CHƯƠNG XII: KARMAPA CHANGCHUB DORJE (1703-1732)
Karmapa thứ mười hai, CHANGCHUB DORJE, sanh ra ở vùng Dege xứ Kham năm con Cừu Thủy (1703). Phù hợp với lá thư báo trước, chỗ sanh của ngài bên cạnh Sông Vàng (Yangtse). Trước khi Ngài sanh ra không lâu, cha ngài là sở hữu chủ một lò làm gốm, được Terton Minjur Dorje báo rằng có một sự kiện tốt lành sắp xảy ra trong gia đình ông. Gia đình ngài là hậu duệ của Vua Trisong Detsun.
Khi hai tháng tuổi, Changchub Dorje thốt ra: “Tôi là Karmapa.” Tin tức về chuyện này và sự tin chắc của Minjur Dorje rằng đứa bé là hậu thân của Karmapa mới khiến Shamar thứ tám gởi một phái đoàn tìm kiếm để xét nghiệm đứa bé. Đoàn được đưa đến nhà em do chính Terton Minjur Dorjer hướng dẫn. Changchub Dorje làm hài lòng các đại diện. Sau đó, em bé được đặt pháp danh là Changchub Dorje bởi Shamar Rinpoche. Thưở nhỏ, ngài đã được chỉ dạy bởi vài thiền sư và học giả có tiếng, như Situ Chokyi Jungnay, Tsuglak Tenpi Nyingje và Nyenpa Tulku. Năm lên bảy, ngài đến Karma Gon. Sau đó, ngài đến Kampo Gangra, ở đó ngài hành thiền mãnh liệt. Từ đó, ngài đi đến tỉnh Nangchen.
Trên đường đi đến Tsurphu, vị Karmapa nhỏ tuổi hành hương đến các hang động ở Baram, nơi Baram Darma Wang-chuk đã ẩn tu. Barampa là một đệ tử thân thiết của Gampopa và đã lập nên phái Baram Kagyu.
Cuối cùng, đoàn của ngài đến Tsurphu, ở đây ngài tiếp tục việc học. Tính chất tâm linh bẩm sinh của ngài biểu lộ trong các giấc mơ. Ngài có một sự thân quen với giáo huấn Kalacakra Tantra và một đêm, ngài mơ thấy mình đến Sham-blaha, ở đó ngài nhận sự truyền pháp và kinh điển Kalacakra từ Vua Rigden của Shamblaha, vị thống lĩnh của dòng giáo pháp Kalacakra.
Thời gian cuộc đời của Karmapa thứ mười hai lại là một giai đoạn rối ren. Người Mông Cổ Dzungarian tấn công miền trung Tây Tạng, giết chết Lapzang Khan, Minling Lotsawa Dharma Sri, Padma Gyurme Gyaltsho và nhiều vị thầy vĩ đại khác của phái Nyingma. Trong bốn năm xung đột, nhiều tự viện bị phá hủy, gồm cả Mindroling và Dorje Drag. Thánh tích và kho tàng bị cướp đi và lối vào các hang động của Padmasambhava bị bít kín.
Khi Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy, Kalzang Gyaltsho từ Kham trở về, các người xâm lăng rút lui. Changchub Dorje đến viếng Kalzang Gyaltsho, cúng dường ngài nhiều phẩm vật và nhận được sự ban phước của ngài.
Khi Karmapa trở về Tsurphu, ngài được Katok Tsewang Norbu thăm viếng, và trao truyền cho ông Sáu Yoga của Naropa và Đại Ấn. Vị Lạt ma này là một thiền sư nổi tiếng và là Terton của dòng Katok Nyingma. Đáp lại, ông cũng dạy cho ngài giáo lý Nyingma.
Karmapa lên đường hành hương các thánh địa của Nepal. Trong đoàn của ngài có Shamar Rinpoche, Situ Rinpoche và Gyaltshap Rinpoche thứ bảy. Đoàn được tiếp đón ở Kathmandu bởi vua Jagajayamalla. Trong thời gian ở Nepal, ngài viếng thăm Yanglayshod, nơi Guru Padmasambhava thành tựu thiền định về Vajrakilaya để hủy diệt mọi chướng ngại cho hoạt động Từ Bi của mình. Ở đây, Karmapa và đoàn cử hành các thực hành tâm linh về Padmasambhava trong hình dáng hung nộ, và như thế, làm mới các mối liên kết với vị Guru “Liên Hoa Sanh.”
Một dịch cúm bùng nổ ở Kathmandu và ngài được yêu cầu giúp đỡ. Trước tiên, ngài đề khởi sự thực hành về Quán Thế Âm, và sau khi làm trong sạch hóa một lượng nước với tâm Đại Bi của đức Quán Âm, ngài cùng các Lạt ma khác trong đoàn, ban phước cho vùng đất trong lễ tẩy tịnh bằng nước. Nạn dịch được chấm dứt và nhà vua làm một lễ hội tuyên dương ngài. Sau đó, ngài cùng với Shamarpa và Situ Rinpoche du hành đến Kusinagara miền bắc Ấn, nơi đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn. Suốt chuyến đi, tài năng học giả biện luận của Situ Rinpoche gây ấn tượng mạnh mẽ với các pháp sư Ấn Độ đến thăm viếng và tranh biện với ông. Nhiều vị trở thành đệ tử của ông, đó là kết quả của sự thành thạo về triết học và ngôn ngữ của ông.
Trên đường trở về Tây Tạng, Karmapa và đoàn của ngài thăm một cái động gần núi Jomo Gangkar, nơi Lesom Gendun Bum, nữ đệ tử chánh của Milarepa, đã nỗ lực hành thiền. Rồi đoàn thăm núi Kailasa, nơi nổi danh là một cảnh quan tâm linh của Cakrasamvara. Lúc này Changchub Dorje nhận một lời mời thăm Trung Hoa từ nhà Vua Jung Ching. Ngài quyết định nhận lời và cùng với Shamarpa, Situpa và Gyaltshapa đi dần về Tsurphu.
Đến Tsurphu, Karmapa không lên đường qua Trung Hoa ngay. Ngài đi ẩn tu và rồi viếng thăm Lhasa và du hành đến nam Tây Tạng, chỉ dạy cho nhiều người. Ngài gặp Surmang Trungpa Rinpoche, trao truyền Đại Ấn và Sáu Yoga của Naropa.
Karmapa trao quyền cho Situ Chokyi Jungnay coi sóc phái Karma Kagyu trong thời gian thăm Trung Hoa. Situ Rinpoche yêu cầu ngài hoàn tất mọi văn bản mà Karmapa và Shamarpa đã khởi công. Năm 1725, sau khi ban cho Situpa vài cuộc truyền pháp, ngài và Shamar Rinpoche lên đường đi Trung Hoa. Khi đoàn đến tỉnh Amdo, Karmapa cử hành một buổi lễ đặc biệt cho hòa bình thế giới. Sau này, ngài tiến hành một buổi lễ khác ở hồ Kokonor.
Khi đến Trung Hoa, Karmapa ban cho sự chỉ dạy và các buổi truyền pháp, đặc biệt là pháp Vajrapani, hiện thân của năng lực Phật tánh. Ngài gặp gỡ với các nhà cầm quyền của các lãnh thổ ngài đi qua và thảo luận Phật pháp với họ. Cuối cùng đoàn đến Lan Chu năm 1732, nơi đây ngài thăm chùa Tara và Quán Thế Âm, cũng như các chùa Lão giáo. Khi ở Lan Chu, ngài mắc bệnh đậu mùa. Ngài gởi một lá thơ báo các chi tiết của lần tái sanh tới cho Situ Rinpoche. Ngày 30 tháng 10 năm con Chuột Thủy (1732) ngài ra đi.
Các đệ tử chính là Situ Chokyi Jungnay, Pawo Tsuglak Dondrup và hậu thân của ông này là Drukchen Kagyu Thinley Zingta.