CHƯƠNG II: KARMAPA KARMA PAKSHI (1206-1283)
Vị Karmapa thứ hai, KARMA PAKSHI, sanh năm 1206 trong một gia đình có nguồn gốc từ vị vua pháp Trisong Detsun của thế kỷ thứ tám. Cha mẹ ngài, là những hành giả rất mộ đạo, đặt tên ngài là Chodzin.
Chodzin là một đứa bé khôn sớm, năm lên sáu đã biết đọc và viết hoàn hảo. Mười tuổi đã nắm được yếu nghĩa của Phật pháp. Cùng với năng lực trí tuệ, Chodzin còn có khả năng định tâm. Nhờ sự thiện xảo tự nhiên này, khi vị thầy thiền định của ngài là Pomdrakpa nhập môn cho ngài về bản chất của tự tâm, ngài liền có thể khai triển quán chiếu tự nhiên.
Pomdrakpa là người đã nhận giáo pháp dòng Karma Kagyu từ Drogon Rechen, vị kế thế của Dusum Khyenpa. Khi lần đầu tiên ban cho Chodzin sự truyền thọ, ngài đã giải thích rằng trong một thị kiến, ngài thấy Dusum Khyenpa và các tổ sư khác của dòng phái bao quanh nơi ở của đứa học trò nhỏ của mình, nói lên sự quan trọng của đứa bé ấy. Trong một thị kiến khác, Dusum Khyenpa phát lộ cho Pomdrakpa rằng Chodzin quả thật là hậu thân của mình. Từ lúc ấy, Pomdrakpa xem Chodzin như là Karmapa thứ hai và đặt tên cho em là “Vị Thầy của Pháp.” Ngài còn làm lễ xuất gia cho Chodzin làm một sadi.
Trong mười một năm, Karma Pakshi học với Pomdrakpa, đặc biệt về Đại Ấn của Saraha và Gampopa. Với khả năng tự nhiên, ngài có thể thành tựu những lời dạy rất nhanh khi vừa mới được truyền dạy. Cuối thời kỳ này, Pomdrakpa nói với ngài rằng ngài đã phát triển trí huệ đầy đủ, nhưng ngài còn cần phải có những sự truyền thọ nối dòng, những kinh bản và lời dạy từ đức Thích Ca hay đức Vajradhara để có thể dạy cho người khác. Pomdrakpa trao cho Karma Pakshi trọn bộ các giáo huấn phái Kagyu, và như thế trở thành người cha tâm linh của ngài. Khi Karma Pakshi nhận được sự thọ pháp về Mahakala, ngài chứng nghiệm sự hiện diện thực sự của vị Hộ pháp.
Năm hai mươi hai tuổi, ngài thọ giới Tỳ kheo với Lạt ma Jampa Bum, trụ trì tu viện Katok Nyingmapa, tu viện này được lập nên bởi Kadampa Desheg, học trò của Karmapa thứ nhất. Trong thời gian này, ngài chú tâm vào Yoga Nội Hỏa hợp cùng với Đại Ấn. Bằng cách này, ngài phát triển cả hai phương diện hữu tướng và vô tướng của hành trì Mật thừa.
Lúc này là thời kỳ loạn lạc ở sứ Kham và Karma Pakshi theo nhu cầu của dân chúng đi vòng khắp xứ để đem lại thanh bình. Toàn vùng, với đồng, núi và thung lũng xuất hiện với ngài như cảnh quan chung quanh của cõi Cực Lạc, tuyên lưu giáo pháp. Điều này liên quan với cái thấy của ngài về Maha-sukha (Đại Lạc) Cakrasamvara bao quanh bởi các daka và dakini nhảy múa. Về sau, được gợi ý bởi đức Kim Cương Maha-kala mặc-áo- choàng-đen, vị thần sau đó trở thành vị hộ pháp chánh cho phái Karma Kagyu, Karma Pakshi đã xây một tu viện mới trong vùng Shazchok Pungri xứ Kham.
Trong một linh kiến khác, Karma Pakshi được một dakini chỉ dạy, nên phát triển sự tán ca tập thể Sáu chữ chân ngôn của Quán Thế Âm, hiện thân của tâm Đại Bi giác ngộ. Karma Pakshi và các tăng của ngài ca hát thần chú này mỗi khi đi du hành. Từ lúc ấy trở đi, sự tán ca tập thể Lục Tự Đại Minh chân ngôn trở thành một phần quan trọng trong sự hành trì tôn giáo đại chúng ở Tây Tạng.
Karma Pakshi ở lại tu viện mới của ngài trong mười một năm, dấn thân vào sự thực hành thiền định một cách mãnh liệt. Danh tiếng về năng lực tâm linh của ngài vang xa đến xứ Jang và Trung Hoa. Nhờ điều phục được năng lực của bốn đại, Karma Pakshi làm yên bình ngoại cảnh. Điều này được xác nhận qua lời cam kết của sơn thần Dorje Paltseg luôn luôn hộ trì cho dòng Karma Kagyu.
Sau đó, Karma Pakshi viếng thăm tu viện Karme Gon đang ở trong tình trạng sụp đổ. Ngài xây dựng lại như cũ. Thế rồi, được gợi ý bởi Mahakali, Karma Pakshi du hành đến Tsurphu và tiếp tục công việc tái tạo. Sáu năm sau, ngài đến vùng Tsang ngang qua hồ Namtsho, nơi đây ngài có được một kho tàng để trả lại những món nợ đã vay trong suốt thời gian tái tạo tự viện.
Năm 1251, ngài được hoàng tử Kublai đang coi giữ vùng biên giới Hoa-Tạng mời viếng thăm. Ngài đi thăm triều đình Wu- tok và đến đấy vào năm 1254, sau khi được chào đón bởi một đạo binh ở Serta trên đường đi.
Ngài ý thức rõ về sự quan trọng của cuộc viếng thăm này đối với tiền đồ của phái Kagyu và có nhiều linh kiến về điều này sau khi đến triều đình. Ngài được tôn vinh bởi Kublai Khan, ông này muốn ngài biểu lộ năng lực tâm linh cho các vị thầy của tôn giáo khác. Ngài chiều theo và chinh phục ông bằng một sự nhã nhặn đến nỗi mọi người đều nhận ra sự vĩ đại của ngài. Hoàng đế Khan này xin ngài ở lại luôn tại triều đình, nhưng ngài từ chối, vì thấy trước sự rối ren về quyền lợi ở triều đình.
Vào thời gian này, phần còn lại của Trung Hoa nằm dưới sự cai trị của Mongka Khan, con trai trưởng của Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn), người đã phế bỏ em họ mình là Godin. Mongka Khan khôn khéo kiểm soát em mình là Kublai. Lúc ấy phái Sakyapa đã lan rộng suốt Trung Hoa, nhờ vào sự truyền bá của Sakya Pandita (1182 -1251) và cháu là Phakpa (1235-1284).
Được hướng dẫn bởi Quán Thế Âm và Mahakala, ngài quyết định du hành đến miền bắc Tây Tạng. Dù có sự tức giận của Kublai Khan vì đã từ chối ở lại, ngài đi đến vùng biên giới Hoa- Tạng. Khi ngài đến xứ sở bị rung chuyển bởi một cơn bão, mà Karma Pakshi nhận ra là sự biểu lộ của Kim Cương Mahakala mặc-áo-choàng-đen. Ngài cũng có một linh kiến về Vaisravana, vị thần của sự thịnh vượng, vị này yêu cầu ngài ở lại Minyak để lập một chùa mới.
Năm 1256, ngài đến Amdo tây bắc Tây Tạng, ở đây, nghe được rằng Mongka Khan đã truất phế em là Kublai và hiện là người cai trị tối cao của Mông Cổ và phần lớn Trung Hoa. Lúc ấy, Mongka Khan mời ngài trở lại Trung Hoa để giáo hóa. Lời mời được chấp nhận và Karma Pakshi trở lại Trung Hoa, đi xuyên qua vùng Minyak một lần nữa. Trong một linh kiến, ngài được đức Tara màu đỏ bảo nên đến triều đình Mongka Khan ở Liang Chou. Thời gian này, sự truyền bá sâu rộng giáo pháp của ngài được thấy rất rõ. Ở triều đình Mongka Khan, ngài đã làm dứt sự xáo động vừa ngoại cảnh vừa xã hội bằng hoạt động bi mẫn của mình.
Ngài đến triều đình khi bắt đầu mùa đông. Vị Khan đánh dấu sự kiện này bằng lễ đại xá và ngài đã biểu lộ tâm Đại Bi tỏa sáng của Quán Thế Âm bằng cách ban phát nhiều lễ thọ pháp và dạy dỗ. Vị Khan trở thành một đệ tử nồng nhiệt và Karma Pakshi khám phá ra rằng thật ra ông ta đã từng tu học với vị Karmapa đầu tiên, Dusum Khyenpa, trong đời trước của ông và đã thực hiện được sự thành tựu Đại Ấn như chính Karma Pakshi.
Để hiển lộ phương tiện thiện xảo rực rỡ về giáo pháp, ngài đã mời rất nhiều các đạo sĩ Lão giáo hay ganh tị đến từ Shen Shing, Tao Shi và Er Kao để tranh luận. Tuy nhiên, không ai bằng ngài và tất cả họ đều tiếp nhận lời dạy của ngài.
Ở triều đình Alaka, ngài truyền pháp cho vị Khan và các đệ tử khác về sự thực hành Cakrasamvara. Mongka Khan thực hành sự chỉ giáo của ngài chính xác đến nỗi ông có thể quán tưởng vị yidam trong từng chi tiết hoàn hảo. Về sau, qua năng lực thiền định của ngài, một thị kiến về Saraha và tám mươi tư vị thánh Mật thừa khác xuất hiện trên bầu trời và tồn tại trong suốt ba ngày. Sức mạnh giáo huấn của ngài đã cắt đứt sự đam mê của vị Khan vào chính trị, giúp ông hiện thực được Đại Ấn.
Ảnh hưởng của Karma Pakshi rải rộng khỏi cung đình và có hiệu lực sâu xa đến nền văn hóa Hoa-Mông. Ngài tiếp tục tiến trình bắt đầu bởi Sakya Pandita. Một ví dụ cho điều này là, ngài đã khuyên mọi Phật tử Mông Cổ không ăn thịt vào những ngày trăng. Tương tự, người không phải Phật tử cũng được khuyên giữ giới luật riêng của tôn giáo họ vào những ngày này. Thập Thiện đã được đức Thích Ca tuyên thuyết được ngài nhấn mạnh như là nền tảng đạo đức cá nhân và xã hội. Công việc của ngài cho sự lợi lạc của dân chúng thật là mãnh liệt. Ví dụ trong mười ba dịp khác nhau, các tù nhân được tha do sự yêu cầu của ngài. Dù uy tín cá nhân, ngài không tìm cách cho phái Karma Kagyu có ưu thế so với các truyền thống Phật giáo khác, mà yêu cầu vị Khan nâng đỡ tất cả.
Tiếp đó, vị Khan mời vị thầy của mình đi một vòng vương quốc. Ở Karakorum, thủ đô Mông Cổ, ngài có một đối thoại thân mật với đại diện các tôn giáo khác. Phái đoàn đi đến biên giới Hoa-Mông và đến Minyak. Tới đây, cảm hứng bởi sự nhớ tưởng Dusum Khyenpa, ngài quyết định trở về Tây Tạng. Mongka Khan muốn mời Thầy mình theo mình đến Mãn Châu, nhưng ngài từ chối, chỉ ra tính vô thường của mọi tình huống. Vị Khan không dám giữ ngài lại, nhưng bảo đảm cho ngài qua mọi miền đất nước Mông Cổ.
Tuy nhiên, vào năm con Cọp Kim, khi ngài trở về Tây Tạng, xáo trộn xảy ra ở Trung Hoa sau cái chết của Mongka Khan. Đầu tiên, Alapaga, con trai của vị Khan quá cố, thiết lập quyền bính mặc dù vài tộc trưởng Mông Cổ ủng hộ đối thủ là chú của ông, tức Kublai Khan. Kublai Khan nắm quyền rất nhanh sau đó, và Alapaga bị giết, người ta đồn đại rằng, do huyền thuật của một học trò của Lạt ma Zhang của phái Tsalpa Kagyu.
Lúc này, Karma Pakshi hỗn lại chuyến trở về vì cuộc nội chiến, có một thị kiến cần phải dựng một tượng Phật khi về Tây Tạng. Tuy nhiên, ngài ý thức rõ ràng sự khó khăn cho dự định ấy. Con đường vượt qua các cản trở này được phát lộ cho ngài trong một giấc mơ, ngài thấy một con ngựa trắng cứu ngài thoát khỏi nguy hiểm. Ngài làm một bài tán ca trong đó ngài nói: “Con ngựa vô địch này cũng giống như một con chim thần. Ta là con người vô địch, như Cồ Đàm Tất Đạt Đa. Bởi thế, chúng ta sẽ vượt qua thời vận hiểm nghèo này.”
Ngài nghe tin rằng Kublai Khan, được triều thần xúi dục, đang thù oán ngài. Vị Khan này cảm thấy bị ngài xem thường, ngài đã ủng hộ cho đối thủ của mình và em mình là Mongka Khan, nên định ám sát ngài.
Đám lính của vị Khan mới lên ngôi này bắt giữ ngài, làm nhục và hành hạ ngài bằng cách đốt, cho uống thuốc độc, ném xuống ghềnh đá, nhưng trước sự đối xử thô bạo này ngài biểu lộ tâm Đại Bi của Quán Thế Âm và sự tự do bản nhiên của một đại thành tựu giả. Sự chứng ngộ bản tính không sanh không diệt của tâm khiến các người bắt giữ không làm gì được ngài. Ngài lại biểu lộ lòng bi mẫn rộng lớn cho sự bất lực của họ.
Những biến cố này bắt buộc Kublai Khan phải xét lại thái độ của ông đối với ngài. Thay vì giết hại, ông cho ngài đi đày. Ông định làm hại sức khỏe của ngài bằng cách gởi ngài đến một vùng hẻo lánh gần biển ở đó chỉ có ít người có thể thọ giáo. Trong vài năm, ngài dùng thì giờ để viết luận và dần dần hồi phục. Kublai Khan trở nên khoan thứ và tạ lỗi, yêu cầu ngài ở lại với ông. Khi ngài trả lời ông ngài phải trở về Tây Tạng, vị Khan chấp thuận và nói: “Xin hãy nhớ đến tôi, cầu nguyện cho tôi và ban phước cho tôi. Ngài hoàn toàn tự do để ra đi và dạy Pháp bất cứ nơi đâu ngài muốn.”
Karma Pakshi trở lại Tsurphu sau một cuộc hành trình dài và khởi công tạo tượng Phật. Tượng bằng đồng, được đặt tên là: “Bậc Đại Thánh, sự trang nghiêm cho thế giới,” cao năm mươi lăm feet và chứa xá lợi của Phật cùng các đệ tử. Khi hoàn thành, tượng bị nghiêng một bên. Thấy thế, ngài nhập định, nghiêng thân mình cùng một kiểu với bức tượng. Và khi thẳng người lại, tượng cũng đứng thẳng lại theo.
Trước khi tịch vào năm 1283, ngài truyền dòng cho đại đệ tử là Urgyenpa. Ngài báo cho Urgyenpa rằng lần tái thế tới của ngài sẽ ở miền tây Tây Tạng.
Karma Pakshi vừa là một bậc thánh Mật thừa sâu xa vừa là một học giả. Năng lực những lời dạy của ngài đã gây cảm hứng cho rất nhiều người viễn du trên con đường tâm linh. Cùng với Urgyenpa, các đệ tử nổi tiếng của ngài là Maja Changchub Tsondru, Nyenre Gendun Bum và Mongka Khan.