MỤC 5: SỰ CHUYỂN HÓA NHỮNG GIÁC QUAN, THỨC TÌNH PHIỀN NÃO VÀ CÁC UẨN
Trong tất cả vô số giáo lý về nhiều cấp độ tạo thành con đường Mật thừa, tinh túy là thấy tất cả mọi hình tướng là thân thể của hóa thần, nghe tất cả âm thanh là thần chú và nhận biết tất cả những tư tưởng là Pháp thân. Theo cách này, sáu tri giác giác quan, năm phiền não độc hại và năm uẩn được chuyển hóa thành những tương ứng thuộc về trí huệ của chúng, và thân, ngữ và tâm thức được chứng ngộ là mạn đà la kim cương, mạn đà la tự hữu của tánh thanh tịnh bổn nhiên.
1. SÁU ĐỐI TƯỢNG CỦA GIÁC QUAN Sắc
44. Nhận biết bất cứ sắc gì xuất hiện như là hóa thần bổn tôn là điểm cốt yếu của giai đoạn phát triển.
Sự bám chấp vào hình tướng đẹp, xấu được giải thoát trong bản tánh của chính nó.
Thoát khỏi bám nắm, tâm như nó biến hiện là thân của Quán Thế Âm Tối Thượng.
Trong sự vốn tự giải thoát của những kinh nghiệm thấy, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tâm tự chính nó là không thể sờ nắm, như không gian trống không, và chỉ có thể đi vào hoạt động nào, dù dẫn đến sanh tử hay niết bàn, qua trung gian của thân. Ngay ở trung ấm, chúng ta có một thân như mộng nó cho phép chúng ta kinh nghiệm nhiều giai đoạn chuyển tiếp từ một đời này sang đời kế tiếp. Trong khi tâm thức và thân thể kết hợp, thế giới hiện tượng có thể được tri giác nhờ những giác quan và những thức tương ứng của chúng. Chức năng của các thức giác quan này chỉ là tri giác những đối tượng tương ứng của chúng – sắc, thanh, hương… – mà không thêm vào cái gì cả. Nhưng bấy giờ, khi tâm thức tạo tác trên những tri giác này, nghĩ rằng, “Cái này đẹp”, “Cái kia xấu”, “Cái này làm hại tôi”, “Cái kia đem lại cho tôi thích thú”. Không phải hình sắc của đối tượng bên ngoài, cũng không phải con mắt, cũng không phải nhãn thức sản xuất ra những tạo tác chủ quan này, mà cuối cùng chúng sẽ dẫn đến sự tích tập nghiệp; nhưng chính là tâm thức. Một vật đẹp đẽ không có phẩm tính nội tại tốt đẹp đối với tâm thức, và một vật xấu xí không có sức mạnh nội tại nào để làm nó khó chịu. Đẹp và xấu chỉ là những phóng chiếu của tâm thức. Khả năng gây ra hạnh phúc hay khổ đau không phải là một đặc tính của bản thân sự vật bên ngoài. Chẳng hạn, việc thấy một người đặc biệt có thể gây ra hạnh phúc cho người này và khổ đau cho người khác. Chính tâm thức góp thêm những tính chất ấy vào đối tượng được tri giác.
Theo cách ấy, khi một sự vật gặp một trong những giác quan được tri giác bởi giác quan thứ sáu là tâm thức, thì hoặc ưa thích hoặc khó chịu, tri giác bị méo mó này có ra là do bám chấp. Đây chính là nền tảng của sanh tử. Nhưng nếu không có bám chấp, tri giác được giải thoát thành trí huệ. Đây là kinh nghiệm sự thanh tịnh của niết bàn, nơi đó không còn cần thiết phải khước từ những cảm giác thích thú. Chính là để giải thoát khỏi bám chấp mà các bạn cần tu hành trong việc nhận biết mọi hình tướng là những cảnh giới Phật và mọi chúng sanh là những bổn tôn. Thấy những sự vật theo lối này chuyển hóa tri giác của các bạn về thế giới thành tánh thanh tịnh bổn nhiên và cho phép các bạn chứng ngộ mọi phẩm tính của những cảnh giới Phật.
Khi các bạn khảo sát cẩn thận bản chất của mọi hiện tượng vô cùng và khác nhau trong vũ trụ và tất cả chúng sanh trong đó, các bạn thấy rằng không có cái gì ngoài sự tương tục của tánh Không. Có câu nói, “Sự thật của tánh Không là sự thật của mọi sự.” Thật vậy, tánh Không là cái khiến những hiện tượng vô cùng có thể xuất hiện. Thế giới hiện tượng chúng ta tri giác, là trò phô diễn tự do và giải thoát của tánh Không, chính là cảnh giới Phật và mọi chúng sanh nam nữ là Quán Thế Âm và Tara. Đây là nền tảng đích thực của Mật thừa.
Như chúng ta bây giờ, chúng ta cảm thấy bị hấp dẫn bởi cái gì đẹp và ghê sợ cái gì xấu; chúng ta cảm thấy sung sướng khi gặp một người bạn và bị đảo lộn khi thấy người chúng ta không ưa. Những phản ứng này đều được sản xuất ra bởi cái tâm thức bám chấp vào những đối tượng. Khi chúng ta có thể nhìn ngay cả những sức mạnh xấu như là sự phô diễn của trí huệ Quán Thế Âm, sự bám chấp này được tịnh hóa và không có sức mạnh xấu nào có thể phá rối cuộc đời hay sự thực hành của chúng ta. Khi chúng ta tri giác mọi hiện tượng như là thanh tịnh một cách nguyên sơ, như trò chơi của những hóa thần, thần chú và trí huệ, tất cả tri giác giác quan có thể được dùng như con đường. Khi chúng ta thấy rằng mọi sự khởi lên từ tánh Không như sự biểu lộ của Quán Thế Âm, và như thế nhận biết cảnh giới của thanh tịnh vô cùng, bấy giờ chúng ta không phân biệt nữa giữa tốt và xấu, sạch và dơ; tất cả là trò chơi phô diễn của Quán Thế Âm. Những bạn thân là Quán Thế Âm, những kẻ thù là Quán Thế Âm, tất cả là một như Quán Thế Âm.
Khi kinh nghiệm này khởi ra, hãy thận trọng chớ bám chấp nó hay cảm thấy kiêu hãnh về nó. Cái thanh tịnh bao la này không phải là sản phẩm của sự thiền định của chúng ta; nó là thật tánh của sự vật. Vàng trong căn bản không bao giờ bị thoái hóa hư hỏng vì trộn lẫn với những chất khác trong quặng vàng, và qua những tiến trình trích chiết và tinh lọc nó chỉ trở thành chính nó. Cùng cách đó, mọi sự, toàn thể vũ trụ và tất cả chúng sanh là bổn lai Không. Những hiện tượng không bị hư hỏng ô nhiễm bởi ý niệm về dơ cũng như không được cải thiện bởi ý niệm về sạch. Thật tánh đơn giản luôn luôn chỉ là chính nó.
Như bản văn gốc nói, tu hành bằng cách kinh nghiệm mọi hình tướng là thanh tịnh là điểm cốt yếu của giai đoạn phát triển. Thông thường cái này bao gồm sự quán tưởng một hóa thần bổn tôn, nhưng nếu các bạn không thể giữ gìn mọi chi tiết của sự quán tưởng trong tâm thức, thì thấy thế giới như là một cõi Phật và những chúng sanh đều có bản tánh của hóa thần bổn tôn đã đủ. Hộ trì kinh nghiệm này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Thanh
45. Nhận biết những âm thanh như là thần chú là điểm cốt yếu của thực hành trì tụng;
Sự bám chấp vào âm thanh như là thích thú hay khó chịu được giải thoát trong bản tánh của chính nó.
Thoát khỏi bám nắm, âm thanh tự nhiên của sanh tử và niết bàn là tiếng nói của sáu âm.
Trong sự vốn tự giải thoát của cái nghe, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Thường thường, khi nghe những lời khen, những tin tức tốt, hay âm nhạc đẹp đẽ làm cho chúng ta thích thú; trong khi ngược lại, nghe chỉ trích, những tố cáo sai lầm về chúng ta, những tin tức xấu về những người chúng ta yêu mến, hay những tiếng động nặng nề, chát chúa tức khắc làm chúng ta cảm thấy khốn khổ hay tức giận. Khả năng tạo ra những tâm trạng như vậy là một đặc tính không phải của bản thân những âm thanh khác nhau ấy, mà là của tâm thức bám chấp. Bồ tát, người biết rằng bản tánh của tâm là vô sanh, tri giác mọi âm thanh thích thú hay khó chịu như là thần chú. Khen ngợi không làm người ấy cảm thấy hãnh diện, và lời nói thô bạo, thay vì kích thích sự giận dữ, chỉ làm tăng thêm nhẫn nhục và lòng bi của người đó. Nếu các bạn tri giác mọi âm thanh như là thần chú, những tin tức xấu tốt sẽ không quấy rầy các bạn gì hơn là một ngọn gió quấy rầy một trái núi. Thật vậy, bị đảo lộn khi các bạn nghe những tin tức xấu chỉ tạo ra sự khổ đau cho các bạn; nó chẳng làm cho người chết sống lại cũng chẳng lập lại những tài sản đã bị lấy mất.
Như mọi hiện tượng, những âm thanh là kết quả của một phối hợp những nhân và duyên khác nhau và không hiện hữu như là những thực thể độc lập. Âm thanh đẹp đẽ của một cây đàn tùy thuộc vào sự phù hợp thích đáng của mọi sợi đàn, và nếu một sợi bị đứt hay lạc khỏi hợp âm thì âm thanh nó tạo ra sẽ bất hòa và khó chịu. Hãy khảo sát cẩn thận và sâu xa mọi âm thanh; những âm thanh tự nhiên của thời tiết, gió, sấm, xào xạc của lá cũng như tiếng thú vật kêu, lời nói con người và bài hát, đều được tạo dựng bởi những yếu tố căn bản của âm thanh, và bản tánh của những yếu tố đó là tánh Không.
Chủng tự A, tượng trưng cho bản tánh vô sanh, được xem là nguồn gốc của tất cả âm thanh và chứa đựng tinh túy của chư Phật trí huệ. Nói riêng, từ nó mà thần chú sáu âm sanh khởi. Khi các bạn trì tụng thần chú, hãy nhận biết mọi âm thanh đều khởi từ tánh Không, như là một trò phô diễn vô cùng những thần chú – ngữ của chư Phật. Bấy giờ, ngay một số ít những trì tụng cũng sẽ kết trái. Đây là sự thực hành đem tất cả âm thanh vào con đường.
Sự nói chuyện bình thường, nó vốn là sự biểu lộ của thương hay ghét, sẽ chỉ làm cho bánh xe mê lầm càng quay nhanh hơn. Nhưng sự trì tụng thần chú sẽ bảo vệ tâm thức các bạn và dẫn dắt các bạn chứng ngộ bản tánh trí huệ của lời nói. Bởi thế, hãy trì tụng manÏi mọi lúc, cho đến khi nó trở thành một với hơi thở của các bạn.
Hương
46. Nhận biết những hương như là vô sanh là điểm cốt yếu của giai đoạn thành tựu;
Sự bám chấp vào mùi hương như thơm hay thúi được giải thoát trong bản tánh của chính nó.
Thoát khỏi bám nắm, mọi mùi là giới luật thơm tho của Quán Thế Âm Tối Thượng;
Trong sự vốn tự giải thoát của cái ngửi, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Chúng ta thích thưởng thức những mùi thơm, và chúng ta bịt mũi trước những mùi thối. Tuy nhiên mọi mùi, dù là hương thơm tinh tế của trầm hay mùi hôi thối của cứt đái, là trống không trong bản chất; hãy nhận biết chúng là thanh tịnh và vô tự tánh, và dâng cúng chúng cho chư Phật như là hương thơm của giới luật hoàn hảo. Một sự cúng dường như thế làm hoàn thiện cả hai sự tích tập công đức và trí huệ. Bởi vì chư Phật không bị nhiễm ô bởi những tri giác nhị nguyên, chúng ta cũng phải buông bỏ mọi tư tưởng thích và không thích. Khi chúng ta làm thế, tri giác những mùi sẽ được giải thoát vào bản tánh của chính nó.
Vị
47. Nhận biết những vị như một bữa tiệc thánh lễ là điểm cốt yếu của cúng dường.
Sự bám chấp vào cái nếm như ngon ngọt hay ghê tởm được giải thoát trong bản tánh của chính nó;
Thoát khỏi bám nắm, đồ ăn và thức uống là những bản chất làm đẹp lòng Quán Thế Âm Tối Thượng.
Trong sự vốn tự giải thoát của cái nếm, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Chúng ta thường thưởng thức những vị ngon ngọt, thơm tho và chán ghét thứ gì đắng, chua, cay, nồng. Thật ra chính chỉ tâm thức bám chấp vào những vị ngon hay dở. Một khi tâm thức chứng ngộ rằng những thuộc tính ấy là vô sanh và vô tự tánh, bản tánh thanh tịnh của mọi thứ vị có thể được nhận biết. Đồ ăn và thức uống bấy giờ trở thành sự dâng cúng trí huệ của ganachakra, sự thực hành dâng cúng thánh lễ. (61)
Qua sự thực hành này, các bạn sẽ tích tập công đức, đánh bại sự khát khao quen thuộc của mình với đồ ăn và thức uống, và không rơi vào những cách thức không thích hợp của sự tự nuôi sống mình. Khi mọi bám chấp được giải thoát trong tánh bổn nhiên, đó là sự cúng dường tối thượng.
Xúc
48. Nhận biết những cảm giác là tánh nhất như căn bản là điểm cốt yếu của vị bình đẳng;
Những cảm giác no và đói, nóng và lạnh, được giải thoát trong bản tánh của chính chúng.
Thoát khỏi bám nắm, mọi cảm giác là hoạt động của hóa thần;
Trong sự vốn tự giải thoát của cảm giác, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Chúng ta phân biệt giữa cảm giác mềm mại của lụa và thô nhám của sợi đay, sự bằng phẳng của một cái tách và nhọn bén của một cái gai. Nhưng giống như những tri giác giác quan khác, những cảm giác này không hơn gì những giấc mộng ban ngày.
Khi các bạn thôi phân biệt giữa những cảm giác thích và không thích, để cho chúng như chúng là, trong nhất như căn bản của bản tánh trống không của chúng, tâm thức sẽ không luôn luôn phấn chấn hay buồn bã nữa. Đây là kinh nghiệm của vị bình đẳng, sự thực hành tối thượng đưa cả hai sướng và khổ vào con đường. Khát khao cảm giác sự vật mềm mại và thấy cái gì thô ráp khó chịu chỉ là bám chấp. Hãy để mọi luyến bám và ghét bỏ lắng xuống trong bản tánh trống không, và hoạt động Phật sẽ tự hiển lộ một cách tự nhiên.
Tóm tắt, bám chấp vào những tri giác giác quan là cái giữ các bạn lưu lạc trong sanh tử, và đấy là tại sao vẫn thường dạy rằng các bạn cần bỏ mọi lạc thú của các giác quan. Nhưng nếu các bạn đã chứng ngộ tánh Không của những hiện tượng ảo huyễn và bởi thế thực sự thoát khỏi bám chấp, tất cả những tri giác giác quan của các bạn có thể đem vào con đường để tăng trưởng sự tích tập công đức và trí huệ của các bạn, và đem lại tiến bộ cho những kinh nghiệm thiền định và sự chứng ngộ của các bạn. Bất cứ cái gì các bạn thấy, nếm, ngửi, nghe hay cảm giác, hãy nghĩ chúng giống như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước hay như một cầu vồng sống động trong bầu trời – hấp dẫn đối với mắt nhưng thoáng qua và không lưu lại, không thể nắm bắt và không có một hiện hữu chắc thật nào. Thấy biết trong đường lối này, những tri giác của các bạn sẽ không bao giờ bao giờ bị đông cứng bởi dừng trụ hay vướng mắc bởi bám chấp.
Tâm thức
49. Nhận biết mọi hiện tượng đều Không là điểm cốt yếu của cái thấy;
Niềm tin vào đúng và sai được giải thoát trong bản tánh của chính nó.
Thoát khỏi bám nắm, mọi thứ hiện hữu của sanh tử và niết bàn, là dòng tương tục của Pháp thân.
Trong sự vốn tự giải thoát của những tư tưởng, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tâm thức, phân chia kinh nghiệm thành chủ thể và đối tượng, trước tiên đồng hóa mình với chủ thể, “tôi”; rồi với ý niệm “của tôi” và bắt đầu bám chấp vào thân tôi, tâm tôi, tên tôi. Sự luyến bám vào ba ý niệm này càng lớn lên mạnh mẽ, chúng ta càng trở nên quan tâm đặc biệt đến phúc lợi riêng của chúng ta. Mọi cố gắng của chúng ta cho tiện nghi, sự không khoan thứ cho những hoàn cảnh làm bực mình của đời sống, và sự bận tâm với sướng và khổ, giàu và nghèo, danh tiếng và mờ tối, khen và chê, đều do ý niệm “tôi” này.
Chúng ta thường quá bị ám ảnh bởi chính chúng ta đến độ chúng ta khó bao giờ nghĩ đến phúc lợi của những người khác – thật vậy, chúng ta lưu tâm tới những người khác không hơn một con cọp lưu tâm tới việc ăn cỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Bồ tát. Cái ngã thực sự là một tạo dựng của tư tưởng, và khi các bạn chứng ngộ rằng cả hai đối vật được bám nắm và tâm thức bám nắm đều trống không, bấy giờ dễ dàng thấy rằng những người khác không hề khác biệt với chính các bạn.
Mọi năng lượng chúng ta thường đặt vào sự chăm sóc chính chúng ta thì những Bồ tát đặt vào sự chăm sóc những người khác. Nếu một Bồ tát thấy rằng lao mình vào lửa của địa ngục thì vị ấy có thể giúp đỡ cho chỉ một chúng sanh, bấy giờ vị ấy sẽ làm không một khoảnh khắc ngần ngại. Những Bồ tát đã đạt đến địa thứ tám (62) chứng ngộ rằng sanh tử và và niết bàn hoàn toàn nhất như. Đây là cái thấy tối hậu. Vị thầy Sakyapa vĩ đại Jetsun Trakpa Gyaltsen (63) đã nhận được từ đức Văn Thù trong một linh kiến những giáo huấn nổi tiếng về “giải thoát khỏi bốn luyến bám.” Trong câu kệ chót Văn Thù Sư Lợi nói, “Nếu có bám chấp thì không có cái thấy.” Shantideva cũng nói, “Mọi sự giống như hư không – đây là điều tôi cần phải chứng ngộ.” Đó là cái thấy tối hậu của cả kinh và tantra.
Cái thấy tánh Không trước tiên cần được hiểu, rồi kinh nghiệm và cuối cùng chứng ngộ. Chính từ tánh Không mà sanh tử và niết bàn khởi lên, và chính vào tánh Không mà chúng tan biến. Ngay dù chúng có vẻ đang hiện hữu, chúng thực sự chẳng bao giờ rời khỏi tánh Không. Bởi thế, nếu các bạn nhận biết tất cả mọi hiện tượng là Không trong bản chất, các bạn sẽ có thể đương đầu với bất kỳ thứ gì xảy ra, dù các bạn kinh nghiệm sướng hay khổ, mà không chút bám chấp nào.
Được thấy qua đôi mắt của tánh Không, đúng và sai là những quan niệm nhị nguyên chúng chỉ có thể hiện hữu trong tương quan lẫn nhau. Sai chỉ có thể có nếu cũng có cái đúng; nhưng nếu cái sai là trống không thì cái đúng cũng phải trống không. Trong cái thấy tánh Không, bởi thế, không thể có những khẳng định đúng nào cả, không có những điều kiện, và không có bám chấp. Khi một Bồ tát an trụ vững chắc trong cái thấy này, vị ấy không luyến bám vào sự thanh bình của niết bàn, và để hoàn thành lợi lạc cho chúng sanh, vị ấy có thể khoác lấy bất kỳ hình thức nào. Vị ấy có niềm tin miên viễn nó cho phép ngài làm việc với chúng sanh trong những kiếp bất tận, bất kể họ đã lầm lạc bao xa. Không hề nghĩ đến giác ngộ cho riêng bản thân mình, sự quan tâm duy nhất của ngài là giúp đỡ những người khác tiến về mục đích đó.
NĂM THỨC TÌNH PHIỀN NÃO Chứng ngộ cái thấy hoàn hảo là hoàn toàn thoát khỏi năm độc, những thức tình phiền não giữ chúng ta làm nô lệ trong sanh tử. Khi năm độc biến mất, năm trí huệ tương ứng được hiển lộ.
Sân hận
50. Chớ theo đuổi đối tượng của sân hận; hãy nhìn vào tâm thức giận dữ.
Sân giận, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là cái Không sáng tỏ;
Cái Không sáng tỏ không gì khác hơn là Trí Huệ Như Tấm Gương.
Trong sự vốn tự giải thoát của sân hận, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Sanh tử xảy đến như thế nào? Khi chúng ta tri giác mọi sự xung quanh với năm giác quan của mình, tất cả các loại cảm giác hấp dẫn và ghê sợ khởi lên trong tâm thức chúng ta, và chính từ những cảm giác này mà sanh tử sanh khởi. Tri giác thuần túy về sự vật, tự bản thân nó, không phải là cái gây cho chúng ta lưu lạc trong sanh tử; mà chính sự phản ứng của chúng ta với những tri giác này và những giải thích diễn dịch chúng ta gán cho chúng làm cho bánh xe sanh tử quay mãi. Bây giờ, đặc trưng kỳ diệu của Mật thừa là, thay vì kéo dài sanh tử theo cách ấy, chúng ta có thể trau dồi tri giác về mọi hiện tượng như là trò chơi thanh tịnh của trí huệ.
Khi các bạn cảm thấy giận ghét ai đó, sự thù ghét và sân giận của các bạn không phải là cái gì nội tại nơi người ấy như một toàn thể cũng như một phương diện nào của nó. Sự giận ghét của các bạn chỉ hiện hữu trong tâm thức các bạn. Vừa trông thấy nó, những tư tưởng của các bạn luôn luôn day đi day lại nó đã làm hại các bạn trong quá khứ, nó sẽ làm hại các bạn trong tương lai như thế nào, hay nó đang làm hại các bạn bây giờ; chỉ nghe tên của nó là đã làm các bạn đảo lộn. Khi các bạn trở nên trụ tâm vào những tư tưởng ấy, sự giận ghét đầy đủ phát triển, và tới lúc này các bạn cảm thấy một thôi thúc không thể cưỡng được cầm một cục đá và liệng vào nó, hay chụp lấy cái gì đó để đánh nó, nghĩ rằng, “Tôi thực sự muốn giết nó!”
Giận dữ có vẻ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng nó lấy sức mạnh từ đâu để tràn ngập các bạn một cách dễ dàng như thế? Nó là sức mạnh nào đó ở bên ngoài, một cái gì có tay có chân, vũ khí và áo giáp? Nếu không, thế thì nó ở đâu trong các bạn? Nếu thế, nó ở đâu? Các bạn có thể tìm thấy nó trong óc não, trong trái tim, trong xương cốt, hay trong phần nào khác của các bạn? Dầu không thể xác định ở chỗ nào, giận dữ hình như hiện diện theo một cách rất cụ thể, một bám chấp mạnh mẽ nó làm đóng băng tâm thức các bạn thành một trạng thái cứng đặc và đem lại một số lớn khổ đau cho cả các bạn và những người khác. Như những đám mây, quá không chất thể để mang nổi trọng lượng của các bạn hay để khoác lấy như áo quần, tuy nhiên có thể làm tối đen toàn bộ bầu trời và che phủ mặt trời, cũng thế, những tư tưởng có thể che ám sự sáng chói nguyên thủy của tánh giác. Bằng cách nhận biết bản tánh thông suốt, trống không của tâm, hãy để cho nó trở lại trạng thái giải thoát, tự do tự nhiên của nó. Nếu các bạn nhận biết bản tánh của sân giận là Không, nó bèn mất tất cả sức mạnh làm hại của nó và hoàn lại thành Trí Huệ Như Tấm Gương (Đại Viên Cảnh Trí); nhưng nếu các bạn không nhận ra bản tánh của nó và thả lỏng cương cho nó, nó sẽ không kém là nguồn gốc đích thực của những hành hạ cháy bỏng và lạnh cóng của địa ngục.
Người ta thường nghĩ về sự hàng phục và hủy hoại một đối thủ như là một thành công tích cực, nhưng đấy chắc chắn không phải là quan điểm của giáo lý Phật giáo. Khi giận dữ phun như núi lửa, chớ có theo nó, mà thay vào đó hãy nhìn thẳng vào bản tánh của chính giận dữ; nó chỉ là một chế tạo trống không ở trong cái trống không bao la của tâm thức. Trải qua vô số đời, bị nô lệ bởi sự gây gổ của riêng các bạn, các bạn đã tích tập vô lượng nghiệp xấu. Từ giờ trở đi hãy thận trọng hơn, nhớ rằng giận dữ là hạt giống từ đó mọi hành hạ của những địa ngục có thể sinh trưởng. Nhổ sạch giận dữ, và không còn đâu nữa những cõi địa ngục. Bởi thế thay vì ghét hận những kẻ thù giả danh, mục tiêu tấn công đích thực của sự giận ghét của các bạn phải là chính bản thân sự giận dữ.
Nếu các bạn không theo đuổi những cảm giác giận dữ, nếu các bạn không tự làm mình xa lánh những người khác bởi sự sân giận, nếu sự sân giận của các bạn được giải thoát vào trong thật tánh của chính nó, bấy giờ đó là trí-huệ-như-tấm-gương, một gương soi trong đó những người khác được phản chiếu như là chính các bạn. Bao giờ một tư tưởng “sân giận” có khởi lên trong tâm của Quán Thế Âm, nó chỉ làm cho trí huệ càng sáng chói thêm nữa. Hơn nữa, khi các bạn hiểu rõ rằng sân giận không thể nội tại nơi một đối tượng bên ngoài và rằng tâm thức giận dữ bên trong là không có một hiện hữu có thể sờ nắm nào, các bạn sẽ cảm thấy lòng bi tự nhiên tỏa chiếu cho tất cả chúng sanh, đặc biệt là cho những người bị hành hạ bởi những ngọn lửa của sân giận.
Ngày xưa, trong một đời trước của đức Phật, khi ngài là một Bồ tát trong hình dạng một con rắn, một số đứa bé tàn ác bắt ngài và hành hạ ngài đến chết. Nếu muốn, Bồ tát có thể hủy diệt chúng với chỉ một cái nhìn; nhưng vì lòng ngài đã thoát khỏi tư tưởng nhỏ nhất về giận dữ, đó không phải là điều ngài làm. Thay vào đó, ngài cầu nguyện rằng qua sự tiếp xúc chúng đã có với ngài bằng cách giết ngài, trong tương lai chúng sẽ trở thành đệ tử của ngài và được ngài dẫn dắt đến giác ngộ. Sự can đảm và nhẫn nhục gương mẫu này là kết quả của sự chứng ngộ đầy đủ của ngài về tánh Không và đại bi.
Sân giận là một kẻ tử thù của giải thoát, bởi vì một khoảnh khắc của sân giận phá hủy công đức được tích tập trong nhiều kiếp. Bởi thế, trừ diệt sân giận là một trong những mục tiêu chính yếu của một Bồ tát. Thế nên, hăm hở giữ giới nhẫn nhục, hãy trì tụng thần chú sáu âm. Như có nói, “Không có lỗi lầm nào lớn hơn sân giận, không có giới luật nào lớn hơn nhẫn nhục.”
Kiêu mạn
51. Chớ chạy theo đối tượng của kiêu mạn; hãy nhìn vào tâm thức bám nắm. Tự phụ, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là tánh Không bổn nhiên; Tánh Không bổn nhiên không gì khác hơn là trí huệ của sự đồng nhất căn bản. Trong sự vốn tự giải thoát của kiêu mạn, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Khi nào chúng ta có được phẩm tính đáng khâm phục nào, hiểu biết hay khéo léo đặc biệt nào, kiêu hãnh khởi lên tức thì và làm hư hỏng phẩm tính tích cực ấy. Bị tràn ngập bởi tự phụ, hoa mắt bởi vẻ đẹp, thông minh, học vấn và quyền lực của chúng ta, chúng ta hoàn toàn đui mù với mọi phẩm tính toàn hảo và đích thực của những bậc thầy vĩ đại. Nhưng thật ra, những người bình thường như chúng ta, lạc lõng trong mê mờ của sanh tử, dầu đôi khi có được vài phẩm tính tốt, thì chắc chắn chúng ít hơn nhiều những lỗi lầm; và so sánh với những đức hạnh vô lượng của những con người vĩ đại, những phẩm tính của chúng ta chỉ nhỏ như đốm bột. Thật ra, những đức tính chúng ta cảm thấy rất kiêu hãnh thường là những khuyết điểm giả dạng.
Thế nên, bất cứ những tài năng giới hạn và không bền vững nào các bạn có, tuyệt đối không có lý do gì để kiêu hãnh về chúng. Như câu châm ngôn, “Cũng như nước không bao giờ tụ lại trên chót đỉnh một trái núi, giá trị chân thực không bao giờ tích tụ trên đỉnh lởm chởm của lòng kiêu mạn.” Kiêu căng làm dừng sự phát triển lòng sùng mộ, trí huệ hay từ bi; nó đóng ngăn các bạn với những ban phước của thầy và chận đứng mọi tiến bộ trên con đường. Thế nên, để tránh sự hiểm nguy của sự kiêu mạn, quan trọng là khảo sát chính các bạn một cách thành thật.
Nếu các bạn phân tích sự kiêu căng một cách cẩn thận, các bạn sẽ thấy ra rằng nó không nội tại trong cái gì mà bạn cảm thấy tự phụ, mà được tạo ra bởi tâm bám nắm. Nếu các bạn luôn luôn miên mật ở một vị thế khiêm tốn và giữ tâm thức mình khiêm hạ, sự kiêu hãnh sẽ biến mất như sương mù buổi sáng. Một tâm thức giải thoát khỏi móng vuốt của kiêu mạn luôn luôn an trụ trong trí huệ của sự đồng nhất căn bản (Bình đẳng tánh trí) của Quán Thế Âm.
Tham lam
52. Chớ khao khát đối tượng của tham muốn, hãy nhìn vào tâm thức tham lam.
Tham muốn, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là Không-Lạc;
Cái Không-Lạc này không gì khác hơn là trí huệ phân biệt tất cả.
Trong sự vốn tự giải thoát của tham muốn, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Bất cứ hạnh phúc nào mà các bạn mong mỏi từ cha mẹ, con cái, bạn bè, sự giàu có hay tài sản của các bạn, nó sẽ không kéo dài lâu, bởi vì cuối cùng tất cả chúng sẽ bị cái chết giật mất khỏi các bạn – nếu không xảy ra trước đó. Vô ích khi bám níu vào chúng.
Khi các bạn chết, cho dù các bạn có đáng khâm phục thế nào, dù giàu có và quyền lực thế nào, không có cái gì dùng được. Các bạn sẽ lang thang trong trạng thái trung ấm giữa cái chết và sự tái sanh, chỉ đồng hành với các bạn là nghiệp tốt và xấu của mình. Góp nhặt giàu có và tài sản, rồi bảo vệ và làm tăng trưởng chúng là một công việc làm nản lòng và không cùng.
Cái nhìn thấy vàng và kim cương mê hoặc chúng ta, và chúng ta nhanh chóng bị đánh bại bởi tham muốn thúc dục phải chiếm hữu chúng. Nhưng dù bằng cách nào đó chúng ta thu xếp để mua những đồ vật đẹp đẽ và đắt giá ấy, sự bám chấp của chúng ta, còn lâu mới chấm dứt, mà chỉ tăng thêm. Lo lắng chúng ta có thể mất châu báu quý giá đã sở đắc được, chúng ta cất nó thật an toàn và không bao giờ dám đem nó ra ngoài và đeo nó. Sau cả một đời xây dựng trên sự thèm khát, kinh nghiệm của chúng ta trong trạng thái trung ấm chỉ có thể là sợ hãi và kinh hoàng cùng cực.
Buôn bán, trồng trọt hay việc làm ăn nào mà phúc lợi có được từ sự hao tốn của những người khác chỉ đem lại cho chúng ta thêm nhiều nghiệp xấu. Không bao giờ thỏa mãn với cái chúng ta có, luôn luôn nỗ lực thu được điều chúng ta muốn, trong vô số đời chúng ta hoàn toàn mòn mỏi, kiệt sức. Chẳng tốt hơn sao khi buông bỏ tất cả và thay vào đó học cách làm thế nào được thỏa mãn với áo quần đủ mặc và lương thực đủ sống?
Nếu các bạn cam kết theo sự thực hành và trì tụng thần chú sáu âm với một tâm thức giải thoát khỏi bám níu, các bạn sẽ thấy mình càng ngày càng ít bị hấp dẫn bởi những theo đuổi bình thường của cuộc đời,và các bạn sẽ không phung phí cuộc đời các bạn nữa. Tham muốn và bám chấp sẽ lắng vào bản tánh của chính chúng, nó không gì khác hơn là trí huệ phân biệt tất cả (Diệu quan sát trí) của Quán Thế Âm.
Ghen ghét
53. Chớ đi theo đối tượng của ghen ghét; hãy nhìn vào tâm thức chỉ trích, chê bai.
Ghen ghét, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là trí trống không;
Trí trống không này không gì khác hơn là trí huệ thành tựu tất cả.
Trong sự vốn tự giải thoát của ghen ghét, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Một người bình thường cảm thấy ghen ghét, đố kỵ với những ai có những thành đạt bằng hay hơn mình. Tuy nhiên ghen ghét cũng lại không phải là một cái gì nội tại trong đối tượng của sự ghen ghét; nó chỉ là một chế tạo của tâm thức. Bất kỳ khi nào một tư tưởng ghen tỵ khởi ra, đơn giản chỉ nhận biết nó là cái gì và tùy hỷ với tất cả lòng mình những thành đạt cao hơn của người khác.
Một khi các bạn cho phép những tư tưởng ghen tỵ nẩy nở, chúng có thể phát triển thành một cảm xúc quá quắt. Một ví dụ là câu chuyện về sự ghen tỵ của Đề bà đạt đa với người anh em chú bác Gautama. Dầu sau khi Gautama đã thành Phật, Đề bà đạt đa cũng không ngừng nỗ lực làm đủ mọi cách xảo quyệt để ganh đua với ngài. Những hành vi ghen ghét của ông đến nỗi cuối cùng mặt đất mở ra dưới chân, và ông rớt vào lửa của địa ngục; ở đấy trải qua những khổ sở kinh khủng, ông hối hận, kêu lên, “Từ sâu thẳm của lòng mình, tôi quy y ngài, Gautama!” Dầu cho trong một đời tương lai ông sẽ tái sanh làm một vị Bích Chi Phật, nhưng trong đời này, ngay cả Phật cũng không cứu được ông. Ghen tỵ bởi thế là một lỗi lầm rất trầm trọng; chớ bao giờ rơi vào dưới ảnh hưởng của nó.
Chính bởi cảm thấy rất hoan hỷ trong lòng các bạn với những thành đạt của những người khác – chẳng hạn, với những cúng dường lớn lao của ai đó cho Tam Bảo – các bạn sẽ tích tập công đức như người kia. Thay vì si mê bởi những thành đạt của chính các bạn, thay vì rơi vào cái bẫy ghen tỵ, hãy tùy hỷ với những công đức vô giá của những người khác, đặc biệt với những hành vi của những vị rất cao cả. Đó không gì khác hơn là chính trí huệ thành tựu tất cả (Thành sở tác trí).
Vô minh
54. Chớ cho những ý tưởng do vô minh đúc thành là đúng; hãy nhìn vào bản tánh của chính vô minh.
Những người khách tư tưởng, vốn tự giải thoát ngay khi chúng sanh, là Không-Giác.
Cái Không-Giác này không gì khác hơn là trí huệ của pháp giới tuyệt đối và bao la.
Trong sự vốn tự giải thoát của vô minh, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Ở đây vô minh (si) nghĩa là vô minh về Phật tánh của chính chúng ta. Về mặt này, chúng ta vô minh như một người ăn xin với một viên ngọc quý trong bàn tay, do không nhận biết giá trị đến thế nào, liệng bỏ nó. Chính vì vô minh mà chúng ta làm nô lệ cho những tư tưởng của chúng ta và không thể phân biệt đúng với sai. Chính vì vô minh mà chúng ta không tin vào những kết quả lợi lạc của sự cầu nguyện Tam Bảo. Chính vì vô minh mà chúng ta không nhận biết chân lý của Pháp. Vô minh là gốc rễ đích thực của tám mươi bốn ngàn phiền não tiêu cực, vì chừng nào chúng ta còn không thấy rằng thật tánh của mọi sự là tánh Không, chúng ta còn khăng khăng tin rằng những sự vật có thật hiện hữu; và đây là nguồn gốc của mọi tri giác mê lầm và mọi tư tưởng xấu xa.
Tuy nhiên vô minh không thường tồn như bóng tối thường trực của một hang sâu dưới mặt đất. Như mọi hiện tượng khác, nó chỉ có thể sanh khởi từ tánh Không và bởi thế không thể có hiện hữu chân thật. Một khi các bạn nhận ra bản tánh Không của vô minh, nó chuyển thành trí huệ của pháp giới tuyệt đối và bao la (Pháp giới tánh trí). Đây là tâm trí huệ của Quán Thế Âm, Phật tánh, yếu tính của chư Như Lai, Như Lai tạng hiện diện trong tất cả chúng sanh. Chỉ vì vô minh, như đức Phật đã bày tỏ, khiến chúng ta tin vào tri giác mê lầm của chúng ta thay vì nhận biết Phật tánh là bản tánh của chính chúng ta.
Bằng cách xác lập bản tánh Không của vô minh, hãy nhận biết sự mờ tối và mê vọng của nó là chính pháp giới bao la tuyệt đối. Bấy giờ trụ trong kinh nghiệm này và thực hành cái thấy, thiền định và hành động. Đây là tâm yếu tối thiết của Quán Thế Âm.
Bởi thế, bất kỳ khi nào những tư tưởng và thức tình liên hệ với năm độc sanh khởi, thay vì tự để cho mình bị chúng mang đi xa, hãy nhìn thẳng vào bản tánh của chúng; bằng cách làm như thế, cuối cùng các bạn sẽ đến chỗ nhận biết năm độc chính là năm trí huệ bổn nguyên, chúng là tình trạng tự nhiên của tâm không mê vọng. Đến điểm này, tất cả tư tưởng của các bạn sẽ được giải thoát ngay khi chúng khởi, và các bạn sẽ không bao giờ mất cái thấy về tánh giác, Quán Thế Âm tuyệt đối.
Quán Thế Âm tuyệt đối không gì khác hơn là tánh Không, tuy nhiên trên bình diện tương đối Quán Thế Âm khoác lấy vô số hình sắc để gặp gỡ những nhu cầu của chúng sanh. Tất cả những biểu lộ này, với danh hiệu, hình thể và màu sắc khác nhau, là sự phô diễn của trí huệ ngài, sự biểu lộ của tính sáng tạo của tánh Không và đại bi. Đặc biệt, Quán Thế Âm phô diễn năm hình sắc chính tương ưng với năm uẩn và năm cõi (64) của sanh tử. Năm bài kệ tiếp theo giải thích sự chuyển hóa của năm uẩn, hay skandha, thành năm phương diện này của Quán Thế Âm. (65)
NĂM UẨN Sắc
55. Sắc là vô sanh, bổn lai không, như bầu trời;
Tinh túy của cái Không-Giác này là Quán Thế Âm
Không có cái gì khác ngoài Vua Thiêng Liêng của Bầu Trời.
Trong cái thấy tánh Không này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Chúng ta thấy một cầu vồng trong bầu trời chỉ vì sự phối hợp của tia sáng mặt trời và mưa. Theo cùng cách này, tất cả vô số hình sắc mà chúng ta thấy chỉ có từ sự phối hợp thoáng chốc của một số điều kiện; dưới sự xem xét cẩn thận tỉ mỉ, không có cái nào trong những duyên đó có thể tìm thấy một hiện hữu bản chất nào. Ví dụ, chúng ta dùng chữ thân thể để chỉ một hỗn hợp thường trực thay đổi của xương, thịt và máu, tuy nhiên trong thực tế không có một thực thể nào như là một thân thể.
Chính năm uẩn chống đỡ cho ý niệm sai lầm về một cái “tôi” hiện hữu một cách chất thể, cái “tôi” ấy là nguồn gốc của mọi khổ đau. Nhưng một khi chúng ta nhận biết sắc uẩn là Không, nó không gì khác hơn là Quán Thế Âm. Danh hiệu đặt cho phương diện này của Quán Thế Âm, Vua của Bầu Trời, truyền đạt cách thức bao la và toàn khắp mà ngài khoác lấy hình sắc. Trong mỗi một lỗ chân lông của thân thể ngài vô số cõi Phật xuất hiện mà lỗ chân lông không lớn thêm hay những cõi Phật không nhỏ bớt. Tuy nhiên, thân Quán Thế Âm không phải là thịt máu mà là sự phô diễn của trí huệ ngài, trống không trong bản chất. Nhận biết điều này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Thọ
56. Cảm giác là thòng lọng trói siết tâm thức cùng đối tượng;
Khi con biết nó là tánh nhất như bất nhị, nó là Quán Thế Âm –
Không có cái nào khác ngoài
Thòng Lọng Phong Phú Thiêng Liêng.
Trong sự chứng ngộ vị nhất như, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Chính sự kết hợp của thân thể và tâm thức cho phép những cảm giác thích thú và khó chịu, sướng và khổ sanh khởi. Khi thân các bạn cảm thấy một đau đớn nhỏ nào, như cái gai đâm, lý do các bạn ghét nó là vì các bạn tin vào ý niệm một cái ngã cá biệt. Bởi thế các bạn nghĩ, “Tôi… thân tôi… hạnh phúc của tôi… đau khổ của tôi.” Sự kiện khi những người khác cũng kinh nghiệm cùng một đau đớn không làm cho các bạn khổ não gì cả là bằng chứng các bạn tin vào một cái “tôi” như thế nào.
Uẩn cảm giác này là sợi dây trói buộc các bạn vào ba cõi của sanh tử. Cảm giác là phản ứng căn bản của thích và không thích nó xảy ra khi các bạn gặp gỡ một cái gì trong thế giới hiện tượng. Nó xảy ra qua tác động của các giác quan và các thức tương ứng của chúng. Nếu các bạn khảo sát nó, các bạn sẽ nhận ra nó không có một thực thể nào; bấy giờ cảm giác trở thành trí huệ của nhất như, và bản tánh của nó không gì khác hơn là phương diện của Quán Thế Âm được biết như là Thòng Lọng Phong Phú, Amoghapasha trong tiếng Sanskrit.
Amoghapasha thuộc về bộ tộc trân bảo, và ngài sẵn đủ nhiều năng lực đến độ chỉ nghe danh hiệu và thần chú của ngài cũng sẽ mở rộng kinh nghiệm thiền định của các bạn, làm sâu xa thêm trí huệ của các bạn, kéo dài mạng sống của các bạn, và làm lớn rộng thêm nhiều công đức và sự thịnh vượng của các bạn. Tuy nhiên phương diện năng lực thần diệu này của Quán Thế Âm thật ra không gì khác hơn là tự tâm của các bạn. Khi nào, qua sự chứng ngộ tánh Không, các bạn tri giác những hiện tượng sanh tử như là sự thanh tịnh vô biên, các bạn mở ra phần tương ứng giác ngộ của thọ uẩn, kho tàng của những phẩm tính mãi mãi giàu có; đây là Bảo Sanh Phật, Ratnasambhava.
Amoghapasha, Thòng Lọng Phong Phú, là một đồng nghĩa với viên ngọc như ý. Giống như một thòng lọng, ngọc như ý có thể đem ngay cả những chư thiên và con người quyền lực nhất vào dưới sự kiểm soát của nó và đẩy tất cả chúng sanh đến giác ngộ. Khi các bạn cảm thấy sắp rơi vào vực thẳm của những thức tình đen tối, hãy cầu nguyện đến Quán Thế Âm; vào lúc cái thòng lọng của lòng bi của ngài bắt được các bạn, các bạn sẽ tràn đầy tin tưởng vào sự toàn giác của ngài. Bởi thế, với niềm tin và sùng mộ nhất niệm, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Xác định (tưởng)
57. Xác định, nếu con chấp nó là chắc thật, là vọng tưởng;
Khi con đến với tất cả chúng sanh với lòng bi, đấy là Quán Thế Âm.
Không có cái gì khác ngoài Bậc Cao Cả Nạo Vét Sạch những Chiều Sâu của Sanh Tử.
Trong lòng bi không thiên vị, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Tâm thức các bạn không ngừng xác định, đánh giá bất kỳ thứ gì các bạn gặp, “Cái này có thể làm vui lòng tôi, cái này có thể làm hại tôi.” Chính vì như một kết quả của tiến trình này mà các bạn khao khát cái gì thích thú và sợ hãi cái gì không thích. Sự đánh giá do tâm thức các bạn tạo ra khởi từ cách thức tri giác mọi sự một cách quy ngã. Nhưng giờ đây, thay vì xác định những sự vật theo bao nhiêu sướng hay khổ chúng sẽ đem lại cho các bạn, các bạn nên nhắm vào hạnh phúc và khổ đau của toàn thể chúng sanh. Điều này sẽ mở ra một lòng bi bao la không chút thiên vị nào, và các bạn sẽ nhận biết uẩn thứ ba này, tưởng uẩn, như là phương diện của Quán Thế Âm được biết với danh hiệu là Bậc Nạo Vét những Chiều Sâu của Sanh Tử.
Khi các bạn nạo vét những chiều sâu của biển cả, bất kỳ thứ gì dưới đáy đều được đưa lên trên mặt. Cũng thế, hoạt động đại bi của Quán Thế Âm đưa lên những cõi cao hơn tất cả những chúng sanh nào chìm đắm trong những chiều sâu của hiện hữu, những cõi thấp của sanh tử.
Nếu vì chỉ một chúng sanh, Quán Thế Âm phải làm việc cặm cụi cho đến hết vòng thời gian, lòng đại bi của ngài cũng sẽ không hề giảm sút. Bậc Nạo Vét Sạch những Chiều Sâu của Sanh Tử luôn luôn thường trực sẵn sàng đến giúp đỡ chúng sanh. Điều này được minh họa bởi câu chuyện sau đây.
Ngày xưa một đoàn nhà buôn đi biển để tìm hòn đảo châu báu trong truyền thuyết. Bị đắm tàu bởi một trận bão, họ tìm chỗ trú ẩn trên một hòn đảo của những yêu tinh ăn thịt người. Những yêu tinh này, để chinh phục những nhà buôn, biến hình thành những công chúa đẹp đẽ, với sự giả dạng này, chúng dễ dàng quyến rũ và lấy được lòng tin của họ. Về sau, những công chúa yêu tinh này lấy tất cả nhà buôn làm chồng; từ đó, những nhà buôn bị giữ dưới sự canh chừng cẩn mật và không bao giờ cho ra xa khỏi nhà.
Tuy nhiên một hôm, người trưởng đoàn nhà buôn đi xa hơn thường lệ mà không để ý. Ông đến một tòa nhà đồ sộ làm bằng sắt. Từ bên trong một tiếng nói cất lên, “Nghe đây, hỡi các bạn! Chúng ta cũng là những nhà buôn bị đắm tàu trên đảo này và bị nhốt ở đây. Hãy cẩn thận! Các bạn đã bị lừa; những công chúa các bạn đã cưới thật ra là những yêu tinh, và chúng định giết và ăn thịt tất cả các bạn.” Lúc đó, trưởng đoàn mới hiểu rằng ông và những người của ông ta đã bị lừa gạt và là tù nhân của những công chúa yêu tinh. “Chúng ta đang ở trong một cái bẫy khủng khiếp, nhưng không có cách nào thoát sao?”
Tiếng nói bảo: “Với chúng tôi thì không, nhưng với các bạn thì còn có một dịp may. Về phía đông của thành phố có một cái hồ, và trên bờ hồ là một cái hang gọi là Hang Cỏ Vàng. Mỗi đêm trăng đầu tháng và giữa tháng, Quán Thế Âm, trong hình dáng con ngựa Valaha vương giả, hay Đám Mây Quyền Năng, đến hang từ cõi trời thứ Ba Mươi Ba để ăn cỏ, uống nước và cuộn mình trên cát vàng. Nó gọi những ai muốn rời bỏ hòn đảo của yêu tinh này muốn về châu Diêm Phù Đề hãy đến và leo lên lưng. Tôi đã nghe các công chúa yêu tinh nói rằng người nào nắm bờm con ngựa Valaha và không nghe theo những lời năn nỉ giả tạo của họ sẽ thoát được an toàn về Ấn Độ.”
Ông trưởng đoàn vội vã trở lại nói với các bạn đồng hành điều vừa được nghe, và tất cả bọn họ kinh sợ cho hoàn cảnh mình, hiểu rằng đây là hy vọng duy nhất để có lại tự do, họ cầu nguyện Quán Thế Âm từ đáy lòng họ.
Như đã nói trước, vào đêm trăng rằm con ngựa trời xuất hiện, bình an gặm cỏ ở Hang Cỏ Vàng. Khi nó sắp bay lên, nó gọi những nhà buôn cấp tốc cỡi lên lưng. Những công chúa yêu tinh, thấy các tù nhân của mình sắp trốn thoát, bắt đầu than khóc. Họ đem những đứa con đã có với những nhà buôn và van xin họ hãy ở lại để trông nom đám con cái đáng thương của họ, chúng cũng khóc vang. Một vài người đi buôn, không thể cắt đứt những luyến bám của họ và cưỡng lại được những năn nỉ của những người vợ yêu tinh, đã rớt xuống đất; nhưng những người khác, không nghe những van xin đầy nước mắt này, cầu nguyện Quán Thế Âm với niềm tin lớn lao và an toàn về châu Diêm Phù Đề.
Lòng bi của Quán Thế Âm, thoát khỏi tưởng uẩn, đổ xuống bình đẳng trên mọi chúng sanh. Ngài sẽ vét cạn không mệt mỏi những chiều sâu của sanh tử cho đến khi không còn một chúng sanh nào sót lại.
Uẩn thứ nhất là sự nắm bắt đầu tiên của các bạn về một đối tượng. Uẩn thứ hai là cảm giác của các bạn rằng đối tượng ấy là thích, không thích hay trung tính với các bạn. Uẩn thứ ba là sự đánh giá của các bạn về cường độ của cảm giác này là mạnh, vừa hay yếu; bấy giờ tâm thức các bạn bám chấp vào sự đánh giá này như cái gì thực có và vững chắc, nó tạo thành căn cứ cho hai giai đoạn tiếp sau. Chính qua chuỗi tiến trình này, năm uẩn và mọi khổ đau xảy ra. Tuy nhiên, bằng cách trì tụng thần chú sáu âm với sùng tín hoàn toàn, các bạn có thể thoát khỏi những gông cùm của sự xác định, đánh giá và như thế giải thoát khỏi cái bẫy của sanh tử.
Thúc đẩy (hành)
58. Thúc đẩy, là những hoạt động sanh tử, giữ con quay vòng trong sáu cõi;
Nếu con thấu hiểu sanh tử và niết bàn là hoàn toàn nhất như, đó là Quán Thế Âm –
Không có cái gì khác ngoài Bậc Đại Bi Chuyển Hóa Chúng Sanh.
Hành động cho những người khác trong một vị, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Thúc đẩy là ám ảnh cưỡng bách phải hoạt động trên căn cứ của những cảm giác tham muốn và ác cảm của các bạn, và như thế tích tập nghiệp. Bởi thế, cái thúc đẩy là kiến trúc sư của sanh tử và niết bàn. Hoàn toàn nô lệ cho thúc đẩy, các bạn đã lang thang từ đời này sang đời khác từ vô thủy. Nhưng nếu các bạn nhận biết rằng bản tánh của thúc đẩy là trống không, và rằng những thúc đẩy không cùng của các bạn thật ra là vô số khía cạnh của trí huệ, các bạn sẽ không chịu sự thống trị của chúng nữa.
Theo Kim Cương thừa, Quán Thế Âm thấm khắp tất cả những mạn đà la như Đấng Quyền Năng của sự Nhảy Múa Hoa Sen. Dầu trong yếu tính, một vị Phật hoàn toàn giác ngộ diễn xuất những tài nguyên vô tận của lòng bi, ngài nhận lấy hình thức của một Bồ tát để giúp đỡ chúng sanh trực tiếp theo nhu cầu họ. Mọi sự Bồ tát làm đều để lợi lạc cho chúng sanh; ngài không có mục đích riêng tư nào, bất kể hoàn cảnh gì. Mức độ cao cả này của lòng bi mang theo với nó vô số phẩm tính giác ngộ, đặc biệt là sự chứng ngộ rằng sanh tử và niết bàn là chỉ một vị.
Hiện giờ, các bạn thấy khó khăn thấu hiểu những đặc tính bao la không thể nghĩ bàn nổi như đại bi và khả năng cứu giúp những người khác của Quán Thế Âm. Những nếu các bạn trì tụng thần chú này với lòng sùng mộ nhất niệm, một ngày nào các bạn cũng sẽ có thể làm lợi lạc cho chúng sanh ở một tầm cỡ vô biên như vậy. Từ đáy lòng các bạn, hãy mong mỏi giúp đỡ tất cả chúng sanh, và hồi hướng tất cả công đức của bạn cho họ, với sự tin chắc rằng Quán Thế Âm thừa nhận những nguyện vọng của các bạn và ban cho các bạn ân sủng của ngài để đưa chúng tới chỗ trọn vẹn.
Thức
59. Thức, sự biểu lộ của tâm bình thường, có tám chức năng;
Nếu con thấu hiểu tâm tối hậu là Pháp thân, nó là Quán Thế Âm –
Không có cái gì khác ngoài Đại Dương Thiêng Liêng của những Bậc Chiến Thắng.
Biết rằng tự tâm con là Phật, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Nếu một hạt giống trong đất nảy sinh từ một giống cây độc, rễ và lá phát triển từ nó chắc chắn cũng phải độc, hay ngay cả làm chết người. Cùng cách ấy, bất kỳ khi nào năm uẩn hiện diện, khổ đau phải xảy ra từ đó. Then chốt làm chúa trùm cả năm uẩn là thức, vì chính thức bám chấp vào các uẩn như thực sự hiện hữu, bám chấp lạc thú như lạc thú và khổ đau như khổ đau. Thật vậy, thức là tâm mê lầm và những vọng tưởng của nó. Bây giờ, một khi các bạn nhận biết rằng thức không bao giờ thực sự hiện hữu và bởi thế, không thể tiếp tục hiện hữu cũng không đến chỗ chấm dứt, các bạn bèn giải thoát khỏi móng vuốt của nó. Nhưng cho đến khi nào các bạn đạt đến điểm này, thức thường trực kéo dài hư vọng, sẽ tiếp tục phát sinh thêm nghiệp. Bởi thế quan yếu là các bạn quy tụ mọi nỗ lực của các bạn vào sự nhận biết tánh Không của thức. Khi nhận biết này khởi lên rõ ràng, nó giống như ánh sáng ban ngày phá tan bóng tối của đêm.
Bản tánh thanh tịnh của thức là phương diện của Quán Thế Âm được biết như là Đại Dương của những Bậc Chiến Thắng. “Những Bậc Chiến Thắng” ám chỉ chư Phật, các ngài đạt được sự chiến thắng của giác ngộ viên mãn, và Đại Dương ám chỉ sự bao la của vô cùng chư Phật hợp nhất trong Quán Thế Âm. Hãy cầu nguyện rằng sẽ có ngày các bạn cũng thành tựu sự hoàn thiện như vậy đến độ chỉ nghe tên các bạn, chúng sanh sẽ được tịnh hóa những nhiễm ô của họ và giải thoát khỏi những cõi thấp.
Biết rằng Quán Thế Âm thường trụ trong chính các bạn như là sự tương tục của cái Một bất biến, hãy trì tụng thần chú sáu âm
MỤC 6: BỐN ĐIỂM CHÍNH YẾU VỀ THÂN, NGỮ, TÂM VÀ PHÁP THÂN
THÂN
60. Tin thân thể là cứng đặc là điều gây ra tình trạng nô lệ;
Nếu con nhận biết nó là hóa thần, xuất hiện nhưng trống không, nó là Quán Thế Âm –
Không có cái gì khác ngoài Khasarpani Cao Cả.
Trong sự nhận biết thân thể hóa thần, xuất hiện mà trống không, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Chính tri giác bình thường của chúng ta về thân thể như là một cơ cấu cứng đặc của xương và thịt khiến nó thu hút khổ đau như một nam châm. Nhưng bằng cách tu hành những thực hành quán tưởng và trì chú, các bạn học cách phá tan sự trụ chấp của các bạn vào tính cứng đặc của thân; bằng cách tu hành tri giác thân các bạn như là thân trí huệ vô sanh, vô biên của Quán Thế Âm, các bạn có thể đạt đến trạng thái vượt thoát khỏi khổ đau. Thân thể của Quán Thế Âm, toàn khắp như bầu trời, thì chẳng phải thịt và máu cũng chẳng phải là cái gì cụ thể như một bức tượng. Hơn nữa, nó trong suốt như một cầu vồng, xuất hiện rõ ràng nhưng trống không và không có bản chất gì. Còn hơn nữa, Quán Thế Âm không chỉ là một hình ảnh – ngài đang sống, sáng rỡ với trí huệ, tình thương và thần lực, trả lời cho bất cứ ai chỉ làm một cử chỉ cầu nguyện hay trì tụng một biến manÏi.
NGỮ
61. Ý niệm hóa lời nói và âm thanh là điều gây ra vọng tưởng;
Nếu con nhận biết nó là thần chú, âm vang nhưng trống không, nó là Quán Thế Âm –
Không có cái gì khác ngoài Tiếng Rống của Sư Tử Thiêng Liêng.
Trong sự nhận biết âm thanh là thần chú, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Khi sự quán tưởng thân hóa thần của các bạn rõ ràng và ổn định, trì chú, như được diễn tả trong đoạn về ngữ kim cương, sẽ nâng cao thêm sự thực hành của các bạn. Chữ thứ nhất của thần chú Quán Thế Âm, OMÏ, tiêu biểu năm trí huệ; như chữ của tốt lành, nó bắt đầu của hầu hết thần chú. MANÏI nghĩa là “hạt ngọc”, PADME nghĩa là “hoa sen”, và HŪMÏ là chữ bày tỏ và khẩn cầu sự toàn giác của Quán Thế Âm. Toàn bộ thần chú có thể chuyển dịch thành: “Ngài, Hạt Ngọc Hoa Sen, xin hãy ban cho toàn giác của ngài.” Bằng cách lập lại danh hiệu ngài trong thần chú sáu âm, các bạn nhớ đến và cầu khẩn những phẩm tính vô biên của ngài, như thể các bạn đang kêu gọi ngài từ khoảng cách xa. Để trả lời, lòng đại bi của ngài biểu lộ không phải dụng công tác ý, đáp ứng mọi mong muốn của các bạn.
Để ban phước gia bị những chúng sanh, Quán Thế Âm đã quán đảnh trao truyền quyền lực cho thần chú của ngài thành giống như chính bản thân ngài. Nó là âm vang của tánh Không vô sanh. Được viết ra, thần chú giải thoát bởi sự thấy; như là âm thanh nó giải thoát bởi sự nghe; khởi lên trong tâm thức, nó giải thoát bởi sự nhớ niệm; đeo trên thân, nó giải thoát bởi sự xúc chạm. Nếu các bạn làm cho mình quen tri giác mọi âm thanh như thần chú, các bạn sẽ không cảm thấy sợ hãi khi các bạn nghe những âm thanh kinh khủng của trung ấm. Qua thần chú của ngài, Quán Thế Âm thực hiện hoạt động bao la và bi mẫn của ngài trên một phạm vi vô cùng. Thế nên với sùng mộ nhiệt thành, nghe mọi âm thanh của vũ trụ như tiếng phản hồi của thần chú, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
TÂM THỨC
62. Bám chấp vào những tri giác của tâm thức như là thật là sự mê lầm tạo ra sanh tử;
Nếu con để cho tâm thức trong trạng thái tự nhiên của nó, tự do với những tư tưởng, nó là Quán Thế Âm –
Không có cái gì khác ngoài sự Thoải Mái Thiêng Liêng trong Tâm Tối Hậu.
Trong tâm tối hậu, Pháp thân, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Người ta thường nói, “Hãy thiền định! Hãy thiền định!” nhưng trừ phi các bạn đã thiết lập một cái hiểu vững chắc và không sai lầm về cái thấy tánh Không, cái gì là điểm để thiền định? Không nhận biết bản tánh trống không của tâm thức chính là nguồn gốc đích thật của sanh tử. Bản tánh trống không này, với lòng bi nội tại vốn có của nó, được nhận biết khi tâm thức, tự do với những ảnh hưởng của tư tưởng, thức tỉnh với tánh giác đơn giản của cái hiện tại.
Thả lỏng dây cương, những tư tưởng tạo ra toàn bộ sanh tử. Không được nghiên cứu, khảo sát, chúng giữ lại những hình tướng biểu kiến của chúng và do đó sức mạnh để kéo dài sanh tử của chúng. Tuy nhiên không có tư tưởng nào, tốt hay xấu, có được hiện hữu sờ nắm được dù nhỏ nhất. Không có ngoại trừ nào, những tư tưởng đều hoàn toàn trống không, như một cầu vồng dù có xuất hiện rực rỡ và sống động năm màu trên bầu trời, cũng chẳng thể nào nắm bắt, mặc lấy như áo quần hay được dùng theo cách nào khác. Tánh Không tuyệt đối không biến đổi bởi bất kỳ thứ gì, ngay cả khi nó bị che đậy với cái thấy do những che ám mặt ngoài. Thật vậy, những che ám này không phải là những thứ có thật cần phải dẹp bỏ, bởi vì khoảnh khắc chúng ta nhận ra bản tánh trống không của chúng thì chúng biến mất hoàn toàn. Khi sự mê vọng của những tư tưởng che ám biến mất, tâm thức trở lại tự do và thanh tĩnh, an trụ trong tự tánh của nó một cách không khởi sức. Đây là ý nghĩa của danh hiệu Thoải Mái Trong Tâm Tối Hậu của Quán Thế Âm.
Bầu trời không bao giờ bị quấy nhiễu hay thay đổi bởi sự hợp tan của những đám mây. Bầu trời không nuôi hy vọng những cầu vồng sẽ khởi lên cũng không chịu thất vọng nếu chúng không khởi. Tâm kim cương của Quán Thế Âm không hề rời khỏi bản tánh tuyệt đối, bất kể hoạt động từ bi cho chúng sanh của ngài có rộng rãi hay tỏa khắp bao nhiêu. Xuất hiện cho chúng sanh trong vô vàn cách, trong thật tế ngài không bao giờ lìa khỏi tánh Không.
Quán Thế Âm là một với bản tánh bổn nhiên của tự tâm chúng ta; chớ tìm ngài ở đâu khác. Để chứng ngộ bản tánh này trong chính các bạn, hãy thỉnh cầu và nhận lãnh những lời dạy với lòng sùng mộ cảm thông sâu sắc và không giả tạo, rồi tham thiền chiêm nghiệm và đồng hóa chúng vào hiện thể của các bạn. Cuối cùng, các bạn sẽ thành tựu chứng ngộ tối hậu. Mọi khuynh hướng nghiệp và phiền não che ám sẽ tan biến, và các bạn sẽ biết trực tiếp tánh Không của tất cả hiện tượng. Đến điểm này các bạn sẽ thoải mái trong một trạng thái nghỉ ngơi, xa hẳn những hành hạ của sanh tử. Giống như một ông già thanh tĩnh xem những đứa bé đang chơi, các bạn sẽ nhìn thấy với sự bình đẳng thản nhiên trò chơi biểu diễn hằng hằng biến chuyển của những hiện tượng không thực.
Nếu các bạn thấy khó khăn khi quán tưởng những hóa thần với những trang sức, sự phóng ra ánh sáng, và mọi chi tiết khác, hãy đơn giản duy trì, giữ gìn sự nhận biết trạng thái bổn nhiên; đây là yoga-tâm về Pháp thân và của Pháp thân. Xem mọi sự khởi lên trong hương vị đơn nhất của thực tại tuyệt đối, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
PHÁP THÂN
63. Mọi sự vật hiện hữu là dòng tương tục thanh tịnh bổn nhiên của Pháp thân;
Nếu con gặp Pháp thân mặt đối mặt, nó là Quán Thế Âm –
Không có cái gì khác ngoài Bậc Tối Cao Thiêng Liêng của Vũ Trụ.
Trong dòng tương tục của thanh tịnh toàn khắp, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Quán Thế Âm và tất cả chư Phật trong mọi phương diện của các ngài, hoặc trên cấp độ Báo thân hay Hóa thân, đều khởi từ nền tảng của Pháp thân. Pháp thân là cảnh giới tuyệt đối và bao la vượt khỏi mọi tạo tác trí thức. Nó bao gồm trong bản tánh của nó tất cả phẩm tính giác ngộ của Phật tánh. (66) Nó là trí huệ bổn nguyên đã ở cùng chúng ta từ thời vô thủy. Trí huệ vốn sẵn có này có thể được nhận biết qua những thực hành thiền định về an định và quán chiếu. An định là sự làm bình lặng trạng thái ồn náo bình thường của tâm thức, và quán chiếu là sự khai triển của sự nhìn thấy rộng rãi hơn và sự chứng ngộ sâu xa hơn kèm theo. Khi an định và quán chiếu hòa lẫn không thể phân chia, Pháp thân được chứng ngộ.
Khi các bạn tiến bộ theo con đường Bồ tát, liên tục hộ trì sự thực hành trong cả thiền định lẫn sau thiền định, cuối cùng các bạn đạt đến địa thứ nhất (67) và đi vào con đường nhìn thấy; gọi như thế bởi vì lần đầu tiên các bạn thực sự thoáng thấy thực tại tối hậu, bản tánh trống không của mọi sự vật. Kinh nghiệm này về tánh Không vẫn chưa đạt đến mức độ trọn vẹn của nó và phải được dần dần mở rộng qua mỗi mức độ liên tiếp nhau cho đến cuối cùng, tới địa thứ mười, khung dệt cấu thành của hai loại che chướng biến mất vĩnh viễn, và trí huệ kim cương bổn nguyên được hoàn toàn phát lộ. Các bạn đạt đến cái gọi là con đường không học nữa, mức độ của Phật tánh, nơi tâm thức là một với tâm trí huệ của Pháp thân. Người nào hoàn thành mức độ bất nhị này của giác ngộ thực sự hiện thân những lý tưởng cao nhất của tất cả trong ba cõi của cuộc sống.
Quán Thế Âm chính là Như Lai, tinh túy rốt ráo của Phật tánh, và mọi phẩm tính của Pháp thân sẽ khai triển không cần cố gắng qua sự trì tụng thần chú sáu âm của ngài.
MỤC 7: KẾT LUẬN BÀI GIẢNG THỨ HAI
64. Một bổn tôn, Quán Thế Âm, hiện thân của tất cả chư Phật;
Một thần chú, sáu âm, hiện thân tất cả thần chú;
Một Pháp, Bồ đề tâm, hiện thân cả thảy những thực hành của hai giai đoạn phát triển và thành tựu.
Biết cái một giải thoát cho tất cả, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni là một xuất sanh của Quán Thế Âm; Pháp, cái chỉ cho chúng ta điều cần tránh và điều cần trau dồi, thì hoàn toàn chứa đựng trong thần chú sáu chữ; Tăng, những Bồ tát giúp đỡ chúng ta suốt con đường, cũng là những xuất sanh của Quán Thế Âm. Như thế Quán Thế Âm là sự hợp nhất của Tam Bảo. Như một hồ chứa tích trữ những giọt mưa, lòng bi của Quán Thế Âm bao gồm tất cả trí huệ của Manjushri (Văn Thù) và tất cả năng lực của Vajrapani (Kim Cương Thủ). Với một hóa thần bổn tôn, một thần chú và một thực hành này, các bạn có thể thành tựu mọi sự.
Những hóa thần thì vô cùng khác biệt: an bình hay hung nộ, với một, ba hay nhiều đầu, và với hai, bốn, sáu hay nhiều hơn nữa các cánh tay, mỗi cái tượng trưng một phẩm tính khác nhau. Tuy nhiên các bạn có thể tin rằng tất cả chúng đều bao hàm trong Quán Thế Âm. Theo cùng cách ấy, bởi vì tất cả năng lực lợi lạc của vô số thần chú khác được bao gồm trong thần chú sáu âm, các bạn có thể đem tất cả lòng mình để trì tụng chỉ một thần chú. Thân, ngữ và tâm thức các bạn tự nền tảng là một với thân, ngữ và tâm của Quán Thế Âm; các bạn cần nhận ra điều này như là tinh túy của sự thực hành.
Đồng thời, để theo trọn con đường giác ngộ đến mục tiêu tối hậu của nó, điều sống chết là thường trực duy trì và làm mạnh thêm thái độ bao la của Bồ đề tâm. Theo những giáo huấn cốt lõi của những bậc thầy Kadampa quý báu, trước tiên các bạn được đưa vào bản tánh của tâm, Bồ đề tâm tuyệt đối, và rồi các bạn trau dồi lòng bi với tất cả chúng sanh, tức là Bồ đề tâm tương đối.
Thật là khó khăn nếu đem cái tâm thức hoang dã vào dưới sự kiểm soát mà trước tiên không nhận biết rằng những tư tưởng lang thang trong thật tế không bao giờ sanh và do đó không bao giờ có thể trụ cũng không thể diệt. Với sự nhận biết này, không theo đuổi những tư tưởng khi chúng khởi lên mà chỉ an trụ trong sự đơn giản không cách hở của trạng thái tự nhiên vốn vậy của tâm, đó là cái được gọi là Bồ đề tâm tuyệt đối.
Một khi các bạn có một thoáng thấy bản tánh của tâm theo cách này, sự chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối của các bạn được sâu xa thêm qua sự trau dồi Bồ đề tâm tương đối trong hai phương diện của nó: ước mong thành tựu giác ngộ vì tất cả chúng sanh và thật sự đem nguyện vọng ấy vào thực hành. Như chúng ta đã thấy ở trước, chỉ mong muốn giúp đỡ người khác thì không đủ. Các bạn phải đảm trách việc làm lợi lạc thật sự cho tất cả chúng sanh, giống như Quán Thế Âm, và chính vì để hoàn thành mục đích này mà các bạn quán tưởng Quán Thế Âm, trì tụng thần chú của ngài và thiền định về bản tánh của trí huệ ngài. Khi các bạn liên tục thực hành theo cách này, những tư tưởng hư vọng càng lúc càng trở nên ít đi, trong khi trí huệ nở hoa trong hiện thể của các bạn, cho phép các bạn đáp ứng những nhu cầu tức thời và tối hậu của chính các bạn và tất cả những người khác.