Con đường Năm Nhánh của Mahamudra (Đại Ấn) hiện thân cốt tủy các giáo lý của Đức Phật – là đại dương mênh mông các Kinh điển và Tantra (Mật điển) – về sự thực hành thiền định thực sự. Đối với những người đã sẵn sàng thì đó là một phương pháp siêu việt để đạt được Phật Quả trong một đời. Luận giảng Minh giải Chuỗi Ngọc của Con đường Năm Nhánh Sâu xa này được Gyalwang Kunga Rinchen, Đấng Chiến Thắng thứ hai, biên soạn vào thế kỷ thứ XVI. Nó được dịch sang Anh ngữ cho những người may mắn, là những người từ tận đáy lòng có quan tâm tới việc đạt được giải thoát.
Bản văn của Kunga Rinchen bắt đầu với các giáo huấn căn bản nhất và dẫn tới những giáo huấn sâu xa và cao cấp nhất. Bước đầu tiên của người học đạo – không thể khác được – là quay lưng lại với luân hồi sinh tử và hướng tới sự giác ngộ. Các thực hành chuẩn bị giúp ta thực hiện bước đi này và nếu chúng được tuân thủ một cách nghiêm mật, chúng sẽ củng cố ta trong chiều hướng mới bằng cách tịnh hóa bản chất của ta. Điều này đem lại sự gia hộ của lễ quán đảnh: ước nguyện ban đầu của người học đạo hướng tới sự giác ngộ được dần dần chuyển hóa thành năng lực thực hiện điều đó.
Trong khi nỗ lực thấu hiểu điều kiện (duyên) của bản thân và tất cả chúng sinh, ta phát triển lòng từ và bi. Với lòng từ và bi này, ta sẽ đi tới quyết định đạt được Giác ngộ – không cho chính mình mà là để có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh hiệu quả hơn. Lòng thương yêu những người khác một cách sâu xa và tự nhiên này là Bồ Đề tâm, cực điểm của các thực hành chuẩn bị.
Bồ Đề tâm cũng là thực hành đầu tiên trong các thực hành thực sự của con đường năm nhánh, bốn thực hành kia là Deity yoga (Bổn Tôn du già), Guru yoga (Đạo sư du già), Mahamudra (Đại Ấn), và sự hồi hướng. Người thiết tha thực hiện tốt đẹp tất cả các thực hành này đang chuẩn bị những nguyên nhân để trở thành một vị Phật. Đối với người mới bắt đầu, Ngài Kunga Rinchen thảo luận các thực hành này trong một chuỗi liên tục. Đối với đệ tử cao cấp, năm nhánh là một toàn thể hợp nhất: mỗi nhánh phát xuất từ và hòa nhập vào tất cả những nhánh kia, và chúng cùng là trạng thái giác ngộ.
Bản dịch này được thực hiện trong tinh thần của truyền thống khẩu truyền như một cẩm nang thực hành cho các đệ tử tại những trung tâm thiền định do Khenpo Konchog Gyaltsen hướng dẫn. Sự dẫn nhập và các chú giải được dựa trên các bình giảng và các câu trả lời của ngài cho những câu hỏi.
Các dịch giả xin tri ân Đức Drikung Kyabgön Chetsang Rinpochay về việc Ngài đã ban lời đề tựa cho tác phẩm này.
Nhờ năng lực công đức của tác phẩm này, cầu mong những vấn đề của thế giới – bệnh tật, nạn đói và các xung đột – được nguôi dịu; cầu mong chúng sinh mau chóng thoát khỏi mọi đau khổ và đạt được trạng thái của Vajradhara (Đức Phật Kim Cương Trì), sự hợp nhất của Bốn Thân Phật.
Khenpo Könchog Gyaltsen
Katherine Rogers
Washington, D.C., 1986