của Namkhai Norbu Rinpoche
Tất cả những giáo lý về con đường Ati Dzogchen có thể xếp vào ba chủ đề: Nền Tảng, Con Đường, và Quả. Tương tự, những bản văn dạy những vấn đề liên quan đến ba chủ đề này thường được biết là Ba Bộ giáo lý Dzogchen. (1)
Về Ba Bộ này, ban đầu tất cả mọi giáo lý liên quan đến Con Đường của Ati Dzogchen là một toàn thể đơn nhất và thống nhất được Garab Dorje, vị thầy con người đầu tiên phát lộ cho các đệ tử thân cận của ngài. Trổi vượt trong họ là đạo sư Man-jushrimitra, chính ngài đã sưu tập những giáo lý Dzogchen nguyên thủy. Viết ra một biên thảo những chỉ dạy, ngài chia chúng thành Ba Bộ này. Như thế, chúng ta có thể hỏi đâu là tiêu chuẩn để tổ chức những giáo lý theo cách đó? Khi tổ Garab Dorje chứng ngộ Thân Ánh Sáng thanh tịnh, ngài ban cho Man-jushrimitra, đệ tử chính trong đoàn tùy tùng của ngài, “Ba Câu Kệ Kim Cương”. (2) Những câu kệ này được xem là Chúc Thư Cuối Cùng của đạo sư trong đó ngài cô đọng cái cốt lõi nhất của mọi giáo lý của con đường Dzogchen thành những điểm chính yếu. Trong một cách hoàn hảo và sâu xa khôn dò, Ba Câu Kệ Kim Cương này của Chúc Thư Cuối Cùng thể hiện tâm tủy của những điểm chính yếu của Nền Tảng, Con Đường và Quả. Như bơ là sản phẩm tinh khiết từ sữa, Ba Phát Biểu này mở ra ý nghĩa định hướng của mọi giáo lý của Con Đường Dzogchen. Bởi thế, Ba Phát Biểu này là một chìa khóa thực sự để mở cánh cửa vĩ đại đến mục đích của mọi Upadesha sâu xa của những điểm cốt yếu được trình bày trong Dzogchen. Bởi vì bao gồm mọi sự liên hệ với Dzogchen, Ba Câu Kệ Kim Cương này của Chúc Thư Cuối Cùng cung cấp cơ sở hợp lý cho sự phân chia những giáo lý Dzogchen thành Ba Bộ.
Tuy nhiên một số học giả Tây Tạng mặc dù đã đi vào những giáo lý của Con Đường Dzogchen với sự sùng mộ chân thành đã dạy cho những học trò của họ rằng những giáo lý của Ba Bộ Dzogchen này, tức là Semde, Longde và Upadesha, là hoàn toàn khác nhau về những kiến giải và nguyên lý của chúng. Họ khẳng định những giáo lý chứa trong Ba Bộ có từ thời gian sớm hơn, từ đó mà hiểu rằng ba kiến giải riêng biệt đã hiện hữu trong truyền thống Dzogchen. Tuy nhiên những quan điểm khác nhau do những học giả này chủ trương, dù chúng đã được thiết lập phù hợp với những nguyên lý tổng quát của những hệ thống tuần tự của họ, thật ra đã trình bày Dzogchen theo một phong cách riêng. Quả thật ra ở đây chẳng có gì được thiết lập, và loạt công việc này đã sai lạc từ bản chất khỏi ý nghĩa đích thực của Dzogchen. Rõ ràng những tạo dựng này tiêu biểu cho những tưởng tượng của những học giả cá nhân, họ chỉ theo đuổi một sự phân tích trí thức. Đôi khi, nên phân chia những giáo lý Dzogchen thành Ba Bộ này và nên chỉ ra chúng liên quan tương ứng với Nền Tảng, Con Đường và Quả của Dzogchen. Nhưng trong Trạng Thái Bổn Nguyên Tự Nhiên của Ati Dzog-chen, hiện diện sự tự do trọn vẹn không rơi vào bất kỳ thiên lệch nào, và như vậy không cần những phân biệt phạm trù nào. Do đó, không có bất kỳ điều gì (trong Trạng Thái Tự Nhiên của Dzogchen) đòi hỏi một loại xác định vị thế triết học được thiết lập bằng cách bác bỏ, chứng minh và phủ nhận như các học giả ấy làm.
Bởi vì có vô cùng những tính khí và nhân cách khác nhau trong chúng sanh để có thể nói rằng cũng có những phương tiện và phương pháp khác nhau vô số có thể được dùng để đưa họ trực tiếp vào Trạng Thái Bổn Nguyên của Dzogchen. Không cần phải nói hết tất cả ở đây. Tuy nhiên, khi một cá nhân riêng biệt nào sắp sửa đi vào thực hành Dzogchen, cũng luôn luôn có một phương pháp thích ứng để cho người ấy dùng. Về cá nhân, ba loại hoạt động tương ứng với thân, ngữ, tâm. Như thế, vị thầy xem xét nhận định những kinh nghiệm cá nhân của ba cửa (thân, ngữ, tâm) của học trò và cho một sự giới thiệu trực tiếp thích hợp vào Trạng Thái Bổn Nguyên của Ati, bằng cách dùng nhiều phương pháp và phương tiện khác nhau. Chẳng hạn, ngài có thể giải thích cho người học trò rằng bản chất của tấm gương là trong sáng, thanh tịnh và không ô nhiễm và do đó những vật hiện khởi như những hình ảnh phản chiếu trong đó. Trên căn bản của thí dụ tương tự này, một cái hiểu khởi sanh nơi đệ tử, người này sẽ hiểu rằng những kinh nghiệm về những hiện tượng thì giống như những phản chiếu thấy được trong một tấm gương.
Tất cả nhiều giáo lý về con đường Ati Dzogchen mà Vị Thầy Tối Thượng Garab Dorje phát lộ cho những đệ tử loài người có thể xếp thành ba loại: Tantra, Agama, và Upadesha. Theo truyền thống, có nói rằng có khoảng 6.400.000 Tantra trong Ati Dzogchen. Ngoài ra, có ghi (trong
sGra thal gyur Tantra và những chỗ khác) rằng những giáo lý này của Dzogchen được tìm thấy trong nhiều hệ thống thế giới khác nhau có chúng sanh khắp toàn thể vũ trụ. Tuy nhiên, rõ ràng không có nhiều giáo lý Ati Dzogchen trong thế giới hạn hẹp của chúng ta ở đây.
Những giáo lý Ati Dzogchen có ở đây (trong thế giới con người của chúng ta) là nhờ nghiệp tốt của chúng ta. Cái quan trọng nhất trong đó là những Tantra gốc như
Đại Tantra Gốc của Bộ Semdre Dzogchen, Đại Tantra Gốc của Bộ Upadesha Dzogchen, cũng như những Tantra giải thích chúng và các loại Upadesha và Tantra, cả dài và ngắn. Theo
sGra-thal-gyur, những Tantra Dzogchen giữ sự quan trọng đặc biệt trong mười ba hệ thống đại tinh tú (một hệ thống trong đó là của chúng ta). Trong vô số Tantra thuộc về Ati Dzogchen hiện diện khắp vũ trụ pháp giới, có một nhóm bản văn phát lộ cam lồ tinh túy nhất của ý nghĩa sâu xa. Hơn nữa, có nhiều loại Agama, hay những bản văn triết học rút gọn những Tantra này. Ngoài ra có nhiều loại Upadesha diễn bày một cách trực tiếp những kinh nghiệm riêng biệt của cá nhân các Vidyadhara, các vị đã đạt đến chứng ngộ. Điều này là chắc chắn.
Tuy nhiên, một số học giả Tây Tạng có thói quen quan niệm rằng, bởi vì những Tantra Dzogchen không thực sự trình bày mười chủ đề như đặc điểm của một Tantra, bởi thế những bản văn này không có những đặc điểm của một Tantra. Nói chung, một Tantra phải trình bày tất cả mười chủ đề của một Tantra. Đây là quan điểm của Con Đường Chuyển Hóa, tức là hệ thống Mật Chú. Tuy nhiên không có cái gì (trong mười chủ đề này) đặc biệt thuộc về hệ thống Ati, là con đường của tự-giải thoát, nghịch lại với quan điểm của con đường chuyển hóa. Bởi thế, chắc chắn rằng sự thiếu vắng mười chủ đề này không phải là một cản trở trong việc xem các bản văn này là những Tantra. Ngoài ra, trong
Byang-chubkyi sems kur-byed rgyal-po và trong những Tantra gốc và vĩ đại khác của Ati, mười chủ đề không tìm thấy trong đó. Thế nên, nếu mười chủ đề không có trong Tantra chánh yếu này, người ta không nên mong mỏi tìm thấy chúng ở chỗ khác (trong những Tantra Dzogchen được biết khác).
Lại nữa, một vài học giả Tây Tạng, như Drigung Paldzin, cho rằng bản thân giáo lý Dzogchen là không đích xác và những bản văn gốc, dù là Tantra, Agama, hay Upadesha – chẳng hạn Tantra Dzogchen
Kun-byed rgyal-po –, được tạo ra bởi những học giả Tây Tạng vào một thời gian sau này. Với những trường hợp như vậy, khi có những nỗ lực đặt vấn đề tính chính xác của Dzogchen bằng cách xem những bản văn này nguyên thủy từ thời cổ là được tạo ra và do vậy, không đích thực, thì như có một đám mây đen tối dày đặc của những tư tưởng sai lầm (che mất sự trong sáng của tâm). Trái lại những học giả chứng ngộ (của truyền thống Nyingma) cả thời xưa cũng như nay như Kunkhyen Longchen Rabjampa và Sogdogpa Lodro Gyaltsan, dùng ánh sáng của lý trí và những trích dẫn kinh điển, đã làm những việc ấy trở thành sáng tỏ tuyệt vời.
Hơn nữa trong thời đại chúng ta, một số bản văn xưa (liên quan đến vấn đề này và có thời gian từ thế kỷ thứ tám đến thứ mười) đã được tìm thấy ở Đôn Hoàng Trung Hoa. Trong số đó là Agama có tựa
Rig-pai khu-bhug, một bản văn gốc của Dzogchen với một bình giảng ngắn về nội dung của nó, cả hai được dịch từ ngôn ngữ Uddiyana bởi đại dịch giả Tây Tạng Vairo-chana. Ngoài ra những phát hiện ở Đôn Hoàng còn có một bản văn Dzogchen thứ hai, tựa là
sBas-pai rgum chung, do đạo sư Buddhagupta viết, với một bình giảng về nội dung những điểm trọng yếu khó hiểu của nó. Thêm nữa, cùng với chúng có một bản văn khác, trong đó Trạng Thái Bổn Nguyên của Ati được rốt ráo chứng ngộ bằng tiến trình hoàn thiện của thiền định hóa thần Shri Vajrakilaya. Thế nên rõ ràng có thể thấy, ba bản văn tìm thấy ở Đôn Hoàng chứng tỏ sự xác thực của Dzogchen.
Hơn thế nữa, những giáo lý Dzogchen xuất hiện trước tiên ở Tây Tạng thậm chí còn sớm hơn (thế kỷ thứ tám), tức là trong thời đại của Triwer Sergyi Jyaruchan, vua xứ Zhang-zhung. Từ thời của nhà vua này đến nay khoảng 3600 năm. Vị Thầy đạo Bön, Shenrab Miwoche là người đầu tiên dạy Dzog-chen (cho loài người), vào thời đó được biết như “người Bön của Tâm Toàn Thiện”. Ngài dạy Dzogchen ở Olmo Lung-ring vùng Tazig (Trung Á), và về sau những giáo lý Dzogchen lan truyền từ đây đến vùng Zhang-zhung nằm ở phía tây của Trung Tây Tạng. Rồi trong thời đại vua Tây Tạng Songtsang Gampo, hành giả đạo Bön từ Zhang-zhung là Gyerpung Nangzher Lodpo được mời đến cư trú ở Tây Tạng, nơi này ngài dạy những Tantra của
Zhang-zhung snyan-rgyud. Như thế, rõ ràng từ lịch sử tìm thấy trong
Zhang-zhung snyan-rgyud rằng vị đạo sư này là người đầu tiên khai mở tập quán dạy Dzogchen ở Trung Tây Tạng.
Sau đó, trong thời vua Tây Tạng Tisong Detsan, Padma-sambhava, đạo sư vĩ đại từ Uddiyana, được mời viếng thăm Tây Tạng. Như thế, đối với Trung Tây Tạng, ngài là người đầu tiên mở cánh cửa Pháp Kim Cương thừa Mantra Đại Bí Mật, và đặc biệt, ngài đưa vào Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga. Ngài đã làm cho những giáo lý này, Ba Bộ Yoga của những Tantra Nội, được lan truyền khắp Tây Tạng.
Tuy nhiên một số học giả (những vị Bönpo) ôm ấp ý kiến rằng, dù đại đạo sư Padmasambhava đã đến Trung Tây Tạng (vào thế kỷ thứ tám), thì chính Gyerchen Nangzher Lodpo, đệ tử của Tapihritsa, là người đầu tiên đưa truyền thống giáo lý Dzogchen vào Tây Tạng. Hơn nữa, họ khẳng định rằng vị thầy đạo Bön Shenrab Miwoche là Vị Thầy Tối Thượng đầu tiên của Dzogchen. Thật ra, từ thời cổ nhất đã hiện hữu một số hệ Dzogchen (ở Trung Á), giáo lý này được biết là “Bön của Tâm Toàn Thiện”. Do đó họ kết luận rằng giáo lý Dzogchen phải đã hiện hữu thậm chí trước Vị Thầy Tối Thượng Garab Dorje và ngài đã dạy nhiều giáo lý Dzogchen, chúng chắc chắn ở trong số những Tantra, Agama và Upadesha sâu rộng nhất của Ati còn tồn tại đến ngày nay và được giữ gìn trong truyền thống Nyingma. Những giáo lý chính thống này của Garab Dorje được biết là Ba Bộ Dzogchen đã nói ở trên.
Tuy nhiên, (cũng trong truyền thống Nyingma) không nên nghĩ rằng những giáo lý Dzogchen không hiện hữu ở một thời gian trước Garab Dorje. Thậm chí trước khi có Vị Thầy Tối Thượng này, những giáo lý Dzogchen chưa từng cạn kiệt và như thế, chưa từng biến mất (khỏi thế giới). Theo những Tantra Dzogchen, trong thế giới chúng ta xuất hiện Mười Hai Vị Thầy Dzogchen. Vị sớm nhất xuất hiện vào thời xưa nhất lúc bắt đầu của thế giới chúng ta, thậm chí trước khi có vị thầy đạo Bön, Shenrab Miwoche (đã xuất hiện ở Lungring). Bởi vì lịch sử những giáo lý Dzogchen do Mười Hai Vị Thầy này phát lộ thì hoàn toàn được rõ biết (từ những Tantra Dzogchen), điều này bao hàm việc có một nguồn còn xưa cổ hơn phần Dzogchen được dạy do Shenrab Miwoche.
Rồi trong thế kỷ thứ tám của thời đại chúng ta, đại đạo sư Padmasambhava diễn bày mười bảy Tantra Bí Mật Tối Thượng của Dzogchen Nyingthig cho chúng hội Dakini, gồm cả công chúa Tây Tạng dòng họ Kharchen, Yeshe Tsogyal. Cùng với
kLong-gsal, và với những giáo huấn bí mật và những giáo lý bổ sung, những bản văn này gồm một toàn thể mười tám bản văn (đại diện những Tantra Gốc của những Bộ Dzogchen Upadesha). Sau đó Padmasambhava, cùng với công chúa Yeshe Tsogyal của Kharchen phát hiện, một mặt, những Upadesha rất đỗi bao la, chúng là những Tantra (đề cập ở trên), và mặt khác, chính đại đạo sư tự mình phát hiện những Upadesha Cô Đọng sâu xa trong hình thức tạo luận của ngài, đặt chúng riêng biệt bằng cách viết và soạn một mục liệt kê chúng.
Rồi vào thời gian sau, con gái của Vua Tisong Detsan, Lhacham Padmasal, chết (lúc lên tám), đại đạo sư viết chữ NRI bằng mực sơn đỏ trên ngực của xác cô. Bằng thần lực kỳ diệu của ngài, ngài gọi thần thức cô và làm cô sống lại. Sau đó, ngài ban cho cô quán đảnh
gSang-ba-mkha-gro snying-thig; và rồi đặt cho cô tên nhập môn là Padma Letrelsal. Đặt một cái tráp đựng những bản văn
mKha-gro snying-thig lên đỉnh đầu cô gái trẻ, ngài biểu lộ ước mong chân thành: “Mai sau, nguyện con gặp lại giáo lý này của ta, và mong nó sẽ làm lợi lạc cho chúng sanh.”
Sau đó, ngài cất dấu những Tantra này, là những Upa-desha rất đỗi bao la, (mười tám Tantra nói trên,) như những kho tàng ở ngọn núi hình giống con sư tử ở miền Bumthang thấp (Bhutan); và ngài cất dấu những Upadesha Cô Đọng sâu xa ở Danglung Tramodrag vùng Dwagpo (nam Tây Tạng). Những thế kỷ sau, nhà sư Tsultrim Dorje được nhận ra là tái sanh của công chúa Lhacham Padmasal. Sau đó, ngài có được bản mục lục những bản văn kho tàng này. Chính ngài đã lấy ra bản văn kho tàng
mKha-gro snying-thig từ Danglung Tramodrag ở Dwagpo và sau đó khiến giáo lý Nyingthig được truyền bá rộng rãi. (Sau này những bản văn còn lại của chu trình này được phát hiện ở Bumthang bởi người kế thừa và tái sanh nổi tiếng của ngài là Longchen Rabjampa.)
Ngoài ra, đại đạo sư Vimalamitra dạy những giáo huấn sâu xa về Nyingthig cho Nyang Tingdzin Zangpo. Không có những đệ tử khác thích hợp vào lúc đó, ngài cất dấu những bản văn ở Gegung vùng Chimphu, gần Tu Viện Samye. Rồi Vimala-mitra đi Ngũ Đài Sơn ở Trung Hoa. Khi năm mươi lăm tuổi, Nyang Tingdzin Zangpo dựng chùa Zhwai Lhakang ở Uru và cất dấu ở đó những bản văn của giáo huấn (tức là những Tantra Giải Thích) mà ngài đã nhận được từ Vimalamitra, trong những khe hở giữa những cây cột trên cửa. Tuy nhiên, ngài truyền dòng “nghe” cho đệ tử Dro Rinchenbar. Tiếp theo Dro Rinchen-bar truyền chúng cho Be Lodro Wangchug; và vị này đến lượt mình giải thích và truyền chúng cho Dangma Lhungyal Huynh. Phù hợp với một lời tiên tri của Lhwai Gonpo (do từ Damchan Dorje Legpa, thần thủ hộ được Nyang Tingdzin Zangpo giao cho bảo vệ chùa), Dangma Lhungyal khám phá những bản văn Terma được cất dấu ở đó. Đến lượt mình ngài truyền chúng cho Chestsun Senye Wangchug. Sau đó Chetsun gặp Thân Ánh Sáng biểu lộ thấy được của Vimalamitra, và vài năm sau ngài dựa vào những lần gặp gỡ này để phát hiện những giáo lý Nying-thig, ngày nay được biết với tên là
lCe-btsun snying-thig. Như thế ngài đã cho sách hướng dẫn để khám phá những bản văn kho tàng cất dấu tại Chimphu. Ngài đã lấy ra những kho tàng sâu xa này, và thực hành chúng, năm 125 tuổi, ngài tự chứng tỏ phương pháp làm xuất hiện Thân Ánh Sáng. Tất cả điều này được nói ra rõ ràng trong lịch sử của Dzogchen Nyingthig.
Trước đó, Vidhyadhara vĩ đại Vimalamitra tập thành tinh túy của của Dzogchen Nyingthig thành năm bộ bản văn viết tay: “Những Chữ Vàng”, “Những Chữ Đồng”, “Những Chữ Nhiều Màu”, “Những Chữ Tù Và”, và “Những Chữ Lam Ngọc”. Cái quan trọng nhất trong những bản văn đó được chính đạo sư Vimalamitra viết ra là “Những Chữ Vàng” và trong bộ này bản văn quan trọng nhất là
rDo-rjei tshig gsum, “Ba Câu Kim Cương”, đại diện cho Chúc Thư Cuối Cùng của Vị Thầy Tối Thượng của Dzogchen, Garab Dorje. Bản văn này là một trong Bốn Giáo Lý Được In Ra Sau Khi Chết của những Vidyadhara. Bốn Giáo Lý In Ra Sau Khi Chết này là:
1.
Tsthig gsum gnad du brdeg-pa, “Ba Tuyên Bố Điểm Vào những Điểm Thiết Yếu” (hay “Ba Câu Kim Cương”), Chúc Thư Cuối Cùng của Vị Thầy Tối Thượng Garab Dorje;
2.
sGom nyams drug-pa, “Sáu Kinh Nghiệm Thiền Định”, Chúc Thư Cuối Cùng của Đạo sư Manjushrimitra;
3.
gNyer-bu bdun-pa, “Bảy Cái Đinh”, Chúc Thư Cuối Cùng của Đạo sư Shrisimha;
4.
bZhags thabs bzhi-pa, “Bốn Phương Pháp Nhập Thiền”, Chúc Thư Cuối Cùng của Đạo sư Jnanasutra.
Bộ những bản văn này là
Rig-dzin gyi das-rjes rnampa bzhi, “Bốn Giáo Lý In Ra Sau Khi Chết của những Vidyadhara”.
“Ba Câu Kim Cương” hiện thân tinh túy đời sống của mọi giáo lý Dzogchen và nó đại diện sự thấu hiểu rốt ráo những điểm thiết yếu của Pháp sâu xa (Dzogchen). Bởi thế, đối với những đệ tử chân thành tận tâm với những giáo lý Dzogchen, phải biết rằng bản văn này chứa một Upadesha rất đặc biệt cần giữ gìn cẩn thận tận đáy lòng mình.
Nhân dịp xuất bản cuốn sách này,
Những Chữ Vàng, Vajranatha (John Myrdhin Reynolds), người không chỉ là một học giả và dịch giả học rộng, mà còn là một Ngagpa thành tâm hiến mình cho sự thực hành thực sự Yoga Bổn Nguyên của Dzogchen, đã dịch bản văn của Garab Dorje từ Tạng ngữ sang Anh ngữ. Bản dịch này chắc chắn sẽ tăng thêm phần nghiệp tốt cho những đệ tử có nguyện vọng tối cao đối với Yoga của Dzogchen. Tôi vui sướng về điều này, và cùng với việc rải hoa tạ ơn cúng dường, tôi nhiệt thành cầu nguyện rằng bản văn này, phát lộ trái tim đích thực của giáo lý, sẽ hoàn toàn xóa tan bóng tối trong kiến thức của những đệ tử và trở nên một nguyên nhân vĩ đại cho lợi lạc và hạnh phúc của vô số chúng sanh.
Tại Merigar, mồng tám tháng ba năm con cừu-kim (1991),
được viết bởi Chögyal Namkhai Norbu.
[Do John Myrdhin Reynolds dịch.]