PHỤ LỤC
PHỤ LỤC (A): DÒNG SHAMAR
HẬU THÂN
Thứ I TRAKPA SENGE (1283-1349)
Thứ II KHACHODWANGPO(1350-1405)
Thứ III CHOSPAL YESHE (1406-1452)
Thứ IV CHOSKYI TRAKPA (1453-1524)
Thứ V KUNCHOK YENLAK (1525-1583)
Thứ VI CHOSKYI WANGCHUK (1584-1630)
Thứ VII YESHE NYINGPO (1631-1694)
Thứ VIII PALCHEN CHOSKYI DODRUP (1695-1732)
Thứ IX KUNCHOK JUNGNES (1733-1741)
Thứ X MIPHAM CHOSDRUP GYAMTSO (1742-1792): (Không có sự công nhận vì lý do chính trị, cho đến: )
Thứ XI JAMBYANG RINPOCHE (1880-1947)
Thứ XII TINLAY KUNCHUP (1948-1950)
Thứ XIII CHOSKYI LODRU (1952- )
CÁC HẬU THÂN SHAMAR
(Các Lạt ma “Mũ đỏ” Karma-Kagyudpa)
(1)
Vị Tulku Shamar đầu tiên, TRAKPA SENGE, sanh năm con Cừu cái Thủy (1283) ở Pompor Gang, bên bờ sông Shel xứ Kham, miền đông Tây Tạng. Một buổi sáng vào năm bốn tuổi, ngài thấy một linh kiến về vị Hộ pháp thành tựu Desheg Thangpa và nữ thần Tara, và nhận được các sự nhập đạo quan trọng từ các vị này.
Năm lên sáu tuổi, ngài đã có tiếng là một người thấy được quỷ thần và thường diễn tả cho người khác các hình dáng lạ lùng của các vị thần hộ mạng và hộ pháp. Cha mẹ ngài lo âu về điều này và đem ngài đến gặp Lạt ma Lodru Trakpa, với hy vọng giải trừ được các ảnh hưởng quấy rối. Vị Lạt ma hỏi đứa bé về những điều em thấy và được tả một cách rất chi tiết về vị Thần Kim Cương thừa là Hayagriva và Mạn đà la kèm theo. Nhận ra năng khiếu tri giác tiềm ẩn nơi đứa bé, vị Lạt ma khuyên nên cho đứa bé xuất gia, nói rằng nó sẽ trở thành một vị đại Lạt ma, như thế sẽ làm lợi ích cho Phật pháp.
Đứa bé được thọ giới làm tăng, và học với Lạt ma Trakpa và Lopon Gyal Je. Năm mười bảy tuổi, ngài gặp Rangjung Dorje, vị Karmapa thứ ba, theo ngài đến tu viện Tsurphu và nhận giáo huấn từ ngài Karmapa. Rồi ngài đến đại học viện Sang Phu Neutok, ở đó hoàn tất học vấn. Ngài nhanh chóng trở nên nổi tiếng như một học giả và một bậc thầy về tranh luận.
Năm hai mươi tư tuổi, ở Dechen Teng, ngài gặp lại Karmapa và nhận được toàn bộ giáo huấn, gồm cả Sáu Yoga của Naropa.
Trong hai năm ngài ẩn tu trong một hang động. Ở đấy trong khi thực hành Yoga Giấc Mộng ngài có một thị kiến về Ranjung Dorje, bảo ngài nên bắt đầu xây một trung tâm thiền định. Vị hộ pháp Mahakala cung cấp mọi chi tiết về vị trí, và nó được xây dựng ở Nesnang. Việc xây dựng nhanh chóng được hoàn thành và trong một thời gian ngắn. Shamar Trakpa Senge có khoảng hai mươi lăm đệ tử, họ thực hành thiền định ở đó. Thế rồi ngài trở lại hang và để hết thì giờ còn lại của đời mình cho việc thiền định.
Ngày 12 tháng 2 năm con Bò cái, ngài ra đi giữa những điềm lành, vào năm sáu mươi bảy tuổi. Các đệ tử cao cấp nhất là Yagde Panchen và Tokden Gon Gyalwa. (1283-1349)
(2)
Vị Tulku Shamar thứ hai, KHA CHOD WANGPO, sanh năm con Cọp đực Kim (1350) ở Chema Lung vùng Chang Namshung, bắc Tây Tạng. Bảy tháng tuổi, Karmapa Rolpe Dorje xuất hiện trong một thị kiến và nói:
Hoa đã có, mà chưa nở
Hãy đợi đúng thời, vì ngươi còn là người
Thiện căn thay nhà ngươi, hãy đợi ít lâu nữa
Và ta sẽ dạy cho ngươi trở thành hoàn thiện!
Rồi Karmapa búng ngón tay trong không khí và từ lúc đó, đứa bé có thể nhớ lại mọi chi tiết của đời trước và bắt đầu nói cho người khác rằng em là hậu thân của Trakpa Senge.
Mười bốn tháng, em đã thuyết pháp và ba tuổi đã cho những giáo huấn đặc biệt. Danh tiếng nhanh chóng lan truyền đến tai các người hầu và đệ tử của Tulku Shamar trước kia. Họ đến thăm và tức khắc nhận ra em như là hậu thân mới. Rồi em được đem đến tu viện Kampo Nesnang, ở đó em được đưa lên ngôi vị.
Năm bảy tuổi, khi ngang qua một dòng sông, ngài gặp Karmara Rolpe Doje, vị Karmara dạy ngài toàn bộ Mahamudra, sáu pháp Yoga và giáo huấn phái Kagyupa. Từ Khenpo Dondrup Pal, ngài nhận tiểu giới và đại giới. Hoàn tất việc học, ngài du hành đến nơi hành hương xứ Tsari ở đây ngài có một thị kiến tốt lành về thành tựu giả Dombhi Heruka. Về sau ngài nhận chiếc Mũ Đỏ từ Gyalwa Karmapa công nhận cho sự thành tựu vĩ đại của ngài và như là biểu tượng chức vụ ngài là một bậc thầy.
Shamar Kha Chod Wangpo nhận ra hậu thân tiếp của Karmara là Debzhin Shegpa, và đưa lên ngôi vị ở tu viện Tsurphu, ở đây ngài truyền các giáo huấn cho Karmapa. Năm ba mươi bảy tuổi ngài dựng một trung tâm thiền định rộng lớn ở Gaden Mamo và nhanh chóng có ba trăm thiền giả tu hành ở đó. Ngài dấn thân vào sự hoàn thiện các giáo huấn bí truyền và có nhiều thị kiến về các Hộ pháp và Hộ thần, từ đó ngài nhận được nhiều lễ truyền pháp.
Ngày 29 tháng 7 năm con Chim cái Mộc (1405), ngài ra đi. Các đệ tử chính là Karmapa thứ năm, Lạt ma Kazhipa Rinchen và Sowon Rigpe Raldre. (1350-1405)
(3)
Vị Tulku Shamar thứ ba, CHOSPAL YESHE, sanh ngày 14 tháng 2 năm con Chó đực Hỏa (1406) ở Trang Do của tỉnh Kongpo nam Tây Tạng. Khi còn trong bụng mẹ, người ta đã nghe những tiếng niệm thần chú “Mani” và khi sanh có vài mống cầu vồng hình cái dù trên nóc nhà. Dưới bàn chân có một chữ Mông Cổ “Gyel” (có nghĩa là Chiến Thắng). Ngài tức thời được công nhận như là hậu thân của Shamarpa, và được vài đệ tử kiếp trước nhận ra. Mọi chi tiết tiên tri đều phù hợp chính xác với hoàn cảnh đứa bé sanh ra, bởi thế em được đưa đến Taktse, trên đường đi, ngang qua trung tâm thiền định Gaden Mamo.
Năm lên sáu, ngài leo lên ngọn núi Wonpo hùng vĩ, là chỗ trú ngụ của một Thần Hộ pháp quan trọng. Ngày 3 tháng 10 năm 1413, lúc tám tuổi, ngài gặp Karmapa Debzhin Shegpa ở Pang Dor và cùng trở về Taktse.
Ngày 10 tháng 11 năm ấy, ngài nhận giới Sa di từ Karmapa và được chỉ dạy các giáo huấn. Về sau, ngài công nhận và đưa lên ngôi vị Karmapa mới là Tongwa Donden và đem về tu viện mình. Từ Kenchen Sonam Zangpo ngài nhận giới Tỳ Kheo.
Yeshe Ridzin ban cho ngài vài giáo huấn quan trọng và người đệ tử của ngài ở kiếp trước Sowon Rigpe Raldre cũng làm thế. Hoàn tất mọi học vấn, ngài bắt đầu đi giảng dạy. Là một Lạt ma sắc sảo, ngài có nhiều đệ tử. Sau nhiều năm hòa truyền chánh pháp ngài ra đi vào ngày 4 tháng 10 năm con Khỉ Thủy (1452) ở tuổi bốn mươi bảy. Có nhiều cầu vồng hiện ra bên trên và hoa rơi xuống từ trời. Các đệ tử cao cấp nhất là Jampal Zangpo, Gelong Zhonu Pal sử gia và Ngampa Chatrel. (1406-1452)
(4)
Vị Tulku Shamar thứ tư, CHOSKYI TRAKPA, sanh ngày 3 tháng 3 năm con Chim Thủy (1453) ở Kangmar xứ Domed, miền đông Tây Tạng. Trong đêm ngài sanh ra dân chúng trong vùng thấy hai mặt trăng trên bầu trời. Khi sanh ra ngài nói cho quyến thuộc chung quanh rằng ngài biết Gyalwa Karmapa.
Năm bảy tuổi, ngài được đưa đến tu viện Kangmar và ở đây ngài đi thẳng đến ngai và ngồi lên đấy. Các đệ tử trước kia trộn lẫn các cuốn sách và đặt chúng trước mặt ngài, nhưng ngài đã chọn ra tất cả mọi bản văn do các vị Karmapa viết và rồi sắp xếp các trang đúng thứ tự.
Shamarpa được mời đến Chang Mo Sar và đến đại tu viện Surmang, nơi ngài gặp Chos Trag Gyamtso, vị Karmapa thứ bảy. Buổi lễ Mũ Đen được cử hành để chúc phước cho ngài và ngài nhận được nhiều giáo huấn và các lễ truyền pháp. Năm mười hai tuổi ngài cử hành lễ Mũ Đỏ và được chính thức lên ngôi vị. Ngài có một thị kiến về nữ thần Sarawasti, vị thần dâng cúng ngài một trái cây Arura. Kết quả là ngài có thể học rất nhanh. Ngài đến Gaden Mamo, và thiền định sáu tháng. Năm con Cọp Kim (1470), lúc mười bảy tuổi, Shamar Tulku viếng thăm ngắn Mông Cổ và trên đường trở về ngài nhận mọi giáo huấn kết thúc từ Karmapa. Go Lotsawa Zhonu Pal, một vị đệ tử kiếp trước dạy ngài Sanskrit và các bản văn cổ.
Năm bốn mươi sáu tuổi, ngài trở thành vị pháp chủ tối cao của Tây Tạng. Ngài lập ra tự viện Gaden Mamo rộng lớn với một giảng đường có chín mươi tư cột trụ. Công trình bắt đầu ngày 2 tháng 3 năm 1488 và hoàn tất ngày 10 tháng 6 năm 1490. Năm năm mươi mốt tuổi, ngài xây dựng một tu viện lớn ở Jang Chen, phía bắc Tsurphu không xa, với bảy mươi hai cột trong giảng đường chánh. Công trình này bắt đầu ngày 19 tháng 4 năm 1503, hoàn thành trong tháng 2 năm 1504.
Năm con Khỉ (1524), ngày 25 tháng 12, Shamar Tulku ra đi, giữa nhiều điềm lành, vào bảy mươi hai tuổi. Các đệ tử chánh là Taklung Namgyal Trakpa, Zhalu Lotsawa và Drigung Ratna. (1453-1524)
(5)
Vị Tulku Shamar thứ năm, KUNCHOK YENLAK, sanh ngày 10 tháng 8 năm con Chim cái Mộc (1525) ở Gaden Kang Sar quận Kongpo. Khi sanh ra, nhiều hoa nở dầu đang giữa mùa đông. Vừa mới sanh ra, ngài đã ca thần chú Mani. Ngài được nhanh chóng công nhận là hậu thân mới và được Karmapa Mikyo Dorje đưa lên ngôi vị và bắt đầu truyền thụ cho.
Năm mười hai tuổi Shamar Tulku hoàn tất việc học. Đạt đến hoàn hảo trong thiền định, ngài thu hút nhiều đệ tử xuất sắc. Ngài công nhận vị Karmapa thứ chín Wangchuk Dorje, và cử hành lễ lên ngôi vị và những năm tiếp theo truyền cho các giáo huấn bí truyền.
Ngày 2 tháng 7 năm con Cừu cái Thủy (1583), vào năm năm mươi chín tuổi, ngài ra đi. Có nhiều điềm lành lạ thường trong lúc đó. Các đệ tử thân cận nhất là Karmapa thứ chín, Karma Tinlaypa, Drigung Chogyal Phuntsok và Taklung Kunga Tashi. (1525-1583)
(6)
Vị Tulku Shamar thứ sáu, CHOSKYI WANGCHUK, sanh ngày 3 tháng 9 năm con Khỉ đực Mộc (1584) ở Sholung. Có nhiều điềm lành xảy ra và còn rất nhỏ ngài đã là một đứa bé đáng chú ý. Karmapa Wangchuk Dorje công nhận ngài khi ngài năm tuổi và đưa lên ngôi vị ở Phật học viện Dvagspo Ling. Từ Karmapa ngài nhận các giáo huấn cao cấp và năm mười hai tuổi được xem là một hành giả lão luyện trong thiền định. Với Lạt ma Karma Tinlaypa ngài học Sanskrit và nhanh chóng thông thạo.
Ngày 11 tháng 7 năm con Rắn (1593), ngài lập trung tâm thiền định Thupden Nyingche Ling. Năm mười sáu tuổi, ngài hoàn toàn thông thạo Sanskrit và nổi danh là một học giả sâu sắc. Ngài viếng thăm học viện của mọi tông phái khác, tham dự nhiều cuộc thi cử và luận đạo và được công nhận là một trong những học giả vĩ đại của thời ngài. Ngài nhớ thuộc lòng ba mươi hai bộ kinh điển Phật giáo và trong một dịp quan trọng đánh bại phái Bonpo trong một cuộc tranh luận lớn.
Shamar Choskyi Wangchuk có vài thị kiến về Sakya Pandita và nhận được các giáo huấn quan trọng từ vị này. Ngài viết ra bài cầu nguyện hay đẹp với Sakya Pandita và với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Vị cai quản xứ Jyang mời ngài viếng thăm, và ngài đến, sửa chữa lại các sai lầm trong các kinh Kanjur của các tu viện. Ngài trao truyền giáo huấn Đại Ấn và thu hút nhiều đệ tử xuất sắc.
Ngài du hành đến đại tu viện Surmang, ban cho các giáo huấn và lễ truyền pháp cho các vị tăng và Lạt ma ở đó. Tiếp theo, ngài công nhận và đưa lên ngôi vị Karmapa thứ mười, Chos Ying Dorje. Rồi ngài hành hương đến Nepal. Đến thung lũng Kathmandu, ngài đi thẳng đến đại tháp Bodhanath, ở đó ngài được vua Laksminara Simha Malla tiếp kiến, nhà vua tôn vinh ngài và trao một vòng hoa. Gây ấn tượng cho các vị Bà la môn về sự hiểu biết về Sanskrit, ngài tranh luận các chủ đề giáo lý với họ và truyền bá chánh pháp ở Nepal. Vua Simha Malla gởi cho ngài một thớt voi lớn để cỡi. Ngài đến thăm đại tháp Swayambhu và xây bốn bàn thờ bằng vàng ở bốn phương, thay vì một mái vàng để che như dự kiến ban đầu. Cuộc viếng thăm tốt lành này vào năm 1640 được ghi lại nơi cổng vòm mặt nam của ngôi đền thờ.
Shamar Tulku trở về Tây Tạng, du hành ngược lên Yolmo bắc Nepal. Đi qua vùng nam Tây Tạng, ngài ban cho các lễ truyền pháp Lama’i Naljor cho dân chúng và giảng giải luật nhân quả của nghiệp báo. Ở Tashigang ngài gặp Gyalwa Karmapa, biếu tặng Karmapa một con chồn diệt rắn độc đem về từ Nepal và trao truyền các giáo huấn còn lại cho vị này.
Ngày 4 tháng 2 năm con Ngựa đực Kim (1630) Shamar Tulku trở bệnh. Các đệ tử xin ngài hỗn lại việc thị tịch cho đến khi Khedrup Karma Chagme đến, vị này còn phải nhận thêm vài giáo huấn quan trọng. Ngài làm ra một bức tượng nhỏ bằng đất sét của chính ngài, ban phước và làm phép (bức tượng này còn giữ ở tu viện Rumtek ở Sikkim và là vật sở hữu của ngài Shamar Tulku thứ mười ba hiện tại). Khedrup Karma Chagme đến kịp thời và nhận được các giáo huấn mong cầu. Rồi ngày 28 tháng 9 cũng năm ấy, vào buổi sáng, ngài ra đi. Có nhiều điềm lành xảy ra. Các đệ tử cao cấp là Karmapa thứ mười, Karma Mipham Tsewang Rabten (vị cai quản xứ Jyang) và Khedrup Karma Chagme. (1584-1630)
(7)
Vị Shamar Tulku thứ bảy, YESHE NYINGPO, sanh năm con Cừu cái Kim (1631) ở Golok bên bờ sông Machu, miền đông Tây Tạng. Karmapa thứ mười công nhận và đưa ngài lên ngôi vị đồng thời cũng ban cho các giáo huấn. Shamar Tulku viếng thăm Jyang và Lhasa, ở đó ngài học nhiều giáo pháp và nghiên cứu triết học. Từ Gyalwa Karmapa, ngài nhận toàn bộ giáo huấn và thực hiện hoàn mãn chúng.
Ngài công nhận Yeshe Dorje, vị Karmapa thứ mười một và đưa lên ngôi vị, trao quyền toàn bộ giáo huấn. Ngày 15 tháng 12 năm con Chó đực Mộc (1694), ngài ra đi. Đệ tử cao cấp là Karmapa thứ muời một. (1631-1694)
(8)
Vị Shamar Tulku thứ tám, PALCHEN CHOSKYI DODRUP, sanh ngày 10 tháng 9 năm con Heo Mộc (1695) ở Yolmo Kangra miền nam Tây Tạng. Những cầu vồng trắng xuất hiện trên căn nhà khi ngài sanh ra. Còn là một em bé, ngài diễn tả mọi chi tiết về các đời trước và liệt kê các tu viện dưới quyền mình. Danh tiếng của đứa bé kỳ lạ loan truyền nhanh chóng và Gyalwa Karmapa gởi một phái đoàn đến thăm. Lập tức, ngài được công nhận là vị Shamarpa mới.
Vua Nepal (vua Bhaskara Malla ở Kathmandu, 1700-1714) cực lực tôn vinh ngài và một vị Yogini tên là Zitapuri tiên đoán rằng ngài sẽ trở thành một thành tựu giả. Năm lên bảy, ngài rời bỏ Nepal và du hành đến chùa Tagna ở miền tây Tây Tạng, ở đây ngài rất được trọng vọng và được hộ tống về Tsurphu. Karmapa đưa ngài lên ngôi vị và ban cho nhiều giáo huấn. Chính phủ Tây Tạng chính thức cho ngài quyền lưu lại trong xứ (ngài sanh tại Nepal và được xem như người ngoại quốc) và ngài giữ địa vị mình ở đại tu viện Yang Chen.
Shamar Choskyi Dodrup công nhận Situ Tulku thứ tám. Ngài nhận mọi giáo huấn từ Karmapa thứ mười một và vị sau này được công nhận là Karmapa thứ mười hai, Changchub Dorje. Ngài trở lại thăm Nepal rồi qua Trung Hoa với Karmapa. Ngài ra đi ở Trung Hoa vào ngày 2 tháng 11 năm con Chuột Thủy (1732), hai ngày sau sự ra đi của Gyalwa Karmapa. Đệ tử cao cấp nhất là Situ Tulku thứ tám. (1695-1732)
(9)
Vị Shamar Tulku thứ chín, KUNGCHOK JUNGNES, sanh năm con Bò cái Thủy (1733) và được Situ Tulku công nhận và đưa lên ngôi vị. Situ Tulku đã từng là đệ tử của ngài trong kiếp trước. Chánh quyền Gelugpa đã ban hành một đạo luật cấm bất kỳ ai tiên đoán hoặc tôn ngôi cho bất kỳ hậu thân Shamar nào, nhưng Situ Tulku chống lại luật lệ ấy giữa Thượng viện và đã thắng cuộc.
Lạt ma Khatog Rigdzin Chenmo đã tiên đoán rằng nếu lễ lên ngôi vị được cử hành ở chùa Khatoggon xứ Kham thì đứa bé sẽ sống lâu. Không may vị Lạt ma chết, và các Lạt ma khác của chùa từ chối, không cho Situ Tulku cử hành lễ ở đó vì sợ tu viện mình sẽ bị mất với phái Gelugpa. Shamar Tulku nhỏ tuổi ra đi vào năm lên tám, năm con Chim cái Kim (1741), chỉ đã nhận yếu chỉ của các giáo huấn. (1733-1741)
(10)
Vị Shamar Tulku thứ mười, MIPHAM CHOSDRUP GYAMTSO, sanh năm con Chó Thủy (1742) ở Tashi Tse tỉnh Tsang. Ngài sanh làm em của Panchen Rinpoche, Lobzang Palden Yeshe (1738-1780), và được công nhận bởi Karmapa thứ mười ba và Situ Tulku thứ tám.
Từ Situ Tulku ngài nhận sơ giới và đại giới, và mọi giáo huấn được truyền cho ngài. Sau này ngài công nhận Situ Tulku thứ chín và dạy cho mọi thứ. Shamar Tulku để nhiều năm làm sống lại Chánh pháp ở Tây Tạng và rồi hành hương qua Nepal.
Trong khi ngài đang ở Nepal, chiến tranh xảy ra giữa xứ này và Tây Tạng. Ở Lhasa, một tổng trưởng có thế lực của phái Gelugpa là Tagtsag Tenpai Gonpo, ý thức được cơ may chính trị và tố cáo rằng Shamar Tulku xúi giục chiến tranh với Nepal. Ông tịch thu đại tu viện Yang Chen của Shamarpa và một lệnh được chính phủ thông qua tuyên bố rằng mọi chùa của Shamarpa phải trở thành phái Gelugpa và ngài sẽ không tái sanh lại nữa. Chiếc Mũ Đỏ để làm lễ được chôn dưới nền chùa của Shamarpa ở Lhasa và công trình này trở thành một nhà nghị viện. Thật ra Shamar Tulku cố gắng hòa giải với người Nepal và ngài thăm Nepal chỉ vì lý do hành hương. Ngài trao tặng một chuông lớn cho tháp Swayambhu ở Kathmandu (hiện vẫn còn) và ra đi ở Nepal vào năm năm mươi tuổi. Ngài có nhiều đệ tử quan trọng. (1742-1792)
Ghi chú: Từ lúc Shamar Tulku thứ mười ra đi vào năm 1792 cho đến cuối thế kỷ thứ mười chín không có vị Shamarpa nào được chính thức công nhận. Nếu không như thế sẽ lãnh chịu sự giận dữ của các viên chức nhà nước của phái Gelugpa, họ đã tịch thu tất cả tu viện và tài sản của Shamar Tulku. Lời bình luận của đức Karmapa thứ mười sáu Gyalwa Karmapa về giai đoạn này:
“Phước đức càng ngày càng giảm sút, có nhiều sự can thiệp của chính trị. Đen bị thành trắng. Thật trở nên giả. Trong thời gian ấy không có thích hợp để có bất kỳ vị Shamarpa nào được công nhận và lên ngôi. Mọi sự việc đều giữ kín. Các hậu thân vẫn xuất hiện, nhưng không được khám phá.”
(11)
Vị Shamar Tulku thứ mười một, JAMBYANG RINPOCHE, sống hầu hết ở miền bắc Tây Tạng. Ngài là con của Karmapa Kha Chab Dorje nhưng âm thầm không được biết. Ngài thực hành thiền định trong các vùng xa vắng, nhận các giáo huấn và lễ truyền pháp, nhưng không hề tham dự vào đời sống tu viện. Ngài trở thành hoàn hảo như là một thành tựu giả, để lại dấu chân trên những tảng đá ở Shawa Trak, bắc Tây Tạng. Ngài là một Lạt ma rất thánh thiện và ra đi vào năm 1947, nhưng chỉ ít người biết. (1895-1947)
(12)
Vị Shamar Tulku thứ mười hai, TINLAY KUNCHAP, sanh ngày 1 tháng 1 năm con Cọp đực Kim (1948). Ngài được công nhận bởi Karmapa thứ mười sáu và ở tu viện Tsurphu. Ngài ra đi vào lúc một năm hai tháng tuổi. (1948-1950)
(13)
Vị Shamar Tulku thứ mười ba, CHOSKYI LODRU, sanh ngày 3 tháng 8 năm con Rồng đực Thủy (1952) ở lâu đài Athup xứ Derge, miền đông Tây Tạng. Trước khi ngài sanh, Situ Tulku thứ mười một đã tiên báo rằng một trong những hậu thân cao cấp nhất của phái Kagyu sẽ sanh tại đó. Khi ngài sanh ra, bầu trời đầy cầu vồng, một cái làm thành hình cái lều ngay trên lâu đài. Mọi nước trong vùng biến thành trắng sữa, báo hiệu cho dân chúng biết một cuộc đản sanh kỳ diệu. Ở tu viện cổ Yang Chen của các vị Shamarpa có một pho tượng Bồ tát Hộ Pháp cưỡi một con ngựa. Vào thời điểm ngài Shamar Choskyi Lodru ra đời, con ngựa đã khạc ra vài miếng xương cừu. (Sau khi tu viện bị sung công, các miếng xương này được đặt trong mõm ngựa.)
Lúc sáu tuổi, em bé được đưa đến tu viện. Người bảo mẫu cõng ngài trên lưng, đi vòng quanh lâu đài, thình lình ngài chỉ vào những Lạt ma và các vị tăng đi từ phía cửa tây đến và nói: “Đây là các vị Lạt ma và các tăng sĩ của tôi.” Họ là người đến từ tu viện Yang Chen.
Vị Gyalwa Karmapa thứ mười sáu xác nhận đây là hậu thân mới của Shamarpa nhưng vì luật của các nhà lãnh đạo phái Gelugpa, cấm nhận ra các hóa thân của Shamar nên ngài không tiết lộ sự kiện này một cách công khai. Trước khi rời Tây Tạng, cậu bé được bí mật đưa tới tu viện Yang Chen, ở đây cậu chỉ ra các bức tượng của những hóa thân trước của mình và mô tả những sự kiện của mỗi lần tái sanh đó. Khi chín tuổi, Shamar Tulku được vị Gyalwa Karmapa đương nhiệm đưa đến Sikkim. Karmapa đã thảo luận về sự nhìn nhận của ông với đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Đạt Lai Lạt Ma trắc nghiệm bằng thiền định và bằng giấc mơ, có được kết quả hữu lý. Đặt ra ngoài mọi sự can thiệp chính trị trong quá khứ, đức Đạt Lai Lạt Ma cho phép phục hồi tước danh của Shamar Tulku.
Một tháng trước dự kiến tôn phong ngài Shamar Tulku, ngài đi với người anh, Jigme, viếng thăm Dharamsala và được diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn đương nhiệm, người đã xác quyết sự phục hồi chính thức của ngài. Sự việc được xếp đặt không bị sự phản đối nào. Vào ngày 15 tháng 4 năm con Rồng Mộc (1964), Shamar Tulku Choskyi Lodru tái sanh thứ mười ba, được tôn phong bởi Ngài Karmapa trong tu viện cũ Rumtek ở Sikkim. Ngài hiện đang theo học với đức Gyalwa Karmapa ở tu viện Rumtek mới. Lúc này ngài hai mươi mốt tuổi (1972).
PHỤ LỤC (B): DÒNG SITU
HẬU THÂN
Thứ I CHOSKYI GYALTSEN (1377-1448)
Thứ II TASHI NAMGYAL (1450-1497)
Thứ III TASHI PALJOR (1498-1541)
Thứ IV CHOSKYI GOCHA (1542-1585)
Thứ V CHOSKYI GYALTSEN PALZANG (1586-1657)
Thứ VI MIPHAM CHOGYAL RABTEN (1658-1682)
Thứ VII NAWE NYIMA (1683-1698)
Thứ VIII CHOSKYI JUNGNES (1700-1774)
Thứ IX PADMA NYINGCHE WANGPO (1774-1853)
Thứ X PADMA KUNZANG CHOGYAL (1854-1885)
Thứ XI PADMA WANGCHUK GYALPO (1886-1952)
Thứ XII PADMA DONYO NYINGCHE WANGPO (1954-)
CÁC HÓA THÂN CỦA DÒNG SITU
(Phái Mũ Đỏ Karma-Kargyudpa)
Trước khi có vị Situ Tulku đầu tiên, dòng được thành lập bởi ba vị đại sư Yogi:
(1)Drogon Rechen (1088-1158)
(2)Naljor Yeshe Wangpo (1220-1281)
(3) Rigowa Ratnabhadra (1281-1343)
Drogon Rechen sanh tại Nyamo Shung ở Yarlung, miền nam Tây Tạng. Khi còn bé, vầng cầu vồng thường được thấy trên đầu cậu. Lúc chín tuổi, đi học xa với thầy Drogompa. Cậu nhận được những giáo huấn về nội hỏa và nhập môn pháp Chakra-samvara. Cậu có một linh kiến về Dusum Khyenpa, vị Karmapa thứ nhất, và được ngài dạy những giáo huấn bằng một phương pháp bí truyền. Những điều này ngài đã truyền đạt cho Gyalsay Bom Trakpa. Sau một đời đắm chìm trong thiền định, ngài ra đi ở tuổi bảy mươi. Có rất nhiều điềm lành hiện ra. Dòng thiền của ngài đã truyền lại cho ngài Naljor Yeshe Wangpo và chuyển tiếp đến Rigowa Ratnabhadra.
(1)
Vị Situ Tulku đầu tiên, CHOSKYI GYALTSEN, sanh tại miền Karma Gon. Ngài trở thành môn đồ của Debzhin Shegpa, Karmapa thứ năm và từ vị này, ngài được nhập môn và dạy dỗ toàn bộ Đại Ấn. Ngài đã hoàn thiện các giáo lý và du hành đến Trung Hoa với Karmapa. Hoàng đế Trung Hoa Tai Ming Chen (Yung Lo) phong tặng danh hiệu danh dự Tai Situ cho ngài. Ngài đã trải qua phần lớn cuộc đời trong thiền định nơi hang sâu và là một Lạt ma sâu sắc. (1377-1448)
(2)
Vị Situ Tulku thứ hai là ngài TASHI NAMGYAL, sanh trong gia đình hoàng tộc ở Tây Tạng và được ngài Thongwa Donden, vị Karmapa thứ sáu tìm thấy. Ngài được thầy tôn phong và trao cho toàn bộ giáo huấn. Ngài là vị Lạt ma xuất sắc, trở thành vừa là bạn vừa là thầy của Chodrag Gyalsho, vị Karmapa thứ bảy. Ngài đã thăm viếng, giảng dạy và làm lễ nhập môn cho rất nhiều nơi ở Tây Tạng. Lúc ngài viên tịch, có rất nhiều điềm lành. (1450-1497)
(3)
Vị Situ Tulku thứ ba, TASHI PALJOR, được Karmapa thứ bảy tìm thấy, tuyên phong và trao cho toàn bộ giáo huấn. Ngài đã hoàn thiện chúng và sau đó ngài xác nhận vị Karmapa thứ tám, Mikyo Dorje. Ngài truyền thụ tất cả giáo huấn cho Karma Tinlaypa. Sau đó, ngài viên tịch tại Karma Gon. (1498-1541)
(4)
Vị Situ Tulku thứ tư, CHOSKYI GOCHA, sanh tại Tse Chu gần Surmang. Ngài được Mikyo Dorje, vị Karmapa thứ tám nhận ra và tôn phong. Từ vị thầy ngài đã nhận tất cả các giáo huấn. Sau đó ngài tìm ra Wangchuk Dorje, vị Karmapa thứ chín. Không bao lâu sau đó ngài viên tịch, có rất nhiều điềm lành. (1542-1585)
(5)
Vị Situ Tulku thứ năm, CHOSKYI GYALTSEN PALZANG, sanh năm con Chó Lửa đực (1586). Ngài được vị Karmapa thứ chín Wang-chuk Dorje nhận ra và giáo huấn. Ngài xây tu viện Yer Mo Che (với một trăm sáu mươi cột ở chánh điện) và được đức Karmapa tặng cho một Mũ Đỏ. Ngài viên tịch vào năm con Chim Hỏa (1657), có nhiều điềm lành tột bực. (1586-1657)
(6)
Vị Situ Tulku thứ sáu, MIPHAM CHOGYAL RABTEN, sanh tại Meshod. Ngài được vị Karmapa thứ mười, Chos Ying Dorje tìm ra và tôn phong. Ngài thi triển thần thôngï: treo cái y và chuỗi tràng hạt của ngài trên một tia nắng và để lại những dấu chân trên tảng đá. Ngài dành một ít thời gian để nghiên cứu tại các tu viện Tsurphu và Karma Gon. Ở đó, trí huệ sâu sắc và sự học uyên bác của ngài đã in sâu trong lòng mọi người.
Situ Tulku là một đại học giả tiếng Sanskrit, một chiêm tinh, một bác sĩ và là họa sĩ tài hoa. Ngài làm những Thangkas đẹp đẽ, và ngài cũng viết những bản “Sung Bum” (bảng tóm tắt về tất cả kiến thức). Ngài được vị Karmapa thứ mười truyền cho toàn bộ giáo huấn. Ngài báo trước chi tiết của sự tái sanh trong tương lai và rồi đến Ri Wo Cha Gang ở Trung Hoa, ở đó ngài viên tịch. Lúc đó có nhiều điềm lành. Môn đệ của ngài rất nhiều. (1658-1682)
(7)
Vị Situ Tulku thứ bảy, NAWE NYIMA, là con trai của gia đình hoàng tộc họ Ling. Ngài được nhận ra lập tức là một tái sanh và được nhận vào học tại một học viện của phái Sakya. Ngài viên tịch khi còn rất trẻ, chỉ mới nhận được điều cốt lõi của giáo huấn. (1683-1698)
(8)
Vị Situ Tulku thứ tám CHOSKYI JUNGNES, sanh tại tỉnh A-Lu Shekar. Lúc tám tuổi ngài được vị Shamar Tulku thứ tám, Palchen Choskyi Dodrup nhận ra và đem về tu viện Tsurphu để tấn phong. Từ Shamar Tulku, ngài nhận được tất cả các giáo huấn, các lễ nhập môn và nghiên cứu triết học và y học.
Situ Tulku du hành đến Lhasa, thời kỳ này Tây Tạng được cai trị bởi các Thượng Thư Ngagpho, Lumpa và Gya Rawa. Ngagpho mời ngài tiên tri, Situ tuyên bố rằng các Thượng Thư sẽ bị lật đổ và Ngagpho sẽ bị giết. Vào năm con Khỉ (1716) điều này đã xảy ra, Pho Lhawa Sonam Tobyal đã giết ông. Situ Tulku trở nên nổi tiếng ở Nepal.
Năm con Cừu Lửa cái (1727), ngài xây dựng đại tu viện Palpung ở miền đông Tây Tạng vào ngày 7 tháng 3. Ngài viếng thăm Jyang theo lời mời của người lãnh đạo. Ngài truyền đạt mọi giáo huấn cho Du Dul Dorje, vị Karmapa thứ mười ba và Shamar Tulku thứ mười. Ngài được công nhận là một học giả uyên bác và là nghệ sĩ xuất sắc.
Ngài viếng thăm Nepal trong một cuộc hành hương và được tôn vinh ở đó. Một lần, sau cuộc tranh luận với Pháp sư Jaya Mangola của xứ Kashmir, ông ta nói rằng ngài xứng đáng với bảy cái lọng theo tiêu chuẩn danh dự của Ấn Độ. Sau cuộc tranh luận về Luật và các vấn đề của Pháp với Pháp sư Prah-duma, ông ta cho rằng ngài phải được ban phúc bởi đức Shiva Shankara, vì đó là cách duy nhất ngài có thể thành tựu được sự quán chiếu và học vấn như vậy.
Situ Tulku trở về Tây Tạng và thuyết giảng khắp trong nước. Ngài dịch nhiều sách từ tiếng Sanskrit, gồm cả những sự cầu nguyện với Bồ tát Tara. Tấtù cả những giáo huấn quý báu ngài truyền lại cho nhiều môn đệ của mình. Sau đó, ngài viếng thăm Trung Hoa nhân lời mời của hoàng đế Chi’en Lung (1735-1796) và được tôn vinh trọng thể.
Ngài viên tịch trong khi thiền định ở tư thế hoa sen của đức Phật. Sau bảy ngày vùng ngực vẫn còn nóng và mùi trầm hương ngào ngạt xông khắp nơi. Các đệ tử nổi danh của ngài là Karmapa thứ mười ba và Shamar Tulku thứ mười, Drukchen Tinlay Shingta, Drigung Choskyi Gyalwa, Pawo Tsuklak Gyalwa, Druptop Chos Je Gyal, Khamtrul Choskyi Nyima và Lotsawa Tsewang Kunchap. (1700-1774)
(9)
Vị Situ Tulku thứ chín, PADMA NYINGCHE WANGPO, sanh tại Yilung ở tỉnh Khams miền đông Tây Tạng. Lúc năm tuổi ngài được tôn phong theo nghi thức và nhận tất cả giáo huấn từ Gyalwa Karmapa thứ mười ba và Shamar Tulku thứ mười. Ngài trải qua hầu hết cuộc đời đắm chìm trong thiền định và là một vị thầy, một học giả vĩ đại. Ở tuổi sáu mươi mốt ngài nhận sự nhập môn lần cuối và thực hành những điều đã học trong suốt mười tám năm sau. Ngài viên tịch lúc bảy mươi chín tuổi. Khi ấy, bầu trời đầy cầu vồng và có nhiều điềm lạ khác. Ngài đã xác nhận vị Jamgon Kongtrul Tulku đầu tiên là vị thầy của phái Karma-Kargyudpa. (1774-1853)
(10)
Vị Situ Tulku thứ mười, PADMA KUNZANG CHOGYAL, sanh tại Nam Tso ở tỉnh Chang, gần một cái hồ, vào năm con Hổ Mộc (1854). Nghi thức tôn phong ngài được cử hành bởi Karmapa thứ mười bốn, Theg Chog Dorje và Jamgon Kongtrul Tulku thứ nhất, Lodra Taye. Ngài đã trải qua toàn bộ cuộc đời để hoàn thiện các giáo huấn của dòng Kargyudpa và trở thành một Thành tựu giả. Ngài để lại nhiều dấu chân trên đá, và có thể đi ngay trên bề mặt dốc núi thẳng đứng. Lúc ngài viên tịch, có nhiều điềm lành tột bực. (1845-1885)
(11)
Vị Situ Tulku thứ mười một, PADMA WANGCHUK GYALPO, sanh năm con Chó Hỏa (1886) ở Li Thang, vào lúc đó có nhiều sự lạ và điềm lành tột bực. Sự tiên đoán của ngài Gyalwa Karmapa liên quan tới sự tái sanh của ngài được nhìn nhận hoàn toàn đúng. Năm lên bốn tuổi, ngài được vị Karmapa xác nhận và đưa về đại tu viện Palpung.
Từ vị Karmapa thứ mười lăm, Kha Chab Dorje, ngài đã nhận các thọ giới và giáo huấn. Jamgon Kongtrul Tulku cũng dạy dỗ và ban cho ngài sự truyền pháp và nhập môn. Sau đó, vị Situ Tulku khám phá và công nhận vị Gyalwa Karmapa hiện tại, ngài Ranjung Rigpe Dorje, hóa thân thứ mười sáu, và cử hành lễ tôn phong và thọ giới theo nghi thức cho ngài. Situ Tulku đã trao truyền toàn bộ giáo huấn và ban cho các lễ nhập môn, giải thích và truyền pháp cho vị Karmapa. Vào khoảng năm mươi tuổi, ngài thăm đại tu viện Sur-mang, tại đây ngài thi triển nhiều thần thông. Ngài trải qua phần đời còn lại để thiền định và giảng dạy cho nhiều đệ tử của ngài. Ở tuổi sáu mươi bảy, ngài viên tịch, có nhiều điềm lành. (1886-1952)
(12)
Vị Situ Tulku thứ mười hai, padma donyo nyingche wangpo, sanh năm con Ngựa Mộc (1954) tại Taiyul. Những chi tiết về sự ra đời của ngài hoàn toàn phù hợp với sự tiên đoán của vị đương nhiệm thứ mười sáu Gyalwa Karmapa. Ngài được đưa đến tu viện Palpung, tu viện được thành lập trong đời hóa thân thứ tám của ngài. Lễ tôn phong của ngài diễn ra tại đây bởi vị đương nhiệm Gyalwa Karmapa. Lúc đó rõ ràng là ngài nhận ra được tất cả các người hầu cũ và đồ đệ của ngài. Sau khi nhận lãnh tất cả sự nhập môn và truyền pháp theo tập tục, ngài rời Tây Tạng đến Bhutan vào thời điểm của sự di dân vĩ đại. Ngài đang theo học tại tu viện Rumtek mới ở Sikkim. Hiện ngài mười chín tuổi (1972).
PHỤ LỤC (C): DÒNG GYALTSAP
HẬU THÂN
Thứ I GOSHI PALJOR DODRUP (1427-1489)
Thứ II TASHI NAMGYAL (1490-1518)
Thứ III TRAKPA PALJOR (1519-1549)
Thứ IV TRAKPA DODRUP (1550-1617)
Thứ V TRAKPA CHOS YANG (1618-1658)
Thứ VI NORBU ZANGPO (1659-1698)
Thứ VII KUNCHOK OSER (1699-1765)
Thứ VIII CHOSPAL ZANGPO (1766-1820)
Thứ IX TRAKPA YESHE (1821-1876)
Thứ X TENPAL NYIMA (1877-1901)
Thứ XI TRAKPAGYAMTSO (1902-1959)
Thứ XII TRAKPA TENPAI YAPHEL (1960-)
CÁC HÓA THÂN CỦA DÒNG GYALTSAP
(Phái mũ cam Karma-Kargyudpa)
(1)
Vị Gyaltsap Tulku đầu tiên, GOSHI PALJOR DODRUP, sanh tại Yagde Nyewo. Từ vị Karmapa thứ sáu, ngài Tongwa Donden, ngài nhận được tất cả các giáo huấn và các lễ nhập môn và hoàn thiện chúng trong suốt cuộc đời mình. Ngài đã nhận ra, tôn phong và dạy dỗ vị Karmapa thứ bảy là ngài Chos Trag Gyamtso và ban cho ngài các sự thọ giới. Ngài đã sống một cuộc đời thánh thiện, viên tịch lúc sáu mươi ba tuổi (năm con Chó Thổ). Ngài đã tiên đoán rằng ngài sẽ có nhiều đệ tử kế tục. (1427-1489)
(2)
Vị Gyaltsap Tulku thứ hai, TASHI NAMGYAL, sanh tại Nyewo. Ngài được vị Karmapa thứ bảy, Chos Trag Gyamtso xác nhận và từ vị này ngài nhận được tất cả những sự nhập môn và giáo huấn. Vị Karmapa ban tặng ngài một Mũ Cam để công nhận những thành tựu cao vời của ngài. Là một vị Lạt ma xuất sắc, ngài đã tôn phong và truyền dạy cho Mikyo Dorje, vị Karmapa thứ tám. Khi ngài viên tịch, có nhiều điềm lành. (1490-1518)
(3)
Vị Gyaltsap Tulku thứ ba, TRAKPA PALJOR, được ngài Mikyo Dorje, vị Karmapa thứ tám xác nhận và truyền cho tất cả các giáo huấn. Ngài đã thực hành thiền định đến hoàn hảo và có những linh kiến về các vị Hộ pháp và các Bồ tát Thủ Hộ. Ngài đã viên tịch rất sớm trong khi xuất hiện nhiều điềm lành. (1519-1549)
(4)
Vị Gyaltsap Tulku thứ tư, TRAKPA DODRUP, được ngài Mikyo Dorje, vị Karmapa thứ tám xác nhận. Ngài nhận từ vị này nhiều sự nhập môn và giáo huấn. Vị thầy khác của ngài là Shamar Tulku thứ năm, Kunchok Yenlak. Ngài soạn một chú giải chi tiết các giáo thuyết về Bồ tát và chú giải khác về những giáo huấn Hevajra. Ngài là một Thành tựu giả và có nhiều đệ tử. (1550-1617)
(5)
Vị Gyaltsap Tulku thứ năm, TRAKPA CHOS YANG, sanh ở Tenchen Gar thuộc tỉnh Tsang năm con Rắn Hỏa (1617/18). Ngài được vị Shamar Tulku thứ sáu, Choskyi Wangchuk xác nhận. Ngài được vị này tấn phong và nhận tất cả các giáo huấn. Ngài dành hầu hết cuộc đời để thực hành thiền định thâm sâu. Dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, dòng Kargyudpa phải chịu đựng nhiều. Là người cùng thời với vị Đạt Lai Lạt Ma, ngài Gyaltsap Tulku có đủ năng lực để cai quản tu viện của ngài và nổi tiếng là một nhà ngoại giao lỗi lạc trong thời kỳ khó khăn. Ngài có nhiều đệ tử. (1618-1658)
(6)
Vị Gyaltsap Tulku thứ sáu, NORBU ZANGPO, sanh năm con Chuột Kim (1660) tại quận Gelthang thuộc tỉnh Jyang. Ngài là đứa trẻ xuất sắc và có thể giải thích tất cả chi tiết của những kiếp trước của ngài. Vị Karmapa thứ mười, Chos Ying Dorje đã tiên đoán nơi ở của ngài, xác nhận và tôn phong ngài lúc ba tuổi.
Gyaltsap Tulku nhận được tất cả các giáo huấn và trở thành một Đại Thành tựu giả. Cùng với Shamar Tulku thứ bảy, ngài xác nhận vị Karmapa thứ mười một, Yeshe Dorje. Ngài cũng dạy dỗ vị này. (1660-1698)
(7)
Vị Gyaltsap Tulku thứ bảy, KUNCHOK OSER, sanh tại Nyewo Chu Gor. Ngài được vị Karmapa thứ mười hai, Changchub Dorje công nhận và tôn phong. Ngài nhận tất cả giáo huấn từ vị này. Năm mười lăm tuổi ngài du hành đến tu viện Tsurphu và nhận sự thọ giới ở đó từ vị Situ Tulku. Shamar Tulku thứ tám, Palchen Chosky Dodrup, truyền lại những giáo huấn khẩu truyền cho ngài. Sau đó ngài hành hương đến thánh địa Tsari Tso Kar, ở đó ngài thiền định trong ba năm.
Gyaltsap Tulku du hành đến Nepal với Karmapa thứ mười hai, Shamar Tulku thứ tám và Situ Tulku thứ tám. Các vị đã cùng đi thăm viếng nhiều nơi hành hương và được dân chúng rất tôn kính. Sau chuyến đi này, các vị du hành sang Ấn Độ rồi trở về Tây Tạng. Sau khi tìm ra vị Karmapa thứ mười ba Du Dul Dorje, Gyaltsap Tulku viên tịch năm ngài sáu mươi tư tuổi, giữa nhiều điềm lành. (1699-1765)
(8)
Vị Gyaltsap Tulku thứ tám, CHOSPAL ZANGPO, đã góp phần trong việc xác nhận vị Karmapa thứ mười bốn, Theg Chog Dorje. Ngài là một Lạt ma xuất sắc và có nhiều đệ tử. (1766-1820)
(9)
Vị Gyaltsap Tulku thứ chín, TRAKPA YESHE là một Lạt ma xuất sắc. Ngài nhận được tất cả những giáo huấn và nhập môn. Khi viên tịch có nhiều điềm lành. (1821-1876)
(10)
Vị Gyaltsap Tulku thứ mười, TENPAI NYIMA, đã nhận tất cả những giáo huấn và hoàn thiện chúng trong suốt cuộc đời mình. Ngài là vị Lạt ma xuất sắc và có nhiều đệ tử kiệt xuất. (1877-1901)
(11)
Vị Gyaltsap Tulku thứ mười một, TRAKPA GYALTSO, nhận được tất cả các giáo huấn từ Karmapa thứ mười lăm, Kha Chab Dorje. Ngài có nhiều môn đệ. Lúc ngài viên tịch, có nhiều điềm lành xuất hiện. (1902-1959)
(12)
Vị Gyaltsap Tulku thứ mười hai, TRAKPA TENPAI YAPHEL, được Karmapa thứ mười sáu, Rangjung Rigpe Dorje xác nhận và tôn phong tại tu viện Tsurphu. Ngài được vị Gyalwa Karmapa đương nhiệm đưa ra khỏi Tây Tạng và hiện đang học ở tu viện Rumtek mới tại Sikkim. Ngài được tám tuổi (1967).
PHỤ LỤC (D): NHỮNG HÓA THÂN CỦA JAMGON KONGTRUL
(1)
Jamgon Kongtrul Tulku thứ nhất, LODRA TAYE, sanh năm con Chim Thủy (1813) tại Rong Chap thuộc tỉnh Derge, miền đông Tây Tạng. Sanh ra trong một gia đình theo đạo Bon. Ngài đã nhanh chóng hoàn thiện những giáo huấn. Kế đó ngài nhận được các sự thọ giới từ phái Nyingmapa và Kargyudpa và có nhiều vị thầy. Vị Situ Tulku thứ chín, Padma Nyingche Wangpo, xác nhận ngài là một Tulku của dòng Karma Kar-gyudpa. Ngài trở thành một môn đệ của ngài Gyalwa Karmapa thứ mười bốn.
Jamgon Kongtrul Tulku là một nghệ sĩ lỗi lạc và là một thầy thuốc xuất sắc. Ngài có hơn sáu mươi vị thầy và đã hoàn thiện môn y học. Vị Terton Chogyur Lingpa (1829-1870) gặp ngài và xác nhận ngài là một hóa thân của Bồ tát Văn Thù.
Lúc sinh thời ngài viết hơn chín mươi cuốn sách bao gồm toàn thể các ngành của văn hóa Tây Tạng. Ngài là truyền thừa trực tiếp của Thành tựu giả Krishnacharin và là một hóa thân của Thành tựu giả Avadhutipa. Ngài đã dành toàn bộ cuộc đời mình để ban những lễ nhập môn và giảng dạy những giáo huấn cho rất nhiều đệ tử, trong số đó có vị Gyalwa Karmapa thứ mười lăm là ngài Kha Chab Dorje, người được ngài nhận ra. Suốt cuộc đời ngài không bị bệnh lần nào. Ngài viên tịch vào năm tám mươi tám tuổi, giữa nhiều điềm báo quan trọng và tốt lành. Những đệ tử lỗi lạc nhất là Situ Tulku thứ mười, Trungpa Tulku thứ mười và Jamgon Mipham Rinpoche. (1813-1901)
(2)
Jamgon Kongtrul Tulku thứ hai, KHYENTSE OSER ở Palpung, được xác nhận bởi Karmapa thứ mười lăm. Ngài nhận toàn bộ giáo huấn từ Karmapa cũng như từ Trungpa Tulku thứ mười. Ngài dành hết phần lớn cuộc đời để thực hành thiền định và truyền dạy tất cả giáo huấn cho ngài Gyalwa Karmapa thứ mười sáu hiện tại. Ngài có rất nhiều đệ tử giỏi và ngài được biết đến như một Lạt ma xuất chúng. Ngài đã để lại những điều tiên tri về sự tái sanh của ngài. (1904-1953)
(3)
Jamgon Kongtrul Tulku thứ ba, LODRA CHOSKYI SENGE TENPAI GOCHA, sanh ở miền trung tâm Tây Tạng trong gia đình Sandu Sang giàu có. Những điều tiên tri để lại bởi vị Khongtrul Tulku tiền nhiệm phù hợp với sự sanh ra của ngài. Ngài được xác nhận là hóa thân mới, và được nhận những lễ truyền pháp và nhập môn. Ngài đào thoát an toàn sang Ấn Độ ngay sau khi có sự gia tăng chiến tranh của người Trung Hoa. Ngài đã được tấn phong tại tu viện cổ Rumtek lúc sáu tuổi và hiện đang tu học với Karmapa thứ mười sáu tại tu viện Rumtek mới. Hiện nay ngài được mười chín tuổi (1972).
PHỤ LỤC (E): CÁC HÓA THÂN CỦA PAWO
Pawo Tulku thứ nhất, CHOSWANG LHUNDRUP, là một Thành tựu giả, người có thể bay trên không và đi trên nước. Ngài được đặt tên là “Pawo,” nghĩa là “Người anh hùng,” bởi dân chúng địa phương.
Nhiều Pawo Tulku sau này là môn đồ của những Karmapa và nổi tiếng vì sự hiểu biết về “Sáu yoga.” Vị hóa thân hiện tại PAWO TSUKLAK NAWA, vào những năm sáu mươi tuổi, sống ở Bhutan và là một vị thầy dạy thiền định tại đây. Là một trong những hóa thân vĩ đại của dòng Kargyudpa. Ngài đã hoàn hảo “Sáu yoga” của Thành tựu giả Naropa và Đại Ấn. Dòng truyền thừa:
HẬU THÂN
Thứ I CHOSWANG LHUNDRUP (1440-1503)
Thứ II TSUKLAK TRENGWA (1504-1566)
Thứ III TSUKLAK GYAMTSO (1567-1633)
Thứ IV TSUKLAK KUNZANG (1633-1649)
Thứ V TSUKLAK TINLAY GYAMTSO (1649-1699)
Thứ VI TSUKLAK CHOSKYI DODRUP (1701- ?)
Thứ VII TSUKLAK GAWA (? -1781)
Thứ VIII TSUKLAK CHOSKYI GYALPO (? - ? )
Thứ IX TSUKLAK NYINGCHE (? -1911)
Thứ X TSUKLAK NAWA WANGCHUK (1912- )
PHỤ LỤC (F): NHỮNG LẠT MA CAO CẤP KHÁC CỦA PHÁI KARGYUDPA
TRUNGPA TULKU
CHOGAYAM TRUNGPA TULKU thứ mười một, sanh tại miền đông bắc Tây Tạng tháng 2 năm 1939. Ngài là Viện trưởng tối cao của Đại tu viện Surmang, được xây dựng ở thời kỳ hóa thân thứ nhất của ngài là Thành tựu giả Trung Mase. Hóa thân hiện nay được xác nhận bởi ngài Gyalwa Karmapa thứ mười sáu, ngài đã nhận được từ vị này nhiều lễ nhập môn và giáo huấn quan trọng. Sau khi tới Tây phương, ngài đã thành lập trung tâm tu viện Samye Ling Tây Tạng ở Scotland. Hiện nay ngài đang ở Mỹ, ở đây Ngài vừa thành lập hai trung tâm Phật giáo mới quan trọng.
Dòng truyền thừa:
1. KUNGA GYALTSEN
2. KUNGA ZANGPO
3. KUNGA OSEL
4. KUNGA NAMGYAL
5. TENZIN CHOGYAL
6. LODRO TENPHEL
7. JAMPAL CHOGYAL
8. GYURME TENPHEL
9. KARMA TENPHEL
10. CHOSKYI NYINJE
11. CHOSKYI GYAMTSO
KALU RINPOCHE
KALU RINPOCHE thứ hai có một tu viện tại Sonada gần Darjee-ling và đã hai lần thăm Âu Châu, Canada và Châu Mỹ. Ngài thành lập một số Trung tâm Phật Pháp và Thiền định mới. Ngài là một vị thầy xuất sắc, đặc biệt về “Sáu yoga” của Thành tựu giả Naropa.
SANGYE NYENPA TULKU
Sangye Nyenpa Tulku thứ nhất, DEMA DRUPCHEN, là một Thành tựu giả vĩ đại. Ngài là vị thầy chính của Mikyo Dorje, vị Gyalwa Karmapa thứ tám. Tất cả những hóa thân sau đó của ngài đều là những vị thầy và các nhà du già (yogi) suất sắc, nổi tiếng do thi triển những thần thông khác thường. Hóa thân thứ mười hiện nay của ngài chín tuổi (1970) và sống ở tu viện Rumtek mới ở Sikkim.
PONLOP RINPOCHE
Vị PONLOP TULKU thứ nhất là một Thành tựu giả của truyền thống Nyingmapa. Hóa thân thứ tư của ngài, Je Won Ponlop, sanh trong một gia đình Nyingmapa. Ngài du hành đến tu viện Tsurphu và nhận những giáo huấn Kargyudpa từ người anh cả là một thiền sư ở đây. Ngài trở nên thành viên của dòng Karma Kargyudpa và là một vị Lạt ma xuất sắc. Ngài viên tịch ở tu viện Rumtek cũ năm con Cọp Thủy. (1962)
Vị Ponlop Tulku thứ năm, SUNGRAB NGEDON TENPE GYALTSEN, sanh tại tu viện Rumtek mới, lúc rạng đông ngày 26 tháng 4 năm con Rắn Mộc (1965), là con trai của viên Tổng thư ký của tu viện. Sự ra đời của ngài phù hợp với một tiên đoán của đức Gyalwa Karmapa thứ mười sáu, và việc công nhận ngài được đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn chứng minh. Ngài được tôn phong tại Rumtek, nơi ngài đang theo học. Hiện ngài được bảy tuổi (1972).
HAI VỊ KHYENTSE RINPOCHE
TRONGSAR KHYENTSE WANGPO, vị hóa thân thứ ba, hai mươi sáu tuổi (1972). Ngài sống ở Madhya-Pradesh, Ấn Độ.
DELGO KHYENTSE RINPOCHE, vị hóa thân thứ hai, năm mươi tám tuổi (1972). Ngài sống ở tu viện Kichu, Bhutan.
DRU PON RINPOCHE
Vị DRU PON TULKU thứ hai, hiện theo học tại Rumtek, Sikkim, bảy tuổi (1972).
DABZANG RINPOCHE, là một hóa thân của Gampopa, ngài sống ở Nepal, bốn mươi lăm tuổi (1972).
KHENPO TRANGU, vị hóa thân thứ tám, bốn mươi tuổi, ngài là Tu viện trưởng của tu viện Rumtek mới.
SABCHU RINPOCHE, vị hóa thân thứ ba, bốn mươi bảy tuổi, sống ở Kathmandu, Nepal.
TRALEG RINPOCHE, vị hóa thân thứ chín, hiện mười tám tuổi, sống ở Sarnath, Ấn Độ.
DORJE LOPON TENGA RINPOCHE, vị hóa thân thứ hai, bốn mươi mốt tuổi, sống ở Rumtek.
TRUNGRAM GYALDRUL RINPOCHE, hóa thân thứ ba, năm tuổi, sống ở Rumtek.
AKONG RINPOCHE, hiện đang điều hành trung tâm Samye Ling Tây Tạng ở Scotland. Là đệ tử của ngài Karmapa, ngài từng là Viện trưởng của Tự viện Dolma ở gần Chamdo. Ngài là hóa thân thứ hai.
PHỤ LỤC (G): MINH HỌA NHỮNG PHÂN PHÁI TRONG DÒNG KARGYUDPA
(I) PHÁI DRUKPA
Phái Drukpa Kagyud bao gồm ba chi phái: đỉnh, giữa và đáy.
Ngành đỉnh: được sáng lập bởi ngài Gyalwa Ling Repa, người đã truyền các giáo huấn cho Drogon Tsangpa Gyare (người sáng lập hệ phái Tsangpa). Ngài lại truyền cho Go Tsangpa Gonpo Dorje. Vị này có người đệ tử lỗi lạc nhất là Thành tựu giả Urgyenpa (vị thầy của Karmapa thứ ba). Ngài Urgyenpa truyền pháp cho đệ tử là Gyalwa Yang Gonpa. Ngành này được biết đến như là “Namkhye Karma” hay “Ngôi sao của thiên giới.” Ngành này rất lớn.
Ngành đáy: được sáng lập bởi Thành tựu giả Lorepa, người đến Bhutan và gặp Tsangpa Gyare ở đó. Từ vị này, ngài nhận được toàn bộ các giáo huấn vào lúc bảy tuổi. Năm mười ba tuổi ngài đến Khara và thiền định ở đó trong ba năm. Ngài du hành đến Nam Tso, ở đó có một hòn đảo ở giữa một cái hồ. Trên đảo có hai hang động. Ngài dùng để đi sâu vào thiền định, ngài chỉ có một số bột mì và phải ăn cả áo quần bằng da thú, tuy thế ngài đã có thể trải qua nhiều năm tại đây và cuối cùng đạt đến sự viên mãn. Một mùa hè, ngài đã thi triển một phép thần thông là làm một con đường bằng băng giá từ đảo đến bờ. Khi ngài đi trên đó, một người chăn cừu nhìn thấy, băng tan ra ở phía sau ngài, vì thế danh tiếng ngài lan truyền đi xa. Ngài có khoảng một ngàn đệ tử và sáng lập hai tu viện, Karpo Chos Ling (ở Tây Tạng) và Tarpa Ling (ở Bhutan). Ngài viên tịch năm sáu mươi tư tuổi, năm con Chó Kim (1250). Ngành này được biết với tên “Sayi Tsi Shing” hay “ba nhánh.”
Ngành giữa: được sáng lập bởi Wonres Dharma Senge, cháu của Tsangpa Gyare, sanh vào năm con Chim Hỏa (1177). Ngài nhận lễ thọ giới và nhập môn từ người chú. Ngài tiên đoán sắp xảy ra một trận lụt và đã chặn đứng cơn lụt bằng cách để lại dấu chân trên tảng đá ở phía trước Đại tu viện Ralung. Sau đó, ngài sửa sang lại tu viện, xây cất nhiều thánh điện mới và đúc nhiều tượng lớn. Ngài viên tịch năm sáu mươi mốt tuổi và có tám người kế thừa đảm đương tu viện là:
1. Zhonu Senge
2. Nyima Senge
3. Senge Sherab
4. Senge Nyinche
5. Chosje Senge Gyalpo
6. Jambyang Kunga Senge
7. Lodru Senge
8. Sherab Senge
Anh của ngài Sherab Senge, trải qua năm mươi năm là người lãnh đạo tinh thần của họ và được kế tục bởi:
DRUKCHEN RINPOCHE thứ nhất: Ngài Gyalwang Kunga Paljor, sanh năm con Khỉ Thổ (1368). Ngài là vị thầy đầu tiên của phái Drukchen Chyabgon thuộc dòng Karma Kargyupa và nhận được toàn bộ Đại Ấn từ Thành tựu giả Namkhi Naljor và các vị thầy khác. Ngài nhận từ vị thầy De Ringpa các giáo huấn về Luận lý và Trung quán. Từ ngài Changchub Pal, ngài nhận sự nhập môn Hevajra và Đại Huyễn (Mahamaya). Ngài trải qua sáu năm ở tu viện của Je Gampopa và sau đó đi tới Ralung, nơi ngài kế tục chức Tu viện trưởng. Năm năm mươi chín tuổi, ngài tiên tri về hóa thân tương lai của ngài. Ngài có một người cháu tên là Ngawang Choskyi Gyalpo, vị này có nhiều vị thầy và trở nên một học giả tài giỏi.
Ngài Drukchen Rinpoche thứ nhất thiền định ở tu viện Ralung trong chín năm, tự hoàn thiện và trở thành một Thành tựu giả. Ngài là một hóa thân của Marpa và ngài đã hộ trì để Giáo Pháp được phổ biến rộng rãi. Ngài viên tịch năm bảy mươi sáu tuổi.
DRUKCHEN RINPOCHE thứ hai: Ngài Jambyang Choskyi Trakpa sanh tại Jayul phù hợp với sự tiên đoán của vị tiền nhiệm. Ngài trở thành đệ tử của ngài Ngawang Choskyi Gyalpo, nhận nhiều giáo huấn và nhập môn từ ngài Shamar Tulku và Gyalwa Karmapa. Sau khi viên mãn sự thiền định, ngài trở thành một Thành tựu giả, để lại nhiều dấu chân vĩnh cửu trên các tảng đá và có thể ngồi trên không trong tư thế hoa sen của một vị Phật. Phù hợp với những giảng dạy của Dakini Sukha- siddhi, ngài thành lập tu viện Tashi Thong Mon Ling. Ngài thi triển nhiều thần thông và viên tịch lúc bốn mươi lăm tuổi.
DRUKCHEN RINPOCHE thứ ba: Ngài Padma Karpo sanh năm con Heo Hỏa (1527). Ngài có nhiều vị thầy và nhanh chóng trở thành một Thành tựu giả. Ngài sáng lập tu viện Sang Nga Chos Ling và viết nhiều cuốn sách. Các đệ tử lỗi lạc của ngài là: Thuchen Chosgon và Yongdzin Ngawang Zangpo, người sáng lập đại tu viện Dechen Choskhor Ling.
DRUKCHEN RINPOCHE thứ tư: Ngài Mipham Wangpo. DRUKCHEN RINPOCHE thứ năm: Ngài Paksam Wangpo. DRUKCHEN RINPOCHE thứ sáu: Ngài Tinlay Shingta.
DRUKCHEN RINPOCHE thứ bảy: Ngài Kunzig Chosnang DRUKCHEN RINPOCHE thứ tám: Ngài Jigme Migyur Wangyal. DRUKCHEN RINPOCHE thứ chín: Ngài Mipham Choskyi Wangpo. DRUKCHEN RINPOCHE thứ mười: Ngài Khedrup Yeshe Gyamtso.
DRUKCHEN RINPOCHE thứ mười một: Ngài Jigme Migyur Wangkyi Dorje, vị hóa thân hiện tại, người được tiên tri và công nhận bởi đức Gyalwa Karmapa thứ mười sáu. Lễ tôn phong của ngài được cử hành tại tu viện Do Tsuk ở Darjeeling. Hiện ngài chín tuổi (1972) và đã biểu tỏ những năng lực tiên tri. Tu viện của ngài ở vùng Mem tea, phía dưới Sukhia Pokhri ở quận Darjeeling.
(II) PHÁI KHAM
KHAMTRUL RINPOCHE thứ nhất: Ngài Karma Tenphel (1598-1638) là đệ tử của ngài Yongdzin Ngawang Zangpo (ngài còn có hai đệ tử quan trọng khác là Taktsang Repa ở Ladakh và Dorzong Kunchok Gyalpo ở miền Viễn Đông Tây Tạng). Là một vị thầy vĩ đại, ngài lập ra một dòng hóa thân.
KHAMTRUL RINPOCHE thứ hai: Ngài Kunga Tenphel (1639-1679) có một đệ tử xuất sắc là Dzigar Sonam Gyamtso, vị DZIGAR CHOKTRUL RINPOCHE thứ nhất.
KHAMTRUL RINPOCHE thứ ba: Ngài Kunga Tenzin (1680-1729) là đệ tử của ngài Dzigar Choktrul Ripoche thứ nhất. Ngài sáng lập ra tu viện Khampa Gar ở miền đông Tây Tạng.
KHAMTRUL RINPOCHE thứ tư: Ngài Choskyi Nyima (1730-1780). KHAMTRUL RINPOCHE thứ năm: Ngài Dupjud Nyima (1781-1847). KHAMTRUL RINPOCHE thứ sáu: Ngài
Tenpai Nyima (1847-1907). KHAMTRUL RINPOCHE thứ bảy: Ngài Sangye Tenzin (1908-1929). KHAMTRUL RINPOCHE thứ tám: Ngài Donjud Nyima sanh năm 1930 là vị hóa thân hiện tại, sống ở Tashijong (Himachal Pradesh) là nơi ngài thành lập một trung tâm Nghệ Thuật và Thủ công nghệ Tây Tạng.
Dòng phái được tiếp nối tới ngài Jigme Gocha, hóa thân thứ chín. Ngài sống ở tu viện Rumtek mới ở Sikkim, mười một tuổi.
(III) PHÁI BHUTAN
Ứng hợp với một tiên tri của ngài Drogon Tsangpa Gyare, đệ tử của ngài là Sangye Won đào tạo được một đệ tử tên là Phajo Drogon, người sẽ đi tới Bhutan. Ở đây ngài sáng lập tu viện Tan Go và truyền bá Giáo Pháp rộng rãi.
(IV) PHÁI DRIGUNG
Sáng lập bởi ngài Jigten Sumgon ở tỉnh Khams, là đệ tử của Lạt ma Phagmo Guru Dorje Gyaltsen (một đệ tử của ngài Je Gampopa). Ngài thành lập tu viện Drigung năm 1179 và có nhiều đệ tử xuất sắc, người lỗi lạc nhất trong số đó là Lạt ma Nyeu, sanh tại Lhanang năm con Khỉ Mộc (1164). Ngài nhận được tất cả giáo huấn từ ngài Jigten Gonpo (người cũng được biết đến với tên Rinchen Pal). Rồi ngài du hành tới núi Kailash ở miền tây Tây Tạng, ngài thiền định ở đây ba mươi tư năm. Ngài đạt tới sự viên mãn và trở thành một đại Thành Tựu Giả. Nhiều đệ tử của ngài cũng thành tựu như vậy. Vị thầy vĩ đại khác của phái này là ngài Kadampa Chosje, sanh ở tỉnh Khams năm con Chó Kim (1190). Ngài được nhận sự nhập môn từ ngài Jigten Gonpo và nhanh chóng đạt tới sự viên mãn. Ngài lập ra các tu viện Lung Shok và Rinchen Ling.
“Những hành giả Drukpa,
Một nửa những hành giả Drukpa là những khất sĩ khổ hạnh,
Một nửa những khất sĩ khổ hạnh là những vị Thánh.”
(Tục ngữ dân gian Tây Tạng)