CHƯƠNG V: CHÚ Ý
1. Những người muốn giữ gìn giới hạnh
Phải giữ gìn tâm ý họ trong sự làm chủ hoàn toàn.
Không có sự canh giữ trên tâm thức này,
Không giới luật nào có thể được duy trì.
Đã phát Bồ đề tâm, chúng ta cần biết những giới hạnh đi kèm – cái chúng ta cần làm và cái chúng ta phải tránh. Chúng ta cần luôn luôn cẩn thận trong những tư tưởng, lời nói và việc làm. Ở đây chính sự chú ý, hay sự cẩn thận xem xét tỉ mỉ, giữ cho chúng ta cảnh giác, đến nỗi khi chúng ta sắp phạm một hành động xấu, chúng ta tỉnh giác rằng chúng ta đang có nguy cơ làm điều ấy và bởi thế có thể áp dụng đối trị thích hợp. Chú ý như thế là một con chó canh giữ, ngăn ngừa chúng ta khỏi những hành động xấu. Đồng thời, nó giữ chúng ta chánh niệm với những hành động tốt, đến độ những hoạt động Bồ tát của chúng ta tăng trưởng và chúng ta có thể khai triển Bồ đề tâm trong mọi tình huống.
Sự tu hành tâm linh theo giới luật tu viện hay đời sống cư sĩ của Luật tạng bao gồm nổi bật kỷ luật của hành động thân xác và lời nói, mặc dầu tâm thức thì quan trọng trong mức độ nó chỉ huy cả hai cái trên. Trong Bồ tát thừa và Mật Chú thừa, mặt khác, chính tâm thức là quan trọng nhất. Gốc của giới luật Bồ tát là không có một thái độ hữu ngã nào. Chúng ta không bao giờ nên theo đuổi lợi lạc riêng tư của mình mà quên những người khác và làm hao tổn cho những người khác. Dĩ nhiên, thân và ngữ của chúng ta có hoạt động, nhưng chúng ta quan tâm chủ yếu ở đây là tâm thức. Chính trong bối cảnh này mà một Bồ tát, tâm vị ấy trong sáng, ổn định, và hoàn toàn dưới sự kiểm soát, có thể làm việc cho lợi lạc của người khác trong những đường lối mà nếu khác đi có thể sanh ra tai hại. Bởi thế giới luật chính liên hệ đến những thái độ sai lầm của tâm thức.
6. Mọi lo âu và sợ hãi,
Đau đớn và khổ sở vô tận,
Đều sinh ra từ chính tâm thức:
Bậc Chân Thật đã nói như thế.
Mọi khổ đau trong cuộc đời này và đời khác đều được tạo ra do một tâm thức không được hàng phục. Tương tự, nền tảng của mọi thực hành sáu ba la mật, như rộng lượng, trì giới… chính là tâm.
18. Như vậy và bởi thế tôi sẽ nắm lấy
Tâm thức này của tôi và canh giữ nó đàng hoàng.
Ích lợi gì cho tôi nhiều thứ khổ hạnh bên ngoài ấy?
Hãy để tôi chỉ đặt một sự canh chừng trên tâm thức tôi.
Không có gì quan trọng hơn canh chừng tâm thức. Chúng ta hãy thường trực duy trì sự trông chừng trên con voi hoang dã của tâm thức, tra hàm nó với chánh niệm và trông nom. Đấy là làm cách nào không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện khác nhau ở bên ngoài. Nhưng ngay cả khi rút lui vào một nơi chốn biệt lập, nếu tâm thức không được giữ dưới sự kiểm soát, nó sẽ lang thang khắp nơi. Ngay cả hoàn toàn một mình, chúng ta vẫn có thể có một số rất lớn những tình thức tiêu cực.
Chúng ta làm thế nào canh giữ tâm thức? Chúng ta dùng sự chú ý để canh chừng những tư tưởng của chúng ta và dùng tỉnh giác chánh niệm để phán đoán chúng ta hành động có đúng hay không. Với hai cái này, chúng ta có những phương tiện để hủy diệt tất cả mọi điều kiện đối nghịch. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ không thấy tư tưởng của chúng ta là tích cực hay tiêu cực hoặc chúng ta làm đúng hay sai, cũng không có thể dùng những đối trị như cần thiết.
23. Hỡi những ai muốn canh giữ tâm thức mình,
Tôi chắp tay thành khẩn nguyện cầu,
Với giá của chính đời mình, hãy giữ gìn
Sự chánh niệm và cẩn thận xem xét tỉ mỉ của tâm.
29. Bởi thế, từ cánh cổng của sự tỉnh giác
Chánh niệm sẽ không để cho đi lạc đường.
Nếu đi lang thang, nó sẽ được kêu trở lại
Bởi ý nghĩ về sự khổ não trong ba cõi thấp.
Thường trực nghĩ về những khổ đau của các cõi thấp và những kết quả của các tình thức tiêu cực sẽ giúp chúng ta khai triển sự chú ý, chánh niệm và giới luật rộng lớn hơn. Hơn nữa, Shantideva giải thích:
30. Những người có phước đức và sùng mộ,
Chánh niệm sẽ dễ dàng trau dồi
Qua sự sợ hãi và bằng những lời khuyên của bậc trưởng lão,
Và bao giờ cũng ở trong chúng đệ tử của vị thầy.
31. Chư Phật và chư Bồ tát
Có cái nhìn thấu suốt thấy tất cả mọi sự.
Tất cả đều trải ra trước cái nhìn của các ngài,
Và như thế, tôi cũng ở luôn luôn ở trong sự có mặt của các ngài.
32. Người nào có những tư tưởng như thế,
Sẽ có được lòng sùng mộ và một cảm thức sợ hãi và hổ thẹn.
Một người như thế, sự tưởng nhớ Phật
Bao giờ cũng thường có mặt ở trong tâm.
Khi phát triển chánh niệm, không bao giờ quên điều cần làm và điều phải tránh, chú ý dần dần trở nên một thành phần của chúng ta.
33. Khi chánh niệm ở lại như một người canh giữ,
Một lính canh trên ngưỡng cửa của tâm,
Sự xem xét tỉ mỉ cũng có mặt như vậy,
Lập tức trở lại khi quên bẵng hay phân tán.
Trong mọi hoàn cảnh, cần thiết đánh giá nhu cầu của một hành động trong liên hệ với những giới luật. Tùy theo thời gian và hoàn cảnh, sự cần thiết cho một hành động có thể cân nặng hơn sự kiện nó bị cấm đoán bởi những giới luật, và trong những hoàn cảnh như vậy chúng ta không chỉ được cho phép vượt ngoài một lời nguyện mà còn là bổn phận của chúng ta phải làm. (26) Thật vậy, có một vài điều luật đã được ấn định trong Luật tạng về sau phải được thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi.
Chú ý cần được áp dụng cho bất cứ điều gì chúng ta làm, và trong mọi lúc chúng ta cần tỉnh thức với cung cách của thân, thường trực rà soát xem chúng ta có thành công làm điều thích đáng và tránh điều không thích đáng hay không. Theo cách này, tâm thức, vốn giống như một con voi say, điên cuồng bởi ba độc, sẽ bị cột vào cái trụ của những hành động tốt với cái roi của chánh niệm và thuần hóa bởi cái móc của sự chú ý. (27) Nếu chúng ta không thể giữ gìn tâm thức hợp với đức hạnh suốt mọi lúc, chúng ta có thể để cho nó nghỉ ngơi trong một trạng thái trung tính, không tích cực cũng không tiêu cực. Nhưng bằng bất cứ giá nào, chúng ta hãy tránh những tư tưởng tiêu cực. Trong thiền định của chúng ta, khi chúng ta tập trung vào những đối tượng đặc biệt, chúng ta cần chú ý và chánh niệm hơn nữa, để cho sự tập trung ấy không bị xao lãng ngay cả bởi những tư tưởng tích cực, huống gì là những thứ trung tính hay tiêu cực.
Dầu những Bồ tát có thể tập trung vào những thực hành riêng biệt, họ cũng phải có thể tạm thời bỏ nó qua một bên cho những hoàn cảnh như là tham dự vào những buổi lễ làm lợi lạc cho những người khác, thực hiện những hoạt động của tính rộng lượng, tự che chở bảo vệ chính họ nếu cuộc sống của họ bị nguy hiểm, ban cho những lời dạy, hay tích tập công đức và giúp những người khác làm như vậy. Ví dụ, nếu một thợ săn đang đuổi theo một con nai hỏi chúng ta có thấy con mồi của anh ta không, hoàn toàn có thể chấp nhận được, khi để cứu sự sống của con nai, chúng ta nói dối rằng chúng ta đã không thấy nó. Ở đây chúng ta đặt ưu tiên cho tính rộng lượng của sự che chở khỏi hiểm nguy lên trên giới luật cấm nói dối. Chúng ta cần đánh giá những tình huống như vậy một cách cẩn thận và chúng ta phải luôn luôn canh giữ không cho những tư tưởng xấu xâm nhập vào trong ý nghĩ của chúng ta và quyết định những lời nói và hành vi của chúng ta.
Quan trọng là chắc chắn về sự thực hành của chúng ta, tẩy sạch mọi nghi ngờ và vững tâm rằng chúng ta hiểu mọi sự một cách đúng đắn. Sự tin tưởng này vào thực hành đặt nền tảng trên lý trí sáng tỏ và niềm tin, quyết tâm và vững vàng, và tôn trọng sự thực hành chúng ta đang làm. Những hành động của chúng ta sẽ được hướng dẫn bởi chính ý thức của chúng ta, bởi sự quan tâm đến điều mà những người khác suy nghĩ, và bởi sự sợ hãi những hậu quả của những hành động xấu. Giữ gìn giác quan của chúng ta dưới sự kiểm soát, hãy để chúng ta an bình và cố gắng làm cho những người khác hạnh phúc.
56. Chúng ta không nên bị lãng trí bởi những khiếm khuyết gây tranh chấp,
Tái đi tái lại của những đứa trẻ. Tư tưởng của chúng
Được nuôi dưỡng bằng xung đột và xúc động.
Hãy hiểu biết và đối xử với chúng một cách thương yêu.
57. Trong khi làm những điều đức hạnh này, vượt trên sự sỉ nhục,
Để giúp đỡ chính mình và cho những người khác,
Chúng ta luôn luôn giữ trong tâm tư tưởng
Rằng chúng ta là vô ngã, như một hiện bóng.
Những đứa trẻ ở đây ám chỉ những người trí thông minh chưa trưởng thành, là những người thường không có chứng ngộ. Nếu chúng ta sống lẫn lộn với những người trẻ con ấy, chúng ta có nguy cơ mất hướng đi và sẽ không thể giúp đỡ người khác. Bởi thế chúng ta nên tránh không bị họ ảnh hưởng, chúng ta không nên bị nản lòng hay bực bội vì họ. Hơn nữa, chúng ta cần cảm thấy lòng đại bi đối với họ, vì họ đang ở trong móng vuốt của những tình thức tiêu cực của họ.
Chúng ta hãy cố gắng tránh mọi hành động xấu, những việc tiêu cực tự bản chất lẫn những việc bị đức Phật cấm đoán liên hệ với mọi thệ nguyện chúng ta đã mang. Đồng thời, hãy giữ ý định làm lợi lạc cho những người ở chỗ cao nhất khác trong tâm. Ví dụ, nếu để cho người nào không bị mất thể diện là điều tốt nhất cho họ, chúng ta cần làm hết mức cho điều ấy một cách thích hợp. Và trong mọi lúc chúng ta phải hiểu rằng bản thân chúng ta, hành động của chúng ta và những người chịu tác động bởi hành động của chúng ta tất cả đều như huyễn, hoàn toàn không có thực thể nào.
Đời người là một cơ hội độc nhất và đặc ân không dễ gì kiếm được. Nếu chúng ta không dùng nó để làm lợi lạc cho những người khác, bao giờ chúng ta lại có một dịp may khác? Chúng ta hãy quý trọng cơ hội này, và bồi đắp niềm vui khi quý trọng những người khác hơn chính chúng ta. Quyết tâm của chúng ta trong điều này sẽ vững chắc như trái núi.
Tiếp theo Shantideva bàn luận sự nguy hiểm của sự tham đắm quá độ vào thân thể chúng ta, nó có thể ngăn cản chúng ta làm những việc tốt.
61. Tại sao không bám chấp, hỡi tâm thức ngu xuẩn, vào một cái gì sạch sẽ
Như một hình tượng được tạc bằng gỗ chẳng hạn.
Tại sao ngươi bảo vệ và giữ gìn
Cho một bộ máy dơ bẩn này được làm ra từ bất tịnh?
62. Trước hết bằng sự quán tưởng của tâm thức
Hãy lột lớp da bao phủ này ra.
Và với lưỡi dao của trí huệ, hãy tách lìa
Thịt ra khỏi bộ xương.
63. Rồi chia chẻ những khúc xương
Và nhìn xem vào tủy.
Khảo sát nó và hỏi rằng,
Đâu là thực thể chúng ta tìm kiếm?
64. Nếu kiên trì tìm tòi mãi,
Ngươi không tìm thấy vật gì làm bản chất.
Thì tại sao còn yêu quý, tham muốn
Cái hình thể xác thịt này của ngươi?
Đôi khi chúng ta tiêu pha tất cả thời gian của mình để chăm sóc thân thể, đến mức chúng ta hầu như là tôi tớ của nó. Chúng ta bắt đầu ngày bằng cách tắm rửa thân thể, rồi nuôi dưỡng nó, và chúng ta tiếp tục phục vụ nhu cầu của nó suốt ngày. Nhưng mục đích của đời người không chỉ là duy trì thân thể. Thân xác nên được dùng như một phương tiện chuyển vận cho trí thông minh đặc trưng cho hiện hữu con người để chúng ta có thể tiến bộ về mặt tâm linh. Trong cách nói bình thường, một tôi tớ không làm điều nó được yêu cầu làm sẽ chẳng bao giờ được trả tiền. Những công nhân xí nghiệp mất việc làm của họ nếu họ không làm điều mà vì đó họ được trả tiền. Tương tự, nếu thân xác chúng ta mà chúng ta đã nuôi dưỡng và cho ăn mặc cho tới bây giờ, không chịu nghe chúng ta, đấy là hoàn toàn sai lầm. Lý do duy nhất chúng ta chăm sóc thân thể là để chúng ta có thể khai triển một tâm thức tích cực.
70. Hãy xem thân thể bạn như một bình chứa,
Chỉ là một chiếc thuyền đi đây đi đó;
Hãy biến nó thành một viên ngọc như ý
Để đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Chúng ta nên sử dụng thân thể, được tạo thành bằng những thứ bất tịnh, để làm chỗ tựa cho ý định giúp đỡ những người khác. Nếu chúng ta dùng nó đúng đắn cho sự trưởng thành tâm linh của chúng ta, phối hợp trí huệ và phương tiện, chúng ta sẽ có thể khai triển một chứng ngộ mới và đạt được Sắc thân toàn trí của chư Như Lai, nó giống như một viên ngọc như ý. (28)
71. Như thế với một tâm tự do, vô ngại
Có một vẻ mặt luôn luôn mỉm cười.
Thoát khỏi những nhăn mày cau có, hung dữ;
Và hãy là một người bạn thực sự, chân thành của chúng sanh.
Những hành giả thực sự thì không bị tác động bởi những áp lực bên ngoài và những tình thức của riêng họ, và họ tự do bảo đảm lợi lạc tạm thời và tối hậu cho cả chính họ và những người khác. Họ độc lập, không sợ gì cả, và không bao giờ lủng củng với chính mình. Luôn luôn an hòa, họ thân mật, bè bạn với tất cả, và thứ gì họ nói đều ích lợi. Bất cứ chỗ nào chúng ta đi, hãy khiêm hạ và không ầm ĩ hay kênh kiệu. Chúng ta hãy chớ làm thương tổn cảm xúc của người khác hay khiến cho họ làm điều xấu. Hơn nữa, chúng ta hãy làm bạn và nghĩ tốt về những người khác, khuyến khích họ tích tập những hoạt động tích cực, tốt lành.
Nếu người khác cho bạn lời khuyên bảo, thay vì nghĩ, Việc gì của ông khi ông có những gợi ý như thế? thì hãy kính trọng điều họ nói và xem mình như là đệ tử của tất cả chúng sanh. Nếu lời khuyên của họ là có lý, hãy làm theo nó hơn là kiêu căng từ chối nó. Hãy tỏ ra là người bảo trợ cho tất cả điều gì tích cực mà người ta nói, và tùy hỷ khi bạn thấy những người khác đang làm điều gì tốt đẹp, khuyến khích họ với sự tán thán. Tuy nhiên, nếu sự tán thán như vậy có vẻ như nịnh hót hay làm cho họ kiêu căng, thì hãy tán thán họ trong chỗ riêng tư, góp phần khi những người khác khen ngợi họ. Và nếu chính bạn là người có phẩm tính được tán thán, chớ để cho mình trở nên kiêu ngạo và tự cho là quan trọng. Đơn giản chỉ công nhận những phẩm tính mà những người khác tán thưởng là tốt đẹp.
Niềm hoan hỷ chúng ta có thể có từ sự tán thưởng những hành vi tích cực của những người khác thì vô giá. Chúng ta chẳng mất điều gì từ chuyện đó trong cuộc đời này, và nó chính là nguyên nhân của hạnh phúc lớn lao trong những đời tương lai. Nếu ngược lại, chúng ta phản ứng một cách tiêu cực khi người khác cố gắng sửa sai cho chúng ta, hay ganh tỵ khi những người khác được tán dương, hay kiêu căng khi chính chúng ta được tán dương, nó sẽ làm cho người ta không vui, và chúng ta sẽ trở nên cô độc, không bạn bè. Và trong những đời tương lai chúng ta sẽ trải nghiệm khổ đau lớn lao.
Bất kỳ điều gì chúng ta nói, hãy nói rõ ràng và vào điểm chính, với một giọng êm đềm và dễ mến, không ảnh hưởng bởi thích hay ghét. Nhìn những người khác một cách thiện cảm, tốt lòng, nghĩ rằng, Chính nhờ họ mà tôi sẽ đạt đến Phật tánh.
Những cách nào để tích tập hành động tích cực? Trên hết, chúng ta cần một tâm thức tích cực, nó phải mạnh mẽ và thường hằng. Chính cái tâm thức ấy sẽ tự nó phát sinh những hành động tích cực. Rồi chúng ta phải thường trực áp dụng những đối trị với tham, sân và si. Hơn nữa, những hoạt động làm lợi lạc là rất có kết quả nếu chúng được thực hiện cho những người có học và có thành tựu; cho cha mẹ chúng ta những người chúng ta mang nợ rất nhiều; cho người bệnh, già và ốm yếu; và cho những người khổ đau lớn lao. Trong tất cả những cái ấy, chúng ta không nên chỉ theo những người khác một cách thụ động mà nên làm một cố gắng độc lập để tự mình đề khởi những hành động tích cực.
Sự khai triển tâm linh của chúng ta nên theo những giai đoạn của sáu ba la mật, hoàn thiện lần lượt từng cái một. Nhưng chúng ta không nên hy sinh một nguyên nhân chính của công đức cho một cái phụ. Điều quan trọng nhất là giữ trong tâm sự lợi lạc của những người khác.
84. Hiểu rõ điều này
Và luôn luôn làm việc cho sự lợi lạc của chúng sanh.
Những bậc thấy xa là những đạo sư của Đại Bi
Cho phép điều bị cấm đoán vì mục đích cao cả này.
Bài kệ này có thể được giải thích theo hai cách. Một có nghĩa là đức Phật bi mẫn, ngài không chỉ thấy cái trực tiếp mà còn cả tương lai xa xôi, đã thấy rằng điều không cho phép với một số người thì được chấp nhận với những người khác. Cách hiểu khác là điều không cho phép đối với những người khác thì được chấp nhận đối với những bậc Đại Bi, nghĩa là những Bồ tát, những vị có trí huệ và đại bi.
85. Chỉ ăn cái gì cần và chia xẻ
Với những tu sĩ và những người
Không phương tự vệ hay sa vào ba cõi thấp –
Bồ tát cho đi tất cả chỉ trừ ba y.
Dòng chót liên quan đến những người mang lời thệ nguyện xuất gia. Chỉ trừ ba y mà họ phải giữ, quần áo gì khác đều được cho để người khác dùng.
Bây giờ chúng ta đã hồi hướng thân thể, lời nói và tâm thức cho sự thành tựu Pháp thiêng liêng, chúng ta không nên làm hư hại thân thể chúng ta một cách không cần thiết. Vì thân thể chúng ta là những phương tiện chuyên chở cho sự thực hành của chúng ta, và nếu chúng ta chăm sóc chúng thích đáng, chúng ta sẽ nhanh chóng có thể đáp ứng những mong muốn của tất cả chúng sanh.
87. Những vị này không nên đem thân thể mình
Cho những người mà lòng từ bi không trong sạch và hoàn hảo;
Thay vì trong thế giới này và trong cái tiếp theo
Họ đem nó vào sự phụng sự cho mục đích tối thượng.
Trong Toát Yếu mọi Thực Hành, Shantideva giải thích rằng chừng nào lòng bi của chúng ta chưa hoàn toàn trong sạch và sự chứng ngộ về tánh Không chưa hoàn hảo, không nên đem cho thân thể và tất cả tài sản và công đức của chúng ta. Chúng ta cần bảo tồn thân thể chúng ta, trong lúc chúng ta tịnh hóa mọi động cơ ích kỷ, chúng ta có thể có và làm tăng trưởng thái độ vị tha của chúng ta. Nếu chúng ta làm điều này chúng ta sẽ có thể thành tựu những mong muốn của tất cả chúng sanh. Trong khi đó chúng ta không nên cho cuộc đời của chúng ta quá hấp tấp. Thay vào đó, chúng ta nên trau dồi nguyện vọng có thể hy sinh chính mình, cho đến lúc làm như vậy là thực sự lợi lạc.
Bồ Tát Hạnh tiếp tục với lời khuyên liên quan đến thái độ ứng xử hàng ngày của chúng ta, đến chuyện chúng ta nên ngủ như thế nào. Chúng ta nên nằm nghiêng trên phía phải với đầu hướng về phía bắc, như đức Phật đã làm khi ngài vào niết bàn, và sẵn sàng dậy ngay vào buổi sáng.
Tóm lại, trong tất cả những hoạt động bao la của những Bồ tát, cái quan trọng nhất là tu hành tâm thức, cái chúng ta cần đảm nhận từ lúc khởi đầu.
97. Những hành động của Bồ tát
Thì vô biên, như giáo lý đã nói.
Cái vĩ đại nhất của tất cả là thế này:
Tẩy sạch và tịnh hóa tâm thức.
Nếu ban ngày chúng ta đã phạm lỗi gì, chúng ta cần biết nó.
98. Đọc tụng ba lần, ngày và đêm,
Kinh Ba Phần.
Nương tựa vào chư Phật và chư Bồ tát,
Tôi sẽ tịnh hóa những tội lỗi tàn dư.
Để có thể giúp đỡ chúng sanh, mà những nhu cầu và khuynh hướng nhiều khác biệt, cần thiết trông cậy vào nhiều phương tiện khác nhau. Những người nào giỏi trong những phương tiện thiện xảo sẽ tích tập vô biên công đức. Như Shantideva nói:
100. Không có đức hạnh nào
Mà con cháu Phật không học.
Với người thiện xảo trong những tìm cầu ấy,
Không có gì người ấy làm mà không phải công đức.
101. Trực tiếp hay gián tiếp,
Moị điều tôi sẽ làm đều vì lợi lạc của chúng sanh.
Và chỉ vì họ, tôi hồi hướng
Những hành động của tôi cho sự đạt đến giác ngộ.
Để tiến bộ trong sự thực hành của chúng ta, chúng ta phải nương dựa vào những vị thầy đầy đủ phẩm tính, học về mặt sâu xa và mặt rộng lớn của những giáo lý chứa đựng trong kinh điển Đại thừa. Nhưng chỉ học thôi thì không đủ. Những vị thầy như thế đã thực hành điều mà họ đã nghiên cứu, thể hiện nó vào đời sống hàng ngày của các ngài và phối hợp hiểu biết với thực chứng tâm linh. Chúng ta không bao giờ nên từ bỏ các ngài, ngay cả điều đó phải trả giá bằng cuộc đời của chúng ta, và chúng ta phải học làm thế nào đi theo các ngài một cách thích đáng.
Để tăng tiến thêm sự hiểu biết của chúng ta, Shan-tideva yêu cầu chúng ta nghiên cứu những bản văn khác, như tác phẩm của ngài là Toát Yếu Mọi Thực Hành, ngài đã viết trước cuốn Bồ Tát Hạnh. Phái Kadam thường dạy sáu bản văn chính, hai bản cùng một lúc: Những cấp độ Bồ tát và Trang Nghiêm những Kinh Đại thừa, Bồ Tát Hạnh và Toát Yếu Mọi Thực Hành, Những Chuyện Kể về những Cuộc đời của đức Phật và Những Khuyến Cáo Đặc Biệt. Bởi thế, là một ý kiến tốt khi nghiên cứu Bồ Tát Hạnh và Toát Yếu Mọi Thực Hành cùng với nhau, vì những điểm được khảo sát vắn tắt trong một cuốn thường được giải thích chi tiết trong cuốn kia và ngược lại. Nếu chúng ta không có thì giờ để đọc Toát Yếu Mọi Thực Hành, chính Shantideva khuyên chúng ta nghiên cứu tác phẩm Toát Yếu Mọi Kinh Điển của ngài. Tuy nhiên, bản dịch Tây Tạng của cuốn sau không còn nữa, nên chúng ta có thể quy chiếu vào bản văn có cùng tên của Nagarjuna thay vào đó. Những bản văn này nên được trọn vẹn đưa vào thực hành để chúng ta có thể làm lợi lạc cho những người khác.
108. Canh giữ trở đi rồi trở lại
Trên trạng thái và những hành động của tâm và thân –
Riêng điều này và chỉ điều này mới nói lên
Ý nghĩa của chánh niệm tỉnh thức.
109. Mọi thứ này tôi phải biểu lộ bằng hành động;
Được gì khi chỉ lẩm bẩm những âm từ?
Một bệnh nhân có khi nào được cứu giúp
Bằng cách chỉ đọc toa thuốc của y sĩ thôi ư?