm thức, sẽ bắt đầu trở nên rõ ràng rằng hóa thần bổn tôn tự bản chất là một với tánh Không. Cái hiểu này bấy giờ sẽ mở rộng đến sự chứng ngộ rằng tất cả hình tướng xuất hiện là trống không trong bản tánh và bởi thế hoàn toàn thanh tịnh. Hộ trì sự chứng ngộ này trong tất cả mọi lúc là giai đoạn phát triển của tánh thanh tịnh vô biên.
NGỮ KIM CƯƠNG
32. Những trì tụng, sadhana, và thần chú chỉ là những rắc rối;
Thần chú sáu chữ bao gồm tất cả là âm thanh thực sự của Pháp.
Tất cả âm thanh không gì khác hơn là ngữ của Quán Thế Âm Cao siêu;
Nhận biết chúng như là thần chú, âm vang nhưng trống không, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Một trong những yếu tố chính của thực hành Kim Cương thừa là thần chú (mantra). Thần chú là những công thức bằng tiếng Sanskrit trong lãnh vực âm thanh, có một tầm quan trọng tương đương với sự quan trọng của những hóa thần được quán tưởng trong lãnh vực hình sắc. Thần chú có nhiều loại khác nhau, gồm những thần chú của cái biết, thần chú bí mật và dharani; cũng có những thần chú của sự tiếp cận, những thần chú của sự hoàn thành và những thần chú để thành tựu bốn sự hoạt động.
Tuy nhiên, không có thần chú nào có thể được xem như cao hơn manÏi, nó bao gồm không chỉ tất cả chức năng mà còn tất cả năng lực và ban phước của mọi thần chú khác. Những bậc thánh trí quá khứ, chẳng hạn như Karma Chagme vĩ đại, (48) đã không thể tìm khắp trong kinh điển một thần chú lợi lạc, tinh túy hơn hay dễ dàng thực hành hơn manÏi; bởi thế các ngài đã lấy thần chú này là sự thực hành chính của các ngài. Ngay chỉ nghe được manÏi là đã đủ để chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Ví dụ, chuyện kể rằng có lần năm trăm con trùng giành giựt nhau để sống trong một cái hố bẩn thỉu ghê gớm. Quán Thế Âm thương xót cho sự khổ đau của chúng, biến thành một con ong vàng và bay trên cái hố, vo ve thần chú manÏi. Những con trùng nghe được âm thanh của sáu chữ, đã hoàn toàn thoát khỏi những đau khổ của chúng và sanh lại ở một cõi trời.
ManÏi không chỉ là một chuỗi lời bình thường. Nó chứa đựng tất cả những ban phước và lòng bi của Quán Thế Âm; thật vậy, nó chính là Quán Thế Âm trong hình thức âm thanh. Như chúng ta hiện giờ, những che chướng nghiệp báo của chúng ta ngăn cản chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Quán Thế Âm trong cõi Phật của ngài; nhưng điều chúng ta có thể làm là nghe thần chú của ngài, trì tụng nó, đọc nó, và viết nó ra cho đẹp bằng chữ vàng. Bởi vì không có sự khác nhau nào giữa bản thân hóa thần bổn tôn và thần chú là tinh túy của ngài, những việc làm này đem lại lợi lạc lớn lao. Sáu chữ là sự biểu lộ sáu ba la mật của Quán Thế Âm, và như chính ngài đã nói, người nào trì tụng thần chú sáu chữ sẽ hoàn thiện sáu ba la mật và tịnh hóa mọi che chướng và nghiệp báo.
Để thực hành trì tụng thần chú này, trước tiên quán tưởng Quán Thế Âm như đã tả ở trước, càng rõ ràng sống động càng tốt. Trong trái tim Quán Thế Âm, hãy quán tưởng một hoa sen sáu cánh, trên đó là một dĩa mặt trăng tròn. Trong trung tâm dĩa mặt trăng là chữ HRĪHÏ, bao quanh bởi sáu chữ OMÏ MA NÏI PAD ME HŪMÏ xếp theo chiều kim đồng hồ trong một vòng tròn như một chuỗi ngọc trai, tỏa chiếu những dòng ánh sáng chúng mang những cúng dường đến cõi Cực Lạc Sukhavati, đến cõi Cực Mỹ Ưa Nhìn, và đến tất cả cõi Phật mười phương. Mỗi một tia sáng mang theo vô số đồ cúng dường, như tám biểu tượng tốt lành, tám chất quý báu, bảy biểu hiện vương giả, những cây như ý, những pháp khí quý giá, và tạo thành những đám mây khổng lồ của những cúng dường đến chư Phật và chư Bồ tát của mỗi cõi Phật, đầy khắp bầu trời. Nhận những món cúng dường của các bạn, chư Phật giúp các bạn tích tập công đức và trí huệ.
Rồi tất cả tia sáng này trở lại, mang theo trong hình thức cam lồ quý báu những ban phước của thân, ngữ, tâm của tất cả chư Phật, cùng với trí huệ, năng lực và tình thương của các ngài và tan vào thần chú trong trái tim Quán Thế Âm. Quán Thế Âm trở nên sáng chói và rực rỡ hơn nữa, như vàng tắm trong nước màu vàng nghệ.
Rồi những tia sáng vô biên lại phóng ra từ vòng tròn thần chú, lần này xóa tan khổ đau của tất cả chúng sanh trong sáu cõi: cái nóng làm bỏng và cái lạnh nhức nhối của những địa ngục; cái đói khát không gì giải tỏa được của ngạ quỷ; cái ngu si hung dữ, cảnh nô lệ và bị đối xử tồi tệ của súc sanh; những khổ đau của sanh già bệnh chết của con người; sự ghen ghét và cừu hận của bán-thiên; và mối khổ não của chư thiên khi cuối cùng, từ những thế giới tinh tế của lạc thú và định tĩnh, họ đâm đầu xuống những chiều sâu của các cõi thấp. Tất cả sự thống khổ này bị xua tan bởi ánh sáng rực rỡ tuôn ra từ thần chú, như mặt trời buổi sáng làm chảy tan sương mù trên cánh đồng mùa đông. Tất cả chúng sanh được chuyển hóa thành Quán Thế Âm; trước hết là môi trường trực tiếp quanh các bạn, và rồi toàn thể vũ trụ, trở thành cõi tịnh độ của Núi Potala.
Khi phúc lợi của tất cả chúng sanh đã được hoàn thành theo cách này, hãy gom thu lại những tia sáng trở vào trong chính các bạn, tức là Quán Thế Âm. Mỗi một lỗ chân lông của thân thể các bạn chứa đựng vô số cõi Phật, mỗi cõi âm vang thần chú sáu chữ.
Sự rung động của nó tràn đầy toàn thể không gian, như tiếng vo ve của một triệu con ong bay ra khỏi tổ khi bị mở banh. Âm thanh của thần chú xóa sạch vô minh và hàng phục mọi năng lực tiêu cực. Nó thức tỉnh những Thanh Văn khỏi định của các ngài và đem các ngài vào con đường Đại thừa; nó làm những cúng dường cho các Bồ tát, khuyến tán các ngài tiếp tục làm việc cho lợi lạc của chúng sanh; và nó ra lệnh cho các hộ pháp giữ gìn những giáo lý và làm tăng trưởng hạnh phúc và thịnh vượng cho tất cả.
Những âm thanh của gió và những con sông chảy, tiếng lách tách của lửa, tiếng kêu của thú vật, những bài hát của chim chóc, tiếng nói của con người – tất cả âm thanh của vũ trụ – là âm vang của thần chú sáu chữ, âm thanh tự khởi của Pháp, vang lên nhưng trống không, tiếng vang dội của Pháp thân vô sanh. Qua trì tụng, thực hành yoga của ngữ kim cương, các bạn sẽ không khó khăn đạt được những thành tựu bình thường và tối cao. (49)
TÂM KIM CƯƠNG
33. Vì những tư tưởng và hai che chướng được bình lặng, kinh nghiệm và chứng ngộ tăng trưởng;
Vì những tri giác của bạn được điều ngự, những kẻ thù và những ảnh hưởng ngăn ngại bị khuất khục.
Chính Quán Thế Âm ngài ban cho những thành tựu bình thường và tối cao trong chỉ đời này;
Vì bốn hoạt động được thành tựu bởi tự chúng; hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Không có một thực thể nào, của bất cứ loại nào, hiện hữu thực sự và thường tồn. Tất cả hiện tượng của sanh tử và niết bàn – ngay dù những hình tướng được thấy như hóa thần và những âm thanh được nghe như thần chú – đều là những phóng chiếu của tâm thức. Nếu các bạn tìm kiến bản chất của tâm, các bạn sẽ thấy như đã được nói trong Bát Nhã ba la mật:
Tâm,
Tâm không hiện hữu,
Sự biểu lộ của nó là tánh sáng tỏ. (50) Cái chúng ta bình thường gọi là tâm là tâm mê vọng, một xoáy lốc ồn ào của những tư tưởng bị khuấy động bởi tham, sân và si. Tâm này, khác với tánh Giác giác ngộ, luôn luôn bị mang đi xa bởi một vọng tưởng này tiếp sau một vọng tưởng khác. Những tư tưởng ghét giận hay tham bám thình lình khởi lên không báo trước, bùng nổ bởi những hoàn cảnh như một cuộc gặp gỡ bất ngờ với một kẻ thù hay một người bạn, và trừ phi chúng tức thời bị hóa giải bằng một đối trị thích hợp, còn không chúng nhanh chóng bắt rễ và sinh sôi, làm mạnh thêm ưu thế thói quen của thương ghét trong tâm thức và càng gia thêm những khuôn khổ nghiệp báo.
Nhưng dù những tư tưởng ấy có vẻ mạnh mẽ thế nào, chúng cũng chỉ là những tư tưởng và cuối cùng tan biến trong tánh Không. Một khi các bạn nhận ra bản chất nội tại của tâm, những tư tưởng hình như khởi, diệt mọi lúc này không thể làm các bạn ngu muội nữa. Như những đám mây thành hình, tồn tại một lúc, và rồi tan biến vào bầu trời trống không, những vọng tưởng cũng thế, khởi lên, có mặt một lát và rồi tan mất trong tánh Không của tâm; trong thực tế không có cái gì đã xảy ra cả.
Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào một hòn pha lê, những ánh sáng của mọi màu sắc cầu vồng xuất hiện; tuy nhiên chúng không có bản chất gì cho các bạn có thể bám nắm. Cũng thế, tất cả tư tưởng trong sự đa tạp vô cùng của chúng – sùng mộ, bi mẫn, làm hại, tham muốn – rốt ráo đều không có bản chất, vô tự tánh. Đây là tâm của Quán Thế Âm. Không có tư tưởng nào khác tánh Không; nếu các bạn nhận ra bản chất trống không của những tư tưởng ngay lúc chúng khởi lên, thì chúng sẽ tan biến. Tham luyến và căm ghét sẽ không bao giờ có thể quấy rối tâm thức. Những cảm thức hư vọng sẽ tự sụp đổ. Không có hành động xấu nào được tích tập nữa, thế nên không có khổ đau theo đó. Đây là đỉnh điểm của sự làm cho bình lặng, cái thứ nhất trong bốn hoạt động.
Nếu các bạn thực hành những yoga về thân, ngữ và tâm mà không làm mồi cho những tư tưởng, ở điểm này lòng bi của Quán Thế Âm và Phật tánh vốn sẵn của các bạn sẽ bắt đầu gặp gỡ và hòa làm một. Những kinh nghiệm thiền định sẽ tăng thêm, cùng với lòng sùng mộ và lòng bi, như những tia sáng mặt trời tăng thêm sức mạnh khi tập trung qua một cái gương tráng lệ. Đây là đỉnh điểm của sự tăng trưởng, hay tăng ích, hoạt động thứ hai.
Một khi các bạn thấy rằng tất cả hiện tượng của cả sanh tử lẫn niết bàn chỉ là những tạo tác của tâm thức và rằng bản tánh của tâm thức là trống không, bấy giờ chuyển hóa tri giác bất tịnh thành tri giác thanh tịnh không còn là một vấn đề – tất cả hiện tượng được phát hiện một cách đơn giản như là thanh tịnh bổn nhiên. Sự chứng ngộ này đem tới cho các bạn, một cách tổng quát, sự kiểm soát không giới hạn trên mọi hiện tượng và, một cách riêng biệt, mười năng lực của những bậc tối cao – năng lực trên vật chất, năng lực trên đời sống, năng lực trên nghiệp quả v.v… (51) Có nói rằng, “Bằng cách làm chủ tri giác của mình, người ta có thể làm chủ tất cả mọi hiện tượng.” Khi các bạn thoát khỏi năng lực của những vọng tưởng, các bạn sẽ có thể chuyển hóa các đại theo ý muốn và làm chủ kho tàng vô tận của bầu trời.
(52) Trong một nạn đói kinh khủng ở Ấn Độ, đại sư Nagarjuna biến sắt thành vàng, với vàng này ngài không chỉ có thể nuôi sống toàn bộ tăng già qua khỏi nạn đói mà còn xây dựng được nhiều chùa mới. (53) Tất cả những phép lạ mà tám mươi bốn đại thành tựu giả biểu lộ quyền năng của các ngài trên những hình tướng có thể làm được là do sự chứng ngộ tánh Không và sự tự do khỏi mê vọng của các ngài. Cuối cùng đến sự làm chủ của chính giác ngộ – đỉnh điểm của năng lực, hoạt động thứ ba.
Một khi tâm mê vọng đã bị hàng phục, bấy giờ không có chỗ nào làm bến trú ẩn cho những quỷ thần tác hại hay những năng lực xấu; và khi thân tâm các bạn thấm nhuần Bồ đề tâm, cái mà trước kia các bạn có thể tri giác như là những lực lượng tà ma và gây ngăn ngại bấy giờ các bạn sẽ thấy chúng như những biểu hiện của thầy các bạn, qua chúng các bạn có thể làm mạnh thêm từ và bi. Theo cách này, khổ đau biến mất, và các bạn sử dụng những lực lượng tiêu cực, xấu ác, những chướng ngại và những khó khăn để tiến bộ trong sự thực hành của các bạn. Đây là đỉnh điểm của hàng phục, hoạt động thứ tư.
Qua sự thực hành giai đoạn phát triển – quán tưởng Quán Thế Âm và trì tụng thần chú của ngài – các bạn nhận biết trí huệ của ngài. Từ tia lửa của sự nhận biết này, trí huệ lớn lên như một ngọn lửa lan qua một rừng cây khô. Đây là tinh túy của giai đoạn thành tựu. Qua sự thực hành này, tâm thức được thuần hóa và bốn hoạt động được thành tựu tự chúng một cách tự nhiên. Những che chướng và tà hạnh, bệnh tật và khổ đau được bình lặng; thọ mạng, công đức, thịnh vượng và trí huệ tăng trưởng; người ta, những tư tưởng và những năng lực bên trong được thuộc về dưới quyền năng của các bạn mà không có tranh đấu; và mọi lực lượng tiêu cực, những thù địch, những chướng ngại, và những ma quỷ bên trong – những thức tình – được hàng phục.
SAU THIỀN ĐỊNH Để kinh nghiệm đầy đủ ý nghĩa sâu xa của Kim Cương thừa, điều quan trọng là duy trì sự thực hành trong mọi lúc, không chỉ trong những thời thiền định cụ thể. Thực hành cho những thời thiền định và thực hành cho những thời kỳ giữa những thời thiền định phải được xem là không tách biệt nhau. Mục đích của bản thân thực hành thiền định, như chúng ta đã thấy, là có được sự vững chắc trong cái tri giác tất cả hình tướng như là hình thể của hóa thần bổn tôn, tất cả âm thanh là thần chú của ngài, và tất cả tư tưởng tức là Pháp thân, như thế nhận biết bản tánh tuyệt đối của tâm thức, trống không và sáng rỡ. Bây giờ, trong những thời kỳ giữa các thời thiền định, bất cứ các bạn làm điều gì các bạn phải hộ trì, giữ gìn cái nhận biết này mà không rơi trở lại vào những thói quen bình thường cũ, đến mức các bạn có thể khai triển sự thấu hiểu đã có được trong khi thiền định. Trong cách này, tất cả mọi hoạt động của các bạn sẽ nối kết, tương ưng với cái thấy, thiền định và hành động của Kim Cương thừa.
34. Hãy cúng torma của bất cứ cái gì khởi lên cho những vị khách của sự vốn-tự-giải-thoát;
Hãy nặn đất sét của bất cứ cái gì xuất hiện thành tsa- tsa của hình tướng chân không;
Hãy cúng sự lễ lạy của bất nhị đến Bậc của Bản Tánh Tâm.
Hoàn thành những Pháp sự này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Giữa những thời thiền định, hãy bảo đảm rằng bất cứ việc gì bạn làm cũng đều hài hòa với Pháp. Điều này sẽ giúp làm sâu thêm cái hiểu của bạn về cái thấy. Nếu, khi các bạn vừa chấm dứt thiền định và bắt đầu một việc khác, các bạn lại để cho những tư tưởng của mình sinh sôi cho đến khi các bạn hoàn toàn bị tách lìa xa do vọng tưởng, sự thiền định của các bạn sẽ không tiến bộ và các bạn sẽ thấy mình thường xuyên chiến đấu với đủ mọi loại chướng ngại – hôn trầm nặng nề hay phóng dật điên cuồng, chẳng hạn. Thế nên bất cứ khi nào rỗi rãnh, hãy lễ lạy, đi nhiễu quanh các chốn thiêng liêng, cúng dường torma, hay nặn tsa-tsa; tóm tắt, chỉ làm cái gì thực sự có ý nghĩa.
Những nghi lễ cúng dường torma (54) được dâng cúng đến bốn loại người nhận, thường được biết như những “vị khách”: những người đáng tôn kính, Tam Bảo và những hộ pháp; và những người cần đến lòng bi của các bạn, tất cả chúng sanh và những ma quỷ mà các bạn mắc nợ nghiệp với họ. Dâng cúng những torma một cách thích đáng, ban phước cho chúng với dharani và thần chú, sẽ đem lại lợi lạc không cùng. Cũng có những giáo huấn về dâng cúng những torma bằng nước. Một torma dâng cúng cho Tam Bảo sẽ hoàn thành hai sự tích tập; dâng cúng cho các hộ pháp làm họ hài lòng và khiến họ hành động; dâng cúng cho tất cả chúng sanh sẽ làm nhẹ những khổ đau đủ loại của họ và làm giảm đói khát của những ma quỷ; và dâng cúng cho những chủ nợ nghiệp của chúng ta sẽ trả những món nợ chúng ta đã mắc trong tất cả những đời quá khứ, giải thoát chúng ta khỏi bệnh tật, ảnh hưởng xấu ác, và những ngăn chướng đủ loại.
Một tsa-tsa là một tháp (stupa) (55) nhỏ thường được nặn từ đất sét, nó tượng trưng cho phương diện tuyệt đối của tâm một đức Phật, Pháp thân. Pandita Atisha vĩ đại thường làm ba tsa-tsa mỗi ngày bằng chính đôi tay mình, và ngài xem đó là một hoạt động rất lợi lạc. Nếu các bạn không có thì giờ để làm những tsa- tsa bằng đất sét, có những giáo huấn về cách làm chúng bằng cách dùng bốn đại đất, nước, lửa và không khí. Cúng dường những tsa-tsa là một cách khác để hoàn thành hai sự tích tập.
Nếu các bạn không thể làm những cúng dường bằng vật chất, các bạn luôn luôn có thể dâng cúng bằng tâm tưởng mọi vẻ đẹp của vũ trụ, mặt trời mặt trăng, hoa, hương, tiếng chim hót; và thay vì dâng cúng một torma vật chất, khi thấu hiểu tâm tức là Quán Thế Âm, hãy quán tưởng thân các bạn như là cam lồ trí huệ thanh tịnh và dâng cúng nó cho bốn loại khách đã nói ở trên.
Hoặc nếu Quán Thế Âm là hóa thần bổn tôn mà các bạn dâng cúng, chủ đề của sự thiền định của các bạn, hay tiêu điểm cho những sự lễ lạy và sùng mộ của các bạn, lợi lạc vô cùng sẽ sanh ra từ đó. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, tất cả hiện tượng là những phóng chiếu của tâm; người dâng cúng, hóa thần bổn tôn được dâng cúng và bản thân những dâng cúng không cách nào hiện hữu như những thực thể cụ thể. Thế nên khi một đại Bồ tát thực hành rộng lượng và những ba la mật khác, ngài biết rằng tất cả những hoạt động này không thực hơn một ảo ảnh huyễn thuật hay một giấc mộng. Ngài làm những dâng cúng bao la và tích tập vô biên công đức, nhưng trong tất cả thời gian ngài hoàn toàn thoát khỏi luyến chấp, kiêu căng và kẻ cả.
35. Hãy đánh bại kẻ thù của con, sự thù ghét, với vũ khí của từ;
Hãy bảo vệ gia đình của con, chúng sanh trong sáu cõi, với phương tiện thiện xảo của bi;
Hãy gặt hái từ cánh đồng sùng mộ vụ mùa của kinh nghiệm và chứng ngộ.
Hoàn thành công việc của đời con, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Theo những giá trị bình thường, đánh bại những kẻ thù của các bạn, bảo vệ gia đình các bạn và thêm giàu có, thịnh vượng là cái tạo thành một cuộc đời thỏa mãn và suông sẻ. Nhưng là những Phật tử, chúng ta cần cố gắng đánh bại sự hiếu chiến của chính chúng ta hơn là những kẻ thù của chúng ta, chăm sóc sự nhẫn nhục của chính chúng ta hơn là gia đình của chúng ta, và đầu tư nhiều cho lòng bi và lòng từ hơn là sự thịnh vượng vật chất.
Có nói rằng không có xấu ác nào hơn thù ghét và không có đức hạnh nào hơn nhẫn nhục. Trong khi chỉ một khoảnh khắc sân giận sẽ hủy hoại vô số kiếp của công đức và dẫn đến khổ đau đăng đẳng trong những địa ngục, thì nhẫn nhục đối với những người làm hại các bạn và mong muốn thật lòng đưa lại cho họ hạnh phúc sẽ đưa các bạn đi nhanh chóng trên con đường của tất cả chư Phật.
Không có đường lối tốt đẹp nào để đối xử với những kẻ thù hơn là cảm thấy tình thương bao la cho họ, nhận chân rằng trong những đời trước họ đã từng là cha mẹ các bạn. Không có cách thức tốt đẹp nào để nuôi dưỡng gia đình các bạn và chăm sóc cho những người khác hơn là thực hành Pháp và hồi hướng cho tất cả chúng sanh công đức các bạn có được từ đó. Không có mùa gặt tốt đẹp hay dồi dào nào hơn vụ mùa các bạn gieo trong đất của niềm tin và tinh tấn để nó chín thành sự giàu có của công đức và trí huệ.
“Cái xấu ác chỉ bị hàng phục bởi lòng bi,” có câu nói như thế. Thế nên, đối mặt với mọi khó khăn của thế giới này, hãy trì tụng manÏi, cầu nguyện rằng tất cả những chúng sanh người và chẳng-phải-người bị chìm ngập bởi thù ghét, chỉ muốn làm hại, giết chóc và hủy diệt, đều được lòng bi chạm đến và làm nảy sinh tư tưởng cao cả giác ngộ.
Năng lực của tình thường chinh phục sự hiếu chiến được đức Phật biểu lộ trong lần gặp gỡ với Ma vương. Trong đêm trước khi giác ngộ, đức Phật ngồi trên tòa Kim Cương dưới một cội cây bồ đề ở Ấn Độ, những đoàn binh ma quỷ của Ma vương bao quanh ngài như một đám mây đen khổng lồ. Điên cưồng bởi ác tâm và ghen ghét, chúng gào lên những mắng chửi và phóng ra những vũ khí, nhưng đức Phật vẫn thanh thản và tràn đầy với lòng từ đến độ những chửi rủa của chúng biến thành những âm điệu du dương và những vũ khí độc hại phóng đến biến thành một cơn mưa hoa. Với vũ khí của lòng từ, các bạn sẽ luôn luôn có thể chiến thắng ác tâm, và việc đối diện với sự thù ghét và gây hấn chỉ làm tăng thêm Bồ đề tâm của các bạn.
Tốt lòng có nghĩa là thường trực nghĩ đến việc kỳ diệu biết bao nếu người ta được thoát khỏi khổ đau và hưởng thụ được hạnh phúc. Nó cũng có nghĩa là hiến dâng cả lời nói và hành động để nỗ lực làm cho đều ấy thực sự xảy ra. Một lần, khi đức Atisha vinh quang đang đau đớn vì một bàn tay của ngài, ngài đặt nó vào lòng Dromtönpa và nói, “Hãy ban phước cho bàn tay tôi – ông rất tốt lòng, và điều đó tự thân nó đã đủ để làm hết cơn đau.”
Có vô số chúng sanh đang lang thang trong sanh tử, hoàn toàn lạc lõng và hết sức cần đến sự giúp đỡ của các bạn. Bởi vì tất cả họ đã từng là cha mẹ từ ái của các bạn một thời này hay thời khác trong quá khứ, các bạn phải giúp đỡ họ. Nhưng làm thế nào? Dù nếu các bạn có thể cung cấp cho tất cả họ tiền bạc và tiện nghi, điều ấy chỉ đem đến cho họ một sự trì hỗn bất toàn và ngắn ngủi đối với khổ đau của họ. Hãy suy nghĩ sâu xa; trong tất cả những cách thức có thể được để giúp đỡ họ, không có sự trao cho nào lợi lạc hơn sự trao cho Pháp, bởi vì đó là một cái gì không chỉ giúp đỡ họ trong đời này mà còn giải cứu họ khỏi những tái sanh tương lai trong những cõi thấp và cuối cùng đưa họ đến giác ngộ.
Con số chúng sanh các bạn bao gồm trong những ý định tốt của các bạn càng nhiều, công đức càng lớn. Nếu, trong bất cứ chuyện gì các bạn làm, các bạn mong mỏi hoàn thành sự lợi lạc trong hiện tại và an vui tối hậu của tất cả chúng sanh, theo gương Quán Thế Âm, bấy giờ điều này có thể thực sự được gọi là “hoàn thành công việc của đời các bạn.”
36. Hãy thiêu cái xác cũ kỹ này của sự bám chấp cho là thật vào những sự vật trong ngọn lửa của không bám vướng;
Hãy cử hành những lễ thất của cuộc đời bình thường bằng cách thực hành tinh túy của Pháp;
Như khói hương cúng cho người đã khuất, hãy hồi hướng công đức tích tập được của con cho tất cả đời kiếp tương lai của họ.
Hoàn thành mọi hoạt động tốt cho người quá cố, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Ở Tây Tạng, khi có người nào chết, lệ thường là hỏa thiêu thân xác và cử hành những buổi lễ mỗi tuần trong bảy tuần, cúng cho người mới chết. Tuy nhiên, là một hành giả, điều lợi lạc nhất các bạn có thể làm khi có ai đó chết là thiền định về nghĩa tinh yếu của Pháp và hồi hướng công đức cho người quá cố.
Ý nghĩa tinh yếu này, tâm yếu của Pháp, là sự vô tự tánh trong mọi sự. Cây sanh tử bắt rễ trong niềm tin rằng có một cái ngã, trong sự bám níu vào những sự vật như chúng là thật, trong chấp ngã; một khi sự bám chấp này bị thiêu hủy bởi ngọn lửa trí huệ, toàn thể cây và tất cả nhánh mê lầm của nó, um tùm với tán lá của thương và ghét, phải cháy tiêu.
Không có cái hiểu này, thực hiện những nghi lễ chỉ vì tiền bạc hay phô trương sẽ chỉ làm trì hỗn sự thực hành của các bạn và cuối cùng có thể trở thành một chướng ngại trầm trọng. Thấu hiểu rằng thịnh vượng và quyền thế rốt ráo là những mục tiêu trống rỗng, hãy giữ một đường lối sống không khuyết điểm, hoàn toàn hiến mình cho sự thực hành. Hãy không bám chấp cuộc đời này hơn là bám níu một xác chết. Cuộc đời thì mong manh, một bong bóng nước có thể bể tan bất cứ lúc nào – không làm sao để biết chắc điều gì sẽ đến trước tiên, buổi sáng ngày mai hay cái chết. Thật vậy, mỗi lần các bạn thở ra, không bảo đảm tí nào các bạn sẽ thở vào trở lại.
Cũng như những buỗi lễ cho người chết được tuân thủ đều đặn mỗi tuần trong suốt thời kỳ tang, có hai thực hành cần tuân thủ đều đặn mỗi sáng và mỗi chiều của cuộc đời các bạn. Mỗi sáng, hãy phát sanh Bồ đề tâm và cầu nguyện rằng suốt ngày các bạn sẽ không bao giờ quên nghĩ đến sự lợi lạc của những người khác. Mỗi chiều tối, hãy nhớ lại tất cả những gì các bạn đã nghĩ và đã làm trong ngày và xác định chúng được điều động bao nhiêu bởi lòng bi và bao nhiêu bởi tính chấp ngã; quan trọng là phải nhìn vào thái độ và ý định vi tế nhất trước khi quyết định điều bạn nên hay không nên làm. Chớ bao giờ nghĩ rằng chuyện nhỏ nào đó là vô nghĩa bởi vì nó quá nhỏ nhặt, vì một hành động xấu nhỏ nhất có thể bắt đầu cho một chuỗi hậu quả tai hại, cũng như một tia lửa cỏn con có thể thiêu rụi cả một rừng cây. Ngược lại, cũng như nước nhỏ giọt làm đầy nhanh chóng một cái lu lớn, khi một hành động tốt dù nhỏ được thêm vào cho nhiều cái khác thì hậu quả tích tập được sớm trở thành đáng kể. Rõ biết những sơ sót của các bạn theo cách này, và hối tiếc chúng một cách chân thành, từ nay trở đi hãy quyết định trừ khử những tư tưởng và hành động quy ngã; và đồng thời hồi hướng công đức của những hành động tốt của các bạn cho tất cả chúng sanh, quyết tâm phát triển càng lúc càng nhiều lòng bi. Qua tiến trình này của sự tỉnh giác thường trực và đánh giá phê phán những hành động của các bạn, chúng sẽ dần dần trở nên càng ngày càng tốt, càng tích cực.
Một hiền triết vĩ đại thời trước, ngài Drakhen thông tuệ, cảm thấy quyết tâm giải thoát mình khỏi khuyết điểm, đã tập cho mình thói quen đặt một hạt đậu đen một bên cho mỗi tư tưởng xấu đã có trong ngày và một hạt trắng cho mỗi tư tưởng tốt một bên. Cuối ngày, ngài đếm lại có bao nhiêu hạt đen và bao nhiêu hạt trắng đã gom được. Ban đầu, những hạt đậu đều đen; nhưng sau một thời gian, qua sự cẩn trọng thường trực, ngài bắt đầu chấm dứt mỗi ngày với hai đống hạt trắng và đen ngang nhau. Cuối cùng, khi ngài đã tu hành triệt để tâm thức, chỉ còn có hạt trắng. Giống như ngài, các bạn cần kiên trì cho đến lúc không có một hành động nào là trái ngược với những giáo lý. Chớ bao giờ quên rằng tịnh hóa chính các bạn theo lối này là quan trọng để giữ gìn ý định giúp đỡ tất cả chúng sanh.
Nếu chúng ta kiên trì đủ lâu, chúng ta có thể học làm bất cứ điều gì. Một lần một người giàu có đến yết kiến đức Phật, khổ sở vì tính keo kiệt không thể cho đi cả một vật gì nhỏ nhất. Để làm ông ta quen với sự rộng lượng, Phật dạy ông ta xem bàn tay phải như chính mình còn bàn tay trái như người nào khác, và nghĩ rằng ông ta đang cho những tặng vật khi chuyển những vật nhỏ từ tay phải sang tay trái. Khi người keo kiệt ấy đã dần dần quen với ý nghĩ bố thí theo cách này, đức Phật nói với ông cho những món quà nhỏ, như trái cây, hạt… với vợ và con mình. Rồi Phật nói với ông làm việc từ thiện, bắt đầu cho những người nghèo nhất ở lân cận và rồi đến những người khác xa hơn. Cuối cùng, ông ta trở nên có thể cho đi tất cả của cải, áo quần, lương thực cho những người nghèo của toàn vùng, và đến lúc này Phật nói với ông rằng ông đã thành tựu sự rộng lượng chân thật.
Cách huấn luyện như vậy có thể được áp dụng để phát triển hay tiêu trừ mọi loại ý nghĩ tốt hay xấu. Chẳng hạn sùng mộ có thể được trau dồi theo cách ấy cho đến khi, tâm thức các bạn chỉ tràn đầy ý nghĩ về thầy các bạn, các bạn tự nhiên cảm thấy rằng bất kỳ điều gì xảy ra đều hoàn toàn do tay ngài. Ngay cả chỉ nhớ đến sự hiện diện của ngài – giọng nói, những cử chỉ – các bạn cũng đã chảy nước mắt. Khi sự sùng mộ chân thật này khởi lên, hãy nhìn vào nó và nhận ra bản tánh bổn nhiên của tâm thức, không có hình thể và tính chất nào.
37. Hãy đặt đứa con của con, sự sùng mộ, ở cánh cổng của sự thực hành của con;
Hãy đưa con trai của con, sự buông bỏ, lên làm chủ gia đình của cuộc sống bình thường;
Hãy gả con gái của con, lòng bi, cho chú rể của ba cõi.
Hoàn thành bổn phận của con với đời sống, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Người bình thường cố gắng nuôi nấng con cái của họ ở mức tốt nhất họ có thể. Họ tìm những cuộc cưới gả tốt đẹp cho chúng, chuyển giao sự thịnh vượng và tài sản gia đình họ cho chúng, và chỉ bày cho chúng làm sao chăm nom thân thuộc bạn bè của chúng và đánh bại những đối thủ của chúng, như tổ tiên chúng đã làm qua những thế hệ. Nhưng sự thành công mà cha mẹ luôn luôn muốn cho con cái chỉ là tạm thời và cuối cùng tỏ ra tai hại. Là một người thực hành Pháp, điều các bạn tốt hơn nên mong muốn là đứa con của lòng sùng mộ không gì lay chuyển được sanh ra trong lòng các bạn và quản lý thành công gia đình của sự thực hành của các bạn.
Nỗi sợ quê hương của họ bị cằn cỗi và dòng dõi gia đình của họ bị dừng tắt khiến nhiều người có con và gả cưới chúng càng sớm càng tốt. Là một người thực hành Pháp, chính vì sợ rằng sự thực hành của các bạn sẽ chết mất và cuộc đời các bạn sẽ hoang phí khiến các bạn sanh ra đứa con của sự buông bỏ trong tâm thức, đến độ nó có thể đảm đương quyền hành ông chủ gia đình của đời sống bình thường. Buông bỏ được sanh ra khi các bạn biết rằng rốt ráo không có sự thỏa mãn nào trong đời sống sanh tử. Bởi vì những niềm vui bình thường chỉ là những giấc mộng ngắn ngủi, không có lý do gì để mong mỏi thành công hay lo sợ thất bại. Nếu các bạn có thành giàu có, không có lý do gì để cảm thấy tham đắm hay kiêu căng; đơn giản hãy sử dụng sự thịnh vượng của các bạn một cách tích cực và có ý nghĩa. Bất cứ quyền hành nào các bạn có, hãy dùng nó để phụng sự Tam Bảo và những vị thầy vĩ đại, và bất cứ đất đai nào các bạn sở hữu, hãy biến nó thành ích dụng cho Tăng; tóm tắt, bất cứ cái gì bạn thu hoạch được, hãy dùng nó để bảo tồn Pháp và làm lợi lạc cho những người khác. Được sử dụng theo cách này, sự thịnh vượng và thế lực như mộng của các bạn sẽ đem lại cho các bạn càng ngày càng nhiều công đức như mộng hơn, cái này đến lượt nó sẽ đem các bạn càng ngày càng gần với ngưỡng cửa của giác ngộ như mộng.
Các bậc cha mẹ thường muốn những con gái của họ được lấy người nào gia đình tốt đẹp, giàu có và địa vị. Tương tự, từ lòng từ ái bao la cho chúng sanh, các bạn nên gả đứa con của những công đức tích tập được cho chú rể phúc lợi của những người khác một cách không ngần ngại. Nếu các bạn có thái độ quý báu của Bồ đề tâm, các bạn không thể làm gì khác ngoài việc sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa; thế nên hãy làm mạnh mẽ mọi hoạt động của các bạn bằng lòng bi, tịnh hóa những nhiễm ô, hồi hướng công đức của các bạn cho tất cả chúng sanh và trì tụng thần chú sáu chữ.
MỤC 4: GIAI ĐOẠN THÀNH TỰU
1. BẢN TÁNH CỦA TÂM THỨC
38. Bất cứ cái gì xuất hiện đều là vọng tưởng và không có hiện hữu thật sự;
Sanh tử và niết bàn chỉ là những tư tưởng và không gì khác hơn.
Nếu con có thể giải thoát những tư tưởng ngay khi chúng vừa khởi lên, điều ấy bao gồm mọi giai đoạn của con đường;
Áp dụng yếu chỉ cho việc giải thoát những tư tưởng, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Bây giờ chúng ta đi đến những lời dạy về một trong những thực hành thuộc về Đại Toàn Thiện: sự thực hành của giai đoạn thành tựu, siêu việt khỏi mọi thứ ý niệm hóa bất kỳ nào.
Kinh Samadhiraja nói, “Chúng ta cần hiểu rằng, trong thật địa vô sanh, không có cái gì trong mọi thứ chúng ta tri giác – thân thể chúng ta, nhà cửa, xe cộ v.v… – có một hiện hữu thật sự nào.” Nếu các bạn khảo sát kỹ càng bất kỳ sự vật gì, các bạn sẽ không thể tìm ra một điểm nào nơi ấy nó được sanh ra, có một điểm nào nơi ấy nó tiếp tục hiện hữu, hay có một điểm nào nơi ấy nó ngừng hiện hữu. Đấy chỉ vì sự kiện liên kết thoáng chốc của một chuỗi những nhân và những duyên mà một hiện tượng riêng biệt khởi ra, giống như sự kết hợp của những tia sáng mặt trời và một cơn mưa rào mùa hè tạo thành một mống cầu vồng. Nếu các bạn có thể khai triển sự xác tín toàn triệt rằng toàn bộ trò phô diễn không ngừng của những hình tướng huyễn hóa là trống không trong bản chất, điều này tự nó là giai đoạn thành tựu tối hậu.
Chúng ta, những chúng sanh bình thường, đã bị thuyết phục rằng tất cả hiện tượng của cả sanh tử lẫn niết bàn trước tiên có sanh ra, rồi hiện hữu theo cách nào đó một thời gian, và cuối cùng thôi hiện hữu. Nhưng nếu chúng ta theo đuổi một nghiệm xét triệt để những sự vật, dùng lý luận của Trung Đạo, chúng ta không tìm thấy một phần tử nhỏ nhất nào của hiện hữu trong những hiện tượng ấy. Một khi chúng ta hiểu ra điều đó, thật dễ dàng buông bỏ sanh tử và thoát khỏi sự hấp dẫn của niết bàn, vì cả hai không gì khác hơn là những phóng tưởng của tâm thức nhị nguyên. Thấy bằng con mắt của một vị Phật, thì ngay cả sự tích tập công đức và thực hành sáu ba la mật đều không có bất kỳ thực thể nội tại nào, chúng vô tự tánh.
Dầu chúng ta có thích tin bao nhiêu rằng những sự vật là thường hằng, chúng cũng không là như vậy. Niềm vui hôm qua chuyển thành nỗi buồn hôm nay, nước mắt hôm nay trở thành nụ cười ngày mai. Vì những nhân và duyên khác nhau của chúng tác động, những thức tình, hành động tốt và xấu, sướng và khổ, tất cả có vẻ như thành hình. Tuy nhiên một người giác ngộ khi nhìn vào thế giới của ảo tưởng, nó có vẻ rất thật với chúng ta, người ấy thấy nó không có bản chất nào hơn một ảo ảnh hay một vương quốc chinh phục được trong giấc mộng đêm qua. Chính vì chúng ta tin quá mạnh mẽ vào sự hiện hữu có thực và hiển nhiên của thế giới vật chất mà chúng ta cảm thấy sự hấp dẫn và ghét bỏ với những sự vật. Không có sự mê tín này, tâm thức chúng ta sẽ không lệ thuộc vào mọi thứ vọng tưởng ấy và cũng không có cái gì là sanh tử nào cả.
Tâm thức bình thường thì thất thường như một con khỉ không chịu yên, phút chốc vui vẻ khi chúng ta vừa cho nó một miếng đồ ăn và thình lình nổi điên ngay khi chúng ta dơ cây gậy về phía nó. Mỗi khoảnh khắc, tâm thức chuyển vào một cái gì mới. Một giây phút chúng ta có thể nghĩ về guru với sự sùng mộ lớn lao, giây phút sau chúng ta khát khao một đối tượng gì ham thích. Những liên tục của tư tưởng và trạng thái tâm thức này thường hằng thay đổi, như những hình thể của những đám mây trong gió, nhưng chúng ta lại gán cho chúng một sự quan trọng lớn lao. Một người già xem những đứa trẻ đang chơi biết rất rõ rằng cái gì đang diễn tiến thì không quan trọng chút nào và không cảm thấy phấn chấn hay đảo lộn với những gì xảy ra trong trò chơi của chúng. Tuy nhiên, những đứa trẻ thì cho đó là rất nghiêm trọng. Giống như chúng, khi nào chúng ta trải nghiệm khổ đau, thay vì thấy nó như là kết quả như mộng của những hành động xấu trong quá khứ của chúng ta và biến nó thành một dịp may để đảm nhận sự khổ đau của những người khác trên chính chúng ta, chúng ta lại cảm thấy đảo lộn và chán chường. Chúng ta tự nhủ rằng, là một người đã từng thực hành nhiều như thế, chúng ta thực sự không đáng bị những khốn khổ như vậy, và chúng ta bắt đầu cảm thấy hoài nghi về những ân sủng của thầy chúng ta và Tam Bảo. Một thái độ như vậy chỉ làm tăng thêm những khó khăn cho chúng ta.
Tâm thức là cái tạo ra cả sanh tử lẫn niết bàn. Tuy nhiên không có gì cả trong ấy – nó chỉ là những tư tưởng. Một khi các bạn nhận ra những tư tưởng là trống không, tâm thức sẽ không có quyền lực làm huyễn hoặc các bạn được nữa. Nhưng chừng nào các bạn còn cho những tư tưởng hư vọng ấy là thật, chúng còn tiếp tục hành hạ các bạn một cách không thương xót, như chúng đã từng làm suốt vô số đời quá khứ. Để chiếm hữu được sự kiểm soát trên tâm thức, các bạn cần biết điều cần làm và điều cần tránh, và các bạn cũng cần rất cảnh giác và thận trọng, thường trực xem xét những tư tưởng, lời nói và hành động của các bạn.
Tâm thức ở trọ trong thân thể như một người du khách trong một căn nhà. Bất cứ điều gì thân thể gặp gỡ, chính là tâm thức thấy, nghe, ngửi, nếm, hay cảm giác nó. Một khi tâm thức ra đi, thân thể chỉ là một cái xác. Nó chẳng để ý cái trước mặt là đẹp hay xấu. Nó chẳng để ý nó được tán dương hay sỉ nhục. Nó không cảm thấy thích thú nào khi được bọc trong quần áo thêu thùa, không đớn đau nào khi bị đốt cháy. Tự nó, thân thể là một vật không khác gì với một cục đất hay đá. Và khi thân thể và tâm thức lìa nhau, lời nói, là một thứ gì giữa hai cái đó, cũng biến mất, như một tiếng vang tan biến. Đối với thân, ngữ và tâm thức, tâm thức mới là cái đáng kể, và chính cho tâm thức mà Pháp phải được áp dụng.
Khi các bạn nhận biết bản chất trống không của tâm thức, bám chấp rơi rụng và các bạn không còn bị những tư tưởng hư vọng của các bạn cho vào tròng. Khi một Bồ tát giúp đỡ những người khác, ngài không có ý niệm nào nhận trở lại một cái gì, hay được ca ngợi vì sự rộng lượng của ngài; ngài không có một bám chấp nào vào đức hạnh của ngài. Đây là Quán Thế Âm tuyệt đối, tự thân lòng bi và tánh Không.
39. Tự tâm của con, tỏ biết và trống không không tách lìa, là Pháp thân.
Hãy để mọi sự như nó là trong tánh giản dị nền tảng, và sáng tỏ sẽ tự khởi hiện.
Chỉ có không làm gì cả con sẽ làm tất cả những việc cần làm;
Để cho mọi sự trong tánh Giác trống không trần trụi, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Sẽ không hay khi tìm kiếm đâu đó bên ngoài các bạn bản tánh tối hậu của tâm – nó ở bên trong. Khi chúng ta nói đến “tâm”, điều quan trọng là biết chúng ta đang nói về cái tâm bình thường, nghĩa là vô số chuỗi tư tưởng tạo ra và duy trì trạng thái mê lầm của chúng ta, hay như ở đây, về bản tánh của tâm ở tận nguồn của mọi tư tưởng ấy – trạng thái trong sáng, trống không của tánh giác hoàn toàn thoát khỏi mọi mê lầm.
Để minh họa sự phân biệt này, đức Phật dạy rằng có hai cách để thiền định – giống như con chó và giống như con sư tử. Nếu các bạn liệng một cây gậy vào một con chó, nó sẽ đuổi theo cây gậy; nhưng nếu các bạn liệng một cây gậy vào một con sư tử, con sư tử sẽ đuổi theo các bạn. Các bạn có thể liệng nhiều cây gậy như mình muốn vào một con chó, nhưng chỉ một cây gậy vào con sư tử. Khi các bạn hoàn toàn bị quấy rối bởi những tư tưởng, lần lượt chạy theo mỗi tư tưởng với cái đối trị của nó là một công việc không cùng. Đấy cũng giống như con chó. Tốt hơn là giống như con sư tử, nhìn vào nguồn gốc của những tư tưởng này, tánh giác trống không, trên bề mặt của nó những tư tưởng chuyển động như những đợt sóng lăn tăn trên mặt hồ, nhưng chiều sâu của nó là trạng thái bất biến của sự đơn giản tối hậu. Ở yên trong sự tương tục không lay chuyển của trạng thái này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
2. BỐN YOGA: NHẤT NIỆM, ĐƠN GIẢN, MỘT VỊ, KHÔNG THIỀN ĐỊNH Con đường Phật giáo có thể được diễn tả bao quát theo hai hệ thống: nhân thừa và quả thừa. Nhân thừa bao gồm cả Tiểu thừa và Đại thừa tổng quát, nói đến năm con đường; còn quả thừa tức là Mật thừa, nói đến bốn yoga: nhất niệm, đơn giản, một vị và không thiền định.(56) Giáo lý bốn yoga nhắm vào sự hợp nhất của giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu.
Nhất niệm
40. Hãy để tĩnh lặng cắt đứt đà của những tư tưởng chuyển động;
Trong chuyển động thấy thật tánh của tĩnh lặng.
Nơi tĩnh lặng và chuyển động là một, hãy hộ trì tâm tự nhiên;
Trong kinh nghiệm của nhất niệm, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tâm thức nói chung có hai phương diện, tĩnh lặng và chuyển động. Đôi khi tâm thức thì yên tĩnh và thoát khỏi những tư tưởng, giống như một cái ao yên bình; đây là tĩnh lặng. Thỉnh thoảng, những tư tưởng phải khởi lên trong đó; đây là chuyển động. Thật ra, dù trong một ý nghĩa, có một chuyển động của những tư tưởng ở trong sự tĩnh lặng, nhưng thật sự không có sự khác biệt giữa hai trạng thái này – bản tánh của tĩnh lặng nguyên là tánh Không, bản tánh của chuyển động cũng nguyên là tánh Không. Tĩnh lặng và chuyển động chỉ là hai tên gọi của chỉ một tâm.
Phần lớn thời gian chúng ta không tỉnh giác về trạng thái của tâm thức của mình và không chú ý tâm thức là tĩnh lặng hay chuyển động. Trong khi các bạn đang thiền định, một tư tưởng có thể khởi lên trong tâm các bạn – chẳng hạn ý nghĩ đi siêu thị mua đồ. Nếu các bạn tỉnh giác với tư tưởng và ngay đó để nó tự tan biến, bấy giờ đó chính là sự chấm dứt của nó. Nhưng nếu các bạn vẫn không tỉnh giác với cái đang xảy ra và để tư tưởng ấy lớn lên và phát triển, nó sẽ dẫn đến một tư tưởng thứ hai, làm bạn lìa khỏi sự thực hành của các bạn, và rất nhanh các bạn sẽ thấy mình thật sự đứng dậy và đi ra đến chợ. Rồi nhiều tư tưởng và ý niệm nữa sẽ khởi lên – làm sao mua cái này, bán cái nọ… – Đến điểm này các bạn đã rất xa khỏi sự trì tụng mani.
Thật hoàn toàn tự nhiên khi những tư tưởng cứ khởi. Vấn đề không phải là cố gắng dừng chúng lại, không thể nào làm thế, mà là giải thoát chúng. Điều này được làm bằng cách an trụ trong một trạng thái của sự đơn giản, nó để cho những tư tưởng khởi lên và lại biến mất mà không xâu thêm vào chuỗi những tư tưởng nào khác. Khi các bạn không kéo dài nữa chuyển động của những tư tưởng, chúng tự tan mất không để lại dấu vết. Khi các bạn không làm hư hỏng trạng thái của tĩnh lặng bằng những tạo tác của trí óc, các bạn có thể duy trì sự thanh tĩnh tự nhiên của tâm thức không phải có cố gắng nào. Đôi khi, hãy để cho những tư tưởng của các bạn trôi chảy, và trông chừng bản tánh bất biến ở dưới chúng. Đôi khi, thình lình cắt đứt dòng tư tưởng, hãy nhìn vào tánh giác trần truồng.
Vô số tư tưởng và ký ức, bị kích thích bởi những khuynh hướng chúng ta đã quen thuộc, khởi lên trong tâm thức. Cái này nối tiếp sau cái kia, mỗi tư tưởng có vẻ biến mất vào quá khứ, chỉ để được thay thế bằng cái tiếp theo, đến lượt cái này trở thành hiện tại thoáng qua cho tâm thức trước khi chính nó nhường chỗ cho những tư tưởng tương lai. Mỗi tư tưởng có khuynh hướng bị lây nhiễm bởi cái đà chuyển động của một tư tưởng trước nó, đến độ ảnh hưởng của một chuỗi tư tưởng lớn lên theo thời gian; điều này được gọi là “sợi dây xích của mê lầm.” Như cái chúng ta gọi là một tràng hạt thật ra là một chuỗi của những hạt đơn lẻ, cũng thế cái chúng ta thường gọi là tâm chỉ là một tiếp nối của những tư tưởng nhất thời; một chuỗi tư tưởng tạo thành dòng của tâm thức, và dòng tâm thức dẫn đến đại dương của hiện hữu. Sự tin tưởng của chúng ta rằng tâm thức là một thực thể là một kết luận được đặt nền trên một thẩm xét không đầy đủ. Chúng ta tin một dòng sông chúng ta thấy hôm nay cũng vẫn là một dòng sông chúng ta thấy hôm qua, nhưng trong thật tế một dòng sông không bao giờ ở nguyên dạng dù chỉ một giây – nước làm nên con sông hôm qua chắc hẳn đã là một phần của đại dương bây giờ. Điều tương tự cũng đúng với vô số tư tưởng chạy qua “tâm” chúng ta từ sáng đến chiều. Dòng tâm thức của chúng ta chỉ là một tiếp nối những tư tưởng trong khoảnh khắc; không có cái thực thể riêng biệt nào mà các bạn có thể chỉ ra như là một cái tâm.
Bây giờ, nếu chúng ta nghiệm xét thẩm tra tiến trình tư tưởng theo luận lý của Trung Đạo, sẽ trở nên rõ ràng rằng những tư tưởng quá khứ thì đã chết, như một cái xác. Những tư tưởng tương lai thì chưa sanh. Ngay những tư tưởng hiện tại, chúng không thể nói được là có những đặc tính nào như nơi chốn, màu sắc, hay hình dạng; chúng không để lại dấu vết; và thực vậy chúng không được tìm thấy ở đâu cả. Thật ra, không thể có điểm tiếp xúc giữa những tư tưởng quá khứ, hiện tại và tương lai; nếu như có một tương tục thật sự giữa chúng, chẳng hạn như giữa một tư tưởng quá khứ và một tư tưởng hiện tại, điều này tất yếu có nghĩa là hoặc tư tưởng quá khứ là hiện tại hay tư tưởng hiện tại là quá khứ. Nếu quá khứ có thể thực sự trải dài đến hiện tại theo cách này, thì theo như vậy tương lai cũng phải đã có mặt trong hiện tại. Thế nhưng không biết về bản chất thật sự của những tư tưởng, chúng ta duy trì thói quen nhìn chúng như là nối kết tương tục với nhau, cái này sau cái kia; đây là gốc rễ của mê lầm, vọng tưởng và là cái khiến chúng ta càng ngày càng bị thống trị bởi những tư tưởng và xúc cảm của chúng ta, cho đến khi sự lầm lạc điên đảo hoàn toàn ngự trị.
Điều quan trọng cốt tử là tỉnh giác với sự sanh khởi của những tư tưởng và làm lặng những con sóng tư tưởng tấn công các bạn. Giận dữ chẳng hạn là một khuynh hướng tàn phá cực kỳ làm hư hỏng tất cả những phẩm tính tốt đẹp các bạn có thể có. Không có ai vui thích sống cùng với một người sân hận. Không có cái gì rất đáng sợ một cách nội tại nơi sự xuất hiện của những con rắn, nhưng bởi vì thường thường chúng rất dễ tấn công, nên chỉ thấy chúng là đã gây ra sợ hãi hết hồn. Trong một người hay một con rắn, một ưu thế của giận dữ như vậy thì không gì khác hơn là kết quả của một sự tích tập không hề kiểm soát của những tư tưởng tiêu cực. Nếu ngay khoảnh khắc một tư tưởng giận dữ khởi lên, các bạn nhận biết nó là thế nào và hiểu nó tiêu cực ra sao, sự giận dữ của các bạn sẽ tự lặng xuống và các bạn sẽ luôn luôn có thể khả ái với bất kỳ ai. Ngược lại, nếu các bạn để cho tư tưởng giận dữ đầu tiên làm sanh khởi tư tưởng thứ hai, rất nhanh chóng cơn giận của các bạn sẽ hoàn toàn vượt ngoài kiểm soát, và các bạn sẽ sẵn sàng liều cả đời mình để hủy diệt đối thủ của các bạn.
Bởi thế, hãy luôn luôn nhớ rằng một tư tưởng chỉ là kinh nghiệm của nhiều yếu tố và hoàn cảnh thoáng qua cùng phối hợp. Dù tư tưởng là tốt hay xấu, nó không có hiện hữu đích thực nào. Khi một tư tưởng vừa khởi lên, nếu các bạn nhận biết ngay bản chất trống không của nó, nó sẽ bất lực không thể nảy sanh thêm tư tưởng thứ hai, và chuỗi xích của mê lầm sẽ dừng lại ngay đó. Như chúng ta đã nói, điều này không có nghĩa chúng ta phải cố gắng đè nén sự sáng tạo tự nhiên của tâm thức các bạn, hay các bạn phải nỗ lực dừng dứt mỗi tư tưởng với một đối trị riêng biệt. Đơn giản chỉ nhận biết tánh Không của những tư tưởng và để cho chúng nghỉ ngơi trong tâm thức buông xả. Tánh bổn nhiên của tâm thức, tinh khôi và bất biến, bấy giờ sẽ thường tại sống động và an vững.
Trong hai phương diện của thực hành thiền định, chỉ và quán,(57) sự tĩnh chỉ cung cấp nền tảng trên đó quán chiếu, hay viễn tượng rộng rãi, có thể bộc lộ bản tánh của tâm thức và như thế cho phép các bạn giải thoát những thức tình tiêu cực của các bạn. Nếu nền tảng, sự tĩnh chỉ, là không an trụ, quán chiếu sẽ cũng không vững vàng, và những vọng tưởng của các bạn sẽ khó kiểm soát. Bởi thế cần yếu phải khai triển yoga nhất niệm, an trụ trong tánh giác không chao động.
Đơn giản
41. Bằng cách khảo sát chân lý tương đối, hãy an lập chân lý tuyệt đối;
Ở trong chân lý tuyệt đối, hãy thấy chân lý tương đối khởi lên như thế nào.
Nơi cả hai chân lý không tách lìa, vượt khỏi trí thức, là trạng thái của đơn giản;
Trong cái thấy thoát khỏi mọi tạo tác, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Trong chân lý quy ước, tương đối, chúng ta có thể chấp nhận rằng thế giới hiện tượng có thể bị phá vỡ thành những phần tử không còn có thể phân chia; nhưng luận lý của Trung Đạo chứng tỏ rằng những phần tử đó không bao giờ có một hiện hữu độc lập và thường hằng nào. Như thế, làm sao chúng ta có thể nói rằng những đối tượng vật chất là thực sự hiện hữu? Tương tự, dù chúng ta cố gắng chia chẻ tâm thức thành những khoảnh khắc của thức không còn có thể phân chia, chúng ta thấy rằng những cái này rốt ráo cũng không có một hiện hữu cụ thể có thể sờ nắm nào cả.
Nhận biết sự tương tục và toàn khắp của bản tánh trống không này, sự vô tự tánh này, là nhận biết chân lý tuyệt đối. Đây là trạng thái tự nhiên vốn như thế của tâm thức, không bị chạm nhiễm bởi bất kỳ che chướng nào, trong đó tất cả hiện tượng được thấy như Phật thấy chúng, như mộng hay như ảo ảnh huyễn thuật. Ở đây, những tư tưởng không làm sanh ra những cảm xúc tiêu cực hay tích tập nghiệp, những hoàn cảnh thuận lợi không tạo ra kiêu hãnh hay luyến chấp, và những hoàn cảnh trái nghịch nhanh chóng được chuyển hóa thành con đường của giác ngộ – ví dụ, một sự gặp gỡ với người nào chọc giận các bạn, thay vì khởi nóng giận, nó lại giúp các bạn phát sanh lòng bi và trở thành một dịp may để nhận biết chân lý tuyệt đối không tách lìa với Bồ đề tâm. Nếu các bạn không thể bỏ đi sự luyến chấp vào những sự vật, đấy chỉ vì các bạn không nhận biết bản tánh Không của chúng. Một khi các bạn đã chứng ngộ bản tánh Không này, các bạn không còn cảm thấy kiêu hãnh vì thành công như mộng hay thất vọng bởi thất bại như mộng nữa.
Một số người thấy mình được bao bọc bởi sắc đẹp, tiện nghi, dư dả tự nhiên và an toàn, trong khi những người khác có thể phải sống trong khó nhọc, cằn cỗi, nghèo túng và những môi trường nguy hiểm. Bây giờ, đấy không phải là kết quả của may mắn hay của sắp xếp ngẫu hứng nào. Được sanh ra trong một nơi dễ chịu là kết quả của sự rộng lượng, hay giúp đỡ và đức hạnh trong những đời trước; trong khi những hoàn cảnh sống thù nghịch là hậu quả của sự làm hại những người khác trong những đời trước bằng cách tấn công họ, bỏ tù họ v.v… Những hiện tượng không phải là công việc của một đấng sáng tạo; chúng chỉ là cái biểu lộ ra như kết quả phối hợp của nhiều nhân và duyên. Như là kết quả của ánh sáng mặt trời chiếu qua một màn mưa, một cầu vồng xuất hiện trên bầu trời, cũng thế, như là kết quả của một số lớn những hành động trong những đời quá khứ của các bạn, trong đời này các bạn hoặc là hạnh phúc, khỏe mạnh, giàu có và được mọi người yêu mến hay bất hạnh, nghèo khó, bệnh tật bao vây và bị khinh thường. Thật vậy, mỗi chi tiết của vũ trụ và chúng sanh chứa đựng không gì khác hơn kết quả của nhiều yếu tố liên lập hội họp nhau trong chốc lát; đấy là tại sao tất cả hiện tượng quá đỗi vô thường và chịu sự biến dịch thường hằng đến thế.
Thế nên khi các bạn khảo sát sự vật gì một cách sâu xa, các bạn luôn luôn đi đến tánh Không và chỉ có tánh Không; tánh Không là bản chất tuyệt đối của mọi sự. Là những người sơ học, chúng ta có thể đang ở trên con đường tích tập hay con đường kết hợp,(58) những chúng sanh bình thường chúng ta chưa có sự chứng ngộ thật sự tánh Không. Chúng ta biết rằng khói chỉ ra sự hiện diện của lửa nhưng nó không chính là lửa; tuy nhiên, bằng cách theo khói chúng ta có thể tìm thấy lửa. Tương tự, quan trọng là hiểu rằng cái thấy về tánh Không là không cùng một thứ với kinh nghiệm thực sự về tánh Không; nhưng bằng cách theo cái thấy và trở nên quen thuộc với nó, chúng ta sẽ đến chỗ chứng ngộ thực sự bản thân tánh Không, thoát khỏi mọi ý niệm hay lý thuyết. Đây là cái hiểu tối hậu của Trung Đạo, sự không tách lìa hai thứ chân lý, sự hợp nhất của những hình tướng và tánh Không.
Bản tánh Không của tất cả hiện tượng là chân lý tuyệt đối, và cách thức chúng xuất hiện là chân lý tương đối. Bằng cách khảo sát chân lý tương đối các bạn sẽ đến chỗ chứng ngộ chân lý tuyệt đối, bởi vì chân lý tuyệt đối là bản tánh tối hậu của mọi sự. Nếu toàn thể thế giới – tất cả châu lục, núi rừng của nó – bị tiêu hoại và hoàn toàn biến mất, chỉ có hư không toàn khắp còn lại. Một cái gì rất tương tự xảy ra khi các bạn thực sự chứng ngộ những hiện tượng tương đối là gì, rằng chúng không hiện hữu như những thực thể cứng đặc: không có gì còn lại ngoài tánh Không toàn khắp. Nhưng chừng nào các bạn còn tin vào sự hiện hữu cứng đặc, hữu hình của chân lý tương đối, các bạn sẽ không bao giờ có thể chứng ngộ chân lý tuyệt đối. Một khi các bạn chứng ngộ chân lý tuyệt đối, các bạn sẽ thấy cái gì xuất hiện trong nó – trò chơi vô tận, toàn thể của những hiện tượng tương đối – như không gì khác hơn một ảo tưởng hay một giấc mộng, mà các bạn sẽ chẳng cảm thấy chút gì luyến bám. Chứng ngộ rằng hình tướng và tánh Không là một chính là điều gọi là đơn giản, hay sự giải thoát khỏi mọi giới hạn ý niệm, giải thoát khỏi mọi tạo tác.
Hai chân lý không phải là hai thực thể phân biệt, như những cái sừng của một con bò; chúng chỉ là những phương diện “xuất hiện” và “trống không” của trạng thái bổn nhiên. Trước tiên đã hiểu cái thấy một cách trí thức, hãy khai triển kinh nghiệm đầu tay và tin vào tính nhất như của hình tướng và tánh Không. Sự chứng ngộ về tính bất khả phân của hai chân lý là một kinh nghiệm sâu xa, hoàn toàn vượt khỏi mọi ý niệm trí thức. Đây là yoga của tính đơn giản. Duy trì cái thấy này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Một vị
42. Nơi những hình tướng, hãy cắt lìa sự bám chấp của tâm thức;
Nơi tâm thức, hãy phá hủy hang ổ của những hình tướng tưởng tượng;
Nơi mà tâm thức và những hình tướng là một chính là tánh Không trống trải vô biên;
Trong sự chứng ngộ một vị, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Cách thức những hiện tượng khách quan xuất hiện cho chúng ta thật ra là một tác động của tâm một cách chủ quan. Những sự vật đối với chúng ta có vẻ hoặc sạch hay dơ, xấu hay tốt, hấp dẫn hay ghê tởm, chỉ tùy thuộc vào cách thức tâm thức riêng của chúng ta tri giác chúng. Như Shantideva nói về những cõi địa ngục.
Ai làm ra mặt đất bằng sắt nóng đỏ này?
Từ đâu có ra những bờ sông lửa?
Mọi sự ấy
Khởi sanh từ tâm thức tiêu cực xấu xa. Thật vậy, khi các giác quan của các bạn gặp gỡ một đối tượng, cái phần mà bản thân đối tượng tác động chỉ là khởi xướng tiến trình của tri giác trong ý thức các bạn. Từ lúc đó trở đi, vì tâm thức các bạn phản ứng với đối tượng, bị ảnh hưỏng bởi tất cả thói quen được tích tập và những kinh nghiệm quá khứ, toàn bộ tiến trình là hoàn toàn chủ quan. Thế nên, khi tâm thức các bạn đầy giận dữ, toàn bộ thế giới có vẻ như là một cõi địa ngục. Khi tâm thức các bạn an bình, thoát khỏi mọi bám níu hay trụ trước, và bất cứ điều gì các bạn làm đều phù hợp với những giáo lý, các bạn kinh nghiệm mọi sự là thanh tịnh một cách nguyên sơ. Trong khi một vị Phật thấy những địa ngục là một thiên đường, thì những chúng sanh mê lầm thấy một thiên đường là những địa ngục.
Những tri giác của chúng ta được nhuộm màu bởi những vọng tưởng theo cùng cách như cái thấy của một người bị bệnh vàng da được nhuộm màu bởi mật trong đôi mắt, khiến nó thấy cái tù và màu trắng ra màu vàng. Chính sự bám chấp làm cho tâm thức phóng chiếu những vọng tưởng của nó lên những hình tướng. Khi tâm thức vừa tri giác vật gì, nó bám chấp vào tri giác ấy; bấy giờ nó đánh giá đối tượng như là đáng ưa, kinh tởm hay trung tính; cuối cùng, bước vào hành động trên cơ sở của tri giác méo mó này với thích muốn, ghét bỏ hay thản nhiên, nó tích tập nghiệp.
Để cắt đứt sự bám chấp của tâm thức, quan trọng là hiểu rằng mọi hình tướng hiện ra là trống không, như nước được các bạn thấy trong một ảo ảnh. Những hình thể đẹp không làm lợi gì cho tâm thức, những hình thể xấu cũng chẳng làm hại gì cho nó. Hãy cắt lìa những trói buộc của hy vọng và sợ hãi, thích muốn và ghét bỏ, và an trụ trong tánh bình đẳng với sự thấu hiểu rằng mọi hiện tượng là không gì hơn những phóng chiếu của tâm thức của tự các bạn.
Một khi các bạn nhận biết thật tánh của tâm thức, toàn bộ sự tưởng tượng bịa đặt này về những hình tướng tương đối và sự bám luyến vào chúng sẽ hoàn toàn sụp đổ. Tốt và xấu, sạch và dơ, mất đi hương vị thúc ép của chúng và tan thành một vị. Các bạn sẽ đạt đến sự chứng ngộ của Jetsun Milarepa, không phân biệt giữa sắt và vàng. Khi Gampopa dâng cúng ngài vàng và trà, Milarepa nói: “Ta là một lão già không cần vàng và cũng không có bếp để nấu trà.” Ở trong cái thấy này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Không-thiền-định
43. Trong bản tánh của tâm, sự đơn giản của tánh giác trống không, mọi sự vật đều vốn giải thoát;
Những tư tưởng, sự sáng tạo tự do của tánh giác, đều thanh tịnh trong cảnh giới của chúng.
Tâm và tánh giác là một trong tinh túy đơn nhất.
Trong sự không-thiền-định của Pháp thân, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Bản chất tối hậu của tâm thức là tánh giác bổn nhiên, từ đó những tư tưởng lưu xuất như tia sáng chiếu ra từ mặt trời. Một khi bản tánh này của tâm thức được nhận biết, vọng tưởng tan biến như mây tan trong bầu trời. Bản tánh của tâm thức thoát ngoài vọng tưởng thì không có sanh, trụ hay diệt. Trong thuật ngữ của Mật chú thừa, nó được gọi là tâm bổn nguyên tương tục,(59) hay tính đơn giản thường hằng hiện diện. Nó cũng được diễn tả trong các kinh, chẳng hạn Bát Nhã ba la mật nói:
Tâm,
Tâm không hiện hữu
Sự biểu lộ của nó là tánh sáng tỏ. (60) Khi các bạn khảo sát cái tâm tĩnh, cái tâm động và cái tâm có thể nhận biết sự tĩnh và động, dù cho các bạn có tìm kiếm bao lâu cái tâm, các bạn cũng sẽ không tìm thấy gì ngoài tánh Không: tâm không hình dạng, không màu sắc và không bản chất. Đây là phương diện trống không của tâm. Tuy nhiên tâm có thể biết những sự vật và tri giác vô số hiện tượng. Đây là phương diện sáng tỏ của tâm. Sự không tách lìa hai phương diện này, tánh Không và Sáng Tỏ, là tâm bổn nguyên tương tục.
Vào lúc này, sự sáng tỏ tự nhiên của tâm các bạn bị che ám bởi những vọng tưởng. Nhưng khi sự che ám này tan đi, các bạn sẽ bắt đầu khám phá sự chói sáng của tánh giác, cho đến khi các bạn đến một điểm mà, cũng như một hình vẽ trên mặt nước biến mất ngay khoảnh khắc nó được vẽ ra, những tư tưởng của các bạn được giải thoát ngay khoảnh khắc chúng khởi ra. Thể nghiệm tâm theo cách này là gặp gỡ nguồn gốc tối sơ của Phật tánh, sự thực hành của sự quán đảnh truyền pháp thứ tư. Khi bản tánh của tâm được nhận biết, đó gọi là niết bàn; khi nó bị che ám bởi vọng tưởng, đó gọi là sanh tử. Tuy nhiên cả sanh tử lẫn niết bàn không bao giờ lìa khỏi dòng tương tục của cái tuyệt đối. Khi sự chứng ngộ tánh giác đạt đến mức độ đầy đủ của nó, những thành lũy của vọng tưởng sẽ bị phá vỡ và đô thành của Pháp thân vượt khỏi thiền định có thể được nắm lấy một lần cho mãi mãi. Ở đây không còn sự phân biệt nào giữa thiền định và sau thiền định, và kinh nghiệm được an trụ một cách không cố gắng; đây là không-thiền-định. Trong cảnh giới vô biên của Pháp thân, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tóm tắt, yoga nhất niệm nhấn mạnh sự thuần hóa tâm thức, và yoga của sự đơn giản kiến lập cái quán thấy. Hai cái này hợp nhất trong kinh nghiệm của một vị, và khi kinh nghiệm này trở thành không thể lay động, đó là yoga của không thiền định.
Bốn yoga của Mật chú thừa tương đương với năm con đường của hệ thống Kinh thừa. Bởi thế quan trọng là giữ gìn cái thấy, thiền định và hành động của cả kinh điển và tantra cùng với nhau. Mọi cấp độ khác biệt của giáo lý chỉ có một mục đích, là cắt đứt những phiền não che ám; bởi thế chúng hoàn toàn đồng ý với nhau. Nhiều dòng suối khác biệt nhau của những giáo lý, phản ánh những nhu cầu của những học trò khác biệt và trí huệ của những vị thầy khác biệt, thực chất chỉ là một dòng sông độc nhất.
Vị y sĩ không ai sánh nổi của Takpo là Gampopa linh thánh, ban đầu phụng thờ một đạo sự Kadampa và thực hành con đường Đại thừa. Về sau, dưới chân Jetsun Milarepa, ngài thực hành những hệ thống mật thừa Mahamudra và nội nhiệt và những cái còn lại của sáu Yoga của Naropa, trở thành một trong những vị tổ của dòng Kagyu. Những vị thầy Kadampa vĩ đại, nổi tiếng vì sự thực hành hệ thống kinh điển, cũng đã dạy những đệ tử của các ngài giai đoạn thành tựu của Maha-mudra và sáu yoga, đã hòa trộn khéo léo tất cả những thực hành này. Chớ bao giờ quên rằng cái chính không phải là sự thực hành của chúng ta thuộc về kinh hay tantra, hoặc nó là cấp độ này hoặc cấp độ kia, mà là nó dùng như một đối trị hiệu quả đối với bám chấp và những phiền não che ám.