CHƯƠNG I: NHỮNG LỢI LẠC CỦA BỒ ĐỀ TÂM
Bồ Tát Hạnh mở đầu với sự tán thán chư Phật và chư Bồ tát, các ngài được xem là những người nhận tối thượng những sự cúng dường.
1. Đến các Bậc Phúc Lạc, các ngài có Pháp Thân, và đến tất cả những vị Thừa Kế,
Và đến tất cả những vị đáng tôn kính, con xin đảnh lễ.
Theo truyền thống, giờ đây tôi sẽ nêu lên ngắn gọn
Lối vào giới hạnh của Bồ tát.
Từ Bậc Phúc Lạc đồng nghĩa với Phật và là một chuyển ngữ của tiếng Sanskrit sugata. Từ này tạo thành bởi hai yếu tố: sukha có nghĩa là “phúc lạc”, và gata nghĩa là “đến”. Một Sugata (Thiện Thệ) như vậy là “người đạt đến phúc lạc,” hay theo Khảo Cứu về Luận Lý, “người đã đạt đến hay đi đến, một cách hoàn hảo.” Sự chứng đắc trạng thái phúc lạc có hai phương diện: chứng ngộ và loại bỏ.
Khi tâm thức phát triển những phẩm chất tâm linh và thoát khỏi mọi thứ ngăn chướng nó, nó càng ngày càng có khả năng thấy rõ ràng bản tánh của những hiện tượng, cho đến khi nó thấy biết bản tánh tối hậu mà không còn chướng ngại nào. Cái thấy biết những hiện tượng như chúng thực là chính là trí huệ biết mọi sự vật không chút vọng tưởng. Đây là trạng thái trí huệ không thể bị che ám, cũng không thể bị hư hoại.
Phương diện chứng ngộ nhằm chỉ thiền định về sự không có thực tại (vô tự tánh) trong những hiện tượng. Điều này dẫn đến cái biết hoàn toàn về sự đa thù của những hiện tượng và cái biết hoàn toàn về bản tánh của chúng. Qua sức mạnh của những đối trị, chúng ta từ bỏ mọi che chướng làm tối tăm sự thấu hiểu của chúng ta, sự thấu hiểu này cho phép chúng ta thấy biết những hiện tượng trong thực tướng trần trụi của chúng và đạt được cái biết toàn hảo về tất cả hiện tượng không trừ sót. Ba loại hiểu biết hoàn toàn này tạo thành ba đặc tính của sự đạt đến phúc lạc qua chứng ngộ.
Cái thấy hay cái hiểu không lầm lỗi này khai triển dần dần qua thực hành. Khi nó trở nên mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn, nó hoạt động như một đối trị với niềm tin sai lầm vào cái ngã và vào sự có thực của những hiện tượng, kết quả là sự tin sai ấy càng lúc càng yếu đi. Cuối cùng, khi cái đối trị này đã đạt đến sức mạnh hoàn toàn của nó, trí huệ không ý niệm thấy vô ngã xuất hiện. (10) Như thế trí huệ này chống lại những che chướng, và nó trừ bỏ những thức tình chỉ đơn giản qua việc thấy những hiện tượng như chúng thực sự là. Đây là điều chúng ta gọi là sự loại bỏ toàn hảo.
Đây không phải là chuyện giảm thiểu sức mạnh của những thức tình tiêu cực một cách tạm thời nhờ những cấp bậc định tinh vi khác nhau. Một khi những thức tình tiêu cực đã bị loại trừ nhờ trí huệ vô niệm, chúng bị loại trừ vĩnh viễn. Chúng không thể xảy ra trở lại trong những hoàn cảnh mà trước kia đã từng khơi dậy chúng. Điều này được biết như là một sự loại trừ không thể đảo ngược. Khi trí huệ vô niệm phi thường được hoàn thiện nhờ thực hành và mọi ngăn chướng với nó đã bị bãi bỏ nhờ cái đối trị, bấy giờ chúng ta nói rằng sự loại bỏ đã hoàn tất.
Ba phương diện này – toàn hảo, không thể đảo ngược, và trọn vẹn – là ba tính chất của chứng ngộ qua sự loại bỏ. Bấy giờ, một Sugata là người đã “đến” qua ba chứng ngộ này và ba loại trừ này.
Một Sugata có Pháp thân bắt đầu bằng từ bỏ những thức tình tiêu cực, đến một điểm ngài đạt cấp độ thứ nhất trong mười cấp độ của con đường Bồ tát. (11) Bấy giờ ngài tiến theo con đường đến Phật tánh cho đến khi đạt được cấp độ không học nữa. Vào lúc ấy, ngài thành tựu không gian tuyệt đối hoàn toàn thanh tịnh, bản tánh tuyệt đối và thân thể tuyệt đối, hay Pháp thân. Vì những che chướng cho đến vô minh rơi rụng hết, mọi phẩm tính của trí huệ bổn nguyên xuất hiện, đặc biệt là hai mươi mốt phẩm tính thanh tịnh của Pháp thân. Cái còn lại sau khi tất cả che chướng bị loại bỏ được gọi là trí huệ bổn nguyên.
Phương diện chứng ngộ của Pháp thân là cực điểm của chân lý của con đường, trong khi phương diện loại bỏ của nó là cực điểm của chân lý của sự dừng dứt. Hai chân lý này tạo thành Pháp, tức là cái thứ hai trong Tam Bảo mà chúng ta quy y. Pháp thân như thế là phương diện tối hậu của Pháp. Báo thân và Hóa thân, chúng biểu lộ từ Pháp thân, tạo nên Tăng đoàn những vị đã đạt đến con đường không học nữa. Và Phật, ngài thoát khỏi mọi lỗi lầm và đầy đủ mọi phẩm tính tốt đẹp, là người sở hữu chân lý của con đường và chân lý của sự dừng dứt. Ba cái này – Phật, Pháp và Tăng – là ba chỗ quy y tối hậu.
Chúng hội những Bồ tát Đại thừa, những Thanh Văn và những Độc Giác Phật, các ngài đang tiến trên con đường, có thể được gọi là cộng đồng tối cao, hay Tăng. Chính các vị, cùng tất cả những vị thầy khác xứng đáng tôn kính, mà Shantideva đảnh lễ ở đây.
Đã bày tỏ lòng tôn kính đến Tam Bảo, ngài tuyên bố ý định tạo luận, nó là một sưu tập những hoạt động của những Bồ tát, hay là những đứa con của Phật. Đức Phật có ba loại người thừa kế. Người con thân thể vật chất của ngài là Rahula. Những người con thừa kế của lời ngài là những Thanh Văn và Độc Giác Phật. Và những người con thừa kế của tâm ngài là những Bồ tát. Những người con thứ ba này được xem là những người thừa kế chính, vì họ mong mỏi đến mọi phẩm tính cao cả của Phật tánh, để cho lợi lạc của tất cả chúng sanh, bằng cách áp dụng những phương tiện hoàn hảo của con đường đại bi và tánh Không. Họ là những người thừa kế của đức Phật mà Shantideva nhắm đến, và chính những hoạt động của họ, trong mọi phương diện của chúng, mà ngài diễn tả ở đây, bao trùm những điểm chính yếu của con đường tâm linh.
Sự tu hành của một Bồ tát cốt ở sự thực hành sáu hay mười ba la mật (12). Điều này có thể tóm thành ba giới luật: tránh những hành động làm hại, làm những hành động thiện ích, và làm việc cho sự lợi lạc của chúng sanh. Shantideva diễn tả con đường này trong ba giai đoạn: đi vào, tu hành, và thành tựu. Đi vào bao gồm sự đảm đương nhận lấy Thệ Nguyện Bồ tát và hình thành lần đầu tiên nguyện vọng giác ngộ, nó được gọi là Bồ đề tâm. Phần chính của bản văn diễn tả sự tu hành tiếp theo sự phát sinh Bồ đề tâm, nó là sự thực hành sáu ba la mật. Mục đích của điều này, sự thành tựu Phật tánh, được diễn tả ngắn gọn vào cuối chương chín.
Bồ tát (Bodhisattva) có nghĩa là gì? Bodhi là giác ngộ, trạng thái không có mọi lỗi lầm và đầy đủ mọi đức tính. Sattva để chỉ người nào có can đảm và niềm tin, cố gắng đạt đến giác ngộ cho tất cả chúng sanh. Những người nào có ý muốn tự nhiên, thành thật này đạt đến giác ngộ vì sự lợi lạc tối hậu của tất cả chúng sanh được gọi là Bồ tát. Với trí huệ, họ hướng thẳng tâm họ đến giác ngộ, và với đại bi, họ quan tâm đến chúng sanh. Ý muốn này về giác ngộ viên mãn vì lợi lạc cho những người khác là cái chúng ta gọi là Bồ đề tâm, và nó là điểm bắt đầu của con đường. Do trở nên biết rõ giác ngộ là cái gì, người ta không chỉ hiểu rằng có một mục tiêu để thành tựu mà còn có thể làm được điều đó. Được hướng dẫn bởi tham muốn cứu giúp chúng sanh, người ta nghĩ, vì chúng sanh, ta phải đạt đến giác ngộ! Một tư tưởng như thế tạo thành cổng vào Đại thừa. Bồ đề tâm, bấy giờ là hai ý muốn: đạt đến giác ngộ trong chính mình, và làm thế vì tất cả chúng sanh.
Dĩ nhiên, người ta có thể có một ý muốn mơ hồ nào đó đạt đến giác ngộ, hay cảm thấy nó là cái gì cần phải đạt đến. Nhưng không có sự chắc chắn rằng giác ngộ là thực sự hiện hữu và có thể thâm nhập, người ta sẽ không bao giờ thành tựu nó. Bởi thế rất quan trọng phải biết giác ngộ là gì.
Trong bối cảnh này, sự giải thích về tánh Không nêu lên ở lần chuyển Bánh Xe Pháp thứ hai là cốt yếu quan trọng. Mọi hiện tượng vốn trống không, không có hiện hữu thực sự, vô tự tánh. Điều này được giải thích rõ ràng trong những kinh Bát Nhã ba la mật và những bình giải của Nagarjuna và các đệ tử của ngài. (13) Nhưng tri giác về những hiện tượng của chúng ta vào lúc này là cái gì? Cái mà Nagarjuna diễn tả không phải là cái chúng ta đang tri giác thực sự bây giờ. Cái chúng ta đang kinh nghiệm đích thị là cái ngược lại. Thay vì tri giác những hiện tượng như là trống không, chúng ta thấy mọi sự là đang hiện hữu và có thật. Nếu qua nghiên cứu và thực hành, chúng ta có được một hiểu biết và tin tưởng nào đó rằng bản tánh của những sự vật là tánh Không, bấy giờ chúng ta nhận ra những thấy biết của chúng ta từ trước tới giờ không tương ưng chút nào với cách thức những sự vật thực sự là và chúng ta đã bám víu một cách vô minh vào cách thức thấy biết sai lầm những sự vật của mình. Hơn nữa, cái vô minh này đã là gốc rễ của tham và ghét; nói cách khác, nó chính là gốc rễ của sanh tử.
Vô minh, niềm tin rằng những sự vật là có thực, thì cực kỳ có quyền lực. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng nó không gì hơn là một lỗi lầm; nó chỉ là một hiểu sai mà chúng ta bám trụ vào, nhưng thật ra nó chẳng có căn cứ nào cả. Cái đối nghịch của nó, sự hiểu biết rằng những hiện tượng không có thực thể, được đặt nền một sự thực vững chắc đứng vững trước mọi biện bác. Nếu người ta làm quen với cái hiểu này, nó có thể khai triển vô tận, bởi vì nó là cả hai phẩm chất chân thật và tự nhiên của tâm. Khi nó triển khai và lớn mạnh hơn, nó hoạt động như cái đối trị lại niềm tin sai lầm rằng những sự vật là thực, niềm tin sai này bắt buộc càng lúc càng yếu đi tương ứng.
Chúng ta có thể thoát khỏi sự hiểu sai ấy một cách hoàn toàn không? Có nói rằng:
Bản tánh của tâm thức là trong trẻo và sáng tỏ,
Những che chướng chỉ là ngoại sinh.
Dù những che chướng này đã hiện diện từ rất lâu xa, chúng là không cùng một bản chất với tâm. Bởi thế, khi cái đối trị – tri giác đúng về những sự vật – khai triển, những che chướng này có thể hoàn toàn bị trục xuất.
Bản tánh của tâm, trong sáng và tỉnh giác, thì vượt ngoài mọi hư hỏng, lầm lẫn; nó không thể bị những che chướng tác động. Không có hiện tượng nào, hoặc tâm thức hoặc xảy ra nơi thế giới bên ngoài, có thể làm ô nhiễm nó. Không có cái gì có thể làm hư hỏng phẩm tính tự nhiên này, nó là tính cách bẩm sinh của chính tâm. Niềm tin vào sự có thực của những sự vật được căn cứ trên tri giác thấy biết sai lầm và hoàn toàn trái ngược với bản tánh của tâm. Nhưng bởi vì những điều kiện và cách thức hiện thời của tri giác đã thành thói quen từ lâu, chúng ta cứ có khuynh hướng kinh nghiệm những sự vật một cách lầm lẫn. Bởi thế, về mặt kia, tâm này thấy những sự vật không thực như thế nào, tâm ấy có khả năng hủy diệt cái đối nghịch của nó, sự xác tín rằng những hiện tượng là thực. Mặt khác, dầu niềm tin sai lầm này vào sự có thật có quyền lực bao nhiêu, nó cũng không thể đụng đến bản tánh bổn nhiên của tâm. Như Dòng Tương Tục Thiêng Liêng có nói:
Những nhiễm ô là ngoại sanh,
Những phẩm tính là bổn hữu.
Điều này rất kích động tư tưởng. Bởi vì những che chướng này thật ra là thứ gì tách lìa với tâm, chúng ta chắc chắn có thể thoát khỏi chúng, miễn là chúng ta cứ tiếp tục lập đi lập lại thực hành và áp dụng những đối trị. Mọi thức tình tiêu cực có thể bị nhổ gốc, ngay cả những khuynh hướng thói quen chúng để lại sau như những vết hằn cũng sẽ bị loại bỏ.
Khi tâm thức hoàn toàn thoát khỏi những thức tình và khu- ynh hướng tiêu cực này, nó hiểu và biết tất cả những hiện tượng. Bằng siêng năng và dùng những phương pháp đúng đắn, chúng ta có thể hiện thực hóa cái tiềm năng chúng ta có cho toàn giác như vậy. Chỉ bởi vì có những tấm màn che chướng giữa tâm thức và đối tượng của nó mà chúng ta không thể biết mọi sự vật. Một khi những tấm màn này được cất đi, không sức mạnh mới nào là cần thiết nữa. Thấy và biết là bản chất của bản thân tâm thức. Khi nào tâm thức còn tồn tại, nó có khả năng biết, những khả năng này không tự phát lộ chừng nào mọi che chướng được vất bỏ. Điều này nghĩa là đạt giác ngộ. Nếu chúng ta suy nghĩ theo những đường hướng này, mong muốn giác ngộ sẽ lớn lên trong chúng ta.
Về mong muốn làm việc cho lợi lạc của những người khác, điều này đến từ sự thấu hiểu rằng, tất cả chúng sanh, không chỉ là người, cũng như chúng ta, đều muốn được hạnh phúc và không bị khổ đau. Thật ra, tất cả chúng ta đều có lòng bi: chúng ta muốn giải thoát những người khác khỏi khổ đau. Và ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều thương yêu và mong muốn những người khác được hạnh phúc. Những cảm giác này có thể không rất mạnh và lớn, nhưng mỗi người đều có chúng trong một chừng mực nào. Chẳng hạn, khi chúng ta thấy một ai đang hấp hối, tự nhiên chúng ta nghĩ, “kinh khủng thật!” và chúng ta muốn cắt bỏ sự đau đớn khỏi họ. Cũng như chính chúng ta không muốn khổ đau mà muốn được hạnh phúc, chúng ta có thể có cùng mong muốn đó cho những người khác. Dù cho chúng ta có thể có rất ít từ và bi vào lúc này, chúng là những cái chúng ta cần khai triển. Khi chúng lớn lên, mong muốn làm việc cho những người khác của chúng ta cũng lớn lên.
Để có tham muốn đạt đến giác ngộ, dầu chỉ để cho phần riêng của chúng ta, chúng ta phải biết cái gì đạt được khi giác ngộ và cái gì bị mất khi không giác ngộ. Để cho điều ấy, chúng ta cần suy nghĩ về những bất toàn của vòng sanh tử – và đến cả những bất toàn của Niết bàn khi xem nó như là đối cực kia. Như có nói trong Tinh Túy của Trung Đạo:
Bởi vì họ thấy những khuyết điểm của nó,
Họ từ bỏ sanh tử.
Bởi vì lòng họ đầy từ bi,
Niết bàn cũng không giữ họ lại được.
Người trí mong muốn cho hạnh phúc của chúng sanh An trú ở ngay trong sanh tử.
Họ không bị giam nhốt bởi sanh tử, vì họ đã thấy những bất toàn của nó. Bởi vì đại bi của họ, họ không nấn ná ở trong niết bàn. Vì họ biết rằng có những khuyết điểm trong cả hai, họ mong mỏi một giác ngộ siêu vượt hai đối cực này.
Như vậy trước hết chúng ta phải ý thức cái gì là sai lầm nơi sanh tử, vì đây là căn bản cho ước muốn đạt đến giác ngộ. Để lìa khỏi và tự giải thoát mình, chúng ta phải suy nghĩ về cái gì được xem là khổ của sanh tử; điều này sẽ làm sanh khởi ý muốn giải thoát cho những người khác. Hơn nữa, nếu chúng ta cần phải vượt qua những hy vọng và tham vọng của chúng ta về những đời tương lai, trước tiên chúng ta phải đương đầu với sự bám níu của chúng ta vào đời hiện tại này. Đây là điều chúng ta cần phải tu hành, từng bước một.
Bồ đề tâm là một trạng thái rất tốt đẹp của tâm, thấm nhuần bởi trí huệ, trong đó lòng tốt kết hợp với trí thông minh cao nhất. Nó là một cái gì hoàn toàn kỳ diệu. Loại phúc lành và lòng tốt này làm chúng ta bình an tức thì, đến mức chúng ta bớt hẹp hòi và xao động. Khi chúng ta gặp những người khác, chúng ta không cảm thấy ngột ngạt và xa cách. Ngược lại, chúng ta cảm thấy thân thiết với người khác. Với một tâm như thế, chúng ta không bao giờ sợ hãi, nhưng mạnh mẽ và can đảm. Đây là một tâm thái rất hữu ích nên có.
Bồ Tát Hạnh không phải là một kết tập những ý kiến riêng của Shantideva, cũng không phải là một lập lại y nguyên của kinh điển. Nó hơn là những lời dạy của kinh điển, trong hình thức rút gọn. Như ngài nói:
2. Điều tôi cần nói, tất cả đã được nói trước rồi,
Và tôi cũng nghèo nàn học vấn và thiện xảo ngôn ngữ.
Bởi thế tôi không có ý nghĩ nó làm lợi lạc cho những người khác.
Tôi viết nó chỉ để ổn cố sự hiểu biết của mình.
“Điều tôi cần nói, tất cả đã được nói trước rồi, và tôi cũng nghèo nàn học vấn và thiện xảo ngôn ngữ” được nói đơn giản chỉ để gạt bỏ kiêu mạn. Với những người chỉ muốn thu gom kiến thức, ngài chẳng có điều gì mới để nói. Và vì ngài không nghĩ ngài có thể giúp đỡ cho những người khác, ngài viết bản văn này để thúc đẩy sự thực hành tâm linh riêng của mình và của những người cùng ở một cấp độ với ngài.
Chương đầu của mười chương Bồ Tát Hạnh đề cập đến những phẩm tính của Bồ đề tâm. Như một chuẩn bị cho Bồ đề tâm, người ta cần thực hành thất giác chi để tích tập công đức và tịnh hóa chính mình. Đây là chủ đề của chương hai. Chương ba diễn tả làm sao phát sinh Bồ đề tâm. Những chương sau giải thích làm sao đưa Bồ đề tâm vào thực hành qua sáu ba la mật.
Cái đầu tiên của sáu ba la mật, rộng lượng, được nói suốt cả bản văn và không có chương riêng biệt nào dành cho nó. Làm thế nào thực hành giới thanh tịnh được giải thích trong hai chương về cẩn thận và chánh niệm. Những chương tiếp theo dành cho bốn ba la mật cuối: nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Cuối cùng, Shantideva kết thúc bản văn với một chương về hồi hướng công đức cho lợi lạc của chúng sanh.
Minyak Kunzang Sonam, theo truyền thống của Patrul Rinpoche, giải thích cơ cấu của Bồ Tát Hạnh theo đoạn kệ nổi tiếng của Shantideva:
Nguyện Bồ đề tâm quý báu nảy sinh
Ở những ai nó chưa được phát sanh.
Và nơi nào nó đã sanh ra, chớ để dừng tắt,
Mà ngày càng lớn rộng khắp nơi nơi.
Đối với những người chưa phát sinh Bồ đề tâm, ba chương đầu của Bồ Tát Hạnh giải thích làm thế nào để phát tâm. Rồi để ngăn ngừa Bồ đề tâm không lui sụt, tiếp theo là những lời dạy trong những chương về cẩn thận, chánh niệm và nhẫn nhục. Sau đó, những chương về tinh tấn, thiền định và trí huệ diễn tả làm thế nào Bồ đề tâm có thể được khai triển liên tục. Cuối cùng, chương mười và cũng là chương kết luận bàn về làm thế nào để chia xẻ và hồi hướng Bồ đề tâm này, nó đã được phát sinh, được bảo vệ khỏi lui sụt, và khai triển càng ngày càng lớn mạnh. Patrul Rinpoche đã giải thích nó như thế, và tôi thấy lối giải thích ấy rất sâu xa.
4. Thật khó khăn thay để có được thoải mái và sung túc,
Nhờ đó ý nghĩa chân thực của cuộc đời người
Có thể thu hoạch được! Nếu tôi lơ là không chuyển nó hành lợi ích cho mình,
Làm sao một cơ hội hy hữu như thế mà có lại được?
Để có thể thực hành Bồ đề tâm, nó có biết bao là phẩm chất tốt đẹp, chúng ta cần trí thông minh, những điều kiện thuận lợi, và đặc biệt, điều kiện tối cao của đời làm người. Một đời làm người là khó tìm và rất giá trị nếu chúng ta có nó. Chúng ta cần không lãng phí cuộc đời của chúng ta mà phải dùng chúng cho tốt.
5. Như khi một tia sấm chớp bửa tan đêm tối
Ánh sáng chói lòa của nó bày hiện mọi đám mây đen che dấu,
Hiếm hoi như thế, nhờ thần lực của chư Phật,
Những tư tưởng lành khởi lên, ngắn ngủi và nhanh chóng trong thế giới.
6. Hãy thấy sự hoàn toàn yếu ớt của đức hạnh!
Chỉ trừ Bồ đề tâm toàn hảo,
Ngoài ra không có gì có thể đứng vững cưỡng lại nổi
Sức mạnh lớn lao tràn ngập của điều xấu.
Bởi vì nghiệp của quá khứ của chúng ta, rất hiếm và khó có được một tâm tốt, trong khi hoàn toàn dễ dàng có những tư tưởng xấu, bởi vì đây là cái chúng ta đã quen thuộc. Thế nên chúng ta cần nuôi dưỡng những tư tưởng tốt, như ngưỡng mộ chư Phật và bi mẫn đối với chúng sanh. Chính qua cái ấy mà chúng ta phát triển Bồ đề tâm.
Không có gì mạnh mẽ bằng Bồ đề tâm để tịnh hóa những hành động xấu và những che chướng của chúng ta, để đạt được hạnh phúc tạm thời và tối hậu, và để giúp đỡ những người khác. Nếu chúng ta muốn giải thoát chính mình và những người khác khỏi khổ đau của sanh tử, thì chúng ta phải khai triển Bồ đề tâm. Khi nào chúng ta làm thế, những phẩm tính vô biên của nó đến nỗi rằng, dù chúng ta còn có vẻ là những chúng sanh bình thường chịu đựng khổ đau, chúng ta sẽ được tuyên bố là những người thừa kế của chư Phật, xứng đáng với sự tôn kính của người và trời.
Bồ đề tâm của chúng ta có thể còn chưa tự nhiên. Nó còn là cái gì chúng ta phải tạo tác ra. Tuy nhiên, một khi chúng ta đã ôm lấy và bắt đầu khai triển tâm thái phi thường này, bất cứ hành động tích cực nào chúng ta làm – lễ lạy, đi nhiễu, đọc tụng, hay hành động của lòng rộng lượng – dầu xem ra không có gì khác, sẽ đem lại những kết quả tăng trưởng lớn lao.
Bản thân Bồ đề tâm có hai phương diện: nguyện vọng và áp dụng. Nguyện vọng chỉ đơn giản là mong muốn đạt giác ngộ vì tất cả chúng sanh, ước muốn theo đuổi con đường. Áp dụng bắt đầu với việc mang lấy lời thệ nguyện của Bồ đề tâm và hứa đưa nó vào trong hành động. Nguyện vọng chỉ giống như muốn đi đâu đó; áp dụng là thực sự đi.
Những phẩm tính tốt đẹp của mới chỉ Bồ đề tâm nguyện vọng cũng là bao la; còn nhiều biết bao nhiêu là những phẩm tính của người mang lấy lời thệ nguyện! Từ giây phút lời thệ nguyện được đảm đương, bất cứ điều gì một Bồ tát làm, dù đi hay ngủ, đều sẽ tạo ra công đức lớn lao qua năng lực hoàn hảo của ý định. Và nếu có công đức lớn lao khi muốn làm nhẹ bớt chỉ một cơn khó chịu của một chúng sanh, người ta cần gì nói đến lợi lạc vô cùng của việc mong muốn giúp đỡ cho vô số chúng sanh?
Có nói rằng nghĩ xấu về một Bồ tát như vậy thì sẽ có những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Bởi thế, chúng ta nên rất cẩn thận giữ mình khỏi phạm vào loại lỗi lầm này và xem những người khác như những vị thầy của chúng ta. Và chúng ta không bao giờ nên, mà không có một lý do thật đặc biệt, nêu ra những lỗi lầm của những người khác. Như Gendun Drubpa toàn trí đã nói, “Hãy biết ơn tất cả chúng sanh và nhìn tất cả mọi hành giả với cái nhìn trong sạch. Hãy hàng phục kẻ thù bên trong.”(15) Chúng ta hãy theo lời khuyên của ngài.